Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Di sản Hán-Việt

   
Thầy Thích Nhuận Pháp được VietKings công nhận là “ông đồ nhỏ nhất”
Hình ảnh chỉ có tính minh họa

Vẫn biết mọi quốc gia dân tộc đều phải chấp nhận quy luật ngôn ngữ là sinh ngữ và mọi ngôn ngữ đều chịu ảnh hưởng qua lại lẫn nhau với cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Nhưng xấu tốt còn do bản thân chọn lọc, và nếu vì một lý do nào đó mà để ngôn ngữ nước mình bị ngôn ngữ khác lấn át kéo dài chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ bị đồng hóa hoặc thoái hóa. Phải chăng tiếng Việt là một trong những trường hợp đáng báo động? 

Đến nay dù chưa có số liệu chính thức, nhưng ước lượng quảng trên dưới 70-80 % từ vựng tiếng Việt có thành tố Hán-Việt. Mức độ vay mượn này là qúa cao so với bình thường, và có lẽ vì thế nên một số người ngộ nhận là có thứ "ngôn ngữ Hán-Việt" (Tham khảo thêm tại đây http://trankinhnghi.blogspot.no/2012/03/co-khong-ngon-ngu-han-viet-sino.html). 

Sự vay mượn giữa các ngôn ngữ là lẽ đương nhiên và cần thiết để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên nếu vay mượn quá mức và không có sự chọn lọc ắt sẽ dẫn đến tình trạng "nợ nần", thậm chí là phá sản và lệ thuộc. Sự vay mượn của tiếng Việt đối với tiếng Hán (nay là tiếng Trung) đã diễn ra trong hàng ngàn năm nay. Quá trình đó có đoạn ngắt quảng bởi thời kỳ gần trăm năm Pháp thuộc mà trong đó đã diễn ra sự thay thế có thể nói là hiếm thấy giữa chữ Nôm (tượng hình) và chữ Quốc ngữ (tượng thanh) là 2 loại chữ viết cơ bản của nhân loại. Điều này vừa là lợi thế nhưng cũng là bất lợi đối với tiếng Việt. Đó là bên cạnh sự phong phú mà tiếng Việt tiếp thu từ hai thứ ngôn ngữ lớn của thế giới còn dẫn tới tình trạng pha tạp quá sức hấp thụ của nó. Đó là lý do gây ra những ảnh hưởng xấu đối với cái gọi là "sự trong sáng" của tiếng Việt như ta thấy ngày nay. Hầu hết người Việt ngày nay nói và viết bằng những từ ngữ  Hán-Việt mà không thực sự hiểu về chúng, người nghe hoặc đọc cũng không hiểu, nhưng hai bên vẫn gật gù khen hay...(!). Có rất nhiều văn bản nhà nước không rõ ngữ nghĩa, không chỉ đối với dân thường mà cả đối với quan chức và giới "có học", thậm chí nhiều trường hợp bản thân người soạn thảo văn bản cũng không hiểu hết ý nghĩa của từ ngữ mà họ sử dụng. Đó là nguyên nhân tại sao các văn bản nhà nước, kể cả văn bản pháp lý, thường rất "dài dòng văn tự" mà vẫn phải đính kèm các phụ lục giải thích. (Bài viết tại đường link này cho thấy một phần lý do tại sao như vậy http://bookhunterclub.com/nhung-tu-dung-sai-trong-ngon-ngu-tieng-viet/ ) Có thể tác giả quá khắc khe khi "bắt lỗi" chăng(?), nhưng dù sao cũng cho thấy một phần thực trạng đáng báo động đối với tiếng Việt hiện đại.  

Tình trạng pha tạp với tiếng Anh hoặc tiếng Pháp là một chuyện, nhưng sự pha tạp với tiếng Trung là một vấn nạn. Xin nêu ra đây một ví dụ, đó là việc người Việt sử dụng tên nước "Trung Quốc" theo nghĩa "nước ở giữa thiên hạ" trong khi thế giới gọi nước này với cái tên của một sản vật làm cho nó nổi tiếng là gốm sứ -China. Rõ ràng cái cách mà người Việt gọi tên Trung Quốc không giống cách mà họ gọi tên các nước khác. Cái tên "nước ở giữa thiên hạ" đó đã được dung nạp nguyên xi cả nghĩa đen và nghĩa bóng vào tiếng Việt.  

Có ý kiến cho rằng chữ viết TQ ngày nay là kết quả của sự kết hợp giữa chữ viết cổ của người Hán với chữ viết cổ của người Việt, thậm chí cho rằng người Hán "ăn cắp" chữ viết của người Việt. Điều này hoàn toàn có thể, nhưng tiếc rằng người Việt không tìm cách chứng minh nó một cách khẩu phục tâm phục mà trái lại cứ tiếp tục sử dụng và gọi chữ Hán là "chữ Nho" (tốt đẹp) đồng thời tìm cách "bắt chước" để tạo ra chữ Nôm làm phương tiện để truyền tải tư tưởng và giáo lý của kẻ thống trị vào dân mình. Đã có một thời người Việt từng coi chữ Nho là thước đo của tri thức và là điều kiện tiên quyết để đạt danh vọng, giàu sang phú quý. Người Việt cũng đã gọi hầu hết tên địa danh của nước mình  giống với tên bên nước đô hộ. Tên "Biển Giao Chỉ" dần dần được đổi thành "Biển Nam Hải" và rất nhiều tên núi sông núi, địa danh và tên người đều được dịch ra một cách rất chi tiết. Nhiều tác phẩm văn thơ của nước thống trị cũng đã được dịch, sao chép hoặc viết lại như của mình!  Chỉ đến gần đây khi TQ cố ý lợi dụng thuật ngữ "Biển Nam Trung Hoa" (tức Nam Hải) để đòi chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển ở phía Nam vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam thì người Việt mới bắt đầu thấy sự rắc rối của tên gọi và trở nên cảnh giác hơn bằng cách không dùng từ Biển Nam Trung Hoa mà chỉ dùng từ Biển Đông. 

Còn nhiều ví dụ tương tự không tiện nêu cả ra đây. Nhưng có thể nói, vì những lý do khách quan và chủ quan, người Việt đã chìm đắm trong trào lưu truyền bá ngôn ngữ của kẻ thống trị phương Bắc. Đó là một sự thật mà giờ đây nhìn lại, thật khó để phê phán, nhưng đồng thời cũng là sai lầm nếu phớt lờ và không có biện pháp khắc phục một cách tích cực và kịp thời. Thiết nghĩ, đây là một vấn đề trực tiếp liên quan đến tương lai phát triển của tiếng Việt nói riêng và vận mệnh của dân tộc nói chung, phần nào nó cũng cản trở sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục. Vậy nên sẽ không có gì là cực đoan nếu Nhà nước chính thức đưa ra một chủ trương chính sách cụ thể nhằm từng bước hạn chế việc sử dung từ ngữ Hán-Việt đồng thời chỉnh đốn tất cả những gì đã được dung nạp một cách không thích hợp vào tiếng Việt từ trước tới nay. Đây là một công việc cần thiết và cấp bách, tuy rất khó khăn, phức tạp nhưng không phải là không thể nếu có sự chủ trương chính thức của Nhà nước với sự tham gia của các cơ quan chức năngvà sự hưởng ứng của người dân. Xin nêu ra đây một vài ví dụ. Trước mắt, nên chăng, ngoài nhu cầu phục vụ công tác bảo tồn bảo tàng và nghiên cứu lịch sử, không nhất thiết phải "tái sử dụng" từ ngữ Hán-Nôm làm gì. Việc học tiếng Trung là cần thiết nhưng cũng chỉ nên ở mức độ như các ngoại ngữ khác nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu quan hệ quốc tế. Cần có biện pháp đẻ từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt cách dịch tên, họ và địa danh của Trung Quốc ra tiếng Việt, thay vào đó chỉ nên dùng cách phiên âm bình thường như đối với các nước khác, chẳng hạn  China hoặc Chung-cụa.... Không nhất thiết phải dịch họ tên người Trung Quốc ra tiếng Việt mà chỉ phiên âm như đối với người Nhật Bản , Hàn Quốc, Mông Cổ, Lào hoặc bất cứ nước nào khác. Cách này sẽ rất tiện lợi cho công tác học thuật và biên phiên dịch, nhất là đối với các thế hệ trẻ sau này, đỡ tốn thời gian và công sức khi phải chuyển đổi một tên người hoặc địa danh Trung Quốc sang tiếng Việt.Tất nhiên trong quá trình chuyển tiếp vẫn sử dụng những từ ngữ đã trở nên quen thuộc hoặc không thể thay thế.

Thiết nghĩ, những biện pháp trên đây nếu làm được thì cũng chỉ là tiếp tục thực hiện phương châm "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" đã được phát động từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên khi một người rất giỏi tiếng Hán như Cụ Hồ đã đi đầu và gương mẫu trong việc thay từ thuần Việt vào các từ ngữ Hán-Việt. Tiếc rằng ngày nay không chỉ người dân mà cả các cơ quan chức năng Nhà nước hình như cũng đang "quên lãng" điều này./.









Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Lãnh đạo VN: Vì sao nhiều nhưng không manh, mới nhưng vẫn cũ?

Hai tân Phỏ Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái) và Phạm Bình Minh
Ngày 13/11, Quốc hội vừa "nhất trí cao" thông qua việc bổ nhiệm thêm 2 Phó Thủ tướng mới nâng tổng số Phó Thủ tướng của Việt Nam lên con số 5 tròn trĩnh và có lẽ là nhiều nhất thế giới! Cá nhân tôi vốn ngưỡng mộ hai nhân vật này và tin rằng họ sẽ còn tiến xa hơn thế. Điều tôi muốn nói ở đây là cái cách thức lựa chọn và bổ nhiệm lãnh đạo ở Việt Nam và những hệ lụy của nó.

Xung quanh sự kiện này có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ý kiến chung nhất cho rằng cách bổ nhiệm lãnh đạo như vậy "chỉ có ở Việt Nam" - đất nước mà  lúc nào cũng ở "thời kỳ quá độ" mãi mê tìm tòi khám phá những điều mà nhân loại đã đi qua rồi! Đó cũng là lý do tại sao Đảng, Chính phủ và Quốc hội liên tục kêu gọi "cải cách hành chính"và "tinh giản biên chế"..., nhưng đội ngũ công chức không ngừng tăng với tốc độ nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế; tại các lễ hội, phần giới thiệu danh sách đại biểu thường dài đến sốt ruột! 

 Sở dĩ việc bổ nhiệm cùng lúc 2 phó Thủ tướng mới được dư luận hoan nghênh trước hết là vì người Việt Nam đã quá thất vọng với giới lãnh đạo già nua bảo thủ và giờ đây rất sẵn lòng chào đón những gương mặt trẽ hơn. Tuy nhiên, đó là thứ tình cảm nhất thời khiến người ta quên đi những điều kiện khác mà Việt Nam đang rất cần, đó là tầm nhìn và bản lĩnh độc lập của người lãnh dạo. Thực tế thế giới cho thấy không phải độ tuổi trẻ hay già mà tầm nhìn và bản lĩnh độc lập mới là yếu tố cần thiết nhất của một nhà lãnh đạo. Ở nhiều nước, kể cả các nước phát triển, độ tuổi lãnh đạo có thể rất trẻ nhưng cũng có thể khá già dặn (như Lý Quang Diệu của Singapore, Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc v.v...) vì ở đó người ta căn cứ vào bản lĩnh và tầm nhìn để lựa chọn lãnh đạo. Tất nhiên tầm nhìn cần được thể hiện công khai, tốt hơn hết là bằng cương lĩnh và chương trình hành động cụ thể, đủ sức thuyết phục trước công chúng. Đó cũng là thước đo để đánh giá công tác trong suốt nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo. Người lãnh đạo ngoài việc tuân thủ nguyên tắc công tác và nghĩa vụ đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, điều quan trọng là phải tỏ rõ bản lĩnh và lập trường riêng của mình nhằm đảm bảo thục hiện cương lĩnh hành động đã cam kết. Trong trường hợp cảm thấy không đủ sức thực hiện hoặc bị người khác ép buộc từ bỏ chính kiến của mình thì bản thân họ sẽ tự nguyện từ chức mà không  cần đợi hết nhiệm kỳ. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức, Pháp v.v...việc từ chức hoặc bị cách chức là hoàn toàn bình thường nhằm đảm bảo hoạt động của guồng máy  và vì lợi ích của quốc gia. Đó là một đặc điểm của phong cách lãnh đạo trong thế giới hiện đại.  

Tiếc rằng điều này chưa có và có lẽ còn lâu mới có trong nền chính trường Việt Nam-nơi sản sinh ra khái niệm "lãnh đạo tập thể" gây nhiều tranh cãi. Tâm lý "kéo áo nhau" cùng lên, cùng xuống... cũng là một đặc thù của nền chính trị Việt Nam. Còn nhớ sự kiện giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ 8, hàng loạt lãnh đạo chủ chốt đã cùng nhau nghĩ hưu tạo ra một sự "hụt hẩng" không cần thiết, trong đó sự ra đi của ông Võ Văn Kiệt được cho là một sự thiệt thòi" cho đất nước. Như một biện pháp vớt vát người ta đã cho ra đời quy chế "cố vấn" khiến cho cơ chế lãnh đạo càng thêm rườm rà. Đó chỉ là một trong những biểu hiện của cung cách lãnh đạo lạc hậu tại đất nước này. Nghe nói trong quá trình họp Quốc hội vừa qua đã có ý kiến đề nghị 2 vị Phó Thủ tướng được đề cử trình bày chương trình hành động..., nhưng không hiểu vì lý do nào, đến nay vẫn chưa thấy gì ngoài những lời phát biểu chung chung.  Đây chính là một  lổ hổng trong quy trình lựa chọn và đề bạt cán bộ ở Việt Nam như nó vốn dĩ vẫn thế. Vẫn biết, nếu xét từng cá nhận lãnh đạo Việt Nam không thiếu người tài và bản lĩnh, nhưng tiếc thay họ không được tạo điều kiện để thể hiện một cách công khai trước công chúng, do đó sau khi nhận nhiệm mới vụ họ thường dễ trở nên tự mãn, tự phụ và xa dần với quần chúng nhân dân, thậm chí trở nên quan cách, độc đoán. Không có cương lĩnh hành động từ trước, họ thường lúng túng và dẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bị thao túng bởi giới lãnh đạo đàng anh. Là thiểu số mới lên họ dẽ bị rơi vào thế "thiểu số phải phục tùng đa số". Rốt cuộc họ chỉ còn cách lựa chọn, một là chịu "bị đồng hóa" bởi ê kíp cũ, hai là bị loại bỏ giữa chừng, ba là "bị liệt vị" không thể phát huy được gì trong một guồng máy tập thể đã an bài.  Nhiều người hẳn còn nhớ trường hợp cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã bị "loại bỏ" như thế nào trước sức ép của các thế lực "thù trong giặc ngoài" vào những 1980. Ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng về phong cách và bản lĩnh cũng đã từng là nạn nhân trong nhiều năm liền. Rất nhiều trường hợp người tài đức đã "biến mất" trong quá trình vận hành nền chính trị của đất nước này. Thực tế cho thấy không chỉ bản thân họ bị "ngã ngựa giữa dòng" và sự nghiệp của đất nước cũng bị ảnh hưởng. Sự thật phủ phàng và trớ trêu đến nỗi nhiều người đã rút ra bài học rằng muốn làm nên sự nghiệp lớn trước hết hãy biết bảo vệ mình...bằng cách dĩ hòa vi quý (!). Nhưng thực ra đó chỉ là cách ngụy biện thuận tiện nhất đối với những kẻ cơ hội chờ thời. Liệu đất nước này có thể cải cách và phát triển với một đội ngủ quan chức với quan niệm đầy thực dụng như vậy không?

Thiết nghĩ, điều Việt Nam đang thiếu hiện nay không chỉ là lãnh đạo trẻ mà là lãnh đạo có bản lĩnh và tầm nhìn với phong cách hiện đại. Họ phải là người dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Chí có những lãnh đạo như thế mới có thể công phá vào cái lô cốt được xây bằng thứ vật liệu của sự dối trá và mị dân cùng những khái niệm mơ hồ như "lãnh đạo tập thể", "nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên", "đấu tranh phê và tự phê" v.v... Khi nào còn thiếu vắng những lãnh đạo như thế thì chưa thể hy vọng đất nước ra khỏi tình trạng trì trệ và bảo thủ đã ăn sâu bám rể trong trong thời gian dài./.               

 

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Mùa thu Việt Nam

Bão được dự báo quét dọc miền Trung, vòng lên Bắc bộ.Mùa thu được coi là mùa đẹp nhất trong bốn mùa ở Việt Nam. Nhưng năm nay có một điềm báo chẳng lành trước hàng loạt thông tin thất thiệt cùng với nhiều vụ tai tiếng gây sốc trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội trên khắp các vùng miền của đất nước. Các nhóm lợi ích và thế lực tham nhũng đang chiếm thế thượng phong. Nếu coi đó là "nhân tai" thì trận bảo Haiyan là một thiên tai quái ác đang tạo nên một tình thế rất bất thường đối với Việt Nam.


Về kinh tế, bất chấp những lời đánh giá nhận định lạc quan như muôn thuở của các nhà lãnh đạo cấp cao và được phụ họa bởi bộ máy tuyên huấn, tuyên truyền ... , tình hình kinh tế-xã hội đều cho thấy một bức tranh thật sự ảm đạm. Tại phiên họp thường niên của Quốc hội các nghị sĩ đã không che dấu được  mối lo lắng về mức độ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, đơn giản là vì hết vốn đầu tư!. Nhưng mỉa mai thay, trong khi ngấm ngầm tạm ngừng chiến dịch chống tham nhũng-lãng phí vốn là thủ phạm chính gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia, thì người ta lại chủ trương tăng cường các nguồn thu thuế đối với dân chúng. Điều này khiến người dân không khỏi liên tưởng đến thời "sưu cao thuế năng" ngày xưa .Đó chính là một chủ trương "lợi bất cập hại" cả về trước mắt và lâu dài.

Trong bức tranh mùa Thu, có nhiều nét chấm phá đen đũi rơi vào hai ngành chủ chốt trực tiếp liên quan đến dân sinh và nguồn nhân lực của đất nước là giáo dục và y tế. Hàng loạt vụ tai tiếng liên tiếp xảy ra, từ vụ ăn cắp và vụ tiêm nhầm thuốc vaxin (đều nhằm vào nạn nhân là trẻ sơ sinh) đến vụ nhân bản xét nghiệm, rồi vụ vứt xác bệnh nhân xuống sông; chưa biết nay mai sẽ đến vụ gì nữa đây (?).  Ngành giáo dục vốn được coi là cái nôi của tri thức quốc gia cũng liên tục cho ra đời những quái thai, trong đó có việc ra đề thi văn cấp3 yêu cầu học sinh bình luận về nhân vật "bà Tưng"-một hot girl trên mạng ảo- đến việc in những câu đồng ngôn nhí nhố trong sách giáo khoa mầm non, và rất nhiều sách vở tài liệu được soạn thảo một cách cẩu thả vô trách nhiệm khác. Đó là chưa nói đến tình trạng chảy máu chất xám đã quá mức báo động đến mức không ai muốn đá động gì về nó nữa.

Về quyền công dân,  như lửa đổ thêm dầu, vừa lộ diện vụ án oan sai kéo dài 10 năm ở Bắc Giang như một trong hàng vạn trường hợp cho thấy tình trạng yếu kém, lạc hậu của ngành tư pháp và hành pháp của đất nước. Cùng với những tiếng nổ tại một số cơ quan Đảng và chính quyền các cấp gần đây nó góp phần trả lời câu hỏi: Tại sao dân chọn cách "tự xử" và lòng dân đã thực sự cảm thấy bất tín, bất an như thế nào.

Trước thực trạng xuống cấp không phanh của các ngành, các cấp như vừa lược qua trên đây, lòng mong mỏi của đại đa số nhân dân đành phải trông chờ vào vai trò của Quốc hội. Nhưng hy vọng cũng đang tắt. Kỳ họp Quốc hội mùa Thu năm nay tuy chưa hoàn toàn kết thúc, nhưng kết quả dường như đã rõ: Quốc hội vẫn sẽ thông qua bản Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992  mà không có sự thay đổi nào đáng kể đối với các vấn đề đã được tranh cãi gay gắt nhất, đó là quyền sở hữu đất đai và vai trò lãnh đạo của Đảng (Điều IV). Trong lĩnh vực chống tham những, trừ vài ba con tép riêu và một vài con cá bự đã "bị lộ" thì toàn bộ những người giữ trọng trách trực tiếp hoặc gián tiếp đến những vụ tai tiếng đều vẫn yên vị. Toàn bộ hệ thống chính trị-xã hội kềnh càng tốn kém vẫn còn nguyên đó kiên định như không bao giờ chịu nhân nhượng trước ý nguyện của nhân dân. Dư luân cho rằng thà chưa thông qua sữa đổi Hiến pháp còn hơn là thông qua một Hiến pháp như vậy.
   
Phải chăng những biểu hiên trên là những giọt nước tràn ly trên chiếc cốc của lòng kiên nhẫn vốn đã dồn nén từ lâu tại đất nước này? Dù cố nhìn vấn đề một cách khách quan trong mối tương quan chung với thế giới, người Việt Nam bình thường nào cũng thấy đất nước mình quả là không bình thường. Nếu như ai đó đã từng nhận định rằng người Việt bao giờ cũng có sức đề kháng mãnh liệt để vượt lên chính mình tại những thời điểm khó khăn cùng quẩn nhất thì liệu đây đã là thời điểm đó, hay còn phải đợi? Và nếu phải đợi thì đợi đến bao giờ? Đó là dấu hỏi ám ảnh trong đầu mỗi người Việt Nam yêu nước hiện nay. Người Việt có truyền thống đoàn kết chống thiên tại và ngoại xâm, nhưng thường bất lực trước giặc nội xâm. Có thể cơ bảo Haiyan sẽ được tích cực ứng phó như một bản năng để tồn tại, nhưng những nhân tai thì chưa đâu! ./.

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Tham nhũng: Ai chống ai?

Có thể nói, không một công chức Việt Nam XHCN nào từng được cầm trong tay một tháng lương đúng với nghĩa của nó. Các thế hệ chiến tranh đã đành. Nhưng với các thế hệ sau này mà vẫn thế thì thật phi lý quá (!?). Nhưng đồng thời cũng có một thực tế vô lý hơn thế. Đó là hầu hết công chức Việt Nam đều có mức sống cao hơn so với mặt bằng xã hội, rất nhiều người giàu có đến mức khiến các đồng nghiệp của họ bên Trung Quốc và một vài nước ASEAN phải ghen tị! Vì sao vậy?

Khi đồng lương không đủ sống, tham nhũng trở thành lối sống   
Cái lý mà các nhà lãnh đạo đất nước này vẫn dùng để giải thích vì sao chưa thể cấp đủ lương công chức là "Đất nước ta còn nghèo". Nhưng chẳng lẽ họ không biết rằng  nhiều nước khác nghèo hơn mà vẫn trả lương đầy đủ cho công chức của họ? Ngay bản thân Việt Nam thời phong kiến-thực dân nghèo hơn bây giờ nhiều vẫn trả đủ lương công chức đấy thôi!  Thật khó hiểu  vì sao cái lý do vô lý đó vẫn tồn tại đến bây giờ khi đất nước đã chính thức được xếp hạng trung bình thế giới (?). 

Có thể đó chỉ là một phép tính sai lúc đầu do lối tư duy tiểu nông muốn "rẻ mà tốt"(?) Nhưng kinh nghiệm của hơn 1/2 thế kỉ chẳng lẽ chưa đủ để nhận ra rằng cắt xén tiền lương công chức là biện pháp hửu hiệu nhất để phá hỏng tận gốc rể một hệ thống công quyền, đơn giản là vì đội quân công chức “thiếu đói” sẽ tìm mọi cách để “bù đắp” lại phần lương còn thiếu của họ?

Thật ra, tệ nạn tham nhũng đã có mầm mống từ thời bao cấp khi đồng lương của cán bộ công nhân viên chức (tức là toàn bộ những người làm công ăn lương nhà nước) được trả bằng 2 phần: tiền mặt và hiện vật. Nhưng không  phải ai cũng có nhu cầu sử dụng các đồ vật như nhau nên người ta  đem ra đổi chác, nhượng, bán  vòng vo . Hình thái “chợ đen” đã ra đời từ đó. Tệ nạn ăn cắp thành hoặc nguyên vật liệu từ các cơ sở sản  xuất tuồn ra chợ đen cũng bắt đầu từ đó. Bệnh "làm láo báo, cáo hay" và nhiều thói hư tật xấu cũng bắt đầu từ đó. 

Khi những sai lầm trong chính sách giá-lương-tiền bắt đầu từ cuối những năm 1970 đã dẫn đến tình trạng lạm phát phi mã kéo dài. Đó là một thời kỳ chuyển tiếp đầy kịch tính khi tem phiếu bị cắt bỏ chỉ còn lại đồng lương đang mất hết giá trị thực. Tình huống bắt buộc mọi cán bộ công  nhân viên phải nhao ra đường  kiếm sống. Giáo viên  trốn giờ chính khóa để đi dạy thêm;  y bác sĩ bán thuốc lậu hoặc vòi tiền bệnh nhân; cảnh sát trở thành “anh hùng núp” tìm người phạt vạ; nhân viên công sở cũng không kém cạnh với nhiều chiêu kiếm tiền, kể cả buôn lậu, thông đồng, câu kết, v.v… Nghĩa là  Toàn bộ hệ thống các cơ quan công sở nhà nước từ trung ương xuống địa phương, các đơn vị sản xuất cũng như phi sản xuất, từ dân sự đến các lược lượng vũ trang, đều tập trung lo “cơm áo gạo tiền”. Cái gọi là "ba lợi ích"(cá nhân - tập thể - nhà nước)  đã ra đời từ đó. Trên danh nghĩa đơn vị xí nghiệp, cơ quan với sẵn quyền hạn và cơ sở vật chất trong tay mà  “làm ba lợi ích” thì thôi rồi Lượm ơi! Nói là “ba lợi ich” nhưng người ta chỉ nhằm vào lợi ích cá nhân là chính, lấy lợi ích tập thể làm bình phong che chắn để câu kết, thông đồng cùng nhau "rút ruột" từ lợi ích nhà nước. Nói cách khác, mọi hành vi , tham ô, lãng phí, tham nhũng núp dưới cái tên mĩ miều "tập thể" đều trở nên sạch sẻ, khó phát hiện, phát hiện rồi cũng khó mà xử lý. Khi đem ra kiểm điểm, chúng được gọi bằng cái tên chung là "tiêu cực". Ranh giới giữa tiêu cực và thành tích chỉ khác nhau ở cách diễn gải là "góp phần cải thiện đời sống", "phát huy tinh thần vượt khó khăn" , "lá lành đùm lá rách", bla, bla.... Vậy là êm thấm, hòa cả làng.
      
Trong bổi cảnh cùng quẩn của đất nước, cái gọi là “đổi mới” đã ra đời  như một cứu cánh (chứ nào có "sáng suốt" gì đâu?). Và nó đã giúp tránh được một sự sụp đổ. Nhưng đáng tiếc, không hiểu vì lý do gì, nó vẫn không làm gì để thay đổi chế độ tiền lương không đủ sống vốn là một nguyên nhân sâu xa của tệ nạn tham nhũng tập thể ở đất nước giàu truyền thống đoàn kết nay đã biến thành "câu kết" này (?). Khi nguồn của cải vật chất và vốn nước ngoài đổ vào ngày càng nhiều đã tao ra càng nhiều cơ hội mới cho bon tham nhũng. Đây là thời kỳ mà “chùm khế ngọt” bị nhiều bên thi nhau trèo hái hàng ngày. Bọn họ có thể là cán bộ công nhân viên chức, có thể là dân thường, cũng có thể là bên đối tác nước ngoài v,v… Không chỉ những kẻ có chức quyền, mà ngay cả những người lái xe tải hoặc người gác rừng, thủ kho, đầu bếp, v.v… cũng đều có cơ hội. Dĩ nhiên ai có nhiều lợi thế hơn sẽ gặt hái  được nhiều hơn. Đó là một thời nhộn nhạo tranh tối tranh sáng vô cùng thuận lợi cho các loại tội phạm từ ăn cắp vặt đến tham nhũng có tổ chức. Thời đó thậm chí đã xuất hiện một cách biện hộ nực cười rằng tham nhũng giúp rút ngắn quá trình tích lũy tư bản(!?) 
Quá trình phân hóa giàu nghèo thực sự đã bắt đầu từ đó. Trong khi  đại bộ phận dân chúng và công chức cam chịu và chờ đợi, số còn lại chớp cơ hội và  nhanh chóng giàu lên, thậm chí có vốn để đầu tư vào những hoạt động sinh lời đang được nhà nước khuyến khích. Một số lặng lẽ chuyển sang khu vực tư nhân trong khi số ở lại trở thành “doanh nhân nhà nước”, và họ tạo thành những thế lực mới trong nền “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” mà trong đó việc câu kết, thông đồng giữa họ với nhau trở nên càng thuận tiện. Các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án có vốn nước ngoài và lĩnh vực đất đai-bất động sản là những lựa chọn béo bỡ nhất.
Đến nay tệ nạn tham nhũng không chỉ dừng lại ở mức độ ăn cắp vặt hay tham ô tập thể, mà đã trở thành những  thế lực ngầm chi phối đời sống chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước bằng các thủ đoạn thông đồng câu kết đan xen vô cùng tinh vi, phức tạp. 

Tham nhũng tập thể muôn năm!
Tệ nạn tham nhũng  ở Việt Nam mang một đặc thù khác với tệ nạn tham nhũng trên thế giới,  đó là “tham nhũng tập thể”. Nó hiện diện  ở mọi nơi từ công sở đến các đơn vị sản xuất và cả các lực lượng vũ trang, ở tất cả các cấp độ từ TW xuống địa phương. Nó vừa là ”nguồn sống” của  tất cả những người làm công ăn lương nhà nước, vừa là hậu cứ của các thế lực tham nhũng xuyên quốc gia. Nó không chỉ được tập thể che chở mà còn được nhà nước "thể chế hóa" bằng các quy định hoặc luật lệ bất thành văn. Cái gọi là phần “mềm” đã từ lâu là một bộ phận cấu thành  tiền lương công chức, và thực chất đó là phần “lậu” đã được hợp thức hóa. Nó quen thuộc đến nỗi không còn ai thấy đó là sai trái. Mới đây một vị phó GĐ trong 3 dự án bị nhà tài trợ Đan Mạch nghi tham nhũng đã thản nhiên biện bạch một cách trơn tuột rằng “Cán bộ khoa học hiện nay không thể sống bằng lương được, vì thế khi có dự án thì họ phải làm thêm thông qua các hợp đồng này. Bản thân tôi cũng nhận hai khoản, một là lương của viện, một là khoản “bù lương” mà phía Đan Mạch đã chấp thuận là 300 đôla/tháng, chứ không phải hai lương như kiểm toán nói” (theo BáoTT ngày 3/6/2012). Nhưng không chỉ có vậy; một khi đã chấp nhận “bù lương” thì bù bao nhiêu, bù như thế nào chỉ là câu chuyện của sợi cao su co giản!  Đó là lý do tại sao cán bộ công chức thích "làm dự án".
Nhưng cũng không chỉ có dự án, mà làm nghề gì ăn nghề đó! Hải quan, thuế vụ, công an hoặc bất cứ ngành nào có nguồn thu cho ngân sách đều  được phép “trích %” từ nguồn thu để bù vào lương; chính quyền phường xã ăn từ đất; dân hành chính bàn giấy cũng có cách ăn từ công văn, giấy tờ , v.v... .  Quan nhỏ ăn nhỏ, quan to ăn to, rào rào như tằm ăn tơ vậy!  Xem cái cách ăn của Vinashin,Vinalines sẽ thấy họ không chỉ ăn mà phá nhiều hơn cả phần ăn! Có lẽ không nước nào trên thế giới lại có quy chế cho phép các cơ quan công quyền được “làm 3 lợi ích”, "làm kinh tế" như Việt Nam. Đó  là những quy chế không bình thường và chúng là nguyên nhân gây ra  tệ nạn tham nhũng tập thể, một loại hình tham nhũng rất khó chống. Qua cung cách của những vụ tham nhũng phát lộ gần đây cho thấy hầu hết thủ phạm đầu sỏ đều đã trưởng thành từ tập thể, được tập thể tán thưởng và đề bạt. Nói cách khác bọn họ đều có một võ bọc của những tập thể quần chúng và tập thể lãnh đạo nào đó; họ không đơn độc.    

Vòng luẩn quẩn lương-lậu
Vẫn biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Nhưng trong trường hợp Việt Nam không thể không tính đến nguyên nhân  tiền lương không đủ sống kéo dài hơn 1/2 thế kỷ đủ lâu để làm băng hoại cả một bộ máy công quyền khiến  nhà nước phải liên tục tăng thêm biên chế nhưng  không bao giờ có thể hoàn thành nhiệm vụ. Biên chế ngày càng phình to mất cân đối so với quỹ lương lương ắt dấn đến tình trang lương vốn đã thấp ngày càng thấp hơn. Ước tính, đội ngũ công chức (bao gồm cán bộ công nhân viên và quân đội ăn lương nhà nước) hiện nay đã tăng lên quảng 2 triệu người trong tổng số 6 triệu người người ăn lương nhà nước (kể cả bộ đội và người về hưu). Tức là cứ 45 người có một công chức, và cứ 15 người có một người ăn lương nhà nước. Đây là tỷ lệ cao nhất thế giới thì phải (?). Nhưng lương nào có ra lương! Giá trị đồng lương thực tế liên tục giảm. Ví dụ lương tháng tối thiểu năm 1960 tuy chỉ khoản 15 đồng nhưng có thể mua được hơn 01 chỉ  vàng, cộng các khoản phụ cấp, người nhận lương vẫn nuôi sống được gia đình ở mức đạm bạc; trong khi lương tối thiểu năm 2012 là 1.050.000 đồng chỉ mua được 1/4 chỉ vàng, và chỉ  nuôi sống bản thân trong vòng 1-2 tuần lễ. Cách so sánh đơn giản này cũng cho thấy tình trạng tương tự đối với các cấp độ lương cao hơn. Mức độ chênh lệch giữa các bậc lương chính thức không nhiều , ví dụ lương những người lãnh đạo cao nhất quảng 13 triêu đồng, tức gấp 12 lần lương tối thiểu. Nhưng mức chệnh lệch trong thu nhập thực tế thì vô cùng lớn, vì các cấp càng cao càng có nhiều khoản trợ cấp với giá trị gấp hàng trăm lần lương, đặc biệt, chúng được áp dụng một cách không minh bạch, rõ ràng. Thử hỏi cán bộ công chức và toàn bộ khối  những người làm công ăn lương làm cách gì để có thể duy trì cuộc sống của họ nếu không tham nhũng?

Để "bù lương" cho toàn bộ đội ngũ công chức "sống được", quỹ lương thực sự của nhà nước ắt phải gấp nhiều lần quỹ lương công khai . Trên thực tế, đa số công chức Việt Nam thường có thu nhập thực tế cao hơn hàng chục lần lương chính thức. Điều này có nghĩa, theo quy luật tổng giá trị tài sản quốc gia không đổi, một giá trị tài sản nhà nước khổng lồ thường xuyên bị thất thoát. Đó là chưa kể những giá trị vô hình bị mất đi do hậu quả của cả quá trình tham nhũng gây ra như chất lượng công trình kém và nhiều dạng lãng phí, v.v...Nhưng hậu quả năng nề nhất chính là sự chậm tiến của nền kinh tế đất nước và nguy cơ "đe dọa sự tồn vong của chế độ" như đã được tống kết trong NQ TW 4 khóa XI mới đây.  Tóm lại, 3 nhân tố công chức, tiền lương và tham nhũng luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau trong một vòng luẩn quẩn theo hình xoáy trôn ốc, trong đó quy mô và mức độ tham nhũng của thời kỳ sau bao giờ cũng lớn hơn thời kỳ trước. Đó là lý do tại sao quỹ lương không bao giờ đủ để chi trả cho một biên chế ngày càng phình to.Tuyệt đối không phải là do đất nước nghèo mà do tham nhũng làm nghèo đất nước!

Hết phương cứu chữa hay không muốn cứu chữa?
Do đã quá quen chung sống với tệ nan tham nhũng, người dân nói chung và bộ phận  công chức bình thường tỏ ra thờ ơ hoặc bất lực trước vấn nạn tham nhũng. Nhưng đồng thời có một bộ phận công chức, kể cả ở cấp cao, không thật sự thấy cần thay đổi chế độ tiền lương không đủ sống, vì họ muốn tiếp tục lợi dụng các kẻ hở của chế độ hiện hành để kéo dài cơ hội tham nhũng. Họ thậm chí cố tình ngăn chặn tiến trình cải cách. Giả thiết này tỏ ra có lý đối với những quan chức đang nắm giữ những nguồn tài sản công béo bở hoặc những cương vị mà kẻ khác phải tìm đến để cống nạp.Những nhóm người này thường có khả năng tự tung tự tác trong các vụ tham nhũng trị giá tiền nghìn tỷ như PMU 18, Năm Cam, Hành lang Đông Tây, Vinashin,Vinalines và hàng loạt vu việc đang bị nghi vấn khác. Giả thiết trên cũng đúng trước thực tế ngày càng nhiều người mua quan bấn chức. Chưa bao giờ chức vụ lại trở nên “đắt giá” như bây giờ khi người ta sẵn sàng bỏ ra bạc tỷ để mua một chức vụ đôi khi chỉ là cấp chủ tịch phường, xã , thậm chí chỉ là cấp trưởng thôn. Họ làm vậy hoàn toàn không phải vì giá trị của đồng lương, mà vì  những món lợi kếch sù sẽ thu được khi ngồi vào chiếc ghế đó. Đó cũng là lý do tại sao ở Việt Nam ngày nay không quan chức nào chịu từ chức dù kém cỏi hoặc mất uy tín đến đâu đi nữa.
 
Chữa bệnh gì cũng phải chữa từ nguyên căn của nó. Chữa một mụn nhọt nếu chỉ bôi thuốc đỏ bên ngoài mà không nặn lấy hết cồi thì không bao giờ hết nhọt.  Nếu chỉ kêu gọi “phê và tự phê”, thậm chí tìm diệt từng cá nhân tham nhũng thì không khác nào chỉ bóc một phần lớp da bên ngoài. Nói đến tham nhũng ở Việt Nam không thể bỏ qua đặc thù “tham nhũng tập thể”. Nói đến nguyên nhân tham nhũng  không thể bỏ qua nguyên nhân của tình trạng lương không đủ sống kéo dài . Và càng sai lầm nếu cho rằng đến nay công chức vẫn sống được và sống tốt hơn trước nên chưa cần đặt ra vấn đề tăng lương!    

Nếu thật sự muốn chống tham nhũng
Vẫn biết để giải quyết vấn nạn tham nhũng như hiện nay ở Việt Nam không thể làm nhanh và triệt để trong một thời gian ngắn và bằng một số biện pháp đơn giản. Nhưng  trước hết cần có cách tiếp cận chủ động, tích cực và kiên quyết. Đó là yếu tố quan trọng quyết định thành công. Giải pháp cụ thể xin nhường lại các nhà chuyên môn, chuyên ngành. Song làm gì cũng không nên thiếu  4 nhóm biện pháp cơ bản dưới đây.
a)     Hoạch định một lộ trình hoàn chỉnh hợp lý về cắt giảm biên chế song song với việc tăng lương, trong đó biên chế phải được cắt giảm khoảng ½ so với hiện nay, đồng thời   lương tối thiểu phải tăng lên tương ứng nhằm đảm bảo mỗi cán bộ công chức có thể sống và góp phần (với lương vợ hoặc chồng) nuôi sống gia đình của họ mà không phải làm việc thêm nào khác. Mức lương đó phải đủ sức hấp dẫn khiến cho mỗi công chức phải chọn lựa giữa lương hoặc mất chức do tham nhũng.
   Thời gian thực hiện: không chậm hơn  từ 3-4 năm.
b)    Thiết lập lại toàn bộ chế tài để đảm bảo rằng mọi công chức nếu vi phạm  tham nhũng hoặc không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị mất chức ngay lập tức, không thuyên chuyển sang đơn vị khác. Bộ chế tài này cần có sự đồng thuận của công chức và của nhân dân, và được Quốc hội phê chuẩn.  
c)     Chấp nhận và áp dụng hình thức tham khảo ý kiến của người dân (public opinion poll) và bỏ phiếu tín nhiệm (credit voting) đối với tất cả lãnh đạo và công chức trực tiếp liên quan đến những người tham gia bỏ phiếu. Đây là hình thức  hầu hết các nước tiến bộ trên thế giới đã và đang làm, không có lý gì Việt Nam muốn cải cách tiến bộ mà không áp dụng.
d)    Chấp nhận và thực hiện công khai minh bạch đối với  3 biện pháp nói trên cũng như toàn bộ chủ trương chính sách và kế hoạch thực hiện.  Đây là trách nhiệm của các cấp đảng và chính quyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đảm bảo dư luận và mỗi cá nhân người lãnh đạo và công chức biết rõ về trách  nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của mình. Trên cơ sở đó thực hiện tốt việc giám sát lẫn nhau và giám sát của nhân dân.

Những điều trên đây nói là để nói thôi. Ai cũng biết và cũng nói "chống tham nhũng". Nhưng không biết ai chống ai đây? Liệu có ai chịu cầm búa ghè vào chân mình không nhĩ? 
Ghi chú: Nhân dịp Quốc hội đang nghị bàn về chống tham nhũng, chủ blog Bách Việt xin đăng lại bài cũ với một số chỉnh sửa so với bài này cũng đã được đăng trên Báo Nông nghiệpVN theo đường link http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/1/96693/Tham-nhung-Ai-chong-ai.aspx

Tìm kiếm Blog này