Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Ngẫm từ trường hợp nghị Phước

Dư luận cả nước lại được một dịp bàn tán về "ông nghị" Hoàng Hữu Phước. Rất nhiều người không chỉ kịch liệt phê phán mà còn tỏ ra vô cùng ngạc nhiên tại sao một Ns Quốc hội mà vừa dốt vừa thô lỗ đến vậy? Nhiều người đòi phế truất ông nghị này ngay lập tức kẻo ô danh Quốc hội nước nhà! Cũng có người nghi ông Phước mắc chứng bệnh tâm thần trong khi một số người khác thì nghi có bàn tay phá hoại nước ngoài. Có thể nói, dư luận đang tập trung vào trường hợp nghị Phước như một vật thể lạ (SFO) trong khi ông ta có vẻ hoàn toàn tự tin chống trả dư luận như thể mình bị oan uổng lắm. 

Ns Hoàng Hữu Phước và Ns Dương Trung Quốc
Có lẽ chỉ một vài người còn dè dặt gọi hành động của nghị Phước là "vạ miệng". Nhưng đại đa ý kiến cho rằng một Ns như thế là không thể chấp nhận được. 

Tuy nhiên, có một điều cũng đáng suy ngẫm: Phải chăng hiện tượng nghị Phước chỉ là một cục băng nổi trong toàn bộ khối băng chìm của nền nghị trường Việt Nam. Khối băng chìm đó lâu nay luôn tồn tại trong một môi trường nhiệt độ lạnh lý tưởng, và giờ đây đang bắt đầu ấm dần lên khiến một vài cục băng tách ra và nổi lên mặt nước?  Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới khi xu hướng nhiệt độ tiếp tục ấm lên? Và do đó, nên chăng đã đến lúc để nhận hiện tượng nghị Phước như một điều cảnh báo và một bài học?  

Đối với đại đa số người Việt Nam lâu nay, thì khái niệm Quốc hội là những cuộc họp "xuân thu nhị kỳ" diễn ra tại Hội trường Ba Đình nơi tập trung các loại xe con, xe to sang trọng đưa đón các đại biểu từ cả nước tụ về khiến hàng loạt tuyến đường trong trung tâm ách tắc. Người dân thường thấy hình ảnh Quốc hội họp nghiêm trang với hơn 500 đại biểu ngồi xếp hàng thẳng tắp hướng về phía Chủ tịch đoàn. Có lẽ cách sắp xếp ghế ngồi và khung cảnh trang nghiêm trong hội trường khiến mỗi đại biểu vốn nhỏ bé lại cảm càng cảm thấy mình bé nhỏ hơn rất nhiều. Và đó là một trong những điều kiện khiến cho các phiên họp Quốc hội đều diễn ra trong không khí cứng nhắc hoàn toàn giống nhau từ phiên này đến phiên khác. Phải thừa nhận là đã có một tiến bộ mới là gần đây khi người dân được theo dõi qua màn hình vô tuyến một số phiên chất vấn tại hội trường. Tuy nhiên về thực chất đó chỉ là sự phô diễn với những buổi truyền hình dài lê thê nhưng chỉ một số đại biểu đã quen mặt đứng lên đặt câu hỏi, và các bộ trưởng trả lời bằng cách đọc nội dung đã chuẩn bị sẵn. Nhiều khi người hỏi cứ hỏi,  người trả lời cứ trả lời theo ý của mình cũng chẳng sao. Tất cả dường như đều đã được "tập dượt" trước vậy.
Một phiên họp của Quốc hội (Ảnh minh họa)
Thiết nghĩ, hình thức sắp xếp hội trường và cách tổ chức các phiên họp như thế đã là một sự hạn chế về không gian tương tác giữa các Ns và giữa các Ns với Chủ tịch đoàn cũng như giữa Quốc hội với người dân. Sự gần gũi (nếu có) là qua màn hình người dân nhìn rõ những ông bà nghị ngủ gật hoặc làm việc riêng gì đó. Thử hỏi, trong hơn 500 nghị sĩ có bao nhiêu vị thật sự có đủ tâm và tầm để tham gia chất vấn và thảo luận một cách tự nhiên thoái mái với những nội dung mới mẻ như nhân dân mong đợi ? Có lẽ số này chỉ đủ đếm đầu ngón tay nhưng tiếc là một số vị đã phải về hưu giữa lúc đang còn sung sức. Với đà này, liệu bao giờ có đủ điều kiện để tạo nên không khí tranh luận lành mạnh có hiệu quả thật sự trong nghị trường Quốc hội nước nhà? 

Nghe nói tất cả các Ns đều được cử đi học vi tính và trang bị đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại, nhưng khả năng ứng dụng còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy đại đa số các ông bà nghị đều hạn chế về năng lực hoặc do động cơ cá nhân nên không thể hoặc không muốn tham gia chất vấn, tranh luận. Số này dân gian  gọi là "nghị gật". Trong bối cảnh đó, ông nghị Hoàng Hữu Phước vốn có chút ít tiếng Anh và biết sử dụng vi tính với cả một trang blog cá nhân. Có lẽ đó là thế mạnh mà ông ta muốn đem ra khoe trước đồng nghiệp và công chúng. Và ông ta đã trở nên "nổi tiếng" như mọi người thấy vừa qua? 

Câu hỏi ở đây là, điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả hoặc đại đa số các đại biểu Quốc hội đều tham gia tranh luận, tức là không "gật" nữa mà "lắc" đầu? Chắc lúc đó sẽ có nhiều hơn những ông bà như "nghị Phước" thậm chí còn tệ hơn! Đó là chưa kể nhiều trường hợp các vị không chỉ nói sai mà cố tình làm sai gây ra những hậu quả khôn lường cho đất nước như đã từng thấy.   
         
Vậy nên chăng, dư luận dù có bức xúc bao nhiêu về trường hợp nghị Phước thì cũng nên dành chút lòng vị tha cho ông ta như một người đã gióng lên một tiếng chuông báo động về tình trạng của nghị trường đất nước lâu nay. Có lẽ trước khi có một nghị trường thực thụ chuyên nghiệp khó mà tránh khỏi những ông "nghị dởm" như Hoàng Hữu Phước./.   
 

5 nhận xét:

  1. Nếu chúng ta đã có 14"siu sao" là BCT,179 vì tinh tú...bà hay ông là TW Đảng thì lẽ ra QH phải là Thân hào ,Nhân sĩ ngoài Đảng dể nói lên ý nguyện của dân.Lẽ nào 95% lại là CB,đảng viên.Chừa lại 5% ít ỏi có tiền sử tâm thần.
    Vô lý cực.
    Có cần phải 500 ngọn đèn cao áp khi đất nước còn nghèo và đèn không sáng mà chỉ gật gù như sắp rụng chuôi.Lúc sáng lúc tối như đèn Quốc,lúc chăm chăm làm đứt cầu chì như đèn Phước,lúc thì lộn watt,nhầm volt như nghị Yến...
    Nếu đảng đã quyết cả như Boxit,cao tốc...váy thì dẹp QH cho rồi,như Bắc TT chã hạn.
    Than ôi! để tỏ ra dân chủ mà ai cũng biết là đồ dõm thì tốn tiền lương, ngân sách dân nghèo mà làm gì ?

    Trả lờiXóa
  2. Nhiều người nghĩ như bác về Hội trường nước ta nói chung hạn chế về không gian tương tác, nó phản ánh sự xơ cúng một chiều. Em xem hình tòa nhà Quốc hội mới sắp hoàn thành, tuy phòng họp là vòng cung hướng về chủ toa, vẫn dựng khối chắn uy nghi nhưng thiếu thân thiện ở sau lưng chủ tọa. ảnh:
    http://khudothimoi.com/images/tintuc/509/khoi-cong-du-an-toa-nha-quoc-hoi-06.jpg
    Em đã kích Phước Khùng thậm tệ về tính nói dóc, khoe chữ nhưng ủng hộ Phước ở lại Quốc hội, chấp nhận có một nghị khùng trong một đám nghị gật, thỉnh thoảng để quậy cho cử tri đỡ buồn ngủ.

    Trả lờiXóa

  3. Đây là mới nói về văn hóa ứng xử. Tác giả chưa bàn tới nội dung ông Phước viết trên blog của mình. Coa quá nhiều sạn, sỏi, đá cuội, đá hòn. Mà hình như ông ta viết không phải cho minh, mà là để bảo vệ người khác. Thật iền hùng.Liệu đây có phải là hành động 'vác đá vá trời' không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu nói về "VH ứng xử" thì các ông nghị ta không tồi đâu!, cũng rất biết cách rào trước đón sau kín kẽ lắm chứ! Vấn đề là thiếu tri thức. Khi không có trí thức cơ bản thì tất cả những thứ đọc, nghe, nhìn được rất dẽ bị hiểu méo mó, lệch lạc ... nghị Phước là một ví dụ.

      Xóa
  4. Trong xứ mù kẻ chột làm Vua. Cả mấy trăm ông bà nghị gật tồi dở ngoại ngữ (Anh ),cộng thêm còn yếu kém về nhiều thứ khác nữa,ngoại trừ 2 bằng chuyên khoa đầy tính ưu việt XHCN: cử nhân luật & trung,cao cấp trường đại học NAQuốc.Thế cho nên nghị Phước khùng có cơ hội thi thố tài năng hơn đại đa sô đồng nghị gật.Đây chính là điểm son của Phước cho hai lần chửi mang nặng tính đảng.

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này