Lời giới thiệu của chủ blog:
Là ngươi quê miền Nam nhưng hầu hết cuộc đời sống và làm việc ở Hà Nội, bản thân tôi và gia đình đã từng nhiều lần đi Tàu Thống nhất, từ những chuyến tàu nhếch nhác nhất trong những năm sau 1975 đến những chuyến tàu tuy chưa đẹp và chưa thuận tiện nhưng khá an toàn ngày nay, tôi thấy hoàn toàn đồng cảm với nội dung của bài viết dưới đây của tác giả người Nhật Pi Uy đăng trên báo Asahi Shimbun và được đưa lại trên Dân trí hôm nay.
May mắn thay, sau rất nhiều tranh cãi tại Quốc hội và trong công luận, cái gọi là "Dự án Tàu cao tốc Bắc -Nam " đã tạm hoãn vô thời hạn. Lúc đó tôi nghĩ "Ông Trời đã cứu Việt Nam khỏi một bàn thua trông thấy!" Và tôi cũng rất lấy làm thú vị khi đường hầm Đèo Hải Vân được khánh thành, nhưng đường sắt vẫn còn chạy trên con đường cũ của nó vắt vẻo trên đĩnh Đèo mà mỗi lần có dịp đi qua tôi vẫn thầm khen là "báu vật" của ngành du lịch Việt Nam chỉ tiếc rằng chưa được khai thác...
Thiết nghĩ, bài viết dưới đây nhắc nhỡ người Việt Nam, trước hết là giới lãnh đạo và doanh nhân, hãy đừng "tham bát bỏ mâm" và quay lại với những thế mạnh đích thực cuả mình (không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà trong cả lĩnh vực chính trị và an ninh quốc phòng). Khả thi lắm chứ, một tuyến đường sắt truyền thống vừa thích hợp với túi tiền của người dân vừa an toàn thuận tiện, và là một "đặc sản" của ngành du lịch nước nhà. Khả thi lắm chứ, một ngày không xa du khách quốc tế sẽ đến Việt Nam để đi tàu lửa ngắm cảnh đẹp bên bờ Biển Đông.
Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc-Nam
(Dân trí) - Nhanh hơn chưa chắc đã tốt hơn, đó chính là suy nghĩ của các du khách Nhật sau khi được đi tàu Thống Nhất Bắc - Nam. Những trải nghiệm thú vị mà du khách có được từ chuyến đi này khiến nó không chỉ đơn thuần là một sự dịch chuyển.
Đã từng có thời Việt Nam muốn đưa công nghệ vận hành tàu hỏa siêu tốc Shinkansen của Nhật về Việt Nam để người dân nước mình có thể vào Nam ra Bắc chỉ mất 5 tiếng rưỡi. Tuy vậy, cuối cùng Việt Nam quyết định không thực hiện ý tưởng này.
Dù hành khách phải mất hơn một ngày ngồi trên chuyến tàu Bắc - Nam, vượt qua chặng đường 1.726km ngăn cách giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhưng đối với người Việt Nam, đây không thể coi là một sự mệt nhọc, bất tiện.
Chuyến tàu Bắc - Nam từ lâu vốn được coi là chuyến tàu yêu dấu, mang đầy ý nghĩa đối với người Việt. Đường tàu Bắc - Nam vẫn “sống sót” sau chiến tranh với ngàn vạn tấn bom trút xuống, nó trở thành một trong những biểu tượng đẹp đẽ, thiêng liêng nhất của Việt Nam sau khi giải phóng. Đó là chuyến tàu hòa bình, hàn gắn, sum họp, thống nhất.
Lúc 7h ngày 8/5, đoàn của những du khách Nhật Bản đã đứng chờ sẵn ở sân ga Hà Nội. Biểu tượng quốc kỳ và hoa anh đào của Nhật được dán trên các toa tàu. Đây là chuyến tàu đầu tiên trong hàng loạt những chuyến tàu được vận hành đặc biệt cho tới hết ngày 23/9 nhằm kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Chuyến tàu được dự kiến sẽ tới ga Sài Gòn vào lúc 4h10 sáng ngày 10/5, tổng thời lượng của chuyến hành trình dài 33 tiếng. Hành trình dưới đây được kể lại dưới góc nhìn của một nhóm du khách người Nhật…
Lúc 8h39 tối ngày 8/5, tàu đã tới ga Nam Định, chỉ dừng lại ít phút rồi đi tiếp. Sau khi rời khỏi ga này, ánh đèn của xe cộ và nhà cửa dọc hai bên đường thành phố dần dần nhường chỗ cho cảnh đồng quê yên ả.
Đêm xuống, mọi người bắt đầu tính chuyện nghỉ ngơi. Những du khách Nhật đã tranh thủ bắt chuyện được với một em sinh viên người Việt. Cậu bé thật thà chia sẻ: “Người giàu đi máy bay còn bình dân đi tàu hoả dù mất nhiều thời gian”. Cậu thanh niên nằm tựa lưng vào ghế, vé của cậu là vé ngồi, ôm chiếc ba-lô trước ngực, giấc ngủ đến với tuổi trẻ thật dễ dàng.
Ngay trước khi tàu tới ga Đồng Hới lúc 5h sáng ngày 9/5, một bản nhạc nhẹ nhàng mang đặc trưng của âm nhạc dân gian Việt Nam vang lên, thật là cách đánh thức nhẹ nhàng đối với các hành khách đang say ngủ.
Mặt trời bắt đầu chiếu sáng. Những mái nhà ngói nâu đỏ, những cánh đồng lúa xanh rì bắt đầu hiện ra lấp lánh dưới ánh nắng mai.
Việc xây dựng tuyến tàu hoả Bắc - Nam bắt đầu từ năm 1899 tuy vậy tàu hoả không hoạt động trên tuyến đường này cho tới tận năm 1936.
Trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều công trình đã bị tàn phá, tuyến đường này cũng bị ảnh hưởng nhiều. Đến năm 1976, nó được tu sửa lại. Trong lịch sử Việt Nam, tuyến đường sắt Bắc - Nam được coi như biểu tượng của sự thống nhất nước nhà. Còn nhớ khi chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên lăn bánh, cả dân tộc như vỡ oà trong hạnh phúc.
Trong suốt những thập kỷ qua, thời lượng của chuyến tàu Nam Bắc đã giảm từ hơn 70 tiếng xuống còn khoảng 30 tiếng nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Sắp tới, thời gian sẽ còn được giảm thêm nữa.
Lúc 10h10 sáng ngày 9/5, tàu đi qua Đèo Hải Vân. Cảnh vật tuyệt đẹp, non nước hữu tình.
Những du khách Nhật Bản lại làm quen với một nữ du khách người Pháp đang mang trên lưng chiếc ba-lô to sụ. Người phụ nữ hào hứng nói: “Chuyến tàu này có một không khí thật đặc biệt, khác với những chuyến tàu mà tôi từng đi ở những đất nước khác. Tôi thấy rất thú vị, rất phấn khích”.
Ở miền Bắc, bầu trời mang sắc xám, hiu hiu buồn nhưng khi tàu đến miền Trung, trời đã rạng hẳn, đem lại cho du khách một trạng thái cảm xúc mới.
Sau khi chinh phục được những triền núi gập ghềnh, thành phố Đà Nẵng - trung tâm thương mại của các tỉnh miền Trung bắt đầu hiện ra.
Những chiếc xe đẩy chất đầy các hộp đựng đồ ăn trưa bắt đầu di chuyển dọc các khoang tàu. Hành khách có thể thoải mái lựa chọn món ăn phù hợp với khẩu vị của mình, giá cả cũng rất phải chăng.
Mỗi khi tàu dừng lại ở một ga nào đó, các du khách Nhật Bản lại thấy xuất hiện những người phụ nữ ôm thúng, bán các loại xôi gói trong những đọt lá xanh trông thật hấp dẫn.
Các du khách nước ngoài ai cũng háo hức muốn tranh thủ rời tàu để xuống quan sát, “ngó nghiêng” nhưng khoảng dừng ở mỗi ga chỉ kéo dài 5 phút vì vậy ai cũng sợ bị lỡ chuyến, cuối cùng, họ đành ngồi lại trên tàu, háo hức nhìn ngó.
Chẳng mấy chốc lại tới bữa tối và chiếc xe đẩy đồ ăn lại xuất hiện với hàng loạt những món ăn hấp dẫn mời chào. Mì gạo, phở và những món ăn đậm chất Việt Nam nhanh chóng được các khách du lịch nước ngoài lựa chọn.
Tiếp tục tiến xuống phía nam, con tàu băng qua những cánh đồng lúa xanh rì. Điều khiến các du khách Nhật đặc biệt ấn tượng chính là trên cánh đồng không chỉ có máy cày mà còn có cả những con trâu.
Hình ảnh con trâu kéo cày đã trở nên rất hiếm ở một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hiện đại như nước Nhật. Người nông dân đội nón lá ra đồng, thấp thoáng những bóng nón trắng trên cánh đồng xanh, bên cạnh những con trâu cần mẫn. Cảnh vật thật yên bình, dễ chịu.
Một ngày nữa lại sắp kết thúc. Mặt trời sắp lặn hẳn. Ngay sau 9 giờ tối, một bản nhạc nhẹ nhàng lại vang lên như để ru ngủ hành khách. Cả đoàn tàu dần chìm vào giấc ngủ.
Đến 4h05 sáng ngày 10/5, tàu đến ga Sài Gòn. Qua cửa sổ toa tàu, du khách có thể nhìn thấy những toà nhà cao tầng mọc lên sừng sững ở thành phố lớn nhất và phát triển nhất Việt Nam. Trời vẫn chưa sáng hẳn.
Trên đoạn đường đi qua đèo Hải Vân, tàu bị chậm so với lịch trình 30 phút nhưng khi tới ga Sài Gòn, tàu vẫn đến sớm 5 phút, người lái tàu ra hồ hởi chào tạm biệt những du khách Nhật: “Tôi đã bảo các anh mà, không có vấn đề gì đâu, tàu sẽ đến ga cuối đúng giờ…”
Năm 2010, Việt Nam từng tính đến chuyện xây dựng đường tàu hoả siêu tốc nhưng ý định này đã không được triển khai bởi giá thành quá cao. Tuy vậy, được ngồi trên chuyến tàu Bắc - Nam, đoàn du khách Nhật Bản cũng đồng tình rằng nhanh hơn chưa chắc đã tốt hơn.
Chuyến tàu Bắc - Nam không chỉ là một sự dịch chuyển, nó thực sự là một chuyến hành hương, một chuyến đi chứa đựng bao điều thú vị, một trải nghiệm đáng nhớ mà mỗi người nên có trong đời.
Tác giả: Pi Uy/ Asahi Shimbun
"May mắn thay, sau rất nhiều tranh cãi tại Quốc hội và trong công luận, cái gọi là "Dự án Tàu cao tốc Bắc -Nam " đã tạm hoãn vô thời hạn. Lúc đó tôi nghĩ "Ông Trời đã cứu Việt Nam khỏi một bàn thua trông thấy!" Và tôi cũng rất lấy làm thú vị khi đường hầm Đèo Hải Vân được khánh thành, nhưng đường sắt vẫn còn chạy trên con đường cũ của nó vắt vẻo trên đĩnh Đèo mà mỗi lần có dịp đi qua tôi vẫn thầm khen là "báu vật" của ngành du lịch Việt Nam chỉ tiếc rằng chưa được khai thác...Thiết nghĩ, bài viết dưới đây nhắc nhỡ người Việt Nam, trước hết là giới lãnh đạo và doanh nhân, hãy đừng "tham bát bỏ mâm" và quay lại với những thế mạnh đích thực cuả mình (không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà trong cả lĩnh vực chính trị và an ninh quốc phòng). Khả thi lắm chứ, một tuyến đường sắt truyền thống vừa thích hợp với túi tiền của người dân vừa an toàn thuận tiện, và là một "đặc sản" của ngành du lịch nước nhà. Khả thi lắm chứ, một ngày không xa du khách quốc tế sẽ đến Việt Nam để đi tàu lửa ngắm cảnh đẹp bên bờ Biển Đông". Bác Trần Kinh Nghị đã bình luận tuyệt hay và sinh động. Chúng tôi cũng rất đồng tình với ý tưởng giữ nguyên những đoạn tuyến với qui mô và tốc độ như cũ đi qua danh lam thắng cảnh để phục vụ du lịch. Tuy nhiên cần phải có một tuyến bắc - nam tốc độ cao 200km/h với khổ 1.45m vừa chở khách vừa đảm bảo an toàn chở hàng (chứ không phải là cao tốc chỉ phục vụ hành khách)phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an toàn chạy tầu bác Nghị ạ!!!
Trả lờiXóaĐúng vậy, haiconhp05 . Tôi không tiện nói hết ý ra đây. Giữ tuyến đường sắt hiện có không có nghĩa cứ thế mà sử dung mãi mãi, mà phải tập trung duy tu bảo dưỡng, đặc biệt đoạn chạy ven biển từ Bắc đến Nam Trung Bộ, bằng cách nâng cấp chất lượng dịch vụ trên tàu và hệ thống cơ sở DL ven biển đồng thời tôn tạo cảnh quang thiên nhiên hai bên đường... Khi đủ điều kiện (kinh phí, khả năng điều hành quản lý và ý thức chấp pháp luật ...) sẽ từng bước làm mới một tuyến cao tốc độc lập kết nối các thành phố lớn.
Xóa