Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Một lựa chọn khả thi cho đường sắt Bắc - Nam

Lời giới thiệu của chủ blog
Là ngươi quê miền Nam nhưng hầu hết cuộc đời sống và làm việc ở Hà Nội, bản thân tôi và gia đình đã từng  nhiều lần đi Tàu Thống nhất, từ những chuyến tàu nhếch nhác nhất  trong những năm sau 1975 đến những chuyến tàu tuy chưa đẹp và chưa thuận tiện nhưng khá an toàn ngày nay, tôi thấy hoàn toàn đồng cảm với nội dung của bài viết dưới đây của tác giả người Nhật Pi Uy đăng trên báo Asahi Shimbun và được đưa lại trên Dân trí hôm nay.

May mắn thay, sau rất nhiều tranh cãi tại Quốc hội và trong công luận, cái gọi là "Dự án Tàu cao tốc Bắc -Nam " đã tạm hoãn vô thời hạn. Lúc đó tôi nghĩ  "Ông Trời đã cứu Việt Nam khỏi một bàn thua trông thấy!" Và tôi cũng rất lấy làm thú vị khi đường hầm Đèo Hải Vân được khánh thành, nhưng đường sắt vẫn còn chạy trên con đường cũ của nó vắt vẻo trên đĩnh Đèo mà mỗi lần có dịp đi qua tôi vẫn thầm khen là "báu vật" của ngành du lịch Việt Nam chỉ tiếc rằng chưa được khai thác...


Thiết nghĩ, bài viết dưới đây nhắc nhỡ người Việt Nam, trước hết là giới lãnh đạo và doanh nhân, hãy đừng "tham bát bỏ mâm" và quay lại với những thế mạnh đích thực cuả mình (không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà trong cả lĩnh vực chính trị và an ninh quốc phòng). Khả thi lắm chứ, một tuyến đường sắt truyền thống vừa thích hợp với túi tiền của người dân vừa an toàn thuận tiện, và là một "đặc sản" của ngành du lịch nước nhà. Khả thi lắm chứ, một ngày không xa du khách quốc tế sẽ đến Việt Nam  để đi tàu lửa ngắm cảnh đẹp bên bờ Biển Đông.

Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam


Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc-Nam

(Dân trí) - Nhanh hơn chưa chắc đã tốt hơn, đó chính là suy nghĩ của các du khách Nhật sau khi được đi tàu Thống Nhất Bắc - Nam. Những trải nghiệm thú vị mà du khách có được từ chuyến đi này khiến nó không chỉ đơn thuần là một sự dịch chuyển.

Đã từng có thời Việt Nam muốn đưa công nghệ vận hành tàu hỏa siêu tốc Shinkansen của Nhật về Việt Nam để người dân nước mình có thể vào Nam ra Bắc chỉ mất 5 tiếng rưỡi. Tuy vậy, cuối cùng Việt Nam quyết định không thực hiện ý tưởng này.

Dù hành khách phải mất hơn một ngày ngồi trên chuyến tàu Bắc - Nam, vượt qua chặng đường 1.726km ngăn cách giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhưng đối với người Việt Nam, đây không thể coi là một sự mệt nhọc, bất tiện.



Chuyến tàu Bắc - Nam từ lâu vốn được coi là chuyến tàu yêu dấu, mang đầy ý nghĩa đối với người Việt. Đường tàu Bắc - Nam vẫn “sống sót” sau chiến tranh với ngàn vạn tấn bom trút xuống, nó trở thành một trong những biểu tượng đẹp đẽ, thiêng liêng nhất của Việt Nam sau khi giải phóng. Đó là chuyến tàu hòa bình, hàn gắn, sum họp, thống nhất.

Lúc 7h ngày 8/5, đoàn của những du khách Nhật Bản đã đứng chờ sẵn ở sân ga Hà Nội. Biểu tượng quốc kỳ và hoa anh đào của Nhật được dán trên các toa tàu. Đây là chuyến tàu đầu tiên trong hàng loạt những chuyến tàu được vận hành đặc biệt cho tới hết ngày 23/9 nhằm kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam

Chuyến tàu được dự kiến sẽ tới ga Sài Gòn vào lúc 4h10 sáng ngày 10/5, tổng thời lượng của chuyến hành trình dài 33 tiếng. Hành trình dưới đây được kể lại dưới góc nhìn của một nhóm du khách người Nhật…

Lúc 8h39 tối ngày 8/5, tàu đã tới ga Nam Định, chỉ dừng lại ít phút rồi đi tiếp. Sau khi rời khỏi ga này, ánh đèn của xe cộ và nhà cửa dọc hai bên đường thành phố dần dần nhường chỗ cho cảnh đồng quê yên ả.

Đêm xuống, mọi người bắt đầu tính chuyện nghỉ ngơi. Những du khách Nhật đã tranh thủ bắt chuyện được với một em sinh viên người Việt. Cậu bé thật thà chia sẻ: “Người giàu đi máy bay còn bình dân đi tàu hoả dù mất nhiều thời gian”. Cậu thanh niên nằm tựa lưng vào ghế, vé của cậu là vé ngồi, ôm chiếc ba-lô trước ngực, giấc ngủ đến với tuổi trẻ thật dễ dàng.

Ngay trước khi tàu tới ga Đồng Hới lúc 5h sáng ngày 9/5, một bản nhạc nhẹ nhàng mang đặc trưng của âm nhạc dân gian Việt Nam vang lên, thật là cách đánh thức nhẹ nhàng đối với các hành khách đang say ngủ.

Mặt trời bắt đầu chiếu sáng. Những mái nhà ngói nâu đỏ, những cánh đồng lúa xanh rì bắt đầu hiện ra lấp lánh dưới ánh nắng mai.

Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam

Việc xây dựng tuyến tàu hoả Bắc - Nam bắt đầu từ năm 1899 tuy vậy tàu hoả không hoạt động trên tuyến đường này cho tới tận năm 1936.

Trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều công trình đã bị tàn phá, tuyến đường này cũng bị ảnh hưởng nhiều. Đến năm 1976, nó được tu sửa lại. Trong lịch sử Việt Nam, tuyến đường sắt Bắc - Nam được coi như biểu tượng của sự thống nhất nước nhà. Còn nhớ khi chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên lăn bánh, cả dân tộc như vỡ oà trong hạnh phúc.

Trong suốt những thập kỷ qua, thời lượng của chuyến tàu Nam Bắc đã giảm từ hơn 70 tiếng xuống còn khoảng 30 tiếng nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Sắp tới, thời gian sẽ còn được giảm thêm nữa.

Lúc 10h10 sáng ngày 9/5, tàu đi qua Đèo Hải Vân. Cảnh vật tuyệt đẹp, non nước hữu tình.

Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam

Những du khách Nhật Bản lại làm quen với một nữ du khách người Pháp đang mang trên lưng chiếc ba-lô to sụ. Người phụ nữ hào hứng nói: “Chuyến tàu này có một không khí thật đặc biệt, khác với những chuyến tàu mà tôi từng đi ở những đất nước khác. Tôi thấy rất thú vị, rất phấn khích”.

Ở miền Bắc, bầu trời mang sắc xám, hiu hiu buồn nhưng khi tàu đến miền Trung, trời đã rạng hẳn, đem lại cho du khách một trạng thái cảm xúc mới.

Sau khi chinh phục được những triền núi gập ghềnh, thành phố Đà Nẵng - trung tâm thương mại của các tỉnh miền Trung bắt đầu hiện ra.

Những chiếc xe đẩy chất đầy các hộp đựng đồ ăn trưa bắt đầu di chuyển dọc các khoang tàu. Hành khách có thể thoải mái lựa chọn món ăn phù hợp với khẩu vị của mình, giá cả cũng rất phải chăng.

Mỗi khi tàu dừng lại ở một ga nào đó, các du khách Nhật Bản lại thấy xuất hiện những người phụ nữ ôm thúng, bán các loại xôi gói trong những đọt lá xanh trông thật hấp dẫn.

Các du khách nước ngoài ai cũng háo hức muốn tranh thủ rời tàu để xuống quan sát, “ngó nghiêng” nhưng khoảng dừng ở mỗi ga chỉ kéo dài 5 phút vì vậy ai cũng sợ bị lỡ chuyến, cuối cùng, họ đành ngồi lại trên tàu, háo hức nhìn ngó.

Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam

Chẳng mấy chốc lại tới bữa tối và chiếc xe đẩy đồ ăn lại xuất hiện với hàng loạt những món ăn hấp dẫn mời chào. Mì gạo, phở và những món ăn đậm chất Việt Nam nhanh chóng được các khách du lịch nước ngoài lựa chọn.

Tiếp tục tiến xuống phía nam, con tàu băng qua những cánh đồng lúa xanh rì. Điều khiến các du khách Nhật đặc biệt ấn tượng chính là trên cánh đồng không chỉ có máy cày mà còn có cả những con trâu.

Hình ảnh con trâu kéo cày đã trở nên rất hiếm ở một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hiện đại như nước Nhật. Người nông dân đội nón lá ra đồng, thấp thoáng những bóng nón trắng trên cánh đồng xanh, bên cạnh những con trâu cần mẫn. Cảnh vật thật yên bình, dễ chịu.

Một ngày nữa lại sắp kết thúc. Mặt trời sắp lặn hẳn. Ngay sau 9 giờ tối, một bản nhạc nhẹ nhàng lại vang lên như để ru ngủ hành khách. Cả đoàn tàu dần chìm vào giấc ngủ.

Đến 4h05 sáng ngày 10/5, tàu đến ga Sài Gòn. Qua cửa sổ toa tàu, du khách có thể nhìn thấy những toà nhà cao tầng mọc lên sừng sững ở thành phố lớn nhất và phát triển nhất Việt Nam. Trời vẫn chưa sáng hẳn.

Trên đoạn đường đi qua đèo Hải Vân, tàu bị chậm so với lịch trình 30 phút nhưng khi tới ga Sài Gòn, tàu vẫn đến sớm 5 phút, người lái tàu ra hồ hởi chào tạm biệt những du khách Nhật: “Tôi đã bảo các anh mà, không có vấn đề gì đâu, tàu sẽ đến ga cuối đúng giờ…”

Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam

Năm 2010, Việt Nam từng tính đến chuyện xây dựng đường tàu hoả siêu tốc nhưng ý định này đã không được triển khai bởi giá thành quá cao. Tuy vậy, được ngồi trên chuyến tàu Bắc - Nam, đoàn du khách Nhật Bản cũng đồng tình rằng nhanh hơn chưa chắc đã tốt hơn.

Chuyến tàu Bắc - Nam không chỉ là một sự dịch chuyển, nó thực sự là một chuyến hành hương, một chuyến đi chứa đựng bao điều thú vị, một trải nghiệm đáng nhớ mà mỗi người nên có trong đời.
Tác giả: Pi Uy/ Asahi Shimbun

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Cuộc hội ngộ sau 40 năm của nhóm cựu sinh viên VN tại Ấn Độ

Có lẽ ít người biết Ấn Độ đã từng là nước đầu tiên trong số các quốc gia Anh ngữ nhận đào tạo cán bộ tiếng Anh cho Việt Nam. Và điều này xảy ra vào năm 1973 khi Mỹ vừa ngừng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân chống miền Bắc và Hội nghị Paris bắt đầu chuyển sang giai đoạn cuối. Suốt thời kỳ chiến tranh cả Chính phủ VNDCCH và Chính phủ CMLT đều rất cần nguồn nhân lực tiếng Anh nhưng chưa bao giờ có thể cử sinh viên sang các nước mà ở đó tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, để đào tạo, lý do chính là vì không quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào trong số đó dám làm trái lệnh phong tỏa của Mỹ đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã là cánh cửa đầu tiên mở ra, và sau đó một số năm lần lượt Úc, Anh, Tân Tây Lan cũng làm như vậy.  Sở dĩ tôi nói dong dài về điều này để thấy không phải đơn giản khi chính phủ Ấn Độ đã đi đầu trong việc phá rào cản của Mỹ đặt ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Và nếu nói về quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời Việt -Ấn thì đây là một dẫn chứng rất đáng kể, và nhóm sinh viên VN tại Đại Học J Nehru năm 1973-1974 (gọi tắt "Nhóm JNU") có một ý nghĩa rất đặc biệt.

Nhóm sinh viên JNU tham quan một đền cổ ở miền Bắc Ấn Độ mùa  Đông 1973  (Ảnh tư liệu của tác giả)




Photo: Vài hình ảnh về hội ngộ của nhóm cựu sinh viên Việt Nam du học Ấn Độ những năm trước 1975
Với Bà Nguyễn Thị Bình
Đến nay vừa tròn 40 năm trôi qua và giờ đây hầu hết nhóm cựu sinh viên đó đã  nghĩ hưu, một vài người không may đã qua đời, chỉ còn một thành viên đương chức là ông Lê Lương Minh đang làm Tổng Thư ký ASEAN. Trong hoàn cảnh đó để có một cuộc "hội ngộ" vào dịp này không phải là dễ. Tuy nhiên, với sáng kiến của ông Nguyễn Văn Huỳnh (cựu sinh viên JNU) một cuộc gặp mặt đã được thu xếp hôm qua (24/7/2013) lại tai số 61 Bà Triệu (Hà Nội) với sự tham dự của một số vị khách mời đặc biệt, đó là Bà Nguyễn thị Bình- Nguyên Ngoại trưởng Chính phủ CM LT, sau đó làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam thống nhất; và Ngài  đương kim Đại sứ  cùng một số cán bộ Sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội. Đến dự còn có ông Vũ Quang Diệm người không thuộc nhóm JNU nhưng là bạn đồng môn, đồng nghiệp cùng thế hệ và từng có một nhiệm kỳ làm đại sứ tại Ấn Độ. Tuy chưa đông đủ mọi thành viên JNU, nhưng với thành phần kể trên cuộc gặp thật ý nghĩa. Đây là dịp để ôn lại những kỹ niệm đáng nhớ của một thời kỳ ý nghĩa nhất trong quan hệ Việt-Ấn. Chuyện cũ, chuyện mới, chuyện công, chuyện riêng cứ thế nổ như ngô rang trong bầu không khí cởi mở, chân tình và thân mật.

Về phần mình, các cựu sinh viên JNU bùi nguồi nhớ lại những ngày đầu "sang Tây Trúc lấy kinh" với bao điều lạ lẫm nhưng rất thú vị và đáng nhớ. Đầu tiên là sự ngỡ ngàng trước cái nắng nóng thường xuyên trên 40 độ C nhưng người Ấn hầu như không ai đội mũ (?) Tiếp đến là cái mùi cà-ri đặc trưng đi đâu cũng ngửi thấy của  xứ sở này. Và không sao quên được những cuộc tham quan đến những đền đài và di tích lịch sử cổ kính khắp mọi miền của đất nước Ấn Độ rộng lớn và đa dạng. Và những kỷ niệm vui buồn về cuộc sống tại  khu ký túc xá của trường vừa mới xây trên khu đồi sỏi đá không một bóng cây mà những sinh viên Việt Nam là một trong số những người đầu tiên dọn đến. Đó là nơi tụ tập sinh viên đến từ nhiều sắc tộc và tôn giáo trên khắp đất nước Ấn Độ, đặc biệt là các nữ sinh trong những bộ sa-ri nhiều màu sắc và kiểu cách trang sức độc đáo trên khuôn mặt và đôi mắt hút hồn của họ. Tất cả tạo nên một cộng đồng sinh viên mang đậm bản sắc Ấn Độ và không giống bất cứ một nước nào khác trên thế giới. Mọi người vẫn nhớ một chi tiết có lẽ chỉ có ở các trường học Ấn Độ, đó là lúc nào cũng có những người gác gọi là chu-ki-đa túc trực trước cửa các phòng ký túc nữ sinh để ngăn không cho nam sinh viên vào phòng, trong khi tại khu ký túc nam thì hoàn toàn tự do. Điều này có nghĩa là, nếu vì  một nguyên nhân nào, khi có nam, nữ ở cùng phòng với nhau thì coi như "xong rồi!". Kể ra đây là một thông lệ rất thú vị đấy chứ? 


Với Đại sứ  và 2 cán bộ Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội
Ông Nguyễn Sĩ Sung nguyên Trưởng Nhóm JNU nhớ lại chuyện thầy giáo Kapur một hôm đột nhiên hỏi cả lớp: "Sao hôm nay các anh không mặc comple?"  Cả lớp ớ ra...nhìn nhau cười. Chả là trước khi lên đường du học, như thường lệ Bộ Tài chính Việt Nam vẫn cấp  "quân trang" cho sinh viên, trong đó mỗi người có 2 bộ comple giống nhau của hiệu may Tiến Thành. Thời chiến tranh vải rất khan hiếm huống chi là màu sắc và kiểu cách! Bất luận đoàn gồm bao nhiêu người, là nam giới thì phải comple và sơ mi trắng. Đúng thời kì đó chỉ có vải xi-mi-li là loại được ưa thích vì vừa bền chắc, vừa không phải lo giặt là!. Nhưng chỉ có màu đen. Ai không thích đen cũng không thể đổi sang màu khác! Tất cả được đựng trong một chiếc va ly vải bố thô kệt không lẫn vào đâu được! Comple là "bộ cánh bốn mùa" của cán bộ và sinh viên Việt Nam khi được cử ra nước ngoài dù xứ lạnh hay xứ nóng, đi ngắn hạn hay dài hạn... (Chẳng hay các vị nào thích bàn về "quốc phục" có để ý đến chi chiết mang tính lịch sử này không nhĩ?) . Khi nào lạnh quá thì mặc thêm chiếc áo len, khi nào nóng quá thì chỉ mặc áo sơ mi trắng. Giầy thì cũng chỉ một loại của Nhà máy Giày da Thụy Khuê với một model muôn thuở, sang đến xứ người phần da co chật, phần đế bong tróc "há mồm"..., nhiều phen chết ngượng giữa đường! Riêng anh em Đoàn đi Ấn Độ năm ấy đã tự nhận ra mình trong bộ comple đồng phục màu đen và đùa với nhau "giống như đàn quạ!". Sở dĩ thầy Kapur hỏi vậy là vì hôm đó mọi người đã có dịp ra cửa hàng mua vài chiếc áo khác màu mặc lên lớp mà!

Cứ thế, hết chuyện nọ sang chuyện kia tưởng không bao giờ dứt. Bên cạnh những câu chuyện chính trị-xã hội có phần nghiêm chỉnh vẫn là những chuyện vui hài, và cũng có những chuyện về các sự cố không mong muốn...., và tất nhiên không thể thiếu vắng chủ đề ăn uống. Sau một thời gian ăn chung tại nhà ăn ký túc xá, nhóm sinh viên Việt Nam nhận ra rằng không thể nào tiếp tục như thế, vì không chỉ khác biệt về khẩu vị mà cả về cách ăn: Quân ta không thể nào ăn bằng những ngón tay... trong khi các bạn Ấn Độ dường như chỉ có thể ăn ngon bằng hai bàn tay của họ. Theo lẽ thường thì cái gì cũng có thể cố để thích ứng, nhưng chuyện ăn uống thì không. Kể cũng lạ! Rốt cuộc Ban quản lý nhà trường đã đồng ý và còn nhã ý "hỗ trợ" để nhóm sinh viên Việt Nam "tự biên, tự diễn" trong khâu ăn uống. Từ đó cứ sau mỗi buổi học mọi người tranh thủ ghé qua chợ rồi về nhà nấu ăn xì xụp với nhau rất ngon lành, và cũng rất hiệu quả! Phải chăng đây chính là một trong những đặc điểm dân tộc của người Việt, bất luận đó là tốt hay xấu?
 

Có rất nhiều những ký ức và không sao có thể kể hết ra được. Do điều kiện hạn hẹp, cuộc gặp mặt chỉ diễn ra trong quảng 2 giờ. Nhưng có lẽ điều quan trọng là nó không chỉ làm sống lại trong ký ức của mọi người về những gì đã xảy ra cách nay 40 năm mà còn gợi lên những gì cần làm trong thời gian sắp tới. Đó là cảm nhận từ không khí cuộc gặp giữa những con người không chỉ  nặng tình với quá khứ mà đồng thời luôn ý thức về hiện tại và tương lại. Là "người trong cuộc" tôi chỉ mạn phép ghi lại đôi điều và cung cấp một số hình ảnh để lưu niệm và chia sẻ cùng mọi người. Hi vọng cuộc hội ngộ đầu tiên này sẽ tạo tiền đề cho nhiều hoạt động khác.

Trần Kinh Nghị                            

      .

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Sách lược hay chiến lược?

Có ít nhắt là 3 thực tế liên quan đến tình hình Việt Nam trong vòng 1 tháng qua kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Trung Quốc.

Một là, tình trạng sản xuất tiếp tục sa sút, nguồn thu ngân sách không đủ chi, giá ngoại hối USD tăng, giá vàng nhảy múa trong khi các mặt hàng đều tăng, đặc biệt giá điện tăng đột biến do ngành điện lạm thu của khách hàng (tham khảo tại đây). Hoàn toàn không khó khăn gì để bất cứ ai cũng nhận ra những hiện tương tương tự. 

Đó là gì nếu không phải là biểu hiện của tình trạng lộn xộn trong kinh doanh với những hình thái "chụp giựt", "tự cung tự tiêu"... trên quy mô cả nước. 


Mặc khác, trong khi bên cạnh những lời cảnh báo chiếu lệ yếu ớt chỉ phát ra từ một số tờ báo và phương tiện thông tin đại chúng,  dòng hàng hóa và đầu tư ngầm từ Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường nội địa Việt Nam với các thương lái rầm rập  lùng sục khắp nơi để mua, thuê đất đai, bất động sản...Tuy nhiên, lạ thay, cả chính khách lẫn người dân Việt Nam đều vẫn bình chân như vại, chẳng lo khủng hoảng kinh tế cũng không lo bị thua thiệt... 

Hai là, sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc và hai bên ký hàng loạt văn kiện thỏa thuận "đối tác chiến lược" bầu không khí chính trị-xã hội Việt Nam dường như trở nên trầm lắng khác thường mà trong đó cảm nhận chung là tâm trạng phân vân của người dân. Đó có thể một phần do biện pháp bắt bớ, đàn áp người bất đồng ý kiến gần đây. Nhưng lý do chính có lẽ là do tác động của sự thỏa thuận Trung-Việt, hoặc do "cộng hưởng" của cả hai nguyên nhân trên.
Dù sao người dân vẫn chờ đợi. Tuy nhiên, họ đã không phải chờ lâu khi sáng nay ngày 9/6 vừa có tin 2 tàu cá của Việt Nam đã bị tàu hải quân Trung Quốc hành hung và cướp phá, thậm chí đã chặt cột cờ đỏ sao vàng vứt xuống biển khi đang đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam   (tham khảo tại đây)

Ba là, tại Hà Nội mới đây xuất hiện những tấm biển hiệu giao thông song ngữ Trung, Việt trên một số tuyến phố.  Chuyện này nhắc nhớ đến hàng loạt vụ "in nhầm" cờ, chữ viết và sách vỡ hoc sinh  cùng nhiều thủ đoạn ngôn ngữ, văn hóa.... Đáng chú ý là  gần đây bắt đầu xuất hiện luận điệu công khai trên mạng internet cho rằng Việt Nam nên giao biển đảo cho Trung Quốc quản lý..., miễn là giữ vững độc lập chủ quyền trên đất liền! Đó chắc chắn không phải những việc làm và luận điệu ngẫu nhiên, mà là những dấu hiệu ngày càng rõ của xu hướng "thân tàu" vốn đã biến mất sau những cuộc chiến tranh xâm lược từ Trung Quốc. 

Bạn nghĩ sao trước những diễn biến tình hình nêu trên đây? 

Tôi nghĩ, với đại đa số nhân dân Việt Nam thì Nghị quyết  Đại hội Đảng lần thứ VI với phương châm "làm bạn với tất cả" cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, vẫn biết bạn thù chỉ là khái niệm và có thể thay đổi. Và mọi sự thay đổi bạn thù chỉ có thể thực sự diễn ra khi cả hai bên cùng đổi thay. Nếu chưa, mọi hành động hay phát biểu chỉ là sách lược bề ngoài.  Mặt khác, đối với Việt Nam,  phương châm mềm dẻo, khôn khéo trong quan hệ với Trung Quốc bao giờ cũng là quốc sách, nhất là trong những thời điểm khó khăn và trước sự lớn mạnh và hiếu chiến của đối phương. Nhưng Trung Quốc là bậc thầy về âm mưu thủ đoạn. Có lẽ đây là cơ sở để nhìn nhận về tình hình mới trong quan hệ Việt-Trung.

Cho đến nay, hầu hết ý kiến trong và ngoài nước đều cho rằng Trung Quốc chưa hề thay đổi quan niệm về Việt Nam, đặc biệt trong âm mưu độc chiếm Biển Đông. Vậy tại sao 2 bên vừa ký kết "đối tác chiến lược"?  Câu trả lời chỉ có thể là xuất phát từ đường lối mềm dẻo và khôn khéo của Việt Nam (và cả của Trung Quốc). Có điều là, phải chăng giới lãnh đạo Việt Nam giờ đây vân dụng nó theo một cách thức khác, cùng lúc trên cả mặt trận đối ngoại, đối nội và bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-chính trị-xã hội và khiến nó "đi vào cuộc sống" quá nhanh? Và do đó hậu quả có thể rất khó lường? Có lẽ đây là cách thức mà ông cha ta chưa từng làm trong các thời kỳ lịch sử trước đây. Trong các thời kỳ trước khi sách lược mềm dẻo khôn khéo được tiến hành một cách kín đáo tế nhị thông qua các hoạt động đối ngoại, đôi khi chỉ bằng sự đối đáp. Điều quan trọng là phải được sự đồng lòng ủng hộ của dân chúng. Nhưng tình hình hiện này không như vậy. Trong khi dân thường không hiểu mô tê thế nào thì từ dân cửu vạn trên biên giới đến dân giới buôn lậu ở thành phố và các vùng sâu vùng xa đều có thể "quán triệt" và triển khai hoạt động cho mục đích riêng của họ. Nói theo  cách dân dã, khi sự việc rơi vào tình trạng "trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường" thì khó mà thành công! Ấy là chưa nói khi đối phương còn khôn khéo quỹ quyệt hơn ta nhiều. Có lẽ nhà báo Mỹ David Brown đã đúng với bài phân tích mới đây của ông về thực chất mối quan hệ Trung-Việt trong bối cảnh hai bên vừa ký đối tác chiến lược. Ông này cho rằng hai nước "đang chơi với lữa". (tham khảo tại đây)

Trên đây chỉ là vài lời lạm bàn ở góc độ và phạm trù "sách lược". Còn nếu mọi việc đã chuyển thành "chiến lược" rồi thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác ./.



             

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Đất công vào túi ai?



Có thể nói, tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam ngày nay đã trở thành một căn bệnh nan y, trong đó tham nhũng đất công là chứng bệnh rất khó phát hiện và khó điều trị. Bởi lẽ đất công có ở mọi nơi; trừ một số nơi "khỉ ho cò gáy", còn lại thường bị sử dụng sai muc đích, thậm chí bị tranh cướp giữa các nhóm lợi ích trong sự quản lý đầy sơ hở của các cơ quan chính quyền. Riêng tại Quận Cầu Giấy là địa bàn phát triển nóng nhất trong quá trình mở rộng Thủ Đô, có rất nhiều hình thái xâm phạm đất công, và một trong những thủ đoạn phổ biến là núp bóng những "dự án" với những cái tên mĩ miều như "xã hội hóa","khai thác quỹ đất" và "đổi đất lấy công trình" v.v...Chúng không chỉ gây nên tình trạng thất thoát công của mà còn gây ra những hậu quả khôn lường đối với môi trường sống. Bài viết này trước hết nói về tình trạng tại Công viên Cây xanh Nghĩa Đô mà bản thân người viết đã từng tham gia lao động để xây dựng nhiều năm về trước.


Công viên Nghĩa Đô đang trở nên quá tải so với nhu cầu dân số

Những "tam giác vàng" vây hãm Công viên Nghĩa Đô

     

Tôi xin phép  sử dụng tấm bản đồ của Google Maps và đánh dấu vào đó một số hình tam giác màu da cam tượng trưng cho các lô đất công bị sử dụng sai mục đích mà người dân địa phương gọi là những "tam giác vàng" vì cho rằng chúng đưa lại những giá trị kết xù cho ai đó. Điều này cũng đã được phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các mức độ khác nhau. Có ít nhất là 5 "tam giác vàng" như thế nằm bên trong và bên ngoài Công viên lần lượt được đánh số theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống như sau:
 

1) Lô đất  nằm bên trong rào Công viên (tại góc Phố Tô Hiệu và đường Nguyễn Văn Huyên). Tấm ảnh bên cho thấy hiện tại có một khối nhà 4 tầng vừa xây xong phần thô và một khối nhà khác đang đào mống. Những "dự án" này đã bắt đầu hơn một năm nay nhưng chưa hề thấy công báo chính thức ai là chủ và mục đích để làm gì, v.v...
 
Ảnh một trong 3  ki-ốt bên cạnh Khu vui chơi trẻ em
2) Lô đất bên trái cổng chính của Công viên từ tháng 9/2012 đã biến thành "Khu vui chơi cho trẻ em" kèm theo 3 ki-ốt chiếm trọn  1/4 diện tích đất (chưa kể hồ nước) của Công viên. Dự án đã diễn ra khá nhanh và bất ngờ. Khi có ý kiến thắc mắc từ người dân thì được thông báo là của Trung tâm khai thác quỹ đất, Quận Cầu Giấy, và nguồn kinh phí "huy động từ các doanh nghiêp..."
 

3) Lô "đất kẹt" sát bờ rào Công viên phía đường Trần Đăng Ninh từ lâu đã biến thành quán Bia hơi Thu Hằng. Quán này sử dung hàng rào sắt của Công viên làm "cửa sổ" và là một tụ điểm ăn nhậu nhộn nhạo suốt ngày đêm,  thường xuyên thảy nước bẩn hôi thối ra hồ Công viên chỉ cách đó vài ba mét. 
  
4) Lô "đất kẹt" liền kề bên phải Nhà văn Hóa Phường Dịch Vọng một mặt giáp rào Công viên, mặt kia giáp Phố Chùa Hà. Diện tích gần 4.000 m2 này nguyên là đất cây xanh nhưng gần đây được "hô biến" thành một động cafe có tên tiếng Anh là New Wind Cafe. Không chỉ xây khu vệ sinh và nước thải sát đường dạo ven hồ của Công viên, quán này còn đang có ý đồ bành trướng sang một mảnh "đất kẹt" hình tam giác khác đang bỏ hoang phế phía sau bên trái Nhà Văn hóa Phường Dịnh Vọng. Nếu ý đồ này được thực hiện thì quán sẽ là một "mê cung" đấy!  
 
5) Cuối cùng nhưng lớn nhất là lô đất nằm giữa khu dân cư và trường học có mặt tiền hàng trăm mét sát Công viên Nghĩa Đô. Đó là một vị trí rất đắc địa xét về mọi tiêu chí, nhưng cũng là vị trí rất "phản cảm" xét theo nguyên tắc "KHÔNG ĐƯỢC XÂY BỆNH VIỆN..." của Thành phố Hà Nội. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao nó lại được "giao cho" bệnh viện Hoa kì-Hà Nội và hơn 10 năm nay vẫn chưa thể đi vào vận hành? 
 
Nỗi bức xúc từ công luận 
Điểm chung nhất đối với các "tam giác vàng" nói trên là diện tích từ lớn đến rất lớn, nhưng tại sao không thấy công báo chính thức và đầy đủ trước cộng đồng dân cư về phương thức giao đất, thời gian giao đất và nguồn thu ngân sách bao nhiêu, nộp về đâu, v.v...Người dân không được biết không được bàn, cũng chẳng được kiểm tra.  

Theo quy hoạch tổng thể Công viên Nghĩa Đô là một công viên cây xanh (chứ không phải khu vui chơi giải trí). Tuy nhiên không rõ từ quan điểm nào và mục đích gì mà Quận Cầu Giấy tự ý cho thay đổi công năng của Công viên bằng việc phá bỏ các hạng mục với nhiều cây xanh, bồn hoa, ghế đá và hệ thống dường dạo hoàn chỉnh để thay vào đó bằng một khu vui chơi và các ki-ốt? Nếu người ta cho rằng cần có thêm chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ, sân tập cho người lớn  thì tại sao không chọn các lô đất số 1, 3, và 4 là những lô đất thích hợp hơn nhiều? Phải chăng những lô đất đó là "của để dành" cho một vài nhà "đầu tư ruột" có chủ đích trước, và đó là phương thức "xin-cho" luôn kèm theo những món "lại quả" đầy sức hấp dẫn, hoặc do những nhân tố "lợi ích nhóm" nào khác?  

Thiết nghĩ, chức năng và nghiệm vụ hàng đầu của Quận Cầu Giấy trước hết là duy tu bảo dưỡng kịp thời tình trạng xuống cấp nghiêm trọng kéo dài của Công viên  Nghĩa Đô (như có thể thấy qua một số hình  ảnh cập nhật dưới đây). Tuy nhiên điều khó hiểu là Quận Cầu Giấy dường như không chú ý thực hiện chức năng đó, trái lại đang dung túng cho một số nhóm lợi ích lăm le chia cắt hoặc vây hãm Công viên cây xanh có vai trò rất thiết thực này trước nhu cầu ngày càng tăng của cộng đồng dân cư.   


Bờ kè và đường quanh hồ sứt mẻ...

Đá  ốp bệ cổng bong tróc từ  nhiều năm nay 
Những hàng cột điện xiêu vẹo 

Chỉ một số người nhà "được phép" câu cá
Nhiều ghế đá gẫy vỡ

Các lối dạo  và sân tập lồi lõm , ngập nước

Bồn phun nước giữa hồ bị hỏng 2 năm nay

Trên đây là một vài sự thật và thắc mắc mà công chúng đều biết; báo chí cũng đã nhiều lần nêu lên. Tuy nhiên, cùng với thời gian trôi qua tình trạng lạm dụng đất công bên trong và xung quanh Công viên Nghĩa Đô vẫn ngang nhiên tiếp diễn bất chấp sự phản đối của công luận. Thậm chí có tình trạng câu kết giữa các thế lực tham nhũng nhằm bao che, đối phó với công luận. E rằng, với đà này những diện tích đất công tại khu vực này sẽ vĩnh viễn biến thành đất tư, trong khi Công viên cây xanh Nghĩa Đô đang xuống cấp và đứng trước nguy cơ bị chia cắt và thu hẹp nghiêm trọng. 

Để khắc phục, thiết nghĩ, đã đến lúc các Cơ quan nhà nước, kể cả Thanh tra Chính phủ và Quốc hội cần vào cuộc điều tra làm rõ và đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời nhằm chặn đứng xu hướng sử dụng sai mục đích đối với đất công nói chung; đối với những diện tích liền kề Công viên Nghĩa Đô nên thu hồi và sát nhập vào Công viên là hợp lý nhất.
     

Tìm kiếm Blog này