Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Tìm hiểu về tiếng Việt cổ

Nguồn:Bách khoa toàn thư mở -Wikipedia

Trước khi chữ Hán du nhập vào Việt Nam, một số học giả cho rằng người Việt có chữ viết kiểu nút còn gọi là "chữ khoa đẩu". Theo các nhà nghiên cứu thì không phải người Việt dùng kiểu thắt nút để trị quốc như các sách sử của Trung Quốc mà người Việt có văn tự riêng của mình; bằng chứng là các văn tự được tìm thấy ở các văn bia miền núi phía Bắc có chữ viết ngoằn nghèo như lửa (nên còn gọi là Hỏa tự). Tiếng Việt cổ đại cũng là một ngôn ngữ thuộc họ Mường-Khmer của hệ Nam Á, khác hẳn với hệ ngôn ngữ của tiếng Hán. Nhiều nhà nghiên cứu, từ Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Bùi Văn Nguyên, Trần Ngọc Thêm... cho đến Vương Duy Trinh, Trương Vĩnh Ký, cả những nhà nghiên cứu nước ngoài như Anh, Tiệp Khắc, Mỹ, Pháp, nhất là Trung Quốc: từ Lục Lưu, đến Hứa Thân, Trịnh Tiểu... đều khẳng định: Việt Nam xưa đã có chữ viết riêng. Chữ Việt cổ được phát hiện ngày một nhiều trên nhiều hiện vật khảo cổ, được khắc trên đá, trên xương thú, trên đồ đồng như vũ khí, trống đồng cổ và phân bố rộng khắp lưu vực có người Việt sinh sống. Nhiều tác giả cho rằng chữ Hán du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên (TCN), ngay sau khi Trung Quốc chiếm xong Việt Nam. Trong suốt một nghìn năm, từ thế kỷ 1 TCN tới năm 938, tiếng Việt bị ảnh hưởng mạnh mẽ của chữ Hán (hay còn gọi là chữ Nho).
Trong suốt thời gian Bắc thuộc đó, với chính sách Hán hóa của nhà Hán, tiếng Hán đã được giảng dạy ở Việt Nam và người Việt Nam đã chấp nhận ngôn ngữ mới đó song song với tiếng Việt, tiếng nói truyền miệng. Tuy người Việt Nam tiếp thu tiếng Hán và chữ Hán nhưng cũng đã Việt hóa nhiều từ của tiếng Hán thành từ Hán-Việt. Từ đó đã có rất nhiều từ Hán-Việt đi vào trong từ vựng của tiếng Việt. Sự phát triển của tiếng Hán ở Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc song song với sự phát triển của tiếng Hán ở chính Trung Quốc thời đó. Tuy nhiên, năm 938, sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, Việt Nam đã độc lập và không còn lệ thuộc vào phương Bắc nữa, nhưng ngôn ngữ vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của tiếng Hán. Sau ngày giành được độc lập, mặc dù tiếng Hán là ngôn ngữ được sử dụng chính thức nhưng đã phát triển theo hướng khác với sự phát triển tiếng Hán ở Trung Quốc. Nói thêm, hiện nay một số nhà nghiên cứu không đồng tình với quan điểm này, với các âm Hán Việt trong ngôn ngữ tiếng Việt, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sỡ dĩ số lượng từ Hán Việt chiếm phần lớn trong ngôn ngữ Việt, không phải do quá trình Hán hóa mà do quá trình xâm nhập đồng bằng phía Nam, các dân tộc Việt, đã kết hợp với các dân tộc phương Bắc hình thành dân tộc Hán, như vậy, ngôn ngữ Hán được hình thành dựa trên ngôn ngữ Việt cổ, do vậy có sự xuất hiện của nhiều từ Hán Việt (hay Việt Hán) trong ngôn ngữ Việt.[3]
Tiếng Hán vẫn tiếp tục được dùng và phát triển nhưng cách phát âm các chữ Hán lại theo cách phát âm của người Việt, hay âm Hán-Việt. Do nhu cầu phát triển, người Việt đã sử dụng chữ Hán để tạo ra chữ viết cho họ, đó là chữ Nôm. Nhưng chữ Nôm không phải là bộ chữ hoàn thiện, cũng giống như người Quảng Đông vậy. Họ có thể viết chữ Hán Quảng Đông trong trò chuyện bình thường, nhưng họ cũng phải sử dụng chữ Hán chuẩn trong văn thư để tỏ lòng trân trọng, dù đối tượng tiếp nhận văn thư là người Quảng Đông. [4]

--------------

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Vài suy nghĩ về chuyến thăm TQ của TBT Nguyễn Phú Trọng

Dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm đến chuyến đi của TBT Nguyễn Phú trong đến TQ từ 11-15/10/2011. Riêng người Việt Nam thì ngoài vấn đề thời điểm và nội dung của chuyến thăm còn quan tâm đến cả những chi tiết lễ nghi, phong cách ứng xử ,v.v... Và trên thực tế đã hình thành một trào lưu phê phán ngay từ trước chuyến thăm. Những người phê phán  cho rằng đáng lẽ TBT chưa nên đi TQ vào lúc này khi mà Bắc Kinh vẫn tăng cường xúc tiến các biện pháp xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam với  hàng loạt vụ bắt giữ, phạt vạ ngư dân ta, cho tàu hải giám cắt cáp tàu dầu khí của ta, rồi đe dọa sự hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ v.v… Đặc biệt, chỉ vài ngày trước chuyến thăm Tờ Hoàng Cầu (báo chính luận của đảng CSTQ) còn lên tiếng đe dọa “đánh Việt nam…”. Tóm lại chưa nên thăm khi mà phỉa nước chủ nhà không hề cho thấy dấu hiệu kiềm chế và thái độ tôn trọng cần thiết đối với nước khách, chí ít là vào thời điểm trước chuyến thăm.
Một bộ phận  đông đảo nhân dân, kể cả trí thức, cán bộ và bộ đội về hưu hoặc đương chức lo lắng trước xu hướng mà họ cho là "vô cảm" và nhu nhược trong một bộ phận giới lãnh đạo của đất nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và thực hiện tự cường dân tộc trước sự lấn lướt của cường quốc láng giềng phương Bắc. Phải chăng đó là do tàn dư của thời kỳ “ý thức hệ” mà trong đó lợi ích quốc gia bị đặt dưới lợi ích của "CNXH anh em"? Phải chăng đó là do "nỗi sợ hãi" mà lịch sử đã khiến người Việt phải duy trì mãi mãi trước một kẻ thù truyền kiếp ?  Phải chăng đó còn là do sự hình thành những "nhóm lợi ích xuyên quốc gia" đang dần có khả năng chi phối đường lối đối ngoại của đất nước? Phải chăng với tất cả những nguyên nhân nói trên khiến bất cứ người lãnh đạo nào của đất nước này đều sẽ rơi vào thế khó nói thẳng và nói mạnh  đối với cường quốc số 2, mặc dù trong khi hoàn toàn có thể làm như vậy đối với cường quốc số 1 là Hoa Kỳ? Đây chính là nỗi niềm băn khoăn, lo lắng ít nhiều đang hiện hửu trong mỗi con người Việt Nam dù ở trong và ngoài nước, nhất là trước những sự thật và thử thách trong thời gian gần đây. Nỗi niềm đó hoàn toàn có thể hiểu được.

Tuy nhiên, đã nói đi thì cũng phải nói lại; có một cách tiếp cận khác đối với chuyến thăm TQ của TBT. Khách quan mà nói, nếu xem xét thấu đáo mọi khía cạnh, ta thấy  chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trong sang TQ lúc này là việc “không thể đừng”, vì đó không chỉ là một cử chỉ xã giao giữa các quốc gia mà còn mang tính truyền thống trong quan hệ Việt – Trung. Hơn nữa, cái chính là chuyến thăm thực ra đã được sắp đặt một cách có tính toán và hợp lý nhất trong bối cảnh tình hình đối nội , đối ngoại của đất nước cũng như trong mối tương quan lực lượng quốc tế và khu vực hiện nay. Cụ thể, trước khi thăm TQ,  TBT Nguyễn Phú Trọng đã thăm  Lào,  đó là một thứ tự hoàn toàn khác với thời kỳ của TBT Nông Đức Mạnh cũng như nhiều đời TBT  trước đây. Hơn nữa cùng thời gian chuyến thăm TQ của TBT còn có là chuyến thăm đầy ý nghĩa thực tiễn của  Chủ tịch nước đến Ấn Độ - một động thái mà dư luận báo chí phương Tây cho là  Việt Nam "chọc giận" TQ!. Một sự kiện quan trọng nữa diễn ra đồng thời cùng thời gian này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghênh tiếp đoàn cấp cao CHLB Đức "để nâng quan hệ hai nước lên tầm cao đối tác chiến lược". Có một điều cũng lưu ý, đó là  phía nước chủ nhà mặc dù bận  đón Thủ tướng Nga Putin  nhưng vẫn dành những nghi thức và nghi lễ ngoại giao đầy đủ và trọng thị đối với cấp nguyên thủ của khách Việt Nam.

Trong thủ thuật ngoại giao và quan hệ quốc tế, những điều trên đây  đều phải được đem ra “đong đếm” đầy đủ trước khi đi tới những nhận định đánh giá nào đó, huống chi đây là phạm trù quan hệ Việt-Trung.  Thử  hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu một vị TBT mới của  của Việt Nam mà quá chậm trễ (hoặc không) thăm chào xã giao đối với nước lớn láng giềng phương Bắc ? Do đó,  có thể thấy rằng chuyến thăm TQ của TBT Nguyễn Phú Trọng vừa qua là một hoạt động cần thiết, và cũng là một thắng lợi của nền ngoại giao Hồ Chí Minh!
Xét về nội dung, ta thấy có 6 văn kiện hợp tác được ký kết, nhưng chỉ một văn kiện có tầm quan trọng thực sự đó là   "Nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển".
Có những ý kiến phê phán nghi ngờ về việc soạn thảo quá nhiều văn kiện trong thời gian ngắn…Có những ý kiến đi sâu phân tích phê phán từng câu chữ của các văn kiện, v.v…Sự phê phán như vậy có thể đúng một phần, nhưng không nhất thiết phải quá lo ngại về những chi tiết như vậy. Thực ra những văn kiện đó đều đã được các chuyên gia cấp dưới bàn bạc và thỏa thuận từ trước chuyến thăm, mà thực chất chỉ là "rượu cũ, bình mới” mà thôi! Nếu có chuyện đúng/sai về nội dung, kể cả những tiểu tiết hoặc sai sót trong nghi thức và giao tiếp. v.v…  thì chúng đều đã được thể hiện trong cả quá trình quan hệ hai nước từ lâu nay rồi. Không nên và không thể kỳ vọng gì hơn từ một chuyến thăm xã giao, nhất là trong bối cảnh mà ta đã bàn đến trên đây. Vấn đề là cách hiểu và sự vận dụng của mỗi bên vào thực thi các vấn đề cụ thể sắp tới. Thực ra nó phụ thuộc rất nhiều vào “thiện chí” của nước lớn, điều mà nhân dân Việt Nam bằng kinh nghiệm cay đắng của mình luôn cảm thấy rất mỏng manh, do đó dễ sinh ra nghi kỵ cũng là chuyện dẽ hiểu. Mục đích lớn nhất của  phía Trung Quốc đối với chuyến thăm như thường lệ vẫn là để "tạo dáng" hình ảnh của một "ông anh XHCN" đối vớiViệt Nam và một "cường quốc đàng hòang" đối với thế giới. Chuyện họ có "đánh" Việt nam nữa hay không hoàn toàn không phụ thuộc vào bất cứ câu chữ nào của các văn kiện vừa ký kết. Vì vậy, tốt hơn hết là, mọi người cần tiếp tục theo dõi quá trình sắp tới để rồi sẽ  kiểm nghiệm và kết luận tiếp.   

Với cách tiếp cận như trên, có thể nói chuyến thăm TQ của TBT Nguyễn Phú Trọng vừa qua thực sự chỉ là hình thức ngoại giao; nhưng cũng là một thắng lợi đối với Việt Nam trong cả quá trình đấu tranh đang tiếp diễn. Nó cũng có thể là một thắng lợi của Bắc Kinh theo cách nhìn của họ. Là người Việt Nam chúng ta không nên quá bi quan trước mọi diễn tiến của tình hình đất nước lúc thịnh lúc suy, nhưng  lịch sử đã chứng minh "hào kiệt thời nào cũng có" và kẻ thù dù gian tham, độc ác bao nhiêu cũng không khuất phục được dân tộc này./.

Tìm kiếm Blog này