Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Lòng tin và hệ lụy của nó

Cảnh cũng lễ hàng ngày tại Đền Bà  Chúa  Kho 
Động lực sống của con người là lòng tin. Nó có thể là niềm tin vào thánh thần hay một lý tưởng chính trị, hoặc tin vào chính bản thân mình, hoặc đôi khi chỉ là sự ngưỡng mộ đối với một thần tượng, v.v... Niềm tin quan trọng hơn nội dung của nó, hay nói cách khác, sự đúng sai của điều mà người ta tin vào đôi khi không quan trọng bằng những gì dẫn dắt người ta đến với nó.  Niềm tin có thể rất cụ thể, cũng có thể rất mơ hồ trừu tượng, nhưng dù ở dạng nào, nó đều có vai trò như một cái phao cứu sinh đối với con người bé nhỏ bất lực trong vũ trụ bao la vô định. Lòng tin cũng là lẽ sống nên thường khi người ta không có hoặc bị mất niềm tin, tâm hồn sẽ trở nên trống rỗng, sức lực suy sụp và cuộc đời vô nghĩa.

Đó chính là lý do tại sao các loại tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau hình thành và phát triển trên thế giới từ thời thượng cổ đến nay. Và đó cũng là nguyên nhân tại sao các tôn giáo, tín ngưỡng dù khác nhau, thậm chí trái ngược, xung khắc lẫn nhau, nhưng vẫn cùng tồn tại trong xã hội loài người. Và dù muốn hay không, tín ngưỡng là một nhân tố sống còn đối với con người, đồng thời cũng rất dễ bị lợi dụng bởi những thế lực hắc ám chuyên nghề buôn thần bán thánh.  

Lòng tin không chỉ quan trọng đối với cá nhân mà còn quan trọng đối với cộng đồng và quốc gia. Mỗi quốc gia cần có sự cố kết trên cơ sở lòng tin do chính công dân của quốc gia đó lựa chọn một cách không gượng ép cũng không mù quáng; nếu vì một lý do nào đó dẫn đến sự lựa chọn mù quáng thì đó là sự mê tín tai hại. Có thể nói, lòng tin đóng vai trò quyết định đối với sự sống còn của một quốc gia. Nơi nào và khi nào không có lòng tin hoặc lòng tin lung lay suy yếu, nơi đó sẽ trở nên xung yếu và dễ rơi vào khủng hoảng, thậm chí tan rã. 
  
Việt Nam là một trong những quốc gia dân tộc có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng lòng tin nhờ có tư tưởng phật giáo cùng với đạo lý hòa hiếu và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã ăn sâu bám rễ hàng ngàn năm. Tuy vậy, đất nước này cũng không tránh khỏi những chu kỳ thăng trầm khi lòng tin của dân chúng bị đánh mất và vận nước lâm nguy dẫn đến muôn nỗi bi ai như đã thấy trong lịch sử dân tộc. Giờ đây phải chăng một chu kỳ như vậy sắp tái diễn? Đây không chỉ là câu hỏi mà còn là một lời cảnh báo nếu xem xét  bối cảnh tình hình chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước trong mối tương quan khu vực và quốc tế ngày nay. 

Thực tế mấy chục năm nay cho thấy có tình trạng người dân từ chỗ chỉ biết tin vào một hướng là sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước sang chỗ hoài nghi hoặc không biết tin vào đâu. Đây không phải là một ý kiến suy diễn mà đã được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng và được bàn luận công khai trong xã hội. Chỉ có điều, nguyên nhân và giải pháp thì còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
   
Còn nhớ, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, đại đa số nhân dân từ Nam chí Bắc và cả số kiều bào còn ít ỏi lúc bấy giờ đều tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, tin đến nỗi nhiều người đã từ bỏ cả tín ngưỡng của họ để đi theo lý tưởng cộng sản. Và có thời kỳ lòng tin đó đã từng có sức lan tỏa và cuốn hút mạnh mẽ như một tín ngưỡng vậy. Tuy nhiên, lòng tin như vậy đã bắt đầu có dấu hiệu lung lay kể từ sau ngày thắng lợi giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước tháng Tư năm 1975. Dấu hiệu đầu tiên là sự rời bỏ tổ quốc ra đi của hàng triệu con người không chỉ "người của chế độ cũ" mà cả các doanh nhân và dân thường. Và sự ra đi vẫn tiếp diễn cho đến nay, chỉ khác ở nhịp độ và cách thức lặng lẽ hơn và thành phần chủ yếu là người lao động, doanh nhân, học sinh sinh viên và cả giới văn nghệ sĩ, trí thức cùng một số quan chức đã nghỉ hưu hoặc đương chức. Hầu hết các trường hợp ra đi đều có tính toán với mục đích lâu dài. Thực chất đó là một dạng "chảy máu chất xám" rất không đáng xảy ra đối với đất nước trong giai đoạn cần nhân lực để phát triển. 

Sự mất lòng tin còn thể hiện ở trào lưu mê tín dị đoan vốn đã lắng xuống trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc nay lại trỗi dậy như nấm sau cơn mưa. Nó không chỉ lôi kéo dân thường mà cả cán bộ, quân nhân, kể cả đảng viên và cấp lãnh đạo. Nó cho thấy một lẽ thường tình thôi, đó là khi con người ta hoang mang thì có xu hướng tin vào những khái niệm mơ hồ huyền bí như thánh thần hoặc bất cứ điều bí ẩn nào đó để lấp chỗ trống tinh thần đang hụt hẫng của họ. Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều người và nhiều hình thức cúng bái cầu tài cầu lộc, cầu cho bản thân được hơn người, cầu cho thánh thần trừng trị đối phương, đối tác... Để đáp ứng nhu cầu mê tín dị đoan đang tăng lên đột xuất, hàng loạt chùa chiền, đền thờ miếu mão mọc lên như nấm trên khắp các vùng miền dưới danh nghĩa tôn tạo di tích văn hóa-tâm linh, phục hồi truyền thống tín ngưỡng v.v...

Sự mất lòng tin còn thể hiện ở  nhiều khía cạnh khác. Đó là sự sa sút về đạo đức, lối sống trong quan hệ xã hội cũng như trong ý thức chấp hành kỷ cương luật lệ của  nhà nước, v.v... Chưa bao giờ người ta có thể giết nhau một cách "máu lạnh" chỉ vì một nguyên nhân không đâu hay một lợi ích nhỏ nhoi như bây giờ. Không yêu được nhau cũng giết, để cướp vài chục nghìn đồng cũng giết, con giết cha, vợ giết chồng, thậm chí bác sĩ giết bệnh nhân, v.v...Đó là gì nếu không phải là dấu hiệu của sự suy đồi về luân thường đạo lý? Chưa bao giờ tình trạng tham nhũng ngang nhiên lan tràn trước sự bất lực của Nhà nước như bây giờ. Chưa bao giờ trật tự kỷ cương đường phố làng xã bị đảo lộn và bị vi phạm nghiêm trọng như bây giờ. Chưa bao giờ sự vô cảm trở nên như một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bây giờ.    
  
Sự mất lòng tin bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và yếu tố tâm lý khác nhau. Trong số những nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan, bên trong hoặc bên ngoài, thì sự sai lầm về đường lối chủ trương chính sách kinh tế-chính trị-xã hội đóng vai trò chính thường được nói đến bằng những bí danh "lỗi hệ thống", "lỗi cơ chế"... Vẫn biết sai lầm là hoàn toàn có thể hiểu được, nhưng tiếc rằng sai lầm mà không được kịp thời thừa nhận và rút ra bài học khắc phục. Chẳng hạn có những sai lầm phạm phải trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở thành phố và tập thể hóa ruộng đất ở nông thôn lại tiếp tục đem ra áp dụng ở miền Nam; những phương pháp và biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng khắc khổ lại được tiếp tục áp dụng, v.v... khiến người dân không được phút ngơi nghỉ để hưởng bầu không khí hòa bình độc lập tự do và phải tiếp tục lao vào những cuộc đấu tranh, học tập, cải tạo đến sức cùng lực kiệt. Đồng thời trong lúc đó hình ảnh những người cán bộ và anh bộ đội Cụ Hồ một thời lung linh cao đẹp đã nhanh chóng biến thành những con người thực dụng tầm thường trước mắt bàn dân thiên hạ. Xu hướng tự tư tự lợi dựa vào địa vị chức quyền trỗi dậy trong tầng lớp cầm quyền với những khuyết tật vốn có của nó khiến bộ máy công quyền nhanh chóng phình to nhưng kém hiệu quả; hệ thống hành chính bị người dân gọi là "hành dân là chính"; những khẩu hiệu như "lấy dân làm gốc", "do dân, vì dân"...đã bị người dân đem ra đùa tếu hàng ngày.  Trong lúc người dân không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi thì nội bộ giới lãnh đạo ngày càng chia rẽ thành các nhóm lợi ích khác nhau, có chăng chỉ còn chung một thứ lập trường của tầng lớp đặc quyền đặc lợi với cái gọi là "lý tưởng cách mạng" bị lợi dụng làm tấm bình phong.  Sự tùy thuộc lẫn nhau trong xã hội trở nên lỏng lẻo, lòng dân ly tán với tâm lý bất tín, bất an, bất phục ngày càng lan rộng trở thành lực cản đối với tiến trình phát triển và tiến bộ của đất nước. Tâm lý mất lòng tin khiến người ta nghi ngờ tất cả  bất luận đó là thật hay giả, đúng hay sai; và nó như một hiệu ứng domino khiến tình hình ngày một tồi tệ. Một khi lòng tin trong mỗi người đã mất thì rất khó để lấy lại. Nếu trước đây Đảng bảo gì dân nghe theo, thì bây giờ mọi sự chỉ đạo đều có thể bị phớt lờ, thậm chí bị xuyên tạc bóp méo. Người ta không thể cứ kêu gọi hãy tin ở tôi vì tôi là Đảng nên bao giờ cũng do dân, vì dân..., và Đảng bao giờ cũng đúng!  

Nhiều người tin rằng hễ mất lòng tin ắt sẽ dẫn đến sự sụp đổ. Và họ quyết định ngồi đó chờ đợi trong khi những người đương quyền tất nhiên phải ra sức trì hoãn và các nhóm lợi ích thì tranh thủ cơ hội "đục nước béo cò". Sụp đổ là vạn bất đắc dĩ, nhưng nếu được sụp đổ có khi lại tốt. Điều tai hại hơn là tình trạng mất lòng tin cứ thế tiếp diễn kéo dài chỉ đủ mức để phá hỏng mọi nỗ lực phát triển quốc gia và do đó làm tăng thêm nguy cơ mất độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trước kẻ thù truyền kiếp. Đây chính là vòng luẩn quẩn và cũng là kịch bản đáng sợ nhất của đất nước này.

Hà Nội, ngày 27/3/2014
Trần Kinh nghị

Bài cùng chủ đề:
http://www.tudoimoi.org/Aff_mot_bai.php?param=833

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa người Việt Nam và người Nhật Bản? (*)

(*) Bài viết của tác giả Phạm Hoài Nam đăng tại Đàn Chim Việt, ảnh minh họa của chủ blog tôi mới chụp trong chuyến du lịch Nhật Bản gần đây).

Đi bộ từ ga tàu điện đến nơi làm việc là cảnh tượng phổ biến

Trước đây do công việc tôi có dịp đi Nhật nhiều lần cũng như đi nhiều nước khác trên thế giới. Nước Nhật không phải là nước mà tôi thích đến nhất (có thể vì đắt đỏ quá) nhưng đó là đất nước mà tôi nể phục nhất – không chỉ phục ở những thành tựu của sự văn minh, những công trình kiến trúc tuyệt mỹ mà còn ở yếu tố con người.

Kể từ đó tôi luôn tò mò tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của các con cháu Thái Dương Thần Nữ.

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Tàu lạ, máy bay quen

Hai ngày qua cùng lúc có hai thông tin với nội dung căn bản hoàn toàn giống nhau: một về vụ mất tích của chiếc máy bay hành khách của hãng hàng không Malaysia; và một về "tàu lạ" khống chế, cướp phá tàu cá của Việt Nam xem thêm tại đây . Cả hai vụ việc đều xảy ra trên biển Đông, đều mang nội dung nhân đạo và có yếu tố khủng bố. Vụ máy bay mất tích gây thiệt hại lớn và mang tính chất quốc tế nhưng không thiết thân đối với Việt Nam trong khi vụ tàu cá hoàn toàn xảy ra trong vùng biển của Việt Nam gây thiệt hại nặng nề trực tiếp đối với dân chài Việt Nam, và đây chỉ là vụ mới nhất trong hàng ngàn vụ đã xảy ra.

Tuy nhiên, qua cách thức đưa tin và điều hành xử lý của nhà chức trách Việt Nam cho thấy một sự mất cân đối khó hiểu. Nó được thể hiện từ khâu phát ngôn đến khâu chỉ đạo các ngành, các cấp và việc đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi mọi sự "ưu ái" dồn cho vụ máy bay mất tích với hàng trăm chuyến xuất kích của máy bay và tàu thủy (chắc chắn là rất tốn kém) được điều đi phục vụ việc tìm kiếm cứu hộ đối với chiếc máy bay của Malaysia thì chỉ một vài tờ báo mạng đưa tin chung chung về "tàu lạ" khống chế tàu cá của Nha Trang, tuyệt nhiên không thấy phương tiện, lực lượng nào tham gia ứng cứu. Đây không phải lần đầu dân chài bị bỏ mặc trước hành động cướp phá, phạt vạ của các lực lượng Trung Quốc. Điều đáng nói là, đổi lại sự đôn đáo của Việt Nam trong vụ máy bay mất tích, phía Trung Quốc lại lên tiếng nghi ngờ năng lực của Việt Nam đồng thời tìm cách lợi dụng vụ này để đưa thêm lực lượng vào biển Đông.

Tìm kiếm Blog này