Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Đôi điều sau chuyến du lịch Cămpuchia(*)


Tang lẽ Cựu Hòang Sihanouk tại Phnom Penh
Do điều kiện nghề nghiệp khi còn công tác tôi đã may mắn được đến khá nhiều nước khác nhau trên thế giới, nhưng chưa bao giờ được đến Cămpuchia ngay bên cạnh Việt Nam. Đó là điều thôi thúc tôi giờ đây dù đã nghĩ hưu vẫn muốn đi một chuyến đến nước láng giềng "gần nhà xa ngõ" này xem sao. Và tôi đã làm được điều đó bằng đường bộ cuối tháng 10 này, chỉ hơi tiếc một chút là vào dịp quốc tang Cựu Hoàng Norodom Sihanouk nên không được xem Hoàng cung và hoạt động tại các sòng bạc bên kia biên giới. Nhưng dù sao chuyến đi cũng giúp tôi kiểm chứng lại một số nhận thức về đất nước và con người vốn là chủ nhân của những bức tượng Bayon có tới 4 mặt nhìn về mọi hướng.  Dưới đây là một vài  cảm nhận như vậy.

Một là, có thể khẳng định giá trị tuyệt vời của nền văn minh Angkor huy hoàng và sự phì nhiêu của miền đất nằm ở ví trí thuận lợi  nhất  giòng sông Mekông. Nhưng với một đất nước trù phú, đất rộng người thưa (chỉ có 13 triệu dân) như vậy ta lại càng  ngạc nhiên trước cảnh nghèo nàn và sự cách biệt giàu/ngèo quá rõ rệt của nó. Có thể dẽ dàng nhận biết sự cách biệt qua nhà ở và phương tiện đi lại của người dân. Người  giàu (hầu hết là quan chức nhà nước) thường ngồi bên trong các xe ô tô loại sang nhất thế giới và ở trong các biệt thự sang trong có vườn rộng "kín cổng cao tường" trong khi người nghèo đều ở trong các ngôi nhà sàn truyền thống nhỏ bé, đơn sơ và đi lại chen chúc nhau trên các phương tiện công cộng quá tải. Suốt chuyến thăm tôi chưa thấy một người giàu nào đi bộ trên đường, nhưng đâu đâu cũng thấy trẻ nhỏ và phụ nữ kiếm tiền bằng cách bán các thứ hàng lặt vặt hoặc ăn xin tại bất cứ nơi nào có khách du lịch nước ngoài.
 
Kiếm sống bằng hàng rong và ăn xin
Hai là, tính cách trầm tĩnh và khả năng chịu đựng của dân tộc Khmer thật là phi thường. Có lẽ đây là một trong tố chất để hiểu tại sao nhân dân Cămpuchia đã phục tùng chế độ Pol Pot và nếu không có sự can thiệp của Việt Nam thì chưa chắc họ đã tự đúng lên lật đổ Pol Pot (?) Tố chất này mãi vẫn còn đó. Trong dịp quốc tang Cựu hoàng Norodom Sihanouk, nhìn bề ngoài thấy người dân Cămpuchia ai ai cũng vô cùng tôn kính và yêu quý Quốc vương của họ. Nhưng trong câu chuyện riêng tư với họ ta sẽ nhận ra rằng đó là cách để người dân bày tỏ sự không tôn trọng đối với chính quyền hiện tại và bản thân ông Hunsen!   Đối với họ, chính quyền và chính sách của Hunsen không khác gì của Việt Nam. Nếu có gì khác thì (theo họ) ở Việt Nam người giàu không quá cách biệt với người nghèo so với tình trạng cách biệt giàu/nghèo quá rõ ràng, lộ liễu tại Căpmuchia!. Họ có thể đúng với nhận xét này khi họ không nằm trong cái chăn Việt Nam nên không biết trong chăn đó cũng có rận, và cả "sâu" nữa!

Trong suốt cuộc hành trình, anh bạn tourguide  nguời Khmer chính hiệu nhưng nói rất sõi tiếng Việt, không biết vô tình hay cố ý, hay kể những câu chuyện huyền thoại hàm ý rằng người Cămphuchia rất thật thà, chất phát, hiền lành (như con giun, con dế), nhưng không bao giờ chịu khuất phục...  Họ cũng hay có những so sánh khá tinh tế giữa đất nước mình với Việt Nam, ví dụ lưu truyền câu chuyện tiếu lâm nói rằng nếu người Việt ra đường sợ Công An bao nhiêu thì người Cămpuchia ra đường sợ Con Bò bấy nhiêu, vì chúng đều có quyền chặn người tham gia giao thông bất cứ lúc nào! Do đó, Công An Việt Nam = Con Bò Cămpuchia !!! Phải chăng đó là cách "phê bình nhẹ nhàng" đối với người  Việt Nam? . Dù sao nó cũng nói lên sự khác biệt giữa tính cách người Khmer và người Việt . Quan sát dọc đường thấy những  cảnh sát giao thông Cămpuchia cũng nhận tiền hối lộ của lái xe, nhưng có vẽ lịch sự và "hiệu quả" hơn nhiều so với cảnh sát Việt Nam. Mỗi khi thấy lái xe vi phạm, họ giơ tay cảnh báo, và  lái xe  vẫn ngồi yên trong xe dúi tiền vào tay viên cảnh sát, hai bên cười vui vẽ không cần đếm số tiền thường  là tiền lẽ có giá trị bằng bát phở hay tách cà fê mà thôi. Do đó, dòng xe cộ vẫn tiếp tục di chuyển không ảnh hường gì đến giao thông chung. Nhưng ở Việt Nam cảnh sát bao giờ cũng chặn xe lại , rồi hai bên giằng co, cải vã ,van xin rất lâu , có khi đánh nhau ...khiến giao thông bị ách tắc, quan hệ hai bên càng căng, và cảnh sát mất hết uy tín.

Phương tiện di chuyển của người nghèo  ở C
Trong lĩnh vực đối ngoại cũng vậy. Có một sự nhất quán trong quan niệm bạn/thù của người Campuchia, đó là cả 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Lào đều chiếm đất đai của họ; và do đó họ không ngần ngại treo bản đồ thời Đế chế Angkor ở các nơi công cộng. Nhưng  khi có mặt người Việt Nam, người Cămpuchia rất biết cách kiềm nén không nói xấu Việt Nam, mà chỉ nói xấu Thái Lan hoặc Lào...để người Việt Nam tự hiểu về bản thân mình! Rất có thể họ cũng làm như vậy khi đi với người Thái, người Lào hoặc người Trung Quốc, người Mỹ....  Có thể gọi đó là môt  thủ pháp truyền thống của người Cămpuchia thì phải, vì cả thế giới đều biết tật  "nói trước quên sau" hoặc tính cách "sáng nắng chiều mưa"  của người Cămpuchia mà một trong những bậc thầy của họ chính là Vua Norodom Sihanouk.Những diễn biến trong chính trường ASEAN gần đây chứng minh điều đó.  

Ba là, về quan hệ Việt Nam-Cămpuchia, có thể nói, do vị thế địa chính trị và quan hệ lịch sử hai nước Việt Nam và Cămpuchia luôn cần duy trì mối quan hệ hòa bình hữu nghị (không nên gọi là "đặc biệt" để tránh gây hiểu nhầm không cần thiết). Cămpuchia có hận thù lịch sử với Việt Nam nhưng cũng cần có vai trò của Việt Nam để đối trọng với một kẻ thù lịch sử khác là Thái Lan. Trên thực tế người Cămpuchia ngày nay lo ngại Thái Lan hơn là Việt Nam. Về lâu dài thì chưa chắc, nhưng trong giai đoạn hiện nay khi vẫn còn chính quyền Hunsen, có lẽ người Cămphuchia vẫn coi trọng quan hệ với Việt Nam vì cả hai lý do an ninh và kinh tế. Họ biết rõ chính người Việt đem lại sức sống cho nền kinh tế Cămpuchia, chứ không phải người Thái, thậm chí ngay cả khi ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng tại đây. Hàng ngày hàng trăm ngàn người Việt Nam qua Cămpuchia làm ăn, buôn bán;  khách du lịch Việt Nam thường chiếm khoảng 1/2 tổng số khách du lịch vào Cămpuchia, trong khi du khách từ Thái Lan và Lào không đáng kể. Riêng việc người Việt Nam tham gia đánh bạc tại khu vực biên giới cũng đóng góp phần lớn vào nguồn thu của Cămpuchia. Có thể nói Cămpuchia cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Cămpuchia. Điều  Việt Nam cần là quan hệ hòa bình hữu nghị và an ninh để xây dựng đất nước.

Trong điều kiện thế và lực giữa Việt Nam và Cămpuchia và trong khuôn khổ ASEAN, quan hệ hai nước có thể đảm bảo bền vững. Việc Cămpuchia tìm kiếm quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực, kể cả Trung Quốc nên được hiểu là bình thường và lẽ đương nhiện. Ngay cả hành động câu kết giữa Cămpuchia và Trung Quốc tại Hội nghị AMM 45 vừa qua dẫn đến thất bại không đưa ra được tuyên bố chung về COC cũng có thể "hiểu được".  Tuy nhiên, xét trên tổng thể toàn bộ diễn biến tình hình gần đây, có thể nói,  với nhân tố thứ ba là Trung Quốc đang ra sức tăng cường ảnh hưởng bằng mọi giá tại Cămpuchia trong chiến lược chia rẽ nội bộ ASEAN nhằm ý đồ bành trướng xuống phía Nam của  họ mới là nhân tố đáng lo ngại. Với những bài học của quá khứ, không ai có thể đoan chắc rằng Cămpuchia với truyền thống "hay thay đổi" mà biểu trưng là những bức tượng Bayon 4 mặt (chứ không phải chỉ có hai mặt) sẽ không một lần nữa  thay đổi trong quan hệ với Việt Nam, nếu được sự hỗ trợ của một thế lực nước lớn. Đó là điều mà không chỉ Việt Nam mà cả Lào và Thái Lan cũng phải dè chừng.

Cuối cùng là, cũng từ kinh nghiệm mà hiểu ra, Việt Nam không nên đề ra yêu cầu  quá cao trong quan hệ với Cămpuchia, kể cả khái niệm quan hệ "đặc biêt" cũng không nên có. Việt Nam đã hy sinh quán hiều vì người anh em Cămpuchia trong hơn 10 năm chống Pol Pot. Tuy nhiên đổi lại, Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh "trắng tay". Đó là sự thật dù có phủ phàng bao nhiêu. Do đó nên chăng trong tương lai, trong  bất cứ tình huống nào, Việt Nam cần kiên quyết tránh bị lôi kéo vào công việc nội bộ của  Cămpuchia, để tập trung  nguồn lực đảm bảo an ninh biên giới mà thôi. Đây không phải là điều dẽ, nhưng là một phương châm hành động ./.        
(*) Ghi chú: Bài viết đã có những chỉnh sửa bổ sung nhằm làm rõ thêm ý chủ đạo của nó. Xin thông báo và mong sự cảm thông của những ai  sử dụng nội dung bài viết.  Xin cảm ơn.
 

6 nhận xét:

  1. Bác Vĩnh đi cùng đoàn với bác nhỉ?
    Chưa từng đến sẽ phát hiện nhiều điều lý thú đấy, chờ xem tiếp chuyện kể của hai bác.

    Trả lờiXóa
  2. Tại Lào, người ta định thành lập Bộ Hải Dương học. Một vài quan chức ta khuyên bạn không nên, với lý do Lào không có biển. Họ hỏi lại vị quan chức nọ: Tại sao các đồng chí lại có Bộ Văn hóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cái này của bác hay quá :) cảm ơn bác nhiều .

      Xóa
    2. Quan chức Lào nào dám nói công khai câu này thì sớm muộn cũng mất ghế, có thể mất cả đầu nữa đấy. Đừng quên là đảng CSVN vẫn còn có ảnh hưởng nặng ký với đảng CS đàn em Lào. Người dân Việt thì hằng ngày ra rả chống ảnh hưởng TQ đè nặng lên chính phủ CHXHCN Việt Nam, đó là điều chính đáng, nhưng dân Việt nghĩ gì khi VN muốn gì được nấy trên đất Lào? Một sĩ quan cấp tá Lào than là VN trong khi cắm cột mốc biên giới đã lấn đất của Lào nhiều quá.
      Câu chuyện tiếu lâm của Trần Thiềm đã cho thấy ảnh hưởng nặng ký nêu trên và mức độ ngầm chống đối của Lào. Mắc mớ gì VN lại phải can thiệp vào việc thành lập Bộ của chính quyền Lào? Dù là chuyện kể cho vui, nhưng nó phản ảnh vấn đề giữa 2 nước.

      Xóa
  3. kiểu gì cũng phải chửi công an va chính quyên việt nam , đến khổ

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này