Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Minh bạch không dễ

question[1]Tối qua đáng lẽ tắt TV đi ngủ, lại tình cờ chạm tay vào một nút trên bản điều khiển máy thu hình và nhìn thấy Bộ trưởng Vũ  Đức Đam đang trả lời phỏng vấn báo chí. Ok, ai chứ ông Đam thì nên nán lại xem. Thú thật mình vẫn ngưỡng mộ ông Đam  không chỉ vì ông là một trong số ít ỏi gương mặt bộ trưởng trẻ nhất của đất nước mà còn vì một cảm nhận có từ vài lần tiếp xúc trong quá trình công tác trước đây. Và có lẽ đó là lý khiến mình hay dõi theo nhân vật này (?).

Chủ đề cuộc họp báo đó xem ra khá thiết thực. Và ông Đam một lần nữa lại "ghi điểm" đối với mình. Phải nói là ông ấy đã không phạm một lỗi nào, kể cả về nội dung và tác phong lẫn văn phong.  Tuy nhiên, điều mình sắp nói dưới đây là một việc hoàn toàn  khác. Đó là một cảm nhận  khó diễn đạt; khó theo cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng, tức là nhận diện nó là gì , và có dám nói ra không. Dù sao mình cứ thử mạo muội trình bày như dưới đây.

Trong phần trả lời về việc tăng giá xăng và việc đấu thầu vàng miếng- vốn là vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay, ông Đam đã nhã nhặn và từ tốn giải thích có đầu có đuôi mọi nhẽ, phải nói là rất có tình có lý. Ông  nhắc lại rằng Chính phủ đã định tăng tăng giá xăng từ năm ngoái nhưng chưa tăng..., lần này tăng "vì đã hết tiền bình ổn"....Ông cũng cho biết, Chính phủ cân nhắc chủ trương, nhưng việc tăng hay không và tăng bao nhiêu là phải dựa vào số liệu và đề nghị của ngành chủ quản .... Theo ông, giá xăng thế giới tuy đang giảm nhưng không nhiều và nói chung giá xăng ở VN vẫn thấp hơn thế giới (?). Khi  một phóng viên có ý hỏi tại sao không minh bạch về "Quỹ bình ổn xăng dầu"mặc dù nó đã được tiêu sắp hết rồi(?), ông Đam bảo: "Xin ghi nhận rút kinh nghiệm ".   

Về chuyện đấu thầu vàng miếng, ông Đam không nói gì nhiều mà để một bà chuyên gia ( tôi quên tên, và cũng không hoàn toàn chắc chắn bà này trả lời trực tiếp tại cuộc họp báo hay đã ghi hình trước đó?, ai biết bổ sung giúp) .Dĩ nhiên bà này đã nói, tuy có phần kém thuyết phục hơn ông Đam, nhưng tinh thần vẫn là Nhà nước làm như vậy là đúng cả. Bàn chẳng thêm giải thích tại sao giá đấu thầu lại cao hơn cả giá thị trường, và điều đó sẽ lại dẫn đến một đợt tăng giá vàng nữa hay không.

Nhìn chung mọi câu hỏi dù khá sắc sảo của giới phóng viên cùng những nỗi băn khoăn bức xúc ngoài nhân dân đều có vẽ "không vấn đề" trước sự giải thích của người Đại diện Chính phủ và các quan chức hửu trách. Đúng sai chỉ có thể tự rút ra sau khi mọi việc đã được thực hiện. Nhưng đến lúc đó không còn biết đâu là đâu nữa, thậm chí một lời  xin lỗi cũng không có, như  đã xảy với Vinashine, hay ngay cả với dự án  khai thác bauxit Tây Nguyên hiện nay.  Hôm qua Bộ trưởng Vũ Đức Đam và bà chuyên gia vàng miếng đều đã hoàn thành xuất sắc phần trả lời báo chí với cương vị của mỗi người. Nhưng vấn đề ở đây là liệu họ đã nói thực lòng với sự hiểu biết của họ về lợi ích của người dân và của nền kinh tế đất nước, hay nọ chỉ nói vì nhiệm vụ được giao? Ngoài ra, Chính phủ với tư cách là cơ quan điều hành tại sao chỉ dựa vào báo cáo của đương sự (lúc nào cũng muốn tăng giá), mà không dựa vào các tiêu chí quản lý kinh tế và nguyện vọng của người dân để ra quyết định?  Chẳng lẽ Chính phủ với đầy đủ tai mắt trong và ngoài nước cùng các cơ quan tư vấn quốc tế  lại không biết giá xăng trên thế giới dù tăng giảm thất thường, nhưng bao giờ cũng phải giữ ở một tỷ lệ chấp nhận được so với mức thu nhập của người dân? Không thể có chuyện bắt nhà nghèo tiêu tiền như nhà giàu. Không thể thấy 1 lít xăng bán ở Bắc Âu  bằng 1 đô-la chẳng hạn để bắt người Việt Nam cũng phải mua xăng bằng giá ấy. Nếu làm vây thì nhiều người Việt Nam đi làm cả ngày chỉ đủ để mua xăng à? Chuyện giá vàng lại còn ngược đời hơn. Trong nhiều năm nay giá vàng ở Việt nam liên tục cao hơn thế giới với biên độ ngày càng giản rộng (hiện tại trên dưới 5 triệu động/lượng). Chẳng lẽ dân Việt Nam giàu nhất thế giới hay nước Việt nam định "cỏng" cả gánh lạm phát của đồng đô-la Mĩ ? Nếu không thì nền kinh tế Việt Nam nằm ở một hành tinh khác? 

Từ những phân vân trên, tôi có cảm nhận rằng các cơ quan Nhà  nước Việt Nam ta chưa hề có phong cách điều hành minh bạch. Chính phủ luôn cho mình làm đúng và có lý có tình, nhất là sau khi đã tham khảo các bộ/ngành và các cấp ... Và lãnh đạo vẫn cho rằng đối với nhân dân chỉ cần  làm tốt công tác giải thích tuyên truyền là đươc! Còn  minh bạch ư?, phải từ từ từng bước rút kinh nghiệm...,chứ đâu có dẽ với một đất nước đang chuyển đổi như Việt Nam (!). Ngay cả những yêu cầu minh bạch tối thiểu như thông tin hàng ngày cũng không đủ. Có lẽ vì chưa thấy đúng mức tiêu chí minh bạch, nên lâu nay giới Lãnh đạo vẫn chưa thực sự coi trong tiêu chí minh bạch, biểu hiện cụ thể là chưa thể hiện bằng thể chế hóa và luật hóa cơ chế bộ máy Nhà nước cũng như đảng cầm quyền nhằm tránh sự lạm dụng của cá nhân hoặc nhóm quyền lực. Chừng nào chưa có đầy đủ những điều kiện như vậy, thì sự minh bạch vẫn chỉ là một khẩu hiệu. Sự minh bạch thiếu vắng ở mọi cấp độ và mọi lĩnh vực, từ khâu làm giấy khai sinh cho đến khi khai tử, và cả trong đời  sống kinh tế-xã hội cũng như trong tư tưởng và chính trị. Quần chúng nhân dân đã quá quen với việc lắng nghe và làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, hoặc theo gương của lãnh đạo, v.v...Quen đến mức quên cả bản thân mình thực sự nghĩ gì và muốn gì. Tai hại hơn là, nếu có ai không làm như thế sẽ bị coi là sai lầm, là diễn biến..., thậm chí là phản động, chống đối... Phải chăng đây chính là một thói quen cố hửu đang ràng buộc xã hội ta trên con đường tiến tới tự do, ấm no, hạnh phúc? Đó là trường hợp gần đây, Đảng và Nhà nước khẩn thiết yêu cầu nhân dân góp ý bổ sung sửa đổi Hiến pháp 1992, nhưng khi có những ý kiến mạnh mẽ, thậm chí trái ngược, thì một số vị lãnh đạo và cả bộ máy tuyên truyền lại vội quy chụp họ "suy thoái và diễn biến...". Cách làm chủ quan  như vậy vô hình trung đã tạo ra những thế lực thù địch trong nội bộ nhân dân và  giữa nhân dân và chính quyền. Chẳng lẽ không còn cách tiếp cận nào hơn thế? 

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Ai thực sự kiểm soát Biển Đông?

Một cảnh tập trận của Hạm đội Nam Hải  (ảnh của CCTV)
Vừa qua trong lúc đài truyền hình và báo chí Trung Quốc liên tục đưa tin về cuộc tập trận của Hạm đội Nam Hải tại Biển Đông thì phản ứng chính chính thức của Việt Nam vẫn yên lặng, duy chỉ có VTV như thường lệ phát tin dự báo thời tiết "trời quang mây tạnh tại cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"... Người nghe không khỏi phân vân: Vậy ra, chỉ còn một việc có thể thực hiện trọn vẹn "quyền chủ quyền" mà không phải thỉnh thị báo cáo và chờ đợi sự phê duyêt của cấp cao nhất. Đó là dự báo thời tiết về Biển Đông bao gồm cả toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.



Một ngư dân VN trong khoang tàu bị Trung Quốc bắn cháy 
Chỉ đến khi một số tàu cá của ngư dân miền Trung bị tàu Kiểm ngư vũ trang của TQ rượt đuổi, trong đó một tàu của Quảng Ngãi bị bắn cháy cabin, thì các kênh chính thức của Việt Nam mới lên tiếng. Sự lên tiếng này là muộm mằn và chưa đủ độ mạnh cần thiết. Đó là chưa nói sự lên tiếng đó có phần là để trấn an dư luận công chúng.

Khách quan mà nói, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà xảy ra các vụ rượt đuổi và bắn cháy tàu cá như vậy; toàn bộ đều nằm trong khuôn khổ của đợt tập trận của hải quân Trung Quốc tại Biển Đông. Xét về mọi phương diện, việc tập trận như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Tường Sa, nơi mà cho đến nay chưa hề có nước nào công nhận là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và cả thế giới đều biết Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa  năm1974, rồi chiếm một số đảo tại Trường Sa năm1988. Do đó, có thể khẳng định mọi sự chiếm đóng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Biển Đông đều là phi pháp, và tàu bè Trung Quốc chỉ có một quyền hợp pháp duy nhất là "đi lại vô hại" trên Biển Đông mà thôi. Tuy nhiên lâu nay phía Trung Quốc cậy thế mạnh của nước lớn không những cho tập trận bừa bãi mà còn rất nhiều lần xâm hại tài sản và tính mạng của ngư dân Việt Nam, Philipine và các nước khác ven Biển Đông ngay bên trong những vùng ngư trường truyền thống của họ. Mọi việc làm của phía Trung Quốc đều nhằm mục đích thâm độc là "biến không thành có" để thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế và tiến tới độc chiếm toàn bộ Biển Đông.

Nhận xét về âm mưu này của TQ một phân tích gia phương Tây mới đây nói như sau:
"Trung Quốc đang xây dựng vị trí bất khả thách thức của mình tại Hoàng Sa trong khi khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa thông qua việc tăng cường  sự có mặt  trên biển bằng các hạm đội hải quân và không quân.

So với thời kỳ mà sự chiếm đóng cụ thể tại các đảo có nghĩa là tất cả, thì  giờ đây TQ chuyển chiến lược sang cách thống trị bằng sức mạnh hàng hải".... "Họ sẽ có thể thống trị khu vực bất kể là đảo hay biển và điều này  sẽ cho phép họ tăng cường và bảo vệ bất cứ mọi nỗ lực nhằm khai thác dầu khí tại đây trong những năm tới”.
Ông này còn nói thêm: “Chừng nào Việt Nam  chưa bố trí các trận địa tên lửa đạn đạo và tăng cường các  hệ thống ra đa dày đặc tại các đảo của mình, hoặc  hợp tác  thật chặt chẽ với Mĩ , thì TQ có thể tiếp tục với chiến lược nói trên”.

Tuy nhiên, về phần mình, do những lý do cố hửu,Việt Nam luôn đề cao ý thức tự kiềm chế tránh đụng độ với Trung Quốc. Với phương châm đó, mọi bước đi đều được thận trọng cân nhắc kĩ và quyết định từ cấp cao nhất của Việt Nam. Nhưng thực tế ngày càng  cho thấy thái độ kèm chế của phía Việt Nam thường không được phía Trung Quốc quý trọng, trái lại còn lợi dụng hoặc phản bội khiến Việt Nam ngày càng thất thế. Mới đây  Thiếu tướng về hưu Lê Văn Cương có đúc kết rằng Trung Quốc đã 5 lần phản bội Việt Nam, đó là những lần phản bội vô cùng tai hai mà người Việt Nam ai cũng biết. Tuy vậy người Trung Quốc chưa bao giờ chịu nhận lỗi trước người Việt Nam, kể cả vụ bắn cháy tàu cá mới đây nhất,NgườiPhát ngôn NG  Trung Quốc đã chính thức  lên tiếng biện minh đó là "hành động chính đáng"(!?). Nếu đã có một lần xin lỗi, đó là khi Mao Trạch Đông bày tỏ với Lãnh đạoViệt Nam thời kỳ còn là "môi hở răng lạnh"  lấy làm tiếc về ách đô hộ tàn bạo của các Vương triều phong kiến xưa kia. Nhưng đó chỉ là những lời tuyên truyền sáo rỗng như đã được minh chứng bằng 5 lần phản bội Việt Nam của bản thân ông ta và những kẻ kế vị sau này. Sống bên cạnh một cường quốc như Trung Quốc, không phải chỉ Việt Nam mà tất cả các nước xung quanh đều là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Cậy sức mạnh và số đông, phía Trung Quốc không muốn "chơi theo luật" nhằm dẽ bề thao túng và chén ép từng nước nhỏ yếu hơn mình. 

Giờ đây người Việt Nam không khỏi chạnh lòng nhớ lại những "ngày xưa tươi đẹp" (happy old days) khi làm chủ biển đảo của mình và dân chài được tự do vươn khơi ra lộng quăng chài kéo lưới ... Nhưng bây giờ vừa mới dong buồm đã gặp "tàu lạ" ngay trước cửa! Chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi nhanh như kẻ cướp, mạnh như kẻ điên khùng, ngày đêm ráo riết lùng sục rượt đuổi cướp phá ngay bên trong vùng đặc quyền kinh tế, chứ không chỉ trong vùng ngư trường bao đời của cha ông để lại. Chúng lăm lăm vòi rồng, súng phun lửa và cả đại pháo để trấn áp những con thuyền đánh cá nhỏ nhoi bất chấp sinh mạng con người trên đó. Thực chất đó là những hành động khủng bố quốc tế trá hình bất chấp luật lệ quốc tế. Nhưng quốc tế thì tỏ ra bất lực trước một nước Trung Quốc tràn đầy khát khao bành trướng thế lực.Vậy đâu là sức mạnh của thời đại như chính người Việt Nam vẫn thường đề cao từ kinh nghiệm của chính mình? Phải chăng sức mạnh thời đại ngày nay nằm ở luật pháp quốc tế, điều mà Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng chưa tận dụng? Phàm cái gì kẻ thù lo sợ, cái đó là điểm yếu của họ. Vậy muốn tránh chiến tranh nóng, Việt Nam cần phát huy đầy đủ lợi thế pháp lý của mình trước khi quá muộn. Hơn lúc nào hết, đây là lúc Việt Nam cần rút ra bài học từ quá khứ và kết hợp với những nhân tố mới của sức mạnh thời đại ./.


Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Bàn về sự ấu trĩ(*)

(*)Đây là một bài viết nhận được trên họp thư bạn bè. Tuy không quen biết tác giả và cũng chưa có đủ điều kiện để kiểm chứng các thông tin trong bài viết, nhưng thấy có thể chia sẻ phần lớn quan niệm nêu trong bài, đồng thời xin được bổ sung thêm một ý sau:
Con người ta không ai vẹn toàn (nhân vô thập toàn), kiến thức lại càng vậy. Do đó,không ai có thể tự coi mình đúng về mọi điều, chẳng qua nếu gặp may rơi vào "xứ của người mù, thì người chột sẽ làm vua" mà thôi! Tuy nhiên, mọi người chỉ có thể trở nên khôn ngoan hơn nếu học hỏi lẫn nhau,kể cả từ sự ngu dốt của người khác, để hoàn thiện bản thân. Trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước ta hiện nay có rất nhiều ý kiến trái chiều, nhưng rất ít người chịu lắng nghe lẫn nhau là dấu hiệu không tốt lành. Nếu chỉ nói mà không lắng nghe người khác nói thì tác hại còn nhiều hơn là không nói. Người bình thường làm vậy hại một, người có chức có quyền hoặc địa vị trong xã hội và các cơ quan truyền thông nhà nước làm vậy còn hại hơn nhiều -(Bách Việt).

Minh họa: Khều

Tác gỉa: Giản Tư Trung

Những tưởng trong một xã hội mà ai cũng bằng này cấp nọ, tràn lan cử nhân, tiến sĩ, kỹ sư… như bây giờ thì “giặc dốt” chỉ là câu chuyện của quá khứ. Nhưng, thực ra nó vẫn còn tồn tại (thậm chí là còn đáng sợ hơn xưa) dưới một “lớp áo” khác: sự ấu trĩ hay sự ngộ nhận về hiểu biết. Nói một cách nôm na bằng ngôn ngữ bình dân là: dốt mà không hề biết là mình dốt.

Có thể tạm chia những người có ảnh hưởng trong xã hội (bất cứ xã hội nào) thành 5 nhóm sau đây: có quyền, có tiền, có tiếng, có bằng, và có chữ. Một biểu hiện của bệnh ấu trĩ ở những người có quyền là việc họ thường xuyên đưa ra những quyết sách tồi nhưng bản thân họ lại không nhận ra được điều đó. Một nhà lãnh đạo giỏi có thể không cần phải biết tất cả mọi thứ, giỏi tất cả mọi việc, nhưng sẽ biết ai là người mình nên lắng nghe và ai là người mình nên tin tưởng, sẽ phân biệt được đâu là quân tử và đâu là ngụy quân tử, đâu là thực tài và đâu là ngụy tài. Nhà lãnh đạo ấu trĩ thường không có khả năng này, bởi họ đã mất đi khả năng phân biệt ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai. 
Người có tiền ấu trĩ thường là những người kiếm tiền bằng những cách không chính đáng nhưng lại rất tự hào về điều đó, và/hoặc dùng tiền họ kiếm được để cổ xúy cho những cái không nên cổ xúy. Tương tự như vậy, những người có tiếng ấu trĩ không tự ý thức được cái “tiếng” mà mình có được là theo kiểu nào (danh tiếng hay tai tiếng), và mình sẽ dùng nó như thế nào.
Những người có tiền lại ảnh hưởng đến xã hội thông qua cách họ kiếm tiền và xài tiền. Người có tiền ấu trĩ thường là những người kiếm tiền bằng những cách không chính đáng nhưng lại rất tự hào về điều đó, và/hoặc dùng tiền họ kiếm được để cổ xúy cho những cái không nên cổ xúy. Tương tự như vậy, những người có tiếng ấu trĩ không tự ý thức được cái “tiếng” mà mình có được là theo kiểu nào (danh tiếng hay tai tiếng), và mình sẽ dùng nó như thế nào. Nên mới có chuyện một cô người mẫu rất tự hào vì mình đã trở nên nổi tiếng nhờ việc khoe thân khắp các mặt báo, hay rất nhiều người mang danh là “nghệ sĩ” nhưng công chúng hiếm khi thấy họ khoe những tác phẩm nghệ thuật hay sáng tạo nghệ thuật mà chủ yếu là khoe nhà, khoe xe, khoe áo quần. Thực ra khoe không phải là xấu, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, điều đáng để khoe không phải là những gì mình kiếm được hay đạt được, mà là những gì mình đóng góp cho cộng đồng.Người có bằng thường cũng được cộng đồng vị nể và những hành xử của họ thường được xem là chuẩn mực để người khác noi theo. Thế cho nên cái tai hại mà sự ấu trĩ của họ gây ra là nó khiến cho những người xung quanh họ mất đi niềm tin vào những giá trị chuẩn mực. (Theo kiểu “Ôi trời, đến tiến sĩ mà còn hành xử như thế thì mình làm vậy cũng có gì đâu mà ngại!”). Có một nghịch lý là sự ấu trĩ của một người có thể gia tăng tỉ lệ thuận với số bằng cấp mà họ sở hữu, nhất là khi cái bằng đó không phải là kết quả của một quá trình học tập để “khai minh” bản thân mà chỉ là một vật trang sức để làm bản thân họ thêm lấp lánh. Bởi lẽ, cái bằng đó có thể khiến cho họ ngộ nhận rằng mình cũng hơn người hoặc cũng chẳng kém ai mà quên đi rằng vẫn còn quá nhiều điều cần phải học hỏi để nâng cao nhận thức và hiểu biết của mình. Những người có chữ  (hay còn gọi là “tinh hoa”) là một trường hợp đặc biệt. Bởi họ luôn được xem là “đôi mắt” hay “tầm nhìn” của xã hội, cho dù họ có thể không có quyền hay có tiền…. Là “tinh hoa”, “trí thức” nên tất nhiên họ sẽ không có những cái ấu trĩ bình thường của những người bình thường. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có “điểm mù”. Liệu họ có thực hiện được sứ mệnh định hướng, định hình xã hội trong lĩnh vực, ngành nghề của mình hay chưa? Liệu họ có bứt ra được những giới hạn của thời đại mình đang sống để có được một viễn kiến xa hơn, rộng hơn? Liệu họ có hướng được xã hội của mình đi vào một thời đại mới tốt đẹp hơn bằng chính tầm nhìn, trí tuệ đó của mình, hay vẫn chỉ loay hoay với những thị phi trong thời đại của mình? Không ít người dù ngậm ngùi nhưng cũng phải đồng tình với nhận xét (trong một bài viết của GS. Trần Hữu Dũng) rằng Việt Nam đang ở trong “thời vắng những nhà văn hóa lớn” khi mà những ngôi sao dẫn đường trên bầu trời tinh hoa ngày càng ít ỏi và le lói. Nói tóm lại, ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải căn bệnh ấu trĩ. Bởi như Einstein từng nói: “Có hai thứ được coi là vô tận: Vũ trụ và sự ngu dốt của con người”. Và ông còn nói thêm rằng: “Về phần vũ trụ thì tôi không chắc lắm, nhưng sự dốt nát của con người thì chắc chắn là như thế”. Như vậy, dốt nát chưa phải là bi kịch lớn nhất của con người, mà bi kịch lớn nhất của con người là “dốt mà không biết mình dốt”. Để không lún sâu vào cái dốt mênh mông ấy, mỗi người cần có một trách nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh” chính mình, phản tỉnh với những điểm mù (nếu có) của mình. Ngay cả với giới tinh hoa, nếu không liên tục “phản tỉnh chính mình” hay “phản tư chính mình” thì người hiểu biết sẽ dễ trở thành người ít hiểu biết hay người ấu trĩ trong một số vấn đề (kể cả những vấn đề thuộc chuyên môn hay sở trường của mình), và khi đó sẽ không chỉ khó thực hiện được tốt cái vai trò thức tỉnh xã hội vốn có của mình, mà còn có thể gây nguy hại cho xã hội.Tôi xin dùng một câu chuyện có tên là “Rời hang” (lấy cảm hứng từ “Dụ ngôn hang động” trong tác phẩm “Cộng hòa” của Platon) để kết lại việc lạm bàn về chủ đề “sự ấu trĩ”:  “Ngày xửa ngày xưa, xưa ơi là xưa, có một cái hang và có một cộng đồng lớn sống trong cái hang đó. Vì cái hang ấy vô cùng lớn với các ngóc ngách rất lắt léo và cộng đồng ấy đã sống ở đó qua nhiều thế hệ, nên lâu ngày họ mặc nhiên tin rằng cái hang ấy là cả thế giới và ánh sáng từ đống lửa trong hang là ánh sáng duy nhất mà họ có. Cho đến một ngày nọ, có một người bỗng vô tình lọt ra được ngoài hang. Ban đầu, anh ta cảm thấy đau đớn vì bị lóa mắt trước ánh mặt trời và cơ thể chưa thích ứng được với khí hậu và thời tiết của thế giới bên ngoài. Nhưng khi đã quen dần và cảm nhận được sự ấm áp của ánh mặt trời, sự sinh động huyền ảo của vạn vật, của cỏ cây hoa lá, anh ta nhận ra rằng đây mới thực sự là thế giới của “con người”. Anh ta quyết định quay trở về hang và ra sức thuyết phục, tìm cách đưa mọi người rời hang để về với thế giới. Thế nhưng, sau khi nghe anh ta kể câu chuyện ở thế giới bên ngoài hang, những người trong hang không những không tin, mà còn quyết định giết chết anh ta, vì cho rằng đó là những điều bịa đặt, và vì lo sợ rằng, những nỗ lực và việc làm của anh ta sẽ gây ra sự rối loạn, cũng như đe dọa cuộc sống êm ấm hạnh phúc bao đời của cộng đồng trong hang…”. Mỗi khi ngẫm nghĩ về câu chuyện này, tôi lại tự hỏi mình rằng: Mình đã “rời hang” chưa? Gia đình mình, tổ chức mình, cộng đồng mình… đã “rời hang” chưa? Nếu mình đã rời hang và ra với ánh sáng thì thật là tuyệt vời. Nhưng nếu vẫn còn ở trong hang và mình cũng biết rõ điều đó (và đang từng bước tìm cách rời hang) thì cũng không phải là điều tệ hại. Còn nếu mình đang ở trong hang mà lại cứ tưởng rằng đã rời hang rồi và ra với ánh sáng rồi thì thật là bất hạnh. Nhưng có một điều còn bất hạnh hơn vô vàn lần, đó là, mình đã thực sự rời hang rồi, nhưng không phải là “rời hang” để ra “ánh sáng”, mà là rời cái hang này để rồi lại chui vào một cái hang khác, to hơn, tăm tối hơn, nhưng mình lại không hề nhận ra điều đó…Và mỗi con người, ai cũng có thể có đến mấy “cái hang” (chứ không phải chỉ một). Gia đình mình, tổ chức của mình, xứ sở mình, và thậm chí cả thế giới này đều có thể là những cái hang. Nhưng, “cái hang” to nhất, tăm tối nhất chính là cái hang “vô minh và ấu trĩ” bên trong con người của mình. Nếu như hành trình khai minh bản thân, đưa bản thân “rời hang” đã khó, thì hành trình khai minh xã hội, dẫn dắt cộng đồng mình và cùng cộng đồng mình “rời hang” lại càng gian nan gấp bội phần. Đó là một hành trình đầy gian khó, rất dài lâu và nhiều hiểm nguy, nhưng là một hành trình tất yếu mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thấy rằng không thể không bước tiếp.


Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Nên trưng dụng đội tàu sắt rĩ của Vinashin để bảo vệ chủ quyền biển đảo

Theo các nguồn tin chính thức hiện đang có gần 100 con tàu vận tải có tải trong lớn và rất lớn của Việt Nam đang nằm bất động tại các cảng trong và ngoài nước làm phát sinh nhiều phí tổn về phí bảo trì, bảo hiểm, thuê bến đỗ v.v...Hầu hết các con tàu này đã không thể trả lương cho thủy thủ của mình trong nhiều tháng. Tình trạng này đã kéo dài từ  năm 2009 khi Vinashin đổ vỡ, đến nay bản thân những con tàu đó đang xuống cấp nghiêm trọng, muốn bán cũng khó có người  mua, bán được cũng không đủ để trả nợ.
Tàu đóng dở, người lao động lay lắt Ảnh: Thu Hằng
Một con tàu đang đóng bỏ dỡ của Vinashin

Tàu Cái Lân 4 bị bắt giữ tại Ấn Độ từ tháng 1/2012
Tàu Cái Lân 4 bị bắt giữ tại Ấn Độ từ tháng 1/2012



Tàu Vinashin Atlantic neo tại phao số 0, Vũng Tàu từ năm 2009 đến nay - Ảnh: Đ.HÀ
Tàu Vinashin Atlantic đang nằm không lại phao số 0 Vũng Tàu

Tàu Hoa Sen tiếp tục lận đận sau khi có chủ mới. Ảnh: Mỹ Giang
Tàu Hoa Sen nằm chơi dài bên Trung Quốc
Xem thêm về số phận các con tàu tại đây

Đó là sự thật đầy nghịch lý của  một trong những ngành công nghiệp "mũi nhọn" ra đời với  đường lối định hướng kinh tế duy ý chí của đất nước này. Hậu quả là sự sụp đổ không phương cứu chữa của Tập đoàn Vinashin, trong đó một đội tàu vận tải hùng hậu bổng chốc biến thành những đống sắt vụn "cha chung không ai khóc" trong khi những ông chủ thực thụ của chúng sau khi vơ đầy túi tham đã cao chạy xa bay hoặc vẫn yên vị như không có chuyện gì xảy ra cả.

Điều nghịch lý này diễn ra trong bối cảnh vùng biển đảo thuộc chủ quyền của tổ quốc bị bỏ trống để cho "tàu lạ"  tha hồ tung hoành thăm dò khai thác và đánh bắt thủy sản...Chúng còn ngày đêm lồng lộn săn đuổi, dọa nạt và cướp phá  những con thuyền bé nhỏ như những chiếc lá mỏng manh giữa biển khơi của dân chài Việt Nam nghèo khó . Không có tàu hải quân hộ vệ, cũng không có tàu mẹ, tàu con và cũng không có số đông tàu tuyền đủ mạnh để để hỗ trợ lẫn nhau trước sự áp đảo của đối phương, những con thuyền bé nhỏ này chỉ có một một kế duy nhất là lạn lách trốn chạy! (Xem ảnh dưới đây do chính THX chụp từ cabin của một tàu Ngư chính đang rượt đuổi tàu cá của dân chài VN đang hành nghề tại ngư trường truyền thống của mình tại vùng biển Hoàng Sa ngày 17/3/2013 )
















Rõ ràng thế trận bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc đang ở vào thế thất thủ thảm hại như hiện nay một phần rất lớn là do sự đầu tư lạc hướng của ngành hàng hải nước nhà. Miệng nói về tầm quan trong của kinh tế biển và kêu gọi ngư dân bám biển..., nhưng lại phó mặt cho người dân đối phó với mọi thủ đoạn bành trướng của đối phương thì có khác nào "bắt con bỏ chợ "?  Giá như chỉ cần  một nửa số của những con tàu đang hoang phế kia đã được đầu tư làm tàu đánh cá hoặc tàu kiểm ngư thì chắc rằng thế trận đã khác?. Vậy nên chăng, giờ đây cũng chưa phải là quá muộn để khắc phục sai lầm bằng việc biến cải những con tàu lãng phí của Vinashin thành tàu đánh cá hoặc tàu thu mua và chế biển thủy sản hoặc đơn giản chỉ là những con tàu hậu cần và hỗ trợ hoạt động ngư nghiệp trên các vùng biển xa. Thiết nghĩ bản thân sự có mặt của những con tàu trọng tải lớn có sức bám biển lâu ngày tại các vùng biển khơi cũng tạo nên những cột mốc chủ quyền cần thiết trước chiến dịch lấn chiếm thâm đọc và ráo riết của đối phương. Để làm việc này có lẽ nên giao trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ khủng hoảng Vinashin và đã từng cam kết "khắc phục sai lầm thiếu sót...", coi đó như một cơ hội để họ sửa chữa lỗi lầm vây! 

Trần Kinh Nghị


Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Tư liệu...+(4)

LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ

Người Việt ta từ ngàn năm xưa đã có chữ viết riêng. Chữ Việt cổ là loại chữ tượng thanh, ghép những chữ cái thành từ. Chữ Việt có  trước cả chữ Hán hàng ngàn năm và hoàn toàn khác chữ Hán. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Việt nam đã có những khám phá và còn tiếp tục truy tìm. Cùng với các nghiên cứu của nhiều nhà ngôn ngữ học Pháp, Anh, Mỹ, Tiệp và nhất là Trung Hoa (Lục Lưu, Hứa Thân, Trịnh Tiểu) đều khẳng định người Việt đã có chữ viết riêng từ trước kỷ Công nguyên (BC).

Bộ chữ này lưu lại trong nền văn hóa tiền Việt – Mường. Trên các mặt Trống Đồng và nhiều di vật cổ xưa khác đã được khai quật ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ và rải rác ở vùng cực bắc biên giới Việt Nam, đều có một dạng ký hiệu giống nhau, những hình con nòng nọc là những tự dạng, biểu tượng để ghi chép lại những âm thanh cấu thành từ ngữ. Đó chính là chữ Việt cổ, bộ chữ Việt cổ ấy dùng để ghi tiếng nói của người Việt từ ngàn xưa.
Trống đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp
Tổ tiên chúng ta đã từng phải sống qua một quá trình đô hộ lâu dài của Trung Hoa, với âm mưu hủy diệt nền văn hóa Việt Nam chúng đã bắt dân ta dùng chữ Hán để bức tử, tuyệt diệt với chữ Việt cổ, với mục đích đồng hoá dân tộc. Chữ viết tiếng Việt (bộ chữ Khoa đẩu) thời bấy giờ là đối tượng bị Trung Hoa hủy diệt trước nhất, bởi nó phản ánh tư tưởng, linh hồn, văn hóa của dân tộc Việt. 

Hịch khởi nghĩa của Hai Bà Trưng kêu gọi toàn dân đứng lên chống Tàu được viết bằng chữ Khoa đẩu, chữ Việt cổ.

Trong sách Hậu Hán thư (
後漢書), quyển 14 ghi: "Dân Giao Chỉ có linh vật là trống đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận.... " 

Sách này còn viết rằng: "Mã Viện sau khi dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng, đã tịch thu các trống đồng của các thủ lĩnh địa phương, một phần đem tặng, phần nấu chảy để đúc ngựa và đúc cột đồng Mã Viện."

Sử xưa cũng ghi lại rằng: " Sau khi nước Nam Việt của Triệu Đà bị người Hán xâm chiếm, văn hóa của Việt tộc bị chính sách đồng hoá. Nhâm Diên và  Sĩ Nhiếp đã bắt đốt hết sách Việt tộc, nhà nào cất giữ, lưu truyền thì bị giết hại. Các trống đồng Việt tộc bị Mã Viện tịch thu (năm 43), tiếp theo sau là cuộc cướp phá, tiêu hủy sách vở Việt tộc của nhà Minh đầu thế kỷ 15…"

Với chính sách tận diệt văn hóa Việt như trên, chữ “Khoa Đẩu” của người Việt cổ và có thể cả chữ “tượng hình” sơ khai của thời Văn Lang, Âu Lạc, sau một ngàn năm bị đô hộ, đã bị xoá sạch, vì thế không thể phổ biến được cũng là điều dễ hiểu.
Hịch khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, viết bằng chữ Khoa Đẩu.
Chữ Việt cổ trên thân Trống Đồng Lũng Cú.
Tuy nhiên, với chí khí bất khuất của người Việt, luôn khát vọng độc lập tự do, ông cha ta từ chữ Hán tượng hình đã chế tác ra thứ chữ Nôm để sử dụng, nhằm mục đích giữ gìn nền văn hoá Việt Nam cận đại và bản sắc văn hóa thuần túy dân tộc Việt.
Nhìn chung Việt Nam vào thời điểm lịch sử cổ, trung đại, vẫn chưa chính thức có trường lớp nào dạy nói và viết tiếng Việt. Người Việt chúng ta ngày xưa đa số được học (nói) tiếng Việt ngay từ lúc lọt lòng mẹ, trong sinh hoạt gia đình và thông qua những giao tiếp hàng ngày ngoài xã hội là chính. Ở giai đoạn này chữ viết vì chưa truyền bá phổ thông trong dân chúng nên các câu Ca Dao, Tục Ngữ,Thơ ngắn, dài (1)  nhờ có vần, có điệu, nên mau thuộc và dễ nhớ; là loại văn chương ca dao truyền khẩu được phổ biến rộng rãi trong nhân gian và ngày càng phong phú, súc tích. 
Trong quá trình xã hội phát triển, dân tộc Việt Nam ta đã tiếp xúc giao lưu với nhiều dân tộc khác. Trong tiếp xúc trao đổi thông tin với nhau, vấn đề học hỏi và hiểu rõ ngôn ngữ của nhau trở nên nhu cầu cần thiết.

Vào thế kỷ XV. Sứ thần Trung Quốc đã phải nhờ đến các cơ quan phiên dịch ở Trung Quốc như Hội thông quán, Tứ Di quán, Tứ Dịch quán làm nhiệm vụ phiên dịch mỗi khi giao tiếp với Việt Nam. Các cuốn từ vựng đối chiếu tiếng Hán với một số thứ tiếng khác được lần lượt biên soạn, trong đó có cuốn An Nam Dịch Ngữ (*) là cuốn từ điển dùng để đối chiếu tiếng chữ Hán với chữ tiếng Việt. 
(*) An Nam Dịch Ngữ là bản từ vựng dùng cho cơ quan hành chánh (nhà Minh) đặc trách giao dịch với Việt Nam từng phải triều cống. 

Giai đoạn năm 939, thời Vua Ngô Quyền lập quốc, các triều đại Vua Việt Nam đã mượn chữ Hán (chữ Nho) để sử dụng trong hành chánh, học thuật. Tuy nhiên, người Việt vẫn nói tiếng Việt, không công nhận chữ Hán (chữ Nho) là quốc ngữ. Tổ tiên ta  luôn tìm cách sáng tạo ra quốc ngữ riêng và đã dựa trên chữ Hán để chế ra chữ Nôm. Chữ Nôm được ghi nhận chính thức xuất hiện vào thế kỷ 13, khi quan Hình Bộ Thượng Thư: Nguyễn Thuyên, triều Trần Nhân Tông (1279-1293), làm bài văn “Tế cá sấu” (2) bằng chữ Nôm. Vào thời nầy, chữ Nôm được xem là Quốc ngữ bên cạnh chữ Nho, nên tập thơ chữ Nôm của Chu Văn An (1292–1370) được ông gọi là Tiều ẩn quốc ngữ thi tập (Tập thơ quốc ngữ). Đoạn Trường Tân Thanh (Kim Vân Kiều) của thi hào Nguyễn Du, là một trong những tiêu biểu hàng đầu những thành tựu đáng kể của chữ Nôm đã đóng góp cho nền văn hoá Việt Nam cận đại. 

Tuy nhiên, chữ Nôm vì được cấu tạo trên căn bản chữ Nho, nên khi muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Nho (chữ Hán).Vì vậy chữ Nôm khó học, không phổ thông trong dân chúng, và ít được sử dụng rộng rãi.
 Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kim Vân Kiều) của thi hào Nguyễn Du
(Sách cổ viết chữ Nôm)


 
Đến giai đoạn thế kỷ 16, năm 1533. Khi các nhà truyền giáo phương Tây đến Việt nam để truyền dạy ĐạoThiên Chúa, các giáo sĩ đã nghiên cứu, và soạn ra bộ chữ từ chữ La tinh để viết và cách phiên âm tiếng Việt, dùng cho việc giảng đạo bằng ngôn ngữ Việt . Từ bộ chữ này đã trở thành Chữ Quốc Ngữ. Đây cũng là giai đoạn khởi đầu quan trọng nhất, có tính chất quyết định đã giúp cho ngôn ngữ Việt, và nền Văn Hóa Việt Nam được phát  triển nhanh chóng.

Các giáo sĩ, tu sĩ Jesuit (Dòng Tên)   http://en.wikipedia.org/wiki/Jesuit Người Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, v.v. Sử dụng chữ cái La tinh để ghi chép, phiên âm Tiếng Việt. 

Năm 1618, linh mục Francisco De Pina cùng với linh mục Phêrô, đã dịch Kinh Lạy Cha và các Kinh căn bản khác sang tiếng Việt, có thể xem đây là khởi đầu cho việc soạn thảo chữ Quốc ngữ.  Các Linh mục tương đối hoàn tất hệ thống chuyển mẫu tự La-tinh thích hợp với cách giọng phát âm và thanh điệu tiếng Việt. Nhưng giai đoạn nầy chưa được đầy đủ.  
 Bản Kinh lạy Cha được viết tay năm 1632 nguyên bản như sau: 

Người có công hoàn thiện công trình này là Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Tác giả cuốn Từ điển Việt-Bồ-La , Ngữ pháp tiếng An Nam, và  “Bài giảng giáo lý Tám ngày” đầu tiên xuất bản vào năm 1651.  
Từ điển Việt-Bồ-La
Phép Giảng Giáo Lý Tám Ngày (trang đầu)
Hình bìa  “Sách Phép Giảng Giáo Lý Tám Ngày” 
 Link sách DOWN LOAD (Phép Giảng Giáo Lý Tám Ngày)
(Tài liệu lưu trữ  88.3 MB dạng (pdf)
https://www.dropbox.com/s/3eg88d2zf720bf2/PHEP%20GIANG%208%20NGAY%20%28TVST%29%20%20-%20%20Cathechismvs%20%20%20Alexandre%20de%20Rhodes.pdf
Ðây là sách giáo lý được biên soạn để giúp cho các cha truyền dậy giáo lý tại Việt nam. Cuốn sách được in bằng hai thứ tiếng: La tinh và Việt Nam.
Trên mỗi trang sách chia làm hai, có một gạch đôi từ trên xuống dưới: Bên tay trái của người đọc sách là chữ La tinh, bên tay phải là chữ Việt.
Ðể người đọc dễ dàng đối chiếu song ngữ. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes - Ðắc Lộ, đặt ở đầu mỗi ý tưởng chính mẫu tự abc... cho hai phần La, Việt, rồi chính giữa trang sách cũng đặt mẫu tự abc... cho hai phần La Việt song song. Cuốn sách gồm có 319 trang.
Sách  không chia ra từng chương, mà lại chia theo từng ngày học (Tám ngày), được trình bày in ấn có tính cách như một giáo trình sư phạm.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes 
Giáo sĩ Alexandre De Rhodes (Sinh năm1591 tại Avignon, Pháp; mất năm 1660 tại Ispahan, Ba Tư). Ngài đã sang Việt Nam truyền đạo trong vòng sáu năm (1624 -1630).
Ngài là người có công rất lớn trong việc hệ thống hoá chữ viết tiếng Việt. Nhờ đó mà chữ Quốc Ngữ được hình thành và trở thành hệ thống có quy tắc và khoa học, dễ viết, dễ phát âm, dễ học. 

Nhìn chung, sự hình thành Quốc ngữ không phải do công sức cá nhân của một giáo sĩ, mà là công sức tập thể của nhiều giáo sĩ thuộc nhiều nước khác nhau, nhiều thế hệ khác nhau, đã đến truyền đạo tại Việt Nam. Và trong đó còn có sự đóng góp trực tiếp nhưng âm thầm của rất nhiều giáo sĩ Việt Nam và đồng bào giáo dân lúc bấy giờ.

Chữ Quốc ngữ tuy ra đời từ thế kỉ 17 (1651) ở Việt Nam nhờ công lao tâm trí của các Tu sĩ  truyền giáo, nhưng bị giới hạn chỉ dùng để giúp các Cha giảng, truyền đạo. Vì lúc ấy triều đình phong kiến Việt Nam, đàng Trong lẫn đàng Ngoài với chính sách cấm đạo, và giết hại Giáo sĩ nên chữ Quốc ngữ đã không thể phát triển, truyền bá rộng rãi.
NGHE & Down load  (AUDIO BOOK THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM)

Quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ được hoàn chỉnh có thể chia làm 3 giai đoạn sau:
(Trích đoạn trong sách Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ - Nghiên cứu của linh mục Ðỗ Quang Chính, do nhà sách Ra Khơi xuất bản tại Sài gòn năm 1972).
Giai Ðoạn Sơ Khởi (1620-1626): 
Các nhà truyền giáo Âu Châu đã đến Hà Tiên và Thừa Thiên từ giữa thế kỷ 16. Nhưng mãi sang đến đầu thế kỷ 17 những hoạt động truyền giáo này mới được ghi lại khá đầy đủ. Khởi đầu, các nhà truyền giáo đã đến Hội An để giúp đỡ các giáo hữu người Nhật. Hội An (Hội Phố) thời ấy là một cảng buôn bán sầm uất, với những phố riêng cho người Nhật và người Hoa. 
Theo sách cũ, người Âu Châu đầu tiên thạo tiếng Việt là linh mục Francisco de Pina, người Bồ Ðào Nha (Portugal) (3) . Năm 1620, với sự công tác của người bản xứ, các tu sĩ Dòng Tên (Jésuite) tại Hội An đã soạn thảo một sách giáo lý bằng chữ Nôm. Từ năm 1621 trở đi, các nhà truyền giáo đã bắt đầu chuyển qua mẫu tự abc những địa danh, tên tộc, và từ-ngữ Việt trong những bản tường trình cho giáo hội về hoạt động của họ. 
Dựa vào những tài-liệu viết tay còn được lưu trữ, trong giai-đoạn sơ khai của chữ Quốc Ngữ, các chữ thường được viết liền và không có đánh dấu. Thí dụ: 
- Annam = An Nam 
- Unsai = Ông Sãi 
- Ungue = Ông Nghè 
- Bafu = Bà Phủ 
- doij = đói 
- scin mocaij = xin một cái 
- Sayc Chiu = Sách chữ 
- Tuijciam, Biet = Tôi chẳng biết 
Giai Ðoạn Hai (1631-1648)
Những tài-liệu viết tay trong giai-đoạn này, đặc biệt là của linh mục d’Amaral, cho thấy chiều hướng mới trong cách viết chữ Quốc Ngữ. Các chữ được viết cách ra và đã được bỏ dấu. Nhiều chữ được viết như ta hằng thấy ngày nay. Thí dụ như: 
· Nghệ An 
· Bố Chính 
Nhiều chữ nhìn tương tự nhưng có lối đánh vần và bỏ dấu hơi khác 
· Thính hoa: Thanh Hóa 
· oũ bà phủ: Ông bà Phủ 
· hụyen: huyện 
· sãy: sãi 
Ngoài những bản tường trình, giai đoạn này còn có ba tài-liệu quan-trọng khác. Một là biên-bản hội-nghị năm 1645 của 35 linh mục Dòng Tên tại Macao để xác nhận mô thức rửa tội bằng tiếng Việt Nam (4) . Hai là cuốn tự-điển Việt-Bồ-La của linh mục Gaspar d’Amaral (Diccionário anamita-português-latim). Ba là cuốn tự-điển Bồ-Việt (Diccionário português-anamita) của linh mục Antonio Barbosa (5) . 
Ðến năm 1972, biên bản cuộc hội nghị được lưu trữ tại Văn Khố Dòng Tên tại La Mã (6) . Còn hai cuốn tự-điển kia, lúc đầu được tàng trữ tại Văn Khố Dòng Tên tỉnh Nhật Bản tại Macao, đã mất tích sau các cuộc di chuyển của văn khố này từ Macao qua Manila (Phi Luật Tân), từ Manila qua Madrid (Tây Ban Nha). Sở dĩ chúng ta còn biết đến hai cuốn tự-điển này là vì chính Ðắc Lộ, trong lời tựa của cuốn tự-điển mà ông xuất-bản năm 1651, đã viết rõ là ông đã dùng hai cuốn tự-điển trên để soạn-thảo cuốn tự-điển của mình. 
Giai Ðoạn Ba (1649-1651):
Giai đoạn này được đánh dấu bằng sự thống nhất cách viết chữ Quốc Ngữ và việc ấn hành hai cuốn sách quốc ngữ đầu tiên của Ðắc Lộ (7) . Hai cuốn ấy là: 
· Dictionarivm annamiticvm, lvsitanvm, et latinvm, ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in lvcem editvm. Ab Alexandro de Rhodes è Societate Iesv, ejusdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico, Roma, 1651, in-4° 

· Cathechismvs pro iis, qui volunt suscipere Baptismvm, in Octo dies diuisus. Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chiụ phép rứa tọi, ma /beào (8) đạo thánh đức Chúa blời. Ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in lucem editus. Ab Alexandro de Rhodes è Societate Iesv, ejusdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico, Roma, 1651, in-4° . (Hết phần trích dẫn)
Toàn Quyền Đông Dương Martial Merlin (Bên phải hình)
Mãi cho đến ngày 18 tháng 9 năm 1924 (Giai đoạn Pháp thuộc), toàn quyền Đông Dương Martial Merlin (1923-1925) đã ký quyết định chính thức cho dạy chữ Quốc Ngữ ở ba năm đầu cấp tiểu học, được phổ biến rộng rãi toàn quốc. Sự ra đời và truyền bá chữ Quốc ngữ mọi nơi, trong các trường học, đã giúp cho người Việt Nam, dễ dàng học hỏi, nghiên cứu khi tiếp xúc với văn hoá phương Tây qua sách báo, nâng cao nhận thức, dân trí phát triển cao hơn và nhanh hơn so với các nước trong vùng. 

Cũng nhờ từ đấy, người Việt, tiếng Việt đã thật sự hoàn toàn thoát được ảnh hưởng chính sách Hán hóa của Trung Hoa đã đô hộ nước ta trong suốt gần 1000 năm.
Học sinh trường Công giáo tỉnh Nam Định
Tinh thần sĩ phu (Nho giáo) xưa, ít nhiều bị lệ thuộc chẳng những Nho giáo mà cả văn hóa Trung Hoa.  Việc bãi bỏ Nho học và thay đổi chữ viết từ chữ Nho (chữ Hán ) sang Quốc ngữ, đã giúp Việt Nam chấm dứt vĩnh viễn giai đoạn lệ thuộc chữ Hán và văn hóa Trung Hoa.
Vì đắm chìm lâu đời trong văn hóa Trung Hoa, nên có người lầm tưởng rằng văn hóa Trung Hoa là văn hóa dân tộc, và những anh hùng, liệt nữ Trung Hoa là khuôn vàng thước ngọc cho văn hóa Việt, lịch sử Việt. Các tác giả chữ Nho xưa thường dùng điển tích về những vua quan, anh hùng, thần thánh, phong tục, tập quán của Trung Hoa để làm mẫu mực cho người Việt. 
Nhưng từ khi có chữ Quốc ngữ, dân tộc Việt Nam thoát ra khỏi văn hóa Trung Hoa, nhiều người mới có cơ hội tìm thấy lại cội nguồn, trở lại bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ đấy,  nền văn hóa dân tộc càng ngày càng được đề cao trong nền văn học Quốc ngữ, trong Sử sách giáo khoa: Hai Bà Trưng, Triệu Nữ Vương, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Quang Trung mới là những anh hùng đích thực, những tấm gương sáng trong lịch sử của người Việt Nam. 
Trường dạy Quốc Ngữ đầu tiên ở Việt Nam
Trường Trung học Adran (Collège d'Adran) (3) Là trường dạy Quốc Ngữ đầu tiên ở Việt Nam được các linh mục mở ở Sài gòn từ năm 1861 - 1887.

Trường ADRAN Sài Gòn, đến năm 1954 được chia thành 2 Trường Trung Học : Trung học Võ Trường Toản và Trung học Trưng Vương.
Hình một lớp học trong buổi thực nghiệm ngoài trời.
Chấm dứt  thời kỳ của nền giáo dục chữ Hán, chữ Nôm: Lối học từ chương.


Một lớp học trong giờ Địa lý.
Hình Thầy đồ và các học sinh ngày xưa.
 Quang cảnh trường thi Nam Định khoa thi năm Nhâm Tý (1912)
Giấy Khai Sinh năm 1938 còn sử dụng 4 ngôn ngữ (Hán, Nôm, Quốc ngữ và Pháp)
Gia Định Báo in chữ Quốc ngữ lần đầu tiên phát hành tại Sài Gòn, ngày 15/4/1865.
Trương Vĩnh Ký - Pétrus Ký (1837-1898) 
Khi nói đến chữ Quốc ngữ, và Báo Chí Việt Nam thì cũng không thể quên công lao của Ông Trương Vĩnh Ký, ông là người đầu tiên sáng lập,khai sinh nền Báo Chí Quốc ngữ của Việt Nam, ông là Tổng biên tập tờ Gia Định Báo in chữ Quốc ngữ đầu tiên:  
Ông Pétrus - Trương Vĩnh Ký đã viết một bài khuyến khích việc học chữ Quốc ngữ, trong đó có đoạn như sau:
“…Thầy Ký dạy học có làm sách mẹo (văn phạm) dạy tiếng Lang Sa (Pháp), có làm ra chữ Quốc ngữ (sic) để người ta dễ học. Những người ký lục (thư ký) giỏi cùng siêng năng sẽ lo mà học chữ quốc ngữ vì có hai mươi bốn chữ và viết đặng muôn ngàn chuyện, chữ chi mắc rẻ (khó dễ) cũng viết đặng, không phải như chữ Tàu học già đời mà còn có chữ lạ viết không ra, ở đây có Phủ Tường (Tôn Thọ Tường) đã học đặng chữ Quốc ngữ, viết đặng, đọc đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết…”
Ông Trương Vĩnh Ký là một nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục, và chuyên khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam.Với tri thức uyên bác, am tường và nhiều cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực văn hóa cổ kim Đông Tây, nên ông được:
- Tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp.
- Được nêu tên trong Bách khoa Tự điển Larousse  http://www.larousse.fr/archives/pages/recherche.aspx?keyword=Truong%20Vinh%20Ky,
- Đứng vào vị trí " Toàn Cầu Bác Học Thập Bát Quân Tử"  tức là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới trong thế kỷ 19.
- Đứng vào hàng những người biết nhiều ngoại ngữ bậc nhất trên thế giới, ông viết và đọc thông thạo 27 ngoại ngữ, một nhà thông thái biết nhiều thứ tiếng nhất ở Việt Nam... (4) 
Ông đã để lại cho kho tàng Văn học Việt Nam hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật...
Tượng đài lịch sử, vinh danh ông Trương Vĩnh Ký cạnh Nhà Thờ Đức Bà trước 1975.

 Mãi đến thời gian gần đây, phần tượng lịch sử còn lại của ông được đem ra triển lãm "mỹ thuật" trong Bảo Tàng Mỹ Thuật Tp HCM. 

Các nhà khoa bảng, trí thức, cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, kết hợp với nhiều nhà trí thức cấp tiến thời đó, khởi xướng ra các phong trào Duy Tân, Đông Du nhằm vận động cải cách văn hóa, chính trị trên toàn quốc, kêu gọi bãi bỏ Nho (Hán) học, kêu gọi việc học Quốc ngữ để nâng cao dân trí, với lý do đơn giản: Quốc ngữ dễ học, dễ viết, dễ phổ cập hơn chữ Nho (Hán). Các ông đã vận động mở trường dạy quốc ngữ khắp nước, rầm rộ nhất là ở Quảng Nam (1905), Bình Thuận (Trường Dục Thanh, 1907) và Hà Nội (Đông Kinh Nghĩa Thục,1907). Trong một bài thơ khuyến khích việc học quốc ngữ của Đông Kinh Nghĩa Thục, có đoạn viết:
“… Chữ quốc ngữ là hồn trong nước, Phải đem ra tỉnh trước dân ta, Sách các nước, sách Chi-na, Chữ nào nghĩa ấy, dịch ra cho tường…”
Các sĩ phu của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
 
Khi phong trào Duy Tân, và Đông Kinh Nghĩa Thục ngày càng lớn mạnh, khiến cầm quyền thuộc địa Pháp lo ngại tinh thần yêu nước và chống thực dân Pháp của đồng bào Việt Nam. Việt Nam Vong Quốc Sử của nhà ái quốc Phan Bội Châu xuất hiện lúc bấy giờ là một trong những tiếng chuông thức tỉnh tinh thần dân tộc. Làn sóng yêu nước nổi lên khắp nơi, làm thực dân Pháp phải lo sợ, nên đã ngưng trợ cấp và đóng cửa một số trường.
Bài mở đầu sách Việt Nam vong quốc sử, Phan Bội Châu.
(Không có gì đau bằng người mất nước, cũng không có gì đau bằng người bị mất nước mà bàn việc nước! Tôi muốn viết đoạn sử mất nước này, nhưng đã bao phen lệ cạn huyết khô, mà cơ hồ không viết nổi chữ nào...)

Chữ Quốc ngữ trong giai đoạn này vẫn ngày càng phổ biến, đã giúp dân chúng dễ dàng học, hiểu biết những sơ đẳng cần thiết trong đời sống, theo dõi sát các tin tức thời sự, các chuyển biến thời cuộc chính trị trong nước và thế giới qua sách báo, truyền đơn.Từ năm 1925 nhiều đảng phái chống Pháp được thành lập, truyền đơn, lời kêu gọi, sáng tác thơ văn yêu nước… đều viết bằng chữ Quốc ngữ. 
Nền văn học Việt Nam vào năm 1933 chuyển biến mạnh, xuất hiện một thể loại Văn mới, là Văn xuôi viết bằng chữ Quốc ngữ do ông Nguyễn Tường Tam, bút hiệu Nhất Linh và nhóm văn sĩ thành lập lấy tên: Tự Lực Văn Đoàn, với 10 năm sáng tác và hoạt động báo chí, khai sinh nên dòng văn học lãng mạn Việt Nam. Nổi trôi trong những diễn biến lịch sử bất lợi, khó khăn của thời cuộc đất nước lúc bấy giờ, nhưng nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã cống hiến nhiều vào sự phát triển Văn Học của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Toàn bộ những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn vẫn được lưu truyền tự do và được đưa vào trong giáo trình giảng dạy Văn học tại các trường Trung học miền Nam sau 1954 mãi cho tới 1975.

 Lớp học Mẫu giáo trong giờ Tập Viết, giáo dục miền Nam trước 1975 
Trước năm 1975, ở miền Nam hầu như không có tranh cãi gì nhiều về tiếng Việt, chữ Việt, ngoại trừ một vài tranh cãi nhỏ về chữ I và Y , Lí do hay Lý do, quý vị hay quí vị …) hoặc có G hay không có G (sáng lạng hay xán lạn). Học sinh miền Nam khi học lên đến lớp 5 (Tiểu học), lớp 6 (Trung học) mà còn viết sai lỗi chính tả là một điều không thể chấp nhận được. 


Nhành Dẻ (Hình trích từ Sách Giáo Khoa)
(Cấm Lái Xe ......Cài Quai)
Đèn Đỏ Được Đi Thẳng  !!! ???
 (XE THÔ SƠ)    
(... NẤU BÁNH CHƯNG , GIÃ BÁNH DÀY )

(Làng Văn Hóa Xóm ... ! ! )
(Thường Xẩy ra tai nạn)
(Xử Lý...)

(LÃNG PHÍ)
(BÁN HÀNG RONG...)
(Thích Quảng Đức)

(Nóng Lòng chờ hỗ trợ)
(Sông Sâu Chớ Lội)
(Tấm Gương...)

Tóm lại, ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) là phương cách để con người giao tiếp, thông tin với nhau, hoặc diễn đạt tư tưởng của mình cho người khác biết. Ngôn ngữ cũng là một phần của văn hoá, là linh hồn của một dân tộc. Trải qua thời gian và không gian, ngôn ngữ không ít, nhiều đã phải thay đổi để cho phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh và đà tiến hoá của xã hội. 

Việc thay đổi chữ cũ vì thô tục, vì thiếu nghĩa, vì không trong sáng, tạo lập thêm chữ mới để thay thế những chữ cũ không còn hợp thời hay không có, là một việc nên làm và còn là một trách nhiệm để làm phong phú cho chữ Quốc ngữ. 
 (1) - Ca Dao: Câu hát ngắn thành khúc điệu được phổ thông trong dân gian 
- Tục Ngữ: Câu nói có tính cách răn dạy hay châm biếm chuyện đời 
- Châm Ngôn: Lời văn có vần điệu để khuyên đời 
- Cách Ngôn: Lời nói làm khuôn phép (cách kiểu mẫu, khuôn mẫu) 
- Ngạn Ngữ: Câu nói ngắn gọn của dân gian với mục đích răn dạy 
- Phong Dao: Lời ca câu hát dân gian, diễn tả phong tục tập quán các địa phương.
- Phương Ngôn: Lời nói thông dụng của từng địa phương có ý nghĩa như câu tục ngữ 
- Thành Ngữ: Những câu nói ngắn gọn, dùng khi nói hay viết đã được trau chuốt.
- Dân Ca: Những bài ca phát âm tiếng địa phương dân tộc, dễ hiểu và tâm tình dân tộc
(2) Văn “Tế cá sấu”
Ngặc ngư kia hỡi mày có hay
Biển Đông rộng rãi là nơi này
Phú Lương đây thuộc về thánh vực
Lạc lối đâu mà lại đến đây
Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa
Dân quen chài lưới chẳng tay vừa
Đời Hùng vẽ mình vua từng dạy
Xuống nước giao long cũng phải chừa
Thánh thần nối dõi bản triều nay
Dấy từ Hải Ấp ngôi trời thay
Võ công lừng lẫy bốn phương tịnh
Biển lặng sông trong mới có rày
Hùm thiêng xa dấu dân cày cấy
Nhân vật đều yên đâu ở đấy
Ta vâng đế mạng bảo cho mày
Hãy vào biển Đông mà vùng vẫy.
(3) Adran: Là Tước Hiệu của Phu tá Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc)
(4) Petrus - Trương Vĩnh Ký :
Ông đã được nhận các chức vụ và huân huy chương:
Huy chương Dũng sĩ cứu thế của Tòa thánh La Mã ngày 1 tháng 10 năm 1863.
Năm 1871, được cử làm hội viên Hội Nhân Văn và Khoa học vùng Tây Nam nước Pháp, Hội nhân chủng học, Hội Giáo dục Á châu.
Huy chương Isabelle la Catholique của Tây Ban Nha ngày 27 tháng 6 năm 1886.
Thành viên Hội chuyên khảo về Văn hóa Á Châu ngày 15 tháng 2 năm 1876.
Hội viên Hội chuyên học địa dư ở Paris ngày 7 tháng 7 năm 1878.
Huy chương Hàn Lâm Viện đệ nhị đẳng của Pháp ngày 17 tháng 5 năm 1883.
Huy chương Tứ đẳng Long Tinh, Ngọc Khánh, Long Khánh của Nam triều ngày 17 tháng 5 năm 1886.
Huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh đệ ngũ đẳng của Pháp ngày 4 tháng 8 năm 1886.
Huy chương Hàn Lâm Viện đệ nhất đẳng của Pháp ngày 3 tháng 6 năm 1887
Hàn Lâm Viện đệ nhất đẳng của Hoàng gia Cam Bốt.
Vua Đồng Khánh ban cho ông chức Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ.
Vua Khải Định ban hàm Lễ Bộ Tham Tri.
Vua Bảo Đại ban hàm Lễ Bộ Thượng Thư.

Tìm kiếm Blog này