Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Vài suy nghĩ sau tuyên bố của Đô đôc Samuel Locklear


Đài VOA ngày 7/12/2012 dẫn nguồn tin của Bộ Quốc Phòng Mĩ  (US Department of Defense PR/ Freebeacon.com) đưa tin về tuyên bố báo chí của Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mĩ ngày 6/12 với tiêu đ "Mỹ từ chối hỗ trợ đồng minh Châu Á trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc".Tiếp ngay bên dưới là lời dẫn đề nêu rõ:      
Đô đốc Samuel Locklear 
"Hoa Kỳ không hỗ trợ các đồng minh và nước bạn quan trọng trong khu vực Châu Á có dính líu tới các tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc giữa bối cảnh các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông đang leo thang" .
(Xem tin đầy đủ tại đây http://www.voatiengviet.com/content/my-tu-cho-ho-tro-dong-minh-chau-a-trong-tranh-chap-bien-dong-voi-trung-quoc/1560465.html

Bản tin thật ngắn gọn, nhưng có lẽ đã cho ta một lời kết về câu chuyện rất dài mà cả thế giới đã chăm chú theo dõi bấy lâu nay -.đó là chờ xem Mĩ sẽ hành động như thế nào trước âm mưu và hành động xâm lược  trắng trợn của nước Trung Quốc "đang trỗi dậy" đối với các quốc gia láng giềng nhỏ yếu hơn xung quanh. Trước mối hiểm họa của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán, các quốc gia khu vực dù không muốn vẫn phải chấp nhận sự trở lại của Mĩ và mong đợi cường quốc số I này  đóng vai trò như một hiệp sĩ đứng ra bảo vệ cho họ. Về phần mình nước Mĩ đường như chợt nhận ra một cơ hôi để kèm chế đối thủ, nhưng đồng thời cũng nhận ra những hạn chế của bản thân, nhất là trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế-tài chính kéo dài và những cam kết phiền toái khác trên toàn cầu. Cũng như xu hướng chung của khu vực, người Việt Nam trong và ngoài nước, dân thường và chính khách, ít nhiều đã  tin rằng Mĩ sẽ không khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Thậm chí không ít  người tin rằng Mĩ sẽ nhân cơ hội này giáng cho Bắc Kinh một đòn chí tử(!?) Tuy nhiên diễn biến tình hình ngày càng cho thấy không như vậy. Trước việc Mĩ đã không can thiệp gì trong vụ đụng độ Scarbourough giữa  Philipin-Trung Quốc, rồi vụ Senkaku giữa Nhật-Trung, dư luận đã bắt đầu nghi ngờ về vai trò hiệp sĩ của nước Mĩ. Mới đây giới quan sát đã bàn tán về hiện tượng "trầm lặng" của Tổng thống Obama tại Hội nghị cấp Cao Đông Á (EAS) tại Pnom Pênh tháng 11  trong khi phía Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang ngược lấn lướt tại Biển Đông. Và bây giờ là lời tuyên bố của vị Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương.

Phải chăng cái gì đến đã đến. Lời tuyên bố mới này có thể được hiểu như một tuyên bố chính thức về lập trường của nước Mĩ, đó là  đứng ngoài cuộc tranh chấp chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia nhỏ yếu hơn với cường quốc Trung Quốc. Nói cách khác, Mĩ sẽ khoanh tay đứng nhìn các thế lực bành trướng Trung Quốc tác oai tác quái tại Biển Đông . Có lẽ chỉ còn một điều chưa hoàn toàn rõ ràng là Mĩ sẽ làm gì nếu một ngày kia tàu bè của bản thân nước Mĩ sẽ không được tự do qua lại vùng Biển Đông như họ đã từng được làm như vậy suốt thế kỷ qua. Rất có thể câu chuyện riêng tư này cũng sẽ được Bắc Kinh yêu cầu "thỏa thuận song phương Trung -Mĩ !"

Những ai có chút am hiểu về nước Mĩ, đặc biệt qua những chặng đường biến thiên trong lịch sử quan Mĩ-Trung, nhất là thời kỳ sắp kết thúc chiến tranh Việt Nam, sẽ không mấy ngạc nhiên trước kết cục nói trên.  Còn nhớ người Mĩ đã từng bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và để mất quần đảo Hoàng Sa như thế nào trong thời gian trước biến cố tháng 4/1975. Thực ra sự câu kết Mĩ -Trung đã bắt đầu từ cuộc gặp bí mật Thượng Hải 1972, chứ không phải đợi đến sau khi kết thức chiến tranh lạnh.  Nếu hiểu được sự thật này sẽ thấy rằng lời tuyên bố của Tư lệnh Thái Bình Dương mới đây chỉ là một sự tiếp nối có lo-gíc mà thôi. Đó là một vấn đề có tính chiến lược của nước Mĩ trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh mà trong đó nước Mĩ không sớm thì muộn buộc phải chia sẻ quyền lực với Trung Quốc.
                  
Là người Việt Nam, chúng ta không có gì để ngạc nhiên trước kết cục nói trên. Các cường quốc dù là Mĩ hay Trung Quốc chưa bao giờ thực sự là đồng minh lâu dài của các quốc gia độc lập dân tộc, nếu có chăng chỉ là tạm thời và có điều kiện. Sự nghiệp bảo vệ độc lập và  toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nội lực của mỗi nước. Lịch sử thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng minh điều đó. Dĩ nhiên Việt Nam cũng không thể trông chờ hoặc phụ thuộc mãi mãi vào một cường quốc. Vẫn biết vai trò Mĩ rất quan trọng, nhưng bạn bè thiết thực của Việt Nam là những nước có cùng cảnh ngộ trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Philipine, Hàn Quốc, ASEAN, Úc, Nga...  Nhớ lại thời đại phong kiến ít khả năng liên kết với quốc tế, người Việt Nam đã từng chiến thắng xâm lược Phương Bắc, huống chi trong thời đại toàn cầu hóa bạn bè có ở khắp nơi . Đối với Việt Nam , bí quyết thành công của mọi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm chính là lòng tự tôn, tự cường dân tộc; sức mạnh để chiến thắng kẻ thù chính là khối đoàn kết toàn dân. Nếu không ghi nhớ bài học đơn giản này, sẽ không thể tin vào thắng lợi tất yếu của dân tộc. Người lãnh đạo nào không thấm nhuần bài học này thì nên từ bỏ vai trò lãnh đạo nếu không muốn bị nhân dân đào thải.

Trong việc chọn bạn/thù, Việt Nam nên học hỏi thêm bài học kinh nghiệm của Nhật bản, Hàn Quốc, chừng mực nào đó của Đài Loan và Hồng Kông. Bí quyết thành công của các nước và vùng lãnh thổ nói trên là phải giữ khoảng cách trong quan hệ với Đại lục. Bài học này cũng giải thích tại sao cùng một dân tộc, nhưng Bắc Triều Tiên mãi lạc hậu trong khi Nam Triều Tiên thì phát triển như vậy . Từ bài học này cho thấy, Việt Nam tuy không bao giờ nên chủ trương đối đầu, nhưng nhất quyết phải tách khỏi ảnh hưởng về "ý thức hệ" với  Trung Quốc. Chỉ khi nào thoát khỏi thế kèm cặp của Trung Quốc, Việt Nam mới có thể tận hưởng nguồn tri thức và khoa học-kỹ thuật tiên tiến của nhân loại để phát triển lên một tầm cao mới . Và phát triển là điều kiện để đảm bảo độc lập dân tộc. Nói cách khác, giữ khoảng cách thích hợp với Trung Quốc là thượng sách đối với Việt Nam. Thực tế cũng đã cho thấy trong thời kỳ 100 năm thuộc Pháp dù sao lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam đã không mất vào tay Trung Quốc. Từ sau tháng Tám 1945, quan hệ Việt-Trung càng gần gũi bao nhiêu nguy cơ mất lãnh thổ càng lớn bấy nhiêu. Hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đã nổ ra trong sự bất ngờ của Việt Nam và thế giới, qua đó biên giới phía Bắc đã bị gặm nhấm, mất quần đảo Hoàng Sa  và một phần quần đảo Trường Sa, hiện  đang có nguy cơ mất cả vùng đặc quyền kinh tế. Thực tế cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã từng có cơ hội  phát triển theo hướng hiện đại hóa ngay trong thời kỳ từ 1980- đầu những năm 2000 khi quan hệ Việt -Trung căng thẳng và lạnh nhạt. Nhưng từ khi bình thường hóa quan hệ,  máy móc cũ lỗi thời cùng hàng hóa, thiết bị kém chất lượng của Trung Quốc tràn vào bóp chết các cơ sở sản xuất hiện đại mới manh nha của Việt Nam. Đó là chưa kể những âm mưu phá hoại ngầm của ông bạn "4 tốt" từ việc chào thầu thấp để tranh giành các dự án khai thác boxit Tây Nguyên, các nhà máy nhiệt điện, chiếm dụng các vùng đất, rừng, mặt biển trọng yếu v.v...gây nhiều hậu quả và khó khăn cho phía Việt Nam.

Tóm lại, dù  trong bất cứ tình huống nào, có hay không sự can thiệp của Mĩ trong cuộc tranh chấp Biển Đông, thì Việt Nam vẫn kiên quyết đấu tranh bảo về chủ quyền biển đảo của mình vì đó không chỉ là nguồn sống mà là cửa ngõ, là tương lai sinh tồn của dân tộc. Tuyên bố mới đây của Mĩ  "không hỗ trợ đồng minh và nước bạn..." chắc chắn sẽ khuyến khích các hành động lấn chiếm ngang ngược hơn của tàu thuyền Trung Quốc trên khắp vùng Biển Đông khiến Việt Nam, Phlipin thêm điêu đứng . Nhưng tình hình mới sẽ thúc dục Việt Nam và các bên bị tác động xích lại gần nhau hơn để đối phó với Trung Quốc. Việt Nam không có cách nào khác là phải kiên định hơn nữa trong quan hệ với Trung Quốc. Đó là một thời kỳ mới với cả thách thức và cơ hội đòi hỏi Việt Nam, trước hết là giới lãnh đạo, phải thích ứng để tồn tại và phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh lại quan hệ đồng minh, bạn/thù phù hợp với tình hình mới, đối xử ngang nhau với hai cường quốc Mĩ, Trung. Đây là thời điểm thuận tiện để Việt Nam chuyển sang một chính sách ngoại giao cởi mở, minh bạch, trong đó mọi ân, oán với các cựu thù, kể cả Mĩ và Trung Quốc, cần được giải bày nhằm đi tới cơ sở đồng thuận mới công bằng hợp lý hơn.       
       .

14 nhận xét:

  1. Mặc dù tuyên bố cuả một giới chức quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương chưa hẳn đã phản ánh chính sách cuả Mỹ, nhưng những ai am tường về những liên hệ ngoại giao giữa VN-Mỹ; giữa VN-Trung Hoa sẽ thấy người Mỹ không thể làm khác được. Chẳng lẽ người Mỹ can thiệp vào những tranh chấp Việt-Trung khi chính họ, hay nói đúng hơn giữa hai nhà nước, hai Đảng không muốn ai xen vào, không "wel-come" người ngoài! Chỉ nhìn vào cách ứng xử của c/q VN với TH thử hỏi người Việt đang sinh sống tại hải ngoại có muốn hợp tác với họ(CQVN) để chống ngoại xâm, nói chi đến Mỹ?
    Tuy nhiên TQ hãy cứ thử "đụng" tới Nhật, Hàn và Phi xem, tình thế sẽ đổi thay ngay!

    Trả lờiXóa
  2. Quá đúng, quá chính xác!

    Trả lờiXóa
  3. "Các cường quốc dù là Mĩ hay Trung Quốc chưa bao giờ thực sự là đồng minh lâu dài của các quốc gia độc lập dân tộc, nếu có chăng chỉ là tạm thời và có điều kiện. Sự nghiệp bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nội lực của mỗi nước. Lịch sử thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng minh điều đó."

    Đây là một kết luận hết sức hàm hồ. Lịch sử thế giới cho thấy Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc có sự gắn bó lâu dài với Hoa Kỳ, còn Việt Nam là một trường hợp riêng biệt khi có thỏa thuận qua Thông Cáo Chung Thượng Hải 1972 thì thế giới chia ba chân vạc Mỹ - Nga - Hoa và vẫn còn ảnh hưởng đến tận ngày nay khi người ta nhìn vào trường hợp Syria mà ở đó Nga - Hoa chống lại Hoa Kỳ trong việc bứng đi vị tổng thống phạm tội ác chống nhân loại Assad. Hiệp định Paris 1972 Hoa Kỳ rút đi giao lại vùng ảnh hưởng Đông Nam Á cho Trung Quốc mới hình thành thế chân vạc, từ đó đưa tới sự sụp đổ của Liên Xô và thế giới cộng sản. Ở Việt Nam và Đông Nam Á, Hoa Kỳ không có quyền lợi gì hết. Hy sinh 58.000 quân và hàng trăm tỷ đô la để duy trì một con cờ trong thế cờ domino nhằm ngăn chận sự bành trướng của cộng sản là quá đủ. Để cho con rồng và con gấu đấu tranh với nhau và loại trừ nhau vẫn hơn. Vả lại thời bấy giờ Hoa Kỳ mang tiếng là "sen đầm quốc tế", thế giới có ác cảm với nước Mỹ quá nhiều nên cần phải có một bước thoái chiến lược, theo như lời khuyên của tướng độc nhãn Do Thái Moshe Dayan :"Muốn chống cộng sản, hãy để cho Việt Nam rơi vào tay cộng sản trước đã." Ngày nay câu nói đó đã dần dần được chứng thực. Hoa Kỳ còn ở lại Việt Nam là còn bị chống đối, đành phải bỏ mà thôi. Hãy để cho người Việt Nam biết thế nào là cộng sản. Hãy hỏi các vị Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫn, Lê Văn Nuôi, Hạ Đình Nguyên xem sao. Còn các vị Mai Thái Lĩnh, Tiêu Dao Bảo Cự, Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tân thì họ đã thấy hết cả rồi.
    Việt Nam có độc lập không? Khi ông Hồ Chí Minh đưa Việt Nam vào quỹ đạo Đệ Tam Quốc Tế thì Việt Nam đã trở thành một thành viên của tổ chức cộng sản quốc tế, phải tuân thủ mọi quyết định của Đệ Tam Quốc Tế mà đầu sỏ là Stalin. Ông Hồ Chí Minh vừa là lãnh tụ đảng vừa là chủ tịch nước và sau này là Lê Duẫn đã nhất nhất đi theo con đường của cộng sản quốc tế. Vậy Việt nam có độc lập không?
    Sau Hội Nghị Thành Đô 1990, Việt Nam đã tôn Trung Quốc lên làm thủ lãnh của những nước cộng sản còn sót lại, nhận 16 chữ vàng và 4 tốt làm kim chỉ nam thì Việt Nam độc lập ở chỗ nào?
    Lão tử có nói : "Làm thầy thuốc mà lầm thì giết chết một người. Làm thầy địa lý mà lầm thì giết chết một họ. Làm chính trị mà lầm thì giết chết một nước. Làm văn hóa mà lầm thì giết chết muôn dời." Việt Nam đã chọn chủ nghĩa Mác-Lê-Mao làm hành trang tư tưởng, lấy "văn hóa đảng" làm lẽ sống, thủ tiêu văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của hơn 4 ngàn năm văn hiến, sau 30-4-1975 tiêu diệt toàn bộ văn hóa Miền Nam vốn là nền văn hóa nối tiếp truyền thống của dân tộc, thì bước đường nô lệ là đương nhiên rồi. Cứ nhìn xã hội Việt Nam ngày nay là thấy rõ, có còn sót lại cái gì không? Đảng cộng sản còn ngồi đó thì ngay đến biểu tình yêu nước còn không được thì độc lập ở chỗ nào.
    Đảng cộng sản VN vẫn tôn thờ cộng sản Trung Quốc thì Hoa Kỳ làm sao kết thân được với Việt Nam. Sau khi thế giới cộng sản sựp đổ Philippines đòi Hoa Kỳ trả lại căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark, nay trước mối họa Trung Quốc lại đòi Hoa Kỳ hy sinh cho mình được sao? Còn đối với Senkaku của Nhật Bản thì Thượng Viện Hoa Kỳ đã vừa mới ra một điều luật bổ sung vào ngân sách quốc phòng Mỹ 2013 nhất loạt thông qua khẳng định lời cam kết sát cánh với Nhật Bản bảo vệ chủ quyền tại đảo Senkaku/Điếu Ngư (http://dantri.com.vn/the-gioi/thuong-vien-my-ung-ho-nhat-tren-senkakudieu-ngu-669094.htm)

    Xin có vài ý kiến nhỏ trao đổi với GS Trần Kinh Nghị, mong không làm bực mình chủ blog.

    Đinh Lê


















    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có gì đáng để bực mình, ông ban!. Trên blog (một thế giới riêng tư hiếm hoi) ai mà chẳng hàm hồ ? Trên tinh thần đó tôi thường hoan nghênh tham luận của mọi người . Tôi đồng ý với nhiều ý của ông bạn ,nhưng xin tạm thời phản hồi 2 ý sau:

      1.Lợi ích của các cường quốc khác hẳn (nếu không nói là trái) với lợi ích của các QUÓC GIA DÂN TỘC (cụn từ tôi dùng trong bài viết trên). Đối với các cường quốc họ thực sự không đánh nhau vì sự khác nhau về thể chế chính trị , mà chỉ sử dụng chính trị làm chiêu bài để phân chia quyền lực. Điều này đã được chứng minh trong chiến tranh TG II và trong chiến tranh VN (Mĩ liên minh với Lxô chống Đức,Ý ,Nhật; hiện nay Mĩ thỏa hiệp với TQ chống Nga,v.v...). Cái gọi là "thế chân vạc" chính là kết quả của sự phân chia quyền lực giữa các nước lớn. Syri hiện nay, Irắc ,Libi...gần đây đều là những lá bài trong tay các nước lớn...chỉ khổ cho nhân dân ở đó thôi.

      1.Mĩ sẽ không vì lợi ích của Phi,thậm chí của Nhât,chứ chưa nói vì lợi ích của VN dù dưới chế độ nào, để đánh nhau với TQ. Điều này đã và đang được chứng minh qua chiến tranh VN và tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông hiện nay.
      Cảm ơn.Chúc vui vẽ.

      Xóa
    2. Lợi ích của cường quốc sẽ phù hợp với lợi ích của nước nhỏ nếu nước đó có lãnh đạo tài giỏi. Trong chiến tranh Triều Tiên, Mc Arthur muốn đánh thẳng qua Trung Quốc và điều này làm chính phủ Mỹ hoảng sợ nên TT Mỹ phải cách chức ông tướng này vì sợ chiến tranh lan rộng và chiến tranh nguyên tử. Nhưng Nam Triều Tiên may mắn có lãnh đạo có tâm và có tầm đã dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ để phát triển đất nước. Họ đưa quân đội qua Việt Nam ủng hộ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam để lấy đô la phát triển kinh tế đất nước họ. Miền Nam VN không có lãnh đạo giỏi mà lại phải đối phó với cuộc chiến tranh bành trướng thế giới cộng sản do cộng sản Hà Nội thực hiện nhân danh "chống Mỹ cứu nước", mặc dù vậy Miền Nam cũng đã có được một xã hội khá dân chủ và văn minh, có kinh tế phát triển (xem Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam của GS Đặng Phong. Xem Bên Thắng Cuộc của Huy Đức), nhưng Miền Nam bị nhuộm đỏ sau khi "thế chân vạc' thành hình và vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay. Nếu không vì chiến tranh, Mỹ vẫn còn hiện diện tại Miền Nam thì đã không có vấn nạn Biển Đông và Việt Nam đã không bị mất Hoàng Sa - Trường Sa, và Miền Nam có thể đi trước Hàn Quốc rồi vì vào lúc Miền Nam bắt đầu kỹ nghệ xe hơi (ô-tô) với chiếc Ladalat thì Nam Hàn chưa có gì, Miền Nam ứng dụng điện toán (computer, nay gọi là vi tính) thì Đông Nam Á vẫn chưa biết. Nhắc lại : nhà văn Dương Thu Hương gọi chiến thắng 30/4/75 là chiến thắng của kẻ man rợ trên kẻ văn minh. Nhà văn Phạm Thị Hoài đã gọi chế độ Miền Nam là chế độ dân chủ đầu tiên trong lịch sử đất nước.

      Nhật Bản dưới cây dù nguyên tử của Mỹ đã ngoi lên từ hoang tàn sau chiến tranh và hải quân Nhật ngày nay thừa sức so găng với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, còn đụng độ trực tiếp đến lãnh thổ Nhật Bản thì còn 30.000 quân Mỹ trên lãnh thổ Nhật, và cũng tương tự như vậy đối với Hàn Quốc. Nhưng mà Bắc Kinh không dại gì gây chiến với Hoa Kỳ. Chính sách từ xưa của Trung Quốc là "viễn giao cận công" : hòa hảo với nước ở xa, tấn công nuốt dần những nước sát nách. Nhưng buồn thay, từ khi ông Hồ tuân thủ lệnh của Stalin, nhận sự chỉ đạo toàn diện của Mao - Chu, tròng cái ách Mác - Lê - Mao vào cổ dân tộc đến nỗi trước khi chết còn mơ sẽ gặp các ông này (chứ không mơ về với tổ tông nhà mình) thì Việt Nam mới hóa ra nông nỗi ngày nay. Và giới lãnh đạo cộng sản hiện tại tiếp nối con đường của Bác, dân tộc Việt Nam làm được gì? Dĩ nhiên là dân tộc Việt không bị xóa sổ nhưng bước đường nô lệ là không tránh khỏi. Đầu năm 2013 tàu thuyền Việt Nam có ra khơi vượt khỏi lằn ranh 12 hải lý hay không? Việt Nam mất biển thì nước này đâu còn giá trị gì. Hoa Kỳ đã đưa tay ra cho Việt Nam bắt nhưng lãnh đạo Việt Nam đã khước từ. Miến Điện đã bắt tay Mỹ nên Obama đến thăm và Myanmar sẽ từng bước đi lên và thoát khỏi móng vuốt con rồng Bắc Kinh.
      Đấy, đất nước độc lập và phát triển hay không là do lãnh đạo. Lãnh đạo Việt Nam như ý tá Nguyễn Tấn Dũng, hoạn lơn Đỗ Mười thì làm sao ngóc đâu lên được. Đừng đổ thừa các cường quốc chỉ vì lợi ích của họ. Giới trí thức xã hội chủ nghĩa vẫn bám Đảng mà không vùng lên thì "thôi rồi Lượm ơi?". Tại sao nhà văn Phạm Đình Trọng dứt khoát từ bỏ Đảng mà cho đến nay vẫn chưa thấy ai công khai theo? Cứ đọc bài "Nghĩ Suy Từ Ấn Độ" cũng cảm được tâm sự của ông. Huy Đức qua Mỹ mới cho ra đời được "Bên Thắng Cuộc", Võ Thị Hảo cũng đành cho in sách ở nước ngoài, nhưng liệu được bao nhiêu người trong số gần 100 triệu dân đọc tới? Nguyễn Hoàng Đức đang phản tỉnh. Việt Nam trễ lắm rồi!



      Xóa
  4. Giữ khoảng cách để độc lập, tự chủ

    Cảm ơn bác Trần Kinh Nghị và cũng muốn trao đổi cùng bạn Đinh Lê.
    Câu viết của bài chủ được bạn ĐL dẫn có chủ đích chỉ ra: „Phải giữ khoảng cách với Trung Hoa đại lục“ và đó là cái Việt Nam nên và phải làm càng sớm càng tốt (đúng ra là không còn thời gian nữa!).
    Có thể lý giải trên 2 phương diện thực tiễn và lý thuyết. Tôi sẽ trình bày lại sau.
    Thân mến.

    Văn Đức.

    Trả lờiXóa
  5. NHAN XET CUA BAN DINH LE RAT DUNG.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi ủng hộ quan điểm của ông Trần Kinh Nghị. Theo tôi, Mỹ là một nước dân chủ, văn minh và thực dụng vì thế mọi tình bạn/thù đều được thể chế hoá theo dân chủ kiểu Mỹ nhằm đạt mục đích tối thượng là lợi ích qua gia. Câu nói (hình như) của ông Đặng Tiều Bình: "Trung Quốc không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, Chỉ có quyền lợi của nước Trung Hoa là vĩnh viễn" nghe thì ghê nhưng vận vào nhiều quốc gia thấy đúng!

    Trả lờiXóa
  7. Tôi không nghĩ ý kiến trên của các Bác là hợp lý.

    Đây này : "Hoa Kỳ không hỗ trợ các đồng minh và nước bạn quan trọng trong khu vực Châu Á ..."

    Các đồng minh và nước bạn quan trọng nhé...có nghĩ là bao gồm cả Nhật Bản,Hàn Quốc và Philipin, cũng không loại trừ Ấn Độ - là những nước có tranh chấp lãnh thổ trên đất liền và trên biển với anh bạn to đầu mà láo của dân Lừa.

    Theo suy đoán mà nói, cu to đầu mà dại này sắp ăn quả lừa vĩ đại nhất từ trước tới nay.

    có thể Mĩ sẽ hy sinh Phi, nhưng mà để chơi 1 đòn quyết định, 1 đòn nặng tới mức anh to xác kia không bao giờ gượng dậy nổi nữa, và sẽ mãi mãi là 1 công xưởng đúng nghĩa của thế giới.

    Khi Mĩ đã nói thẳng thừng là không hỗ trợ ai nữa, đó mới là lúc đáng sợ nhất.

    thật hay là thằng to đầu sẽ lại chui thẳng vào rọ cho mà coi, và điều này mới đáng nói nè: dân Thiên đàng xứ Lừa chẳng có gì mà sợ, mục tiêu đầu tiên của thằng cu to xác kia là Phi đấy..

    Trả lờiXóa
  8. "Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn"

    Anh Dũng : Câu nói đó là của Sir Winston Churchill, Thủ Tướng Anh Quốc.

    Trả lờiXóa
  9. Không đúng. TQ và khu vực có đến hơn 2 tỉ dân cho nên Mẽo không thể bỏ cho TQ không chế, chẳng qua là khuấy cho đánh nhau thôi.Thằng nào tham chiến là đại ngu vì toàn nước nhỏ sau CT cũng chẳng được miếng nào...

    Trả lờiXóa
  10. Philippines ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang làm đối trọng với Trung Quốc.

    Tại sao Việt nam không ủng hộ? Nên lắm chứ. Đề nghị Tễu làm petition online để mọi người ký vào.

    Nên chăng kêu gọi mọi người biểu tình ủng hộ Nhật bản tái vũ trang trước ĐSQ và Tổng Lãnh Sự Nhật bản tại VN.

    PQK

    Trả lờiXóa
  11. Hoa Kỳ đang diễn lại kịch bản Đệ Nhị Thế Chiến 2 : Lúc đầu thì tuyên bố đứng ngoài không can thiệp vào Âu Châu. Thế là Đức tưởng thật làm tới đánh chiếm gần như toàn bộ Âu Châu ! Anh quốc nguy khốn !
    Thế là Mỹ nhảy vào cứu nguy Âu Châu ! Kết quả : Sau chiến tranh , toàn Âu Châu kiệt quệ ! Mỹ đứng ra lập kế hoạch Marshall tái thiết Âu Châu và trở thành Siêu Cường thế giới ! Các nước Anh , Pháp , Đức mất hết thuộc địa , trở nên nghèo xơ xác !
    Lần này Mỹ cũng đứng ngoài , TQ sẽ tưởng bở đánh lung tung ! Các nước cũng mua vũ khí đánh TQ . Tàn cuộc , Mỹ nhảy vào đánh tan TQ ! Thế là Mỹ lại tái thiết Á Châu , xóa sạch nợ , trở thành chủ nợ ! Mỹ lại thành siêu cường bá chủ thế giới ! TQ bị chia 5 xẻ 7 như Liên Xô để tránh hậu hoạn !
    Hoa Kỳ rất.... điếm thúi ! Nhưng cái điếm của tụi Mỹ ( Gốc Do Thái ) này rất khéo che đậy ! Lúc nào cũng nhảy vào giờ chót để trở thành anh hùng ! Sau đó là thành ân nhân và thành siêu cường , thành chủ nợ !
    Năm 1929 , Hoa Kỳ bị khủng hoảng kinh tế rất nặng ! Nhờ Đệ Nhị Thế Chiến 2 , Hoa Kỳ thoát khủng hoảng trở thành siêu cường !
    Năm 2012 , Hoa Kỳ bị thâm thủng ngân sách rất nặng ! Hoa Kỳ đang chờ TQ gây chiến để thực hiện kịch bản lần nữa ! TQ ngu xuẩn không biết vì khi có chiến tranh là nguy cơ sẽ như Đức Quốc xả , sẽ bị đánh tan nát , lãnh thổ bị chia cắt thành nhiều mảnh !
    Lời tuyên bố của Đô Đốc Mỹ chỉ gạt được người không hiểu lịch sử và chiến lược của Mỹ , chứ chắc không gạt được các vị quân sư tầm cỡ Khổng Minh !
    Đặng Tiểu Bình khi thấy Liên Xô sụp đổ đã biết là TQ sẽ giống như vậy nên đã khuyên con cháu là không nên hung hăng , chờ thời cơ ! Nhưng tụi hậu sinh " khả ố " của Đặng Tiểu Bình không hiểu thâm ý của sư phụ ! Đáng tiếc !

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này