Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Tiến hành chiến tranh bằng các phương tiện phi qui ước: Thủ đoạn chính trị của Trung Quốc trong việc sử dụng các lực lượng biển

Tác giả: Toshi Yoshihara (*)
Trần Ngọc Cư dịch, gửi đăng tại BauxitVN

Nguồn bản gốc: thediplomat.com
Hình minh họa (của Bách Việt)
Việc Trung Quốc phát triển và sử dụng một lực lượng biển (seapower) gồm có hải quân và các lực lượng phi quân sự không trực thuộc hải quân đã trở thành nguyên nhân cho sự lo ngại – một sự kiện có thể thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực.
Thái độ quyết đoán gần đây của Trung Quốc trong biển Nam Trung Hoa [biển Đông Việt Nam] là màn dạo đầu cho nhiều vụ việc sắp tới. Dự án xây dựng hải lực của Bắc Kinh và các nguồn lực khổng lồ mà Bắc Kinh nắm được trong tay đã mở ra những viễn cảnh chiến lược mới mẻ cho giới lãnh đạo chính trị và các vị tư lệnh quân đội Trung Quốc. Nắm được các lực lượng biển hùng hậu và đầy đủ khả năng, Bắc Kinh có đủ điều kiện để hoạch định những chiến lược tinh vi, vừa hữu hiệu vừa khó chống trả. Mặc dù những chiến lược này không – nói đúng ra, chưa – báo hiệu một sự tái phối trí trật tự cơ bản trong vùng Đông Nam Á tiếp giáp với biển, nhưng chúng có khả năng dần dần tạo thuận lợi cho các mục đích to lớn hơn của Trung Quốc trong các vùng biển.
Hải lực toàn diện của Trung Quốc
Nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân và hàng hải Trung Quốc đang tạo phương tiện cho Bắc Kinh theo đuổi những tham vọng của mình. Tốc độ và quy mô của tiến trình hiện đại hóa Quân đội Gỉải phóng Nhân dân (QĐGPND) đã bác bỏ nhiều tiên đoán của phương Tây, làm đảo ngược các kết luận lạc quan và thậm chí trịch thượng của các đối thủ về các khả năng trên biển của Trung Quốc. Nhưng, lực lượng biển (seapower) không phải chỉ là hải quân (the navy). Nói đúng ra, nó là một tập hợp của nhiều thành phần gần giống nhau (continuum) có thể tạo ra nhiều phương án để Bắc Kinh tùy nghi lựa chọn. Các chương trình và các hệ thống phi hải quân (non-naval) và phi quân sự (non military) chiếm một phần đáng kể trong lực lượng biển của Trung Quốc.
Các loại vũ khí tầm xa, bắn chính xác, được triển khai trên lục địa có thể ảnh hưởng, có lẽ một cách quyết định, đến các biến cố trên biển. Tên lửa đạn đạo chống chiến hạm – một loại tên lửa đạn đạo cơ động có thể bắn trúng những mục tiêu di động trên biển – chỉ là một thành viên thuộc đại gia đình tên lửa trong kho vũ khí Trung Quốc, có khả năng mở những đợt pháo kích ra biển. Thật vậy, QĐGPND thường khoe khoang về máy bay chiến đấu , máy bay thả bom, và các đơn vị tên lửa hành trình đóng trên bờ biển, có thể phóng những tràng tên lửa chống chiến hạm.
Sự tăng trưởng của ngành hải giám và tuần tra biển của Trung Quốc cũng ấn tượng không kém. Cánh dân sự trong các lực lượng biển Trung Quốc đã tạo điều kiện để Bắc Kinh gửi các tàu phi quân sự ra đối đầu với Philippines ở biển Đông Việt Nam và với Nhật Bản ở biển Đông Trung Hoa. Thậm chí những tàu dân sự cũng có thể tạo thành các lực lượng dân quân biển (maritime militias) để phục vụ các mục tiêu trên biển của Trung Quốc. Tắt một câu, Trung Quốc có đủ các thành phần đa dạng trong lực lượng biển của mình để bảo vệ đặc quyền trên các vùng biển.
Việc sử dụng các lực lượng quân sự và phi quân sự có tính cách chính trị
Các lực lượng biển ngày càng hùng hậu của Bắc Kinh đã cho phép chính quyền này sử dụng các chiến lược gồm cả việc vận dụng các phương tiện quân sự và phi quân sự của lực lượng biển với mục tiêu chính trị là chống lại các địch thủ nhỏ bé trên biển Đông. Các chiến lược này kết hợp khéo léo các khả năng tác chiến với các cuộc biểu dương lực lượng có chừng mực. Chúng gia tăng lợi thế của Trung Quốc trong các cuộc đấu tranh quân sự-chính trị trường kỳ bằng cách làm tiêu hao ý chí của đối phương.
Trong trường hợp có khủng hoảng trên biển vào thời bình giữa Trung Quốc với các quốc gia tương đối yếu tại Đông Nam Á, sự kết hợp đầy sáng tạo các lực lượng QĐGPND có thể được vận dụng để bẻ gãy ý chí của các nước láng giềng phía Nam. Hãy xét đến lợi điểm của tên lửa đạn đạo chống chiến hạm nói trên. Nếu khả năng hoạt động của nó hữu hiệu như được rêu rao, loại tên lửa này có thể bù đắp lại những khuyết điểm hiện nay trong các loại vũ khí trên biển của Trung Quốc. Tầm đạn của hoả lực yểm trợ từ bờ biển bắn đến các vị trí trên toàn biển Đông sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho hạm đội Trung Quốc, đồng thời tạo sức ép thường xuyên lên các đối thủ dám thách thức các lợi ích của Bắc Kinh trong thời bình.
Dưới chiếc dù che chở của tên lửa đạn đạo chống chiến hạm, thậm chí các tàu chiến cỡ nhỏ của Trung Quốc cũng có thể trở thành vũ khí lý tưởng để đe dọa các phe yếu hơn. Chẳng hạn, các đội tàu nhỏ được trang bị tên lửa, có khả năng tấn chông chớp nhoáng, hoạt động trong quần đảo Trường Sa dưới sự yểm trợ của tên lửa từ bờ biển bắn ra, có thể đẩy lùi hầu hết các hạm đội Đông Nam Á. Thỉnh thoảng Trung Quốc lại tung ra các đội tàu nhỏ như thế để nói lên quyết tâm của mình, buộc đối phương phải xuống nước hay đáp ứng tham vọng của Bắc Kinh. Loại chính sách ngoại giao hạm thuyền mang đặc tính Trung Quốc này là điều ta có thể quan niệm được trong các cuộc khủng hoảng tương lai.
Khả năng của Trung Quốc trong việc sử dụng những yếu tố phi quân sự trong lực lượng biển của mình đã được phô trương đầy đủ tại Bãi cạn Scarborough mùa Xuân năm nay. Cuộc đối đầu với Philippines đã đưa đến việc sử dụng những tàu phi chiến đấu có chức năng tuần duyên đặt dưới quyền kiểm soát của Cục Hải giám Trung Quốc, một cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ các khu đặc quyền kinh tế của Bắc Kinh. Trong một hành động biểu dương quyết tâm chưa từng có trước đây, các tàu Hải giám Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku, tiếp theo sau quyết định quốc hữu hóa các đảo tranh chấp này của Tokyo vào tháng Chín 2012.
Việc sử dụng các phương tiện phi hải quân (non-navy assets) trong các vụ xung đột về lãnh thổ đã phơi bày một chiến lược, vừa tinh vi vừa có phương pháp, nhằm đảm bảo các đòi hỏi chủ quyền trên biển của Trung Quốc. Việc sử dụng các phương tiện phi quân sự tránh được sự leo thang xung đột, đồng thời đảm bảo rằng các cuộc tranh chấp vẫn giữ được tính cách địa phương. Cụ thể là, nó không cho phép Mỹ và các cường quốc bên ngoài có đủ lý lẽ để nhảy vào bênh vực các quốc gia đang lâm trận ở trong khu vực.
Đồng thời, các tàu phi quân sự cho phép Bắc Kinh có khả năng áp đặt một sức ép ở cấp độ thấp và liên tục lên các đối thủ có yêu sách chủ quyền trên các đảo và lãnh hải trong biển Đông. Các cuộc tuần tra liên tục của Trung Quốc có thể thăm dò những chỗ yếu trong khả năng hải giám của các nước ven biển, đồng thời thử thách quyết tâm chính trị của những quốc gia này. Ngoài ra, việc giữ cho các cuộc tranh chấp diễn ra ở mức âm ỉ, cho phép Trung Quốc nắm thế chủ động ngoại giao trong việc làm gia tăng hoặc giảm bớt nhiệt độ căng thẳng, tùy theo đòi hỏi của các tình huống chiến lược.
Và nếu tất cả mọi phương tiện khác đều thất bại, Bắc Kinh vẫn còn có thể sử dụng hải quân và các loại vũ khí đặt dọc theo bờ biển để yểm trợ cho tàu của các cơ quan dân sự. Sự kiện Trung Quốc – khác với các đối thủ yếu kém – có sự lựa chọn leo thang tranh chấp chỉ làm tăng thêm yếu tố hăm dọa (the intimidation factor) ở những nơi như Bãi cạn Scarborough hay quần đảo Trường Sa. Như đã nói ở trên, nội khả năng Trung Quốc dùng hải quân để o ép cũng có thể khiến một đối phương phải xuống nước trong một cuộc khủng hoảng. Thật vậy, cán cân lực lượng hải quân càng nghiêng về phía Trung Quốc, thì nó càng có khả năng trở thành một mối ám ảnh cho các thủ đô Đông Nam Á, khi các quốc gia này cân nhắc các phương án lựa chọn của mình.
Tự bản thân, các cuộc tuần tra biển trong thời bình là không quan trọng, nhưng khi được yểm trợ bằng hoả lực thực sự, chúng có tầm quan trọng đáng kể. Tác động qua lại giữa các lực lượng quân sự và phi quân sự của Trung Quốc như vậy đã gia tăng lợi thế chiến lược của Bắc Kinh.
Một chiến lược làm đối phương kiệt sức trên biển
Những hành động o ép và dọa nạt có thể không tạo ra kết quả rõ ràng hay quyết định như một thắng lợi trên chiến trường. Một loạt các cuộc đọ sức quyết liệt có thể diễn ra, mà không có hồi kết thúc trước mắt hay mang lại một thành quả rõ rệt cho Trung Quốc. Nhưng, các hiệu ứng tích lũy của một tình trạng bế tắc liên tục có thể tạo ra sự mệt mỏi chiến lược cho đối phương, do đó sẽ phục vụ các mục tiêu của Trung Quốc. Vì chưa phải là một cuộc chiến bằng súng đạn, những khiêu khích của Trung Quốc là quá nhẹ không đáng cho Mỹ phải can thiệp bằng quân sự. Bằng cách cố giữ cho các hoạt động của mình nằm dưới ngưỡng leo thang, Trung Quốc sẽ có thêm khả năng điều động, để thử thách quyết tâm của Mỹ đồng thời củng cố các đòi hỏi chủ quyền của mình.
Trong khi Trung quốc vừa lấn tới vừa thăm dò, thì các kỳ vọng trong khu vực – rằng Mỹ phải làm một việc gì đó – tất yếu sẽ gia tăng, thậm chí cả khi các quốc gia nhược tiểu đang tìm kiếm những dấu hiệu về sự lung lay quyết tâm của Mỹ. Viễn cảnh về các cuộc đối đầu lặp đi lặp lại, mà không mấy hy vọng được Mỹ can thiệp trực tiếp, có thể đè nặng lên các thủ đô Đông Nam Á. Nếu được áp dụng bằng một thái độ kiên trì và có kỷ luật từ phía Trung Quốc, chiến lược tiêu hao lực lượng này có thể bào mòn lòng tin tưởng trong khu vực [đối với Mỹ] và hủy hoại ý chí chính trị [chống lại Trung Quốc] của các nước nhỏ.
Nhưng đường lối tiêu hao này chỉ là hình ảnh chụp vội các lực lượng biển Trung Quốc ngày nay. Cũng có thể rằng, việc Bắc Kinh áp dụng sức ép theo từng cấp độ cũng chỉ là một biện pháp vá víu, để Trung Quốc có đủ thời gian tạo khả năng định đoạt các biến cố trên biển. Các xu thế gần đây cho thấy rằng các lực lượng quân sự và phi quân sự sẽ tiếp tục lớn mạnh nhờ sự tiếp sức liên tục bằng các loại vũ khí mới và nhân lực mới.
Ngân sách quốc phòng gia tăng liên tục trên 10% trong vòng hai mươi năm qua, đã cho phép Trung Quốc có đủ nguồn lực để phát huy các phương án vượt ra ngoài các phương án dành cho một tình huống đột xuất trên đảo Đài Loan – mãi cho đến gần đây, Đài Loan là mối quan tâm lớn nhất. Các nhà phân tích đã phát hiện được việc Trung Quốc đang xây dựng lực lượng quân sự tại các vùng sẽ làm nơi xuất phát, dành cho địa bàn hành quân tại Đông Nam Á. Bắc Kinh cũng có vẻ đang đẩy mạnh hoạt động tại các công xưởng hải quân, theo phương pháp đa trục, đồng thời đưa vào khuôn những thân tàu cho các chiến hạm đủ loại.
Tương tự như thế, các cơ quan tuần dương cũng đang tuyển mộ thêm nhân viên đồng thời tiếp nhận các tàu hải quân đã giải nhiệm. Hơn thế nữa, các xưởng đóng tàu Trung Quốc đang sản xuất các tàu tuần duyên hiện đại nhất như sản xuất lạp xưởng. Nhiều chiếc có khả năng đi tuần tra lâu ngày đến tận những vùng xa nhất ở biển Đông Trung Hoa và biển Đông Việt Nam, nhằm đảm bảo rằng Bắc Kinh có thể duy trì sự hiện diện nổi bật tại các vùng biển mà Bắc Kinh quyết đoán quyền tài phán chủ quyền của mình. Thật vậy, chiếc Hải Giám 84, một trong những chiếc tàu tuần dương hiện đại nhất của Trung Quốc, đã chiếm vị trí trung tâm tại cuộc đối đầu ở Bãi cạn Scarborough.
Chắc chắn là, Trung Quốc vẫn chưa có đầy đủ phương tiện quân sự để biến biển Đông thành một ao nhà của mình. Một khả năng kiểm soát, dù ít dù nhiều, có thể vĩnh viễn đẩy hải quân của các địch thủ ra khỏi những vùng biển này, vẫn còn nằm ngoài tầm với của Trung Quốc, nếu thực sự đấy là mục tiêu của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, thậm chí một sự tăng cường khiêm nhượng trong các lực lượng biển của Trung Quốc cũng có thể làm nghiêng cán cân lực lượng về phía Trung Quốc một cách rõ rệt trong các tình huống đột xuất thời bình nếu không có sự can thiệp của Hải quân Mỹ. Một vài nước trong khu vực, chẳng hạn Việt Nam, đã lao vào những chương trình hiện đại hóa hải quân, nhưng họ không thể nào bắt kịp Trung Quốc. Qua một thời gian, nếu không gặp sự chống đối từ các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, hay Úc Đại Lợi, thì ngay cả những cuộc biểu dương lực lượng biển cỡ nhỏ của Trung Quốc, nhằm khuynh loát các hạm đội Đông Nam Á, cũng có thể bắt đầu đưa đến sự khứng chịu bất đắc dĩ của các nước trong khu vực trước các yêu sách đối ngoại của Bắc Kinh. Một sự đồng thuận như vậy, dù bất đắc dĩ đến đâu, cũng sẽ giáng một đòn nghiêm trọng cho nền tảng trật tự trong khu vực.
Những ngụ ý đối với chiến lược “tái quân bình lực lượng” Mỹ hướng về châu Á
Bản phân tích nói trên nhấn mạnh tình trạng nan giải của nhiều nước Đông Nam Á nếu họ phải một mình đối đầu với Trung Quốc. Thật không có gì đáng ngạc nhiên, khi nhiều chính phủ trong khu vực đã hướng về Mỹ như một bức tường thành chống lại những bước lấn tới của Trung Quốc. Những chính phủ này nhìn nhận rằng thế siêu cường của Mỹ trong các vùng biển châu Á sẽ là sức mạnh quan trọng định đoạt thắng-thua cho những tham vọng của Trung Quốc. Về phần mình, Washington đã đưa ra những tuyên bố rất công khai về lợi ích của mình tại các vùng biển châu Á. Chiến lược “xoay trục” hay “tái quân bình lực lượng” hướng về châu Á đã tìm cách trấn an các nước trong khu vực rằng Mỹ sẽ không từ bỏ vai trò ổn định tình hình mà Mỹ vẫn giữ từ lâu.
Cũng may là, hiện nay vẫn còn có đủ thì giờ để các nước tăng cường tối đa sự đồng thuận về lợi ích chung và tổ chức một hành động đối phó hữu hiệu. Trung Quốc phải cần ít ra một thập kỷ nữa mới xây dựng được một lực lượng biển hùng hậu có sức đuổi Mỹ ra khỏi biển Đông trong khi tự do hà hiếp các nước Đông Nam Á. Hiện nay, Washignton có thể theo đuổi nhiều biện pháp nhằm đảm bảo rằng việc các nước trong khu vực chịu khuất phục trước tham vọng của Trung Quốc không phải là một chuyện đương nhiên
Một là, Washington và đồng minh của mình phải tích cực giúp các quốc gia Đông Nam Á tự cứu mình. Các nước trong khu vực phải có một nội lực để đương đầu với các cuộc xâm lấn biển đảo đến từ Trung Quốc. Việc Mỹ chuyển giao cho Philippines những tàu tuần duyên chế tạo trong thập niên 1960 là một bước khiêm nhường đi đúng hướng. Thời điểm chuyển giao các tàu này hóa ra là một sự trùng hợp ngẫu nhiên: chiếc tàu Philippines đầu tiên đã đáp ứng mệnh lệnh khi còn ở ngoài khơi của Bãi cạn Scarborough là kỳ hạm (flagship) BRP Gregorio del Pilar, vốn là chiếc Hamilton thuộc Cục Tuần duyên Mỹ trước đây. Nhưng, những chiếc tàu cũ được chuyển giao lại này không đáp ứng đủ nhu cầu của Manila. Việc Nhật Bản gần đây đề nghị bán cho Philippines 12 tàu tuần duyên mới toanh là một dấu hiệu khích lệ cho thấy các cường quốc bên ngoài đang tìm cách để chỉnh sửa cán cân lực lượng trong khu vực.
Hai là, Mỹ phải thúc đẩy sự phát triển một nỗ lực trên toàn khu vực để theo dõi các lực lượng biển Trung Quốc. Những hệ thống vệ tinh không người lái trên không, chẳng hạn, có thể cung cấp cho các quốc gia chung quanh biển Đông một bức tranh chung về vùng biển này. Bằng cách vận dụng những công nghệ như thế, một hệ thống chia sẻ thông tin có khả năng minh bạch hóa các vùng biển châu Á, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sẽ là một tiến bộ lớn trong việc nâng cao lòng tự tin và khả năng ngăn chặn trong khu vực. Cũng nên ghi nhận rằng, chính quyền Tokyo lâu nay vẫn cung ứng một dịch vụ truyền tin cho toàn khu vực bằng cách công khai tường thuật chi tiết các tàu hải quân Trung Quốc đi qua các eo biển quốc tế và các hoạt động khác của Trung Quốc gần lãnh hải Nhật Bản.
Ba là, Mỹ phải vạch ra các kế hoạch để quân đội Mỹ có thể triển khai các đơn vị có trang bị vũ khí pháo kích trên biển, như các ổ tên lửa hành trình chống tàu chiến địch được đặt trên lãnh thổ bạn hay đồng minh. Nắm được phương án để nhanh chóng đưa thêm vào lãnh thổ các đồng minh những lực lượng phòng thủ, liền sau khi được thông báo, sẽ trấn an được các đồng minh của Mỹ trong thời bình, cũng như củng cố khả năng hành động có hiệu quả của Mỹ trong các giai đoạn có khủng hoảng. Những lực lượng tăng viện của Mỹ sẽ trấn an được tâm lý đồng thời nâng cao quyết tâm tự vệ của nước sở tại. Mỹ phải khuyến khích các nước bạn và đồng minh phát triển và tăng cường các phương án tác chiến trên biển của chính mình.
Sau cùng, Hải quân Mỹ phải duyệt xét lại những giả định đang thịnh hành về khả năng của mình trong việc khống chế các vùng biển quốc tế. Nhiều năm được thoải mái sau thời Chiến tranh lạnh đã phát sinh một tâm lý tự tin hão huyền, khiến Hải quân Mỹ dễ coi thường việc kiểm sóat các biển. Cũng nên nói là, lần cuối cùng Hải quân Mỹ đã lâm trận với một kẻ thù đáng nể là tại Vịnh Leyte [Philippines] vào năm 1944. Khi Trung Quốc tiến quân ra biển, thì sẽ có một môi trường biển nguy hiểm hơn nhiều chờ đợi ở tương lai. Đối với một quân chủng đã lâu ngày quen thuộc với các vùng biển không tranh chấp, thái độ biết chấp nhận những nguy hiểm xảy đến cho hạm đội của mình sẽ là một ưu tiên khẩn thiết hơn bao giờ.
Tạo thành mạng lưới trong khu vực
Những biện pháp nói trên sẽ giúp tạo ra một thế phòng thủ được liên kết nhau và có nhiều tầng cấu trúc, một thế phòng thủ xuất phát từ chính các quốc gia trong khu vực. Là những quốc gia ở tuyến đầu, họ phải được tăng cường sức mạnh để có thể phản ứng trước nhất đối với các động thái của Trung Quốc ở trên biển. Việc chia sẻ thông tin giữa các quốc gia duyên hải sẽ nhấn mạnh sự mất còn của các quyền lợi chung trong những vùng biển quốc tế, đồng thời thúc đẩy một hành động tập thể. Một mạng lưới gồm các quốc gia biết cảnh giác trước những mưu mô của Trung Quốc sẽ có một cơ may tốt đẹp hơn trong việc ngăn chặn, và, nếu không làm được điều này, cũng phản ứng nhanh chóng hơn trước những hành động của Trung Quốc. Về phần mình, Mỹ sẽ phải cung cấp một hậu thuẫn chiến lược cho các quốc gia đối tác ở Đông Nam Á, bằng các phương tiện quân sự kín đáo, không để lại dấu vết, nhưng có khả năng tạo được cú đấm và được coi là biểu tượng mạnh mẽ cho sự cam kết của Mỹ đối với khu vực này.
Các nỗ lực làm gia tăng những chi phí và những rủi ro cho Trung Quốc, vì hành vi quyết đoán của nước này trong biển Đông, sẽ làm xáo trộn bài toán của Bắc Kinh, đồng thời khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải suy nghĩ chín chắn trước khi hành động. Ngoài ra, khi các nước buộc Trung Quốc phải có thái độ thận trọng tức là họ đã hãm lại được đà tiến quân ra biển của Bắc Kinh, đồng thời làm tươi sáng viễn ảnh phục hồi thế quân bình trong khu vực và lấy lại thế chủ động chiến lược.
Toshi Yoshihara giữ ghế Chủ toạ John A. Van Neuren trong Chương trình nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ (the U.S. Naval War College). Bài báo này là một phiên bản được duyệt lại từ bản điều trần của Tiến sĩ Yoshihara trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào ngày 12 tháng Chín năm 2012. Quan điểm được trình bày ở đây là quan điểm riêng của tác giả.
T.Y.
--------------
Bách Việt 

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Khi lòng yêu tiền thế chỗ lòng yêu nước

Nhìn hàng hóa, máy móc thiết bị, đồ chơi, văn hóa phẩm của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, trong đó đa số là hàng nhập lậu hoặc có độc tố nguy hiểm, những người Việt Nam ít nhiều có hiểu biết về thời kỳ kháng chiến chống Pháp chắc không khỏi phân vân: Lòng yêu nước và ý chí tự cường của người Việt Nam đi đâu mất rồi?
 
Còn nhớ, suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, VÙNG TỰ DO  (tức là  lãnh thổ của nhà nước kháng chiến VNDCCH) đã rất thành công với chủ trương "tẩy chay hàng ngoai hóa" (tức là hàng hóa từ vùng tạm chiếm của quân Pháp). Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ thời bấy giờ, nhân dân đã kiên quyết không tiêu thụ hàng hóa của địch. Tuy thiếu thốn, quân dân vùng tự do vẫn tự giác thiêu hủy tất cả các loại hàng hóa bắt được của bọn buôn lậu hoặc hàng "tâm lý chiến" do máy bay địch thả dù xuống. Đồng thời chính phủ thúc đẩy phát triển một nền kinh tế tự cung tự cấp khá hoàn chỉnh tồn tại độc lập với nền kinh tế vùng tạm chiếm của quân Pháp. Có được kết qủa đó là do chủ trương đúng đắn kịp thời của Hồ Chủ tịch và được quân dân đồng lòng hưởng ứng. 
Giờ đây hơn nữa thế kỷ đã trôi qua, tình hình tuy khác nhau, nhưng bản chất của vấn đề hàng ngoại vẫn như nhau. Sự khác nhau trong cách ứng xử của chính phủ và người dân mới là điều đáng nói. Nó  cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong quan niệm sống và lòng yêu nước của người Việt Nam giữa hai thời kỳ. Điều gì khiến mọi người trở nên vô cảm và bất lực trước sự tràn ngập hàng hóa các loại từ phương Bắc mà trong thâm tâm ai cũng biết là kẻ thù mới của dân tộc? Chẳng lẽ người Việt chỉ yêu nước khi nước mất nhà tan; và không cần yêu nước nữa khi đã là chủ nhân của đất nước ? 

Để có thêm cơ sở bàn luận về điều này, ta hãy điểm lại những khái niệm cơ bản về lòng yêu nước. Trong từ điển tiếng Anh có một định nghĩa ngắn gọn: "Patriotism is love for or devotion to one's country" (tạm dịch: Yêu nước là tình yêu hoặc sự phụng sự cho đất nước của một người). Nhưng văn hào Nga Êrenbua nói về lòng yêu nước một cách cụ thể như sau: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất , yêu cái cây trồng ở trước nhà , yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông , yêu vị thơm chua chát của trái lê mùa thu , hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…" Người Việt Nam thì có cách ví von sinh động:  "Quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày; ...là đường đi học...; là con diều biếc v.v...và kết luận: "Nếu ai không nhớ sẽ không lớn nỗi thành người!". 

Quả vậy, với người Việt, quê hương thiêng liêng biết nhường nào, vì đó là "nơi chôn rau cắt rốn" của mỗi người. Chính tình yêu nước cụ thể, thiết thân, gần gụi như thế là động lực để người Việt chiến đấu chống bất cứ kẻ thù nào âm mưu chiếm đoạt quê hương của họ, từ quy mô làng xã đến quốc gia. Quê hương là nền tảng của lòng yêu nước mà mỗi khi được kích hoạt bởi các thủ lĩnh chân chính nó sẽ nhân lên thành sức mạnh tổng hợp và vô địch.
  
Phải chăng sự khác biệt bắt nguồn từ đặc điểm của hai thời kỳ với những người thủ lĩnh của nhân dân- đó là thời kỳ Hồ Chí Minh và thời kỳ hiện nay? Trong thời kỳ Hồ chí Minh với sự nghiệp chính  là đấu tranh giành độc lập dân tộc, lòng yêu nước thật rõ ràng và dứt khoát. Đó là việc lựa chọn đứng về phía đại đa số nhân dân, không làm tay sai cho đế quốc-thực dân nước ngoài; mỗi người với hoàn cảnh và điều kiện của mình có thể trực tiếp tham gia hoặc hoặc gián tiếp ủng hộ cách mạng . Ở thời kỳ đó, cái chết kiêu hãnh không khuất phục kẻ thù được coi là biểu hiện cao cả nhất của lòng yêu nước. Đối lập với nó là sự đầu hàng, cầu vinh  được gọi là "phản quốc". Yêu nước và phản quốc là hai thái cực của thước đo nhân cách. Thời kỳ đó, cái chết được coi là chỉ dấu cao thượng nhất của lòng yêu nước, và không có chỗ cho sự đầu hàng hoặc thậm chí khi nó chỉ là một ý định hay một mánh lới nhằm thoát khỏi cái chết. Lại càng không có chỗ cho sự cầu vinh.


Tuy nhiên, sau khi hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách thực dân nước ngoài, cụ thể là sau 1975, biểu tượng của lòng yêu nước đã dần thay đổi khi chính những người giải phóng trở thành chủ nhân của đất nước. Họ dần quên đi nỗi sợ hãi sống chết và trở nên ham sống sợ chết, ham muốn  vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhiều người muốn vươn tới  giàu sang phú quý càng nhanh càng tốt. Trong thời kỳ này sự sống và khả năng sống tốt hơn là thước đo của lòng yêu nước. Sự phức tạp và dễ nhầm lẫn về lòng yêu nước cũng bắt đầu từ đó. Người ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì có lợi cho mình , thậm chí để hưởng lợi từ sự hy sinh của các thế hệ đi trước, có thể đơn giản bằng cách khai man lý lịch để truy công, truy thưởng hoặc bằng cách núp bóng tiền nhân nhằm kéo dài quyền lực của bản thân, gia tộc và của "nhóm lợi ích". Những hành vi này không chỉ bởi từng cá nhân mà đôi khi cả một tập thể; không chỉ tự phát mà còn  được thể chế hóa. Ấy là lúc mà "một bộ phận không nhỏ" những kẻ có quyền lực tự tách mình ra khỏi đông đảo quần chúng nhân dân. Ranh giới khác biệt về khái niệm lòng yêu nước cũng bắt đầu từ đó. Đó là lúc lòng yêu tiền và quyền lực len lõi vào đời sống xã hội, thậm chí chế ngự lòng yêu nước. Khái niệm yêu nước tưởng chừng đơn giản trước đây, giờ trở nên mơ hồ khó hiểu, khó phân biệt. Thật không đơn giản để mọi người cùng nhìn về một hướng trong khi lợi ích đã an bài ở nhiều hướng và các tầng nấc xã hội khác nhau, được phân chia và kiểm soát bởi các nhóm lợi ích khác nhau. Đó là cái khó của người thủ lĩnh khi phải xác định đứng  ở vị trí nào trước sức cám dỗ của quyền lực và tiền tài dưới sức ép của các nhóm lợi ích. Mặc khác tình hình mới cũng thuận tiện hơn để họ biện luận cho sự phản bội đối với lợi ích của quốc gia dân tộc bằng những lập luận mơ hồ, thậm chí được sự hậu thuẫn của các thế lực nước ngoài. Họ có thể lập luận rằng chỉ có những kẻ dại khờ mới chối từ quan hệ với những đối tác nước ngoài chào thầu với giá rẽ,  và rằng tẩy chay hàng hóa từ một nước bạn láng giềng là không phù hợp với thời đại toàn cầu hóa! Vân vân và vân vân... Họ có quá đủ những lập luận kiểu này để bảo vệ những lợi ích đã được thiết lập của họ. 

Tóm lại, ngày nay giới lãnh đạo đất nước (cũng là thủ lĩnh của dân tộc) khác với thời kỳ Hồ Chí Minh ở chỗ họ đều có  lợi ích riêng tư và bị ràng buộc bởi những mối quan hệ lợi ích của giai tầng thống trị. Nói cách khác họ là đại diện của hệ thống lợi ích đã được thiết lập, và lợi ích  tối cao của họ là phải bảo vệ hệ thống lợi ích đó bằng bất cứ giá nào. Từ quan điểm này họ đưa ra những quyết sách chính trị, quốc phòng và dân sinh. Mọi chủ trương đối phó với Trung Quốc cũng phụ thuộc vào sự tính toán như vậy. Có điều là, khi chưa có chủ trương từ cấp trên thì các doanh nghiệp vẫn đua nhau tranh thủ kiếm lời bằng những thủ đoạn buôn gian bán lận, thậm chí tiếp tay cho âm mưu phá hoại của kẻ thù, trong người dân không thể "cầm đèn chạy trước ô tô" và bản chất dân chúng không bao giờ đồng nhất nếu không có vài trò dẫn dắt của thủ lĩnh. Đó là lý do tại sao cứ kéo dài tình trạng người và hàng Trung Quốc ngày càng tràn ngập lãnh thổ Việt Nam như ta thấy gần đây.

Có lẽ chưa bao giờ người yêu nước trở nên lạc lỏng như bây giờ. Nếu ai đó lên tiếng kêu gọi lòng yêu nước thì có thể bị dư luận cho là "vô công rồi nghề", thậm chí bị soi mói bởi nhà chức trách . Có một nhóm người khác cũng hay nói đến lòng yêu nước, đó là những người đang sống ở nước ngoài; họ yêu nước theo theo đúng nghĩa yêu quê hương. Thỉnh thoảng ta có thấy lòng yêu nước "tái hiện" bởi một số người giàu có qua những hoạt động từ thiện hay hoạt động tuyên truyền vận động chính trị. Ai cũng biết, trong bối cảnh Việt Nam, hầu hết những người này đã giàu lên bằng cách vi phạm các hành vi  tham nhũng hay câu kết và phản bội. Đối với họ, mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền, nên họ cho rằng có thể mua lại lòng yêu nước sau khi đã có rất nhiều tiền. Nhiều kẻ khác cũng đang định làm thế. Nhưng trong khi chưa có nhiều tiền, họ tự cho phép mình quên đi lòng yêu nước, đó là điều dẽ hiểu. Đó cũng là lý do của tình trạng khá phổ biến hiện nay khi một số kẻ thường giả ngô giả ngọng khi nói về lòng yêu nước hoặc thậm chí không phân biệt được những người yêu nước thật với các "thế lực thù địch". Đó là một trong những sự thật đầy tính bi hài của đất nước ta ngày nay./.   


Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Thế kỉ Trung Quốc?


Phạm Thị Hoài lược dịch /Blog pham thi hoai /Anh Basam 17/9 2012
Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư ĐCSVN tại Singapore đang được dư luận quan tâm. Cuộc trò chuyện kéo dài ba ngày mới đây giữa hai chính khách kì cựu, một ở phương Đông và một ở phương Tây: cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt (Đảng Dân chủ Xã hội) có thể cung cấp cho người đọc Việt Nam một số góc nhìn tham khảo về những đề tài lớn, đặc biệt về sự dịch chuyển quyền lực, sự phân cực trên thế giới và vai trò của Trung Quốc trong thế kỉ này.
Người dịch
­­­­­­­­­­­­__________________
Helmut Schmidt: Lần đầu tiên đến Bắc Kinh tôi được Hoàng đế Trung Hoa tiếp – hồi đó ngài là Mao Trạch Đông.
Lý Quang Diệu: (cười)
Helmut Schmidt: Mao là một tay tàn bạo.
Lý Quang Diệu: Ông ta là một nhà lãnh đạo chiến tranh du kích lỗi lạc đã giải phóng Trung Quốc. Nhưng ông ta cũng tàn phá Trung Quốc bằng Cách mạng Văn hóa. 18 triệu người chết đói vì phải đem hết dao và muổng ra để luyện gang. Ông ta thật điên rồ. Tưởng giải phóng Trung Quốc xong rồi thì thay đổi thế giới có khó gì.
Helmut Schmidt: Ông ta cho rằng: Cần gì giai cấp vô sản công nghiệp, dùng vô sản nông thôn cũng được.
Lý Quang Diệu: Đúng vậy.
Helmut Schmidt: Nhưng người nông thôn thường không sẵn tinh thần cách mạng.
Lý Quang Diệu: Điều đó tôi không chắc. Ở thời buổi của iPhone, internet và truyền hình toàn quốc bây giờ, người ta rất bất mãn vì thấy nhà mình thì tồi tàn, còn những thành phố duyên hải lại thịnh vượng.
Helmut Schmidt: Thời ông, ai là nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất?
Lý Quang Diệu: Đặng Tiểu Bình.
Helmut Schmidt: Tôi đồng ý. Đặng Tiểu Bình là nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất trong tất cả những người tôi từng gặp.
Lý Quang Diệu: Người có một mét rưỡi, nhưng tầm vóc chính trị thì khổng lồ.
Helmut Schmidt: Năm 1983 tôi có một buổi trò chuyện với ông ấy. Hai chúng tôi và một người phiên dịch, khi đó chúng tôi đã quen nhau gần mười năm, nên nói chuyện khá cởi mở và thành thật. Tôi giễu cợt rằng nhìn kĩ vào thực tế thì những người cầm quyền ở Bắc Kinh không được trung thực lắm; họ tuyên bố mình là cộng sản, nhưng thực ra thì họ theo Khổng giáo. Đặng có vẻ hơi sốc một chút, mất vài giây, nhưng sau đó thì ông ấy đáp lại bằng vỏn vẹn ba từ. Ba từ đó là: “Thì đã sao?” (Lý Quang Diệu cười.) Tôi công nhận Đặng là một người vĩ đại.
Lý Quang Diệu: Ông ấy có tinh thần cầu thị. Ông ấy đến thăm Singapore, thấy một hòn đảo nhỏ bé không có tài nguyên gì nhưng thịnh vượng, đầy của cải, mọi người đi mua sắm, trong túi rủng rỉnh tiền. Ông ấy quan sát, đặt những câu hỏi chính xác và đi đến kết luận rằng chính sách đầu tư cởi mở của chúng tôi đã đem lại công nghệ và những thị trường mới. Trở về Trung Quốc, ông ấy lập ra sáu đặc khu kinh tế theo mô hình Singapore. Ông ấy thành công và mở cửa Trung Quốc dần dần. Điều đó đã cứu Trung Quốc.
Helmut Schmidt: Thế kỉ 20 được gọi là thế kỉ Hoa Kì. Thế kỉ 21 liệu có là thế kỉ Trung Quốc không?
Lý Quang Diệu: Về tổng sản phẩm nội địa thì đúng. Đến năm 2035, GDP của Trung Quốc sẽ lớn hơn của Hoa Kì. Còn về Quyền lực Mềm (Soft Power), về sức hấp dẫn đối với kẻ khác thì tôi không chắc lắm, vì Hoa ngữ là một trở ngại cho bất kì ai muốn hội nhập với Trung Quốc.
Tuần báo Zeit: Người ta đang nói nhiều đến sự “dịch chuyển toàn cầu”, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Có phải Đại Tây Dương đã thuộc về quá khứ và Thái Bình Dương là tương lai không?
Lý Quang Diệu: Không, theo tôi không nên đánh giá như vậy. Tôi tin rằng từ góc nhìn của đa số người Mỹ hiện nay, châu Âu là một đồng minh khá chắc chắn. Vấn đề của Mỹ sẽ là Trung Quốc. Vậy sự dịch chuyển đó có nghĩa gì? Có nghĩa là Mỹ phải tập trung đầu tư kinh tế và các hoạt động quân sự vào khu vực Thái Bình Dương. Nhưng không có nghĩa là dịch chuyển quyền lực trên thế giới. Mà có nghĩa là Mỹ hướng tiêu điểm vào một sự đe dọa mới cho vị trí bá quyền của mình.
Helmut Schmidt: Đúng, nhưng vị trí bá quyền của Mỹ sẽ không còn áp đảo như ở cuối thế kỉ 19 và trong suốt thế kỉ 20 nữa, nó sẽ dần dần yếu đi, Trung Quốc sẽ dần dần mạnh lên và Nga thì càng ngày càng không thay đổi. (Lý Quang Diệu cười.)
Lý Quang Diệu: Tôi đồng ý với điểm cuối. Đúng, Trung Quốc sẽ mạnh lên, nhưng sẽ không thể bá quyền tới mức kiểm soát được Thái Bình Dương.
Helmut Schmidt: Không, sẽ rất lâu. Phải mất hơn một thế kỉ.
Lý Quang Diệu: Điều đó không thể xảy ra.
Helmut Schmidt: Tôi không chắc là điều đó có thể xảy ra không, nhưng trong thế kỉ 21 này thì không thể.
Tuần báo Zeit: Một trong những thành công to lớn nhất của châu Âu là giờ đây nó đã trở thành một châu lục hòa bình. Có thể nói rằng châu Âu đã biết học từ lịch sử. Còn châu Á thì sao? Giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn nhiều căng thẳng. Rồi còn đủ thứ lò bạo loạn khác: Triều Tiên, Đài Loan, Kashmir.
Lý Quang Diệu: Ở châu Á có những quyền lợi quốc gia riêng biệt đang xung đột nhau. Có hai động lực chính thúc đẩy. Thứ nhất là nền kinh tế Trung Quốc có một quy mô nuốt chửng các nền kinh tế của Nhật, Hàn Quốc và những nước châu Á khác. Thứ hai là sự tự tin mỗi ngày một lớn của Trung Quốc. Càng giầu và mạnh lên thì người Trung Quốc càng tự tin. Vì thế các nước châu Á khác muốn Mỹ hiện diện ở đây để giữ thế thăng bằng.
Helmut Schmidt: Theo tôi biết thì vào khoảng năm 1500 nền văn minh Trung Quốc, gồm cả các ngành khoa học của nó, vượt xa nền kĩ thuật châu Âu ở thời điểm ấy. Sau đó châu Âu dần dần phát triển một thứ gọi là dân chủ, cái mà người Mỹ gọi là chủ nghĩa tư bản, cái mà người Mỹ ngày nay gọi là responbility to protect, “trách nhiệm bảo hộ”, mà theo họ là việc bảo hộ nhân quyền ở các quốc gia khác. Tôi có cảm giác châu Âu coi ba yếu tố đó là những thứ có thể áp dụng ở mọi nơi. Và tất nhiên là người Trung Quốc, người Singapore và một loạt các dân tộc khác, thí dụ ở thế giới Ả-rập, không tán thành như vậy. Công nghiệp hóa thì họ sẵn lòng tiếp nhận, nhưng dân chủ thì không, và họ không sẵn lòng tiếp nhận nhân quyền.
Lý Quang Diệu: Người Nhật, người Trung Quốc và cả người Hàn Quốc không cho rằng nhiệm vụ của họ là bảo người khác phải thay đổi điều gì để cai quản đất nước tốt hơn. Họ bảo, đó là chuyện của bạn. Tôi làm ăn với bạn trên nền tảng trung lập. Tôi không tìm cách thay đổi bạn. Phương Tây có khuynh hướng truyền đạo, các vị cho rằng hệ thống của các vị có giá trị toàn cầu: dân chủ và nhân quyền. Ở Ấn Độ, vì một lí do lạ lùng nào đó, dân chủ đã cắm rễ nhưng nhân quyền thì không, những vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất diễn ra ở Ấn Độ. Ở Trung Quốc, ý tưởng về nhân quyền vừa mới được nhen nhóm, trong khi ý tưởng về nhà nước đứng trên tất cả và bất khả xâm phạm thì vẫn còn rất mạnh.
Helmut Schmidt: Hệ thống Khổng giáo mà theo tôi vẫn còn tồn tại có một ưu thế lớn, vì nó hầu như không bao hàm những khía cạnh tôn giáo.
Lý Quang Diệu: Đúng thế. Cho nên ở Trung Quốc người ta cũng không đánh nhau vì những vấn đề tôn giáo.
Helmut Schmidt: Đó là một ưu thế lớn. Lòng hăng say truyền đạo của người Mỹ theo Thiên Chúa giáo – không biết cơ sở của nó là ở chỗ nào trong Kinh thánh, có lẽ cũng nên tìm hiểu. Thực ra nó không bám rễ sâu lắm trong đó.
Lý Quang Diệu: Nhưng đặc điểm văn hóa của dân Mỹ và các nhà lãnh đạo họ là muốn giáo dục chính phủ các nước khác. Theo tôi phương Tây có cái nhu cầu tự cho rằng mình đã giác ngộ và muốn người khác cũng giác ngộ như mình. Nhưng cũng có thể nhìn nhận động cơ đó theo hướng tích cực – rằng phương Tây muốn thay đổi thế giới, biến nó thành một thế giới tốt đẹp hơn.
Helmut Schmidt: Đúng.
Lý Quang Diệu: Mặt khác cũng có thể coi đó là thái độ ngạo mạn, các vị cho hệ thống của mình là ưu việt, và các vị muốn ép chúng tôi phải tiếp nhận.
Tuần báo Zeit: Những quyền con người nào thì có giá trị phổ cập và những quyền nào thì không?
Lý Quang Diệu: Quyền được sống theo ý mình của mỗi cá nhân; quyền an toàn cho chính mình và gia đình mình của mỗi cá nhân; quyền có việc làm, được đào tạo và chăm sóc y tế của mỗi cá nhân và con cái được học hành – tôi nghĩ rằng những quyền đó người Trung Quốc sẽ chấp nhận. Nhưng đòi được có một phiên tòa xét xử trước khi bị kết án hoặc tống giam, quyền đó không có trong hình dung của họ. Họ quyết định kẻ nào là mối nguy cho xã hội rồi tống vào tù.
Zeit: Còn các quyền tự do hội họp, tự do chính kiến và tự do tôn giáo?
Lý Quang Diệu: Trung Quốc rất hạn chế quyền tự do hội họp.
Tuần báo Zeit: Vậy phương Tây có nên bảo vệ quyền đó không?
Lý Quang Diệu: Phương Tây có thể can thiệp bằng cách nào nhỉ?!
Tuần báo Zeit: Chính dân Trung Quốc đã đòi những quyền này. Năm 1989, những người biểu tình đã dựng một bản sao bức tượng “Nữ hoàng Tự do” ở Quảng trường Thiên An Môn.
Lý Quang Diệu: Vâng, nhưng họ là những chàng trai trẻ rất lãng mạn, và cuối cùng thì họ bị cắt đầu hoặc bắn sang Mỹ. Và dân chúng chỉ coi đó là một sự kiện nhất thời.
Helmut Schmidt: Dù đã già, cá nhân tôi vẫn sẵn sàng tự tay chống lại những kẻ tước đoạt quyền của mỗi con người, không chỉ riêng quyền được sống mà tất cả các quyền. Nhưng tôi dứt khoát không can thiệp vào một quốc gia khác để bảo vệ quyền con người ở đó. Phải nói là tôi rất sợ cái khái niệm “trách nhiệm bảo hộ”.
Lý Quang Diệu: Như ở Lybia – ném bom diệt được một nhà độc tài thì cuối cùng lại sinh ra nhiều vị chỉ huy quân đội cỡ nhỏ mà mỗi vị đều sẽ thành một nhà độc tài.
Tuần báo Zeit: Không có trường hợp nào mà ông thấy “trách nhiệm bảo hộ” là phản ứng chính đáng hay sao? Như trường hợp Khmer Đỏ ở Campuchia, hay trường hợp diệt chủng ở Ruanda?
Lý Quang Diệu: Tôi tin rằng ngày nay trên bình diện quốc tế, diệt chủng là không thể chấp nhận. Nếu giết người vì lí do chủng tộc hoặc nếu một chủng tộc bị đem ra trừng phạt thì can thiệp là chính đáng. Đặc biệt trong trường hợp một nước lớn trừng phạt một nước nhỏ. Nếu không thì thế giới này sẽ thành vô luật pháp.
Helmut Schmidt: Nhưng cái “trách nhiệm bảo hộ” ấy có nguy cơ phình ra vô hạn. Có lẽ chúng ta có lí do chính đáng để bảo vệ người dân ở Ruanda. Nhưng điều đó quá phức tạp, nên chúng ta đã không làm. Có thể là chúng ta có bổn phận đạo đức phải hành động, cũng như đối với người dân ở Chechnya. Nhưng chúng ta đã không làm. Có thể trong trường hợp vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, chúng ta có bổn phận hành động. Nhưng chúng ta đã không làm. Chúng ta chỉ tuân theo cái bổn phận đó trong các trường hợp dễ thực hiện hoặc nếu được lợi thế tuyên truyền.
Lý Quang Diệu: Trong thực tế, phải khả thi thì mới hành động được. Không thể can thiệp vào vụ Thiên An Môn, vì như thế là gây hấn với một thế lực cực lớn. Còn Ruanda – tôi tin rằng Mỹ ân hận là đã không can thiệp.
Helmut Schmidt: Ông có ân hận là chúng ta đã không can thiệp không? (Im lặng khá lâu)
Lý Quang Diệu: Nếu ông muốn biết tôi có đồng ý gửi quân đi để ngăn hai phe xung đột không thì tôi xin nói là không. Còn nếu ông muốn biết rằng theo tôi, việc người Mỹ không can thiệp có sai không thì tôi xin trả lời rằng có, việc đó là sai.
Helmut Schmidt: Tôi tin rằng ông ý thức rõ tính đạo đức nước đôi trong câu trả lời vừa rồi.
Lý Quang Diệu: Vâng, tôi ý thức rõ.
Tuần báo Zeit: Phương Tây đã chế ngự thế giới suốt 500 năm. Giai đoạn lịch sử đó đang kết thúc. Thời đại nào sẽ bắt đầu? Thế kỉ Thái Bình Dương?
Lý Quang Diệu: Tôi không chia sẻ cách nhìn nhận thế kỉ này là Thế kỉ Thái Bình Dương. Tôi tin rằng đó sẽ là một thế kỉ mà Trung Quốc và Mỹ sẽ vượt qua Thái Bình Dương mà cạnh tranh. Nếu châu Âu đủ khả năng liên kết thì thế giới sẽ gồm ba cực. Và thêm Nga – nếu họ hồi phục – đó sẽ là một thế giới bốn cực. Trọng điểm của thế giới đã chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Đúng như vậy. Đừng nên quên rằng 300 năm trước, GDP của Trung Quốc đã chiếm gần 50 % của toàn thế giới và hiện nay đang dần dần tiến đến mức đó, chỉ trừ trường hợp nội bộ Trung Quốc có biến động gì đó.
Tuần báo Zeit: Có nghĩa là Trung Quốc không trỗi dậy, mà Trung Quốc hồi sinh?
Lý Quang Diệu: Gọi thế nào thì tùy, đó là một Trung Quốc mạnh hơn, với một tiếng nói vang to hơn trên nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau và một sức mạnh quân sự to lớn hơn để không cho kẻ nào tiến gần đến biên giới quốc gia.
Helmut Schmidt: Tôi có cảm tưởng rằng cái khái niệm dịch chuyển trung tâm quyền lực từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương này có xuất xứ từ Mỹ, và hình như nó được dùng để biện minh cho sự dịch chuyển của những mũi tiến và cứ điểm của hải quân và không quân Hoa Kì. Hiện nay Mỹ có một cứ điểm không quân ở Úc, một hạm đội thường trực có thể kiểm soát từ Vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương, Biển Hoa Đông, Biển Đông đến các vùng duyên hải Canada. Theo tôi thì người Mỹ đang cường điệu. Còn châu Âu, nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính khiếp đảm năm 2008 thì tôi vẫn đang lặp lại câu quảng cáo rằng chúng ta đang tiến tới một thế giới ba cực, gồm Trung Quốc, Hoa Kì và châu Âu.
Nguồn: Lược dịch từ nguyên bản tiếng Đức “Wie chinesisch wird die Welt?”, Matthias Nass thực hiện, Die Zeit số 57, ra ngày 06-9-2012
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra
--------------
*****

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Mong sao không lặp lại "giải pháp đỏ"(*)

(*) Phát lại bài vì lỗi kỹ thuật mạng. 

Cuộc tranh chấp chủ quyền tại biển Đông đến nay đã bước sang giai đoạn cao trào đòi hỏi phải có một giải pháp hòa bình nếu muốn ngăn chặn chiến tranh nóng .
Phía Trung Quốc, sau thời kỳ ráo riết lấn chiếm trên thực địa, đã hoàn thành thủ đoạn "biến không thành có" và lập được cái gọi là "Thành phố Tam Sa" với đầy đủ bộ máy hành chính và quân sự để kiểm soát toàn bộ khu vực rộng lớn án ngữ giữa Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN cùng đảo Hòang Nham và bãi cạn Scarborough của Philipine. Trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh một mặt tự tiện tiến hành khai thác tài nguyên biển Đông, một mặt tung ra chiêu bài "gác tranh chấp cùng khai thác" nhằm đặt các bên liên quan vào thế khó xử; một mặt chủ trương đàm phán song phương, coi đây chỉ là vấn đề nội bộ khu vực mà Mỹ và bên ngoài không được can thiệp vào, một mặt ráo riết thực hiện các thủ đoạn chia để trị đối với nội bộ ASEAN. Riêng đối với Việt Nam, Bắc Kinh vẫn áp dụng thủ pháp hai mặt "vừa đấm vừa xoa" nhằm lừa gạt “người đồng chí anh em” một lần nữa.
 
Trước thái độ cố chấp của Bắc Kinh, dư luận quốc tế ngày càng nhận rõ hơn ý đồ độc chiếm biển Đông của TQ; Mỹ phải lên tiếng mạnh hơn đồng thời thúc dục ASEAN và TQ sớm đàm phán về COC. Biết không thể kéo dài tình trạng căng thẳng quá lâu mất uy tín quốc tế, Bắc Kinh cũng phải chuẩn bị cho một giải pháp đàm phán với thế mạnh của kẻ đang chiếm đóng trên thực địa tại biển Đông.

Diễn biến tình hình gần đây nhắc nhớ lại thời kỳ các bên tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia trong những năm 1980. Sẽ là khiếm khuyết khi bàn về giải pháp biển Đông mà không nhắc lại bài học liên quan đến giải pháp Cămpuchia cách nay hơn 20 năm . Điểm mấu chốt của bài học đó là sai lầm của Việt Nam khi chọn ”gải pháp đỏ" với phía Trung Quốc - một sai lầm vẫn còn tác động sâu sắc đến ngày nay.

Đáng lẽ Việt Nam đã có thể sử dụng việc kết thúc vấn đề Cămphuchia như một cơ hội để nâng cao uy tín quốc tế phục vụ công cuộc mở cửa và phát triển đất nước nếu biết lựa chọn giải pháp thông qua Hội đồng bảo an LHQ, kể cả Mỹ và ASEAN. Nhưng người Việt Nam đã chọn cách ”đi đêm” với kẻ thù truyền kiếp vì ảo tưởng rằng đồng chí với nhau tốt hơn là với phương Tây (!?). Điều đáng lưu ý là, sai lầm đó không phải do đường lối chính thống của VN thời bấy giờ mà là do người đứng đầu của Đảng mới nhậm chức gây ra. "Giải pháp đỏ" suy cho cùng là một sản phẩm của sự đầu hàng vô nguyên tắc bất chấp phương hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị và cũng trái với nguyện vọng của hai nước bạn Campuchia và Lào. Bằng thỏa thuận Thành Đô, Việt Nam đã tự xóa bỏ toàn bộ công lao, xương máu của mình để giúp nhân dân Cămpuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, kể cả trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm1979. Đó là chưa kể cái giá quá đắt do nền kinh tế đát nước bị Mỹ và quốc tế cấm vận hơn 10 năm đó. Tính chính danh, chính nghĩa của hai cuộc cuộc chiến đó cũng đã bị lu mờ . Đó là hậu quả thảm bại của nếp tư duy mơ hồ về “ý thức hệ” mà đáng ra đã có thể rũ bỏ hoàn toàn sau sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc. Mọi sự hy sinh của quân và dân Việt Nam đã trở thành vô nghĩa vì không đạt kết quả cuối cùng, thậm chí có thể nói đã “mất trắng”do lựa chọn sai lầm trong giải pháp về vấn đề Căpmpuchia. Sau nhiều năm vết thương vẫn chưa lành thì sự trở mặt của chính quyền Pnompênh câu kết với Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông mới đây đã khẳng định bài học nói trên. Nếu không có "giải pháp đỏ" chắc đã không có kết cục trớ trêu này. 

Hai Đoàn đàmphán VN và TQ chụp ảnh chung tại Thành Đô năm1990
Đó là một bài học cay đắng. Nhưng liệu nó sẽ được học đến nơi đến chốn hay lại học trước quên sau? Câu hỏi này không thừa nếu theo dõi những diễn biến tình hình quan hệ Việt-Trung trong bối cảnh vấn đề biển Đông hiện nay.

Có thể nói trước âm mưu độc chiếm biển Đông của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc, nội bộ Việt Nam luôn bị dằng xé bởi các luồng tư tưởng trái ngược nhau, không chỉ trong giới lãnh đạo đất nước mà ngày càng tăng lên giữa nhân dân và lãnh đạo. Điều này được thể hiện không chỉ trên nội dung các văn kiện chính trị mà còn thể hiện trong những hành động cụ thể. Đó là sự lúng túng và không minh bạch trong cách thể hiện quan điểm về bạn/thù, sự thiếu nhất quán trong các chủ trương chính sách đầu tư, xuất-nhập khẩu, an ninh-quốc phòng và văn hóa, truyền thông, v.v... Do ngày càng xa rời với phương châm đã đề ra từ Đại hội VI, nền kinh tế Việt Nam đang bị lệ thuộc vào Trung Quốc sau nhiều đợt sai lầm trong lựa chọn đối tác hoặc sự nhượng bộ vô nguyên tắc, thậm chí sự thông đồng mang tính chất phản quốc của các nhóm lới ích . Dự án khai thác bauxit trên vùng chiến lược Tây Nguyên và hàng loạt trường hợp "tô nhượng" đất đai, rừng, biển tại những địa bàn nhậy cảm về an ninh quốc phòng là những ví dụ. Nhiều sai lầm tương tự vẫn tiếp diễn ngay cả khi Trung Quốc ráo riết xâm lấn biển đảo đồng thời dùng nhiều thủ đoạn phá hoại an ninh kinh tế-xã hôi trên đất liền.

Do vị trí địa lý và tương quan lực lượng,Việt Nam, dù muốn hay không, vẫn giữ vai trò quyết định trong giải pháp cho vấn đề tranh chấp biển Đông hiện nay. Do đó, Việt Nam một lần nữa phải đối mặt với thách thức và cơ hội tương tự như trong trong vấn đề Campuchia trước đây. Việc lựa chọn giải pháp cho vấn đề biển Đông sẽ một lần nữa ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam, ASEAN và quốc tế. Diễn biến tình hình từ sau HN AMM 45 cho thấy một giai đoạn mới đã bắt đầu đối với giải pháp biển Đông . Những tín hiệu mới đang phát ra từ quá trình Hội nghị cấp cao APEC. Đó là thái độ cứng rắn và khẩn trương hơn của Mỹ trong việc hối thúc ASEAN cùng TQ sớm thông qua COC tại Hội nghị CC ASEAN tháng 11 tới . Mỹ cũng chính thức đề nghị Nga tham gia nhiều hơn vào vấn đề biển Đông. Thủ tướng Singapore trong chuyến thăm TQ mới đây cũng cho thấy muốn đóng một vai trò nào đó. Bắc Kinh một mặt tỏ ra rất bất bình trước thái độ "cứng lên" của phía Mỹ, nhưng có vẽ "lắng nghe" ý kiến của Singapore, Indonesia và Thái Lan (?) Nhật Bản, Nga ,Úc, Ấn Độ... cũng đều sẵn sàng đóng vai trò trong một giải pháp biển Đông.

Trong bối cảnh hiện nay , nôi dung cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Trương Tấn Sang và Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị APEC tại Vladivostok mới đây không khỏi khiến dư luận băn khoăn. Sự khác nhau trong cách đưa tin giữa VNTTX và THX về sự kiện này khiến dư luận nghi ngờ độ trung thực của hai bên. Trong khi THX nói chung chung, thì VNTTX nói đậm hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương Việt-Trung bất chấp thực tế đang diễn ra. Báo Tuổi trẻ ngày 8/9 với tiêu đề "Không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung" đã đưa tin: "Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng trong tình hình hiện nay, việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị , làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện ...có ý nghĩa hết sức quan trọng"; "về biển Đông, hai bên cần kiên trì...không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định quan hệ hai nước". Tờ China Daily đưa tin đậm về những lời chỉ huấn muôn thuở của lãnh đạo TQ rằng “Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói Trung Quốc và Việt Nam cần bình tĩnh và chứng tỏ kiềm chế về vấn đề Nam Hải" đồng thời "thúc giục hai nước trung thành với đàm phán song phương và giải pháp chính trị, và tiếp tục con đường cùng khai thác.”

Những câu chữ và ý tứ kiểu trên đây cho thấy hiện tượng không bình thường, nếu không nói là báo hiệu một sự chuyển dịch lập trường nào đó (?). Liệu cái đích của sự chuyển dịch này là gì? Nhân đây xin nhắc lại một chi tiết. Đó là sự tâm đắc của Tống Bí thư đảng ta sau chuyến thăm Trung Quốc cuối năm ngoái và đã được chính ông nhắc lại tại Hội nghị quán triệt nghị quyết Trung ương 4 hồi tháng 5/2012: “Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách, mở cửa cũng luôn luôn khẳng định dứt khoát phải kiên trì vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, và trong những lần trao đổi với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh không để bị “Tây hóa”. Liệu ý kiến chỉ đạo này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tìm kiếm giải pháp biển Đông?

Trần Kinh Nghị

Phụ lục: Trích đoạn Hồi ký Trần Quan Cơ

" Mặt khác, thái độ của Mỹ có đổi khác: ngày 18.7.90 ngoại trưởng James Baker tuyên bố Mỹ thôi không công nhận Campuchia Dân chủ (tức chính quyền 3 phái do Sihanouk đứng đầu), lên án Khmer Đỏ, nhận đối thoại với Việt Nam qua phái đoàn ở Nữu-ước. Ngày 6.8.90, ta với Mỹ tiếp xúc ở Nữu-ước, Mỹ chủ yếu thăm dò thái độ ta về văn kiện khung của LHQ về giải pháp Campuchia.Ngày 8.8.90 Bộ Ngoại Giao trình BCT đề án về vấn đề Campuchia theo hướng phân rõ mặt quốc tế và mặt nội bộ của giải pháp. Về mặt quốc tế, góp ý với bạn nên đồng ý phương án của P5, còn mặt nội bộ phải do bạn Campuchia quyết định, ta tôn trọng.Chiều 8.8.90, tôi đến gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng xin ý kiến về đề án này. Anh nói: Tình hình hiện nay tạo cơ hội thuận lợi cho giải pháp Campuchia. Cần tận dụng cơ hội mới này trong khi ta còn sử dụng được. Phải dám chơi với LHQ, với Hội Đồng Bảo An, với Mỹ và phương Tây. Cần tranh thủ nhân tố Mỹ trong tình hình mới... Đề án về lý thuyết thì tốt nhưng làm sao thực hiện được... Không nên đặt yêu cầu quá cao “giữ vững thành quả cách mạng (Campuchia)”... Đi vào tổng tuyển cử bạn giành được 50% là lý tưởng...”Ngày 12.8.90, BCT họp về đề án Campuchia do Bộ Ngoại Giao thảo. Sau khi thảo luận, anh Linh kết luận: Với Mỹ, ta tiếp tục đối thoại như BCT đã cho ý kiến với Trung Quốc trong cuộc gặp 13/8 giữa tôi và Trương Đức Duy, ta nên nói là 2 nước XHCN Việt Nam và Trung Quốc nên hợp tác giải quyết vấn đề Campuchia để có một nước Campuchia hữu nghị với các nước láng giềng, trước hết là Việt Nam, Trung Quốc, Lào. Ta không nói Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN cần đoàn kết chống đế quốc chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội.Nhưng rồi cuộc gặp Thành Đô đã làm lãnh đạo Việt Nam xa rời quan điểm thực tế này mà ngã hẳn theo Trung Quốc, thậm chí còn định ép PhnomPenh chấp nhận đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về vấn đề SNC Campuchia.42 bản 01 thêm: [Campuchia cũng như]43 bản 01 thêm: [lớn]


Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Trung lập: lựa chọn của ASEAN?


Chuyến thăm kéo dài 6 ngày (từ 2-7/9/2012) của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Trung Quốc, tuy không quá rầm rộ, cũng chẳng đến mức gây tranh cãi, nhưng là một sự kiện hàm chứa một số thông điệp mới và đáng được nghiên cứu trong bối cảnh tranh chấp biển Đông hiện nay.
Tuy là chuyến thăm của người đứng đầu một quốc gia thuộc loại nhỏ nhất thế giới tới một nước lớn nhất thế giới là Trung Quốc, nhưng ông Lý Hiễn Long đã không chỉ thể hiện quan điểm của Singapore  mà còn nói lên quan điểm của khối ASEAN với đối tác Trung Quốc. Điều thú vị là, trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc với phía  Trung Quốc, ông ta đã đưa ra những lời khuyên bảo hết sức thẳng thắn đối với chủ nhà; chưa rõ nước chủ nhà tiếp thu đến đâu,  nhưng cũng chưa thấy phản bác gì gay gắt như vẫn thấy đối với Mỹ hoặc các  trường hợp khác . Về mặt này, có lẽ ông Lý Hiễn Long đã làm tốt hơn cả bà Clinton hoặc nhiều đồng nghiệp khác trong ASEAN(?)
Ví dụ, ông Lý Hiển Long không chỉ công khai ca ngợi sức mạnh Mỹ là sáng tạo tuyệt vời, mà còn thay mặt Mỹ tuyên bố : “Mỹ có những lợi ích chính đáng ở châu Á và có một vai trò ở đây mà không nước nào có được”. Vai trò đó, theo ông, không chỉ nhờ sức mạnh quân sự và kinh tế, mà còn vì những lý do lịch sử. “Đó là lý do nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương hy vọng Mỹ tiếp tục đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực, và Singapore tin tưởng như vậy”, ông nói.
Đồng thời ông Lý Hiễn Long cũng chỉ ra rằng những hành động của Trung Quốc tại biển Đông sẽ được các nước lấy làm cơ sở đánh giá ý nghĩa thực chất của việc nước này đang mạnh lên. Vì vậy, ông kỳ vọng Bắc Kinh sẽ “kéo dài giai đoạn trổi dậy” bằng cách góp phần tạo dựng hòa bình và thịnh vượng cho chính mình, châu Á và cả thế giới, thay vì gây quan ngại như cách họ đang làm" Ông không ngần ngại nhắc nhỡ Bắc Kinh rằng "về lâu dài hình ảnh của Trung Quốc, không chỉ đối với ASEAN mà với thế giới, là cực kỳ quan trọng".

Nhà lãnh đạo của quốc gia nhỏ bé có biểu tượng con sư tử cũng đã tỏ ra rất khôn khéo gắn các vấn đề lợi ích của nước mình với lợi ich của khu vực khi nói rằng “Singapore có lập trường rõ ràng và nhất quán trong vấn đề biển Đông, và rằng "Chúng tôi không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền nên không đứng về bên nào. Nhưng chúng tôi có những lợi ích sống còn ở đó”. Đồng thời ông cho rằng “Tranh chấp chủ quyền và quyền khai thác các nguồn lợi tại biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình theo công pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về luật Biển”. Theo ông, Tuyên bố lập trường 6 điểm của ASEAN về biển Đông vào ngày 20.7 là một tiến bộ, và bày tỏ "hy vọng Trung Quốc sẽ cùng ASEAN sớm đối thoại về Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông”.
Điểm đáng lưu ý nhất của chuyến thăm có lẽ nằm ở bài phát biểu của ông Lý Hiễn Long tại trường Đảng trung ương Bắc Kinh do ông Tập Cận Bình làm Hiệu trưởng. Tại đó ông ta đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý nhất là ý tưởng về một ASEAN trung lập. Cụ thể ông nói: "ASEAN nên theo đuổi lập trường trung lập và nhìn về phía trước (neutral and forward-looking) đối với các tranh chấp biển Đông đồng thời cổ vũ các bên liên quan giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình". Theo ông, đó là cách để tránh tình trạng các thành viên bị buộc phải chọn theo một thế lực nào đó; nếu không, “Đông Nam Á sẽ trở thành đấu trường mà chẳng ai chiến thắng cả”. Ông cũng cảnh báo. “Biển Đông là trái tim của ASEAN. Vì vậy, nếu ASEAN không giải quyết được vấn đề tranh chấp thì uy tín của khối sẽ bị hủy hoại”.

Thực ra ý tưởng về một khối ASEAN trung lập đã có từ thời chiến tranh lạnh, chính xác là những năm trước khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, với tên gọi là ZOPFAN ( Zone of Peace, Freedom and Neutrality). Tuy nhiên ý tưởng đó đã "chết yểu", nếu không nói là thất bại bởi vì bối cảnh tình hình lúc đó không thuận lợi do tình trạng đối đầu giữa  hai phe mà trong đó 3 quốc gia quan trong của khu vực  là VN, Lào và Cămpuchia  không nằm trong ZOPFAN. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc ông Lý Hiễn Long nêu lại khái niệm trung lập hóa ASEAN không phải là điều gì quá mới; chỉ có hoàn cảnh quốc tế và khu vực đã thay đổi hoàn toàn khi mà ASEAN đã bao gồm tất cả các nước khu vực Đông Nam Á vàlà khu vực đang phát triển rất năng động và được coi là một trong những "đầu tàu" của nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh tranh chấp biển Đông, một ASEAN trung lập xem ra là hợp lý và thiết thực để tự bảo vệ lợi ích của bản thân mình trước cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của hai siêu cường.Với một ASEAN trung lập, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ được đặt vai vị trí và vai trò ngang bằng nhau tại khu vực. Quy chế hoặc chính sách trung lập có thể giúp ASEAN có thêm sức sống mới và cơ sở tinh thần mới để đi tới thống nhất trong các vấn đề nội khối cũng như trong đấu tranh và cạnh tranh với bên ngoài. Quy chế trung lập sẽ giúp ASEAN tránh bị guồng vào cuộc chạy đua vũ trang một cách lãng phí mà không bao giờ có thể mạnh bằng TQ hoặc Mỹ, để dành nguồn lực phát triển kinh tế. Nếu như trong quá khứ các quốc gia nhỏ yếu xung quanh biển Đông thường là nạn nhân của những cộc tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường thì đây là một cơ hội để họ thoát ra khỏi tình thế đó với tư cách là một tổ chức khu vực gắn bó với nhau. Do đó, trung lập hóa ASEAN có lẽ là một ý tưởng không tồi và đáng được xem xét nghiêm túc./.     

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Ngỡ ngàng đất Việt nỡ rộ các công trình tâm linh

Xem bài và ảnh dưới đây chắc ai cũng ngỡ ngàng trước một công trình tâm linh nữa bên cạnh hàng trăm công trình tâm linh hoành tráng đang nở rộ trên đất nước ta bất chấp sự trì trệ của nền kinh tế và hố cách biệt giàu/nghèo cũng những vấn nạn xã hôi...

Những ai từng có dịp chiêm ngưỡng những công trình tâm linh  xây mới hoặc trùng tu từ Nam ra Bắc hẳn đều có chung một cảm nhận về sự mất cân đối quá lớn giữa đầu tư cho các công trình tâm linh so với các công trình giáo dục đào tạo và phúc lợi xã hội ở VN ngày nay. Thật trớ trêu khi người ta tự hào với các thứ bậc "nhất nhì" về đúc tượng, xây đền đài, nơi thờ cúng... nhưng vô cảm trước tình trạng tụt hạng thê thảm so với với thế giới về các chỉ số trí tuệ, sáng chế phát minh , năng lực cạnh tranh cũng như dịch vụ y tế, giáo dục, v.v... 

Nhìn vào nhịp độ và quy mô của các công trình tâm linh cho thấy đất nước ta đâu có nghèo, thậm chí  là rất giàu! Nhưng không biết của cải, tài nguyên đi đâu hết (?) để tổ quốc vẫn nghèo hèn, dân chúng  lầm than, xã hội nhộn nhạo vô văn hóa, kém văn minh thế này?  Giá người ta dùng chi phí của một thiền viện  để xây vài trăm ngôi trường cho con em vùng sâu vùng xa thì tuyệt vời biết bao? Chi phí cho một bức tượng chắc đủ để xây hàng chục chiếc cầu treo để các em khỏi phải đu giây qua sông đi học?...

Ôi, Đức Phật Thích ca Mầu Ni đáng kính, cầu mong Người  hãy mở lòng từ bi phù hộ độ trì cho nhân dân Việt Nam tiến kịp với  Nhân loại! A di đà phật!   

Bảo Tượng Phật Ngọc Lớn Nhất Thế Giới
GN - Ngày 8-4-2012, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã khánh thành Bảo tượng Phật ngọc bằng đá sapphire nặng 31 tấn (cả bệ), đặt trong một tòa bảo tháp uy nghiêm. Đây là pho tượng Phật ngọc bằng đá quý lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
2.JPG
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)
Ảnh: Chu Minh Khôi
Với một vùng núi non hùng vĩ, rừng già nguyên sơ trải dài tới 80km, nằm giữa 3 tỉnh (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang), Tam Đảo có 3 ngọn núi cao ngất tạo nên 3 đỉnh “linh địa” là Thạch Bàn, Phù Nghĩa, Thiên Thi.
Thiền viện Tây Thiên tọa lạc ở lưng chừng ngọn Thạch Bàn với khuôn viên gần 5ha giữa khu rừng ngoại vi rộng 50 ha, được xây dựng quy mô trong những năm gần đây, trở thành một trong ba thiền viện lớn nhất của cả nước (gồm thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên).
Ngôi Đại hùng bửu điện cao 17m, diện tích 673,2m2, không gian của tòa chính điện này vô cùng bề thế, đủ chỗ ngồi cho 600 Phật tử, du khách viếng chùa vào những ngày lễ hội.
Bên trái Đại hùng bửu điện là Nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Tất cả các hạng mục công trình ở đây từ chính điện, nhà tổ, nhà khách, nhà trưng bày, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống... đến khu nội viện gồm Tăng đường, thiền đường, trai đường và các thất chuyên tu đều được xây dựng rất kỳ công và độc đáo mang đậm dấu ấn của kiến trúc Á Đông.
Những năm gần đây, thiền viện Tây Thiên đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng chục vạn lượt khách trong và ngoài nước về hành hương, tham quan. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, thiền viện dành khoảng 40 phòng để du khách ở xa đến có chỗ nghỉ lại.
Đứng dưới chân núi nhìn lên, thiền viện thấp thoáng trong mây. Đường lên khúc khuỷu, quanh co, bốn bề mây bay, thông reo, gió thổi, thoáng rộng và thanh sạch. Nơi đây đã hút hồn du khách bởi những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú.
Núi cao vút tận trời được phủ lên một lớp rừng già xanh thẫm với nhiều cây cổ thụ, những con suối khi tỏa ra khi thu lại, chảy quanh co. Hòa trong cảnh sắc hùng vĩ, núi non cẩm tú, thiền viện trở thành điểm nhấn cho vùng danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Tam Đảo, tạo nên một khu du lịch văn hóa tâm linh.
IMG_4526.JPG
Từ mùa Phật đản năm nay trở đi, du ngoạn lên thiền viện Tây Thiên, du khách sẽ được chiêm bái bảo tượng Phật Thích Ca bằng đá sapphire tuyệt bích.
Tôn tượng vừa mới được khánh thành vào ngày 8-4-2012, cùng với tượng đài Quan Âm bằng đá trắng, và lễ đặt đá khởi công xây móng đại tượng Phật cao 49m bằng đá hoa cương có tên Việt Nam Hộ Quốc Phật Đài.
Khi chúng tôi tìm lên Tây Thiên thì lễ an vị bảo tượng đã diễn ra 2 ngày trước đó. Đại đức Thích Huệ Tịnh, một vị Tăng tu hành tại thiền viện đưa tôi chiêm bái Phật ngọc.
Bảo tượng được đặt trong tòa bảo tháp khang trang và uy nghiêm, xây dựng trên diện tích 200m². Toàn bộ tác phẩm điêu khắc đá quý có chiều cao 3,45 m với khối lượng 31 tấn, tạo tác Đức Phật Tổ Như Lai đang ngồi kiết già theo tư thế thuở xưa Ngài nhập định 49 ngày dưới cây bồ-đề.
Nhưng ở đây không có cây bồ-đề, mà sau lưng Ngài tựa vào vách đá tạc hình hài lá bồ-đề. Gương mặt tượng mang hình nét thuần hậu mềm mại của người Việt. Thế mới biết Phật ở đâu thì sẽ mang hình hài văn hóa dân tộc nơi đó, chẳng thế mà trong kinh Phật có câu “ngàn muôn ức hóa thân Phật” .
Chính vì thế Ngài hóa thân ở đất nước nào thì sẽ được người dân nước đó thổi hồn riêng qua góc nhìn của họ. Toàn bộ tượng ánh lên màu đen bóng long lanh của ngọc, bề mặt mịn đến mức không một tì vết.
Theo thầy Thích Huệ Tịnh, chưa tạc thì khối đá có màu nâu xám, nhưng tạc xong, càng đánh thì càng lên màu đen bóng. Bệ tượng vẫn là nguyên khối đá tự nhiên xù xì. Chiêm ngưỡng bảo tượng, ta khâm phục sự kỳ công của những nghệ nhân Việt Nam tài hoa chế tác, đây thực sự là một kiệt tác nghệ thuật có tầm vóc, tôn vinh vai trò vị thế và tinh thần Phật giáo tại Việt Nam.
Thầy Thích Huệ Tịnh cho biết, ý tưởng chế tác bảo tượng được nung nấu trong lòng Tăng Ni Phật tử từ năm 2009, khi người dân cả nước từng nô nức chiêm bái pho tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới được rước triển lãm qua nhiều nước (trong đó có Việt Nam), hiện nay an vị tại nước Úc.
Những thành viên của Hội Đá quý Hà Nội dự cảm với câu hỏi: Việt Nam có rất nhiều đá, nghệ nhân nước ta cũng không phải kém cỏi gì, lẽ nào chúng ta lại không có một pho tượng bằng đá quý như người Úc?
Khát khao có được một công trình thật ý nghĩa tôn vinh được vị thế và vai trò của đạo Phật trong đời sống người dân đất Việt, Hội Đá quý Hà Nội đã bàn bạc thống nhất cùng thầy trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đại đức Thích Kiến Nguyệt về ý tưởng đi tìm đá quý tại Việt Nam để chế tác tượng Phật ngọc cho nước Việt.
IMG_4539.JPG
Những người có tâm huyết bắt đầu hành trình đi tìm đá. Từ tháng 8 năm 2009, ròng rã trong nhiều tháng trời, đại diện Hội Đá cảnh Việt Nam cùng các chuyên gia thẩm định đá quý đã tỏa đi khắp các “vựa” đá quý trên mọi miền đất nước để săn tìm đá. Đi Yên Bái thấy vùng Văn Chấn có rất nhiều loại đá quý, có những khối đá lớn tương đối đẹp, nhưng họ vẫn chưa ưng ý.
Sau 2 năm miệt mài tìm kiếm, vào cuối năm 2010, đoàn đến xã Châu Thành, Quỳ Hợp, Nghệ An, đoàn đã tìm được mỏ đá quý Corindon (quý chỉ sau kim cương), phát hiện được 6 khối đá đặc biệt hiếm. Ở lòng suối, nước chảy miên man suốt hàng triệu triệu năm, bởi vậy mọi loài đá cuội đều có hình tròn, bầu dục do nước chảy làm chúng mòn vẹt.
Thế nhưng kỳ lạ thay, 6 khối đá vẫn không có một chỗ nào có biểu hiện của sự mài mòn, mà vẫn nguyên mọi cạnh sắc. Ước tính tổng khối lượng của 6 phiến đá khoảng 200 tấn. Theo nghệ nhân Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội Đá quý Hà Nội, các nhà khoa học địa chất đã kiểm nghiệm và kết luận: cả 6 khối đá đều thuộc loại corindon, chứa 80-90% là sapphire với độ cứng đạt tới 9, trong khi đó độ cứng lớn nhất là 10 thuộc về kim cương. Các vị phấn khởi quá bảo nhau: Phật ở đây rồi!
Tìm được ngọc rồi, nhưng quá trình vận chuyển đá về Tây Thiên mới là kỳ công. Ban đầu, người ta đưa máy cẩu, máy xúc đến để cẩu các khối đá lên, nhưng các khối đá cứ trơ trơ dưới suối, không lay chuyển được. Họ mới điện thoại cho thầy Kiến Nguyệt khuyên:
“Đất có thổ công, sông có hà bá. Các vị hãy thắp hương và xin thần hộ pháp, thổ địa ở đấy để cho đem các cục đá này về tạc một pho tượng Thích Ca Mâu Ni, như thế có thể cẩu được lên”. Những người săn đá làm theo, mang hương hoa ra thắp hương khấn long thần thổ địa, quả nhiên đưa được đá lên xe ô tô tải.
Chưa hết, khi biết người ở nơi khác đến lấy đá quý dưới suối, người dân bản địa tiếc của kéo nhau ra giữ lại, không cho đưa đi. Nghệ nhân Ngọc Châu kể: Chúng tôi đã bị một số người dân địa phương cản trở, dùng xe công nông chắn đường, mặc dù chúng tôi đã làm việc với các cơ quan chức năng và được phép tiến hành việc này.
Thậm chí, có một cô gái còn nằm chắn ngang đường không cho lấy đá. Khi được giải thích rằng chúng tôi lấy đá về là để tạc tượng Phật, sẽ đặt ở Tây Thiên để người dân khắp nơi đến chiêm bái, thì cô gái và dân làng mới chấp nhận cho đi.
Vượt bao khó khăn trở ngại, 80 tấn đá quý đã được đem về thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, hành trình từ Quỳ Hợp về đến Tây Thiên mất tới một tháng. Dẫn tôi đến chỗ hai khối đá lớn đặt ở sân trước tòa bảo tháp Phật Ngọc, Đại đức Huệ Tịnh cho biết, 2 khối đá lớn đã được sử dụng.
Một khối tạc tượng Phật ngọc ban đầu nặng hơn 20 tấn, sau khi tượng hoàn thành nặng 13 tấn. Một khối 18 tấn để nguyên làm bệ tượng. Còn 2 khối ngoài sân này để dành sau này tạc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và tạc một pho Di Lặc.
3.JPG
Kể về quá trình tạc tượng cũng muôn vàn công phu. Rất nhiều nhóm nghệ nhân được mời đến để chế tác tượng nhưng họ đã bỏ cuộc, vì đá quá rắn. Bao nhiêu mũi dùi, máy cắt, máy mài đá khi chạm lên khối đá đều bị mẻ lưỡi hết, mà đá vẫn trơ trơ. Không có một mũi dao nào tạc, khắc, làm mài mòn được loại đá này, bởi vì sapphire là một thứ vũ khí để phá vật liệu khác chứ vật liệu khác không thể phá được nó.
Phải đến khi các nghệ nhân Phạm Ngọc Châu, Hoàng Nam Hải, Vương Ngọc Tiến nhận thực hiện cùng với một nhóm nghệ nhân khác hỗ trợ, họ lắp toàn bộ các mũi dùi, lưỡi cưa bằng kim cương vào các máy mài, máy cắt đá thì mới thực hiện được. Công việc chế tác tượng Phật ngọc tiến triển vô cùng chậm chạp.
Hai nhóm nghệ nhân của Hà Nội tạc bằng máy để định hình dáng, đường nét thô, sau đó một tốp nghệ nhân ở Đà Nẵng ra để chạm khắc chi tiết, chỉnh lại cho đẹp đẽ và mài bóng pho tượng. Sau gần 2 năm kỳ công mài dũa tạo tác, pho tượng Phật ngọc bằng đá sapphire, cao 3,45m, nặng 31 tấn đã được hoàn thành, trong sự ngỡ ngàng khâm phục của rất nhiều người.
Thầy Thích Kiến Nguyệt nhận định: Đây là một pho tượng Phật làm từ đá Việt, do bàn tay người Việt tác thành thì tự thân đã là bảo vật quốc gia. Pho tượng mang linh khí Việt Nam, nghệ thuật và tâm hồn người Việt Nam, gần gũi với thiên nhiên, bình dị như con người Việt Nam, bởi bản thân tượng còn mang phần đá nguyên sơ từ đất mẹ.
So với pho tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới nặng 4,5 tấn, thì bảo tượng Thích Ca Tây Thiên nặng tới 13 tấn (không kể bệ) nặng hơn rất nhiều. Trên thế giới có rất nhiều pho tượng khổng lồ được tạc vào núi đá, nhiều đại tượng được đúc bằng đồng hoặc xây bằng xi-măng lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, chưa thấy một thông tin về pho tượng bằng đá sapphire nào khác trên thế giới to lớn đến như thế. Vì vậy, Phật ngọc Tây Thiên là pho tượng Đức Phật bằng đá quý lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Đây cũng được xem là pho tượng Phật Ngọc mang “quốc hồn quốc túy” Việt Nam , thể hiện đầy đủ tinh thần Phật giáo, từ bi hỷ xả, yêu chuộng hòa bình, cứu nhân độ thế, pháp tuệ vô biên.
Cùng với lễ khánh thành Phật ngọc, Trúc Lâm Tây Thiên còn khánh thành tượng đài Quan Âm hai mặt, tay cầm cam lộ, tay cầm nhành liễu, mặt xoay về phía trước, lưng xoay vào chùa, thể hiện tinh thần hạnh nguyện của hạnh Bồ-tát thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.

Đồng thời, làm lễ khởi công xây dựng Việt Nam Hộ Quốc Phật Đài. Đây sẽ là đại tượng Phật Thích Ca khổng lồ cao tới 49m, bằng đá chất liệu đá hoa cương với trọng lượng hơn 20 nghìn tấn, ngự ở độ cao hơn 300m so với mực nước biển, trên ngọn đồi Hữu Bạch Hổ, bên phải chính điện thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Đại tượng cũng dựng lại hình ảnh Như Lai kiết-già dưới cây bồ-đề, con số 49 là lấy theo ngày Đức Phật ngồi thiền định trong suốt 49 ngày đêm. Bên trong tượng Phật được thiết kế rỗng gồm 10 tầng. Tổng số vốn đầu tư dự định cho tượng Phật khổng lồ nhất Đông Nam Á này là hơn 199 tỷ đồng, dự kiến 2-3 năm nữa sẽ hoàn thành.

Theo Đại đức Huệ Tịnh, hiện đã tìm được mỏ đá hoa cương ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để làm nguyên liệu tạo tác đại tượng. Thiền viện đã xin cấp giấy phép được khai thác mỏ đá hoa cương này, đang chờ ý kiến của Thủ tướng để UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt.
Chu Minh Khôi
--------------
*****

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Người Việt: Răng đen, răng trắng và răng... tetracyline

Tháng 3.1907, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời ở phố Hàng Đào với mục tiêu xóa bỏ tư tưởng Khổng giáo, Tống nho, Hán nho, tiếp nhận tư tưởng mới, khuyến khích học chữ quốc ngữ, chấn hưng thực nghiệp, mở tiệm buôn, phát triển kinh tế. Trường nhận cả học sinh nữ. Hưởng ứng mục tiêu của Đông Kinh Nghĩa Thục, nhiều đàn ông Hà Nội đã cắt bỏ búi tóc, đàn bà thì cạo răng đen thành răng trắng. Và người phụ nữ Hà Nội đầu tiên cạo răng đen là Lương Thị Bẩy, con gái của một trong những nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục là cụ cử Lương Văn Can. Nhưng không phải ai cũng như Lương Thị Bẩy, vì nhiều người vẫn cho rằng để răng trắng là không đứng đắn.

Như nhiều tục lệ khác, tục nhuộm răng đen bắt nguồn từ huyền thoại về ông vua, chồng của một nữ thần biển. Vị nữ thần biển này đẻ được 100 trứng nở ra 100 người con trai. Chẳng bao lâu, hai người chia tay nhau vì xích mích. Nữ thần biển muốn mang 100 người con trai theo mình về biển. Ông vua tìm cách giấu được 50 người con, và để đánh lạc hướng người mẹ nhất định tìm con, ông vua đã xăm da và nhuộm đen răng của lũ trẻ để không thể nhận ra. Tuy nhiên, thật khó xác định tục này bắt đầu từ khi nào. Trong cuốn Lịch sử Việt Nam (tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1971) viết rằng: “Sứ thần của Văn Lang (Giao Chỉ) trả lời vua Chu (Trung Quốc) về tục ăn trầu: Chúng tôi có tục ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm răng đen”. Sách viết tiếp: “Thời Hùng Vương ai cũng xăm mình, ai cũng búi tó hoặc cắt tóc ngắn. Ai cũng thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay. Người ta nhuộm răng, ăn trầu”. Các nhà khảo cổ Việt Nam từng tìm thấy răng người Việt cổ có vết nhuộm đen tại di chỉ văn hóa Đông Sơn - Thanh Hóa (khoảng thiên niên kỷ thứ nhất TCN).
 Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Kỳ 2: Răng đen, răng trắng và răng... tetracyline
Con gái Hà Nội xưa - Ảnh: Tư liệu
Cuốn Ghi chép và kỷ niệm ở Bắc Kỳ (Au Tonkin-notes et souvenirs - Paris, 1925) của Bonnal, viên công sứ Pháp đầu tiên ở Hà Nội (1883 - 1885), viết: “Những đứa trẻ, cả con trai, con gái trắng nhưng khi lớn lên chúng nhuộm đen vì nếu không nhuộm đen thật đáng xấu hổ khi có một hàm răng trắng nhởn như răng chó”.


Răng tetracycline
Ngày nay, nếu thấy chị em nào có mấy chiếc răng cửa nhìn như “răng cải mả” thì chắc chắn là họ sinh trong khoảng từ năm 1972 - 1974. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy vì trong những năm này ở Hà Nội xuất hiện nhiều đợt sốt dịch và trong đơn thuốc bao giờ cũng có tetracycline - một loại thuốc kháng sinh, do Liên Xô sản xuất. Thời ấy một số người coi tetracycline như một loại thuốc vạn năng, có thể trị được bách bệnh, vì thế không chỉ khi viêm nhiễm, mà cả khi nhức đầu sổ mũi là lập tức làm mấy viên tetracycline. Loại kháng sinh này chính là thủ phạm làm bong men răng, dù khi lớn lên thay răng sữa mà răng vẫn vàng khè, loang lổ vết đen.

Nhuộm răng được coi là tục đẹp của người Đàng Ngoài, và răng trắng bị coi như là răng chó hay “răng trắng như răng người Ngô” (ám chỉ người Trung Quốc). Trong văn chương, ca dao thì tục nhuộm răng và răng đen của phụ nữ được ca ngợi và tôn vinh như một nét đẹp không thể thiếu. Răng đen là nét đáng yêu được xếp vào hàng thứ tư trong cái duyên của người con gái:
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua

Và để hấp dẫn cánh đàn ông, người con gái rất chú trọng đến hàm răng đen gợi cảm của mình:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen

Trong bài hịch kêu gọi quân sĩ tại lễ thệ sư ở Thọ Hạc (Thanh Hóa), vua Quang Trung đã cổ vũ tướng lĩnh đánh quân xâm lược nhà Thanh:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Theo khảo sát của một viên bác sĩ Pháp đối với những người An Nam bị bắt phải sang Pháp làm lính thợ trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), thì trong số 1.430 lính bản xứ tuyển mộ ở nông thôn có 1.037 người răng đen. Vì thế có thể tạm suy ra 80% dân quê ở Bắc kỳ nhuộm răng đen. Trong số đó, 60% có độ tuổi từ 22 - 26. Những người Việt làm lính thợ thường bị lính người Ma Rốc, Sénégal cao to hành hung, áp bức. Để hạn chế tình trạng bắt nạt lính An Nam nhỏ con, một sĩ quan Pháp đã phao tin rằng những người răng đen có khả năng ăn thịt người và chỉ trong một tiếng, họ có thể xơi gọn hai cái đùi, khiến đám lính châu Phi hoảng sợ, từ đấy lính thợ An Nam mới được yên thân.
Báo Phụ nữ thời đàm số ra ngày 29.10.1933 mô tả cô gái tân thời Hà Nội: “Quần trắng áo mầu, giầy cao gót... để răng trắng, rẽ đường ngôi lệch... nói chuyện với đàn ông bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng viết bài đăng nhật trình, trên danh thiếp có đề chữ nữ sĩ...”. Bài báo cũng nhấn mạnh: “Gái tân thời phải có học thức mới, tư tưởng mới, giỏi ra phải có cách sinh hoạt mới: như thế mới là tân”. Còn báo Phong hóa viết: “Chúng em đuổi cái đuôi gà để rẽ lệch tóc, thay bộ răng trắng ngà trắng muốt vào chỗ bộ răng đen ngòm, mượn cây son môi để làm việc của miếng trầu toe toét kia... chúng em ưa chiếc quần lụa bạch êm ái mát hơn cái quần sồi dầy cồm cộp, trên đó người ta không phân biệt được những giống bẩn thỉu gì nhưng các cụ bảo nó sạch vì nó đen”. Trong luận văn bác sĩ của Vũ Ngọc Quỳnh (Le laquage des dents en Indochine, H.1937) thì năm 1936, số phụ nữ răng đen ở Hà Nội ở tuổi từ 18 trở xuống còn rất ít. Và điều đó dẫn đến tiếc nuối:
Nhớ hàng tre thẳng đọt măng
Nhớ cô con gái hàm răng đen huyền.


Nguồn: Trích từ loạt bài "Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Kỳ 2: Răng đen, răng trắng và răng... tetracyline/ Thanh niên online ngày 28/08/2012 ) Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến (trong Đi dọc Hà Nội, Chibooks)
--------------

Tìm kiếm Blog này