Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Nhân tố Bách Việt trong lập luận chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Sau một thời gian khá dài "bán tín bán nghi" đến nay có lẽ toàn thế giới đều biết việc TQ ngang ngược đòi chủ quyền đối với biển Đông mà vốn một phần lớn đã thuộc chủ quyền của các quốc gia ven bờ như VN, Philipin, Malaysia... và  dĩ nhiên cũng có một phần hợp lý của TQ, phần còn lại thuộc vùng biển quốc tế, theo đúng Công ước Luật Biển 1982. 

Thế giới cũng nhận biết cơ sở đòi hỏi chủ quyền của TQ chỉ là một bản vẽ tay ngẫu hứng của một viên sĩ quan của chính quyền Tưởng Giới Thạch vào thời kỳ sắp sụp đổ. Bản vẽ đó lúc thì gồm 10 đoạn, lúc 9 đoạn tạo thành một đường cong chấm phá giống như cái lưỡi bò nên còn được gọi là "đường lưỡi bò" áp sát bờ biển các nước quanh biển Đông.  Chỉ từ năm 2009 nhà cầm quyền Bắc Kinh mới công bố "đường lưỡi bò" và rêu rao "TQ có đầy đủ chứng cứ lịch sử" để đòi chủ quyền đối với toàn bộ biển Đông, nhưng thực ra họ không bao giờ chứng minh được bằng chứng lịch sử  đó là gì. Và lập luận này đã bị thế giới bác bỏ ngay từ đầu. Nó hài hước đến mức Thủ tướng Đức Angela Merkel  mới đây đã "chơi khăm" tặng người đứng đầu TQ-Tập Cận Bình một tấm bản đồ cổ chính hiệu trong đó chỉ vẽ biên giới cuối cùng của TQ  đến hết đảo Hải Nam. Nghe nói ông Tập cay cú lắm, nhưng đành phải nhận để rồi ngay sau đó đã cho người tráo đổi bằng một tấm bản đồ giả hiệu khác. Tráo đổi bản đồ là một thủ đoạn xâm lược sở trường của TQ mà!

Vô lý là vậy. Nhưng mối hiểm họa đối với khu vực và thế giới cũng bắt đầu từ khi TQ không ngừng leo thang các hành động bạo lực để lấn chiếm biển đảo của các nước láng giềng nhằm hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền vô lý của họ. Người dân TQ đã được chính quyền của họ rắp tâm nhồi sọ bằng những kiến thức lịch sử và địa- chính trị-kinh tế bị bóp méo trong nhiều thập kỷ trước nhằm mục đích lâu dài sau này. 

Bản đồ tính minh họa nước Xích Quỹ của Kinh Dương Vương thời tiền sử (nguồn Interrnet)

"Bản đồ dọc" do TQ mới công bố gồm cả "đường lưỡi bò"

Tuynhiên, may thay, không phải tất cả người TQ đều tin vào những kiến thức nhồi sọ đó. Tuy không nhiều lắm, nhưng vẫn luôn có những người TQ thuộc giới trí thức và các tầng lớp xã hội khác hiểu đúng và dám lên tiếng  phê phán bóc trần thủ đoạn bịa đặt lịch sử của giới cầm quyền đất nước họ. Trong số đó, mới đây có học giả Lê Oa Đằng - chủ nhân của một trang Blog có hơn 4.039.130 người đọc đã đăng một bài viết nhan đề “Nam Hải từ xưa đến nay là của Trung Quốc ư?” Xem thêm tại đây

Điều đáng chú ý là, ngoài những lập luận bác bỏ ta từng nghe, ông Lê Oa Đằng đã nêu lên nhân tố Bách Việt là tộc người đầu tiên phát hiện và làm chủ biển Đông, và theo ông "Việt Nam ngày nay là quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt".

Để lý giải điều này học giả Lê Oa Đằng bắt đầu bằng câu hỏi: "Trung Quốc có thực sự có chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với Nam Hải hay không? Và cũng theo ông, hãy để sự thật lên tiếng. Trung Quốc thực tế đã “phát hiện” Nam Hải từ triều Hán; nhưng Nam Hải không phải do người Trung Quốc phát hiện sớm nhất, mãi đến đời Tần Trung Quốc mới đến Nam Hải; còn trước đó từ rất lâu, tộc người Bách Việt sinh sống ở vùng Quảng Đông và bán đảo Đông Dương đã sinh sống ven Nam Hải". Và ông kết luận: "Nếu nói ai “phát hiện” ra Nam Hải thì người Việt Nam có tư cách hơn chúng ta, vì họ là hậu duệ trực hệ của người Bách Việt, và cũng là quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt"

Toàn bộ bài viết của học giả này được dẫn chứng bằng những dữ liệu tìm thấy trong sử sách Trung Quốc, nhưng ông lần lượt bác bỏ cách lập luận "vơ vào" của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ví dụ, ông cho rằng  từ đời Tống trở về trước đều “rất khó xác định người Trung Quốc đã biết đến Tây Sa (Hoàng Sa), chứ đừng nói tới Nam Sa (Trường Sa). Ví dụ sách “Dị vật chí” đời Đông Hán mà Trung Quốc hay nhắc tới niên đại, thì thực ra nó được viết vào đời nhà Ngô sau này. 

Ở một đoạn khác ông lập luận: Chính phủ Trung Quốc cho rằng Trướng Hải chính là Nam Hải, Kỳ Đầu chính là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phán đoán đó đã phạm sai lầm tối thiểu về mặt lô-gic “lấy cá thể thay cho tổng thể”. Mấy chữ đó không thể chứng minh được những địa danh đó ở nơi nào, cũng chẳng có bài viết nào của Trung Quốc chỉ ra rằng chúng ở đâu. Theo ông, sự thật là, những ghi chép đầu tiên giúp xác định Tây Sa (Hoàng Sa) lại do người Chiêm Thành cung cấp. Theo ghi chép trong sách “Tống hội yếu”, năm 1018, sứ giả Champa đi sứ Trung Quốc có nói (dịch nghĩa): “Chúng tôi đến Quảng Châu, thuyền bị gió thổi trôi đến Thạch Đường, đi mãi mới đến được đây. Thạch Đường trên biển cách Nhai Châu 700 dặm, chìm dưới nước 8-9 thước”. Qua miêu tả cho thấy, Thạch Đường chính là quần đảo Hoàng Sa. Do đoạn văn tự này do người Trung Quốc ghi lại, nên các chuyên gia Trung Quốc liền cho rằng đó là một chứng cứ lịch sử cho thấy Hoàng Sa là của Trung Quốc, nhưng họ cố tình không chịu hiểu là: phía Trung Quốc chỉ là người ghi chép lại, còn người Chiêm Thành mới là bên cung cấp thông tin, sự việc được ghi lại chính là: người Chiêm Thành đã đến quần đảo Hoàng Sa.


Chính vì vậy, nếu lấy ghi chép trong sử liệu làm chuẩn, người Chiêm Thành phát hiện ra Hoàng Sa sớm nhất, Vương quốc Champa là một bộ phận của Việt Nam ngày nay. Xét về quan hệ kế thừa chủ quyền, chính người Việt Nam chứ không phải Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa đầu tiên.

Lê Oa Đằng khẳng định, theo sử sách của chính mình, người Trung Quốc biết đến Trường Sa còn muộn hơn nhiều. Ông dẫn lại những ghi chép trong Quyển 197, sách “Tống hội yếu”, có chép lại sự kiện ngày 20 tháng 7 năm Gia Định thứ 9 (1209), có sứ giả nước Chanlifu (Chanthaburi ở Đông Nam Thái Lan ngày nay) đến thăm. Sứ giả này đã kể lại với các quan chức nhà Tống việc từ nước mình sang tới đây phải qua Chiêm Thành, sắp đến Giao Chỉ thì bị gió lớn thổi dạt đến “Vạn Lý Thạch Đường” nước chỗ nông chỗ sâu, nhiều đảo bãi, thuyền lật chết đuối mười mấy người; may có gió Đông Nam vượt qua được Giao Chỉ, đi 4-5 ngày nữa mới đến được Khâm Châu, Liêm Châu. Đoạn văn này chỉ ghi lại sự việc, chẳng nói ai phát hiện ra “Vạn Lý Thạch Đường” theo phỏng đoán là quần đảo Trường Sa.


Theo Lê Oa Đằng, Trung Quốc luôn nhấn mạnh bắt đầu từ đời nhà Tống đã quy Hoàng Sa và Trường Sa vào Vạn Châu. Chứng cứ là các địa phương chí có ghi “Vạn Châu có biển Trường Sa và biển Thạch Đường”, nhưng chỉ cần đọc hoàn chỉnh cả câu thì thấy ngay cách nói đó không đáng tin cậy. “Thực ra, hoạt động của các quốc gia khác ven Nam Hải có lịch sử rất lâu đời. Người Chiêm Thành, nay thuộc Việt Nam biết đến Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) rất sớm, thậm chí có thể là những người phát hiện ra chúng. Việt Nam có chứng cứ đã quản trị Tây Sa (Hoàng Sa) từ đầu thế kỷ 18, thậm chí đã được quốc tế thừa nhận. Trái lại, Trung Quốc chả có chứng cứ gì về mặt này”. 

Là chủ trang blog Bách Việt, tôi thấy tâm đắc với ý kiến của học giả người Trung Quốc chính hiệu này vì lẽ: Mặc dù bị  các triều đại thống trị Trung Quốc ra sức tẩy xóa bằng chính sách đồng hóa liên tục suốt mấy ngàn năm nay nhưng khái niệm Bách Việt vẫn còn đó rất rõ trong tiềm thức nhân dân TQ. Vậy thì cớ sao người Việt Nam lại "quên" đi (dù là vô tình hay hữu ý) khái niệm Bách Việt trong cả sử sách giáo khoa và trong nhận thức của mỗi người?  Sao chúng ta không lắng nghe những người TQ như học giả Lê Oa Đằng để hiểu thêm về nguồn cội của dân tộc Việt Nam với tư cách là "quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt" như học giả Lê Oa Đằng đã nói? 
   
Mong thay, không chỉ nhân dân, mà quan trọng hơn là giới sử gia và giới lãnh đạo đất nước hãy lưu tâm đến vấn đề nguồn cội Bách Việt với một cách nhìn đúng đắn: Nguồn cội là cái gốc, vì nếu một dân tộc không biết mình thực sự là ai thì không thể tồn tại và phát triển lành mạnh bền vững lâu dài được. Rất nhiều người VN ngày nay vẫn tưởng mình là "từ người TQ mà ra". Nhưng đó là một quan niệm hời hợt mang nặng ảnh hưởng của thời ngàn năm Bắc thuộc. Thiết nghĩ đã đến lúc cần chấn chỉnh lại công tác học thuật theo hướng tôn trọng sự thật lịch sử, trong đó có lịch sử Bách Việt trong quá trình hình thành và phát triển của hai quốc gia TQ và VN đồng thời nhìn nhận đúng thực chất về sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Hán và Việt, coi đó là cơ sở để xây dựng mối quan hệ thật sự bình đẳng giữa hai nước. 

Riêng về lập luận chủ quyền biển đảo của VN, nhân tố cội nguồn Bách Việt cần được tính đến. Để làm điều này, cần tập trung đi sâu nghiên cứu, khai thác và vận dụng mọi dữ liệu lịch sử, khảo cổ và nhân chủng học mà thế giới đã đúc kết về Bách Việt. Trong số đó, cần khẳng định lại nhà nước Nam Việt của Triệu Đà là một trong các triều đại "tiền bối" của VN như đã được các triều đại trước thời hậu Lê công nhận. Điều này cũng phù hợp với tiến trình lịch sử dân tộc ta từ thời Kinh Dương Vương. Về chủ đề này bạn đọc có thể tham khảo thêm tại đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/.   

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Thà đừng nói gì còn hơn


Không chỉ người Việt Nam mà cả thế giới đã đúc kết về thế nào là cách ứng xử hợp lý trước những tình huống khó xử, đó là giữ im lặng không nói điều gì: "Im lặng là vàng". Tuy nhiên, biết vậy mà không hiểu sao một số chính khách VN hay vi phạm điều này, có khi do vô tình có khi cố ý và ngay cả trong những tình huống rất nhạy cảm liên quan đến lợi ích quốc gia.

Mới đây có chuyện ông Lê Lương Minh được hãng Reuters trích dẫn đã phát biểu với tư cách Tổng Thư ký ASEAN tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Naypyidaw, Myanmar ngày 9/8/2014 rằng "Đề xuất của Hoa Kỳ ("đóng băng" các hoạt động xây dựng của các bên tại biển Đông) đã không được các Bộ trưởng ASEAN thảo luận vì ASEAN đã có nghị quyết ngăn chặn không được xây dựng trên các đảo san hô và cải tạo đất trong khu vực tranh chấp. Ông Minh còn lưu ý rằng "Đây không phải là vấn đề của ASEAN vì tổ chức này đã có những cam kết cùng với Trung Quốc tự kềm chế trong các hoạt động vào năm 2002"...và rằng "Các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông chỉ có thể được giải quyết giữa các bên có liên quan". 


Ai cũng biết, vấn đề biển Đông có liên quan đến nhiều nước ASEAN và thế giới, nhưng đã bị TQ tìm mọi cách ngăn cản không cho "quốc tế hóa", coi đó là "vấn đề song phương" giữa TQ với từng nước ASEAN để dễ bề bẻ từng chiếc đũa. Cậy thế nước lớn có nhiều tiềm lực TQ không chỉ tung ra hàng vạn tàu thuyền tràn ngập biển Đông mà còn hối hả xây dựng trái phép tại nhiều điểm trong đó có bãi Gạc Ma chiếm của VN năm 1988. Những hành động ngang ngược tham lam của TQ đã đẩy vấn đề lên mức mâu thuẫn lợi ích với các nước ngoài khu vực, trong đó có Mỹ. Điều này có nghĩa là TQ đã tự gây ra vấn đề với Mỹ thì họ phải tự xử lý lấy với Mỹ mới đúng! Hà cớ gì các nước "nạn nhân" lại không ủng hộ đề nghị của Mỹ với tư cách là một bên đối tác của ASEAN cũng như TQ (?) Đã có một vài trường hợp do cầu lợi mà nhắm mắt làm theo yêu cầu của TQ  như Campuchia khi làm Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 và đã bị Phipipin, VN và nhiều nước ASEAN chê bai rồi còn gì.  
Sơ đồ căn cứ Gạc Ma TQ đang xây dựng  (Nguồn internet) 

Trước đó trong dịp Hội nghị Shangri-La tại Singapore cuối tháng 5 đầu tháng 6/2014, giữa lúc TQ cho hạ đặt giàn khoan khủng Haiyang 981 với sự hộ tống của hàng trăm tàu thuyền, máy bay, kể cả tàu chiến tại vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa tranh chấp và sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN khiến dư luận thế giới tập trung ủng hộ VN mạnh hơn mức chưa từng thấy trước đó thì Đại tướng Phùng Quang Thanh với tư cách Trưởng Đoàn VN tham dự Hội nghị đã nói "xanh rờn" rằng chuyện giàn khoan chỉ là chuyện "xích mích giữa láng giềng, bạn bè". Ít ai hiểu được hàng xóm bạn bè kiểu gì mà lại dàn binh bố trận hùng hùng hổ hổ trấn cướp nhà của nhau như thế (!?) 

Thiết nghĩ không cần nhắc lại, chắc mọi người đều biết dư luận bên trong VN và quốc tế đã bức xúc như thế nào trước các phát biểu như thế của các vị quan chức cao cấp VN, và cảm nhận chung nhất là không khác nào những gáo nước lạnh dội lên đầu những ai có thiện chí ủng hộ VN (trong cuộc đấu tranh với TQ). 

Vẫn biết VN có lý của mình để theo đuổi cái gọi là "đường lối mềm dẻo khôn khéo" giữa các nước lớn trong vấn đề biển Đông, nhưng đâu nhất thiết phải nói ra những điều mà nếu không nói có khi còn khôn khéo hơn ấy chứ (!?)   Điều tất nhiên và lẽ đương nhiên, việc ai người nấy làm, nước nào cũng có lợi ích của họ, VN có lợi ích của VN, Nhật Bản có lợi ích của Nhật Bản, Hoa Ký có lợi ích của Hoa Kỳ, TQ có lợi ích của TQ, v.v... Và không phải vì những lời nói của một vài quan chức nước nọ nước kia mà có thể xoay chuyển tình thế. Nhưng quả là tình thế khó mà có thể tốt hơn lên khi có một người bạn đồng hành chốc chốc lại bỗng dưng dừng lại giữa đường vì lý do riêng tư hoặc thốt lên những lời khó hiểu. 



Chắc chắn các vị quan chức càng cao thì càng hiểu biết về nguyên lý ứng xử "im lặng là vàng". Nhưng có lẽ vì họ có bổn phận phải nói theo đường lối đã được chỉ đạo từ cấp cao. Đó cũng là lẽ đương nhiên. Chỉ tiếc là, sự chỉ đạo đó bắt nguồn từ một nếp tư duy quá cũ kỹ, xơ cứng không còn sức co giãn, đàn hồi để thích ứng với dòng chảy của thời đại. Nếu người viết bài này không nhầm, thì rất nhiều, nếu không nói là đa số người VN, đều cảm thấy bất bình trước những phát biểu mà họ nhận thấy không cần thiết hoặc không đúng lúc của các vị quan chức trong những tình hướng cụ thể nói trên. Giá như họ giữ im lặng, đừng nói gì trong những tình huống đó có phải tốt hơn không (?) 
    

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Quan hệ Việt-Mỹ: Những tín hiệu khả quan


TNS John McCain và TNS Sheldon Whitehouse
trả lời phỏng vấn báo chí tai HN tối 8/8
Chỉ ít ngày sau chuyến thăm Mỹ của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và vài ngày sau chuyến thăm VN của thượng nghị sĩ Bob Corker, thành viên cao cấp Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ là chuyến thăm của Đoàn TNS Mỹ John McCain và TNS Sheldon Whitehouse cùng các thành viên đến VN (từ 7-10/8). Được biết, có tin  Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm Mỹ nay mai, và nếu đúng vậy thì đây là thời kỳ "dầy đặc" nhất của các cuộc thăm viếng qua lại giữa các quan chức cao cấp hai nước. Đáng chú ý là hiện tượng này xảy ra ngay sau vụ giàn khoan Haiyang 981.   

Nếu chuyến thăm Mỹ của ông Phạm Quang Nghị diễn ra một cách vội vã với những dấu hiệu không bình thường, và do đó đã gây tranh cãi không chỉ trong dư luận VN mà cả quốc tế, thì chuyến thăm VN của đoàn TNS Mỹ lại được đón nhận như một "làn gió mát" bất chợt trong bầu không khí mùa  Hè nóng bức của VN và vùng Đông  Nam Á. Có một bình luận vui rằng, chuyến thăm của Đoàn TNS Mỹ đã "cứu ông Phạm Quang Nghị một bàn thua trông thấy", vì việc ông Nghị đi Mỹ không khác nào hành động của một hậu vệ xông lên đá ở vị trí tiền đạo nhằm tìm một bàn thắng (!). 

Tuy nhiên, bóng đá hoàn toàn khác với chính trị; dù sao chuyến đi của ông Nghị vẫn là một bộ phận cấu thành của toàn bộ chuỗi các sự kiện đang góp phần "nắn dòng chảy" của mối quan hệ Việt-Mỹ. Và đây là câu chuyện dài rất phức tạp mà người viết bài này chưa có đủ dữ liệu để bàn luận một cách thực sự có chiều sâu, nên chỉ xin mạo muội đề cập đôi điều trên bề mặt của nó mà thôi.  

Theo những tin tức có được đến giờ phút này, đặc biệt qua cuộc trả lời phỏng vấn của hai TNS Mỹ tối qua có thể thấy toát lên mấy điểm sau: 

Đây là lần đầu tiên phía Mỹ tỏ rõ quyết tâm "dấn tới" và kết thúc quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt vốn đã kéo dài gần 20 năm. Điều này thể hiện ở thành phần Đoàn gồm 2 TNS John McCain và TNS Sheldon Whitehouse là những nhân vật kỳ cựu và chủ chốt có đủ tư cách để đại diện cho 2 đảng trong QH và cho nước Mỹ nói chung trong vấn đề quan hệ Mỹ -Việt. 

Ngay từ đầu chuyến thăm TNS John McCain đã tuyên bố: “Đã đến lúc Mỹ có thể nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN" và "sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự, an ninh với VN". 

Cách đặt vấn đề của TNS  John McCain cho thấy sự  chủ động trên cơ sở có tính toán cẩn thận của phía Mỹ khi ông này đưa ra đánh giá: “Hai thập kỷ qua, Mỹ và VN đã xây dựng mối quan hệ vững mạnh dựa trên những mục tiêu chung, mối quan tâm và lợi ích chung. Hy vọng của chúng tôi là năm tới hai nước sẽ xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược dựa trên những giá trị chung. Điều đó làm chúng ta có mối quan hệ mật thiết lâu bền”.

Trong một trả lời khác, sau khi nói “Chúng tôi sẵn sàng gia tăng trợ giúp về an ninh, giúp VN đảm bảo hợp thức chủ quyền của mình, bảo đảm bảo vệ các quyền của VN”, John McCain cũng nhấn mạnh: “Tất cả không nên xảy ra cùng lúc” hàm ý còn tùy thuộc các yếu tố chủ quan và khách quan từ hai nước và từ  quốc tế, trong đó chắc là có vấn đề nhân quyền. 

Bên cạnh chủ đề tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, Đoàn tỏ ra rất lạc quan về khả năng VN gia nhập TPP. Có lẽ với mục đích tăng cường quan hệ được đề cao nên phía khách buộc phải hạ thấp các yêu cầu về nhân quyền vốn hay được phía Mỹ đề cao trước đây. Biểu hiện là hầu như không thấy có chương trình hoạt động thuần túy nào về nhân quyền được yêu cầu trong chương trình nghị sự. Khi có người hỏi liệu Mỹ có đặt điều kiện gì về nhân quyền đối với VN không ông John McCain nói "VN đã có những tiến bộ"..., và do đó "nhân quyền không phải là vấn đề gây trở ngại". 

Xét trong khuôn khổ luật pháp Mỹ, thì hai TNS John McCain và TNS TNS Sheldon Whitehouse có đủ tư cách và thẩm quyền để thay mặt QH và Chính quyền Mỹ phát biểu về chính sách của quốc gia và không ai nghi ngờ gì về tính khả thi của chúng. Và hình như để khẳng định điều này TNS Sheldon Whitehouse (Đảng DC) bộc bạch tại cuộc phỏng vấn: "Trong Quốc hội Mỹ, nếu có những bất đồng trong các vấn đề cũng là bình thường. Tôi không loại trừ có những bất đồng trong việc nới lỏng hay dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông John McCain và tôi đại diện cho 2 đảng khác nhau. Nhưng tôi tin rằng chúng tôi có thể làm việc để tạo ra hành động trong Quốc hội Mỹ, từ đó gửi tín hiệu khuyến khích nhánh hành pháp...".

Như vậy tín hiệu đèn xanh đã bật lên từ phía Mỹ. Vậy câu hỏi đặt ra là, điều gì thúc đẩy nước Mỹ "dấn bước" một cách cụ thể và rõ ràng như vậy?

Đã có vài  ý kiến "đoán non đoán già" rằng trong chuyến thăm Mỹ vừa qua chắc ông Phạm Quang Nghị đã có cam kết cụ thể nào đó với Mỹ về nhân quyền(?). Đó không phải là một suy đoán tồi. Nhưng không nên loại trừ một một nhân tố khác, đó là Mỹ không muốn  mất cơ hội tốt sau vụ TQ hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của VN để đi cái bước đi mà họ rất cần trong chiến lược "xoay trục" của họ. Cách lập luận này xem ra phù hợp với đặc điểm thực dụng của người Mỹ hơn chăng(?) Điều này được thể hiện, dù thoáng qua, trong một câu trả lời phỏng vấn của TNS John McCain rằng“Chúng ta cần có một nghị trình tham vọng hơn, nhất là trong thời điểm đang có những diễn biến lo ngại trên Biển Đông. Đây là lúc Mỹ và VN cần có bước nhảy vọt mạnh mẽ trong thời gian tới”. Ông cũng không quên "hứa" rằng "Mỹ sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự, gia tăng chuyến thăm tàu quân sự đến VN theo mức độ VN chấp nhận được". Đồng thời ông cũng có ý làm yên lòng TQ hoặc nước nào có thể lo lắng bằng câu: "Mỹ không tìm kiếm mục đích, không đặt ra yêu cầu thuê mướn căn cứ quân sự ở VN".

Ngoài ra, có một ý tứ có lẽ không không kém phần quan trọng. Nó cũng chứa đựng trong câu nói của TNS John MacCain khi trả lời phỏng vấn báo chí tối 8/8: "Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là thiết lập những quan hệ liên minh, các nước liên kết nhau để bảo vệ nền pháp quyền quốc tế. Điều này mang lại lợi ích cho tất cả các nước. Để khi nói đến bảo vệ nền pháp quyền thì chúng ta không cần phải nghĩ đến việc chọn ai và theo ai", và "Nếu tin vào tầm quan trọng của nền pháp quyền thì chúng ta phải ủng hộ điều đó và cùng tham gia, cùng toàn thế giới thực hiện điều đó sẽ không phải đắn đo, lựa chọn, cho dù khi nỗ lực bảo vệ pháp quyền chúng ta phải hy sinh một số tham vọng". 

Phải chăng khi nói vậy, ông McCain đã nêu lên quan điểm của Mỹ về nguyên tắc bảo vệ pháp quyền và tính nguyên minh bạch trong quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ Việt-Mỹ. Nói  vậy cũng là để nhằm tránh sự hiểu nhầm của bên ngoài đồng thời chỉ ra sự ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ giữa Mỹ và Việt Nam với tư cách hai "đối tác chiến lược" trong tương lai ? 

Như vậy, có thể nói tuy chuyến thăm chưa kết thúc, nhưng Đoàn Nghị sĩ Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh phát ra một thông điệp hoàn toàn rõ ràng đối với VN: Nước Mỹ đã sẵn sàng để kết thúc quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt và hai nước có thể bắt đầu một trang mới. Vấn đề còn lại là phía Việt Nam sẽ hưởng ứng như thế nào.  Những ai  bảo rằng cơ hội đối với VN đã hết thì có lẽ họ đã nhầm. Nhưng đối với những ai còn nghi ngờ liệu VN có sẵn sàng để đón nhận cơ hội hay không thì  xem ra họ vẫn còn có lý./. 

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Khi chiếc nỏ thần lại rơi vào tay giặc

Quan hệ Việt-Trung như một chiếc hàn thử biểu nóng lạnh thất thường, đặc biệt trong thời kỳ "hậu chiến tranh lạnh" nó nóng lên với nhịp độ trung bình 10 năm một cuộc chiến. 

Giàn khoan Haiyang 981: mở đầu của cuộc chiến bằng những mốc chủ quyền di động 
Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang 981 sâu trong hải phận Việt Nam ngày 2/5 rồi đột ngột rút giàn khoan ngày 16/7 là một trong những ví dụ mới nhất. Xung quanh việc rút giàn khoan có nhiều điều còn bàn cãi, nhưng có một điều đã rõ là Bắc Kinh hoàn toàn giành quyền chủ động về thời gian và cách thức; có ý kiến còn cho rằng toàn bộ quá trình hạ đặt đến việc rút giàn khoan là cuộc chơi do Bắc Kinh dàn dựng.  

Với tình trạng quan hệ thất thường như thế, phần thua thiệt luôn thuộc về Việt Nam. Tuy nhiên có điều lạ là, mặc dù người VN (cả giới lãnh đạo và dân chúng) tuy không phải một lần mà nhiều lần đã trải qua tâm trạng tràn trề căm hờn uất ức, nhưng rồi lại "quên" ngay sau mỗi cuộc. Này nhé, cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974 dù ít được biết đến nhưng sau này biết được ai ai cũng phẫn uất. Rồi cuộc chiến biên giới Tây-Nam tiếp nối cuộc chiến tranh tranh biên giới phía Bắc kéo dài gần 20 năm trực tiếp ảnh hưởng đến mọi gia đình Việt từ Nam chí Bắc. Cuộc thảm sát Gạc Ma năm 1988  (gọi là "thảm sát" vì cuộc chiến đó lính TQ thỏa sức bắn giết những người lính VN đã được lệnh không nổ súng). Mới đây nhất là vụ giàn khoan Haiyang 981 thực chất là cuộc xâm lược kiểu mới bằng giàn khoan và tàu thuyền như những "cột mốc chủ quyền di động". Tất cả vẫn còn đó như một cuốn phim chiến tranh dài vô tận.

Chiến tranh biên giới 1979 đưa quan hệ Trung-Việt về số 0
Suốt 70 năm qua VN đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống các kẻ thù xâm lược khác nhau. Tất cả đều là chiến tranh xâm lược, nhưng rõ ràng VN đã đối xử hoàn toàn khác đối với các cuộc chiến tranh giữa VN với các nước gọi là tư bản đế quốc so với các cuộc chiến tranh giữa VN với  TQ xã hội chủ nghĩa. Dưới đây là một số biểu hiện như vậy.

Một là, Pháp, Nhật, Mỹ đều không lấy được của VN một tấc đất nào trong khi chỉ TQ thông qua các cuộc chiến tranh dù lớn nhỏ, lâu mau đã cướp của VN những phần lãnh thổ hoặc biển đảo có vị trí chiến lược quan trọng. Đó là bằng cuộc hải chiến Hoàng Sa (1974) TQ đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; bằng cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 (thực chất kéo dài nhiều năm sau) TQ chiếm hàng loạt cứ điểm dọc biên giới với diện tích tổng cộng ước bằng diện tích tỉnh Thái Bình (theo đánh giá của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ VN tại TQ) kéo theo Vịnh Bắc Bộ cũng đã được chia lại một cách có lợi hơn cho phía TQ so với Hiệp ước Pháp-Thanh; bằng cuộc chiến chớp nhoáng tại quần đảo Trường Sa năm 1988, TQ đã chiếm bãi Gạc Ma và 6 đá hoặc đảo chìm làm chỗ đứng chân đầu tiên của họ giữa biển Đông cách xa đảo Hải Nam hơn 1.000 dặm; và bằng vụ giàn khoan Haiyang 891 TQ đã và đang thử nghiệm kiểu chiến tranh xâm lược mới mà hậu quả chưa thể lường trước được.   

Hai là, trong bất cứ cuộc chiến tranh nào với Pháp, Nhật, Mỹ lãnh đạo VN đều gọi đích danh kẻ thù và huy động toàn dân kết hợp "3 dòng thác cách mạng" thế giới. Những cuộc chiến tranh đó bao giờ cũng đóng vai trò chất kết dính của khối đoàn kết dân tộc. Nhưng trong các cuộc chiến chống TQ xâm lược lãnh đạo VN tránh nêu đích danh TQ, thậm chí chỉ coi đó là "xích mích giữa láng giềng, anh em..." (Phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangi-La (31/ 5/2014), và mỗi khi dư luận quốc tế ủng hộ mạnh lên thì VN thụt lại. Mặt khác, trong khi năm nào VN cũng kỷ niệm rất rầm rộ chiến thắng xâm lược Pháp, Mỹ nhưng lại bưng bít, hạn chế đưa tin về các cuộc chiến tranh với TQ, thậm chí không cho tìm hài cốt và truy tặng danh hiệu đối với các chiến binh tử trận. 

Ba là, trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ lãnh đạo Việt Nam đề cao vai trò nhân dân, coi chiến tranh là sự nghiệp và lẽ sống mà các thế hệ người Việt phải xả thân vì chủ quyền và độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tuyên bố : "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành lại độc lập cho dân tộc". Đó thực sự đã là những cuộc chiến tranh toàn dân toàn diện đúng với nghĩa của nó. Nhưng trong các cuộc chiến chống TQ xâm lược thì khác, đặc biệt gần đây còn xuất hiện cách lập luận cho rằng "chiến tranh là hy sinh mất mát không cần thiết", và do đó "bằng bất cứ giá nào cũng phải tránh chiến tranh". Thực chất đây là một lối đạo đức giả trái với truyền thống luân thường đạo lý của dân tộc. Chính lối ứng xử không bình thường này đã và đang xói mòn khối đoàn kết của dân tộc. 

Bốn là, trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vùng giải phóng tuy chỉ với nền kinh tế tự cấp tự túc thô sơ, chính quyền cách mạng vẫn chủ trương tẩy chay hàng ngoại hóa (tức là hàng từ vùng bị địch chiếm) và chủ trương này được nhân dân nhiệt thành hưởng ứng. Nhưng ngày nay với một nền kinh tế hoàn chỉnh của một quốc gia hơn 90 triệu dân, thì chính quyền lại tỏ ra lúng túng lo sợ bị TQ cắt quan hệ.  Ngay trong những ngày tàu thuyền TQ trắng trợn truy sát quân dân ta trên biển thì cán bộ và doanh nhân vẫn thản nhiên tiếp tục quan hệ bình thường với đối tác TQ.  

Năm là, nếu tâm lý kỳ thị "địch - ta" sau các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ đã kéo dài hàng chục năm ảnh hưởng nặng nề đến tiến trình bình thường hóa quan hệ, thì chỉ một ngày sau khi TQ rút giàn khoan 981 mọi thứ dường như đã lập tức trở lại bình thường với hàng loạt chương trình tuyên truyền trên TV, báo, đài được dàn dựng công phu đều bị hủy bỏ. Tất cả diễn ra như một màn kịch vậy! Theo đó, người dân trở lại hân hoan với niềm tự hào vốn có: VN lại chiến thắng rồi! Hình như người Việt thích từ "chiến thắng" trong chiến tranh hơn "thắng lợi" trong xây dựng kinh tế thì phải? Cứ chiến thắng là được, không cần thắng lợi nên cứ để nền kinh tế lệ thuộc vào TQ cũng không sao.

Hội nghị Thành Đô với những thỏa hiệp đến nay chưa được bạch hóa
Những sự khác biệt nêu trên đây nói lên điều gì nếu không phải một đường lối và chủ trương chính sách có sự phân biệt rõ ràng giữa kẻ thù xâm lược tư bản và kẻ thù xâm lược cộng sản?  Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là cái gốc để hiểu mọi vấn đề liên quan đến quan hệ Trung-Việt, đặc biệt trong những tình huống có chiến sự xảy ra . Nó giúp ta dễ dàng nhận ra lý do tại sao VN lại mau chóng "quên" (hoặc giả vờ quên) các cuộc chiến với TQ đến vậy. Đồng thời cũng dễ dàng nhận thấy sự nguy hiểm khôn lường của đường lối và chính sách "không giống ai" đó của VN. Một bộ phận những người lãnh đạo đất nước ngày nay vẫn say sưa tự hào về đường lối được coi là "mềm dẻo khôn khéo"đó bất chấp những hậu quả đã được kiểm chứng với lần lượt những phần lãnh thổ và biển đảo bị đưa ra làm "vật tế thần" nhưng không thể ngăn cản bước chân xâm lược của kẻ thù truyền kiếp đang hồi sung mãn quyết chí thực hiện tham vọng bành trướng bá chủ biển Đông. Liệu VN có thể tồn tại độc lập và phát triển "đặng sánh vai với các cường quốc năm châu" như người sáng lập Hồ Chí Minh đã từng ước vọng được không? Câu hỏi này thực sự đã được trả lời KHÔNG sau quá trình 1/2 thế kỷ "đồng sàng dị mộng" giữa hai nhà nước cộng sản VN và TQ rồi còn gì (?). Làm sao đất nước này có thể phát triển lành mạnh trong điều kiện "bên miệng hố chiến tranh" do kẻ thù sắp đặt?

Nhân đây lại phải nhắc lại một sự thật. Đó là không phải chỉ bây giờ mà đã nhiều lần trong quá khứ người Việt đã nhận thấy nhu cầu "thoát Trung", gần đây nhất là thời Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh hồi đầu thế kỷ thứ 20. Rất tiếc rằng đến thời đại Hồ Chí Minh và các thế hệ kế tiếp khái niệm thoát Trung đã bị lu mờ nếu không nói đã bị hoán đổi bằng khái niệm quan hệ "môi với răng", "vừa là đồng chí, vừa là anh em"... Trong thời kỳ này cái tâm thế yếu hèn từ trong sâu thẳm của một bộ phận người Việt lại trỗi dậy và được vỗ về bởi thứ quan niệm hoàn toàn mới có tên gọi "ý thức hệ cộng sản và XHCN". Nếu tinh thần tự cường dân tộc là bí quyết của chiếc nỏ thần (phỏng theo truyền thuyết An Dương Vương) thì trong thời kỳ này nó đã được trao cho nhà cầm quyền Bắc Kinh. Theo quy luật mưa dầm thấm lâu, không chỉ các thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhau mà cả dân chúng đã quen với quan niệm dựa dẫm, lệ thuộc vào nước lớn láng giềng đến mức không thấy không có nhu cầu thoát, thậm chí đánh đồng khái niệm đó là đối đầu, là chống Trung. Và do đó người ta lo sợ một nỗi lo bóng gió vu vơ như ta thấy hiện nay. Vì lo sợ nên lúc nào cũng phải rào trước đoán sau, chưa khảo đã xưng "VN không liên minh với ai" và giả bộ coi cuộc xâm lăng từ TQ "chỉ là xích mích giữa láng giềng, bè bạn", v.v..., và tâm trạng lúc nào cũng lo sợ bị ông anh nổi giận.      

Tất cả mọi khái niệm đều có thể thay đổi với những ai thực sự muốn thay đổi cho một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng sẽ là vô nghĩa chừng nào người Việt Nam (cả chính giới và dân chúng) không thể thống nhất cùng nhau rũ bỏ cái "ý thức hệ" chết tiệt đó!  Nếu giới tinh hoa (elit) của dân tộc (thường bao gồm các thành phần chủ chốt trong giới lãnh đạo) có bổn phận là đầu tàu  dẫn dắt quốc gia, thì có thể nói giới tinh hoa của VN đã đánh mất vai trò đó từ khá lâu rồi. Trên thực tế họ đã và đang dẫn dắt tộc tộc theo một hướng sai lệch vì bản thân họ sa đà vào những quan niệm sai lệch và trở nên xơ cứng, bảo thủ đến mức hết phương cứu chữa. Về phương diện học thuyết, họ tỏ ra "bảo hoàng hơn vua" khi mà Liên Xô đã sụp đổ và không còn cái gọi là "hệ thống XHCN". Lại càng sai lầm hơn khi họ tự nguyện "đôn" ông anh hai với đầy thành tích bất hảo lên vai trò lãnh đạo và vô hình trung đã trao cho giới cầm quyền Trung Nam Hải chiếc gậy thần vô cùng lợi hại để tiếp tục thực hiện mưu đồ nô dịch VN cùng các nước Đông Dương.       

Trên đây là những sự thật mà người VN nào cũng nhận thấy. Tuy nhiên, vẫn cần nhắc lại rằng Việt Nam dù luôn tự hào đánh bại mọi kẻ thù xâm lược nhưng đến nay vẫn chưa chiến thắng được bản thân mình để thoát khỏi cái ý thức hệ viễn vông "vừa là đồng chí vừa là anh em" chết tiệt ấy. Phải chăng đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến đất nước không chỉ luôn rơi vào thế khó xử trước TQ đồng thời bị kìm chế không thể tận dụng mọi lợi thế trong quan hệ với các bên thứ ba. Do đó, cần hiểu đúng đắn rằng "thoát Trung" là thoát khỏi tâm thế phụ thuộc vì những điều viễn vông để trở lại tư thế độc lập tự chủ tự cường cần phải có của một quốc gia độc lập có chủ quyền. Thoát Trung là xuất phát từ nhu cầu phát triển tương lai của VN chứ hoàn toàn không có nghĩa là chống  lại hay đối đầu với TQ.  
VN không thể tồn tại và phát triển với thế đơn thương độc trước một cường quốc láng giềng bành trướng  
Không có gì sai để Việt Nam (cả chính quyền và người dân) hy vọng vào một sự thay đổi đường lối hữu nghị láng giềng đúng đắn từ phía nhà cầm quyền Bắc Kinh. Nhưng hy vọng nhiều hơn thực tế là ảo vọng nguy hiểm. Nên chăng, hy vọng là một chuyện, nhưng chủ động xúc tiến mọi biện pháp cần thiết để giành thế chủ động còn quan trọng hơn nhiều. Những  ai còn tiếp tục hy vọng hão huyền vào sự thay đổi hoặc sự nương nhẹ nào đó từ Trung Nam Hải sẽ không cần đợi lâu để lại thất vọng. Bởi lẽ, với chế độ chính trị TQ chưa thay đổi thì bản chất tham vọng bành trướng bá quyền đầy bệnh hoạn trong đó có mưu đồ độc chiếm biển Đông của họ sẽ tiếp tục chi phối quan hệ Trung-Việt. Sau giàn khoan 981, sẽ đến những giàn khoan khác, trước mắt là những đàn tàu cá TQ đang tung hoành ngang dọc khắp biển Đông sớm muộn cũng xung đột với tàu thuyền của VN. Bắc Kinh đâu có thiếu gì cớ để đánh VN khi  họ cần? Hãy đợi đấy! 
    
Ghi chú: Mấy tấm ảnh trong bài được lấy từ nguồn internet, lời ghi chú dưới ảnh là của tác giả bài viết.

Tìm kiếm Blog này