Nguồn: VietNamNet: Giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Sangri-La ngày 31/5/2013 (các tiêu đề phụ do VNNet đặt)
Ngôn ngữ và cách thể hiện dù có khác nhau, nhưng chắc chúng ta đều đồng ý với nhau: nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin. Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ “mất lòng tin là mất tất cả”. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành.
Trong thế kỷ 20, Đông Nam Á nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung vốn là chiến trường ác liệt, bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều thập kỷ. Có thể nói cả khu vực này luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình. Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Nói cách khác, chúng ta cần cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của Châu Á - Thái Bình Dương.
Trước hết, Việt Nam chúng tôi có niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực, nhưng với xu thế tăng cường cạnh tranh và can dự - nhất là từ các nước lớn, thì bên cạnh những mặt tích cực cũng tiềm ẩn những rủi ro tiêu cực mà chúng ta cần phải cùng nhau chủ động ngăn ngừa.
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động và là nơi tập trung ba nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi. Xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực đang diễn ra hết sức sôi động và ngày càng thể hiện là xu thế chủ đạo. Điều này là cơ hội hết sức lạc quan cho tất cả chúng ta.
Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh toàn cảnh khu vực trong những năm qua, chúng ta cũng không khỏi quan ngại trước những nguy cơ và thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh.
Cạnh tranh và can dự vốn là điều bình thường trong quá trình hợp tác và phát triển. Nhưng nếu sự cạnh tranh và can dự đó mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển.
Những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải đang gây quan ngại sâu sắc đối với cả cộng đồng quốc tế. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.
Tôi muốn lưu ý thêm rằng lưu thông trên biển chiếm tỷ trọng và có ý nghĩa ngày càng lớn. Theo nhiều dự báo, sẽ có trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường.
Trong khi đó, các nguy cơ xung đột tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, ly khai, bạo loạn, khủng bố, an ninh mạng… vẫn hiện hữu. Những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng; dịch bệnh; nguồn nước và lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn, hạ nguồn của các con sông chung… ngày càng trở nên gay gắt.
Có thể nhận thấy những thách thức và nguy cơ xung đột là không thể xem thường. Mọi người chúng ta đều hiểu, nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua - mà tất cả cùng thua. Vì vậy, cần khẳng định rằng, cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta. Đối với Việt Nam chúng tôi, lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành.
Đề cao trách nhiệm các nước lớn
Thứ hai, để xây dựng lòng tin chiến lược, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia - nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương.
Trong lịch sử thế giới, nhiều dân tộc đã phải gánh chịu những mất mát không gì bù đắp được khi là nạn nhân của tham vọng cường quyền, của xung đột, chiến tranh. Trong thế giới văn minh ngày nay, Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị của toàn nhân loại cần phải được tôn trọng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin chiến lược.
Mỗi quốc gia luôn phải là một thành viên có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh chung. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ cần có quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cao hơn là có lòng tin chiến lược vào nhau. Các nước lớn có vai trò và có thể đóng góp nhiều hơn, đồng thời có trách nhiệm lớn hơn trong việc tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Mặt khác, tiếng nói đúng đắn cũng như sáng kiến hữu ích không phụ thuộc là của nước lớn hay nước nhỏ. Nguyên tắc hợp tác, đối thoại bình đẳng, cởi mở trong ASEAN, các diễn đàn do ASEAN khởi xướng và ngay Đối thoại Shangri-La của chúng ta cũng được hình thành và duy trì trên cơ sở tư duy đó.
Tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Ngài Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thống nước CH Indonesia, tại diễn đàn này năm ngoái là các nước vừa và nhỏ có thể gắn kết cùng các nước lớn vào một cấu trúc bền vững ở khu vực. Tôi cũng đồng tình với ý kiến của Ngài Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong bài phát biểu tại Bắc Kinh tháng 9/2012 cho rằng sự hợp tác tin cậy và trách nhiệm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đóng góp tích cực cho lợi ích chung của khu vực. Chúng ta đều hiểu rằng Châu Á - Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả các nước trong và ngoài khu vực cùng hợp tác và chia sẻ lợi ích. Tương lai của Châu Á - Thái Bình Dương đã và sẽ tiếp tục được tạo dựng bởi vai trò và sự tương tác của tất cả các quốc gia trong khu vực và cả thế giới, nhất là các nước lớn và chắc chắn trong đó không thể thiếu vai trò của ASEAN.
Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới. Điều quan trọng là sự kỳ vọng đó cần được củng cố bằng lòng tin chiến lược và lòng tin chiến lược cần được thể hiện thông qua những hành động cụ thể mang tính xây dựng của các quốc gia này.
Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ - một cường quốc Thái Bình Dương. Chúng ta trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm là, các cơ chế hợp tác hiện có trong khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)… cũng như Đối thoại Shangri-La đã tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hợp tác an ninh đa phương và tìm giải pháp cho những thách thức đang đặt ra. Nhưng có thể nói rằng, vẫn còn thiếu – hay ít nhất là chưa đủ - lòng tin chiến lược trong việc thực thi các cơ chế đó. Điều quan trọng trước hết là phải xây dựng sự tin cậy lẫn nhau trước các thử thách, các tác động và trong tăng cường hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, các tầng nấc, cả song phương và đa phương. Một khi có đủ lòng tin chiến lược, hiệu quả thực thi của các cơ chế hiện có sẽ được nâng lên và chúng ta có thể đẩy nhanh, mở rộng hợp tác, đi đến giải pháp về mọi vấn đề, cho dù là nhạy cảm và khó khăn nhất.
ASEAN - người trung gian thực tâm
Thứ ba, nói đến hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta không thể không nói đến một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương.
Khó có thể hình dung được một Đông Nam Á chia rẽ, xung đột trong Chiến tranh Lạnh lại có thể trở thành một cộng đồng các quốc gia thống nhất trong đa dạng và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc đang định hình ở khu vực như ASEAN ngày nay. Sự tham gia của Việt Nam vào ASEAN năm 1995 đánh dấu thời kỳ phát triển mới của ASEAN, tiến tới hình thành một ngôi nhà chung của tất cả các quốc gia Đông Nam Á đúng với tên gọi của mình. Thành công của ASEAN là thành quả của cả quá trình kiên trì xây dựng lòng tin và văn hóa đối thoại, hợp tác cũng như ý thức trách nhiệm chia sẻ vận mệnh chung giữa các nước Đông Nam Á.
ASEAN tự hào là một hình mẫu của nguyên tắc đồng thuận và lòng tin vào nhau trong các quyết định của mình. Đó là nền tảng tạo sự bình đẳng giữa các thành viên cho dù là một Indonesia với dân số gần 1/4 tỷ người và một Brunei với dân số chưa đến nửa triệu người. Đó cũng là cơ sở để các nước ngoài khu vực gửi gắm lòng tin vào ASEAN với tư cách là “người trung gian thực tâm” trong vai trò dẫn dắt nhiều cơ chế hợp tác khu vực.
Với tư duy cùng chia sẻ lợi ích, không phải “kẻ được – người mất”, việc mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) mời Nga và Hoa Kỳ tham gia, tiến trình ADMM+ đã được hiện thực hóa tại Việt Nam năm 2010 và thành công của EAS, ARF, ADMM+ những năm tiếp theo đã củng cố hơn nữa nền tảng cho một cấu trúc khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm, đem lại niềm tin vào tiến trình hợp tác an ninh đa phương của khu vực này.
Tôi cũng muốn đề cập trường hợp của Myanmar như một ví dụ sinh động về kết quả của việc kiên trì đối thoại trên cơ sở xây dựng và củng cố lòng tin, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau, mở ra một tương lai tươi sáng không chỉ cho Myanmar mà cho cả khu vực chúng ta.
Đã có những bài học sâu sắc về giá trị nền tảng của nguyên tắc đồng thuận, thống nhất của ASEAN trong việc duy trì quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với các nước đối tác và phát huy vai trò chủ động của ASEAN trong những vấn đề chiến lược của khu vực. ASEAN chỉ mạnh và phát huy được vai trò của mình khi là một khối đoàn kết thống nhất. Một ASEAN thiếu thống nhất sẽ tự đánh mất vị thế và không có lợi cho bất cứ một ai, kể cả các nước ASEAN và các nước đối tác. Chúng ta cần một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, hợp tác hiệu quả với tất cả các nước để chung tay vun đắp hòa bình và thịnh vượng ở khu vực, chứ không phải là một ASEAN mà các quốc gia thành viên buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn. Trách nhiệm của chúng ta là nhân thêm niềm tin trong giải quyết các vấn đề, trong tăng cường hợp tác cùng có lợi, kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia mình với lợi ích của quốc gia khác và của cả khu vực.
Việt Nam cùng các nước ASEAN luôn mong muốn các nước - đặc biệt là các nước lớn, ủng hộ vai trò trung tâm, nguyên tắc đồng thuận và sự đoàn kết thống nhất của cộng đồng ASEAN.
Trở lại vấn đề Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau vượt qua một chặng đường khá dài và cũng không ít khó khăn để ra được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnom Penh năm 2002. Nhân kỷ niệm 10 năm ký và thực hiện DOC, các bên đã thống nhất nỗ lực tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Chúng tôi cho rằng, ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực. Làm được như vậy sẽ không chỉ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp, mà còn khẳng định những nguyên tắc cơ bản trong việc gìn giữ hòa bình, tăng cường hợp tác, phát triển của thế giới đương đại.
Đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống và các thách thức khác – trong đó có an ninh nguồn nước trên các dòng sông chung, bằng việc xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường hợp tác, hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung, tôi tin rằng chúng ta cũng sẽ đạt được những thành công, đóng góp thiết thực vào hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực.
Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác
Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Việt Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Để có một nền hòa bình thực sự và bền vững, thì độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn trọng; những khác biệt về lợi ích, văn hóa… cần được đối thoại cởi mở trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Chúng ta không quên, nhưng cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.
Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia. Chúng tôi mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ một khi nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện.
Nhân diễn đàn quan trọng này, tôi trân trọng thông báo, Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác.
Những năm qua, việc duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao đã tạo điều kiện cho Việt Nam tăng ngân sách quốc phòng ở mức hợp lý. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.
Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang hiện hữu như bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông… Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Một lần nữa, Việt Nam khẳng định tuân thủ nhất quán Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; nỗ lực làm hết sức mình cùng ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và sớm đạt được COC. Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
-----
Hòa bình, hợp tác và phát triển là lợi ích, là nguyện vọng tha thiết, là tương lai chung của các quốc gia, các dân tộc. Trên tinh thần cởi mở của Đối thoại Shangri-La, tôi kêu gọi tất cả chúng ta bằng những hành động cụ thể hãy cùng chung tay xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác, thịnh vượng.( Theo Cổng TTĐT Chính phủ)
Ông Dũng đang "có tật giật mình". Ông này ở trong nước đang bị mất lòng tin của nhân dân Việt Nam trầm trọng, đến nỗi đại biểu quốc hội đòi ông từ chức. Do vậy, trong đầu ông ta luôn ám ảnh "mình phải xây dựng lại lòng tin của dân chúng dành cho mình". Ông đem chuyện của mình ra để áp đặt lên cho Khu vực và Thế giới. Có lẽ các đại biểu sẽ không hiểu khái niệm "lòng tin chiến lược" của ông ấy là gì, vì chỉ có ông ấy hiểu và không biết anh phiên dịch ra tiếng Anh sẽ dịch ra sao?
Trả lờiXóaNói theo kiểu dân dã: 3 Dê là ba phải. Định hướng rõ rệt nhất là ba phải. Nhưng trong sâu thẳm lại theo ý Trung Quốc và lợi ích cá nhân không phải lợi ích dân tộc. Dân tộc ta không cần những thằng ba phải, mà phải quyết liệt: Đầu thần chưa rơi Bệ hạ chưa hàng.Dân ta bị đâm thuyền hư hỏng chết người, gặp lãnh đạo ba phải không bênh vực thì chỉ có nhảy xuống biển mà chết thôi
Trả lờiXóaChẳng hiểu tác giả viết bài viết này để làm gì nữa, nhưng xin đính chính lại là tác giả nói sai nhiều lắm, những cái quan trọng thì đều sai hết, chẳng đúng tẹo nào cả, đừng có cố bịa đặt sàng bậy làm gì cả. Việt Nam là một đất nước dân chủ,công bằng, văn minh, điều này không có gì phải bàn cãi nữa cả.
Trả lờiXóaĐ/c DLV này không chịu đọc ...đã bình loạn...Đây là bài của báo chính thống đấy có gì sai mà phê là sai hết...? Coi chùng bị cắt lương trợ cấp đấy nha.
Xóa