Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Khi khoa học bị mê tín chi phối

Einstein từng nói: “Có hai thứ được coi là vô tận: Vũ trụ và sự ngu dốt của con người”
Xin mạn phép đăng lại 2 bài viết đã bị rút khỏi báo Giáo dục nhưng còn lưu lại trên blog Tranhung09.  Qua hai bài viết cho ta một vài sự thật rất cơ bản và đsức thuyết phục trong số rất nhiều sự thật đã được phơi bày xung quanh  "thần tượng ngoại cảm"Phan Thị Bích Hằng một thời được tôn vinh bởi làng khoa học VN. Nghe nói  thần tượng nay đã "gác kiếm" và chuyển sang làm DN bằng số vốn liếng kiếm được từ thời làm khoa học.... Âu cũng là một sự chuyển tiếp khá phổ biến trong xã hôi VN đương đại. Nhưng chẳng hay trong số hàng ngàn hài cốt được nhà ngoại cảm tìm thấy có bao nhiêu lần "nhầm" như trường hợp của cụ Phùng Chí Kiên? Có  bao nhiêu trường hợp không thử ADN hoặc lẫn lộn của người này sang người kia ...?  Nhưng lạ thay, đến nay vẫn có rất nhiều người tin sái cổ...  Phải chăng khoa học + mê tín = thần tượng? Hay đó là một hệ quả tất yếu của cung cách quản lý khoa học lỏng lẽo lâu nay đất nước này? Txa xưa, các nhà khoa học thực thđều là những người chống lại thần quyền. Chẳng lẽ ngày nay khoa học lại từ bỏ lập trường đđồng hành cùng mê tín dđoan một cách dẽ dàng như vậy?-Bách Việt

 
Những dấu hỏi lớn về "huyền thoại ngoại cảm" Phan Thị Bích Hằng (P1) Thứ tư 08/08/2012 05:15
LTS: Chiến tranh đã lùi xa nhưng trên suốt dải đất hình chữ S vẫn còn hàng chục vạn hài cốt liệt sỹ nằm lại nơi rừng sâu, núi thẳm. Và cũng từng đó thân nhân gia đình liệt sỹ luôn khắc khoải mang theo bên mình nỗi đau không gì bù đắp nổi. Công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ vừa là trách nhiệm, vừa là tâm nguyện của cả một dân tộc để tri ân những người đã vì nước quên thân. Trong suốt quá trình đó, không thể phủ nhận đóng góp của nhiều nhà ngoại cảm.

Việc tìm kiếm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm (khả năng đặc biệt) là một vấn đề mang tính khoa học và khả năng này có ở rất ít người. Trên hết, kết quả tìm kiếm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm phải dựa trên nhiều chứng cứ khoa học.

Loạt bài sau đây của báo điện tử Giáo dục Việt Nam không hề mang tính "phủ nhận sạch trơn" những đóng góp của các nhà ngoại cảm. Tuy nhiên, cái nhìn đa chiều về một sự việc, hiện tượng là điều cần thiết. Những thông tin mà nhóm phóng viên, cộng tác viên báo Giáo dục Việt Nam đã dày công tìm hiểu về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng là minh chứng cho điều này.

Trong giới ngoại cảm, bà Phan Thị  Bích Hằng được nhiều người mặc định là một trong rất ít thương hiệu uy tín. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến đặt ra nghi ngờ về tính xác thực của những câu chuyện mà nhà ngoại cảm này từng kể để tạo dựng nên "thương hiệu".

Bài 1: Tìm di cốt Tướng Phùng Chí Kiên: Đúng tất cả, chỉ sai... ADN

Nỗi trăn trở thế kỷ trong gia tộc của vị tướng đầu tiên

Phùng Chí Kiên, tên khai sinh là Nguyễn Vỹ, còn có tên khác là Mạnh Văn Liễu, sinh năm 1901 tại làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thời kỳ 1925-1927, Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã cử hội viên về Nghệ Tĩnh hoạt động. Nhiều thanh niên, học sinh được đưa sang Quảng Châu học tập. Tháng 10 năm 1926, Phùng Chí Kiên cùng một số hội viên được giới thiệu sang Quảng Châu, dự lớp huấn luyện đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức rồi vào học trường Quân sự Hoàng Phố. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.                                          


Nhiều tài liệu khẳng định, Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ T.Ư Đảng khóa I (1935). Như vậy, Phùng Chí Kiên được coi như bậc khai quốc công thần và cũng chính Phùng Chí Kiên là người đầu tiên chính thức được truy phong hàm Tướng bằng Sắc lệnh 89/SL do Hồ Chủ tịch ký ngày 23/9/1947.

Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Phùng Chí Kiên cùng Hồ Quang về Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Ông tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi. Ông tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; được cử trực tiếp tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, thành lập và là Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1, tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn.

Cuối tháng 6 năm 1941, chính quyền thực dân Pháp huy động tới 4.000 quân tổ chức thành ba mũi tấn công mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang mới hình thành. Các cơ sở bí mật của Trung ương Đảng và Cứu quốc quân bị uy hiếp nghiêm trọng. Trong cuộc họp khẩn cấp tại Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), Ban chỉ huy Cứu quốc quân quyết định cử một tổ bảo vệ và dẫn các cán bộ lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản qua Tràng Xá về xuôi an toàn.

Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu, phá một số trận càn lớn của Pháp. Do chênh lệch lực lượng và vũ khí, Ban lãnh đạo căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai quyết định để lại một tiểu đội chặn địch, còn hai tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng. Ngày 19 tháng 8 năm 1941, cánh quân của Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri qua Pò Kép (châu Na Rì, Bắc Kạn) thì bị đối phương phục kích nhưng thoát được.

Ngày 21 tháng 8 năm 1941, đơn vị lại bị phục kích và bị bao vây tại xã Bằng Đức trên đường đi Cao Bằng. Lương Văn Tri bị thương rồi hy sinh. Mặc dù bị thương nặng, Phùng Chí Kiên vẫn bắn chặn quân địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng, ông bị bắt. Ngày 22 tháng 8 năm 1941, địch chặt đầu ông rồi bêu ở đầu cầu Ngân Sơn hòng uy hiếp tinh thần cán bộ, nhân dân địa phương.

Cũng kể từ đó, phần hài cốt này bị thất lạc. Năm 1990, phần hài cốt không đầu của ông Phùng Chí Kiên được đưa về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.

Trải suốt hàng chục năm, dòng tộc Nguyễn Văn tại xã Diễn Yên không nguôi niềm trăn trở tìm kiếm phần di cốt trên. Ngay từ những năm 70, hàng năm, tranh thủ thời gian nghỉ phép, thân nhân ông Phùng Chí Kiên đã tìm lên Bắc Kạn, la cà khắp các ngõ ngách, hỏi han dân chúng trong địa bàn mà ngày xưa "chú Vỹ" đã chiến đấu và hy sinh, nhưng đều không thu lượm được kết quả gì. Phần hài cốt bị thất lạc của ông Phùng Chí Kiên vẫn chưa có manh mối nào.

“Điều đó khiến cả dòng họ nhà tôi trăn trở. Mấy chục năm trời, dòng họ này cứ trăn trở khôn nguôi mong ngóng tìm được phần hài cốt bị thất lạc, làm các thủ tục công nhận danh hiệu liệt sỹ, danh phận cho cụ Phùng Chí Kiên. Năm 1994, cụ được tặng Huân chương chiến công hạng 3. Năm 2003, cụ được truy tặng danh hiệu liệt sỹ. Tuy nhiên, phần hài cốt bị thất lạc thì vẫn bặt mối thông tin”, một người con cháu của cụ Phùng Chí Kiên kể lại với phóng viên.

Việc tìm thấy di cốt còn thất lạc của ông Phùng Chí Kiên vừa là ước nguyện vừa là nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước, của nhân dân và gia đình người chiến sĩ cách mạng Phùng Chí Kiên.

Niềm hy vọng về việc tìm được phần hài cốt của liệt sỹ Phùng Chí Kiên tưởng như vơi dần rồi tắt lịm thì gia tộc họ Nguyễn đã may mắn có duyên được bà Phan Thị Bích Hằng đứng ra góp sức tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm vào đầu năm 2008. Việc tìm thấy phần hài cốt bị thất lạc của vị tướng đầu tiên tưởng như chỉ còn là vấn đề thời gian.

Hỗ trợ tối đa, trùng khớp từng chi tiết, chỉ  sai... ADN
Không công nhận ngoại cảm là phương pháp xác định danh tính liệt sĩ

Các bộ, ngành đã thống nhất giám định gen là phương pháp chủ yếu xác định danh tính liệt sĩ và không coi ngoại cảm là một phương pháp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ vì độ phức tạp rất lớn. Về quyết định này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Doãn Mậu Diệp cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh các nhà ngoại cảm tham gia vào quá trình tìm kiếm, chứ chính thức công nhận đấy là một phương pháp tìm kiếm đảm bảo 100% là chính xác, thì Bộ LĐ-TB & XH không có ý kiến về vấn đề này”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Văn Lạng khẳng định: “Cần phải có quy định về tiêu chuẩn, định chế xác định nhà ngoại cảm, nên xem xét rà soát lại tất cả các trung tâm để có biện pháp chấn chỉnh hoạt động tìm kiếm bằng ngoại cảm”. 

Ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB & XH) cũng đồng tình quan điểm trên và cho rằng, ngoại cảm chưa đủ điều kiện để được coi là phương pháp xác định hài cốt liệt sĩ.

Trong thời gian vừa qua, tại một số địa phương đã nở rộ các trung tâm tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm, nhiều yếu tố tâm linh không được kiểm chứng, nhiều người mạo danh ngoại cảm lừa đảo dẫn đến nhiều gia đình liệt sĩ bị lừa. Bộ LĐ-TB & XH sẽ sớm có chủ trương nhằm xử lý tình trạng mạo danh ngoại cảm lừa đảo trong việc tìm mộ liệt sĩ.
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Đậu, người đang trông coi khu thờ tự của cụ Phùng Chí Kiên tại quê nhà Nghệ An thì ông Phùng Chí Kiên là anh em với ông nội ông. Việc tìm mộ của cụ Phùng Chí Kiên khiến gia đình nhiều lần trăn trở: “Nhưng gia đình không có điều kiện đâu cháu ạ! Phải thông qua những mối liên hệ, sự giúp đỡ của các nhà báo và một số mối quan hệ đặc biệt khác thì gia đình mới có chi phí đi tìm và gặp được Phan Thị Bích Hằng. Việc tìm kiếm ngày bấy giờ có cả sự chỉ đạo, cho ý kiến của Bộ Quốc phòng”.

Một đoàn tìm kiếm được thành lập vào khoảng tháng 4/2008, bao gồm một số nhà báo, đại diện gia đình, một vị đại tá quân đội. Đoàn tìm kiếm này tất nhiên không thể thiếu Phan Thị Bích Hằng. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Quang, cháu gọi Phùng Chí Kiên là ông thì trước khi đi tìm mộ của cụ Phùng Chí Kiên, đại diện gia đình, đoàn tìm kiếm cùng Phan Thị Bích Hằng đã ra cúng bái vong hồn cụ Phùng Chí Kiên tại nghĩa trang Mai Dịch và vào làm lễ tại chùa Phúc Khánh.

“Thông qua" bà Phan Thị Bích Hằng, ông nhà mình còn nhắn lại với con cháu: "Khi các con đi đến Ngân Sơn, nhớ đi qua chùa Thành Long để cúng anh em đồng đội ở đó cho ông. Đầu tháng 4/2008, đoàn tìm kiếm chính thức lên Bắc Kạn. Bà Hằng có việc bận nên phải ở lại Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Quang cho biết.

“Vì ông tôi là một chí sỹ cách mạng lão thành, anh dũng hy sinh nên việc tìm kiếm phần hài cốt bị thất lạc rất được lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn, lãnh đạo huyện Ngân Sơn quan tâm, tạo điều kiện. Họ còn cử người đi theo dẫn đường, giúp đỡ. Dù có sự đóng góp của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, có những thời điểm, việc tìm kiếm gần như lâm vào bế tắc.

Manh mối về những người có thể biết thông tin về phần hài cốt của ông nhà tôi được các cơ quan, cá nhân tại tỉnh Bắc Kạn hết mực tạo điều kiện, lần tìm ra. Ví dụ như trường hợp của ông thợ cắt tóc, người được cho là đã ăn trộm phần đầu của cụ Phùng Chí Kiên rồi đem chôn cất vì cảm kích trước sự hy sinh anh dũng của cụ cũng được các nhà báo, công an tìm thấy dù đã đổi tên, chuyển nhà đi nơi khác. Mọi động thái, tiến độ tìm kiếm đều được báo cáo lại với Bí thư tỉnh ủy Bắc Kạn hồi bấy giờ.

Bà Hằng đi cùng đoàn nhưng đến tối 7/5 thì bà  Hằng có việc bận phải về gấp. Tuy bà Hằng không đi nhưng mọi chỉ đạo đều do Bích Hằng. Ví như đi giờ nào là do cô ấy quyết định hết. Đoàn tìm kiếm và các ban ngành chỉ việc nghe theo. Đối với tôi, tôi rất tin bà Hằng vì bà ấy nói rất đúng về các chi tiết liên quan tới ông nhà tôi”, ông Quang cho hay.

Việc khai quật vị trí được cho là có hài cốt của cụ Phùng Chí Kiên được định vào ngày 7/5/2008. Trước khi khai quật, có sự tham gia chứng kiến của đầy đủ ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bắc Kạn. Vị trí khai quật thuộc địa bàn Tiểu khu 1, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn. 1h30 ngày 8/5, việc khai quật chính thức bắt đầu.

“Phần di cốt bị thất lạc của cụ Phùng Chí Kiên nhanh chóng được tìm thấy nhưng trước đó, khi làm việc với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn, họ đã nói rõ tìm thấy đầu mà không thấy răng thì không phải đầu người. Vì thế, đến 4h sáng, việc tìm kiếm chưa thể kết thúc vì không thấy chiếc răng nào. Đúng lúc đó thì bị mất điện. Gọi điện cho Bích Hằng thì cô ấy bảo là cụ Phùng Chí Kiên bảo để cho mọi người nghỉ. Sáng mai đúng 7h sẽ tìm thấy. Đúng như lời bà Hằng, 7h sáng hôm sau thì tìm thấy mẩu xương được cho là răng của cụ nhà tôi. Việc tìm kiếm kết thúc. Trong quá trình đi tìm thì đường đi như thế nào, bà Hằng miêu tả chính xác luôn. Tất cả các chi tiết, từ đường xá, địa hình và đặc điểm phần hài cốt đựng trong cái gì đều rất chuẩn xác...”, ông Quang nhớ lại.


Công văn Viện Pháp y Quân đội 108 trả lời về việc giám định một phần hài cốt được tìm thấy theo sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.


Sau đó, Biên bản đào bới, khai quật mộ liệt sĩ được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn lập, các cơ quan chức năng và đoàn thể địa phương cùng đại diện gia đình là ông Nguyễn Văn Quang ký vào biên bản. Cùng ngày, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, thay mặt Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn, Trung tá Hoàng Bình Tĩnh bàn giao bọc đỏ được niêm phong cho ông Đào Tất Vinh, đại diện Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Hoàng Thị Tảo, đại diện gia đình và đoàn tìm kiếm.

Sau khi đăng tải loạt bài "Bi hài chuyện áp vong tìm mộ" "vạch mặt" một số nhà ngoại cảm rởm, báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được ý kiến của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh  Quân đoàn III, Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI.

Tướng Thước cho biết, do tính chất ác liệt của chiến tranh, số chiến sỹ của ta hi sinh rất lớn. Riêng quân đoàn III, trong vòng 10 năm chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên (1965-1975), có khoảng 3 vạn liệt sỹ. Trong đó, trên 1 vạn chưa xác định được hài cốt, còn số hài cốt tìm thấy, chủ yếu chưa có tên. Điều này cho thấy, việc tìm và xác định hài cốt của các liệt sỹ là điều nan giải.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định: "Tìm hài cốt liệt sỹ là một việc hết sức thiêng liêng. Nếu vì năng lực kém, tìm sai hài cốt hoặc không tìm thấy, thì có thể thông cảm một phần. Nhưng nếu là ngoại cảm “rởm” và lợi dụng vấn đề tìm hài cốt liệt sỹ thiêng liêng ấy để kiếm tiền thì không chấp nhận được. Đó là hành động tội lỗi với những anh linh đã hi sinh vì độc lập dân tộc, là một tội ác không thể tha thứ. Và việc này cần phải đưa ra pháp luật trừng trị”.
Như vậy, 68 năm sau ngày hi sinh, phần hài cốt của cụ Phùng Chí Kiên tưởng như đã được tìm thấy thông qua sự vào cuộc nhiệt tình của đoàn tìm kiếm và sự hỗ trợ của lãnh đạo các ban, ngành tỉnh Bắc Kạn và nhất là sự “chỉ đạo” của Bích Hằng. Phần hài cốt trên đã được đưa đi giám định tại Viện pháp y quân đội. Tuy nhiên, khi mà mọi người đều tin chắc rằng phần hài cốt được tìm thấy chính là di cốt từng thất lạc của cụ Phùng Chí Kiên, thì ngày 16/9/2008, theo công văn số 288 của Viện Pháp y Quân đội trả lời việc giám định đã nêu rõ: “Những mẫu vật mà Viện này nhận được sau khi giám định đã xác định bao gồm: Đất lẫn đá vụn, 13 mảnh sành và 3 mảnh đá nhỏ, 1 răng lợn rừng. Theo kết quả đó, công văn này kết luận: Mẫu vật gửi tại Khoa giải phẫu Bệnh viện 108 không phải là một phần hài cốt của đồng chí Phùng Chí Kiên”.

Hành trình tìm một phần hài cốt của cụ Phùng Chí Kiên lại rơi vào bế tắc.

Khoảng tối về cái chết hụt đầy bí hiểm của Phan Thị Bích Hằng (P2)

Thứ tư 08/08/2012 12:00
(GDVN) - Có một công thức chung đã được mặc định: Những con người có khả năng siêu phàm trong giới ngoại cảm, cô đồng thường phát hiện ra khả năng huyền diệu của mình sau những lần thập tử nhất sinh đầy kỳ bí. Trường hợp bà Phan Thị Bích Hằng cũng không phải là một ngoại lệ.
Câu chuyện về cái chết hụt kỳ bí mà bà Phan Thị Bích Hằng kể lại (được ghi hình, không hiểu bằng cách nào bị phát tán tràn lan trên mạng) được coi là bước ngoặt khiến người phụ nữ này, từ một thiếu nữ thôn quê bình thường trở thành một nhà ngoại cảm. Với nhiều người, chính cái chết hụt đó đã "khai sinh" ra một "huyền thoại" ngoại cảm.

Cái chết huyền bí

Theo lời kể của bà Phan Thị Bích Hằng, bà Hằng sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nghèo thuộc xã Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình. Năm 1990, khi 17 tuổi, vừa thi đại học về, Hằng cùng một cô bạn gái đang đi trên đường bỗng có một con chó nhảy xổ ra cắn. Hằng bị cắn vào chân trái, cô bạn gái bị cắn vào tay trái. Cũng như người dân ở các vùng nông thôn, Hằng và cô bạn cảm thấy chuyện bị chó cắn rất bình thường, rồi quên ngay sau đó. 

Khoảng một tháng sau, cô bạn đột nhiên không nói được nữa, hàm răng cứng lại. Nghĩ là bị đau răng, Hằng đưa cô bạn đi khám. Bác sĩ nha khoa kiểm tra và khẳng định không phải do đau răng. Hai người lại đưa nhau đến Bệnh viện Quân y 5 Ninh Bình.

Sau khi khám xét, bác sĩ bảo bạn gái của Hằng có triệu chứng của người bị bệnh dại. Tưởng như đất dưới chân sụt xuống, tử thần đã nắm tay mình dắt đi, Hằng nói: “Đúng như vậy. Cháu và cô bạn đều bị một con chó cắn”. Sau hôm đó, Hằng cũng hôn mê bất tỉnh. Cô bạn thân đã qua đời.

Gia đình đưa Phan Thị Bích Hằng đi chữa trị nhiều nơi, bằng cả Đông y lẫn Tây y, song các bác sĩ, thầy lang đều lắc đầu, bởi bệnh này từ xưa đến nay không ai chữa khỏi. Khi đến nhà một ông thầy lang theo đạo Thiên Chúa giáo, ông xem xét kỹ biểu hiện cơ thể rồi nói một câu: “Chúa lòng lành sẽ che chở cho con”. 

Video bà Phan Thị Bích Hằng kể về cái chết "khai sinh" khả năng ngoại cảm:


Video bà Phan Thị Bích Hằng kể về cái chết "khai sinh" khả năng ngoại cảm:



Sau đó, ông bảo người con trai ra nghĩa địa lấy một mảnh ván quan tài mà người ta vừa bốc mộ lên hôm trước, rồi bào chế với vài vị thuốc. Để giành giật giữa sự sống và cái chết, gia đình Hằng liền cho cô uống ngay vị thuốc này.

Sau khi uống thuốc, ông thầy lang bảo với bố mẹ Hằng: Sau 3 tiếng đồng hồ, cháu sẽ cảm thấy nóng khắp người, lên cơn sốt mê man, nói sảng, thậm chí lên cơn điên cắn xé. Nếu 3 ngày sau cháu hết cơn thì cháu sống được còn nếu lên cơn trở lại thì cháu không sống được nữa. Tôi rất muốn cứu cháu nhưng khả năng của tôi chỉ có vậy.

Đúng như lời ông thầy lang nói, 9h tối Hằng lên cơn cắn xé  điên cuồng, đến 11h đêm mới thiếp đi. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai không thấy triệu chứng gì. Ngày thứ ba, khi cùng người anh trai của cô bạn gái đã mất ra mộ thắp hương thì đột nhiên Hằng cảm thấy có một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng. Hằng liền nói: “Anh đưa nhanh em về, em sắp lên cơn điên rồi”. Từ đấy, Hằng không còn biết gì nữa.

Vẫn theo lời kể của bà Phan Thị Bích Hằng, đến 1h sáng hôm sau, gia đình không còn hy vọng bởi Hằng đã hoàn toàn tắt thở. Bình thường, những người trẻ tuổi như Hằng ở quê được khâm liệm rất nhanh rồi đem chôn, không tổ chức lễ tang, kèn trống.

Thế nhưng, có một ông cụ dạy chữ nho ở làng rất giỏi tử vi vào nhà Hằng, sau một hồi tính toán, ông bảo: “Thứ nhất, chưa qua giờ Thìn không được khâm liệm cháu; thứ hai, cứ để nó nằm như thế, không được thắp hương”.

Lúc  đó, một ông bác sĩ nói: “Tốt nhất đậy mặt cháu lại, để gia đình đi chuẩn bị cho cháu, tại sao cụ lại nói vậy”. Ông cụ đó nói tiếp: “Các anh thì có cả một nền y học hiện đại, còn tôi chỉ là tàn hương nước thánh, nhưng tôi khẳng định nó không chết”. Nghe cụ già và bác sĩ tranh cãi, gia đình Hằng rất hoang mang, không biết xử trí thế nào. Thế nhưng, ai đi mua gỗ đóng quan tài cứ đi, ai ngồi chờ xem lời ông cụ linh ứng thế nào thì cứ chờ.
Cũng theo lời kể của bà Hằng, hồi khắc khoải chờ chết, Hằng có hỏi bố (bố Hằng là quân nhân): “Vì sao những vị lãnh đạo khi chết người ta lại bắn 7 loạt đại bác”, bố Hằng trả lời: “Để linh hồn mau siêu thoát”. Nghe bố nói vậy, Hằng liền bảo: “Khi con mất bố bắn cho con bảy phát đạn để con mau siêu thoát trở về với gia đình mình”.
7h sáng hôm đó bố Hằng mới về đến nhà. Trông thấy đứa con gái tội nghiệp tắt thở nằm đó ông không kìm được nước mắt. Nhớ lời hứa với đứa con gái, ông lôi súng ngắn ra bắn. Tiếng súng nổ làm Hằng bật tỉnh dậy và phản xạ đầu tiên là lao ra phía tiếng súng gọi: “Bà ơi!”.

Hằng đạp phải những vỏ đạn và ngã rất mạnh xuống sân. Mọi người liền khiêng cô vào trong nhà. Sau khoảng nửa tiếng, Hằng tỉnh lại hoàn toàn. Khi đó, một cảm giác rất kỳ lạ đến với cô. Thân thể dường như mất trọng lượng, như đang bay và nhìn mọi người như ở một thế giới khác.

Theo lời Hằng, trong thời gian 30 phút bất tỉnh do trượt ngã đập đầu xuống sân, cô thấy bà nội và bà ngoại (cả hai đều đã mất) gọi cô. Hằng thấy mình đang đi qua một cây cầu bắc qua con sông lớn với mây mờ sương khói bao phủ. Phía bên kia cầu, bà ngoại cùng rất nhiều người đứng vẫy tay, bà nội thì đứng bên bờ này kéo lại.

Cố vùng vẫy, Hằng tuột khỏi tay bà...

...Nhưng làng quê, bạn bè không ai biết

Cái chết “hụt” của bà Phan Thị Bích Hằng được nhiều tờ báo dẫn lại. Thậm chí, không hiểu bằng cách gì, nó còn được in thành những bộ đĩa bán rất chạy bên ngoài thị trường. 

Tuy nhiên, khi phóng viên tìm về ngôi làng nơi bà Hằng và gia đình từng sinh sống, nhiều người lại không hề hay biết về câu chuyện này, và đó thực sự là một khoảng tối cần làm rõ.
“Vợ chồng tôi và ông bà Thọ (bố mẹ của Bích Hằng – PV) vốn rất thân thiết. Mối quan hệ giữa hai gia đình lại càng thêm thân khi thằng Thuần, con trai tôi và Bích Hằng học cùng nhau và giữa hai đứa có nảy sinh tình cảm yêu đương. Tuy nhiên, sau này vì cái duyên, cái số mà hai chúng nó không đến được với nhau”, bà Cạnh, vợ của ông Vũ Văn Trai, là người cùng xóm với nhà bà Phan Thị Bích Hằng tâm sự.
Tuy nhiên, khi cộng tác viên báo Giáo dục Việt Nam dò hỏi về đám tang đầy màu sắc huyền bí với những phát súng chát chúa thì người hàng xóm thân mật, sống cách nhà gia đình bà Phan Thị Bích Hằng ở quê chưa đầy 300m này lại lắc đầu: “Đám tang nào nhỉ? Tôi không biết! Cái Hằng nó có chết thực vật hồi nào đâu mà bảo nó có đám tang”.
“Ngày xưa, tôi và Bích Hằng có học cùng một lớp. Tôi cũng từng có mối quan hệ yêu đương với Bích Hằng nhưng quả thực về cái chết hụt của cô ấy và cái đám tang như lời anh kể thì tôi không biết gì”, anh Thuần, con trai của bác Cạnh tiếp lời.
Khi phóng viên – trong vai 1 sinh viên ngành nhân văn tìm tư liệu viết bài về Bích Hằng đặt câu hỏi: “Vậy còn nhân vật nữ là người cùng làng bị chó dại cắn rồi sau đó tử vong mà chị Bích Hằng kể thì anh có biết không? Theo lời chị Hằng, người này là bạn học cùng lớp, lại là chỗ bạn thân thì chắc anh phải biết chứ?” anh Thuần suy tư một hồi rồi nói: “Nhân vật nữ nào nhỉ? Lớp tôi học không hề có bạn nào bị chó dại cắn chết. Làng tôi sống cũng không có ai học cùng tôi bị chó dại cắn cả”.
Chúng tôi tiếp tục nhập vai sinh viên ngành nhân văn, tìm gặp thầy Nguyễn Tử Nhiên, giáo viên chủ nhiệm 3 năm cấp 3 của Bích Hằng và anh Thuần  (Lớp A2 khóa 1986 – 1988 Trường cấp 3 Yên Khánh B - PV). Khi được hỏi về cô học trò Phan Thị Bích Hằng, người thầy giáo già trầm ngâm nhớ lại: Bích Hằng là một học trò thông minh, có đôi mắt sáng và khả năng cảm thụ văn học rất tốt.
Tuy nhiên, cũng như bà Cạnh và anh Thuần, thầy Nhiên tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi phóng viên hỏi những thông tin về cái chết lâm sàng của bà Phan Thị Bích Hằng do chó dại cắn. Thầy Nhiên nói: “Tôi không biết nhưng chắc là không có thông tin này. Học sinh của tôi cũng không có ai bị chó dại cắn chết cả”.
                 
Tiếp tục bổ sung thêm thông tin, chúng tôi được thầy Nhiên cho số điện thoại của anh Vũ Văn Chinh, là học trò cũ của thầy Nhiên và là bạn cùng lớp cấp 3 với Bích Hằng. Qua nói chuyện, anh Chinh cũng khẳng định: “Tôi cũng chỉ mới nghe kể là Bích Hằng bị chó dại cắn rồi chết lâm sàng. Lớp tôi học cũng không có ai bị chó dại cắn chết cả”.
Trong khi đó, ông Phạm Gia Huấn, nguyên cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình lại cho hay: “Tôi là người cùng xã với cô Hằng, vợ tôi lại công tác cùng với dì ruột và bố cô Hằng ở xã. Việc cô Hằng bị chết lâm sàng và có tổ chức đám tang thì tôi không biết nhưng việc cô Hằng bị chó dại cắn là có. Hồi đó, tôi có đến nhà thăm cô Hằng. Tuy nhiên, thông tin về người bạn học cùng, là người cùng làng bị chó dại cắn chết thì tôi cũng không biết”.
Khi có được thông tin trên, phóng viên đã đến gặp trực tiếp mẹ đẻ của Phan Thị Bích Hằng là bà Thọ. Trong vai một người có người nhà bị chó dại cắn, phóng viên khẩn khoản nhờ bà Thọ: “Cháu đến đây là vì cháu đọc báo đài thấy bảo cô Phan Thị Bích Hằng từng bị chó dại cắn rồi nhờ được một ông lang cho uống vị thuốc lạ có gỗ ván thôi. Vậy mong bà chỉ bảo giúp địa chỉ của ông lang mà cô Hằng hay kể tới trên báo đài để cháu tới lấy thuốc”.

Sau ít giây ngập ngừng, bà Thọ nói: “Đó là ông lang Rồng, nhà ở Ninh Sơn, Ninh Bình. Nhưng ông ấy chết được mấy năm rồi”.


Theo lời chỉ dẫn của bà Thọ, phóng viên tìm đến phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình. Nếu căn cứ theo lời kể của bà Phan Thị Bích Hằng, có thể hiểu đây là vị thầy lang đã nói với bà Hằng câu: “Chúa sẽ ban phước lành cho con”. Đúng như lời bà Thọ nói, ông lang Rồng đã qua đời. Phóng viên tìm đến hiệu thuốc mang tên ông nhưng đang được quản lý bởi anh Phạm Văn Hà, là con trai thứ hai của ông lang Rồng. Anh Hà cho biết: “Đúng là bố tôi có chữa chó dại cắn cho bà Phan Thị Bích Hằng. Tuy nhiên, bố tôi là người theo đạo Phật chứ không phải đạo Thiên chúa và Bích Hằng cũng chưa hề đến nhà tôi mà chỉ có người nhà của cô ấy đến lấy thuốc nên bố tôi không thể nói với cô ấy câu: “Chúa sẽ ban phước lành cho con”.
Nhóm phóng viên 
 


17 nhận xét:

  1. Thời nay là lừa đảo mà. Chúng ta bị lừa suốt và nhiều người biết được xu thế của thời đại lại nghĩ ra các chiêu lừa người khác. Vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đã nghe băng Bích Hằng kể về việc tìm hài cốt em gái ông Trần Phương (người tung hô Bích Hằng). Tôi đã phát hiện ra sự nói dựa do chính họ sơ xuất không để ý hoặc coi thường người nghe. Đoạn đó như sau:
    "Ông Trần Phương hỏi: "Răng em màu gì?".
    Bích Hằng: Răng em màu đen.
    ông Tr.Phương: Sao ngày xưa ai cũng khen răng em trắng nhất làng mà?.
    BH: thì sau bao năm ngâm dưới đất, răng em phải đen đi chứ!"
    Chỉ qua vài câu đối thoại đó trong băng mà chính BH phổ biến đã thấy "tài năng" của nhà ngoại cảm "thứ thiệt" và "nhập vong" thế nào rồi nha.
    Lừa bịp, dối trá có cơ phát triển vì chúng ta đã mất hết niềm tin vào cái đang hiện hữu, phải tin vào cái hư vô.

    Trả lờiXóa
  3. Ai chửi thì mình chịu, chứ mình chưa bao giờ tin vào các kiểu ngoại cảm nầy. Mình cũng có đọc một số bài về tài ngoại cảm của PTBH, song chỉ vì tò mò thôi.

    Trả lờiXóa
  4. NGÀY XƯA THÌ CHỊ BUÔN MA
    bây giờ lắm bạc chị xoay ra buôn đất!

    Trả lờiXóa
  5. Nội (Nguyễn Văn)lúc 08:14 13 tháng 8, 2012

    Ai tin cứ tin, ai không tin thì cứ không tin, thế thôi! Đừng gây thêm những nghi ngờ cho những người đã từng tin và những gia đình đang và sẽ tiếp tục dùng "ngoại cảm" để tìm mộ thân nhân nữa. (vì trong quá trình tìm mộ người thân, nhiều nhà ngoại cảm và nhiều trường hợp rất đáng tin mà không cần và không nên xét nghiệm ADN). Tôi không thể tưởng tượng nổi ở trường hợp nhà lão thành cách mạng PCK khi đào lên là "mảnh sành" và "đá vụn" mà những người đi tìm cũng không phân biệt được với xương sọ người? Liệu có phải "tâm chưa ngộ" chăng? (Xin phép được nói thêm rằng: gia đình tôi đã tìm thấy 06 mộ người thân nhờ vào "ngoại cảm" của một người hết sức bình thường và cũng không mất một đồng xu nào vì "Cô ấy" (tôi viết hoa chữ "Cô") tìm mộ như một "karma". Tất nhiên, trường hợp của gia đình tôi còn nguyên tiểu và xương sọ (xương khác thì hoá bùn gần hết). Và, cuối cùng, cứ cho là không phải người thân của gia đình tôi đi chăng nữa, thì đó cũng là "một người cùng làng", một người Việt Nam! Đề nghị những ai không tin không nên phủ nhận sạch trơn! Xin hãy nhớ rằng: "Kính quỷ thần nhi viễn chi" và cuộc đời còn nhiều điều "bất khả tri" lắm! Đừng đem vài cái "khả tri" ra mà phán xét cuộc đời!

    Trả lờiXóa
  6. Cho tới bây giờ, ở việt nam có ngành khoa học thật sự nào đâu . Không bị mê tín chi phối thì cũng có thứ khác để khoa học không bao giờ là khoa học chân chính .

    Có một câu nhận xét nho nhỏ của một ông be bé

    "Một nhà vật lý viết nghiên cứu về vật lý nguyên tử, nhưng nhà vật lý khác viết về tầm quan trọng của các tác phẩm của Lenin và Engels cho sự phát triển của ngành vật lý; một nhà toán học chứng minh các định lý, nhà toán học khác xuất bản lời ca tụng về những ý kiến toán học thiên tài trong chủ nghĩa Mác kinh điển"

    Trả lờiXóa
  7. Đời không có gì là tuyệt đối 100% cả, sao mọi ngừoi không làm như cái cách vị tướng ấy làm nhỉ: sau khi lấy cốt xong thì đem xét nghiệm ADN để xác minh nhỉ? Vì nếu đã tìm ra được chỗ có hài cốt thì cũng phần nào đó là có ngoại cảm rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe...Ông ơi! Là ông đọc không hiểu hả, bà Hằng cho người đi theo đoàn làm spy gọi báo bả, tìm không thấy răng hả, sáng may có ngay nhưng mà răng ...heo.

      Xóa
    2. Ông không hiểu bài viết, bà Hằng cho người đi theo làm spy mọi việc xảy ra, đường đi nước bước người này gọi báo bà Hằng, không có răng hả, sáng may có ngay nhưng là răng...heo rừng.

      Xóa
  8. Hè 2008, tôi tham gia một lớp học về LLPB của Hội Nhà văn mở. Ngoài các phần về chuyên ngành văn học, chương trình học gồm rất nhiều chuyên đề của nhiều ngành khoa học khác: triết học, kinh tế, an ninh – quốc phòng,... Có một chuyên đề của PGS. T, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người. Hôm đó PGS.T nhân nói về ngoại cảm mà nói về “cái thế giới bên kia”. Tôi hỏi: “Xin GS cho tôi hình dung cái thế giới bên kia nó thế nào. Nó có chia ra các quốc gia, các thể chế khác nhau không? Luật lệ của nó thế nào? Ví dụ luật giao thông của nó: có một luật chung của “Quốc gia thế giới” hay vẫn có luật riêng từng nước? (ví dụ luật của VN đi bên phải còn của Anh đi bên trái) Ông ấy không sao trả lời được.
    Tôi lại hỏi, khác với thế giới của chúng ta, dân cư của “thế giới bên kia” không phải hình thành một lần, mà nó gồm các lớp người, cứ tính từ khi có nền văn minh, thì đã 5 – 6 nghìn năm, tức là những người thuộc các thời đại rất khác nhau, làm sao chung sống được với nhau? Nghĩa là làm sao sử dụng luật chung 1 luật lệ, 1 phương tiện? Ngay cả cái khá ổn định là ngôn ngữ, thì trải hàng nghìn năm, cũng đã rất khác nhau. Ví dụ, tiếng Việt với tiếng Mường cách đây 700 năm còn là một, ngày nay người Mường nói người Việt không hiểu nữa. Vậy những người hôm nay khi xuống âm phủ làm sao nói được với các cụ thời các vua Hùng cách đây 3 – 4 nghìn năm?...”
    Vị GS này chỉ cười.
    Một anh khác hỏi: “Khi chúng ta cầu cúng, chúng ta đều xin các bậc tiền bối giúp, vậy ắt xung đột quyền lợi. Ví dụ, công an thì cầu bắt được nhiều kẻ buôn lậu kẻ buôn lậu lại cầu qua mặt công an... Vậy ai giải quyết xung đột này?”
    Vị GS này cũng chỉ cười.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác nên tìm hiểu về đạo Phật để tự trả lời những câu hỏi trên.

      Xóa
  9. bạn ĐÀO TIẾN THI ! có thê bạn nên đọc ĐƯỜNG VỀ PHƯƠNG ĐÔNG hoặc nghe trên youtube với từ khóa SƯ THAT VỀ CỎI TÂM LINH ( có hinh bông sen ) bạn sẽ hiêu tại sao vị GS chỉ miểm cười !

    Trả lờiXóa
  10. Đã từ lâu rồi tôi đã nói với mọi người là sao ở nước ta nhiều ma thế? Các nước khác đâu có nhiều như vây! Nếu đúng là có chuyện nhập vong được thì chắc Bộ Công An phải thành lập một Cục áp vong để điều tra cho nhanh!

    Trả lờiXóa
  11. Chúng ta phần lớn đều biết là có các phép giải tích phân, vi phân. Nhưng nếu một em bé cấp 1 ko tin thì chúng ta giải thích ra sao? Hoặc chỉ vì vài người giải toán sai liệu ta co thể nói là những bài toán đó ko ai giải được? Hãy để tâm hồn của mình luôn mở để tiếp thu các thông tin mới một cách có chọn lọc nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phép giải tích phân, vi phân đã có kiểm chứng em bé cấp 1 không biết chứ không phải không tin.
      Biết bài toán giải sai có nghĩa bài toán ấy đã có người giải được.
      Dĩ nhiên, không tin dị đoan, mê tín là đã chọn lọc thông tin.

      Xóa
  12. Cõi tâm linh ai ngộ thì tin ,ai không có duyên ngộ thì không tin . các hiện tượng này không phụ thuộc sự tin hay không ,nó vẫn hiện hữu với một số ngườinày mà không hiện hữu với số khác .cõi tâm linh không thể là như hai cộng hai là bốn như khoa học thực nghiệm .Ngay cả khoa học thực nghiệm cũng không thể lý giải các hiện tượng than đống toán học Kovalepskaia, thiên tài âm nhạc Mozar và các than đồng Việt nam không học mà đọc chữ vanh vách .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó là lý luận chung thôi và chẳng ai bác bỏ tâm linh. Nhưng những hiện tượng thần đồng đều thấy ở người thực việc thực, nào có vu vơ (?) Những hiện tượng đó hiếm, nhưng kẻ lợi dụng để vụ lợi thì quá nhiều...và con mồi của họ chính là những kẻ tự cho rằng mình "có duyên ngộ"...! Ai tin thì cứ tin đi...để thầy mo còn có đất mà sống!

      Xóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này