Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Trung lập: lựa chọn của ASEAN?


Chuyến thăm kéo dài 6 ngày (từ 2-7/9/2012) của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Trung Quốc, tuy không quá rầm rộ, cũng chẳng đến mức gây tranh cãi, nhưng là một sự kiện hàm chứa một số thông điệp mới và đáng được nghiên cứu trong bối cảnh tranh chấp biển Đông hiện nay.
Tuy là chuyến thăm của người đứng đầu một quốc gia thuộc loại nhỏ nhất thế giới tới một nước lớn nhất thế giới là Trung Quốc, nhưng ông Lý Hiễn Long đã không chỉ thể hiện quan điểm của Singapore  mà còn nói lên quan điểm của khối ASEAN với đối tác Trung Quốc. Điều thú vị là, trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc với phía  Trung Quốc, ông ta đã đưa ra những lời khuyên bảo hết sức thẳng thắn đối với chủ nhà; chưa rõ nước chủ nhà tiếp thu đến đâu,  nhưng cũng chưa thấy phản bác gì gay gắt như vẫn thấy đối với Mỹ hoặc các  trường hợp khác . Về mặt này, có lẽ ông Lý Hiễn Long đã làm tốt hơn cả bà Clinton hoặc nhiều đồng nghiệp khác trong ASEAN(?)
Ví dụ, ông Lý Hiển Long không chỉ công khai ca ngợi sức mạnh Mỹ là sáng tạo tuyệt vời, mà còn thay mặt Mỹ tuyên bố : “Mỹ có những lợi ích chính đáng ở châu Á và có một vai trò ở đây mà không nước nào có được”. Vai trò đó, theo ông, không chỉ nhờ sức mạnh quân sự và kinh tế, mà còn vì những lý do lịch sử. “Đó là lý do nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương hy vọng Mỹ tiếp tục đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực, và Singapore tin tưởng như vậy”, ông nói.
Đồng thời ông Lý Hiễn Long cũng chỉ ra rằng những hành động của Trung Quốc tại biển Đông sẽ được các nước lấy làm cơ sở đánh giá ý nghĩa thực chất của việc nước này đang mạnh lên. Vì vậy, ông kỳ vọng Bắc Kinh sẽ “kéo dài giai đoạn trổi dậy” bằng cách góp phần tạo dựng hòa bình và thịnh vượng cho chính mình, châu Á và cả thế giới, thay vì gây quan ngại như cách họ đang làm" Ông không ngần ngại nhắc nhỡ Bắc Kinh rằng "về lâu dài hình ảnh của Trung Quốc, không chỉ đối với ASEAN mà với thế giới, là cực kỳ quan trọng".

Nhà lãnh đạo của quốc gia nhỏ bé có biểu tượng con sư tử cũng đã tỏ ra rất khôn khéo gắn các vấn đề lợi ích của nước mình với lợi ich của khu vực khi nói rằng “Singapore có lập trường rõ ràng và nhất quán trong vấn đề biển Đông, và rằng "Chúng tôi không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền nên không đứng về bên nào. Nhưng chúng tôi có những lợi ích sống còn ở đó”. Đồng thời ông cho rằng “Tranh chấp chủ quyền và quyền khai thác các nguồn lợi tại biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình theo công pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về luật Biển”. Theo ông, Tuyên bố lập trường 6 điểm của ASEAN về biển Đông vào ngày 20.7 là một tiến bộ, và bày tỏ "hy vọng Trung Quốc sẽ cùng ASEAN sớm đối thoại về Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông”.
Điểm đáng lưu ý nhất của chuyến thăm có lẽ nằm ở bài phát biểu của ông Lý Hiễn Long tại trường Đảng trung ương Bắc Kinh do ông Tập Cận Bình làm Hiệu trưởng. Tại đó ông ta đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý nhất là ý tưởng về một ASEAN trung lập. Cụ thể ông nói: "ASEAN nên theo đuổi lập trường trung lập và nhìn về phía trước (neutral and forward-looking) đối với các tranh chấp biển Đông đồng thời cổ vũ các bên liên quan giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình". Theo ông, đó là cách để tránh tình trạng các thành viên bị buộc phải chọn theo một thế lực nào đó; nếu không, “Đông Nam Á sẽ trở thành đấu trường mà chẳng ai chiến thắng cả”. Ông cũng cảnh báo. “Biển Đông là trái tim của ASEAN. Vì vậy, nếu ASEAN không giải quyết được vấn đề tranh chấp thì uy tín của khối sẽ bị hủy hoại”.

Thực ra ý tưởng về một khối ASEAN trung lập đã có từ thời chiến tranh lạnh, chính xác là những năm trước khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, với tên gọi là ZOPFAN ( Zone of Peace, Freedom and Neutrality). Tuy nhiên ý tưởng đó đã "chết yểu", nếu không nói là thất bại bởi vì bối cảnh tình hình lúc đó không thuận lợi do tình trạng đối đầu giữa  hai phe mà trong đó 3 quốc gia quan trong của khu vực  là VN, Lào và Cămpuchia  không nằm trong ZOPFAN. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc ông Lý Hiễn Long nêu lại khái niệm trung lập hóa ASEAN không phải là điều gì quá mới; chỉ có hoàn cảnh quốc tế và khu vực đã thay đổi hoàn toàn khi mà ASEAN đã bao gồm tất cả các nước khu vực Đông Nam Á vàlà khu vực đang phát triển rất năng động và được coi là một trong những "đầu tàu" của nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh tranh chấp biển Đông, một ASEAN trung lập xem ra là hợp lý và thiết thực để tự bảo vệ lợi ích của bản thân mình trước cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của hai siêu cường.Với một ASEAN trung lập, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ được đặt vai vị trí và vai trò ngang bằng nhau tại khu vực. Quy chế hoặc chính sách trung lập có thể giúp ASEAN có thêm sức sống mới và cơ sở tinh thần mới để đi tới thống nhất trong các vấn đề nội khối cũng như trong đấu tranh và cạnh tranh với bên ngoài. Quy chế trung lập sẽ giúp ASEAN tránh bị guồng vào cuộc chạy đua vũ trang một cách lãng phí mà không bao giờ có thể mạnh bằng TQ hoặc Mỹ, để dành nguồn lực phát triển kinh tế. Nếu như trong quá khứ các quốc gia nhỏ yếu xung quanh biển Đông thường là nạn nhân của những cộc tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường thì đây là một cơ hội để họ thoát ra khỏi tình thế đó với tư cách là một tổ chức khu vực gắn bó với nhau. Do đó, trung lập hóa ASEAN có lẽ là một ý tưởng không tồi và đáng được xem xét nghiêm túc./.     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này