Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Tìm lại những giá trị bị đánh mất?

Một cửa hàng tạp phẩm thời bao cấp tại Hà nội
Từ những năm 1970 của thiên niên kỷ trước, ở miền Bắc đã có câu chuyện tiếu lâm rằng đất nước ta giống như người  mù cụt một chân chống nạn đi và đi mãi để rồi thấy mình trở lại điểm  xuất phát. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời bấy giờ đó là một cách "phản biện" dù không có mấy tác dụng. Và câu chuyện vẫn lưu truyền đến ngày nay với ngày càng nhiều hơn những minh chứng về cái sự đi vòng tròn như thế .


Đầu tiên có thể nói đến là cuộc cải cách ruộng đất mà sau này được nhận ra là "sai lầm ấu trĩ " khi chính quyền tước đoạt ruộng đất khỏi các thành phần địa chủ phú nông tức là những người biết làm ăn để trao vào tay các thành phần bần cố nông mà trong đó có nhiều người thực ra do không biết làm ăn hoặc lười biếng trở thành bần cùng. Tiếp đến, toàn bộ ruộng đất và sức lao động (người, trâu bò và công cụ) được đưa vào  HTX quanh năm theo đuổi các phong trào thi đua, lúc thì hô hào cấy dầy, lúc lại bảo "cấy thưa thừa thóc, cấy dầy cóc được ăn"... Rốt cuộc năng suất thóc gạo ngày càng  giảm sút khiến cả nước rơi vào tình trạng thiếu đói trong nhiều thập liên tiếp buộc phải dừng lại để mò mẩm mong tìm lại những gì đã bị đánh mất trong quá trình cuộc cải cách . Thử hỏi các chủ trang trại giàu có ngày nay có gì khác với những địa chủ ngày xưa mà phải tốn quá nhiều thời gian và mất mát để đánh đổi như vậy?

Cũng đã diễn ra một quá trình tương tự trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Đó là cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh bắt đầu từ những năm 1960 ở miền Bắc đã nhanh chóng xóa bỏ các thành phần biết sản xuất và buôn bán và trao toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh vào tay những người thợ và cán bộ, bộ đội vừa qua các lớp đào tạo cấp tốc. Công cuộc cải tạo này bắt đầu muộn hơn nhưng kịp thời để xóa bỏ những mầm mống của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa ở niềm Bắc và tiếp đến  ở cả miền Nam sau giải phóng kéo theo nhiều  hậu quả chính trị-xã hội rất nặng nề khác. Liệu có gì khác giữa các các nhà tư sản dân tộc trước đây  với đội ngũ doanh nhân  ngày nay nếu không phải là sự giàu lên nhanh chóng nhờ tham nhũng của lớp doanh nhân sau này?   

Thực ra còn rất nhiều những cuộc "đi vòng tròn" của người mù chống gậy như thế đã liên tục diễn ra trên mọi lĩnh vực, mọi thời gian và không gian cho đến ngày hôm nay vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Cái gọi là chiến lược "đi tắt đón đầu" nghe rất kêu đến nay vẫn chỉ là con số 0 to tướng. Ngành chế tạo ô tô được coi là một "mũi nhon" công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau hơn 30 năm chỉ là một thị trường tiêu thụ xe nhập khẩu từ nước ngoài. Đau nhất là công cuộc cải cách hành chính, khi Lãnh đạo càng hô hào tinh giản biên chế thì biên chế càng phình to, càng hô hào đơn giản thủ tục thì thủ tục càng nhiều và càng rắc rối. Người dân sợ và ghét quan công an và chức hơn thời phong kiến thực dân ghét quan lại.    
Quốc hội Việt Nam
Quang cảnh khai mạc kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XIII ngày 20/5/2013
Gần đây lại rộ lên cuộc thảo luận về đổi tên nước trong khuôn khổ đợt vận động lấy ý kiến sửa đổi Hiến Pháp. Suy cho cùng đây cũng chỉ là biểu hiện của trạng thái bế tắc và nhu cầu tìm lại những giá trị bị đánh mất mà thôi. Có điều là, những thứ bị đánh mất này không phải là những vật cụ thể như thỏi vàng hay viên kim cương... mà là những giá trị trừu tượng chỉ hình thành với sự chín mùi của một quá trình vận động lịch sử. Tên nước VNDCCH dù sao đã là kết quả của quá trình cách mạng giải phóng dân tộc sao bổng chốc có thể thay đi đổi lại? Bài học đáng tiếc của việc thay đổi tên CHXHCNVN tưởng đã rõ rồi sao giờ còn muốn lặp lại? Cuộc tìm kiếm này một lần nữa diễn ra đầy kịch tính xung quanh cuộc thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong khi công chúng nêu nguyện vọng tiến tới xóa bỏ Điều IV thì giới chức lại đưa ra 3 nội dụng "cố thủ" rắc rối hơn. Có thể nói đã hình thành hai quan điểm trái ngược nhau xung quanh câu chuyện sửa đổi và bổ sung Hiến pháp như thế nào . Và sự khác biệt này đang ngày càng tăng lên.  

Những sự thật trên đây cho thấy điều gì? Xin nhường lại câu trả lời cho tất cả các bạn đọc./.
   

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

VN Hãy bằng mọi cách tránh kịch bản thứ ba

Nội dung dưới đây xuất phát từ BBC nhưng có lẽ được dịch và soàn một cách hơi cẩu thả, nhiều từ ngữ tiếng Việt không hoàn toàn chuẩn xác có thể làm người đọc khó hiểu, thậm chí hiểu nhầm(?). Nhận thấy đây là một thông tin khách quan mang tính cảnh báo trước đối với Việt Nam, Bách Việt xin mạn phép biên soạn lại và đăng tải dưới tiêu đề như trên đây để bạn đọc tiện theo dõi.  

Hãng tư vấn tư nhân có trụ sở tại London BMI (Business Monitor International) vừa đưa ra trong thời gian từ nay tới 2022.(Xem tại đây 'http://store.businessmonitor.com/vietnam-business-forecast-report.html

Cuộc phân loại của BMI lần này được tiến hành đối với  21 nước và vùng lãnh thổ châu Á bao gồm cả Hàn Quốc, Bắc TT, TQ, Đài Loan và HK; các quốc gia ASEAN và Nam Á. Kết quả cho thấy:


Về mức độ rủi ro chính trị ngắn hạn, Việt Nam đạt 76,9, (trên mức trung bình là 73,2 và đứng thứ 9/ trên 21 nước và vùng lãnh thổ so sánh).  Tuy nhiên kết quả so sánh về Về rủi ro chính trị dài hạn, Việt Nam chỉ đạt 57,7, dưới mức trung bình (là 62,6) và đứng thứ 15 sau các quốc gia vùng lãnh thổ cụ thể là:  Nam Hàn 84,2; Singapore 80,6; Đài Loan 75,4; Hong Kong 72,9; Trung Quốc 67,4; Malaysia 67,2; Ấn Độ 65,7; Brunei Darussalam 65,6; Philippines 62,8; Bangladesh 62,6; Thái Lan 61,8; Sri Lanka 60,2; Indonesia 60,0; Campuchia 58,9;...chỉ đứng trước Bắc Triều Tiên 55,2; Papua New Guinea 54,8; Pakistan 52,7; Bhutan 51,0; Lào 44,5; và Miến Điện 37,5.

(Dự báo trên đây có hàm ý rằng từ nay đến năm 2022 tình hình Việt Nam vẫn ổn định, nhưng về dài hạn (sau năm 2022) có thể biến động).

BMI cho rằng câu hỏi lớn nhất đặt ra đối với nền chính trị Việt Nam là nhu cầu dân chủ hóa trong nước ngày càng gay gắt  trong khi trên mặt trận đối ngoại việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh sẽ đẩy Việt Nam gắn bó hơn với nhóm các nước Á châu có quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ. Và BMI đưa ra ba kịch bản về khả năng thay đổi chính trị Việt Nam trong thời gian tới với giả định bao gồm các tình huống cơ bản, tình huống tốt nhất, và tình huống xấu nhất. Đó là cơ sở để dự báo 3 kịch bản dưới đây: 

Kịch bản I: Chế độ kỹ trị
Theo kịch bản này, Đảng Cộng sản VN biến chuyển thành một chế độ kỹ trị, theo đó BMI dự đoán Đảng sẽ chuyển hướng để chính phủ nhắm vào việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao và đảm bảo phân phối của cải một cách tương đối hợp lý cho toàn bộ dân chúng.
Với hướng đi này, BMI nhận định nhiều thanh niên vào Đảng nhằm thăng tiến trong sự nghiệp và phục vụ đất nước chứ không phải vì lý tưởng cộng sản.
Do vậy, BMI dự đoán các cải cách kinh tế sẽ được tiếp tục, bất chấp những lời chỉ trích từ các thành viên lớn tuổi, bảo thủ trong Đảng.
Tuy nhiên, BMI đánh giá là trong kịch bản này, việc các nhà hoạt động đòi dân chủ và những người chỉ trích chính phủ có những giai đoạn bị đàn áp mạnh tay chính là chỉ dấu cho thấy việc tự do hóa chính trị vẫn là điều chưa được chấp nhận.
Kịch bản II: Từng bước tự do hóa chính trị
Theo BMI, đây sẽ là tình huống tốt nhất, với việc Đảng Cộng sản áp dụng những chuyển biến nêu trong kịch bản một, đồng thời kết hợp với việc dần dần tiến tới tự do hóa chính trị, như mở rộng vai trò của Quốc hội, chấp nhận một cách dễ dàng hơn những ý kiến khác ở ngay trong cùng Đảng, tăng tính cạnh tranh chính trị trong các kỳ bầu cử, và cho truyền thông hoạt động cởi mở hơn.
Theo kịch bản này, BMI cho rằng Việt Nam sẽ đi từ hệ thống độc đảng sang hệ thống một đảng nắm quyền chi phối tương tự như mô hình ở các nước láng giềng Campuchia, Malaysia và Singapore, nơi chỉ có đảng cầm quyền là có cơ hội thực sự để chiến thắng trong các kỳ bầu cử.
Hiện đang có nhiều kêu gọi phải sửa đổi điều 4 Hiến pháp, qua đó thách thức sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản
Nếu nhìn xa hơn, thì những gì đã xảy ra ở Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản cho thấy mô hình hệ thống một đảng nắm quyền chi phối rốt cuộc cũng sẽ mở đường cho phe đối lập. Tuy nhiên, BMI nhận định trong trường hợp Việt Nam thì con đường này có lẽ chỉ xảy ra sau hơn một thập niên nữa.
Kịch bản III: Bạo loạn và đàn áp bạo lực
Là khả năng xấu nhất, với những bước đi sai lầm nghiêm trọng về mặt chính sách, dẫn tới một giai đoạn biến động kinh tế kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao và mức lạm phát chóng mặt khiến mức độ sung túc bị xói mòn, theo BMI.
Tình hình này sẽ thúc đẩy mạnh việc thay đổi thể chế, nhưng BMI đánh giá rằng trước các cuộc biểu tình rộng khắp trên đường phố và sự thách thức toàn diện về cơ chế độc đảng lãnh đạo, một bộ phận trong Đảng sẽ ủng hộ việc dùng các lực lượng an ninh đàn áp người biểu tình để tiếp tục níu giữ quyền lực.
Tuy nhiên, theo BMI, việc đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình đường phố như từng xảy ra Bấm tại Bắc Kinh hồi 1989 hay tại Miến Điện hồi 2007 sẽ dễ khiến nhiều người thiệt mạng, và dẫn tới việc bị cộng đồng quốc tế áp lệnh trừng phạt.
Nếu điều này xảy ra, Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải đương đầu với không chỉ tình trạng bị cô lập về mặt ngoại giao mà còn bị suy yếu kinh tế do ảnh hưởng tới việc xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Trần kinh Nghị
     


Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Lựa chọn nào cho chính trường Việt Nam?

Hội nghị TW 7 chưa  hoàn toàn kết thúc, nhưng những gì diễn ra  từ sau Đại hội Đảng lần thứ XI đang cho thấy một tình hình mới hiếm có trong chính trường đất nước, đó là sự bất đồng giữa Trung ương và Bô Chính trị xung quanh chủ đề nhân sự và chiến dịch chống tham nhũng. Điều này được thể hiện qua kết quả của Hôi nghị TW 6 và Hội nghi TW 7 cách nhau không đầy một năm. Tại Hội nghị TW 6 đã bỏ phiếu đa số tuyệt đối bác bỏ nghi quyết của Bộ Chính trị về việc "thi hành kỷ luật một ủy viên bộ Chính trị...". Và mới đây tại Hội nghị TW 7 lại bác bỏ danh sách đề cử bổ sung nhân sự của Bộ Chính trị, trong đó có nhân vật chủ chốt Nguyễn Bá Thanh-người đang giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương (tức cơ quan chỉ huy chống tham nhũng) và do đó rất cần thiết có chân trong Bộ Chính trị để phát huy đầy đủ quyền lực. Đó là những dấu hiệu cho thấy sự mâu thuẩn đến mức nào và không chỉ giữa các thế lực lãnh đạo chóp bu mà còn giữa các trào lưu tư tưởng và lợi ích trên quy mô toàn quốc.


Có thể nói, đại đa số người dân Việt Nam không tránh khỏi cảm giác thất vọng trước diễn biến tình hình nói trên.Với  lòng tin sâu sắc rằng tham nhung là nguyên nhân chính ngăn cản bước tiến của đất nước và được Đại Hôi Đảng XI tái xác nhận "đang đe dọa sự tồn vong của chế độ", người dân đặt kỳ vọng vào chiến dịch chống tham nhũng do vị Tổng Bí thư (được hiểu là Đảng và Nhà nước) phát động. Đó cũng là lý do để người dân cảm thấy thất vọng về vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đồng thời bất bình trước sự cố kết của các thế lực tham nhũng đang ăn tàn phá hại nền kinh tế đất nước với những hậu quả không thể chối cãi. Nhiều ý kiến quả quyết rằng "bác Tổng đi sai nước cờ" hoặc do "thiếu quyết đoán" nên đã thất bại ... Dĩ nhiên, trong khi ván cờ còn chưa đến hồi kết thúc, thì ai đó  vẫn có quyền hy vọng... Nhưng đối với những người xem bên ngoài thì thắng thua coi như đã rõ. Và cảm nhận chung là một sự bi quan bao trùm.

Tuy nhiên, còn một "cách tiếp cận win-win" khác xem ra cũng rất  có lý. Đó là hãy coi tình hình hiện nay như một hình thái mới xuất hiện trong chính trường Việt Nam, mà từ đây sẽ có thể dẫn đến những thay đổi theo hướng tích cực. Cơ sở cho cách tiếp cận này là dựa vào quy luật tiến hóa: Những gì đã lỗi thời sớm muộn cũng phải bị đào thải để nhường chỗ cho cái mới phát huy. Cách tiếp cận này cho rằng trong chính trường Việt Nam lâu nay mọi thứ thường diễn ra một hướng và bao giờ cũng êm đềm trong bối cảnh  chẳng có đối lập cũng không có cánh tả, cánh hửu hay quân đỏ, quân đen... thì  sự kiện đấu đá nội bộ vừa xảy ra giữa Ban Chấp hành TW và Bộ Chính trị đúng là một hiện tượng  mới, thậm chí đáng lo ngại (đến nỗi ông Tổng Bí thư cũng phải khóc đấy thôi!). Nhưng, so với thế giới thì đó là một hiện tượng rất bình thường. Đúng ra, nên coi đó là hiện tượng lành mạnh hiếm có trong chính trường Việt Nam để lấy đó làm niềm an ủi và cảm hứng. Có người mô tả nó như cuộc đấu giữa "Phủ chúa" và "Cung vua" nghe khá hình tượng.  Nhưng nếu gọi đó là cuộc đấu giữa  "Nhóm lợi ích"  và "Nhóm bảo thủ" thì có lẽ chính xác hơn. Thực ra hai nhóm đó chẳng nhóm nào tốt hơn nhóm nào. Nhưng vào lúc này nếu có thể lựa chọn thì người ta nên lựa chọn cái "ít xấu hơn", đó là Nhóm lợi ích. Lý do đơn giản là vi dù sao nhóm này đã "ăn đủ" rồi và hi vọng bọn họ ít nhiều đã hiểu được cái giá phải trả cho sự tham nhũng(?). Còn Nhóm bảo thủ như thường lệ quá đề cao lý thuyết chính trị là thống soái và xa rời với thực tế. Họ tưởng có thể chống tham nhũng bằng thứ vũ khí "phê và tự phê" trong khi vẫn duy trì cơ chế và luật lệ đã bị bản thân coi  là "bất cập" từ lâu rồi.    

Đó là nói trong trường hợp có thể chọn lựa.  Nhưng e rằng không dẽ diễn ra kịch bản lựa chọn như vậy! Bởi lẽ luôn còn đó nguy cơ của sự thỏa hiệp giữa Nhóm bảo thủ và Nhóm lợi ich như nó vốn vẫn diễn ra. Và sự thỏa hiệp còn nguy hại hơn nhiều. Đó cũng là nguyên nhân của tình trạng tiến thoái lưỡng nan thường thấy trong chính trường Việt Nam lâu nay./.        











Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Nhớ Cụ Phan Chu Trinh với 10 điều bi ai của dân tộc Việt Nam




Sinh ngày 9/9/1872 tại Tây Lộc, Tiên Phước, Tam Kỳ (nay là Tam Lộc, Phú Ninh) tỉnh Quảng Nam, mất ngày 24/3/1926, Cụ Phan Chu Trinh là người Việt Nam đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) nhìn thấy trước cảnh “dịch chủ tái nô” (đổi chủ nhưng dân vẫn là nô lệ)...Để tránh điều này, Cụ đã chỉ ra con đường giành độc lập – tự do cho dân tộc là phải bắt đầu từ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. 

Lời tiên tri của Cụ xuất phát từ 10 nhận xét vô cùng tinh tế và chính xác về đặc điểm con người Việt Nam mà đối chiếu thực tế ngày nay vẫn còn nguyên thâm căn cố đế (xem dưới đây). Tiếc thay các thế hệ nối tiếp nhau đến nay vẫn chưa thực hiện đúng theo lời lời giáo huấn của Cụ. Dẫu sao, chậm còn hơn không bao giờ, mỗi người Việt Nam chúng ta dù sống ở đâu và làm việc gì, còn trẻ hay đã già hãy chiêm nghiệm những lời dạy trên đây của bậc Tiền bối đáng kính của dân tộc- Bách Việt. 

                      
 Mười điều bi ai của dân tộc Việt nam

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.

2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.

3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…

Nguồn trích dẫn: Internet và họp thư bạn bè 

 



Tìm kiếm Blog này