Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Khi công nghệ cao được làm chủ bởi tay nghề thấp

Hầu như lần nào cũng vậy, hễ vào nằm viện đều gặp những nghịch cảnh khó tin nhưng phải tin.  Chúng diễn ra mọi nơi, mọi lúc đối với mọi người nên có thể gọi là  "tai nghe mắt thấy"chứ không phải điều tra khảo sát gì. Dù trong lòng vô cùng bức xúc, nhưng mình luôn tự nhủ lòng hãy kiên nhẫn chờ đợi..., và có bệnh thì "phải vái tứ phương" cho được việc. Tuy nhiên xem ra cái tình trạng "khó tin nhưng phải tin" ấy ngày một thêm nghiêm trọng và nó đang nghiền nát lòng kiên nhẫn của mình.


Hình ảnh phổ biến tại các bệnh viện ở Việt Nam ngày nay
Chả là mới đây mình lại phải nhập viện. Ngoài những thủ tục nhiêu khê phiền toái như vốn có, lần này mình tình cờ được chứng kiến hai sự việc liên quan đến việc ứng dụng công nghệ cao tại cái bệnh viện "ruột" của mình. Đó là khi mình chụp CT 320 lớp cắt được coi là thuộc loại "tối tân nhất nhì Việt Nam" hiện nay và chỉ mới có ở vài bệnh viện trong nước. Để được chụp, mình phải đợi 4 ngày, và để có kết quả phải đợi hơn 1 ngày, vì theo lời một kỹ thuật viên thì ở đây "chúng tôi làm việc rất nghiêm túc, độ chính xác rất cao và rất có uy tín !". Nghe vậy mình thấy yên tâm, thế cũng xứng với cái giá 4.5 triệu đồng/1 lần chụp. 

Tuy nhiên khi nhận kết quả ra ngoài đọc qua,  hai vợ chồng đều mình ngỡ ngàng với dòng đầu tiên " Gan trái đã cắt phân thùy 1 và 2".... Vì biết rõ bản thân chưa bao giờ cắt gan nên mình thật sự thấy rất lo lắng hay là có dịp nào đó đã bị người ta cắt trộm (như báo chí vẫn đưa tin) ? Mình bèn miễn cưỡng trở lại phòng chụp trình bày là bản thân chưa bao giờ cắt gan.... Lúc này các bác sĩ và kỹ thuật viên trong phòng đều im lặng, rồi một người bảo "bác ra ngoài đợi". Sau đó ít phút một người cầm hồ sơ ra trao lại thản nhiên nói: "...vì phần gan trái của bác bị teo nhỏ nên trông như bị cắt", nghe thật đơn giản. Và họ chỉ việc vào máy tính gạch bỏ mấy chữ "Gan trái đã cắt phân thùy 1 và 2", còn lại đều giữ nguyên như bản trước. Vậy làm sao mình có thể tin tưởng vào phần còn lại của  kết quả chụp CT này? Thà đừng chụp còn hơn chụp rồi thêm hoang mang...

Chưa hết. Ngày hôm sau khi đến lượt nút động mạch khối u trong gan (cũng là một một thủ thuật công nghệ cao rất được dư luận ca ngợi tại bệnh viện này), mình là một trong mấy người đầu tiên vào phòng làm thủ thuật. Không ngờ tại đây mình lại được mục sở thị mấy lần sự cố "tắt bụp" của cổ máy đồ sộ, trong đó quan trọng nhất có lẽ là thiết bị nội soi dùng để dẫn đường quá trình đưa thuốc vào khối u. Phải nằm yên chờ đợi trong trạng thái toàn bộ cơ thể đã được cài đặt đường dẫn và các thiết bị truyền dẫn hóa chất nên phải nằm bất động nên cứ mỗi lần máy bị tắt rồi chờ khởi động lại mình thấy vô cùng lo lắng. Mình nghe lõm qua ý kiến trao đổi giữa các bác sĩ và kỹ thuật viên họ nói gần đây máy này hay "đình công" như thế. Sau ca phẩu thuật mình mạnh dạn hỏi, một bác sĩ thản nhiên trả lời " ...VÌ máy đã làm việc 10 năm rồi..." . Vị này cũng nói "nhưng không ảnh hưởng gì" đến kết quả nút mạch (!?)

Cũng chưa hết chuyện, máy móc trục trặc là một chuyện. Cách sử dụng thuốc cho các ca nút mạch tại đây xem ra cũng khá tùy tiện. Bệnh nhân hầu như không biết trước sẽ được nút bằng loại thuốc nào, số lượng bao nhiêu..., cũng không thấy ghi trong phiếu ra viện, mà chỉ nhận được một mảnh giấy viết tay yêu cầu "mua thuốc trả lại cho phòng nút mạch". Chế độ thì cũng rất "linh hoạt":bệnh nhân có BHYT thì tự đi mua thuốc trong khi bệnh nhân nào không có BHYT thì nộp tiền mặt ngay trước khi lên bàn phẫu thuật. Được biết những loại thuốc này giá khá cao và ngày càng tăng ..."vì phải nhập khẩu "(!?). Đối với đa số bệnh nhân, một ca nút mạch thông thường hết trên dưới 10 triệu là món tiền không nhỏ, nhưng điều quan trọng hơn là họ cần được yêu tâm biết chúng được sử dụng như thế nào.               

Bản thân đã nhiều lần trải qua những vui buồn thấp thỏm khi được khám và chữa bệnh bằng các thiết bị công nghệ cao như siêu âm, nội soi chụp CT, nút mạch v.v... Ngay từ ca mổ cấp cứu cách đây gần 4 năm mình đã phải xuất viện với một bệnh án bí ẩn với lời kết luận  "U gan trên nền viêm gan B" mà không  có kết quả sinh thiết tế bào! Ca mổ đó cũng để lại một đoạn thoát bị bụng dài 5 cm mà  giờ đây lúc nào mình cũng phải sống cùng một tấm nịt quanh bụng!. Tiếp sau đó là hàng loạt những "sự cố kỹ thuật" cười ra nước mắt, và mấy sự cố kỹ thuật kể trên đây chỉ là con số cộng góp phần khẳng định rằng tuy máy móc thiết bị hiện đại là vô cùng quan trọng, nhưng trình độ và phong cách làm việc, đặc biệt là và thái độ y đức của người vận hành còn quan trọng hơn nhiều./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này