Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Vì sao càng học tập tấm gương Bác Hồ, đạo đức càng yếu kém?

Đó là câu hỏi vấn vương trong đầu nhiều người Việt Nam nhưng ít ai nói ra mà thôi. Với những phong trào rầm rộ và rất nhiều đề tài nghiên cứu tốn kém, năm nào cũng diễn ra những đợt vận động học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Việc học thì nhiều, nhưng  kết quả thế nào thì chưa có báo cáo nào nêu lên một cách toàn diện và thật sự khách quan. Tuy vậy, cứ nhìn vào tình trạng đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, tệ nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, quan chức ngày càng  quan liêu, độc đoán và tham quyền cố vị trong khi bộ máy hành chính ngày một phình to, thủ tục hành chính ngày càng rườm rà... ta sẽ thấy một sự tương phản quá rõ rệt giữa mục đích và kết quả. 


Một trong những biểu hiện của tình trạng nói trên là việc ban hành những văn bản hành chính sai luật như cấm xe lưu hành theo biển số chẵn/lẻ; ưu tiên các Mẹ Anh Hùng thi đại học; cấm chụp hình CSGT,... Không thể kể hết ra đây những quy định chế độ chính sách sai trái được ban hành bởi những quan chức chỉ chú ý vun vén lợi ích cá nhân và "lợi ích nhóm" mà gây hậu quả khôn lường cho xã hội. Mới đây thôi những vụ tai tiếng liên tiếp xảy ra trong khâu quản lý vắc-xin dành cho trẻ sơ sinh và vụ "nhân bản" giấy xét nghiệm máu cho thấy tình trạng chạm đáy của cái gọi là "y đức".    

Tàu Cái Lân 4 bị bắt giữ tại Ấn Độ từ tháng 1/2012

Bất cứ người Việt Nam nào dù nhẹ dạ cả tin cũng không thể tin rằng những kẻ từng gây ra cuộc khủng hoảng Vinashin đã thật lòng hối cải khi mà cho đến nay hàng trăm con tàu của nó vẫn nằm hoang phế tai các bến cảng trong và ngoài nước (Xem ảnh bên). Và những ai còn chút lòng trắc ẩn sẽ không khỏi băn khoăn tại sao tình trạng buôn lậu và các vụ lừa đảo xuyên biên giới có thể lặp đi lặp lại trong sự bất lực của các cơ quan chức năng. Cũng thật khó hiểu vì sao những con "tàu lạ" có thể ngang nhiên hút trộm cát trong vùng biển Quảng Bình nhiều năm nay mà không bị chính quyền phát hiện và ngăn chặn. 



Đó là chưa nói về tình trạng "vô cảm" lan tràn trong hệ thống công quyền cũng như trong đời sống xã hội dẫn đến nhiều thua thiệt cho đất nước trong các mối quan hệ quốc tế vô cùng nhậy bén ngày nay. Xin nêu một ví dụ: Không rõ vì yếu kém nghề nghiệp hay ý thức chính trị khi những cán bộ làm công tác tuyên truyền lại đi "sao chép" tranh áp phích của Trung Quốc để quảng bá về đạo đức Bác Hồ (Hình bên cạnh là một trong nhiều "tác phẩm" như thế). 


Vẫn biết giáo dục đạo đức công dân là việc làm không thể thiếu trong một xã hội văn minh, và điều này không chỉ Việt Nam mà các  nước trên thế giới đều làm. Nhưng cách làm thì khác nhau rất nhiều đấy. Người Ấn Độ dù ngưỡng mộ đạo đức Mahatma Gandhi (cùng thời với Bác Hồ) nhưng họ không phát động phong trào toàn dân noi gương...., mà chỉ đơn giản tôn ông là Thánh. Ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt, hiếm thấy quốc gia nào trên thế giới lấy tiêu chuẩn đạo đức và tác phong của một người để làm chuẩn mực cho mọi người. Những vĩ nhân thực sự thường được người đời sau tôn kính với lòng ngưỡng mộ tự nhiên vốn có, không suy diễn hoặc phóng đại tuyên truyền.  


Mặt khác, theo quy luât, việc học tập phải đi từ thấp lên cao, từ dễ đến khó, học điều cụ thể và học từ người thực, việc thực. Nếu trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân noi gương Bác Hồ thực hành đoàn kết, tiết kiệm... thì thời nay nhân dân sẽ nhìn vào tấm gương của các vị lãnh đạo đương chức để noi theo mới đúng. Do đó, trước hết chính những người lãnh đạo quốc gia phải trau dồi đạo đức và tư cách để có đủ uy tín và nêu gương trước quốc dân đồng bào; cán bộ lãnh đạo cấp nào phải xứng tầm cấp đó. Làm được như vậy sẽ hiệu quả  gấp vạn lần so với việc ra nghị quyết cho toàn dân học tập tấm gương Bác Hồ. 

Nhưng thực tế ở Việt Nam thời gian qua không diễn ra theo quy luật thông thường. Có nhiều ý kiến cho rằng  vì giới lãnh đạo hiện tại không đủ tư cách và uy tin để nêu gương sáng nên phải sử dụng tấm gương phản chiếu của Bác Hồ. Nhưng tôi muốn nghĩ rằng  giới lãnh đạo hiện nay lựa chọn thái độ khiêm nhường trước  thần tượng Hồ Chí Minh (?).  Tuy nhiên, bất luận vì lý do gì, điều cần thiết là không nên kéo dài tình trạng hẫng hụt vai trò lãnh tụ với đầy đủ tư cách và uy tín mà một quốc gia cần có. Sự kéo dài vai trò tấm gương đạo đức Bác Hồ cũng đồng nghĩa với sự từ chối vai trò gương mẫu của người lãnh đạo đương quyền và làm lu mờ tránh nhiệm của họ trước dân chúng. Và điều này tạo điều kiện dung túng các cán bộ các cấp dưới bao biện mọi việc làm sai trái trong tầm quản lý của họ. Đó là một nghịch lý trong chính trường Việt Nam ngày nay.

Sẽ hợp lý hơn nếu việc học tập tấm gương Bác Hồ được hiểu theo một cách cụ thể và đơn giản như sau.  Sinh thời Bác Hồ mỗi khi kêu gọi nhân dân làm gì đều tự mình làm  trước để nêu gương. Ví dụ trong thời kỳ nạn đói năm 1945 mỗi ngày Bác tự tay bớt một nắm gạo từ khẩu phần ăn của mình bỏ vào "hũ gạo kháng chiến". Trong chiến dịch "chống giặc dốt", Bác đích thân dạy học cho chiến sĩ và đồng bào. Bác xuống đồng xắn quần tưới nước cùng nông dân chống hạn hán. Mục đích trồng cây của Bác là để chống hoang hóa đất đai và Bác tự tay trồng cây trên những đồi trọc và trồng cây ăn qủa trong vườn. Nhưng các vị lãnh đạo sau này toàn trồng cây ở công viên hoặc đình chùa và những địa danh hoành tráng và không quên ghi tên đánh dấu để lại cho đời sau! Đó là sự khác nhau giữa  thật và giả xung quanh việc "học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ". Do bản thân cần kiệm liêm chính, Hồ Chủ Tịch đã có thể xử nghiêm minh nhất có thể vụ tham nhũng Trần Dụ Châu ngay trong thời kỳ kháng chiến. Nhưng thời nay, hạng người như Trần Dụ Châu nhan nhản khắp nơi, hỏi có mấy kẻ bị kết án nghiêm minh hay nhiều trường hợp còn được vinh danh và thăng quan tiến chức (?).

Cuối cùng, có lẽ nên thấy rằng xã hội Việt Nam ngày nay có ít nhất 3 thế hệ sinh ra sau thời Cụ Hồ, tức là chỉ còn một số ít người có thể  hiểu đúng thế nào là "đạo đức Bác Hồ", còn lại đều chỉ nghe kể lại hoặc diễn giải một cách chủ quan không hoàn toàn chính xác.  Có trường hợp thanh thiếu niên thậm chí thắc mắc ngây ngô tại sao một người tốt như Bác mà nghiện thuốc lá (!). Nói cách khác, nên chăng đã đến lúc cần thay đổi cách tư duy và biện pháp hành động liên quan việc học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, trước hết nên thôi coi đó như một chủ trương và một phong trào; mà hãy để đạo đức của Người tự nó phát huy theo quy luật "hữu xạ tự nhiên hương". Âu đó cũng là việc cần thiết để bảo tồn hình ảnh tốt đẹp của Người trong lòng dân tộc đồng thời nhường cơ hội cho các bậc hiền tài tiềm ẩn trong dân gian phát huy vai trò góp phần đưa dân tộc ta sớm thoát khỏi lạc hậu, nghèo hèn ./.     

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Bệnh nhân cần gì ở thầy thuốc?

Câu hỏi đơn giản này xem ra vẫn rất khó để trả lời một cách thỏa đáng ở Việt Nam nơi mà người xưa đúc kết "Lương y như từ mẫu", nhưng người thời nay lại khuyên "Bệnh nhân phải thông minh!". Nhưng liệu bệnh nhân có thể thông minh được sao?


Người viết bài này là một bênh nhân mắc bệnh hiểm nghèo do may rủi mà sống sót đến ngày hôm nay. Nói may rủi là đúng với nghĩa của từ này trong bối cảnh bất cập của hê thống y tế tại đây khi nhiều trường hợp bệnh nhân không chết vì bệnh tật mà lại chết vì nhầm lẫn trong điều trị hoặc vì không thể tìm được đúng thầy đúng thuốc và rất nhiều kiểu chết oan khác như ta thấy gần đây. Phải chăng vì thực tế này mà có lời khuyên bệnh nhân "phải thông minh"? Điều này tôi không được rõ lắm. Nhưng có một điều tôi biết rõ là, hơn ai hết bệnh nhân rất thấm thía với lời khuyên của người xưa "Có bệnh thì phải váy tứ phương" và do đó luôn hàm ơn đối với bất cứ ai cứu sống mình. Khi đã lâm bệnh họ cũng không mấy bận tâm về các hành vi bị xã hội lên án là "hối lộ", "móc ngoặc"... miễn sao chữa được bệnh. Điều tối thiểu người bệnh cần là sự minh bạch và một chút thân thiện từ phía thầy thuốc. Nhưng tiếc thay, điều này ngày càng hiếm hoi. Dưới đây là một số trải nghiệm của bản thân. 
 
Cảnh tại một bệnh viên ở Hà Nội 

 Cấp cứu
Tôi thuộc diện hay đi "khám bác sĩ", nhưng không phát hiện được bệnh để phải nhập viện cấp cứu với một khối u vỡ ra trong gan.  Đó là một buổi sáng đẹp trời giữa năm 2011 khi tôi vừa về nhà thì chợt cảm thấy một cơn đau nhói bên sườn phải. Lặng lẽ lên gác thay quần áo định bụng nằm nghỉ và chờ xem sao…nhưng vừa đặt lưng xuống gường lại thấy đau chỗ cũ, tôi bèn mặc lại quần áo và xuống nhà bảo vợ gọi xe cấp cứu. It phút sau tôi được đưa đến bệnh viên gần nhất, đó là Bệnh viên E cách nhà không đầy một cây số. Tại đó tôi được các bác sĩ  đo huyết áp và khám kỷ hơn nhưng không xác định được bệnh gì thì phải (?), vì tôi nằm đó nghe rõ lời ông bác sĩ trưởng ca trực nói như quát với vợ tôi đang cố trình bày rằng tôi "đau ở vùng bụng": “Thế bà bảo tim quan trọng hơn hay bụng quan trọng hơn?...Bà không biết nhịp tim của ông nhà xuống rất thấp hay sao mà bảo là đau bụng...!? 

Giữa lúc đó, một cơn buồn đi ngoài dữ dội ập đến (May mà tôi vẫn biết nín để chờ... cái bô). Và một trận đi ngoài bất đắc dĩ với mọi thứ cứ trôi ra tuồn tuột...Nó khiến tôi nhớ ai đó đã nói rằng "người ta trước lúc chết hay đi ngoài..." Và tôi bắt đầu sợ nổi sợ của người sắp chết! Sau đó, tôi chỉ nghe lơ mơ tiếng người và âm thanh lọc cọc của chiếc cán thương và xe chạy… Sau này vợ tôi kể lại trước lúc vào phòng mỗ tôi đã không quên nhắc bà  ấy về chuyện "phong bì" .... Thế mới lạ chứ!   
  
Đó là ca phẫu thuật thứ hai trong đời (lần đầu là cắt a-bi-đan). Ca mổ được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai và tôi đã may mắn qua được. Sau này được biết, do lần đó mổ cấp cứu không biết bệnh gì nên các bác sĩ chỉ kịp tiến hành biện pháp cầm máu cứu người, chứ không cắt bỏ khối u nghe nói đã to bằng quả trứng vịt. 

Ca mổ diễn ra thế nào tôi không rõ. Chỉ biết hôm sau tỉnh lại nhận ra mình đang nằm trong phòng hậu phẫu cùng nhiều bệnh nhân khác. Lúc đó tôi thấy mình hoàn toàn tỉnh táo mặc dù không thể nào nhấc người ngồi dậy, thậm chí không thể xoay người hoặc làm một động tác nào. Nhìn thấy vợ và các con đứng bên cạnh là tôi yên tâm. Có lẽ đó là những giây phút kỳ diệu nhất của  một người vừa từ cõi chết sống lại.

Những ngày tiếp sau là những cơn đau nhẹ, đôi khi khó thở. Nhưng điều cơ bản là tôi đã sống! Nhưng hình như sự sống bao giờ cũng đi kèm với nỗi lo sợ thì phải (?). Nỗi sợ giờ đây là không biết bệnh của mình là gì. 

Nằm nghĩ mung lung và bắt đầu thấy chán với cái cảnh nằm viện không có gì để đọc hoặc nghe nhìn... Đặc biệt “nhớ” cái máy tính; trong giấc ngủ đêm luôn hiện rõ những bài viết trên blog mà tôi đã lập từ khi nghỉ hưu. Hiện tượng này có lẽ là do vỏ não tái hiện những gì nó đã thu nhập trước ca mổ. Và tôi thấy muốn viết gì đó, nhưng bị cả nhà phản đối khuyên nghỉ  ngơi, đừng suy nghĩ ...!  Chẳng biết mọi người lấy cơ sở nào mà khuyên như thế, trong khi người bệnh nằm mãi buồn chán sinh ra lo nghĩ về bệnh tật… 

Người nhà bệnh nhân
Một tuần sau thì được cho làm thủ tục chuyển sang phòng bệnh nhân thường. Dù sao được di chuyển ra ngoài cũng là một cơ hội tự do. Vừa ra cửa đã thấy cảnh người nhà bệnh nhân đứng ngồi la liệt khắp hành lang, có lẽ đông gấp nhiều lần bệnh nhân. Sau này mới biết, họ là đội quân thực thụ của bệnh viện với trách nhiệm vừa chăm sóc người nhà đồng thời "chăm sóc" cả các y bác sĩ. Suốt ngày đêm họ tự nguyện túc trực, ngủ vạ vật đâu đó… để sẵn sàng tiếp ứng khi được gọi :”Người nhà bênh nhân….đâu?”. Nếu chẳng may vắng mặt, họ sẽ bị trách móc nặng nề hơn cả người trong biên chế bệnh viện, đơn giản chỉ vì họ là "người nhà bệnh nhân". Cái  khó của họ là ngoài việc lo chăm sóc người bệnh còn  phải biết cách tiếp cận các y bác sĩ để nắm tình hình và biết ai và lúc nào cần bỏ vào phong bì bao nhiêu…Đó là một “đặc nhiệm”mà nếu làm không tốt sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến người bệnh, chứ chẳng chơi!
 
Phòng bệnh tôi mới dọn đến thuộc khu “nhà Nhật” (người ta gọi thế vì nhà này do Nhật viện trợ từ nhiều năm trước). Nhà Nhật xây quả có hơn nhà ta: bố cục hợp lý, tường ốp gạch men cho sạch...,  nhưng thiết bị đều đã xuống cấp do không được sửa chữa kịp thời, nhiều trang thiết bị không được phục hồi hoặc bị tháo bỏ để tiết kiệm chi phí.

Cuộc sống tại đây nói chung tương đối êm ả, ngủ yên giấc, không đau đớn, ít sự cố…Có những trường hợp cả gia đình bênh nhân, kể cả trẻ nhỏ cùng ngủ chung bên cạnh hoặc dưới gầm gường bệnh nhân. Có lẽ với người vùng sâu vùng xa, đây là nơi ở khá lý tưởng vì có điều hòa và điện nước cả ngày đêm!  Nhưng có điều nghịch lý là, Ngành y lúc nào cũng kêu thiếu diện tích, thiếu gường bệnh, thiếu nhân lực... (và do đó phải để người nhà vào chăm sóc bệnh nhân!). Nhưng làm thế có khác nào cắt bớt không gian sống của người bệnh đồng thời tạo môi trường lây lan bệnh tật ra ngoài cộng đồng?  Đó là chưa tính đến những thiệt hại kinh tế do người nhà phải nghỉ việc, mật độ giao thông, v.v…là những bài toán mà các nhà quản lý đất nước hình như không cần biết, trái lại còn coi là "sáng tạo" theo kiểu “con kiến leo cành đa..." trong cuộc săn tìm hình mẫu XHCN tốt đẹp.
 
Bác sĩ thăm bệnh
Mọi sự sẽ êm đềm trôi qua nếu không có sự kiện sau đây. Khoảng  9h sáng hôm đó một đoàn bác sĩ đến "thăm bệnh". Người dẫn đầu  chỉ vào một bà lão đang nằm co ro hỏi: “Tên gì”…Không xem sổ theo dõi bệnh nhân (kẹp ở đầu gường) cũng không chờ bà lão trả lời, vị này bảo: “Chuẩn bị hôm nay ra viện!”.  Nói rồi vị rảo bước quay đi. Cả nhóm quay theo lướt qua mấy gường bệnh kế tiếp, loáng cái đã đến gường tôi, vị bác sĩ chỉ vào phía tôi và hỏi lửng lơ một câu nghe không rõ, hình như “Đây là ai...?". Giá mà ông ấy với tay xem cái sổ theo dõi ở đầu gường thì  tôi đã có thêm chút thời  gian. Nhưng ông ấy đã không làm thế. Nghe hỏi,  một bác sĩ đứng bên khẽ trả lời nắn gọn: “Đây là bệnh nhân u gan vỡ". Không hỏi han gì thêm, vị bác sĩ dẫn đầu buông câu: “Ngày mai ra viện. Hai tuần sau trở lại cắt chỉ”.

Lâu nay tôi chỉ mong có dịp được gặp người bác sĩ đã mổ và cứu sống mình để nói lời cảm ơn.  Nhưng không ngờ mọi việc đã diễn ra quá nhanh, riêng với tôi có lẽ chỉ được 5 giây, vừa đủ để đọc cái tên trên ngực áo là “bác sĩ H.” Vài câu nói lấp lững của  bác sĩ H. khiến tôi bất ngờ và thêm lo lắng...vì đó cũng là những thông tin chính thức đầu tiên được nói ra từ ông ấy. Trong tâm trạng ngỡ ngàng và lo lắng tôi chỉ kịp nói với theo: “Cảm ơn bác sĩ đã cứu mạng...”  và hỏi với theo: “Thưa...tôi bị u gan...?” Nhưng bác sĩ H. có vẽ không nghe thấy gì, vẫn cứ bước đi như người xa lạ.

Tù mù bệnh án
Tôi thuật lại cuộc thăm bệnh nhân hiếm hoi đó nhằm cùng vợ tìm câu trả lời cho cái cảm giác lẫn lộn về tình trạng bệnh tật của mình. Lúc đó vợ tôi cho biết: Bác sĩ H. sau ca mổ đã bảo “Về nhà chuẩn bị hậu sự đi là vừa”…, tức bệnh rất nặng và khó bề qua khỏi - u gan giai đoạn cuối mà!. Ông ấy còn dặn thêm: “Đừng nói gì cho bệnh nhân!”. 

Thì ra là thế. Với quan điểm "sống để bụng, chết mang đi" như vậy, thì cách hành xử như vừa rồi của bác sĩ H. là có thể hiểu được phần nào. Tuy nhiên cũng có thể có sự uẩn khúc nào đó? Nói chung, đó là một cảm giác bất an do không được thông báo chính thức rõ ràng. Đáng lẽ bác sĩ là người biết rõ bệnh nhân hơn ai hết thì nên trực tiếp phổ biến và động viên bệnh nhân để đối phó với bệnh tật thì lại chủ động giữ khoảng cách tao ra những mối hoài nghi lo lắng không cần thiết cho bệnh nhân. Hay đó là nguyên tắc "bí mật nghề nghiệp" đối với người sắp chết ? Lẽ nào đó là cách tư duy khoa học? Nếu không, thì làm thế để làm gì?  

Hôm sau tôi buộc phải xuất viện trong tình trạng chưa cắt băng, sức khỏe chưa ổn định. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, trong hồ sơ không thấy Giấy xét nghiệm sinh thiết u gan vỡ. Khi vợ tôi hỏi, Bác sĩ H. giải thích là " bị thất lạc..." và hứa "sẽ cho làm xét nghiệm lại từ mẫu lưu trong tủ lạnh", nghe thật khó tin! Lúc đó tôi cảm thấy sự bất an của người bị bỏ mặc và hoang mang không biết sau này sẽ tiếp tục điều trị như thế nào. Cảm giác này luôn gặp lại về sau mỗi lần tôi ra khỏi cửa một bệnh viện nào đó.

Đang hoang mang thì một sự tình cờ đến từ một mối quan hệ "giây mơ rể má" đã giúp tôi chuyển tiếp sang Trung tâm Ung bướu ngay bên cạnh, và cũng nhờ đó tôi có cơ hội để kiểm tra lại bệnh trạng trước khi về nhà.  

Bơ vơ bệnh nhân
Là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nhưng không thuộc bệnh viên chuyên khoa nào, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tìm nơi điều trị.  Sau ca cấp cứu, tôi cùng vợ chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm nơi chữa bệnh. Một lần được bạn bè mách cho một vị bác sĩ có học vị Tiến sĩ đã từng du học Đức, Mỹ về Việt Nam mở phòng khám. Chúng tôi liền tìm gặp và lấy làm tâm đắc nghe ông rao giảng về "Đông Tây y kết hợp" và "chữa bệnh không đau đớn".... Chỉ tiếc chính ông ta lại "đọc nhầm" tờ film X quang tôi mới chụp tại Trung tâm Ung bướu và phán rằng "Đây nầy, phổi của ông bị di căn hết cả rồi...". Nghe vậy tôi đành "bỏ của chạy lấy người" đến giờ chưa dám quay đầu lai. 

Sau đó ít lâu tôi xin vào Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Quân Y viện 108  hy vọng được chữa bằng phương pháp tô-xi, tiêm cồn hoặc sóng cao tần đang được tuyên truyền là "hiên đại nhất...". Khó khăn lắm tôi mới chuyển được sổ Bảo hiềm y tế về đây. Nhưng chỉ mấy ngày sau, chính vị bác sĩ nhận tôi vào viện mới phát hiện động mạch dẫn vào khối u của tôi đã bị thắt khi cấp cứu ở Bạch Mai- điều này đã được ghi rõ trong hồ sơ bệnh án. Phát hiện này cũng có nghĩa là hết đường để áp dụng phương pháp của ông ấy! Và do đó ông đề nghị chuyển tôi sang Khoa ngoại để cắt bỏ khối u. Rất đơn giản giản vậy thôi, nhưng quá đột ngột đối với tôi. Cuối cùng tôi đã phải làm tờ cam đoan "không giải phẫu". May sao tôi đã "tồn tại" được hơn 2 năm cho đến giờ. 

Kết quả khám định kỳ mới đây cho thấy có biểu hiện tái phát. Và một lần nữa các Bác sĩ lại khuyên tôi cắt bỏ khối u... Lần ngày tôi xin chuyển sang Bệnh viên Việt-Đức. Tại đây tôi được nghi vấn và cho khám "u túi mật", rồi thử "sán lá gan"... khiến tôi thật sự cảm kích vì trước nay chưa ai đặt vấn đề nghi vấn như vây. Nhưng sự phức tạp hình như cũng bắt đầu từ đó. Vị các sĩ ở Việt Đức giới thiệu tôi đến một phòng khám tư để xét nghiệm sán lá gan và cho với kết quả "dương tính". Dựa vào kết quả đó, cả bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 108 đều thản nhiên khuyên tôi hãy tự tìm mua thuốc sán lá gan để uống (?!). Cũng đơn giản thôi mà! Nhưng may mà trong khi loay hoay chưa mua được thuốc, thì có người quen mách bảo tôi đến Viện Sốt rét Kí sinh trùng Trung ương và được biết: Để biết có sán lá gan hay không phải làm một loạt xét nghiệm, sau đó sẽ quyết định dùng thuốc điều trị như thế nào... Vậy là, một lần nữa lại gặp may.  Nếu tôi đã mua được thuốc và tự điều trị sán lá gan thì có lẽ không biết điều gì đã xảy ra(?) (Còn tiếp)

Hà Nội ngày 12/7/2013        


   

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Bạn bè

Lời giới thiệu của chủ blog: Đang lúc đầu óc trống rỗng thấy trên họp thư bạn bè (mail-box) bài viết ngắn này rất "hợp cảnh hợp tình"...nên quyết định đưa lên blog, chỉ tiếc không thấy tên tác giả (?)  Ảnh minh họa của chủ blog.

 
Bạn bè cũng như tiền: 
Có tờ ... thật
Có tờ ... giả
Có tờ ... lành
Có tờ ... rách 
Chỉ tiếc vì mình không phải là máy soi tiền nên không thể biết được... AI LÀ BẠN BẠN LÀ AI ?
   

* Hai chữ BẠN THÂN có nghiã là:
B: bao dung
A: an toàn
N: nhường nhịn
T: thương yêu H: hiền hòa
Â: ấm áp N: ngọt ngào
 
* Tình bạn trong đời
Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy thật buồn và muốn khóc...
Hãy gọi cho tôi!
Tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười, nhưng biết đâu tôi sẽ khóc cùng bạn!
Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy vô cùng đơn độc..
Hãy gọi cho tôi!
Tôi sẽ đến bên bạn, chỉ để im lặng không nói một lời, nhưng tôi muốn bạn biết rằng luôn có tôi bên cạnh.
Nếu một ngày nào đó, bạn phân vân trước những quyết định của mình.
Hãy gọi cho tôi!
Tôi sẽ không quyết định thay bạn, nhưng có thể giúp bạn vững tâm hơn trước sự chọn lựa của mình.

>
Nếu một ngày nào đó, bạn gặp thất bại trong công việc.
Hãy gọi cho tôi!
Tôi sẽ không đem lại cho bạn một công việc mới, nhưng tôi sẽ giúp bạn tìm thấy một cánh cửa khác của sự thành công.
Nếu một ngày nào đó, bạn vô cùng đau khổ vì phạm phải sai lầm.
Hãy gọi cho tôi!
Tôi không thể sửa chữa sai lầm đó, nhưng tôi có thể giúp bạn nhận ra rằng những sai lầm sẽ giúp bạn trưởng thành và tự tin hơn.
Nếu một ngày nào đó, bạn lo sợ những điều tốt đẹp sẽ qua đi.
Hãy gọi cho tôi!

Toi sẽ không níu giữ chúng lại, nhưng tôi giúp bạn hiểu rằng mọi việc đều có những điểm khởi đầu và kết thúc. 
 
Nếu một ngày nào đó, bạn trở nên bế tắc và tuyệt vọng. 
Hãy gọi cho tôi!
Tôi không hứa sẽ làm bạn quên đi tất cả, nhưng tôi có thể giúp bạn tìm niềm tin trong cuộc sống.
 
 Nhưng một ngày nào đó, bạn gọi mà không thấy tôi trả lời.
 Bạn hãy đến bên tôi, vì lúc đó tôi đang cần bạn!
 
Trong cuộc đời dù hai tiếng BẠN & thật rất ư khác biệt nhưng hai tiếng "bạn bè" vẫn thường được ghép đôi !
 
-Khi đắc thời đâu biết... AI là BẠN
-Lúc thất thời mới biết ... BẠN là AI
-Trong cuộc vui vẫn coi ... BÈ là BẠN
- Khi hoạn nạn mới biết ... BẠN là BÈ.

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Bóng đen của chủ nghĩa diệt chủng đang trở lại Cămpuchia?

Sam Rainsy
Sam Rainsy và các đảng viên đối lâp đang vận động bầu cử tại
Theo BBC, chủ nhật, 4 tháng 8, 2013, thì trang mạng Hoa ngữ Hoa Thương Thời Báo phát hành tại Campuchia hôm 2/8 cho hay: Sam Rainsy, lãnh đạo Đảng Cứu quốc đối lập của Campuchia, đã phát biểu rằng đảng ông xem Trung Quốc là một đồng minh quan trọng.
Ông cũng tỏ rõ sự ủng hộ dành cho Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Nhà lãnh đạo đối lập Campuchia cũng gửi những thông điệp hữu nghị đến với Chính phủ và người dân Trung Quốc.
"Đảng của chúng tôi ủng hộ Trung Quốc trong việc bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của các bạn. Tất cả mọi hòn đảo do Trung Quốc bảo vệ là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi lên án bất cứ hành động xâm lược nào. Những hòn đảo ấy là của Trung Quốc và chỉ thuộc về Trung Quốc mà thôi."Sam Rainsy, lãnh đạo đối lập Campuchia nói.
Rainsy cho biết ông đã đến Trung Quốc nhiều lần và đã chứng kiến sự phát triển của Trung Quốc. Ông nói Trung Quốc là ‘hình mẫu để Campuchia học hỏi’.
“Chúng tôi không chỉ xem Trung Quốc là một người bạn mà còn là một đồng minh. Đảng của chúng tôi ủng hộ chính sách một Trung Quốc,” ông nói.
Ông cũng nói rất rõ rằng Đảng Cứu quốc sẵn sàng ủng hộ Trung Quốc đối với tranh chấp trên Biển Đông.
“Đảng của chúng tôi ủng hộ Trung Quốc trong việc bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của các bạn. Tất cả mọi hòn đảo do Trung Quốc bảo vệ là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi lên án bất cứ hành động xâm lược nào. Những hòn đảo ấy là của Trung Quốc và chỉ thuộc về Trung Quốc mà thôi,” ông phát biểu.
Rainsy cũng nhấn mạnh rằng những đảng phái ở Campuchia không thể ủng hộ Trung Quốc rõ ràng về Biển Đông giống như đảng của ông. Ông còn hỏi người phỏng vấn cách phát âm Biển Đông như thế nào trong tiếng Hoa.
Xem thêm thông tin tại đây http://tranhung09.blogspot.com/2013/08/sam-rainsy-la-ai-va-vi-sao-co-nhung.html

Bách Việt

Tìm kiếm Blog này