Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Đôi điều tai nghe mắt thấy trên đất Lào


Đã nhiều lần muốn đi cho biết nước Lào, nhưng đến giờ tôi mới thực hiện được khi đã ở tuổi thất thập...Kể ra là quá muôn, nhưng còn hơn không! Điều thú vị là chuyến đi toàn bằng đường bộ, nên được ngắm ngía cái vùng "đất rộng người thưa" của nước bạn láng giềng đặc biệt. Thời gian ở trên đất Lào thực sự chỉ 5 ngày là quá ngắn để nói về đất nước và con người..., có lẽ chỉ đủ để ghi lại một vài cảm nhận dưới đây.        

Đất nước xanh, sạch, đẹp 
 
Đi đâu cũng thấy rừng và màu xanh cây cỏ, thích nhất là vùng đất mầu mỡ bạt ngàn  từ Bắc xuống Nam dọc sông Mêkông. Bất giác mình liên tưởng đến đất nước Việt Nam- nơi mà đi đâu cũng thấy toàn người là người với núi đồi trọc lóc loang lỗ và nhiều vùng đất ngập trong bụi bậm và rác phế thải... 


Rừng Lào còn rất nhiều gỗ quý
Có một điều đáng tiếc là, đến "đất nước triệu voi" nhưng lại chưa được thấy một con voi nào. Thay vào đó thấy rất nhiều ô tô các loai, không chỉ tại các thành phố và thị trấn mà tận các vùng nông thôn cũng thấy nông dân dùng xe ô tô đi làm đồng...trông  giống cảnh một số vùng nông thôn Châu Âu vậy! Nhà cửa bên đường cũng khá khang trang sạch đẹp, ở đó người dân sống hiền hòa, thảnh thơi, không nhộn nhạo, bon chen...như ở Việt Nam. Có lẽ Lào là một trong những thiên đường còn sót lại giành cho những ai muốn sống một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
                                         Một nhà dân cách Vientian hơn 600km về phía Nam

Người Việt nên sang Lào học kinh nghiệm điều hành xe bus

Hôm đi qua biên giới Thái lan lúc đầu mình rất ngại phải đi bằng xe bus của Lào đoạn từ Vientian đến Cầu Hữu nghị I. Nhưng khi đi mới biết đó là một tuyến xe bus hoàn hảo đến bất ngờ. Có thể nói, không chỉ xe mà cả tài xế và phong cách phục vụ đều đạt chuẩn châu Âu. Xe rất sạch, máy chạy êm, có điều hòa mát rượi, mọi trang thiết bị đều hợp thời và an toàn, cửa xe đóng mở hoàn toàn tự động rất thuận tiện cho hành khách khi lên xuống. Thật không ngờ người Lào rất có ý thức giữ trật tự, vệ sinh và nhường nhịn lẫn nhau khi đi xe, tuyệt đối không có cảnh chen lấn ồn ào và nạn cướp giật  như xe bus ở Việt Nam. 

Cả chiếc xe đồ sộ với hơn 50 ghế ngồi và khách thường xuyên lên xuống tại các bến, nhưng chỉ có một người lái xe kiêm bán vé, thu tiền đồng thời nhận và trả hành lý cho khách nếu có hàng gửi kèm. Có lẽ đây là điều chưa từng thấy với ngành xe bus ở Việt Nam thì phải(?). Thiết nghĩ người Việt không cần đi đâu xa mất thời gian và tốn kém, hãy sang Vientian mà học người Lào vận hành xe bus!        
Người Việt ra nước ngoài tử tế hơn trong nước?

Có lẽ "đất lành chim đậu" nên nhiều người Việt đã và đang sang định cư tại Lào, không chỉ ở thành thị mà tại nhiều vùng nông thôn. Trong chặn đi, chúng tôi đã dừng xe ăn trưa tại một quán ăn ven đường ở vùng Trung Lào cách cửa khẩu Cầu Treo độ 200 km. Quán ăn này của một gia đình người Nghệ An mới sang sinh sống được vài năm. Nếu không có mấy giòng chữ Việt trước quán chắc chúng tôi không thể biết họ là người Việt, vì trông họ rất giống người Lào 


Anh chủ quán cho biết, từ khi sang đây gia đình anh được chính quyền và nhân dân địa phương chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh sống và làm ăn. Việc đăng ký cư trú vô cùng đơn giản và thuận tiện. Các quan chức chính quyền địa phương không hề có hiện tượng gây khó dễ hoặc vòi vĩnh tiền bạc... và anh này đã không quên so sánh: "...như thường thấy khi còn ở bên Việt Nam". Từ ngày bắt đầu mở cửa hàng được hơn một năm nay nhưng anh  chỉ phải nộp thuế kinh doanh một lần với số tiền không đáng kể, ngoài ra chưa hề mất một thứ tiền thuế hay lệ phí gì khác. Nghĩa là mọi việc thật thuận tiện đối với họ tại nơi "đất khách quê người" chỉ cách xa quê mình vài trăm km! Đó không phải một vài trường hợp đơn lẻ mà là tình hình chung phổ biến đối với người Việt đang sinh sống tại Vientian và các nơi khác ở Lào. Trong chặng đường về, khi đi qua Pắc xế chúng tôi cũng đã chọn một cửa hàng ăn của người Việt khác mặc dù có người cảnh báo "Cửa hàng này bán đắt lắm!".
 

Đó là một cửa hàng mà người chủ là hậu duệ của của một gia đình từ Nam Định di cư vào Nam hồi 1954 rồi sang Lào định cư. Bản thân ông chủ quán được sinh ra tại Lào nhưng nói tiếng Việt rất sõi, vì cả nhà vẫn sử dụng tiếng Việt với nhau và vợ chồng ông cùng con cháu hàng năm vẫn trở về thăm quê tận Nam Định.  Ông tự hào khoe tấm ảnh to treo trên tường có đông đủ các thành viên gia đình, trong đó có người đang định cư tại Mỹ, Úc...; riêng cặp vợ chồng anh con trai thứ vẫn ở lại Pắc xế để kế nghiệp cửa hàng ăn của bố mẹ. Bữa ăn tại cửa hàng này đúng là có đắt hơn so với mặt bằng giá ở Lào. Nhưng đó là môt cửa hàng khá chuyên nghiệp. 

Qua những cuộc gặp gỡ trò chuyện với một số người Việt tại Lào, tôi lại nhớ đến những cộng đồng người Việt bên Đan Mạch và Châu Âu hay Châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới mà tôi đã từng  biết và nhận thấy một đặc điểm chung là, hầu hết người Việt khi ra nước ngoài đều có cuộc sống tốt hơn và thành đạt hơn khi ở trong nước đồng thời họ cũng luôn gìn giữ tình yêu quê quê hương sâu đậm. Nói cách khác người Việt khi ra nước ngoài thường trở nên tử tế hơn so với trong nước. Vẫn biết "mọi sự so sách đều khập khiểng", nhưng đây là một cảm nhận được chia sẻ bởi rất nhiều người, từ kiều bào đến lưu học sinh và cả những người chưa một lần ra nước ngoài. Lý do tại sao thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng đó là một sự thật.

Đường Trung Quốc tốt hơn đường Việt Nam

Khi còn ở trong nước tôi cứ nghĩ đường sá ở Lào chắc phải kém hơn ở Việt Nam. Nhưng từ khi bước chân qua Lào ý nghĩ có đã nhanh chóng thay đổi.  Những con đường mà xe chúng tôi đi qua nói chung đều khá phẳng, thậm chí phẳng hơn cả đường Láng-Hòa Lạc, và rất ít ổ gà, trừ một vài đoạn đang thi công sửa chữa. Có một nhược điểm tương tự với Việt Nam là hệ thống biển hiệu chỉ đường thường thiếu rành mạch, khó nhận biết từ xa, khiến người tham gia giao thông khó định hướng khi ngồi trên xe, nên thỉnh thoảng phải dừng xe để hỏi đường cho chắc ăn. Tuy nhiên, nhìn chung, với một đất nước có địa hình rừng núi, dân cư thưa thớt như Lào thì việc quản lý và duy tu bảo dưỡng một hệ thống đường bộ thuận tiện như vậy là rất đáng khích lệ. Riêng tuyến đường 13 nối Bắc và Nam Lào phải nói là một trong những tuyến đường đẹp của Đông Nam Á nhờ địa thế chạy dọc sông Mê công và xuyên qua cao nguyên Poloven rộng lớn. Những tuyến đường dẫn đến các cửa khẩu với Việt Nam cũng đang được cải thiện ngày một ngày hai, nhất là từ khi có thỏa thuận thông xe đường bộ giữa hai nước, những tuyến đường này ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn. Điều này rất thiết thực cho việc thúc đẩy quan hệ thương mại và du lịch, đặc biệt tạo điều kiện để nhân dân Lào có thể đến với bờ biển Việt Nam và thưởng ngoạn những thứ mà Lào không có. 

Một tuyến đường ở ngoại ô Vientian
 
Tuy nhiên có một hiện tượng đáng buồn và đáng xấu hổ liên quan đến chất lượng các con đường mà người Việt Nam đã giúp xây dựng trên đất Lào cũng như trên đất Cămphuchia. Trong chuyến đi này chúng tôi  nhiều lần nghe người dân Lào bông đùa với hai từ "đường Việt Nam", "đường Trung Quốc" để phân biệt những đoạn đường xấu và tốt trên đất nước của họ. Vậy đấy, khi chưa có ai khác để so sánh thì chất lượng những con đường do Việt Nam xây dựng tốt/xấu bạn Lào không mấy để ý. Nhưng  từ khi người Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng xuống Lào và Campuchia thì những yếu điểm của công nghệ làm đường Việt Nam vốn không chỉ cẩu thả mà còn bị "ăn bớt" đã bắt đầu bộc lộ. Mong rằng các nhà quản lý Việt Nam  hãy coi đây là bài học cuối cùng đối với họ. Dân gian nói: "Ăn trước trả sau, đau hơn hoạn" quả không sai. Cách làm đường như thế không chỉ ảnh hưởng xấu đối với giao thông mà chính là sự lãng phí vốn đầu tư không thể tha thứ, và giờ đây còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của đất nước.

Thay cho lời kết
Một gia đình người Lào đi nghĩ cuối tuần tắm biển Quảng Bình
Không biết có được mọi người chia sẻ không, nhưng với tôi, nước Lào là một kho báu, cả theo nghĩa đen và bóng, và giữ một vị trí địa chiến lược cực kỳ xung yếu đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tăng cường bành trướng của siêu cường Trung Quốc. Ngược lại, người Lào cũng rất cần dựa vào Việt Nam, đặc biệt là nhu cầu như một cửa ngõ thông ra Biển Đông và thế giới. Cụm từ "quan hệ đặc biệt" là hoàn toàn chính xác đối với hai quốc gia dân tộc này.  Và phải chăng đã đến lúc để  hai nước "cụ thể hóa" mối quan hệ đặc biệt này theo hai hướng chính là "lên rừng và ra biển" như vốn đã có trong truyền thuyết Âu Cơ-Lạc Long Quân mà tôi thiển nghĩ  không phải chỉ của người Việt Nam mà của người Bách Việt xưa, trong đó có cả các dân tộc Lào ?    
 
      
 




  











Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Tư liệu: Di sản của Bách Việt

T/l này độ chính xác không cao, chỉ để phục vụ mục đích truy tìm và nghiêu cứu trực tuyến về cội nguồn dân tộc Việt Nam  


Sự sụp đổ của nhà Hánvà giai đoạn phân chia sau đó là đẩy nhanh quá trình Hán hóa. Các giai đoạn bất ổn và chiến tranh ở vùng phía bắc Trung Quốc, như là Nam Bắc triều và trong thời nhà Tống đã dẫn đến nhiều cuộc di dân lớn của người Hán. Hôn nhân giữa các sắc tộc và giao tiếp giữa các nền văn hóa đã dẫn đến sự pha trộn của người Hán và các dân tộc khác ở phía nam. Vào thời nhà Đường, từ "Việt" đã gần như trở thành một địa danh hơn là một từ mang tính văn hóa. Chẳng hạn, trong thời Ngũ Đại Thập Quốc, một nước tại vùng ngày nay là tỉnh Chiết Giang đã dùng tên nước là Ngô Việt. Cũng giống như vậy, từ "Việt" trong "Việt Nam" có gốc từ chữ "Việt" () này.

 
Ảnh hưởng của văn hóa Việt đối với văn hóa Trung Hoa chưa được người Hán khẳng định một cách chính thức, nhưng rõ ràng ảnh hưởng đó là đáng kể. Các ngôn ngữ của những quốc gia cổ như Ngô và Việt đã hình thành nền tảng cho tiếng Ngô hiện đại (吳語 - Ngô văn) và ở một mức độ nào đó cũng là nền tảng cho tiếng Mân (閩方言) - các ngôn ngữ của vùng Phúc Kiến. Các nhà nhân học ngôn ngữ cũng đã khẳng định rằng một số lượng lớn các từ trong tiếng Trung Quốc có nguồn gốc từ các từ Việt cổ. Một ví dụ là từ "giang" (), nghĩa là "sông". Các con sông ở phía Bắc Trung Quốc đều được gọi là "hà" (), trong khi các con sông ở phía Nam Trung Quốc được gọi là "giang" (). Dấu vết của ngôn ngữ Việt, đặc biệt là cấu trúc "tính từ đi sau danh từ" (ngược lại với tiếng Trung Quốc) vẫn còn lại trong các tác phẩm văn thơ kinh điển của Trung Quốc như Kinh Thi[8], và trong tên gọi của các vị thần/vương truyền thuyết mà người Trung Quốc coi là của họ như Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Khốc [9].
Ở một mức độ nào đó, một số dấu vết còn lại của các dân tộc Việt và văn hóa của họ còn có thể được thấy trong một số dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, đặc biệt là người Tráng, và nhiều dân tộc ở Việt Nam.
Một số học giả cho rằng Kinh Dịch là sản phẩm của nền văn minh Thần Nông ở phía Nam sông Dương Tử (nghĩa là thuộc vùng đất Bách Việt). Có người còn khẳng định cụ thể hơn rằng đây là sản phẩm của người Âu ViệtLạc Việt[10][11][12][13][14], với các lập luận chẳng hạn như: có thể thấy các khái niệm Kinh Dịch được mã hóa trên các họa tiết trống đồng; một số tên quẻ cũng như diễn giải quẻ của người Trung Quốc từ xưa tới nay đôi khi còn rất mơ hồ...

Nguồn: Wikipedea  










Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Phát biểu của TT Nguyễn Tấn Dũng tại HN Sangri-La

Nguồn: VietNamNet: Giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Sangri-La ngày 31/5/2013 (các tiêu đề phụ do VNNet đặt)

thủ tướng, singapore, nguyễn tấn dũngMuốn có hòa bình phải có lòng tin chiến lược
Ngôn ngữ và cách thể hiện dù có khác nhau, nhưng chắc chúng ta đều đồng ý với nhau: nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin. Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ “mất lòng tin là mất tất cả”. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành.

 
Trong thế kỷ 20, Đông Nam Á nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung vốn là chiến trường ác liệt, bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều thập kỷ. Có thể nói cả khu vực này luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình. Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Nói cách khác, chúng ta cần cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của Châu Á - Thái Bình Dương.
Trước hết, Việt Nam chúng tôi có niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực, nhưng với xu thế tăng cường cạnh tranh và can dự - nhất là từ các nước lớn, thì bên cạnh những mặt tích cực cũng tiềm ẩn những rủi ro tiêu cực mà chúng ta cần phải cùng nhau chủ động ngăn ngừa.
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động và là nơi tập trung ba nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi. Xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực đang diễn ra hết sức sôi động và ngày càng thể hiện là xu thế chủ đạo. Điều này là cơ hội hết sức lạc quan cho tất cả chúng ta.
Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh toàn cảnh khu vực trong những năm qua, chúng ta cũng không khỏi quan ngại trước những nguy cơ và thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh.
Cạnh tranh và can dự vốn là điều bình thường trong quá trình hợp tác và phát triển. Nhưng nếu sự cạnh tranh và can dự đó mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển.
Những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải đang gây quan ngại sâu sắc đối với cả cộng đồng quốc tế. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.
Tôi muốn lưu ý thêm rằng lưu thông trên biển chiếm tỷ trọng và có ý nghĩa ngày càng lớn. Theo nhiều dự báo, sẽ có trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường.
Trong khi đó, các nguy cơ xung đột tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, ly khai, bạo loạn, khủng bố, an ninh mạng… vẫn hiện hữu. Những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng; dịch bệnh; nguồn nước và lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn, hạ nguồn của các con sông chung… ngày càng trở nên gay gắt.
Có thể nhận thấy những thách thức và nguy cơ xung đột là không thể xem thường. Mọi người chúng ta đều hiểu, nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua - mà tất cả cùng thua. Vì vậy, cần khẳng định rằng, cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta. Đối với Việt Nam chúng tôi, lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành.
Đề cao trách nhiệm các nước lớn
Thứ hai, để xây dựng lòng tin chiến lược, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia - nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương.
Trong lịch sử thế giới, nhiều dân tộc đã phải gánh chịu những mất mát không gì bù đắp được khi là nạn nhân của tham vọng cường quyền, của xung đột, chiến tranh. Trong thế giới văn minh ngày nay, Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị của toàn nhân loại cần phải được tôn trọng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin chiến lược.
Mỗi quốc gia luôn phải là một thành viên có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh chung. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ cần có quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cao hơn là có lòng tin chiến lược vào nhau. Các nước lớn có vai trò và có thể đóng góp nhiều hơn, đồng thời có trách nhiệm lớn hơn trong việc tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Mặt khác, tiếng nói đúng đắn cũng như sáng kiến hữu ích không phụ thuộc là của nước lớn hay nước nhỏ. Nguyên tắc hợp tác, đối thoại bình đẳng, cởi mở trong ASEAN, các diễn đàn do ASEAN khởi xướng và ngay Đối thoại Shangri-La của chúng ta cũng được hình thành và duy trì trên cơ sở tư duy đó.
Tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Ngài Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thống nước CH Indonesia, tại diễn đàn này năm ngoái là các nước vừa và nhỏ có thể gắn kết cùng các nước lớn vào một cấu trúc bền vững ở khu vực. Tôi cũng đồng tình với ý kiến của Ngài Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong bài phát biểu tại Bắc Kinh tháng 9/2012 cho rằng sự hợp tác tin cậy và trách nhiệm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đóng góp tích cực cho lợi ích chung của khu vực. Chúng ta đều hiểu rằng Châu Á - Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả các nước trong và ngoài khu vực cùng hợp tác và chia sẻ lợi ích. Tương lai của Châu Á - Thái Bình Dương đã và sẽ tiếp tục được tạo dựng bởi vai trò và sự tương tác của tất cả các quốc gia trong khu vực và cả thế giới, nhất là các nước lớn và chắc chắn trong đó không thể thiếu vai trò của ASEAN.
Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới. Điều quan trọng là sự kỳ vọng đó cần được củng cố bằng lòng tin chiến lược và lòng tin chiến lược cần được thể hiện thông qua những hành động cụ thể mang tính xây dựng của các quốc gia này.
Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ - một cường quốc Thái Bình Dương. Chúng ta trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm là, các cơ chế hợp tác hiện có trong khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)… cũng như Đối thoại Shangri-La đã tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hợp tác an ninh đa phương và tìm giải pháp cho những thách thức đang đặt ra. Nhưng có thể nói rằng, vẫn còn thiếu – hay ít nhất là chưa đủ - lòng tin chiến lược trong việc thực thi các cơ chế đó. Điều quan trọng trước hết là phải xây dựng sự tin cậy lẫn nhau trước các thử thách, các tác động và trong tăng cường hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, các tầng nấc, cả song phương và đa phương. Một khi có đủ lòng tin chiến lược, hiệu quả thực thi của các cơ chế hiện có sẽ được nâng lên và chúng ta có thể đẩy nhanh, mở rộng hợp tác, đi đến giải pháp về mọi vấn đề, cho dù là nhạy cảm và khó khăn nhất.
ASEAN - người trung gian thực tâm
Thứ ba, nói đến hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta không thể không nói đến một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương.
Khó có thể hình dung được một Đông Nam Á chia rẽ, xung đột trong Chiến tranh Lạnh lại có thể trở thành một cộng đồng các quốc gia thống nhất trong đa dạng và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc đang định hình ở khu vực như ASEAN ngày nay. Sự tham gia của Việt Nam vào ASEAN năm 1995 đánh dấu thời kỳ phát triển mới của ASEAN, tiến tới hình thành một ngôi nhà chung của tất cả các quốc gia Đông Nam Á đúng với tên gọi của mình. Thành công của ASEAN là thành quả của cả quá trình kiên trì xây dựng lòng tin và văn hóa đối thoại, hợp tác cũng như ý thức trách nhiệm chia sẻ vận mệnh chung giữa các nước Đông Nam Á.
ASEAN tự hào là một hình mẫu của nguyên tắc đồng thuận và lòng tin vào nhau trong các quyết định của mình. Đó là nền tảng tạo sự bình đẳng giữa các thành viên cho dù là một Indonesia với dân số gần 1/4 tỷ người và một Brunei với dân số chưa đến nửa triệu người. Đó cũng là cơ sở để các nước ngoài khu vực gửi gắm lòng tin vào ASEAN với tư cách là “người trung gian thực tâm” trong vai trò dẫn dắt nhiều cơ chế hợp tác khu vực.
Với tư duy cùng chia sẻ lợi ích, không phải “kẻ được – người mất”, việc mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) mời Nga và Hoa Kỳ tham gia, tiến trình ADMM+ đã được hiện thực hóa tại Việt Nam năm 2010 và thành công của EAS, ARF, ADMM+ những năm tiếp theo đã củng cố hơn nữa nền tảng cho một cấu trúc khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm, đem lại niềm tin vào tiến trình hợp tác an ninh đa phương của khu vực này.
Tôi cũng muốn đề cập trường hợp của Myanmar như một ví dụ sinh động về kết quả của việc kiên trì đối thoại trên cơ sở xây dựng và củng cố lòng tin, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau, mở ra một tương lai tươi sáng không chỉ cho Myanmar mà cho cả khu vực chúng ta.
Đã có những bài học sâu sắc về giá trị nền tảng của nguyên tắc đồng thuận, thống nhất của ASEAN trong việc duy trì quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với các nước đối tác và phát huy vai trò chủ động của ASEAN trong những vấn đề chiến lược của khu vực. ASEAN chỉ mạnh và phát huy được vai trò của mình khi là một khối đoàn kết thống nhất. Một ASEAN thiếu thống nhất sẽ tự đánh mất vị thế và không có lợi cho bất cứ một ai, kể cả các nước ASEAN và các nước đối tác. Chúng ta cần một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, hợp tác hiệu quả với tất cả các nước để chung tay vun đắp hòa bình và thịnh vượng ở khu vực, chứ không phải là một ASEAN mà các quốc gia thành viên buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn. Trách nhiệm của chúng ta là nhân thêm niềm tin trong giải quyết các vấn đề, trong tăng cường hợp tác cùng có lợi, kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia mình với lợi ích của quốc gia khác và của cả khu vực.
Việt Nam cùng các nước ASEAN luôn mong muốn các nước - đặc biệt là các nước lớn, ủng hộ vai trò trung tâm, nguyên tắc đồng thuận và sự đoàn kết thống nhất của cộng đồng ASEAN.
Trở lại vấn đề Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau vượt qua một chặng đường khá dài và cũng không ít khó khăn để ra được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnom Penh năm 2002. Nhân kỷ niệm 10 năm ký và thực hiện DOC, các bên đã thống nhất nỗ lực tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Chúng tôi cho rằng, ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực. Làm được như vậy sẽ không chỉ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp, mà còn khẳng định những nguyên tắc cơ bản trong việc gìn giữ hòa bình, tăng cường hợp tác, phát triển của thế giới đương đại.
Đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống và các thách thức khác – trong đó có an ninh nguồn nước trên các dòng sông chung, bằng việc xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường hợp tác, hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung, tôi tin rằng chúng ta cũng sẽ đạt được những thành công, đóng góp thiết thực vào hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực.
Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác
Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Việt Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Để có một nền hòa bình thực sự và bền vững, thì độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn trọng; những khác biệt về lợi ích, văn hóa… cần được đối thoại cởi mở trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Chúng ta không quên, nhưng cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.
Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia. Chúng tôi mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ một khi nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện.
Nhân diễn đàn quan trọng này, tôi trân trọng thông báo, Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác.
Những năm qua, việc duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao đã tạo điều kiện cho Việt Nam tăng ngân sách quốc phòng ở mức hợp lý. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.
Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang hiện hữu như bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông… Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Một lần nữa, Việt Nam khẳng định tuân thủ nhất quán Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; nỗ lực làm hết sức mình cùng ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và sớm đạt được COC. Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
-----
Hòa bình, hợp tác và phát triển là lợi ích, là nguyện vọng tha thiết, là tương lai chung của các quốc gia, các dân tộc. Trên tinh thần cởi mở của Đối thoại Shangri-La, tôi kêu gọi tất cả chúng ta bằng những hành động cụ thể hãy cùng chung tay xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác, thịnh vượng.( Theo Cổng TTĐT Chính phủ)

Tìm kiếm Blog này