Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Hãy gọi đích danh kẻ xâm lược

Mấy ngày nay cả nước lại có dịp ôn lại khí thế hào hùng của thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ. Những thước phim, vở kịch và rất nhiều bài ca "đi cùng năm tháng" lại được đem ra trình diễn mặc dù đến nay hầu hết những người anh hùng năm xưa đã lần lượt về cõi vĩnh hằng trong khi các mối quan hệ Việt-Pháp, Việt-Mỹ đã chuyển sang trang hữu nghị hợp tác hoàn toàn mới. 

Vẫn biết dù sao việc nhắc lại quá khứ là điều cần thiết. Nhưng liệu có công bằng không khi chỉ nhắc lại hai kẻ thù Pháp, Mỹ mà không nhắc gì đến một kẻ xâm lược đã và đang trực tiếp đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mà vì nó hàng vạn anh hùng liệt sĩ và thường dân đã hy sinh đến nay vẫn là "vô danh"? Và điều quan trọng hơn là, cách thể hiện thiên lệch đó chắc chắn đã và đang gây ra những sự hiểu nhầm không cần thiết đối với thế giới và cả đối với kẻ thù, đồng thời khoét sâu thêm nỗi bức xúc trong dân chúng, đặc biệt những gia đình có con em đã hy sinh trong sự nghiệp chống quân bành trướng xâm lược Trung Quốc. Liệu điều này có lợi cho ai?

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Tôi đi tập kết

Nhân dịp "Kỷ niệm 60 năm ngày Học Sinh miền Nam trên đất Bắc" vừa được tổ chức tại Hà Nội, chủ blog tôi mạn phép đăng lại một ký ức về thời kỳ đáng ghi nhớ đó (trích từ "Tản mạn cuộc đời tôi")   

Vào một ngày se lạnh cuối năm 1954 cha tôi đi họp về thông báo vắn tắt với cả nhà rằng ông sẽ phải "đi tập kết" ra miền Bắc ngay trong vài ngày tới. Ông cũng bảo chị Hai hoặc tôi cũng có thể đi sau nếu muốn. Riêng ông cần phải đi trước khi  "đối phương” tiếp quản chính quyền ở địa phương.

Lúc đó là đứa trẻ 9 tuổi tôi chỉ hiểu láng máng có một hiệp định đình chiến  vừa được ký kết, theo đó sẽ tạm thời chia cắt đất nước làm hai miền Bắc và Nam, quê tôi thuộc miền Nam nên những người thuộc  “phe ta” sẽ phải tập kết ra miền Bắc trong khi “phe địch” tập kết vào miền Nam, đợi 2 năm nữa sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng sự thật sau này đã diễn ra hoàn toàn không đơn giản như vậy. 

Mẹ chỉ kịp chuẩn bị vài thứ để Cha lên đường. Trong khi cả nhà tôi không ai thích thú gì chuyện đi tập kết thì tôi không hiểu vì sao đã "tự quyết" sẽ ra đi. Có lẽ vì tôi đã tin rằng được đi xa là điều rất thú vị, hơn nữa chỉ 2 năm sau quay về thì có gì phải lo!  Riêng mẹ tôi dĩ nhiên  không bao giờ chịu đi đâu cả dù bất cứ điều gì xảy ra; đối với bà đó là một nguyên tắc bất di bất dịch. Sau này tôi càng hiểu rõ hơn tại sao bà không đi tập kết; đó là ruộng vườn, mồ mã, ông bà tổ tiên, là nơi chôn rau cắt rốn đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Hơn nữa , đối với công tác chung, Mẹ ở lại thuận lợi hơn nhiều người khác. Thực tế đấu tranh trong 20 năm chia chia cắt đất nước cho thấy lựa chọn của Mẹ là đúng.  Mặc dù chính quyền  biết Mẹ là đảng viên có chồng con  tập kết ra Bắc nhưng không thể làm gì hơn ngoài việc bắt giam bà một thời gian rồi thả ra. Trong bất cứ hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn bà vẫn luôn  là chỗ dựa tin cậy của cơ sở cách mạng ở địa phương. Căn nhà của gia đình tôi vốn đã nhiều lần bị phá hủy luôn là nơi che chở của nhiều cán bộ, chiến sĩ, trong đó có nữ Bác sĩ  Đặng Thùy Trâm ngay từ những ngày đầu mới đặt chân vào chiến trường Đức Phổ. (Bà chính là người mà chị Trâm gọi là  "Mẹ"  trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm).          

Vậy là tôi đã rất lấy làm phấn chấn khi được Mẹ và chị Hai đồng ý cho đi theo đoàn người tập kết ra Bắc. Có lẽ một phần vì Mẹ biết sẽ có chị Hương con bác Bốn đi cùng và khi ra miền Bắc sẽ có Cha ngoài đó rồi. Thế là cả nhà sắp xếp quần áo và vài thứ đồ dùng đơn giản trong một chiếc ba lô nhỏ để tôi mang theo. Mẹ gọi thợ  ảnh ngoài phố huyện đến nhà chụp một tấm ảnh mà sau này trở thành vật kỷ niệm vô giá đối với gia đình tôi trong những năm đất nước chia cắt. Đó là tấm ảnh chụp cả nhà dưới gốc cây dừa non phía trước nhà. Trong bức ảnh có một chi tiết tôi nhớ mãi, đó là đúng lúc  người thợ ảnh bấm máy thì chú Lai con út trong nhà lúc đó chưa đầy một tuổi bỗng dưng tè một phát, Mẹ tôi chỉ kịp lấy tay che lại. Trong bức ảnh đó tôi mặc bộ quần sọt và áo sơ mi mới được mẹ mua cho sau nhiều lần tôi khóc đòi bằng cách nói lái "quàng -sực- ý-sa-mao" (quần sọt áo sơ mi). Bức ảnh có chị Hương con bác Bốn nhưng không có mặt Cha tôi vì ông đã ra Bắc vài ngày trước. Tấm ảnh này là kỷ niệm duy nhất còn lại của sự đoàn tụ tương đối đầy đủ nhất của gia đình tôi trong thời kỳ chia cắt đất nước.   

Thoáng cái  đã đến lúc lên đường. Tôi hớn hở vô tư xách chiếc ba lô chạy theo đoàn người đi bộ ra thị trấn Đức Phổ. Số người đưa tiễn rất đông, tất nhiên có cả Mẹ và chị Hai trong đó. Tôi nhớ rõ lúc ấy không hề có cảm giác lo buồn hay do dự, chần chừ...  mà chỉ thấy háo hức ra đi với một niềm tin tất nhiên sẽ có ngày trở lại, đâu có biết rằng chuyến đi ấy là một bước ngoặc quan trọng như thế nào đối với cuộc đời tôi với một thời kỳ ly biệt gia đình kéo dài hơn 20 năm liền sau đó. Đó cũng là tình trạng chia cắt của hàng vạn gia đình miền Nam tập kết ra miền Bắc thường được mô tả trong rất nhiều tác phẩm văn thơ, âm nhạc, hội họa một thời.

Tháng 12/1954 tại Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi 
Họ Trần gặp nhau tại Hà Nội cuối năm 1955




















Đoàn người tập kết đợt ấy gồm chủ yếu trẻ em trên  dưới 10 tuổi được biên chế thành nhiều nhóm nhỏ có người lớn kèm cặp. Biết cùng đi có chị Hương, nhưng tôi đã dường như không hề có ý thức sẽ dựa dẫm vào chị ấy, và có lẽ đó  là dấu hiệu đầu tiên của tính tự lập mà sau này tôi thấy ngày càng rõ như một bản năng trong tôi vậy. 

Vào quảng 1 giờ chiều cả đoàn lên xe cam-nhông-ray (một loại xe bánh sắt chạy trên trên đường sắt thời đó) và đến Quy Nhơn quảng 7-8 giờ tối . Chúng tôi được đưa đến một khu nhà rất rộng giống như nhà kho ở cảng. Nhà không chia thành phòng nhỏ mà chỉ có một phòng to bên trong kê toàn dát gường hoặc phản gỗ san sát với nhau;  mỗi người được phân  cho một lô có  chiếu và một tấm mền mỏng. Buổi tối đèn điện sáng choang khiến không khí rất vui vẻ. Sau khi ổn định chỗ ở thì có những tiếng khóc đây đó của những người nhớ nhà. Sau bữa cơm tối tập thể, mọi người được yêu cầu đi ngủ sớm nhưng ít ai ngủ được ngay, nhiều người tranh thủ ra phố dạo chơi, và tôi cũng đi theo họ. Đó là lần đầu tiên tôi được đi dạo phố cảng Quy Nhơn nên cảm thấy rất thích thú. Thích nhất là chỗ nào cũng có ánh sáng điện không tối như ở quê.

Sau 3 ngày thì có một chiếc tàu thủy đến đón. Mọi người gọi nó là “tàu há mồm” của nước bạn Ba Lan. Đúng là chiếc tàu chỉ có một cánh cửa rộng mở về phía bờ giống như miệng cá vậy. Chúng tôi xếp hàng kéo nhau chui vào cái mồm đang mở hết cỡ của nó và cứ thế đi vào bụng nó. Hai bên cửa và dọc sườn tàu có những chú lính thủy cao lớn, da trắng tóc vàng mắt xanh mũi lõ trông lạ lẫm và oai phong. Mỗi khi có ai trượt ngã hay mang vác cái gì nặng thì lập tức họ đến giúp. Bên trong tàu khá rộng nhưng ít giường nằm và những băng ghế gỗ gắn xung quanh. Mọi người có thể ngồi hoặc nằm ngay trên sàn tàu. Tôi thấy như vậy cũng là tốt lắm rồi, nhưng còn phải đợi xem mình sẽ có bị say sóng không đã. Trước khi đi mọi người nói nhiều về say sóng làm  tôi cũng thấy lo lo.

Không đầy 1 giờ sau, mọi thủ tục đã xong, mồm chiếc tàu từ từ khép lại và bên trong nó giống như một cái hầm khổng lồ. Con tàu nhổ neo ra khơi chòng chành lắc lư… Tôi thấy một số người lớn đứng bên trên cùng với các chú thủy thủ; họ nhìn ra ngoài chỉ trỏ, vẫy tay. Con tàu  nhanh chóng ra khơi và  không khí trong tàu trở nên trầm lắng buồn hẳn đi. Lúc đó tôi thấy tiếc là vừa rồi đã không lên đứng trên boong để nhìn xem con tàu đã rời bến như thế nào.

Tàu đi được quảng 40 phút thì tôi bắt đầu có cảm giác buồn nôn. Đúng là sự chòng chành  của nó khiến tôi thấy mình như bị nâng lên hạ xuống, chao đảo liên tục. Có lẽ gần nửa số người trên tàu đều lần lượt bị say sóng. Người nôn ọe, kẻ cố kìm nén … Nôn mửa thì tôi đã biết, nhưng nôn mửa do say sóng thì đây là lần đầu. Nó thật khó chịu làm sao; đầu nặng như búa bổ, trong bụng dù không còn gì mà vẫn phải nôn ọe thật khó chịu, đúng như người ta nói  nôn cả mật xanh, miệng đắng ngắt. Cũng may mà sau đó tôi đã ngủ thiếp đi để không còn biết cảm giác trời đất gì nữa. Có lẽ mãi đến trưa ngày hôm sau tôi mới tỉnh dậy trong tiếng ồn ào của mọi người và luồng ánh sáng tràn vào từ trên boong tàu. Chỉ đến lúc này những người say sóng mới lấy lại được bình tĩnh và thấy đói bụng.  Cũng như họ, tôi  mở túi lấy một vài thứ để ăn cho đỡ đói và đỡ buồn. Không khí trong khoang tàu bắt đầu trở nên vui vẻ hơn và mấy chú lính Ba Lan cũng bắt đầu nháy mắt thân thiện với mọi người. Hồi đó tôi chưa biết thế nào là đi du lịch nhưng bây giờ nhớ lại thấy đó cũng giống như một cuộc đi du lịch đường biển vậy thôi, chỉ khác chăng là không mất tiền mua vé nên không được ngồi hoặc nằm trong các cabin tiện nghi như bây giờ!

Hôm đó, dù vẫn còn sợ say sóng, tôi đã cố leo lên boong tàu để ngắm biển. Biển xanh mênh mông không thấy bến bờ thật đẹp làm sao! Trước mắt tôi hoàn toàn một cảnh tượng khác hẳn với những gì tôi đã thường thấy quanh nhà mình: không đồng ruộng, không cây cối và không bị che khuất bởi các dãy núi, tất cả chỉ là một màu xanh biếc dính liền với màu xanh nhạt hơn ở tận cùng của nó. Tôi tự hỏi không biết cái gì ở tận cuối cùng kia, sao đi mãi vẫn không tới ? Đẹp lạ lùng nhất là khi mặt trời lặn; một quần lửa đỏ rực từ từ chui xuống mặt biển nước xanh đen thật kỳ diệu! Tôi định bụng sáng mai nhất định phải lên xem mặt trời mọc thế nào.  Thế nhưng đêm đó tôi lại đã ngủ quá say, khi tỉnh dậy mặt trời đã lên cao nên không thể so sánh với lúc nó lặng hôm qua. Tiếc thật! Thời gian còn lại của chuyến đi tàu ấy thật là thú vị. Sau lần say sóng ngày đầu tiên, tôi đã không say nữa,  nhờ thế mà cảm nhận được sự thú vị của chuyến đi. Cho đến nay mà nói, đó vẫn là chuyến đi biển dài ngày nhất của tôi.

Có lẽ sau gần đúng 3 ngày 2 đêm thì tàu chúng tôi đến một nơi mà sau này tôi mới biết là bến Cửa Lò thuộc tỉnh Nghệ An. Tàu to quá không thể cập sát bờ được mà phải thả neo đậu lại cách bờ khá xa. Ngay lúc đó tôi thấy có hàng chục chiếc thuyền buồm cập sát hai bên sườn tàu. Họ đến để “trung chuyển”  chúng tôi lên bờ. Những người thủy thủ Ba Lan ra hiệu cho chúng tôi nhanh chóng thu gom hành lý và xuống tàu. Lúc này tàu không mở cửa  theo kiểu  há mồm như  khi đậu ở cảng Quy Nhơn nên chúng tôi phải trèo lên boong  sau đó phải đi thang dây để xuống các thuyền nhỏ đang cặp sát bên dưới. Lúc đầu mọi người thoáng thấy lo ngại: đi được lên boong tàu đã khó, đi xuống còn bằng thang dây du đưa lại còn khó hơn. Ngay lúc đó những người lính Ba Lan đã nhanh chóng dẫn dắt từng người một để thực hiện được từ đầu đến cuối quá trình  trung chuyển ngoạn mục đó. Ai khỏe và nhanh nhẹn thì họ chỉ dìu dắt là đi được, ai yếu hoặc dút dát thì họ bế thốc lên và chuyền tay nhau đưa đi như một đồ vật một cách êm nhẹ và an toàn tuyệt đối. Bọn trẻ chúng tôi đa số thuộc loại “đồ vật” như thế! Một lúc sau tôi đã thấy mình ngồi trên một chiếc thuyền buồm với vài chục người khác. Mọi việc nhanh đến mức không còn thời gian để mà sợ.

Điều khiển con thuyền là 3-4 người dân chài địa phương. Họ mặc quần áo nâu, chân đất, đầu không đội mũ nón gì. Điều lạ lẫm đầu tiên với tôi là giọng nói của họ: tuy biết họ là "người ta" nói "tiếng ta" nhưng không thể nào hiểu đích xác họ nói gì trong suốt cả chuyến đi vào bờ kéo dài độ 40 phút. Tôi bất giác có cảm nhận khá rõ ràng là, từ nay mình đã ra khỏi lũy tre làng, rời  khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, không còn được sống trong căn nhà cùng với cha mẹ anh chị em ...để bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn mới lạ nơi đất khách quê người. Như một chú dế mèn, tôi cũng đang bước vào một cuộc phiêu lưu với những điều mới lạ khó đoán định ở phía trước.

Hà Nội, ngày 15/12/2014

Tìm kiếm Blog này