Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Giông tố đang kéo đến Biển Đông


Tất cả các nước Đông Á đang chờ đợi xem Mỹ đáp trả lại sự hiếu chiến của Trung Quốc như thế nào
Tác giả: James Webb/ Wall Street Journal, ngày 20/8/2012
Người dịch: Dương Lệ Chi

Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, mặc dù chiến tranh bùng nổ ở Triều Tiên và Việt Nam gây tốn kém, nhưng Hoa Kỳ đã chứng minh là nước bảo đảm sự ổn định cần thiết trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngay cả khi  sức mạnh chuyển dịch từ Nhật Bản sang Liên Xô và gần đây nhất là sang Trung Quốc. Những lợi ích của việc tham gia của chúng ta là một trong những câu chuyện thành công lớn của lịch sử nước Mỹ và lịch sử châu Á, cung cấp cho các nước được gọi là ‘bậc hai’ trong khu vực có cơ hội phát triển về mặt kinh tế và trưởng thành về mặt chính trị.
Khi khu vực này phát triển thịnh vượng hơn, vấn đề [tranh chấp] chủ quyền đã trở nên dữ dội hơn. Trong hai năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc đã đụng độ công khai ở quần đảo Senkaku, phía đông Đài Loan và phía tây Okinawa, mà sự quản lý [quần đảo này] được quốc tế công nhận là dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản. Nga và Nam Triều Tiên đã tái khẳng định tuyên bố chủ quyền chống lại Nhật Bản ở vùng biển phía Bắc. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia, tất cả các nước này đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, nơi tiếp diễn các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines.
Các tranh chấp như thế không chỉ liên quan đến thể diện lịch sử mà còn là các vấn đề quan trọng như vận chuyển thương mại, quyền đánh bắt cá và các hợp đồng khai thác khoáng sản có khả năng sinh lợi ở các vùng biển bao quanh các quần đảo hàng ngàn dặm. Không nơi nào mà căng thẳng gia tăng rõ ràng hơn là các tranh chấp ngày càng trở nên thù địch ở Biển Đông.
Ngày 21 tháng 6, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập một khu hành chính mới có tên là Tam Sa, với trụ sở chính đặt tại đảo Phú Lâm (Woody Island), thuộc quần đảo Hoàng Sa. Được Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng (Yongxing), đảo Phú Lâm không có dân bản địa và không có nguồn cung cấp nước tự nhiên, nhưng có một đường băng có khả năng quân sự, bưu điện, ngân hàng, cửa hàng tạp hóa và một bệnh viện.
Quần đảo Hoàng Sa cách Hải Nam hơn 200 dặm về phía đông nam, đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc đại lục, và cách phía đông bờ biển miền trung của Việt Nam một khoảng cách như thế. Việt Nam kiên quyết đòi chủ quyền trên các nhóm đảo, nơi xảy ra một trận chiến hồi năm 1974, khi Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa để xua đuổi những người lính thuộc chế độ cũ của miền Nam, Việt Nam (VNCH – ND).
Các xung đột tiềm tàng bắt nguồn từ việc Trung Quốc thành lập khu hành chính mới này, đã vượt quá xa khỏi quần đảo Hoàng Sa. Trong sáu tuần qua, Trung Quốc tuyên bố thêm rằng quyền tài phán của Tam Sa không chỉ gồm quần đảo Hoàng Sa, mà là hầu hết toàn bộ Biển Đông, kết nối một loạt các tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc bằng một quy định hành chính. Theo Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức của Trung Quốc, cơ quan hành chính mới này “quản lý hơn 200 đảo nhỏ” và “2 triệu km vuông biển”. Để củng cố sự thôn tính này, 45 nhà lập pháp đã được bổ nhiệm để quản lý khoảng 1.000 người dân trên các hòn đảo này, cùng với 15 ủy viên Ban Thường vụ, cộng với một thị trưởng và một phó thị trưởng.
Những hành động chính trị này trùng hợp với sự mở rộng quân sự và kinh tế. Ngày 22 tháng 7, Quân uỷ Trung ương của Trung Quốc đã thông báo rằng, họ sẽ triển khai một đơn vị binh lính đồn trú để bảo vệ các hòn đảo trong khu vực. Ngày 31 tháng 7, họ đã công bố một chính sách mới về “tuần tra đều đặn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu” ở Biển Đông. Và Trung Quốc hiện đã bắt đầu cung cấp quyền khai thác dầu khí tại các địa điểm được cộng đồng quốc tế công nhận là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Vì tất cả các mục đích thực tế này, Trung Quốc đã đơn phương quyết định sáp nhập một khu vực mở rộng về phía đông từ các lục địa Đông Á xa tới tận Philippines, và về phía nam xa gần như tới eo biển Malacca. “Quận” mới của Trung Quốc lớn gần gấp đôi đất đai của tất cả các nước Việt Nam, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Philippines cộng lại. “Các nhà lập pháp” của họ sẽ trực tiếp báo cáo với chính quyền trung ương.
Phản ứng của Mỹ là im lặng. Bộ Ngoại giao chờ tới ngày 3 tháng 8 trước khi bày tỏ mối quan ngại chính thức về việc “nâng cấp hành chính… và thành lập một đơn vị đồn trú quân sự mới” của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp. Tuyên bố trên được diễn đạt một cách cẩn thận trong bối cảnh các chính sách lâu dài là kêu gọi giải quyết các vấn đề chủ quyền theo quy định của luật pháp quốc tế và không có việc sử dụng sức mạnh quân sự.
Mặc dù chỉ nói như vậy, nhưng chính phủ Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ, cảnh báo rằng các viên chức Bộ Ngoại giao đã “lầm lẫn giữa đúng và sai, và gửi một thông điệp sai lầm nghiêm trọng“. Nhân Dân Nhật Báo, trong một bài đăng tải gần như chính thức [quan điểm của chính phủ Trung Quốc], đã cáo buộc Mỹ “thổi bùng ngọn lửa và là bộ phận kích động, cố tình tạo ra sự đối kháng với Trung Quốc“. Phiên bản ở nước ngoài của báo này nói rằng, đã đến lúc Hoa Kỳ nên “câm miệng“.
Rõ ràng là sự do dự của Mỹ trong nhiều năm qua đã khuyến khích Trung Quốc. Chính sách của Hoa Kỳ đối với các vấn đề chủ quyền ở vùng biển châu Á – Thái Bình Dương là chúng ta không đứng về phía bên nào, các vấn đề đó phải được giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan. Các nước nhỏ hơn và yếu đuối hơn đã nhiều lần kêu gọi sự tham gia lớn hơn của quốc tế.
Trong khi đó, Trung Quốc đã khẳng định rằng tất cả các vấn đề như thế phải được giải quyết song phương, có nghĩa là hoặc sẽ không bao giờ được giải quyết, hoặc chỉ giải quyết theo các điều kiện của Trung Quốc. Do sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, do không thể hiện quan điểm, nên Washington đã mặc nhiên trở thành nước cho phép Trung Quốc thể hiện các hành động hiếu chiến hơn bao giờ hết.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và tất cả các nước Đông Á hiện đã đi đến thời khắc không thể né tránh sự thật. Tranh chấp chủ quyền mà các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình là một chuyện, các hành động hiếu chiến một cách trắng trợn hoàn toàn là một chuyện khác. Những thách thức này sẽ được giải quyết như thế nào để các tác động không chỉ cho Biển Đông, mà còn cho sự ổn định của khu vực Đông Á và tương lai của các mối quan hệ Mỹ – Trung.
Lịch sử dạy chúng ta rằng khi các hành vi đơn phương xâm lược mà không có sự đáp trả, thì những tin tức xấu chẳng bao giờ tốt hơn theo thời gian. Không nơi nào trong cái quy trình này lại rõ ràng hơn là sự chuyển đổi sức mạnh sang Đông Á. Như sử gia Barbara Tuchman ghi nhận trong cuốn tiểu sử của Tướng Joseph Stillwell thuộc Quân đội Hoa Kỳ, đó là lời cầu khẩn của Trung Quốc để được Hoa Kỳ và Liên đoàn các Quốc gia hỗ trợ đã không có ai trả lời sau sự xâm lăng Mãn Châu của Nhật Bản hồi năm 1931, sự thờ ơ đó đã “ấp ủ sự nhân nhượng vô nguyên tắc… đã mở ra thập niên về căn nguyên chiến tranh” ở châu Á và hơn thế nữa.
Trong khi sự tập trung của Mỹ bị phân tâm do chiến dịch tranh cử tổng thống, tất cả các nước Đông Á đang theo dõi Hoa Kỳ sẽ làm gì đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ biết một phép thử khi họ nhìn thấy một hành động. Họ đang chờ đợi để xem liệu Mỹ sẽ chịu được sự khó chịu đó nhưng vẫn giữ vai trò cần thiết như là nước thực sự bảo đảm sự ổn định ở khu vực Đông Á, hay là khu vực này một lần nữa sẽ bị thống trị bởi sự hiếu chiến và đe dọa.
Trung Quốc hiểu mối đe dọa này hồi năm 1931 và đã chịu hậu quả về sự thất bại của cộng đồng quốc tế [giúp Trung Quốc] giải quyết. Câu hỏi được đặt ra là, liệu Trung Quốc năm 2012 có thực sự mong muốn giải quyết các vấn đề thông qua các tiêu chuẩn đã được quốc tế công nhận, và liệu nước Mỹ năm 2012 có đủ ý chí và khả năng để khẳng định rằng phương pháp này là con đường duy nhất đối với sự ổn định hay không.
———

- Mời xem lại: 1164. Thượng nghị sĩ Jim Webb: Trung Quốc có thể “vi phạm luật pháp quốc tế” (Jim Webb/ Ba Sàm).
Ông Jim Webb là Thượng Nghị sĩ Mỹ, thuộc Đảng Dân chủ, bang Virginia. Cha ông là một sĩ quan Không quân Hoa Kỳ, đã tham gia trong Đệ Nhị Thế chiến. Jim Webb tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, là một trong ba học viện danh giá nhất nước Mỹ. Ông là sĩ quan Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, đã từng tham chiến ở chiến trường Triều Tiên và Việt Nam, sau đó trở thành Bộ trưởng Hải quân dưới tổng thống Ronald Reagan.
Về đời tư, người vợ hiện tại của ông (và là cuộc hôn nhân lần thứ ba của ông) là cô Hồng Lê, một luật sư Mỹ gốc Việt. Cô Hồng Lê nhỏ hơn ông 22 tuổi, sinh ở Vũng Tàu, cô đã cùng gia đình rời khỏi Việt Nam sau sự kiện 30-04-1975. Hai người có chung một đứa con là Georgia LeAnh, sinh năm 2006. Ngoài ra, Jim Webb còn là cha nuôi của cô con gái Emily, là con riêng của cô Hồng Lê từ cuộc hôn nhân trước. Jim Webb nói thông thạo tiếng Việt.
Nguồn: Wall Street Journal
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
--------------
*****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này