Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Chủ quyền biển đảo: Khi người đứng đầu lên tiếng

Trong sự mong đợi của công luận, hôm nay (25/11/2011) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc buổi đăng đàn Quốc hội của mình vào lúc 11h20. Điều quan trọng không phải là việc đăng đàn mà là nội dung của nó, và Thủ tướng đã làm tốt điều này. Chỉ vài giờ sau đã thấy nhiều báo chí "lề phải" và "lề trái" đều đồng loạt phát đi nội dung phát biểu. Tờ Tin nhanh Vn-Expess online chạy dòng tít ấn tượng "Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng hòa bình" nhưng kèm theo câu mở đề không úp mở: "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam phải giải quyết và khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm năm 1974". Các báo và website  cùng nhiều trang mạng tư nhân đều đưa nội dung phát biểu của Thủ tướng với những lời bình tích cực.

Theo Chủ blog tôi được biết, đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam tuyên bố chính thức và đầy đủ nhất về lập trường của đất nước liên quan đến chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khách quan mà nói đó là một cuộc trả lời chất vấn hoàn hảo, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều những "phát ngôn lạ" từ một số cán bộ tuyên huấn và "ông nghị" khiến công luận rất bất bình. Khác hẳn với họ, ông Thủ tướng đã đưa ra những lập luận ngắn gọn, nhưng rõ ràng , khá đầy đủ và chặt chẽ với những chứng cứ lịch sử cần thiết, thái độ thẳng thắn, không úp mở.  Có thể nói đây là một "động thái" đầy ý nghĩa giúp làm yên lòng công chúng Việt Nam vốn đang ngày một "bức xúc" trước tình trạng thiếu vắng sự giải thích công khai, minh bạch từ phía giới lãnh đạo đất nước về các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ,  biển đảo cũng như số phận của hàng triệu ngư dân trước âm mưu và hành động xâm phạm ngang ngược của phía Trung Quốc. Điều đáng chú ý là, khác với những phát biểu có thể nói là rời rạc, đôi khi "giữ kẻ" và"tế nhị"... của bất cứ vị lãnh đạo nào trước đây, lần này Thủ tưởng đã không tránh né với những danh từ cụ thể, sự kiện cụ thể và lập trường cụ thể. Tóm lại, có thể nói Thủ tướng với tư cách một người đứng đầu đất nước đã gửi ra thế giới  một thông điệp rõ ràng về lập trường của dân tộc Việt Nam liên quan vấn đề chủ quyền biển đảo, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Động thái này đang được toàn thể nhân dân Việt Nam và bạn bè  quốc tế hoan nghênh.     

Bạn đọc có thể xem nghe nội dung đầy đủ phát biểu của Thủ tướng tại đây:
* Clip: Thủ tướng trả lời chất vấn về biển Đông

 Dưới đây xin trích một số nội dung chính yếu để tiện theo dõi.

1) Đối với vùng chồng lấn ở Vịnh Bắc bộ,
"Trong Vịnh Bắc bộ, sau nhiều năm đàm phán ta vả  Trung Quốc đã đạt được phân định ranh giới vào năm 2000. Còn vùng biển ngoài cửa vịnh Bức bộ,theo công ước luật biển, thềm lục địa của nước ta có chồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc.  Từ 2006 hai bên đã tiến hành đàm phán, đến năm 2009 hai bên quyết định tạm dừng vì lập trường còn khác xa nhau"...;
"Trong khi chưa phân định, hai bên đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường trung tuyến"...;

2) Đối với quần đảo Hoàng Sa,
"Chúng ta làm chủ thực sự Hoàng Sa, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình";

"Năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (lúc đó trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn). Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này";

"Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với Công ước Luật biển";

3)Đối với quần đảo Trường Sa,
"Năm 1975 hải quân Việt Nam đã tiếp quản 5 đảo do quân đội của chính quyền Sài Gòn đang quản lý. Sau đó, với chủ quyền của Việt Nam, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra, Việt Nam còn xây dựng 15 nhà giàn để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này - vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta";

"Như vậy, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất... Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo, trong đó có 6 khẩu đã sinh ra và lớn lên trên các đảo này";

4) về chủ trương giải quyết tranh chấp,
"Việt Nam chủ trương nghiêm túc thực hiện công ước Luật biển, công ước ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây đã ký với Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm để gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực này". Việt Nam cũng tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế xã hội và cơ sở vật chất kĩ thuật ở những nơi đang đóng giữ, để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ đối của quân dân trên đảo Trường Sa";

"Đối với hàng hải ở biển Đông, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện theo đúng Công ước Luật biển năm 1982 và tuyên bố DOC là phải bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự do hàng hải ở biển Đông. Lập trường này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ủng hộ, gần đây nhất là tại hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao ASEAN với các đối tác;


5)Vê luật biểu tình,
"Điều 69 Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật nhưng chúng ta chưa có Luật biểu tình. Hiện nay, có nhiều cuộc tụ tập đông người, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng kiến nghị với chính quyền nhưng chúng ta chưa có luật để điều chỉnh vấn đề này. Do đó khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Từ đó, xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, xuất hiện những việc lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại cho xã hội.
Trước thực trạng như vậy, Chính phủ đã báo cáo kiến nghị với Quốc hội khóa 12, và Quốc hội đã có công văn yêu cầu Chính phủ ban hành nghị định để quản lý, điều chỉnh biểu hiện này. Tuy nhiên, nghị định của Chính phủ hiệu lực pháp luật thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, tầm mức như Hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra";

"Chính phủ thấy rằng nên kiến nghị với Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có Luật biểu tình. Luật đó phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, thông lệ quốc tế và cũng để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân. Đồng thời luật đó cũng có yêu cầu là ngăn chặn những việc làm, những hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân";
"Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là luôn luôn trân trọng, biểu dương những việc làm thật sự vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh, buộc xử lý nghiêm những hoạt động, hành vi với động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội".

Ghi chú: Xin trân trọng thông báo để bạn đọc thông cảm: Bài viết đã được chủ blog chỉnh sửa ít giờ sau khi post lên nhưng không thay đổi gì về nội dung.  

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Lạm bàn bóng đá Việt

Trước tiên phải khẳng định, chủ blog tôi không phải người hâm mộ bóng đá, mà chỉ  theo dõi bóng đá VN như một kẻ "dân tộc hẹp hòi”. Biết đó là tật xấu nhưng không thay đổi được và trận nào có VN đều dán mắt vào màng hình...  Có lẽ vì thế mà cũng có chút hiểu biết kha khá về bóng đá Việt.
Nếu không có câu chuyện nghi ngờ cá độ hiện nay, chắc tôi sẽ không  nói năng gì cả, dù rất thất vọng về cuộc trình diễn của U23 vừa qua. Thôi thì đành phải "buộc mồn" đôi lời ngắn gọn trong 2 điểm dưới  đây:  
Một là, Có thể nói người VN là một trong số những người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt nhất thế giới, nhưng họ thường  mù quáng với một tinh thần dân tộc cực đoạn nên lúc nào cũng đánh giá quá cao năng lực thực có của đội nhà; thắng thì kiêu, bại thì nản...; nếu thua đậm thì sinh ra chán chường, trách móc, thậm chí chán ghét hoặc nghi kị cầu thủ, chê bai HLV.... Cá độ là điều mà cả kẻ đá lẫn người xem đều ưa thích, khiến cho tình hình thêm phức tạp.  
Theo tôi , đội U23 VN  lần này yếu kém hẳn so với các đội U23 trước đây, nhất là so với thời Lê Huỳnh Đức và Hồng Sơn;  yếu toàn diện về kĩ thuật cá nhân, về chiến thuật,  yếu cả tinh thần thi đấu; thể hình thể lực cũng không bằng. Được mỗi Thành Lương có kĩ thuật tốt thì người quá nhỏ con nên rất khó phát huy, có thủ môn Bửu Ngọc to cao, dũng mãnh, nhưng  dễ chấn thương mỗi khi lao lên bắt bóng hay rơi đầu xuống trước…,rất lạ!)  Ngoài ra  hầu như không có khuôn mặt nào  sáng giá, phong độ chập chờn, thiếu tự tin…, thậm chí trông quê quê mỗi khi ống kính zum gần!  Đáng trách nhất là hàng công đã để nhỡ rất nhiều cơ hội ghi bàn. Vi sao vậy, nếu không phải là thiếu kĩ năng ?
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở trận tranh huy chương đồng với Myanma, mà đã lộ rõ trong những trận trước đó khi  đấu với các đối thủ “dưới cơ” như Đông Timo, Philippine , Lào... Trận nào U23 VN luôn khiến người xem thấp thỏm . Nếu tỉnh táo mà đánh giá, một đội bóng như thế làm sao có thể vô địch, thậm chí huy chương đồng cũng  là qúa khó! Nếu nhận ra điều đó và biết tự hài lòng thì cả Ban lãnh đạo và người hâm mộ đã không có gì phải hối tiếc và thất vọng, và tránh được sự nghi kỵ không đáng có đối với cầu thủ. 
Hai là,  Đây là thời cơ tốt để nhận ra đâu là nguyên nhân sâu xa của tình trạng xuống dốc của các đội tuyển quốc gia nói chung và U23 nói riêng…để từ đó có giải pháp đúng. Và thật vô bổ nếu cứ tiếp tục nghị kị và đổ lỗi cho cầu thủ hoặc HLV . 

Có nhiều nguyên nhân, nhưng cần thấy đâu là nguyên nhân trực tiếp trước mắt? Người ta có thể "đổ tại" nhiều  thứ, nhưng không nên quên thực tế bóng đá Việt Nam khi còn chia cắt 2 miền Bắc - Nam đã ít nhất có vài lần vô địch ĐNÁ và chỉ riêng miền Bắc đã từng đá "ngang ngửa" với các đội Bắc Triều Tiên và TQ. Gần đây  thôi,bóng đá Việt cũng đã "có cơ" vươn lên (như thời Lê Huỳnh Đức, Hồng Sơn và thời HLV Calisto); chỉ có U23 năm nay là đi xuống thảm bại.  Vì sao vậy?

 Không còn nghi ngờ gì, vấn đề chính nằm ở khâu chính sách, cụ thể ở đây là chính sách nhập tịch và những hệ quả của nó.  Sở dĩ  tôi nói vậy là vì ai cũng biết các đội tuyển quốc gia nào cũng đều tuyển người từ các câu lạc bộ (CLB). Nói cách khác các CLB là nguồn nhân lực cho các đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên từ ngày có chủ trương nhập tịch cầu thủ ngoại, lẽ đương nhiên họ chiếm lĩnh đều để cầu thủ ngoại chơi các vị trí  chủ chốt như  tiền đạo, tiền vệ, thậm chí thủ môn...của hầu hết các đội CLB ; các cầu thủ nội chỉ đóng “vai phụ” trong đội hình. Đây là nguyên nhân chính  làm suy yếu năng lực của cầu thủ nội khi đá trong đội tuyển quốc gia không có ngoại binh, đơn giản vì họ đã "quên" hoặc  "không  biết đá"  ở những vị trí chủ chốt! Đó là nguyên nhân tại sao suốt nửa năm chuẩn bị ông Goetz không  thể nào tìm được những cầu thủ chủ công lý tưởng cho U23 , và  quả bóng thường chỉ loanh quanh đến vùng cấm địa mà không thể tìm đường vào khung thành của đối phương ! Một đội bóng " khuyết tật"như vậy sao có thể hoàn thành tốt sứ mệnh "mang chuông đi đánh nước người"? (Xem thêm về "cầu thủ nhập tịch" tại đây: http://www.bongda.com.vn/Trao-doi-Phong-van/69050__Tram_su_la_tai_VFF_.aspx
Tóm lại,  muốn cải tổ nền bóng đá nước nhà, trước mắt phải cải tổ cái gọi là "chủ trương nhập tịch" và việc sử dụng ngoại binh  sao cho không làm thui chột nội binh./.   

 Trần Kinh Nghị

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Thấy gì từ việc nhận ra sự độc ác của cô Tấm?

Gần đây dư luận rộ lên về cái sự đúng /sai, hay/dở liên quan đến phần kết của câu chuyện dân gian được ưa chuộng và chọn làm một trong những bài học luân lý sáng giá nhất trong bộ sách giáo khoa phổ thông của đất nước. Dư luận bất bình ở chi tiết Tấm không những giết chết Cám mà còn đem muối mắm và gửi cho bà mẹ độc ác ăn!...Như vậy hóa ra Tấm còn độc ác hơn nhiều lần so với Cám (?). Và từ đó đã và đang có nhiều cách lập luận khác nhau được nêu lên trong một trạng thái tâm lý "shock" trước một khám phá hoàn toàn mới lạ từ một câu chuyện cổ tích tưởng như đã an bài trong lòng hàng triệu người hâm mộ. Người bảo phải mau mau sửa lại câu chuyện...; kẻ bảo hãy loại bỏ câu chuyện ra khỏi bộ sách giáo khoa, v.v... Nghe đâu Nhà chức trách, cụ thể là Bộ Giáo dục, đã cho sửa lại đoạn kết...nhằm hạ bớt mức độ độc ác xuống mức có thể cháp nhận được (!?) bằng cách viết lại rằng Tấm lừa dội nước sôi giết chết Cám, đồng thời cắt bỏ đoạn nói về việc Tấm đem muối xác Cám làm mắn và gửi cho bà dì ghẻ ăn...


Chủ blog tôi trộm nghĩ, phàm đã được gọi là "chuyện cổ tích" tức là do người đời xưa để lại, nó phản ánh hệ tư tưởng của con người trong thời đại của nó, và do có tính lịch sử và chỉ có giá trị trong một bối cảnh lịch sử nhất định, không nhất thiết phải đúng trong mọi thời đại. Do đó mọi sự chỉnh sửa không những không đem lại lợi ích gì mà rất có thể gây ra những hậu quả phản tác dụng giáo dục.



Cũng không có gì phải lo lắng..., mà nên coi đó là một dấu hiệu đáng mừng khi dư luận xã hội giờ đây đã nhận diện được bộ mặt độc ác của cô Tấm! Đó là cả một bước tiến dài trong nhận thức về luân thường đạo lý ở con người Việt Nam chúng ta. Đó là dấu hiệu của mức độ cao hơn về trình độ học thức và nhận thức của con người Việt Nam hiện đại. Phải chăng phương tiện truyền thông internet đã giúp mọi người chia sẻ thông tin và đi tới thống nhất quan điểm một cách dễ dàng hơn về một vấn đề mà thực ra trước đây đã được nêu lên bởi ai đó, ở đâu đó... nhưng đều bị lãng quên (vì chưa có internet)?. Tương tự như vậy, ta có thể thấy đã, đang và sẽ xuất hiện những thay đổi có tính đột phá trong nhận thức của con người Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả khoa học tự nhiên, xã hội và chính trị./.




Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Chiến thuật "mưa dầm thấm lâu" của chủ nghĩa bành trướng

Dưới đầu đề "Trung Quốc tung 'học giả' đi tuyên truyền cho chủ quyền tại Biển Đông",  ARF ngày 7/11/2011 đưa tin tổng hợp và ý kiến của chuyên gia người Việt ở hải ngoại -Giáo sư Đại học Maine (Hoa Kỳ) về âm mưu tuyên truyền của Bắc Kinh nhằm thực hiện mưu đồ lấn chiếm và độc chiếm Biển Đông, đồng thời gợi lên một số biện pháp chống trả lại âm mưu đó.  Chủ blog tôi mạn phép đưa lai nội dung để bạn đọc tiện tham khảo. Tiêu đề và bản đồ minh họa của chủ blog.
 

Bắc Kinh tìm mọi cách để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông, không chỉ bằng các hành động quyết đoán cụ thể, mà còn thông qua các học giả. Họ đi mọi nơi để tuyên truyền cho lập trường của Trung Quốc, đồng thời phản bác quan điểm của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Vấn đề đặt ra là nếu không có người phản biện, lập trường của Bắc Kinh, dù không có cơ sở, cũng có thể bị ngộ nhận là đúng đắn.
Như thông lệ từ hai năm gần đây, mỗi lần có hội nghị khoa học trong đó có đề cập đến Biển Đông là mỗi lần các đại biểu Trung Quốc bị chất vấn về tấm bản đồ hình lưỡi bò của Bắc Kinh. Quan điểm chủ quyền lịch sử, mà Trung Quốc nhấn mạnh để bảo vệ các đòi hỏi của họ, thường xuyên bị các học giả quốc tế đánh giá là không có sức thuyết phục.
Bất chấp điều đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tìm mọi cách để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ, không chỉ bằng các hành động quyết đoán cụ thể trong vùng Biển Đông, mà còn tung các chuyên gia đi mọi nơi để tuyên truyền cho lập trường của Trung Quốc, đồng thời phản bác quan điểm của các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Vấn đề đặt ra là nếu không có người phản biện, lập trường của Bắc Kinh, dù không có cơ sở, cũng có thể được coi là đúng đắn, với những tác động khó lường cho các quốc gia tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông.
Thủ đoạn này của Bắc Kinh mới đây đã bị giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), công khai vạch trần nhân một cuộc hội thảo được tổ chức tại Washington, có sự tham gia của một phái đoàn Trung Quốc rất hùng hậu.
Đó là cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày 21-22/10/2011, do hai hiệp hội hòa bình tại Mỹ là American Friends Service Committee và Historians Against The Wars tổ chức. Với chủ đề chung là Hòa bình ở Châu Á – Thái Bình Dương, hội nghị này đã quy tụ nhiều học giả đến từ các nước Châu Á để bàn luận về các phương cách tránh việc quân sự hóa trở lại khu vực này.
Tình hình Biển Đông căng thẳng trong thời gian gần đây, lẽ dĩ nhiên, đã nổi bật trong chương trình nghị sự, được đề cập đến trong hai tiểu ban (panel), một đề cập chung đến Đông Nam Á và một dành riêng cho Biển Đông.
Tại hai cuộc thảo luận này, các đại diện Trung Quốc có mặt đông đảo, với các « chuyên gia » học hàm học vị đầy mình. Họ đã tranh thủ diễn đàn để tuyên truyền cho lập trường của Bắc Kinh tại Biển Đông, đặc biệt là tính chất đúng đắn của tấm bản đồ hình lưỡi bò mà Trung Quốc đã dùng làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của mình.
Là diễn giả người Việt duy nhất trong cả hai cuộc họp, giáo sư Ngô Vĩnh Long đã trình bày quan điểm của Việt Nam về Biển Đông, đồng thời phản bác từng điểm một các lập luận của đại diện Trung Quốc.
Học giả Vương Hàn Lĩnh "cãi chày cãi cối"
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, giáo sư Long đã không tránh khỏi phẫn nộ trước các lý lẽ, bị ông coi là « cãi chày cãi cối » của diễn giả Trung Quốc, chủ chốt là ông Vương Hàn Lĩnh, Giám đốc Trung tâm phụ trách Đại dương và Luật Biển, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc.Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhân vật này đã ngang nhiên gọi là « nói láo » trước cử tọa, khi khẳng định ba điểm phi lý : 1/ Việt Nam không có, hay là chưa có vùng kinh tế đặc biệt từ thềm lục địa trở ra ; 2/ Đường chữ U ra đời từ năm 1947, trong lúc Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) chỉ mới có từ năm 1982, nên không thể áp dụng cho tranh chấp Biển Đông ; 3/ Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc nguyên tắc chỉ giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách song phương mà thôi.
Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, các lập luận trên đây hoàn toàn vô lý, nhưng điểm đáng ngại là diễn giả Trung Quốc này « đã dùng chức tước, địa vị, rồi nói là đã có hàng trăm bài nghiên cứu được công bố, cho nên nhiều học giả (Mỹ) đến nghe đã bị khớp, và nếu không có những người khác phản biện lại, chứng minh khác đi, thì người ta tin là thật ».
Sau đây là bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long sau cuộc hội thảo tại Washington :

 
 
 
 
 
Ngô Vĩnh Long : Hội thảo chia ra làm 2 phần : một phần về miền Bắc Châu Á, và một phần kia về Đông Nam Á : có một panel thảo luận chung về Đông Nam Á, rồi sau đó có một cuộc họp riêng về Biển Đông. Cái vấn đề quan trọng là nội dung tham luận của những người Trung Quốc được đưa sang.
Trung Quốc đưa sang một nhóm người rất hùng hậu – mười mấy người - trong đó có những người như bà Yan Junqi (Nghiêm Tuyển Kỳ), Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Tổ chức Phát triển Dân chủ của Trung Quốc, Phó chủ tịch Tổ chức Hòa bình và Giải trừ Quân bị của Trung Quốc. Tôi đưa ví dụ để cho thấy họ đưa người hùng hậu như thế nào.
Người thứ hai là Ding Yifan (Đinh Nhất Phàm), Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Toàn cầu. Người thứ ba là Xu Zhensui (Từ Trấn Tuy), Tổng thư ký Quỹ Hòa bình và Phát triển của Trung Quốc, do chính chính phủ Trung Quốc lập ra vào tháng 2 năm nay, để trao đổi gọi là (giữa) nhân dân Trung Quốc với nhân dân của tất cả các nước khác.
Còn người được đưa ra đóng tuồng hai lần tên là Wang Hanling - tiếng Việt là Vương Hàn Lĩnh. Anh này là giám đốc Trung tâm phụ trách toàn bộ các vấn đề đại dương và Luật Biển, đã được chính phủ Trung Quốc đưa vào Liên Hiệp Quốc, làm ở bộ phận ứng xử đặc biệt điều khoản 2 của Luật Biển Liên Hiệp Quốc. Anh ta là người giỏi nhất về Luật Biển của Trung Quốc, đến nói chuyện ở hội thảo này, và hai lần được đưa ra để đấu với tôi trong hai panel (tiểu ban).
RFI : Thưa giáo sư, như vậy thì quan điểm của ông Vương Hàn Lĩnh là như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Quan điểm của hắn như thế này, mà hắn nói mấy lần. Đó là Việt Nam không có, hay là chưa có vùng kinh tế đặc biệt từ thềm lục địa trở ra, tức là EEZ. Bởi vì nếu muốn có vùng kinh tế đặc biệt, thì phải xin các nước chấp nhận. Nhưng mà Việt Nam chưa xin, tức là Việt Nam không có EEZ.
Đường chữ U được Trung Quốc thiết lập từ năm 1947, vì thế cho nên Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, tức là UNCLOS, chỉ mới được đưa ra năm 1982, tức nhiên là không áp dụng được trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Vấn đề thứ ba là việc ký kết giữa Việt Nam với Trung Quốc vừa qua là giải quyết mọi vấn đề (chỉ bằng đường) song phương thôi, không có nước thứ ba nào can dự vào hết. Rồi hắn lại nói thêm, giải quyết song phương với Trung Quốc là rất có lợi cho tất cả mọi người, vì Trung Quốc là nước lớn, cũng giống như anh cả cho nên đối đãi với người khác rất là tốt.
Ví dụ như là vừa qua trong vấn đề phân chia ở Vịnh Bắc bộ, thì Việt Nam được 52%, còn Trung Quốc chỉ có 47% thôi - Tôi không biết tại sao 47 chứ không phải là 48% - như thế tỏ ra Trung Quốc rất tốt, thương thuyết song phương với Trung Quốc là có lợi nhất. Vừa qua việc Việt Nam sang ký kết với Trung Quốc cho thấy Việt Nam biết vấn đề này là có lợi nhất.
Hắn cũng nói thêm, khi có tranh chấp chồng lấn, thì giữa hai nước thương thảo với nhau thôi, hay giữa các nước thương thảo với nhau. Rồi sau đó khi đồng ý rồi mới nộp lên Liên Hiệp Quốc, chứ không có chuyện tự nhiên có EEZ riêng cho mình đâu !
Vì không hiểu vấn đề Biển Đông nên dễ tin vào lập luận của "chuyên gia" Trung Quốc
Tôi thì tôi bác bỏ hết tất cả những lập luận này ở đó. Vấn đề là như thế này : Nhiều người Mỹ không biết các vấn đề về Đông Nam Á như thế nào, họ không biết vấn đề Biển Đông như thế nào. Mà nhiều người Mỹ lại không muốn chính phủ Mỹ bành trướng sang bên Đông Nam Á hay là Á châu. Cho nên khi Trung Quốc đưa những cái người gọi là chuyên gia này kia đi mà nói như vậy đó, là nhiều người họ tin lắm !
Thành ra nếu không có những người khác đến nghe, đến nói, thì người Mỹ, mặc dầu họ là những chuyên gia, nhưng họ cũng không hiểu, nên họ tin. Nhưng mà sau khi tôi trình bày, tôi bác bỏ hết những chuyện ‘’cãi chày cãi cối’’ – xin lỗi là phải dùng từ ngữ này – của các học giả Trung Quốc này, thì những người Mỹ sau đó họ mới đến họ nói với tôi : Ồ, nếu mà không có anh, thì chúng tôi không hiểu vấn đề gì hết. Những điều anh vừa nêu lên, về những việc mà Trung Quốc đã và đang làm trong khu vực, làm chúng tôi rất là bối rối !
Vấn đề bây giờ là, Việt Nam không có đủ người để đi nói thẳng nói thật với người Mỹ là Trung Quốc đang làm gì. Trong khi đó, Trung Quốc đưa không biết bao nhiêu cao thủ, đi từ chỗ này đến chỗ kia.
Sau cái hội thảo của chúng tôi, thì cái nhóm này lại đi đến một trường đại học khác, trong đó có trường đại học ở Hoa Thịnh Đốn, trong hai ngày, và cũng nói những vấn đề này. Bởi vì, ở đại học không phải là một hội thảo về hòa bình, cho nên họ lại còn trịch thượng và ngang ngược kinh khủng ở đó nữa. Nhưng mà, lẽ dĩ nhiên là tôi không có trên panel nên cũng không phản đối được.
RFI : Thưa giáo sư, chẳng hạn như lập luận của ông Vương Hàn Lĩnh, là đường chữ U có từ năm 1947, Luật Biển của Liên Hiệp Quốc có từ năm 1982 thành thử ra không có giá trị đối với cái đường chữ U đó. Như vậy đánh giá của giáo sư về lập luận đó như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Trước hết, vấn đề đường chữ U đưa ra là do một học giả của chính phủ Tưởng Giới Thạch ngày xưa. Họ chỉ đưa ra thôi, mà hồi đó là cái đường chữ U đó không phải có 9 đoạn, nó đến 11 đoạn lận. Nhưng họ chỉ nói như vậy thôi, chứ không phải là một quốc gia đưa ra. Mà có đưa ra đi nữa, thì vấn đề là như thế này. Theo luật quốc tế, thì cái gì được đồng ý sau mới là cái quan trọng nhất, chứ không phải cái gì mà tự nhiên anh nói trước. Bởi vì anh đồng ý sau, ví dụ như về UNCLOS, thì đây là cái chuyện mà anh phải thi hành. Chứ còn cái chuyện một người học giả nói chơi chơi năm 1947, rồi anh đem ra sử dụng là không đúng.
Thứ hai nữa là đường chữ U nó chiếm các thềm lục địa của các nước khác, trong đó đặc biệt là của Việt Nam, mà nó cũng không có ranh giới phân chia gì rõ ràng hết. Thì theo luật, vấn đề này không được !
Biến các vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, rồi đòi thương thuyết tay đôi !
Nhưng mà cái cách của Trung Quốc là như thế này. Bây giờ chả cần biết, cái vùng nào mà chưa tranh chấp hay là không có tranh chấp, thì Trung Quốc làm cho ra thành tranh chấp ! Khi làm ra tranh chấp thì hai nước phải giải quyết. Là họ nghĩ như vậy. Bởi vì hai nước giải quyết rồi mới đưa ra Liên Hiệp Quốc, chứ còn trước đó không được đưa ra Liên Hiệp Quốc. Thì cái cách cãi chày cãi cối, hay là chẻ (sợi) tóc (làm tư) là như vậy.
Tôi nói thẳng ở hội nghị, là các anh đến đây để tìm các giải pháp hòa bình, nhưng mà (thật ra) các anh đến đây để tuyên truyền và chẻ tóc. Các anh làm như vậy là không đúng !
Từ đó tôi mới phân tích vấn đề Trung Quốc bây giờ bành trướng và đế quốc như thế nào. Mọi người nghe, có vẻ họ cũng thấy là Trung Quốc đã quá lố.
RFI : Có một vấn đề mà ông Vương Hàn Lĩnh này đã đưa ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Quan điểm của ông ta không đúng ở điểm nào, thưa giáo sư ?
Ngô Vĩnh Long : Nó không đúng ! Thật ra là tự động cái vùng đặc quyền này nước nào cũng có thể có được, ít nhất là 200 dặm. Nhưng mà trong những hoàn cảnh, ví dụ như ở Việt Nam chẳng hạn, có một vùng biển khơi rất là rộng, mà không có tranh chấp. Thì Việt Nam có quyền xin cái vùng đặc quyền kinh tế này lên cho đến 350 dặm.
Vấn đề bây giờ là Việt Nam đã xin nhiều vùng được đến 350 dặm, thì ở đây là Liên Hiệp Quốc họ chưa xét về vấn đề này, chứ không phải là Việt Nam chưa có vùng kinh tế đặc biệt. Nhưng vì Liên Hiệp Quốc chưa xét việc này, thì Trung Quốc nói là Việt Nam chưa có vùng kinh tế đặc quyền, vì vậy cho nên Trung Quốc tha hồ mà vẽ cái đường lưỡi bò chiếm cái vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam.
Thì Trung Quốc chơi ngang như vậy, để nếu mà Việt Nam sợ mà thương thuyết song phương, thì họ nói, thấy chưa, hai nước đang thương thuyết song phương như thế, để khi thương thuyết xong rồi mới đưa ra Liên Hiệp Quốc. Tức nhiên là Trung Quốc mua thời gian và dọa nạt Việt Nam.
Phản bác chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là một vấn đề đấu tranh chính trị
Thành ra cái vấn đề này là phải đem ra cho thế giới biết. Không những đem ra Liên Hiệp Quốc, mà phải đem ra tất cả các tổ chức, càng nhiều tổ chức quốc tế càng tốt, để nói cho người ta biết những chuyện này. Chính phủ Việt Nam không nên song phương đàm phán với Trung Quốc, hay là không cho những cá nhân hay những tổ chức của người Việt Nam đem những chuyện này ra trình bày với dư luận thế giới. Bởi vì vấn đề này không phải là vấn đề luật pháp nữa, mà vấn đề tranh đấu chính trị. Cho nên, nếu mà nghĩ đến việc thương thuyết về luật này kia, thì Trung Quốc tha hồ mà nó chẻ tóc cái vấn đề này.
RFI : Quan điểm của ông Vương Hàn Lĩnh này, về thỏa thuận nguyên tắc vừa được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, là Việt Nam đã chấp nhận vấn đề giải quyết song phương. Cái đó cũng không đúng phải không, thưa giáo sư ?
Ngô Vĩnh Long : Cái đó không đúng, và tôi đã nói thẳng ở ngay đó. Tôi đem ra bản dịch tiếng Anh, bản dịch chính thức của Trung Quốc. Tôi nói, đây nè, chuyện nào mà giữa Trung Quốc với Việt Nam, thì vấn đề đó sẽ đàm phán song phương. Nhưng chỗ nào có dính đến quyền lợi của các nước thứ ba, thì phải hỏi ý kiến của các nước đó. Tức nhiên là vấn đề này không phải là đàm phán song phương. Cái gì song phương thì đàm phán song phương, cái gì dính líu đến người khác thì đa phương.
Tôi nói, một lần nữa anh không đi thẳng vào vấn đề, anh cứ tiếp tục anh chẻ tóc. Đi đến một cái hội thảo như thế này mà anh làm cái chuyện như thế, thì tôi nghĩ là sẽ không tìm được giải pháp hòa bình trong khu vực.Thì hắn đỏ mặt lên, hắn không biết nói cái gì. Bởi vì đúng là hắn nói láo trước mặt không biết bao nhiêu người !
Tôi nghĩ rằng, vấn đề này không phải là vấn đề riêng của ông Vương Hàn Lĩnh, mặc dầu ông này coi hết những vấn đề về biển đảo của Trung tâm về các vấn đề biển đảo và Luật Biển của Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề chính sách chính thức của Trung Quốc. Mới vừa ký một cái thỏa thuận với Việt Nam, mực chưa khô đã đi nói láo với các hội thảo, hội nghị trên thế giới !
Tôi nghĩ, vì thế cho nên Việt Nam cần phải làm sao vận động được thế giới trên vấn đề này. Vì như tôi đã nói, đây là vấn đề vận động chính trị. Chứ nếu mà im, thì thế giới tưởng là thật như vậy, mà trong khi Trung Quốc thì đưa đi không biết bao nhiêu người - ở Mỹ, như tôi đã biết, vừa qua có cả chục cái hội thảo như vậy, ở chỗ này chỗ kia - thì Việt Nam sẽ không vận động được sự ủng hộ của thế giới trong vấn đề này …Nếu Việt Nam mà không tranh thủ được, thì tôi nghĩ sẽ rất là mệt đấy.
Trung Quốc tung 'học giả' đi tuyên truyền cho chủ quyền tại Biển Đông./.
 Phóng viên Thụy My và Trọng Nghĩa (ARF) thực hiện
 
--------------

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Một tư liệu về Bách Việt





Bình luận của ASIA FINEST.COM

1- "Hồi cụ Phan Bội Châu mới sang Tàu, một nhân sĩ Trung Quốc là Dương Giác Đôn, đưa cụ đến yết kiến một viên đại thần của triều đình Mãn Thanh, là Trang Uẩn Khoan. Vị đại thần, tiếp rất tử tế, và biếu Cụ một món tiền trợ cấp. Sau khi cụ ra về, Trang Uẩn Khoan bảo Dương Giác Đôn: “Người An Nam có bản tính nô lệ (nô lệ căn tính), dù có vài chí sĩ như ông này (chỉ cụ Phan) cũng chẳng làm nên trò trống gì.”
Năm 1912, Tôn Văn viếng thăm Nhật Bản, và được chính khách Nhật là Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) khoản đãi. Sau bữa tiệc, Khuyển Dưỡng Nghị bất thần hỏi Tôn văn: “Tôi được biết Tiên sinh có dịp qua Hà Nội, xin Tiên sinh cho biết tôn ý về dân tộc An Nam ?”
Bị hỏi một cách đột ngột, Tôn Văn chỉ kịp nhớ lại câu của Trang Uẩn Khoan, hối hả đáp: “
Người An Nam vốn nô lệ căn tính. Ngày xưa, họ bị người Hán chúng tôi đô hộ, ngày nay họ lại bị người Pháp cai trị. Dân tộc ấy quả không có tương lai.”
Được dịp, Khuyển Dưỡng Nghị liền nói: “Về điểm này tôi xin phép không đồng ý với Tiên sinh. Ngày nay họ thua Pháp vì không có khí giới tối tân, nhưng cứ xét lịch sử, thì trong số Bách Việt (sic), chỉ có họ là thoát khỏi, không bị Hán hóa. Tôi tin rằng một dân tộc biết tự bảo vệ một cách bền bỉ, như vậy thì thế nào sớm muộn cũng sẽ lầy lại được quyền tự chủ.”
Tôn Văn đỏ mặt, vì hiểu ý Khuyển Dưỡng Nghị muốn châm chọc, cho rằng Tôn Văn là người Quảng Đông, tổ tiên là người A Khách (Hakka), một sắc tộc trong Bách Việt, nhưng kém xa dân tộc Việt Nam, vì đã bị Hán hóa hoàn toàn. Sau bữa tiệc, Khuyển Dưỡng Nghị gọi giây nói mời mấy học sinh người Việt do ông bảo trợ đến để kể cho họ câu chuyện, tỏ ý hớn hở đã thắng Tôn Văn trong cuộc đối thoại.
Trong số mấy người được Khuyển Dưỡng Nghị mời đến có Cụ Sở Cưồng Lê Dư, hồi ấy theo Cụ Phan sang Nhật du học. Chính Cụ Sở Cuồng đã kể câu chuyện ấy cho chúng tôi nghe. Hồi ấy chúng tôi còn ít tuổi, nên hết sức bất mãn, cho rằng người Tàu láo xược, bị Việt Nam đánh bại mấy lần, chẳng còn manh giáp, mà còn nói hỗn. [1]
Tư liệu trên forum w
ww.asiafinest.com không lấy gì làm chăc chắn, tuy hai cụ Lê Dư và Hoàng Văn Chí đều là những bậc sĩ phu. Chính khách nhiều khi nhỡ lời là chuyện thường gặp.
2- Giáo sư Vương Hàn Lĩnh (Viện KHXH Trung Quốc) sang Việt Nam dự Hội thảo quốc tế về biến Đông lần 2 tại thành phố Hồ Chí Minh (11-12 tháng 12 năm 2010) đã phát biểu trước báo chí "
kể từ năm 1885 về trước Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc" và đe dọa "...anh sẽ gặp rắc rối trong tương lai...Tôi nhắc lại nếu không chọn cách giải quyết như tôi vừa nêu, các anh sẽ phải hứng chịu các xung đột bằng vũ lực thậm chí chiến tranh" [2], sau phát biểu này hai nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam là các ông Dương Danh Dy, Trần Kinh Nghị đều có bài viết mà đoạn trích sau đây là của Trần Kinh Nghị:
3- "ta có thể nhận thấy trong suốt quá trình "Nam tiến" và "Đông tiến" của Hán tộc, các tộc người Bách Việt như Ngô Việt, Âu Việt, Dương Việt, Đông Việt, Nam Việt, Man Việt, Di Việt v.v.... đều không thoát khỏi bị thôn tính và đồng hóa...., để cuối cùng đều biến thành "người Hoa" hiện đại. Nhưng riêng Lạc Việt vẫn tồn tại, có thời kỳ bao gồm cả vùng đất Quảng Tây, Quảng Đông và Bắc Bộ ngày nay.
Theo dòng lịch sử, ta còn thấy một thực tế là đã từng có rất nhiều người gốc Bách Việt tham gia vào bộ máy đô hộ của phong kiến Trung Hoa trong các thời kỳ khác nhau nhưng đã chọn Lạc Việt (sau là Chân Lạp, Giao Chỉ...) làm "hậu cứ" để chống lại Vương triều trung ương (như Hồ Quý Ly, Lý Bôn, Lý Bí chẳng hạn); rất nhiều người trong số họ thực sự đã tái hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam.Cũng đã từng diễn ra những đợt rời bỏ quê hương của người Hoa gốc Bách Việt thuộc nhiều thế hệ trước đến định cư tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Sử cận đại Trung Quốc cũng cho thấy,
cho mãi đến những năm 1940 danh từ "dân tộc Việt" mới bị Tôn Trung Sơn chủ trương xóa bỏ trong bản đồ dân số Trung Quốc. Cho đến này nay để ý thấy ít nhiều vẫn còn những tình cảm kỳ thị giữa các cộng đồng gốc gác Bách Việt tại Trung Quốc với người 'từ phương Bắc'."[3]
Như vậy, các ý trong 1,2,3 là nhất quán, không đáng ngờ.
Ghi chú:
[1]
http://www.asiafinest.com/forum/lofiversion/index.php/t135203.html
[2] Lịch sử đâu phải uốn cong, uốn thẳng là được !, Dương Danh Dy, Tuần Việt Nam, 15-11-2010
[3] Lịch sử cần sự thật, Trần Kinh Nghị, Tuần Việt Nam,28-12-2010.





Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Thấy gì từ giái pháp "đóng ngã tư, mở chữ U" trên phố phường Hà Nội?

Mới đây do có việc tang gia tôi phải đi lại nhiều lần giữa phố Tô Hiệu, Quận Cầu Giấy đến khu Tập thể Nam Đồng. Đi bằng xe máy hoặc taxi tôi đều phải mất không dưới 1 tiếng đồng hồ giữa hai điểm nói trên, đoạn đường mà tôi còn nhớ “ngày xưa” đi xe máy chỉ mất trên đưới 20 phút.
Vẫn biết Hà Nội đang phát triển quá nhanh nên khó tránh khỏi tình trạng ách tắc giao thông, nhưng có một điều vô lý xung quanh cái gọi là “giải pháp” đóng/mở các ngã tư và thay vào bằng nhiều lỗi rẽ ngoặt (chữ U) giữa đường tại cái thành phố ngàn năm tuổi này.
Đúng ra, nếu các ngã tư vẫn được lưu thông, tôi đã có ít nhất 3 khả năng lựa chọn tùy theo phương tiện và thời gian: a) xuất phát từ phố Tô Hiệu qua đường Chùa Hà, bắt vào đường Cầu Giấy, đi đường La thành đến ngã 5 Ô Chợ Dừa rẽ phải đi tiếp đường Nguyễn Luơng Bằng tới Nam Đồng; b) từ Tô Hiệu ra đường Nguyễn Khánh Toàn, rẽ vào đường mới ven sông Tô Lịch đến ngã 5 Cầu Giấy rồi đi tiếp như tuyến một; c) vượt qua “nút cỗ chai” đê Cống Vị sang Đào Tấn, đến Khách sạn Deawoo qua ngã tư đi đường Nguyễn Chí Thanh rồi rẽ trái vào đường Huỳnh Thúc Kháng, đến Ngã tư Chùa Bộc –Tây Sơn rẽ trái, đi một đoạn thì đến Nam Đồng.
Nhưng bây giờ với nhiều điểm giao cắt bị đóng lại trên các tuyến phố đó, tôi buộc phải đi vòng qua đường Láng (tiếng là “đường vành đai” nhưng cũng đã bị chặn ở một số điểm giao cắt chính) để tìm một điểm “chữ U” quay lại tìm một lối khác đi Nam Đồng. Đi như vậy đúng thật sự là “mua đường”. Ngay cả với người không có việc gấp, chỉ dạo phố cũng mất hứng khi phải đi vòng vo như vậy! Nếu là người Hà Nội nhưng chưa quen đường cũng dễ gặp rắc rối và phải đi như “con kiến leo cành đa,...” rất mệt mỏi. Nếu là người người ngoại tỉnh hoặc nước ngoài thì đó là một "ma hồn trận"! Nói chung biện pháp "khóa" các ngã tư và thay vào bằng các điểm rẽ ngoặt “chữ U” cách đó vài trăm mét là một giải pháp "lợi bất cập hại". Người tham gia giao thông buộc phải chấp nhận cách đi vòng vo mất thời gian sức lực, vô hình trung làm tăng lượng xe cộ lưu thông trên đường, các loại xe di chuyển chậm chạp vừa tốn thêm nhiên liệu và xả nhiều hơn khí thải ra môi trường. Bản thân việc đóng mở đường như vậy còn vừa tốn kém vừa làm xấu cảnh quang đường phố. Cái lợi nếu có là cắt giảm rõ rệt số nhân viên giao cảnh(!)...nhưng chẳng lẽ để họ ngồi chơi ở trụ sở hoặc để tăng cường đón chặn bắt người vi phạm ở các vị trí không quan trọng khác (?). Tình hình chung là như vậy. Nhưng có điều lạ, mới đây Sở Giao thông Công chính vẫn khẳng định : "...qua khảo sát nhận thấy đa số ý kiến tán thành với giải pháp….”. Và đó là lý do để họ tiếp tục đóng- mở- đóng hàng loạt điểm giao cắt và điểm quay “chữ U” trên các tuyến phố của Thủ đô như ta thấy đến nay.


Người viết bài này đã thử tự mình làm một cuộc "khảo sát" bằng cách đi dọc một số tuyến đường, kết hợp trao đổi với người dân...Qua đó thấy: Chỉ một số ít người đồng ý với giải pháp với lý do "được tự do đi lại" không phải chờ đèn xanh-đỏ; một số khác thờ ơ, không tin tưởng vào giải pháp; đa số không tán thành, cho rằng cách làm lảng phí, kém hiệu quả và gây ô nhiễm …Một vài tài xế taxi nhận xét ” Đi kiểu này xăng tốn gấp hai ba lần …”. Có anh bức xúc:” Không hiểu sao các ông í (ý nói cơ quan chức năng) lại làm điều vô lý như vậy?. Một lái xe khác hóm hĩnh: “Nếu để kiếm thêm tiền của khách thì chúng cháu “thích thật”…, nhưng phải “quay vô lăng mỏi cả tay...đến nỗi đêm nằm ngủ vẫn mơ tay nắm vô lăng quay quay chóng hết cả mặt".

Bản thân người viết bài này không làm trong ngành giao thông, nhưng đã tham gia giao thông hơn 1/2 thế kỳ tại Hà Nội , đặc biệt đã có dịp “tháp tùng” một số đoàn cán bộ giao thông công chính Việt Nam trong các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, nên cũng hiểu chút ít vấn đề này và thấy cần đóng góp vài suy nghĩ như sau:

Một là, không phải “bỗng dưng” mà cả thế giới này đã chấp nhận các điểm giao cắt (ngã ba, tư, năm, sáu ,bảy…), coi dấu cắt (+) như một biểu tượng về đường đi của nhân loại. Đối với các thành phố hiện đại người ta chỉ cải tiến các điểm giao cắt bằng các giải pháp công nghệ như xây cầu vượt, đường ngầm, đường nhánh,… đồng thời bố trí hệ thống đèn báo và lực lượng giao cảnh hợp lý, v.v…, chứ không mấy khi xóa bỏ hoặc cấm lưu thông tại các điểm giao cắt. Phải chăng chỉ có Hà Nội mới có cách làm giải pháp "không giống ai" như vậy?

Hai là, Bằng việc chặn ngã tư, thay bằng các điểm "ngoặc chữ U” có thể tạo cảm giác "tự do" di chuyển mà không cần nhiều nhân viên điều hành...nhưng thực chất là thái độ “đầu hàng“ trước nếp sống tự do cá nhân, tùy tiện còn rơi rớt lại của nền sản xuất tiểu nông mà trong đó “bác nào muốn đi thì cứ đi”!. Ngoài vài “cái lợi” nếu có, mặt hại còn lớn hơn nhiều; đó là sự lãng phí dưới dạng thời gian, xăng dầu phát sinh, khí thải môi trường, và cả những hậu quả tâm sinh lý tiềm ẩn…

Ba là, nếu ngắm nhìn các phố phường Hà Nôi từ bất cứ góc độ nào đều thấy cảnh lộn xộn, nháo nhác của những dòng dòng xe cộ di chuyển chậm chạp, cái quay ngược, cái quay xuôi, rẽ ngang chen lấn giữa đường càng dễ gây ùn tắc, va chạm v. v…. . Tất cả diễn ra trong bầu không khí bụi bậm dầy đặc khí thải xăng dầu, tạo nên một quang cảnh nháo nhác, lam lũ, nghèo nàn, lạc hậu không nên có tại một thành phố Thủ đô”.

Bốn là, xét trên phương diện giáo dục công dân như vẫn thường được đề cao với các khẩu hiệu “con người văn minh, lịch sự” và “thành phố xanh, sạch, đẹp, hiện đại” thì giải pháp nêu trên e rằng đang “góp phần” theo hướng ngược lại…, vì nó khuyến khích mỗi cá nhân được quyền chen lấn mà không phải tuân theo hiệu lệnh của cơ quan công quyền; hể ai có sức khỏe, có khả năng chen lấn thì cứ việc vươn tới phía trước, chỗ nào trống là lao xe vào …. Tai nạn và các cuộc xung đột, đánh chửi nhau cũng rất dễ phát sinh từ đó.
Cuối cùng, từ những gì đang diễn ra xung quanh quá trình tìm giải pháp chống tắc đường của Hà Nội, ta thấy một tình trạng tương tự đối với các lĩnh vực kinh tế- xã hội khác trên khắp đất nước này. Nó cho thấy hể khi nào và ở đâu mà Cơ quan chủ quản chưa “đạt chuẩn” thì không thể có giải pháp tốt, thậm chí ngược lại. Mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương cụ thể có khác nhau, nhưng có một bài học chung là: Giải pháp nào cũng không nên làm trái với những kinh nghiệm đã được đúc kết của nhân loại. Cải tiến và sáng tạo là điều vô cùng cần thiết để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn. Nhưng đừng bao giờ nhân danh “cải tiến” và “sáng tạo” để biến một thành phố, một địa phương thành một phòng thí nghiệm cho những ý tưởng “không giống ai”./.

Trần Kinh Nghị
Ghi chú: Bài đã đăng tại http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-13-dem-ngu-van-mo-tay-nam-vo-lang-quay-chong-ca-mat-










Tìm kiếm Blog này