Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Hãy gọi đích danh kẻ xâm lược

Mấy ngày nay cả nước lại có dịp ôn lại khí thế hào hùng của thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ. Những thước phim, vở kịch và rất nhiều bài ca "đi cùng năm tháng" lại được đem ra trình diễn mặc dù đến nay hầu hết những người anh hùng năm xưa đã lần lượt về cõi vĩnh hằng trong khi các mối quan hệ Việt-Pháp, Việt-Mỹ đã chuyển sang trang hữu nghị hợp tác hoàn toàn mới. 

Vẫn biết dù sao việc nhắc lại quá khứ là điều cần thiết. Nhưng liệu có công bằng không khi chỉ nhắc lại hai kẻ thù Pháp, Mỹ mà không nhắc gì đến một kẻ xâm lược đã và đang trực tiếp đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mà vì nó hàng vạn anh hùng liệt sĩ và thường dân đã hy sinh đến nay vẫn là "vô danh"? Và điều quan trọng hơn là, cách thể hiện thiên lệch đó chắc chắn đã và đang gây ra những sự hiểu nhầm không cần thiết đối với thế giới và cả đối với kẻ thù, đồng thời khoét sâu thêm nỗi bức xúc trong dân chúng, đặc biệt những gia đình có con em đã hy sinh trong sự nghiệp chống quân bành trướng xâm lược Trung Quốc. Liệu điều này có lợi cho ai?

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Tôi đi tập kết

Nhân dịp "Kỷ niệm 60 năm ngày Học Sinh miền Nam trên đất Bắc" vừa được tổ chức tại Hà Nội, chủ blog tôi mạn phép đăng lại một ký ức về thời kỳ đáng ghi nhớ đó (trích từ "Tản mạn cuộc đời tôi")   

Vào một ngày se lạnh cuối năm 1954 cha tôi đi họp về thông báo vắn tắt với cả nhà rằng ông sẽ phải "đi tập kết" ra miền Bắc ngay trong vài ngày tới. Ông cũng bảo chị Hai hoặc tôi cũng có thể đi sau nếu muốn. Riêng ông cần phải đi trước khi  "đối phương” tiếp quản chính quyền ở địa phương.

Lúc đó là đứa trẻ 9 tuổi tôi chỉ hiểu láng máng có một hiệp định đình chiến  vừa được ký kết, theo đó sẽ tạm thời chia cắt đất nước làm hai miền Bắc và Nam, quê tôi thuộc miền Nam nên những người thuộc  “phe ta” sẽ phải tập kết ra miền Bắc trong khi “phe địch” tập kết vào miền Nam, đợi 2 năm nữa sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng sự thật sau này đã diễn ra hoàn toàn không đơn giản như vậy. 

Mẹ chỉ kịp chuẩn bị vài thứ để Cha lên đường. Trong khi cả nhà tôi không ai thích thú gì chuyện đi tập kết thì tôi không hiểu vì sao đã "tự quyết" sẽ ra đi. Có lẽ vì tôi đã tin rằng được đi xa là điều rất thú vị, hơn nữa chỉ 2 năm sau quay về thì có gì phải lo!  Riêng mẹ tôi dĩ nhiên  không bao giờ chịu đi đâu cả dù bất cứ điều gì xảy ra; đối với bà đó là một nguyên tắc bất di bất dịch. Sau này tôi càng hiểu rõ hơn tại sao bà không đi tập kết; đó là ruộng vườn, mồ mã, ông bà tổ tiên, là nơi chôn rau cắt rốn đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Hơn nữa , đối với công tác chung, Mẹ ở lại thuận lợi hơn nhiều người khác. Thực tế đấu tranh trong 20 năm chia chia cắt đất nước cho thấy lựa chọn của Mẹ là đúng.  Mặc dù chính quyền  biết Mẹ là đảng viên có chồng con  tập kết ra Bắc nhưng không thể làm gì hơn ngoài việc bắt giam bà một thời gian rồi thả ra. Trong bất cứ hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn bà vẫn luôn  là chỗ dựa tin cậy của cơ sở cách mạng ở địa phương. Căn nhà của gia đình tôi vốn đã nhiều lần bị phá hủy luôn là nơi che chở của nhiều cán bộ, chiến sĩ, trong đó có nữ Bác sĩ  Đặng Thùy Trâm ngay từ những ngày đầu mới đặt chân vào chiến trường Đức Phổ. (Bà chính là người mà chị Trâm gọi là  "Mẹ"  trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm).          

Vậy là tôi đã rất lấy làm phấn chấn khi được Mẹ và chị Hai đồng ý cho đi theo đoàn người tập kết ra Bắc. Có lẽ một phần vì Mẹ biết sẽ có chị Hương con bác Bốn đi cùng và khi ra miền Bắc sẽ có Cha ngoài đó rồi. Thế là cả nhà sắp xếp quần áo và vài thứ đồ dùng đơn giản trong một chiếc ba lô nhỏ để tôi mang theo. Mẹ gọi thợ  ảnh ngoài phố huyện đến nhà chụp một tấm ảnh mà sau này trở thành vật kỷ niệm vô giá đối với gia đình tôi trong những năm đất nước chia cắt. Đó là tấm ảnh chụp cả nhà dưới gốc cây dừa non phía trước nhà. Trong bức ảnh có một chi tiết tôi nhớ mãi, đó là đúng lúc  người thợ ảnh bấm máy thì chú Lai con út trong nhà lúc đó chưa đầy một tuổi bỗng dưng tè một phát, Mẹ tôi chỉ kịp lấy tay che lại. Trong bức ảnh đó tôi mặc bộ quần sọt và áo sơ mi mới được mẹ mua cho sau nhiều lần tôi khóc đòi bằng cách nói lái "quàng -sực- ý-sa-mao" (quần sọt áo sơ mi). Bức ảnh có chị Hương con bác Bốn nhưng không có mặt Cha tôi vì ông đã ra Bắc vài ngày trước. Tấm ảnh này là kỷ niệm duy nhất còn lại của sự đoàn tụ tương đối đầy đủ nhất của gia đình tôi trong thời kỳ chia cắt đất nước.   

Thoáng cái  đã đến lúc lên đường. Tôi hớn hở vô tư xách chiếc ba lô chạy theo đoàn người đi bộ ra thị trấn Đức Phổ. Số người đưa tiễn rất đông, tất nhiên có cả Mẹ và chị Hai trong đó. Tôi nhớ rõ lúc ấy không hề có cảm giác lo buồn hay do dự, chần chừ...  mà chỉ thấy háo hức ra đi với một niềm tin tất nhiên sẽ có ngày trở lại, đâu có biết rằng chuyến đi ấy là một bước ngoặc quan trọng như thế nào đối với cuộc đời tôi với một thời kỳ ly biệt gia đình kéo dài hơn 20 năm liền sau đó. Đó cũng là tình trạng chia cắt của hàng vạn gia đình miền Nam tập kết ra miền Bắc thường được mô tả trong rất nhiều tác phẩm văn thơ, âm nhạc, hội họa một thời.

Tháng 12/1954 tại Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi 
Họ Trần gặp nhau tại Hà Nội cuối năm 1955




















Đoàn người tập kết đợt ấy gồm chủ yếu trẻ em trên  dưới 10 tuổi được biên chế thành nhiều nhóm nhỏ có người lớn kèm cặp. Biết cùng đi có chị Hương, nhưng tôi đã dường như không hề có ý thức sẽ dựa dẫm vào chị ấy, và có lẽ đó  là dấu hiệu đầu tiên của tính tự lập mà sau này tôi thấy ngày càng rõ như một bản năng trong tôi vậy. 

Vào quảng 1 giờ chiều cả đoàn lên xe cam-nhông-ray (một loại xe bánh sắt chạy trên trên đường sắt thời đó) và đến Quy Nhơn quảng 7-8 giờ tối . Chúng tôi được đưa đến một khu nhà rất rộng giống như nhà kho ở cảng. Nhà không chia thành phòng nhỏ mà chỉ có một phòng to bên trong kê toàn dát gường hoặc phản gỗ san sát với nhau;  mỗi người được phân  cho một lô có  chiếu và một tấm mền mỏng. Buổi tối đèn điện sáng choang khiến không khí rất vui vẻ. Sau khi ổn định chỗ ở thì có những tiếng khóc đây đó của những người nhớ nhà. Sau bữa cơm tối tập thể, mọi người được yêu cầu đi ngủ sớm nhưng ít ai ngủ được ngay, nhiều người tranh thủ ra phố dạo chơi, và tôi cũng đi theo họ. Đó là lần đầu tiên tôi được đi dạo phố cảng Quy Nhơn nên cảm thấy rất thích thú. Thích nhất là chỗ nào cũng có ánh sáng điện không tối như ở quê.

Sau 3 ngày thì có một chiếc tàu thủy đến đón. Mọi người gọi nó là “tàu há mồm” của nước bạn Ba Lan. Đúng là chiếc tàu chỉ có một cánh cửa rộng mở về phía bờ giống như miệng cá vậy. Chúng tôi xếp hàng kéo nhau chui vào cái mồm đang mở hết cỡ của nó và cứ thế đi vào bụng nó. Hai bên cửa và dọc sườn tàu có những chú lính thủy cao lớn, da trắng tóc vàng mắt xanh mũi lõ trông lạ lẫm và oai phong. Mỗi khi có ai trượt ngã hay mang vác cái gì nặng thì lập tức họ đến giúp. Bên trong tàu khá rộng nhưng ít giường nằm và những băng ghế gỗ gắn xung quanh. Mọi người có thể ngồi hoặc nằm ngay trên sàn tàu. Tôi thấy như vậy cũng là tốt lắm rồi, nhưng còn phải đợi xem mình sẽ có bị say sóng không đã. Trước khi đi mọi người nói nhiều về say sóng làm  tôi cũng thấy lo lo.

Không đầy 1 giờ sau, mọi thủ tục đã xong, mồm chiếc tàu từ từ khép lại và bên trong nó giống như một cái hầm khổng lồ. Con tàu nhổ neo ra khơi chòng chành lắc lư… Tôi thấy một số người lớn đứng bên trên cùng với các chú thủy thủ; họ nhìn ra ngoài chỉ trỏ, vẫy tay. Con tàu  nhanh chóng ra khơi và  không khí trong tàu trở nên trầm lắng buồn hẳn đi. Lúc đó tôi thấy tiếc là vừa rồi đã không lên đứng trên boong để nhìn xem con tàu đã rời bến như thế nào.

Tàu đi được quảng 40 phút thì tôi bắt đầu có cảm giác buồn nôn. Đúng là sự chòng chành  của nó khiến tôi thấy mình như bị nâng lên hạ xuống, chao đảo liên tục. Có lẽ gần nửa số người trên tàu đều lần lượt bị say sóng. Người nôn ọe, kẻ cố kìm nén … Nôn mửa thì tôi đã biết, nhưng nôn mửa do say sóng thì đây là lần đầu. Nó thật khó chịu làm sao; đầu nặng như búa bổ, trong bụng dù không còn gì mà vẫn phải nôn ọe thật khó chịu, đúng như người ta nói  nôn cả mật xanh, miệng đắng ngắt. Cũng may mà sau đó tôi đã ngủ thiếp đi để không còn biết cảm giác trời đất gì nữa. Có lẽ mãi đến trưa ngày hôm sau tôi mới tỉnh dậy trong tiếng ồn ào của mọi người và luồng ánh sáng tràn vào từ trên boong tàu. Chỉ đến lúc này những người say sóng mới lấy lại được bình tĩnh và thấy đói bụng.  Cũng như họ, tôi  mở túi lấy một vài thứ để ăn cho đỡ đói và đỡ buồn. Không khí trong khoang tàu bắt đầu trở nên vui vẻ hơn và mấy chú lính Ba Lan cũng bắt đầu nháy mắt thân thiện với mọi người. Hồi đó tôi chưa biết thế nào là đi du lịch nhưng bây giờ nhớ lại thấy đó cũng giống như một cuộc đi du lịch đường biển vậy thôi, chỉ khác chăng là không mất tiền mua vé nên không được ngồi hoặc nằm trong các cabin tiện nghi như bây giờ!

Hôm đó, dù vẫn còn sợ say sóng, tôi đã cố leo lên boong tàu để ngắm biển. Biển xanh mênh mông không thấy bến bờ thật đẹp làm sao! Trước mắt tôi hoàn toàn một cảnh tượng khác hẳn với những gì tôi đã thường thấy quanh nhà mình: không đồng ruộng, không cây cối và không bị che khuất bởi các dãy núi, tất cả chỉ là một màu xanh biếc dính liền với màu xanh nhạt hơn ở tận cùng của nó. Tôi tự hỏi không biết cái gì ở tận cuối cùng kia, sao đi mãi vẫn không tới ? Đẹp lạ lùng nhất là khi mặt trời lặn; một quần lửa đỏ rực từ từ chui xuống mặt biển nước xanh đen thật kỳ diệu! Tôi định bụng sáng mai nhất định phải lên xem mặt trời mọc thế nào.  Thế nhưng đêm đó tôi lại đã ngủ quá say, khi tỉnh dậy mặt trời đã lên cao nên không thể so sánh với lúc nó lặng hôm qua. Tiếc thật! Thời gian còn lại của chuyến đi tàu ấy thật là thú vị. Sau lần say sóng ngày đầu tiên, tôi đã không say nữa,  nhờ thế mà cảm nhận được sự thú vị của chuyến đi. Cho đến nay mà nói, đó vẫn là chuyến đi biển dài ngày nhất của tôi.

Có lẽ sau gần đúng 3 ngày 2 đêm thì tàu chúng tôi đến một nơi mà sau này tôi mới biết là bến Cửa Lò thuộc tỉnh Nghệ An. Tàu to quá không thể cập sát bờ được mà phải thả neo đậu lại cách bờ khá xa. Ngay lúc đó tôi thấy có hàng chục chiếc thuyền buồm cập sát hai bên sườn tàu. Họ đến để “trung chuyển”  chúng tôi lên bờ. Những người thủy thủ Ba Lan ra hiệu cho chúng tôi nhanh chóng thu gom hành lý và xuống tàu. Lúc này tàu không mở cửa  theo kiểu  há mồm như  khi đậu ở cảng Quy Nhơn nên chúng tôi phải trèo lên boong  sau đó phải đi thang dây để xuống các thuyền nhỏ đang cặp sát bên dưới. Lúc đầu mọi người thoáng thấy lo ngại: đi được lên boong tàu đã khó, đi xuống còn bằng thang dây du đưa lại còn khó hơn. Ngay lúc đó những người lính Ba Lan đã nhanh chóng dẫn dắt từng người một để thực hiện được từ đầu đến cuối quá trình  trung chuyển ngoạn mục đó. Ai khỏe và nhanh nhẹn thì họ chỉ dìu dắt là đi được, ai yếu hoặc dút dát thì họ bế thốc lên và chuyền tay nhau đưa đi như một đồ vật một cách êm nhẹ và an toàn tuyệt đối. Bọn trẻ chúng tôi đa số thuộc loại “đồ vật” như thế! Một lúc sau tôi đã thấy mình ngồi trên một chiếc thuyền buồm với vài chục người khác. Mọi việc nhanh đến mức không còn thời gian để mà sợ.

Điều khiển con thuyền là 3-4 người dân chài địa phương. Họ mặc quần áo nâu, chân đất, đầu không đội mũ nón gì. Điều lạ lẫm đầu tiên với tôi là giọng nói của họ: tuy biết họ là "người ta" nói "tiếng ta" nhưng không thể nào hiểu đích xác họ nói gì trong suốt cả chuyến đi vào bờ kéo dài độ 40 phút. Tôi bất giác có cảm nhận khá rõ ràng là, từ nay mình đã ra khỏi lũy tre làng, rời  khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, không còn được sống trong căn nhà cùng với cha mẹ anh chị em ...để bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn mới lạ nơi đất khách quê người. Như một chú dế mèn, tôi cũng đang bước vào một cuộc phiêu lưu với những điều mới lạ khó đoán định ở phía trước.

Hà Nội, ngày 15/12/2014

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Báo SGGP đã sai lại còn vụng

Ngày 4/11/2014 Báo SGGP đăng bài: Sự thật về lòng "trung thành" của của nhóm thư ngỏ 61. Xem tại đây: http://www.sggp.org.vn/xaydungdang/2014/11/366020/

Bài báo đã đưa ra những đánh giá chủ quan, phiến diện và áp đặt những "tội danh" không có thực đối với các đảng viên có tên trong "bức thư ngỏ 61" như "mượn danh đảng viên và yêu nước"..."tiếp tay cho Việt Tân và các tổ chức phản động", v.v... 

Bất bình trước việc này, ngày 10/11 vừa qua một số đảng viên thuộc nhóm “thư ngỏ 61” tại TP HCM đã cử đại diện đến gặp TBT báo SGGP đề nghị tổ chức đối thoại làm sáng tỏ nội dung quy chụp vô căn cứ nói trên. Tuy nhiên họ đã không được Báo SGGP nhận lời tiếp với lý do lúc đầu là "bận họp" sau là "thiếu ghế ngồi" (!?)

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

TQ không phải "thế lực thù địch" thì là ai đây?


Như tin tức đã loan báo, từ ngày 16-18/10 Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dẫn đầu đoàn quân sự cấp cao gồm 13 tướng lĩnh sang thăm chính thức TQ. Trả lời báo chí bên lề phiên khai mạc kỳ họp QH sáng nay Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết mục đích chuyến đi là nhằm "tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa quân đội của hai nước cũng như Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước". Giải đáp mối lo ngại của nhiều chuyên gia trước việc TQ xây dựng căn cứ quân sự và đe dọa an ninh hàng hải trong khu vực, Bộ trưởng cho rằng "đó là lo ngại của các nhà nghiên cứu", nhưng theo ông "điều quan trọng nhất là hai bên đã thỏa thuận phải hợp tác theo tinh thần hữu nghị của lãnh đạo 2 Đảng, Nhà nước, giữ gìn môi trường ổn định, hòa bình và kiểm soát hoạt động của lực lượng vũ trang của hai nước trên biển, không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và để xảy ra xung đột vũ trang ở trên biển". Khi có người hỏi phía họ có hứa gì không, ông Thanh nói "Hứa thì không hứa, nhưng nói chung là...". 

Bất cứ ai theo dõi tình hình quan hệ Việt-Trung đều cảm nhận chuyến đi nặng về hình thức hơn là thực chất. Đã nhiều lần hai đảng, nhà nước, quân đội hai nước thỏa thuận như vậy rồi, nhưng đều bị phá vỡ do tham vọng độc chiếm Biển Đông của TQ.  Thôi thì, dù sao cũng có thể hiểu được chuyến đi theo tinh thần truyền thống mềm dẻo, khôn khéo của dân tộc Việt Nam ngàn đời nay vẫn thế. Tuy nhiên, về thực chất chuyến đi cho thấy bước thụt lùi cơ bản về thế và lực của VN trước đối phương.

Một là, trong nội dung làm việc, phía VN đưa ra một số đề nghị không quan trọng mang tính chất đơn phương theo kiểu "xin cho" như mở lại cửa khẩu du lịch, thực hiện nhân đạo với ngư dân, v.v... nhưng không phản đối việc TQ mở rộng sân bay quân sự tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đồng thời ráo riết đẩy nhanh tiến độ nhằm biến các đảo và bãi ngầm họ vừa chiếm được tại quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự. Trong bối cảnh này thì lời đề nghị "giữ nguyên hiện trạng" trên biển đồng nghĩa với sự khuất phục của Hà Nội đối với Bắc Kinh.       

Hai là, việc người đứng đầu quân đội VN kêu gọi hai bên (VN và TQ) không để các thế lực thù địch lợi dụng tình hình Biển Đông... đã phát đi một thông điệp nhầm lẫn nguy hiểm. Cụm từ "thế lực thù địch" nếu nói trong nước hoặc tại một diễn đàn quốc tế ai muốn hiểu sao cũng được, nhưng với Bắc Kinh mà nói vậy thì chỉ có cách hiểu Mỹ hoặc nước a, b, c nào đó là thù địch, còn TQ không phải là thù địch. Nó cho thấy não trạng mơ hồ về địch/ta giống hệt câu chuyện truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy của ngàn năm trước. Điều nguy hiểm là, từ nay quân và dân ta không biết chĩa súng vào đâu để bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

Thật đáng buồn thay cho dân tộc vừa mất 1/2 thế  kỷ liên tục hy sinh phấn đấu vì độc lập và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà nay vẫn chưa ra khỏi vòng u mê của thời truyền thuyết. Buồn cho đất nước mãi luẩn quẩn trong vòng kim cô "ý thức hệ". Những tưởng bài học từ vụ Giàn khoan 981 đã là bài học cuối cùng để chú gà con tránh xa cái hang ổ của con cáo già. Nhưng rốt cuộc đó cũng chỉ là một bài học nữa trong chuỗi bài học mà Đặng Tiểu Bình muốn dạy Việt Nam mà thôi./.      

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Nên ngừng dự án phát triển chờ chống tham nhũng?


Ở VN ngày nay bất cứ một dự án nào cũng là "chùm khế ngọt" và căn bệnh "thích dự án" đã trở thành kinh niên gắn liền với tệ nạn tham nhũng ở mọi cấp độ trên quy mô cả nước. Có lẽ đó là nguyên nhân tại sao mức chi phí của các dự án VN bao giờ cũng cao gấp nhiều lần so với thế giới. Đó là chưa kể các khoản chi "phát sinh" vì những lý do không rõ ràng. Các khoản chi để "sửa chữa khắc phục" trong thời kỳ hậu dự án cũng rất lớn. Với tất cả các loại chi phí chồng lấn lên nhau như vậy thường rất khó xác định tổng chi phí thực sự của một dự án. 


Tuy nhiên ta có thể làm một vài so sánh đơn giản với những thông tin và số liệu sẵn có trên mạng internet để thấy sự thất thoát ngân sách ở VN kinh khủng đến mức nào. Vẫn biết mọi so sánh đều có sự khập khiễng nhất định, nhưng không so sánh thì không thấy sự chênh nhau vô lý giữa VN và thế giới. Dưới đây là một vài ví dụ.
Đường Ô Chợ đừa (Hà Nội) dài 547m với tổng mức đầu tư hơn 642 tỉ đồng (trung bình hơn 1,1 tỉ đồng mỗi mét, vị chi hơn 50 triệu đô/km, và được mệnh danh là "đường đắt nhất hành tinh". 
Đường Láng-Hoà Lạc dài 30 km, 6 làn xe chi phí tương đương 410 triệu đô la, tính ra chi phí 13,7 triệu đô la cho 1km. 
Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai dài 245, 4 làn xe, có nơi chỉ có 2 làn xe, chi phí hết 1,47 tỷ đô la, vị chi 6 triệu đô la cho 1km.



Một đoạn mặt đường rạn nứt của Cao Tốc Hà Nội-Lào Cai sau 2 tháng khánh thành


Trong khi đó, theo Cục giao thông và đường bộ Road& Transport Authority of Dubai RTA, con đường tránh đi vào thành phố Dubai (bypass) dài 70 km khánh thành năm 2012 với 12 làn xe tổng chi phí xây dựng hết 1 tỷ dirham= 278 triệu đô la. Như vậy tính ra chi phí xây dựng 1km đường cao tốc 12 làn xe của họ chỉ hết 3,97 triệu đô la thôi (*) 

Dự án sân bay Long Thành được khái toán 18 tỉ USD. Tuy mới chỉ là khái toán nhưng cho thấy đã quá cao so với quốc tế, cụ thể như: 
Sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ: 5,6 tỉ USD rộng 77 triệu mét vuông, tức gần 20.000 ha, lớn gấp 4 lần dự án sân bay Long Thành, có khả năng đón 150 triệu lượt hành khách mỗi năm được kỳ vọng sẽ là "sân bay lớn nhất thế giới". 
Sân bay Quốc tế Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ: đã xây xong và đưa vào hoạt động từ năm 1995, tổng chi phí đầu tư là 4,8 tỉ USD (tương đương 7,45 tỉ USD ở thời điểm hiện nay). Sân bay này rộng 54 dặm vuông, tương đương 140 km vuông (gần 35.000 ha), lớn hơn 7 lần so với dự án sân bay Long Thành. Lượng khách đón hàng năm: 52,5 triệu.

tổng chi phí 33 tỷ USD , diện tích 220 km vuông, tương đương 55.000 ha, lớn gấp 101 lần dự án sân bay Long Thành (5.000 ha) và lớn gấp 65 lần sân bay Tân Sơn Nhất (8.500 ha) có khả năng đón 160 triệu lượt hành khách và 12 triệu tấn hàng hóa hàng năm, nhưng tổng chi phí chỉ bằng 1,8 lần khái toán của sân bay Long Thành. bay Long Thành (**)

Đó là chưa nói tình trạng chất lượng của hầu hết các công trình của VN bao giờ cũng xuống cấp nhanh, mới khánh thành đã phải xử lý "sự cố kỹ thuật". Dễ nhận thấy nhất là các dự án xây đường cao tốc, sân bay, bến cảng và các công trình công cộng lớn nhỏ. Hầu hết các tuyến đường cao tốc ở VN đều bị tình trạng sụt lún ngay sau khi khánh thành; mặt đường thì mấp mô, hành lang an toàn sơ sài nên tốc độ chạy xe không thể đạt chuẩn cao tốc.
Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao chi phí cho các dự án ở VN quá cao so với thế giới mà chất lượng quá tồi? Câu trả lời chung nhất mà giới chức VN thường viện dẫn là "giá đền bù giải phóng mặt bằng", nhưng họ không nêu rõ lý do tại sao chi phí giải phóng mặt bằng cao như vậy. Thực ra sự "bí ẩn" này nằm ở khâu "cơ chế tham nhũng" thường rất tinh vi, có tổ chức hoặc được bảo kê của các cá nhân hoặc cơ quan nhà nước đầy quyền lực. Sự phản ứng của người dân trong các vùng có dự án cho thấy điều này.

"Kết quả" của phong trào dự án nhìn thấy được qua là sự biến đổi nhanh chóng trong bức tranh quang cảnh vùng ngoại vi Hà Nội, Sài Gòn và một vài tỉnh thành. Nhưng đi kèm với chúng là sự tàn phá khủng khiếp đối với đất trồng lúa (điển hình là dự án Ecopark ngay cửa cửa ngõ của Thủ đô); môi trường sinh thái bị tàn phá đồng thời dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội không thể kể hết ra đây. Nếu xét về mục đích của đầu tư là để phát triển thì có thể nói VN đã và đang làm điều ngược lại, nguy hiểm nhất là biến đất nước thành một con nợ đầy rủi ro.

Vậy nên chăng đã đến lúc phải tạm ngừng cái gọi là "dự án phát triển" để chờ cải cách hành chính và giải quyết vấn nạn tham nhũng, nếu không muốn vỡ nợ ?


Ghi chú:(*) Thông tin do một cựu đại sứ VN tại Trung Đông cung cấp.
(**) Thông tin trên trang Anh basam tập họp từ các nguồn chính thức.

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Vì sao "Sống cùng lịch sử" chết ỉu

Cuốn film nhựa "Sống cùng lịch sử" trị giá 21 tỷ đồng do Nhà nước đầu tư vừa ra lò nóng hổi đã bị ế đến mức phải rao chiếu miễn phí trên toàn quốc, nhưng số người đi xem vẫn thưa thớt. Dư luận công chúng, báo giới và cả giới bình luận chuyên nghiệp đều chê cuốn film cả về nghệ thuật lẫn nội dung. Một số ý kiến đổ lỗi cho cơ quan quản lý và cá nhân những người làm film. Có ý kiến cho rằng có nhiều điều không đúng sự thật lịch sử...trong khi ý kiến khác chê trình độ kỹ thuật, kỹ xảo v.v...Cũng cố ý kiến cho rằng có tiêu cực tham nhũng trong quá trình làm film. Hình như thói đời vẫn thế- hễ dậu đổ là bìm leo- đâu đó thấy khá nhiều ý kiến chê film dỡ quá, thậm chí nhiều người chưa xem phim cũng chê! Đã thế thì tẩy chay cho bỏ tức! 
Nhìn chung ý kiến khá phức tạp và trái ngược nhau mặc dù xem ra ý kiến nào cũng có lý cả. Có một điều đáng suy nghĩ là, bất chấp doanh thu thấp và sự phê phán của công luận, những người trong giới quản lý ngành điện ảnh (và cả bản thân đạo diễn cuốn film thì phải?) lại đánh giá "Đã hoàn thành nhiệm vụ...theo chỉ đao". Điều này có nghĩa họ coi trọng việc hoàn thành nhiệm vụ được giao phó hơn là doanh thu! Với tất cả những gì đã và đang diễn ra có thể thấy số phận cuốn film vốn đã hẫm hiêu chắc sẽ nhanh chóng đi vào lịch sử, chứ khó có thể sống cùng lịch sử!

Với tâm trạng băn khoăn, người viết bài này đã quyết định đến Trung tâm chiếu bóng quốc gia (Hà Nội) để mục sở thị xem thực hư thế nào. Và khi chưa xem thì không dám phát biểu, nhưng xem rồi thì thấy không thể không nói đôi điều.


Trước hết phải nói cuốn film không tồi, cả ở góc độ nghệ thuật lẫn nội dung. Kỹ thuật quay, hình ảnh, âm thanh, tốc độ, kỹ năng, kỹ xảo,v.v...  đều bắt kịp thời đại. Nội dung cũng khá ổn, không có gì đến mức phải nói là "không đúng sự thật" như một số người nhận xét. Dàn diễn viên có cả người ta và người tây đều trẻ đẹp. Có thể nói đạo diễn đã có sự sáng tạo và mạnh bạo trong việc thay đổi cách làm đối với loại film chính trị thường đòi hỏi sự nghiêm túc, cứng nhắc lâu nay. Ý tưởng lồng ghép một chủ đề lịch sử tưởng nhàm chán với một hoạt động "thời thượng" của giới trẻ VN hiện nay là đi phượt có lẽ nên được đánh giá cao, ít nhất là trong trường hợp cụ thể của film này. 
Một cảnh trong film Sống cùng lịch sử
Vậy tại sao không có người xem? Tất nhiên có một số nguyên nhân khác nhau, trong đó có quan niệm lệch lạc về khâu tuyên truyền hậu mãi.  Nhưng có lẽ nguyên nhân chính thuộc về phía khán giả, trước hết là tâm lý muốn "quên" quá khứ một thời CM. Nói vậy nghe có vẻ võ đoán, vơ đũa cả nắm..., nhưng đó là sự thật nếu chịu nhìn thẳng vào nguyên nhân sâu xa của nó là tình trạng mất lòng tin vào giới lãnh đạo đất nước hiện nay. Khi người dân đã nghe nói quá nhiều về cách mạng nhưng thấy nhiều cán bộ bây giờ toàn làm ngược lại...thành ra họ nghĩ các ổng (ông í) toàn tuyên truyền! Dần dà người ta trở nên dị ứng với những từ ngữ "cách mạng", "lịch sử"...là điều khó tránh khỏi. Thế hệ già còn bị tác động, huống chi thế hệ trẻ? Người Việt lại có thói xấu hay theo đuôi nhau!

Sẽ suy nghĩ thêm. Nhưng cảm nhận khá mạnh mẽ sau buổi xem film là như vậy.

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Lãnh tụ hoàn hảo

Thấm thoát mà đã 5 năm trôi qua, chỉ còn một năm nữa là đến Đại hội Đảng lần thứ XII, dù muốn hay không cũng sẽ phải nói lời chia tay với vị lãnh tụ tối cao của đất nước. Và có lẽ đây là thời điểm chín mùi để điểm lại thành tích của vị lãnh tụ. Dưới đây là vài suy nghĩ cá nhân.


Người ta nói "Nhân vô thập toàn", nhưng có lẽ bác Tổng nhà mình là trường hợp "thập thập toàn", bởi những lý do sau đây.

Trên mặt trận đối ngoại, bác í đã từng là nhà lý luận Mác xít Việt Nam đầu tiên (và có thể là cuối cùng) sang tận bên kia bán cầu để thuyết giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là một sự kiện trọng đại vì nó diễn ra giữa lúc thoái trào của phong trào cộng sản quốc tế và sự thất bại của mô hình XHCN. Chỉ có điều đáng tiếc là, do "sai sót của lễ tân" khi lãnh đạo một nước chủ nhà "bận" vào giờ chót nên bác Tổng phải cắt bớt chương trình giảng bài. Nhưng nhìn chung kết quả theo bác í nghĩ là vẫn rất tốt đẹp và mĩ mãn đầy ý nghĩa, và tiếng vang sẽ còn mãi.

Với chính trường Châu Âu bác í cũng đâu có xa lạ gì. Bác thừa biết lâu nay người châu Âu họ cứ tự mãn là văn minh phát triển... nhưng khi bác hạ cố đến thăm nơi nào cũng đều được đón tiếp trọng thị và đánh giá rất cao! Đặc biệt bác đã đóng vai trò nhà lãnh đạo Đảng cộng sản đầu tiên của VN thăm chính thức Tòa thánh Vatican vốn là một đối tác được coi là nhạy cảm khó chơi.
Châu Á rộng lớn đông dân thế nhưng gần nhà nên đối với bác chỉ là sân sau quen thuộc, muốn đi đâu là đi thôi. Chỉ hiềm một nỗi cái quyền để vào ra đất nước anh em có cùng ý thức hệ Trung Hoa thì hơi bị khó. Dạo tháng 5-7 vừa rồi khi nước đàn anh đột ngột mang giàn khoan Haiyang 981 cắm vào lãnh hải đồng thời cho tàu chiến máy bay đe nẹt quân dân của nước đàn em khiến bác dù bản tính rất ôn hòa cũng trở nên hơi bực mình chút xíu. Không kiềm nén được nỗi bức xúc, bác đã sai người điện đàm có đến vài chục lần yêu cầu được sang bển để nói lời phải quấy... nhưng không được họ cấp visa. Tức lộn ruột nhưng bác không làm gì được đành phải chờ bên đó cử người sang vậy! Rồi điều gì đến đã đến, một cấp thấp hơn bác nhiều đã được cử sang Hà Nội với thái độ trịch thượng vốn có. Không biết hắn ta giở bài gì mà thấy bác í cười rõ tươi, và mọi chuyện lại trở về thế êm xuôi như cũ. 
Sau cơn bĩ cực đó, mới đây bác đã quyết định đi thăm chính thức Hàn Quốc (dù sao cũng họ Quốc) để thể hiện bản lĩnh đại trượng phu của mình. Tại đó bác đã hạ bút ký kết hàng loạt văn kiện hợp tác kinh tế mà bác biết chắc mình không trực tiếp thực hiện và cũng sẽ không còn bao nhiêu thời gian để theo dõi đốc thúc thực hiện. Đó cũng là do cái cơ chế của đất nước này nó thế: Có đến 4 lãnh đạo cấp "nguyên thủ quốc gia" (Head of State) và vị nào cũng ký được mọi văn kiện, còn việc thực hiện thì tùy. Nếu thực hiện tốt thì là công của người ký, không tốt thì trách nhiệm là của chung !
Trên mặt trận đối nội, từ khi lên nhậm chức năm 2011 bác đã một tay phát động chiến dịch chống tham nhũng đầy tham vọng với tinh thần đầy quyết tâm, quyết liệt. Chỉ có một điều không may là bác đã gặp sự chống trả chưa lường trước được từ các nhóm lợi ích ở tầm cấp cao khi bọn họ nhận ra nguy cơ bị tước mất những món mồi béo bở đang ăn dở. Sự kiện này khiến bác vô cùng đau xót đến rơi lệ (Xem clip http://www.youtube.com/watch?v=b2p-1P6UwgE
Nhưng rồi bác vẫn gạt nước mắt để đi tiếp con đường đã lựa chọn một cách chín chắn thận trọng hơn. Ngoài quận Ba Đình quen thuộc, bác đã dành thời giờ vàng ngọc để vi hành đến nhiều vùng miền trong cả nước, tại đó bác gửi đi những thông điệp nhất quán khẳng định sự anh minh, sáng suốt, kiên trì đường lối xây dựng CNXH mặc dù bản thân bác không chắc 100 năm tới có đạt được không(?). 

Chú chuột ranh mãnh cứ nằm trong lọ mà gậm nhấm 

Đáng chú ý là, mới đây (ngày 6/10) trong không khí ngày hội giải phóng thủ đô và chuẩn bị đại hội đảng lần thứ XII, bác lại phát ra một thông điệp mới: "Đánh chuột không đập vỡ bình" vừa ngắn gọn nhưng rất đầy đủ ý tứ. Xem ra bác vẫn rất quyết tâm chống tham nhũng (không chống sao được vì chính bác đã nhận định tham nhũng "đe dọa sự tồn vong của chế độ"). Nhưng giờ thì bác đã ngộ ra: Chống gì thì chống cũng phải quyết giữ cho được cái bình dù đã cũ và lỗi mốt. Hay! câu này có lẽ là một trong những câu hay nhất trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư của bác í. Biết vậy bọn chuột từ nay cứ việc cố thủ yên vị trong cái bình chẳng có gì phải lo. 
Với một người tài năng, bảo thủ (ấy chết, bản lĩnh chứ!) và đức độ như bác í, tin chắc rằng sau này dù còn tại vị hay rút về làm cố vấn, và cho đến khi phải ra đi cùng các bậc tiền bối, thì nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ bác. Thế mới phải, vì bác là vị lãnh đạo cao nhất, có bằng cấp cao nhất và có trình độ lý luận Mác-lê bài bản nhất. Bác cũng chưa bị tai tiếng tham nhũng, cũng chưa thấy nói dính vào vụ xì-căng-đan vợ lớn, vợ bé hay gái gú, bồ bịch gì như một số vị tiền nhiệm khác. Bác đúng là vị lãnh tụ hoàn hảo nhất của đất nước này ./.

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Thoát Trung là thoát cái gì và để làm gì?

Không phải ngẫu nhiên, đúng vào thời gian TQ xâm lược bằng giàn khoan và tàu thuyền bắt đầu từ tháng 1/5 vừa qua người Việt trong nước cũng như  hải ngoại lại dấy lên phong trào "thoát Trung" (còn gọi là "thoát Trung luận"). Nhưng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Người viết bài này xin mạn phép nêu lên ý kiến cá nhân để góp phần thảo luận. Đó là thoát Trung là thoát khỏi sự hiểu biết nhầm lẫn về nguồn cội của mình từ đó sinh ra tâm thế yếu hèn trước kẻ thù truyền kiếp. Cũng không nên đánh đồng phong trào thoát Trung với "bài Trung" hoặc "chống Trung". Dưới đây là một số cơ sở cho cách suy nghĩ đó. 

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Tranh chấp Biển Đông cần thế giới giải quyết


Bản đồ mô tả vùng đòi hỏi chủ quyền chồng lấn giữa các quốc gia ven biển Đông 
Thế độc chiếm  Biển Đông của TQ đang hiện rõ 
Những tin tức dồn dập gần đây cho thấy TQ đang hối hả thực hiện âm mưu biến các bãi đá chìm giữa biển Đông thành đảo nổi và căn cứ quân sự án ngữ trên tuyến đường hàng hải quốc tế ra vào qua eo Ma-lac-ca. Rõ ràng TQ đã làm được trò ảo thuật "biến không thành có" và giờ đây đã rút ngắn khoảng cách từ căn cứ của mình chỉ còn cách thành phố Hồ Chí Minh 830 km, Manila 890 km, và bờ Tây Malaysia 490 km, khoảng hơn nghìn km để đến eo Malacca.

Những hình ảnh vệ tinh cho thấy các lực lượng TQ đang đồng loạt xúc tiến công việc đắp đất tôn nền đồng thời xây dựng các công trình kiên cố tại hàng loạt các bãi đá như Gạc Ma, Gaven, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Su Bi và Châu Viên vốn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm từ năm 1988. 

Các báo TQ không ngần ngại quảng bá rằng đá Gạc Ma trước năm 2013 chỉ là một bãi đá nhỏ nhưng có vị trí vô cùng quan trọng và giờ đây được được xây dựng thành căn cứ chiến lược. Tờ Quân giải phóng tiết lộ hạm đội Nam Hải chỉ trong 25 ngày đã đưa 3 tàu đổ bộ cải trang thành tàu dân sự đến "công trường tại Gạc Ma", trong khi tờ Thanh Đảo nói rõ 3 tàu này đã đổ bộ những cổ xe tăng cỡ lớn lớp 072 cải trang được sử dụng vào việc đắp đất phong nền xây dựng đảo nhân tạo do Viện Quy hoạch Công trình Hải quân Trung Quốc thiết kế. Báo chí TQ còn huênh hoang rằng một khi chiến đấu cơ J-11 được bố trí tại đây, toàn bộ Biển Đông sẽ nằm trong phạm vi tác chiến của nó. 
Hình ảnh đá Châu Viên ngày 19 tháng 7 năm 2014 do mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 30 tháng 8 năm 2014  
Theo Thông tấn xã Đài Loan ngày 6/9, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Lâm Trung Bân đã gọi âm mưu "đảo hóa" 6 bãi đá ở Trường Sa hiện nay  là nước cờ nguy hiểm nhằm "biến tốt thành xe" và tăng cường đáng kể khả năng khống chế và kiểm soát toàn bộ bàn cờ Biển Đông. Ông này cho rằng các loại chiến đấu cơ đang trong biên chế quân đội Trung Quốc hiện nay như J-11 hay J-16 có bán kính tác chiến khoảng 1500 km một được bố trí tại căn cứ mới xây dựng này sẽ khiến phạm vi tác chiến của không quân Trung Quốc bao trùm toàn bộ Đông Nam Á.  Ngoài ra, Trung Quốc hoàn toàn có thể lắp đặt hệ thống radar và thiết bị nghe trộm tại các địa điểm này khiến Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines đều rơi vào tầm ngắm của radar Trung Quốc.

Tờ "Liên hợp buổi sáng" (SGP) thì cho rằng một khi hoàn thành công trình lấn biển tại đó, Quân đội TQ sẽ xây dựng nó giống như đảo Phú Lâm với các loại radar tìm kiếm tầm xa, trạm nghe lén tín hiệu radar, vô tuyến điện. Đến lúc đó, toàn bộ các nước xung quanh Biển Đông, kéo dài đến Singapore và eo biển Malacca đều đều nằm trong phạm vi nghe lén tín hiệu vô tuyến điện và tác chiến của họ. Lúc đó toàn bộ Biển Đông sẽ thành "ao nhà" của TQ. 

Báo này cũng cho rằng với đảo đá Gạc Ma trở thành đảo nhân tạo, Hải quân Trung Quốc đẩy căn cứ tuyến đầu ở Biển Đông xuống phía nam tới 850 km, nếu khi "lâm sự", hạm đội Mỹ từ bắc Ấn Độ Dương khi tiến vào eo biển Malacca sẽ nằm trong sự giám sát của máy bay trinh sát tầm xa và các trạm nghe lén vô tuyến điện của Quân đội TQ.

Hình ảnh đá Gaven ngày 18 tháng 7 năm 2014 trên mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 30 tháng 8 năm 2014 
Tờ báo này cũng bình luận rằng đá Gạc Ma tương đối lớn (dài 5 km, rộng 0,4 km) một khi Trung Quốc xây dựng đường băng dài 2 km tại đó sẽ có thể cất hạ cánh các máy bay chiến đấu hạng nặng như Su-30, J-11, J-10, toàn bộ eo biển Malacca đều nằm trong bán kính tác chiến của chúng, và Việt Nam sẽ mất đi chiều sâu tác chiến của khu vực này. Đồng thời bến cảng ở đông bắc của đảo Gạc Ma đủ để chứa tàu khu trục lớn, cũng có thể xây dựng bến quân sự.
Suy luận một chút sẽ thấy công trình lấn biển của Trung Quốc cách đảo Ba Bình hiện do Đài Loan đóng quân trái phép chỉ có 72 km nên khi cần thiết Trung Quốc có thể dễ dàng chiếm đảo Ba Bình. Lúc đó thế "đòi chủ quyền" của Bắc Kinh sẽ mạnh hơn nhiều.

Bắc Kinh chọn cách hành xử của kẻ bắt nạt thay vì vai trò cường quốc 
Cựu Thứ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Lâm Trung Bân nói rằng trong phiên họp mới đây của Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã đưa ra khái niệm hoàn toàn mới: Bảo vệ điểm cao chiến lược tất yếu ở hải ngoại đã trở thành lợi ích nối dài hợp lý của Trung Quốc. Theo đó, việc "đảo hóa" 6 bãi đá ở Trường Sa mà Trung Quốc đã và đang triển khai sẽ giúp Bắc Kinh tạo ra gần 10 "điểm cao chiến lược" ở Biển Đông. 

Thông tấn xã Đài Loan ngày 2/9 đưa lại bài xã luận trên tờ Nhân Dân nhật báo hôm 1/9 gọi cuộc họp Bộ chính trị ngày 29/8 là "đợt học tập tập thể chuyên đề tập trung vào quân sự". Trong phiên họp này Tập Cận Bình cho rằng thông tin hóa và tác chiến tổng hợp là trào lưu quân sự chủ yếu trong tương lai, quân đội Trung Quốc cần tập trung xây dựng thực lực thực chiến, chỉ có như thế mới tranh thủ được tối đa điều kiện bên ngoài. 

Tờ Nhân Dân nhật báo cũng nói rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc đang không ngừng bị Mỹ thách thức, thậm chí bị cả Nhật Bản và Philippines "xâm hại" và do đó càng làm tăng tính cấp bách của "cải cách quân đội". Ông Tập Cận Bình coi đó là một sự phát triển quan trọng và nhấn mạnh sáng tạo quân sự cũng là nhằm đối phó với uy hiếp trong tương lai.

Cũng trong phiên họp này, Tập Cận Bình đã đưa ra khái niệm "4 chuyển biến" nhằm vào 4 hướng là thiết lập tư tưởng thông tin hóa chiến tranh và thiết lập tư tưởng, quan điểm, chiến lược tổng hợp bảo vệ an ninh quốc gia. Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh lại  khái niệm "thực chiến" trong xây dựng quân đội trên cơ sở tư tưởng "toàn quân 1 bàn cờ, toàn quốc 1 bàn cờ".
Chưa bàn cãi sự đúng sai của những khái niệm mới của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình người ta có thể cảm nhận được ngay tính hiếu thắng từ các thuật ngữ được tô màu xanh trên đây. Chúng phát ra những tín hiệu chẳng lành đối với các nước láng giềng và thế giới.

Tuy nhiên, khi đang thăm Úc hôm 7/9 Ngoai Trưởng Vương Nghi lại đưa ra một đề nghị mới gọi là "4 tôn trọng", đại ý trong đó ông ta kêu gọi thế giới cùng thực hiện 4 điều:  (1) tôn trong lịch sử; (2) tôn trọng luật pháp quốc tế; (3) tôn trong đàm phán song phương trực tiếp giữa các bên liên quan; và (4) tôn trọng nỗ lực duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông của TQ và ASEAN.

Nếu đem đối chiếu với thực tế sẽ thấy 4 điều "tôn trọng" của ông Vương toàn là những điều mà TQ đã và đang vi phạm một cách nghiêm trọng có hệ thống trong nhiều năm nay rồi. Nếu TQ thật sự muốn tôn trọng 4 điều đó thì làm gì có "vấn đề biển Đông" như ngày nay. Tự bản thân "4 tôn trọng" của Vương cũng hoàn toàn trái ngược với học thuyết "đỉnh cao chiến lược và lợi ích nối dài" của nhà lãnh đạo cấp trên Tập Cận Bình. 
Một lần nữa, người TQ quả là bậc thầy của thói nói một đàng làm một nẻo và  tài đổi trắng thay đen.

Sự đã rồi
Có lẽ ASEAN và thế giới, kể cả Mỹ, đến giờ mới thật sự nhận ra ý đồ sâu xa của TQ đối với vị trí chiến lược của bãi đá Gạc Ma. Và xem ra, giờ đã khá muộn để đối phó. Biểu hiện là thái độ chần chừ thờ ơ của tập thể ASEAN trong nhiều năm qua và gần đây nhất là việc họ không nhất trí để thảo luận đề nghị của Mỹ về "đóng băng" thực trạng biển Đông với lý do rất vô lý là ASEAN đã có thỏa thuận DOC và đang thảo luận COC với TQ(!).  

Còn nhớ suốt hơn thập kỷ qua, ASEAN và thế giới đi từ thế bị động này sang thế bị động khác chỉ chạy theo sau đối phó với các bước đi lắt léo xảo quyệt của Bắc Kinh mà chưa bao giờ có được một hành động tập thể nào để ngăn chặn một cách có hiệu quả. Văn kiện duy nhất đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc là  DOC mà trong đó chỉ bao gồm những thuật ngữ sáo rỗng hoàn toàn không có tác dụng ngăn chặn gì đáng kể, trái lại là cái cớ để TQ lợi dụng để kéo dài thời gian thực hiện  ý đồ lấn chiếm trên thực địa của họ. Hàng loạt các vụ gây hấn của TQ,  khi thì với Philipin, khi thì với Việt Nam, đều nhằm mục đích lấn chiếm biển đảo trên thực địa, và cái gọi là nhằm khai thác tài nguyên hay đánh cá chỉ là bình phong che đậy. Từ chỗ xâm lấn và chiếm cứ phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974, TQ đã thành công trong việc chiếm thêm 6 bãi đá tại quần đảo Hoàng Sa của VN năm 1988, sau đó chiếm thêm một số vị trí phía Đông gần Philipin, trong đó có bãi Vành Khăn rất trọng yếu mà Bắc Kinh gọi là "Trung Sa". Hành động trắng trợn nhất là việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" năm 2011 đồng thời cho hàng vạn tàu thuyền quần thảo khắp biển Đông, thậm chí sâu trong lãnh hải của VN, Philipin và các nước ven bờ khác trong khi đơn phương ra lệnh cấm tàu thuyền các nước khác.  
Việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Haiyang 981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN hồi tháng 5 năm nay thể hiện sự ngông cuồng, bất chấp luật pháp và công luận quốc tế. Nhưng nếu nhìn lại toàn bộ mưu đồ của TQ thì đó cũng chỉ là một động tác giả "Dương Đông kích tây" mà thôi; mưu đồ chính của TQ là nhằm thực hiện phương châm "thực lực chiến" của Tập Cận Bình tại Biển Đông kia.
Trong âm mưu của mình, Bắc Kinh tỏ ra không lo ngại bất cứ từng nước cũng như tập thể khối ASEAN; trở ngại lớn nhất chỉ là Mỹ. Do đó Bắc Kinh đã liên tục sử dụng các chiêu bài "đàm phán song phương", "cùng khai thác", v.v... để gạt vai trò của Mỹ tại khu vực đồng thời "chia để trị" đối với nội bộ ASEAN. 
Thế giới đều biết, sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ vì những lý do chủ quan và khách quan đã rút gần như hoàn toàn khỏi khu vực Đông Nam Á và rút từng phần đối với Tây TBD. Nhưng TQ cố tình sử dụng chiêu bài "mối đe dọa Mỹ" để ngăn cản các nước ASEAN, đặc biệt Việt Nam, cải thiện quan hệ với Mỹ. Sự ngăn cản này là quá lố bịch, tuy nhiên, trên thực tế lại khá hữu hiệu cho mưu đồ độc chiếm biển Đông của TQ. Điều đáng tiếc là tất cả các nước thành viên ASEAN, kể cả Philipin và Việt Nam là hai nhân tố quan trọng nhất trong giải pháp biển Đông, lại không vượt qua được chính mình và lúc này lúc khác vẫn "mắc bẩy" của TQ. Riêng VN do vị thế và lợi ích riêng cùng những ràng buộc về ý thức hệ đã liên tục bị Bắc Kinh sử dụng như một lá bài riêng của họ trong âm mưu độc chiếm biển Đông.   

Giải pháp biển Đông: Cần vai trò quốc tế 

Rõ ràng ASEAN không phải là đối thủ của TQ và cũng không phải là một cơ chế thích hợp để đứng ra giải quyết vấn đề biển Đông một cách sòng phẳng, công bằng với TQ. Nếu có chăng, phải cần thêm tham gia của các bên ngoài khu vực, đặc biệt vai trò của cơ chế quốc tế kể cả các tòa án quốc tế và tổ chức LHQ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cho đến nay toàn thế giới vẫn tỏ ra bất lực trước TQ với tư cách nước lớn thứ hai nhưng tự cho phép mình vi phạm nhiều luật lệ quốc tế, trong đó có Luật Biển, các luật lệ về môi trường sinh thái biển, về quyền sinh kế của ngư dân, về sử dụng vũ lực, v.v...   
Đến nay có thể nói TQ đã từ chỗ không hề có vị trí đứng chân nào trên biển Đông đến chỗ có cả một "thành phố" và các căn cứ quân sự được bố trí thành hệ thống trên toàn bộ biển Đông. Kết cục này xem ra khá bất ngờ và cũng rất khó đối phó đối không chỉ với VN, Philipin hay cả khối ASEAN mà cả với thế giới. Trong bối cảnh hiện nay khi con cáo Trung Quốc không chỉ thò được chân mà còn chui vào nằm giữa tấm chăn biển Đông, liệu ASEAN và thế giới đã "tỉnh người" ra chưa? Và nếu tỉnh rồi thì liệu ai có đủ sức mạnh và tư cách để buộc (hoặc yêu cầu) Bắc Kinh trở về nguyên trạng tại biển Đông? Chắc là không. Có lẽ chỉ còn vài tia hy vọng từ các nhân tố bên ngoài khu vực. Ngoài chủ trương"xoay trục" của Mỹ, hy vọng các cường quốc tầm trung có lợi ích trực tiếp tại biển Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc...sẽ chủ động liên kết cùng ASEAN trên cơ sở mục đích bảo vệ tự do hàng hải tại biển Đông bằng những biện pháp cụ thể thiết thực. Đây là mục tiêu khiên tốn nhất có thể được. 
Ngoài ra, với một đối tác khổng lồ nhưng không chịu tuân thủ luật chơi như TQ thì có lẽ chỉ có sức ép tập thể của cộng đồng quốc tế may ra mới có tác dụng. Hy vọng thế giới hãy thức tỉnh trước con sư tử đã tỉnh và đang lăm le chiếm cứ trọn biển Đông. Không thể chấp nhận một ngày kia bạn đến đây hoặc tàu thuyền và cả máy bay đi qua đây phải xin giấy phép xuất nhập cảnh của TQ. /.     

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Nhân tố Bách Việt trong lập luận chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Sau một thời gian khá dài "bán tín bán nghi" đến nay có lẽ toàn thế giới đều biết việc TQ ngang ngược đòi chủ quyền đối với biển Đông mà vốn một phần lớn đã thuộc chủ quyền của các quốc gia ven bờ như VN, Philipin, Malaysia... và  dĩ nhiên cũng có một phần hợp lý của TQ, phần còn lại thuộc vùng biển quốc tế, theo đúng Công ước Luật Biển 1982. 

Thế giới cũng nhận biết cơ sở đòi hỏi chủ quyền của TQ chỉ là một bản vẽ tay ngẫu hứng của một viên sĩ quan của chính quyền Tưởng Giới Thạch vào thời kỳ sắp sụp đổ. Bản vẽ đó lúc thì gồm 10 đoạn, lúc 9 đoạn tạo thành một đường cong chấm phá giống như cái lưỡi bò nên còn được gọi là "đường lưỡi bò" áp sát bờ biển các nước quanh biển Đông.  Chỉ từ năm 2009 nhà cầm quyền Bắc Kinh mới công bố "đường lưỡi bò" và rêu rao "TQ có đầy đủ chứng cứ lịch sử" để đòi chủ quyền đối với toàn bộ biển Đông, nhưng thực ra họ không bao giờ chứng minh được bằng chứng lịch sử  đó là gì. Và lập luận này đã bị thế giới bác bỏ ngay từ đầu. Nó hài hước đến mức Thủ tướng Đức Angela Merkel  mới đây đã "chơi khăm" tặng người đứng đầu TQ-Tập Cận Bình một tấm bản đồ cổ chính hiệu trong đó chỉ vẽ biên giới cuối cùng của TQ  đến hết đảo Hải Nam. Nghe nói ông Tập cay cú lắm, nhưng đành phải nhận để rồi ngay sau đó đã cho người tráo đổi bằng một tấm bản đồ giả hiệu khác. Tráo đổi bản đồ là một thủ đoạn xâm lược sở trường của TQ mà!

Vô lý là vậy. Nhưng mối hiểm họa đối với khu vực và thế giới cũng bắt đầu từ khi TQ không ngừng leo thang các hành động bạo lực để lấn chiếm biển đảo của các nước láng giềng nhằm hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền vô lý của họ. Người dân TQ đã được chính quyền của họ rắp tâm nhồi sọ bằng những kiến thức lịch sử và địa- chính trị-kinh tế bị bóp méo trong nhiều thập kỷ trước nhằm mục đích lâu dài sau này. 

Bản đồ tính minh họa nước Xích Quỹ của Kinh Dương Vương thời tiền sử (nguồn Interrnet)

"Bản đồ dọc" do TQ mới công bố gồm cả "đường lưỡi bò"

Tuynhiên, may thay, không phải tất cả người TQ đều tin vào những kiến thức nhồi sọ đó. Tuy không nhiều lắm, nhưng vẫn luôn có những người TQ thuộc giới trí thức và các tầng lớp xã hội khác hiểu đúng và dám lên tiếng  phê phán bóc trần thủ đoạn bịa đặt lịch sử của giới cầm quyền đất nước họ. Trong số đó, mới đây có học giả Lê Oa Đằng - chủ nhân của một trang Blog có hơn 4.039.130 người đọc đã đăng một bài viết nhan đề “Nam Hải từ xưa đến nay là của Trung Quốc ư?” Xem thêm tại đây

Điều đáng chú ý là, ngoài những lập luận bác bỏ ta từng nghe, ông Lê Oa Đằng đã nêu lên nhân tố Bách Việt là tộc người đầu tiên phát hiện và làm chủ biển Đông, và theo ông "Việt Nam ngày nay là quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt".

Để lý giải điều này học giả Lê Oa Đằng bắt đầu bằng câu hỏi: "Trung Quốc có thực sự có chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với Nam Hải hay không? Và cũng theo ông, hãy để sự thật lên tiếng. Trung Quốc thực tế đã “phát hiện” Nam Hải từ triều Hán; nhưng Nam Hải không phải do người Trung Quốc phát hiện sớm nhất, mãi đến đời Tần Trung Quốc mới đến Nam Hải; còn trước đó từ rất lâu, tộc người Bách Việt sinh sống ở vùng Quảng Đông và bán đảo Đông Dương đã sinh sống ven Nam Hải". Và ông kết luận: "Nếu nói ai “phát hiện” ra Nam Hải thì người Việt Nam có tư cách hơn chúng ta, vì họ là hậu duệ trực hệ của người Bách Việt, và cũng là quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt"

Toàn bộ bài viết của học giả này được dẫn chứng bằng những dữ liệu tìm thấy trong sử sách Trung Quốc, nhưng ông lần lượt bác bỏ cách lập luận "vơ vào" của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ví dụ, ông cho rằng  từ đời Tống trở về trước đều “rất khó xác định người Trung Quốc đã biết đến Tây Sa (Hoàng Sa), chứ đừng nói tới Nam Sa (Trường Sa). Ví dụ sách “Dị vật chí” đời Đông Hán mà Trung Quốc hay nhắc tới niên đại, thì thực ra nó được viết vào đời nhà Ngô sau này. 

Ở một đoạn khác ông lập luận: Chính phủ Trung Quốc cho rằng Trướng Hải chính là Nam Hải, Kỳ Đầu chính là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phán đoán đó đã phạm sai lầm tối thiểu về mặt lô-gic “lấy cá thể thay cho tổng thể”. Mấy chữ đó không thể chứng minh được những địa danh đó ở nơi nào, cũng chẳng có bài viết nào của Trung Quốc chỉ ra rằng chúng ở đâu. Theo ông, sự thật là, những ghi chép đầu tiên giúp xác định Tây Sa (Hoàng Sa) lại do người Chiêm Thành cung cấp. Theo ghi chép trong sách “Tống hội yếu”, năm 1018, sứ giả Champa đi sứ Trung Quốc có nói (dịch nghĩa): “Chúng tôi đến Quảng Châu, thuyền bị gió thổi trôi đến Thạch Đường, đi mãi mới đến được đây. Thạch Đường trên biển cách Nhai Châu 700 dặm, chìm dưới nước 8-9 thước”. Qua miêu tả cho thấy, Thạch Đường chính là quần đảo Hoàng Sa. Do đoạn văn tự này do người Trung Quốc ghi lại, nên các chuyên gia Trung Quốc liền cho rằng đó là một chứng cứ lịch sử cho thấy Hoàng Sa là của Trung Quốc, nhưng họ cố tình không chịu hiểu là: phía Trung Quốc chỉ là người ghi chép lại, còn người Chiêm Thành mới là bên cung cấp thông tin, sự việc được ghi lại chính là: người Chiêm Thành đã đến quần đảo Hoàng Sa.


Chính vì vậy, nếu lấy ghi chép trong sử liệu làm chuẩn, người Chiêm Thành phát hiện ra Hoàng Sa sớm nhất, Vương quốc Champa là một bộ phận của Việt Nam ngày nay. Xét về quan hệ kế thừa chủ quyền, chính người Việt Nam chứ không phải Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa đầu tiên.

Lê Oa Đằng khẳng định, theo sử sách của chính mình, người Trung Quốc biết đến Trường Sa còn muộn hơn nhiều. Ông dẫn lại những ghi chép trong Quyển 197, sách “Tống hội yếu”, có chép lại sự kiện ngày 20 tháng 7 năm Gia Định thứ 9 (1209), có sứ giả nước Chanlifu (Chanthaburi ở Đông Nam Thái Lan ngày nay) đến thăm. Sứ giả này đã kể lại với các quan chức nhà Tống việc từ nước mình sang tới đây phải qua Chiêm Thành, sắp đến Giao Chỉ thì bị gió lớn thổi dạt đến “Vạn Lý Thạch Đường” nước chỗ nông chỗ sâu, nhiều đảo bãi, thuyền lật chết đuối mười mấy người; may có gió Đông Nam vượt qua được Giao Chỉ, đi 4-5 ngày nữa mới đến được Khâm Châu, Liêm Châu. Đoạn văn này chỉ ghi lại sự việc, chẳng nói ai phát hiện ra “Vạn Lý Thạch Đường” theo phỏng đoán là quần đảo Trường Sa.


Theo Lê Oa Đằng, Trung Quốc luôn nhấn mạnh bắt đầu từ đời nhà Tống đã quy Hoàng Sa và Trường Sa vào Vạn Châu. Chứng cứ là các địa phương chí có ghi “Vạn Châu có biển Trường Sa và biển Thạch Đường”, nhưng chỉ cần đọc hoàn chỉnh cả câu thì thấy ngay cách nói đó không đáng tin cậy. “Thực ra, hoạt động của các quốc gia khác ven Nam Hải có lịch sử rất lâu đời. Người Chiêm Thành, nay thuộc Việt Nam biết đến Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) rất sớm, thậm chí có thể là những người phát hiện ra chúng. Việt Nam có chứng cứ đã quản trị Tây Sa (Hoàng Sa) từ đầu thế kỷ 18, thậm chí đã được quốc tế thừa nhận. Trái lại, Trung Quốc chả có chứng cứ gì về mặt này”. 

Là chủ trang blog Bách Việt, tôi thấy tâm đắc với ý kiến của học giả người Trung Quốc chính hiệu này vì lẽ: Mặc dù bị  các triều đại thống trị Trung Quốc ra sức tẩy xóa bằng chính sách đồng hóa liên tục suốt mấy ngàn năm nay nhưng khái niệm Bách Việt vẫn còn đó rất rõ trong tiềm thức nhân dân TQ. Vậy thì cớ sao người Việt Nam lại "quên" đi (dù là vô tình hay hữu ý) khái niệm Bách Việt trong cả sử sách giáo khoa và trong nhận thức của mỗi người?  Sao chúng ta không lắng nghe những người TQ như học giả Lê Oa Đằng để hiểu thêm về nguồn cội của dân tộc Việt Nam với tư cách là "quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt" như học giả Lê Oa Đằng đã nói? 
   
Mong thay, không chỉ nhân dân, mà quan trọng hơn là giới sử gia và giới lãnh đạo đất nước hãy lưu tâm đến vấn đề nguồn cội Bách Việt với một cách nhìn đúng đắn: Nguồn cội là cái gốc, vì nếu một dân tộc không biết mình thực sự là ai thì không thể tồn tại và phát triển lành mạnh bền vững lâu dài được. Rất nhiều người VN ngày nay vẫn tưởng mình là "từ người TQ mà ra". Nhưng đó là một quan niệm hời hợt mang nặng ảnh hưởng của thời ngàn năm Bắc thuộc. Thiết nghĩ đã đến lúc cần chấn chỉnh lại công tác học thuật theo hướng tôn trọng sự thật lịch sử, trong đó có lịch sử Bách Việt trong quá trình hình thành và phát triển của hai quốc gia TQ và VN đồng thời nhìn nhận đúng thực chất về sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Hán và Việt, coi đó là cơ sở để xây dựng mối quan hệ thật sự bình đẳng giữa hai nước. 

Riêng về lập luận chủ quyền biển đảo của VN, nhân tố cội nguồn Bách Việt cần được tính đến. Để làm điều này, cần tập trung đi sâu nghiên cứu, khai thác và vận dụng mọi dữ liệu lịch sử, khảo cổ và nhân chủng học mà thế giới đã đúc kết về Bách Việt. Trong số đó, cần khẳng định lại nhà nước Nam Việt của Triệu Đà là một trong các triều đại "tiền bối" của VN như đã được các triều đại trước thời hậu Lê công nhận. Điều này cũng phù hợp với tiến trình lịch sử dân tộc ta từ thời Kinh Dương Vương. Về chủ đề này bạn đọc có thể tham khảo thêm tại đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/.   

Tìm kiếm Blog này