Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

TQ không phải "thế lực thù địch" thì là ai đây?


Như tin tức đã loan báo, từ ngày 16-18/10 Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dẫn đầu đoàn quân sự cấp cao gồm 13 tướng lĩnh sang thăm chính thức TQ. Trả lời báo chí bên lề phiên khai mạc kỳ họp QH sáng nay Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết mục đích chuyến đi là nhằm "tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa quân đội của hai nước cũng như Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước". Giải đáp mối lo ngại của nhiều chuyên gia trước việc TQ xây dựng căn cứ quân sự và đe dọa an ninh hàng hải trong khu vực, Bộ trưởng cho rằng "đó là lo ngại của các nhà nghiên cứu", nhưng theo ông "điều quan trọng nhất là hai bên đã thỏa thuận phải hợp tác theo tinh thần hữu nghị của lãnh đạo 2 Đảng, Nhà nước, giữ gìn môi trường ổn định, hòa bình và kiểm soát hoạt động của lực lượng vũ trang của hai nước trên biển, không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và để xảy ra xung đột vũ trang ở trên biển". Khi có người hỏi phía họ có hứa gì không, ông Thanh nói "Hứa thì không hứa, nhưng nói chung là...". 

Bất cứ ai theo dõi tình hình quan hệ Việt-Trung đều cảm nhận chuyến đi nặng về hình thức hơn là thực chất. Đã nhiều lần hai đảng, nhà nước, quân đội hai nước thỏa thuận như vậy rồi, nhưng đều bị phá vỡ do tham vọng độc chiếm Biển Đông của TQ.  Thôi thì, dù sao cũng có thể hiểu được chuyến đi theo tinh thần truyền thống mềm dẻo, khôn khéo của dân tộc Việt Nam ngàn đời nay vẫn thế. Tuy nhiên, về thực chất chuyến đi cho thấy bước thụt lùi cơ bản về thế và lực của VN trước đối phương.

Một là, trong nội dung làm việc, phía VN đưa ra một số đề nghị không quan trọng mang tính chất đơn phương theo kiểu "xin cho" như mở lại cửa khẩu du lịch, thực hiện nhân đạo với ngư dân, v.v... nhưng không phản đối việc TQ mở rộng sân bay quân sự tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đồng thời ráo riết đẩy nhanh tiến độ nhằm biến các đảo và bãi ngầm họ vừa chiếm được tại quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự. Trong bối cảnh này thì lời đề nghị "giữ nguyên hiện trạng" trên biển đồng nghĩa với sự khuất phục của Hà Nội đối với Bắc Kinh.       

Hai là, việc người đứng đầu quân đội VN kêu gọi hai bên (VN và TQ) không để các thế lực thù địch lợi dụng tình hình Biển Đông... đã phát đi một thông điệp nhầm lẫn nguy hiểm. Cụm từ "thế lực thù địch" nếu nói trong nước hoặc tại một diễn đàn quốc tế ai muốn hiểu sao cũng được, nhưng với Bắc Kinh mà nói vậy thì chỉ có cách hiểu Mỹ hoặc nước a, b, c nào đó là thù địch, còn TQ không phải là thù địch. Nó cho thấy não trạng mơ hồ về địch/ta giống hệt câu chuyện truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy của ngàn năm trước. Điều nguy hiểm là, từ nay quân và dân ta không biết chĩa súng vào đâu để bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

Thật đáng buồn thay cho dân tộc vừa mất 1/2 thế  kỷ liên tục hy sinh phấn đấu vì độc lập và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà nay vẫn chưa ra khỏi vòng u mê của thời truyền thuyết. Buồn cho đất nước mãi luẩn quẩn trong vòng kim cô "ý thức hệ". Những tưởng bài học từ vụ Giàn khoan 981 đã là bài học cuối cùng để chú gà con tránh xa cái hang ổ của con cáo già. Nhưng rốt cuộc đó cũng chỉ là một bài học nữa trong chuỗi bài học mà Đặng Tiểu Bình muốn dạy Việt Nam mà thôi./.      

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Nên ngừng dự án phát triển chờ chống tham nhũng?


Ở VN ngày nay bất cứ một dự án nào cũng là "chùm khế ngọt" và căn bệnh "thích dự án" đã trở thành kinh niên gắn liền với tệ nạn tham nhũng ở mọi cấp độ trên quy mô cả nước. Có lẽ đó là nguyên nhân tại sao mức chi phí của các dự án VN bao giờ cũng cao gấp nhiều lần so với thế giới. Đó là chưa kể các khoản chi "phát sinh" vì những lý do không rõ ràng. Các khoản chi để "sửa chữa khắc phục" trong thời kỳ hậu dự án cũng rất lớn. Với tất cả các loại chi phí chồng lấn lên nhau như vậy thường rất khó xác định tổng chi phí thực sự của một dự án. 


Tuy nhiên ta có thể làm một vài so sánh đơn giản với những thông tin và số liệu sẵn có trên mạng internet để thấy sự thất thoát ngân sách ở VN kinh khủng đến mức nào. Vẫn biết mọi so sánh đều có sự khập khiễng nhất định, nhưng không so sánh thì không thấy sự chênh nhau vô lý giữa VN và thế giới. Dưới đây là một vài ví dụ.
Đường Ô Chợ đừa (Hà Nội) dài 547m với tổng mức đầu tư hơn 642 tỉ đồng (trung bình hơn 1,1 tỉ đồng mỗi mét, vị chi hơn 50 triệu đô/km, và được mệnh danh là "đường đắt nhất hành tinh". 
Đường Láng-Hoà Lạc dài 30 km, 6 làn xe chi phí tương đương 410 triệu đô la, tính ra chi phí 13,7 triệu đô la cho 1km. 
Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai dài 245, 4 làn xe, có nơi chỉ có 2 làn xe, chi phí hết 1,47 tỷ đô la, vị chi 6 triệu đô la cho 1km.



Một đoạn mặt đường rạn nứt của Cao Tốc Hà Nội-Lào Cai sau 2 tháng khánh thành


Trong khi đó, theo Cục giao thông và đường bộ Road& Transport Authority of Dubai RTA, con đường tránh đi vào thành phố Dubai (bypass) dài 70 km khánh thành năm 2012 với 12 làn xe tổng chi phí xây dựng hết 1 tỷ dirham= 278 triệu đô la. Như vậy tính ra chi phí xây dựng 1km đường cao tốc 12 làn xe của họ chỉ hết 3,97 triệu đô la thôi (*) 

Dự án sân bay Long Thành được khái toán 18 tỉ USD. Tuy mới chỉ là khái toán nhưng cho thấy đã quá cao so với quốc tế, cụ thể như: 
Sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ: 5,6 tỉ USD rộng 77 triệu mét vuông, tức gần 20.000 ha, lớn gấp 4 lần dự án sân bay Long Thành, có khả năng đón 150 triệu lượt hành khách mỗi năm được kỳ vọng sẽ là "sân bay lớn nhất thế giới". 
Sân bay Quốc tế Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ: đã xây xong và đưa vào hoạt động từ năm 1995, tổng chi phí đầu tư là 4,8 tỉ USD (tương đương 7,45 tỉ USD ở thời điểm hiện nay). Sân bay này rộng 54 dặm vuông, tương đương 140 km vuông (gần 35.000 ha), lớn hơn 7 lần so với dự án sân bay Long Thành. Lượng khách đón hàng năm: 52,5 triệu.

tổng chi phí 33 tỷ USD , diện tích 220 km vuông, tương đương 55.000 ha, lớn gấp 101 lần dự án sân bay Long Thành (5.000 ha) và lớn gấp 65 lần sân bay Tân Sơn Nhất (8.500 ha) có khả năng đón 160 triệu lượt hành khách và 12 triệu tấn hàng hóa hàng năm, nhưng tổng chi phí chỉ bằng 1,8 lần khái toán của sân bay Long Thành. bay Long Thành (**)

Đó là chưa nói tình trạng chất lượng của hầu hết các công trình của VN bao giờ cũng xuống cấp nhanh, mới khánh thành đã phải xử lý "sự cố kỹ thuật". Dễ nhận thấy nhất là các dự án xây đường cao tốc, sân bay, bến cảng và các công trình công cộng lớn nhỏ. Hầu hết các tuyến đường cao tốc ở VN đều bị tình trạng sụt lún ngay sau khi khánh thành; mặt đường thì mấp mô, hành lang an toàn sơ sài nên tốc độ chạy xe không thể đạt chuẩn cao tốc.
Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao chi phí cho các dự án ở VN quá cao so với thế giới mà chất lượng quá tồi? Câu trả lời chung nhất mà giới chức VN thường viện dẫn là "giá đền bù giải phóng mặt bằng", nhưng họ không nêu rõ lý do tại sao chi phí giải phóng mặt bằng cao như vậy. Thực ra sự "bí ẩn" này nằm ở khâu "cơ chế tham nhũng" thường rất tinh vi, có tổ chức hoặc được bảo kê của các cá nhân hoặc cơ quan nhà nước đầy quyền lực. Sự phản ứng của người dân trong các vùng có dự án cho thấy điều này.

"Kết quả" của phong trào dự án nhìn thấy được qua là sự biến đổi nhanh chóng trong bức tranh quang cảnh vùng ngoại vi Hà Nội, Sài Gòn và một vài tỉnh thành. Nhưng đi kèm với chúng là sự tàn phá khủng khiếp đối với đất trồng lúa (điển hình là dự án Ecopark ngay cửa cửa ngõ của Thủ đô); môi trường sinh thái bị tàn phá đồng thời dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội không thể kể hết ra đây. Nếu xét về mục đích của đầu tư là để phát triển thì có thể nói VN đã và đang làm điều ngược lại, nguy hiểm nhất là biến đất nước thành một con nợ đầy rủi ro.

Vậy nên chăng đã đến lúc phải tạm ngừng cái gọi là "dự án phát triển" để chờ cải cách hành chính và giải quyết vấn nạn tham nhũng, nếu không muốn vỡ nợ ?


Ghi chú:(*) Thông tin do một cựu đại sứ VN tại Trung Đông cung cấp.
(**) Thông tin trên trang Anh basam tập họp từ các nguồn chính thức.

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Vì sao "Sống cùng lịch sử" chết ỉu

Cuốn film nhựa "Sống cùng lịch sử" trị giá 21 tỷ đồng do Nhà nước đầu tư vừa ra lò nóng hổi đã bị ế đến mức phải rao chiếu miễn phí trên toàn quốc, nhưng số người đi xem vẫn thưa thớt. Dư luận công chúng, báo giới và cả giới bình luận chuyên nghiệp đều chê cuốn film cả về nghệ thuật lẫn nội dung. Một số ý kiến đổ lỗi cho cơ quan quản lý và cá nhân những người làm film. Có ý kiến cho rằng có nhiều điều không đúng sự thật lịch sử...trong khi ý kiến khác chê trình độ kỹ thuật, kỹ xảo v.v...Cũng cố ý kiến cho rằng có tiêu cực tham nhũng trong quá trình làm film. Hình như thói đời vẫn thế- hễ dậu đổ là bìm leo- đâu đó thấy khá nhiều ý kiến chê film dỡ quá, thậm chí nhiều người chưa xem phim cũng chê! Đã thế thì tẩy chay cho bỏ tức! 
Nhìn chung ý kiến khá phức tạp và trái ngược nhau mặc dù xem ra ý kiến nào cũng có lý cả. Có một điều đáng suy nghĩ là, bất chấp doanh thu thấp và sự phê phán của công luận, những người trong giới quản lý ngành điện ảnh (và cả bản thân đạo diễn cuốn film thì phải?) lại đánh giá "Đã hoàn thành nhiệm vụ...theo chỉ đao". Điều này có nghĩa họ coi trọng việc hoàn thành nhiệm vụ được giao phó hơn là doanh thu! Với tất cả những gì đã và đang diễn ra có thể thấy số phận cuốn film vốn đã hẫm hiêu chắc sẽ nhanh chóng đi vào lịch sử, chứ khó có thể sống cùng lịch sử!

Với tâm trạng băn khoăn, người viết bài này đã quyết định đến Trung tâm chiếu bóng quốc gia (Hà Nội) để mục sở thị xem thực hư thế nào. Và khi chưa xem thì không dám phát biểu, nhưng xem rồi thì thấy không thể không nói đôi điều.


Trước hết phải nói cuốn film không tồi, cả ở góc độ nghệ thuật lẫn nội dung. Kỹ thuật quay, hình ảnh, âm thanh, tốc độ, kỹ năng, kỹ xảo,v.v...  đều bắt kịp thời đại. Nội dung cũng khá ổn, không có gì đến mức phải nói là "không đúng sự thật" như một số người nhận xét. Dàn diễn viên có cả người ta và người tây đều trẻ đẹp. Có thể nói đạo diễn đã có sự sáng tạo và mạnh bạo trong việc thay đổi cách làm đối với loại film chính trị thường đòi hỏi sự nghiêm túc, cứng nhắc lâu nay. Ý tưởng lồng ghép một chủ đề lịch sử tưởng nhàm chán với một hoạt động "thời thượng" của giới trẻ VN hiện nay là đi phượt có lẽ nên được đánh giá cao, ít nhất là trong trường hợp cụ thể của film này. 
Một cảnh trong film Sống cùng lịch sử
Vậy tại sao không có người xem? Tất nhiên có một số nguyên nhân khác nhau, trong đó có quan niệm lệch lạc về khâu tuyên truyền hậu mãi.  Nhưng có lẽ nguyên nhân chính thuộc về phía khán giả, trước hết là tâm lý muốn "quên" quá khứ một thời CM. Nói vậy nghe có vẻ võ đoán, vơ đũa cả nắm..., nhưng đó là sự thật nếu chịu nhìn thẳng vào nguyên nhân sâu xa của nó là tình trạng mất lòng tin vào giới lãnh đạo đất nước hiện nay. Khi người dân đã nghe nói quá nhiều về cách mạng nhưng thấy nhiều cán bộ bây giờ toàn làm ngược lại...thành ra họ nghĩ các ổng (ông í) toàn tuyên truyền! Dần dà người ta trở nên dị ứng với những từ ngữ "cách mạng", "lịch sử"...là điều khó tránh khỏi. Thế hệ già còn bị tác động, huống chi thế hệ trẻ? Người Việt lại có thói xấu hay theo đuôi nhau!

Sẽ suy nghĩ thêm. Nhưng cảm nhận khá mạnh mẽ sau buổi xem film là như vậy.

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Lãnh tụ hoàn hảo

Thấm thoát mà đã 5 năm trôi qua, chỉ còn một năm nữa là đến Đại hội Đảng lần thứ XII, dù muốn hay không cũng sẽ phải nói lời chia tay với vị lãnh tụ tối cao của đất nước. Và có lẽ đây là thời điểm chín mùi để điểm lại thành tích của vị lãnh tụ. Dưới đây là vài suy nghĩ cá nhân.


Người ta nói "Nhân vô thập toàn", nhưng có lẽ bác Tổng nhà mình là trường hợp "thập thập toàn", bởi những lý do sau đây.

Trên mặt trận đối ngoại, bác í đã từng là nhà lý luận Mác xít Việt Nam đầu tiên (và có thể là cuối cùng) sang tận bên kia bán cầu để thuyết giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là một sự kiện trọng đại vì nó diễn ra giữa lúc thoái trào của phong trào cộng sản quốc tế và sự thất bại của mô hình XHCN. Chỉ có điều đáng tiếc là, do "sai sót của lễ tân" khi lãnh đạo một nước chủ nhà "bận" vào giờ chót nên bác Tổng phải cắt bớt chương trình giảng bài. Nhưng nhìn chung kết quả theo bác í nghĩ là vẫn rất tốt đẹp và mĩ mãn đầy ý nghĩa, và tiếng vang sẽ còn mãi.

Với chính trường Châu Âu bác í cũng đâu có xa lạ gì. Bác thừa biết lâu nay người châu Âu họ cứ tự mãn là văn minh phát triển... nhưng khi bác hạ cố đến thăm nơi nào cũng đều được đón tiếp trọng thị và đánh giá rất cao! Đặc biệt bác đã đóng vai trò nhà lãnh đạo Đảng cộng sản đầu tiên của VN thăm chính thức Tòa thánh Vatican vốn là một đối tác được coi là nhạy cảm khó chơi.
Châu Á rộng lớn đông dân thế nhưng gần nhà nên đối với bác chỉ là sân sau quen thuộc, muốn đi đâu là đi thôi. Chỉ hiềm một nỗi cái quyền để vào ra đất nước anh em có cùng ý thức hệ Trung Hoa thì hơi bị khó. Dạo tháng 5-7 vừa rồi khi nước đàn anh đột ngột mang giàn khoan Haiyang 981 cắm vào lãnh hải đồng thời cho tàu chiến máy bay đe nẹt quân dân của nước đàn em khiến bác dù bản tính rất ôn hòa cũng trở nên hơi bực mình chút xíu. Không kiềm nén được nỗi bức xúc, bác đã sai người điện đàm có đến vài chục lần yêu cầu được sang bển để nói lời phải quấy... nhưng không được họ cấp visa. Tức lộn ruột nhưng bác không làm gì được đành phải chờ bên đó cử người sang vậy! Rồi điều gì đến đã đến, một cấp thấp hơn bác nhiều đã được cử sang Hà Nội với thái độ trịch thượng vốn có. Không biết hắn ta giở bài gì mà thấy bác í cười rõ tươi, và mọi chuyện lại trở về thế êm xuôi như cũ. 
Sau cơn bĩ cực đó, mới đây bác đã quyết định đi thăm chính thức Hàn Quốc (dù sao cũng họ Quốc) để thể hiện bản lĩnh đại trượng phu của mình. Tại đó bác đã hạ bút ký kết hàng loạt văn kiện hợp tác kinh tế mà bác biết chắc mình không trực tiếp thực hiện và cũng sẽ không còn bao nhiêu thời gian để theo dõi đốc thúc thực hiện. Đó cũng là do cái cơ chế của đất nước này nó thế: Có đến 4 lãnh đạo cấp "nguyên thủ quốc gia" (Head of State) và vị nào cũng ký được mọi văn kiện, còn việc thực hiện thì tùy. Nếu thực hiện tốt thì là công của người ký, không tốt thì trách nhiệm là của chung !
Trên mặt trận đối nội, từ khi lên nhậm chức năm 2011 bác đã một tay phát động chiến dịch chống tham nhũng đầy tham vọng với tinh thần đầy quyết tâm, quyết liệt. Chỉ có một điều không may là bác đã gặp sự chống trả chưa lường trước được từ các nhóm lợi ích ở tầm cấp cao khi bọn họ nhận ra nguy cơ bị tước mất những món mồi béo bở đang ăn dở. Sự kiện này khiến bác vô cùng đau xót đến rơi lệ (Xem clip http://www.youtube.com/watch?v=b2p-1P6UwgE
Nhưng rồi bác vẫn gạt nước mắt để đi tiếp con đường đã lựa chọn một cách chín chắn thận trọng hơn. Ngoài quận Ba Đình quen thuộc, bác đã dành thời giờ vàng ngọc để vi hành đến nhiều vùng miền trong cả nước, tại đó bác gửi đi những thông điệp nhất quán khẳng định sự anh minh, sáng suốt, kiên trì đường lối xây dựng CNXH mặc dù bản thân bác không chắc 100 năm tới có đạt được không(?). 

Chú chuột ranh mãnh cứ nằm trong lọ mà gậm nhấm 

Đáng chú ý là, mới đây (ngày 6/10) trong không khí ngày hội giải phóng thủ đô và chuẩn bị đại hội đảng lần thứ XII, bác lại phát ra một thông điệp mới: "Đánh chuột không đập vỡ bình" vừa ngắn gọn nhưng rất đầy đủ ý tứ. Xem ra bác vẫn rất quyết tâm chống tham nhũng (không chống sao được vì chính bác đã nhận định tham nhũng "đe dọa sự tồn vong của chế độ"). Nhưng giờ thì bác đã ngộ ra: Chống gì thì chống cũng phải quyết giữ cho được cái bình dù đã cũ và lỗi mốt. Hay! câu này có lẽ là một trong những câu hay nhất trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư của bác í. Biết vậy bọn chuột từ nay cứ việc cố thủ yên vị trong cái bình chẳng có gì phải lo. 
Với một người tài năng, bảo thủ (ấy chết, bản lĩnh chứ!) và đức độ như bác í, tin chắc rằng sau này dù còn tại vị hay rút về làm cố vấn, và cho đến khi phải ra đi cùng các bậc tiền bối, thì nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ bác. Thế mới phải, vì bác là vị lãnh đạo cao nhất, có bằng cấp cao nhất và có trình độ lý luận Mác-lê bài bản nhất. Bác cũng chưa bị tai tiếng tham nhũng, cũng chưa thấy nói dính vào vụ xì-căng-đan vợ lớn, vợ bé hay gái gú, bồ bịch gì như một số vị tiền nhiệm khác. Bác đúng là vị lãnh tụ hoàn hảo nhất của đất nước này ./.

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Thoát Trung là thoát cái gì và để làm gì?

Không phải ngẫu nhiên, đúng vào thời gian TQ xâm lược bằng giàn khoan và tàu thuyền bắt đầu từ tháng 1/5 vừa qua người Việt trong nước cũng như  hải ngoại lại dấy lên phong trào "thoát Trung" (còn gọi là "thoát Trung luận"). Nhưng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Người viết bài này xin mạn phép nêu lên ý kiến cá nhân để góp phần thảo luận. Đó là thoát Trung là thoát khỏi sự hiểu biết nhầm lẫn về nguồn cội của mình từ đó sinh ra tâm thế yếu hèn trước kẻ thù truyền kiếp. Cũng không nên đánh đồng phong trào thoát Trung với "bài Trung" hoặc "chống Trung". Dưới đây là một số cơ sở cho cách suy nghĩ đó. 

Tìm kiếm Blog này