Sau một thời gian khá dài "bán tín bán nghi" đến nay có lẽ toàn thế giới đều biết việc TQ ngang ngược đòi chủ quyền đối với biển Đông mà vốn một phần lớn đã thuộc chủ quyền của các quốc gia ven bờ như VN, Philipin, Malaysia... và dĩ nhiên cũng có một phần hợp lý của TQ, phần còn lại thuộc vùng biển quốc tế, theo đúng Công ước Luật Biển 1982.
Thế giới cũng nhận biết cơ sở đòi hỏi chủ quyền của TQ chỉ là một bản vẽ tay ngẫu hứng của một viên sĩ quan của chính quyền Tưởng Giới Thạch vào thời kỳ sắp sụp đổ. Bản vẽ đó lúc thì gồm 10 đoạn, lúc 9 đoạn tạo thành một đường cong chấm phá giống như cái lưỡi bò nên còn được gọi là "đường lưỡi bò" áp sát bờ biển các nước quanh biển Đông. Chỉ từ năm 2009 nhà cầm quyền Bắc Kinh mới công bố "đường lưỡi bò" và rêu rao "TQ có đầy đủ chứng cứ lịch sử" để đòi chủ quyền đối với toàn bộ biển Đông, nhưng thực ra họ không bao giờ chứng minh được bằng chứng lịch sử đó là gì. Và lập luận này đã bị thế giới bác bỏ ngay từ đầu. Nó hài hước đến mức Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã "chơi khăm" tặng người đứng đầu TQ-Tập Cận Bình một tấm bản đồ cổ chính hiệu trong đó chỉ vẽ biên giới cuối cùng của TQ đến hết đảo Hải Nam. Nghe nói ông Tập cay cú lắm, nhưng đành phải nhận để rồi ngay sau đó đã cho người tráo đổi bằng một tấm bản đồ giả hiệu khác. Tráo đổi bản đồ là một thủ đoạn xâm lược sở trường của TQ mà!
Vô lý là vậy. Nhưng mối hiểm họa đối với khu vực và thế giới cũng bắt đầu từ khi TQ không ngừng leo thang các hành động bạo lực để lấn chiếm biển đảo của các nước láng giềng nhằm hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền vô lý của họ. Người dân TQ đã được chính quyền của họ rắp tâm nhồi sọ bằng những kiến thức lịch sử và địa- chính trị-kinh tế bị bóp méo trong nhiều thập kỷ trước nhằm mục đích lâu dài sau này.
"Bản đồ dọc" do TQ mới công bố gồm cả "đường lưỡi bò" |
Tuynhiên, may thay, không phải tất cả người TQ đều tin vào những kiến thức nhồi sọ đó. Tuy không nhiều lắm, nhưng vẫn luôn có những người TQ thuộc giới trí thức và các tầng lớp xã hội khác hiểu đúng và dám lên tiếng phê phán bóc trần thủ đoạn bịa đặt lịch sử của giới cầm quyền đất nước họ. Trong số đó, mới đây có học giả Lê Oa Đằng - chủ nhân của một trang Blog có hơn 4.039.130 người đọc đã đăng một bài viết nhan đề “Nam Hải từ xưa đến nay là của Trung Quốc ư?” Xem thêm tại đây
Điều đáng chú ý là, ngoài những lập luận bác bỏ ta từng nghe, ông Lê Oa Đằng đã nêu lên nhân tố Bách Việt là tộc người đầu tiên phát hiện và làm chủ biển Đông, và theo ông "Việt Nam ngày nay là quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt".
Để lý giải điều này học giả Lê Oa Đằng bắt đầu bằng câu hỏi: "Trung Quốc có thực sự có chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với Nam Hải hay không? Và cũng theo ông, hãy để sự thật lên tiếng. Trung Quốc thực tế đã “phát hiện” Nam Hải từ triều Hán; nhưng Nam Hải không phải do người Trung Quốc phát hiện sớm nhất, mãi đến đời Tần Trung Quốc mới đến Nam Hải; còn trước đó từ rất lâu, tộc người Bách Việt sinh sống ở vùng Quảng Đông và bán đảo Đông Dương đã sinh sống ven Nam Hải". Và ông kết luận: "Nếu nói ai “phát hiện” ra Nam Hải thì người Việt Nam có tư cách hơn chúng ta, vì họ là hậu duệ trực hệ của người Bách Việt, và cũng là quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt".
Toàn bộ bài viết của học giả này được dẫn chứng bằng những dữ liệu tìm thấy trong sử sách Trung Quốc, nhưng ông lần lượt bác bỏ cách lập luận "vơ vào" của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ví dụ, ông cho rằng từ đời Tống trở về trước đều “rất khó xác định người Trung Quốc đã biết đến Tây Sa (Hoàng Sa), chứ đừng nói tới Nam Sa (Trường Sa). Ví dụ sách “Dị vật chí” đời Đông Hán mà Trung Quốc hay nhắc tới niên đại, thì thực ra nó được viết vào đời nhà Ngô sau này.
Ở một đoạn khác ông lập luận: Chính phủ Trung Quốc cho rằng Trướng Hải chính là Nam Hải, Kỳ Đầu chính là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phán đoán đó đã phạm sai lầm tối thiểu về mặt lô-gic “lấy cá thể thay cho tổng thể”. Mấy chữ đó không thể chứng minh được những địa danh đó ở nơi nào, cũng chẳng có bài viết nào của Trung Quốc chỉ ra rằng chúng ở đâu. Theo ông, sự thật là, những ghi chép đầu tiên giúp xác định Tây Sa (Hoàng Sa) lại do người Chiêm Thành cung cấp. Theo ghi chép trong sách “Tống hội yếu”, năm 1018, sứ giả Champa đi sứ Trung Quốc có nói (dịch nghĩa): “Chúng tôi đến Quảng Châu, thuyền bị gió thổi trôi đến Thạch Đường, đi mãi mới đến được đây. Thạch Đường trên biển cách Nhai Châu 700 dặm, chìm dưới nước 8-9 thước”. Qua miêu tả cho thấy, Thạch Đường chính là quần đảo Hoàng Sa. Do đoạn văn tự này do người Trung Quốc ghi lại, nên các chuyên gia Trung Quốc liền cho rằng đó là một chứng cứ lịch sử cho thấy Hoàng Sa là của Trung Quốc, nhưng họ cố tình không chịu hiểu là: phía Trung Quốc chỉ là người ghi chép lại, còn người Chiêm Thành mới là bên cung cấp thông tin, sự việc được ghi lại chính là: người Chiêm Thành đã đến quần đảo Hoàng Sa.
Chính vì vậy, nếu lấy ghi chép trong sử liệu làm chuẩn, người Chiêm Thành phát hiện ra Hoàng Sa sớm nhất, Vương quốc Champa là một bộ phận của Việt Nam ngày nay. Xét về quan hệ kế thừa chủ quyền, chính người Việt Nam chứ không phải Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa đầu tiên.
Lê Oa Đằng khẳng định, theo sử sách của chính mình, người Trung Quốc biết đến Trường Sa còn muộn hơn nhiều. Ông dẫn lại những ghi chép trong Quyển 197, sách “Tống hội yếu”, có chép lại sự kiện ngày 20 tháng 7 năm Gia Định thứ 9 (1209), có sứ giả nước Chanlifu (Chanthaburi ở Đông Nam Thái Lan ngày nay) đến thăm. Sứ giả này đã kể lại với các quan chức nhà Tống việc từ nước mình sang tới đây phải qua Chiêm Thành, sắp đến Giao Chỉ thì bị gió lớn thổi dạt đến “Vạn Lý Thạch Đường” nước chỗ nông chỗ sâu, nhiều đảo bãi, thuyền lật chết đuối mười mấy người; may có gió Đông Nam vượt qua được Giao Chỉ, đi 4-5 ngày nữa mới đến được Khâm Châu, Liêm Châu. Đoạn văn này chỉ ghi lại sự việc, chẳng nói ai phát hiện ra “Vạn Lý Thạch Đường” theo phỏng đoán là quần đảo Trường Sa.
Theo Lê Oa Đằng, Trung Quốc luôn nhấn mạnh bắt đầu từ đời nhà Tống đã quy Hoàng Sa và Trường Sa vào Vạn Châu. Chứng cứ là các địa phương chí có ghi “Vạn Châu có biển Trường Sa và biển Thạch Đường”, nhưng chỉ cần đọc hoàn chỉnh cả câu thì thấy ngay cách nói đó không đáng tin cậy. “Thực ra, hoạt động của các quốc gia khác ven Nam Hải có lịch sử rất lâu đời. Người Chiêm Thành, nay thuộc Việt Nam biết đến Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) rất sớm, thậm chí có thể là những người phát hiện ra chúng. Việt Nam có chứng cứ đã quản trị Tây Sa (Hoàng Sa) từ đầu thế kỷ 18, thậm chí đã được quốc tế thừa nhận. Trái lại, Trung Quốc chả có chứng cứ gì về mặt này”.
Là chủ trang blog Bách Việt, tôi thấy tâm đắc với ý kiến của học giả người Trung Quốc chính hiệu này vì lẽ: Mặc dù bị các triều đại thống trị Trung Quốc ra sức tẩy xóa bằng chính sách đồng hóa liên tục suốt mấy ngàn năm nay nhưng khái niệm Bách Việt vẫn còn đó rất rõ trong tiềm thức nhân dân TQ. Vậy thì cớ sao người Việt Nam lại "quên" đi (dù là vô tình hay hữu ý) khái niệm Bách Việt trong cả sử sách giáo khoa và trong nhận thức của mỗi người? Sao chúng ta không lắng nghe những người TQ như học giả Lê Oa Đằng để hiểu thêm về nguồn cội của dân tộc Việt Nam với tư cách là "quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt" như học giả Lê Oa Đằng đã nói?
Mong thay, không chỉ nhân dân, mà quan trọng hơn là giới sử gia và giới lãnh đạo đất nước hãy lưu tâm đến vấn đề nguồn cội Bách Việt với một cách nhìn đúng đắn: Nguồn cội là cái gốc, vì nếu một dân tộc không biết mình thực sự là ai thì không thể tồn tại và phát triển lành mạnh bền vững lâu dài được. Rất nhiều người VN ngày nay vẫn tưởng mình là "từ người TQ mà ra". Nhưng đó là một quan niệm hời hợt mang nặng ảnh hưởng của thời ngàn năm Bắc thuộc. Thiết nghĩ đã đến lúc cần chấn chỉnh lại công tác học thuật theo hướng tôn trọng sự thật lịch sử, trong đó có lịch sử Bách Việt trong quá trình hình thành và phát triển của hai quốc gia TQ và VN đồng thời nhìn nhận đúng thực chất về sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Hán và Việt, coi đó là cơ sở để xây dựng mối quan hệ thật sự bình đẳng giữa hai nước.
Riêng về lập luận chủ quyền biển đảo của VN, nhân tố cội nguồn Bách Việt cần được tính đến. Để làm điều này, cần tập trung đi sâu nghiên cứu, khai thác và vận dụng mọi dữ liệu lịch sử, khảo cổ và nhân chủng học mà thế giới đã đúc kết về Bách Việt. Trong số đó, cần khẳng định lại nhà nước Nam Việt của Triệu Đà là một trong các triều đại "tiền bối" của VN như đã được các triều đại trước thời hậu Lê công nhận. Điều này cũng phù hợp với tiến trình lịch sử dân tộc ta từ thời Kinh Dương Vương. Về chủ đề này bạn đọc có thể tham khảo thêm tại đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.