Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Hai sự kiện, hai tầm nhìn

Trong những ngày này có hai sự kiện mà có lẽ người VN nào cũng phải động lòng trắc ẩn. Đó là sự kiện người đúng đầu TQ dự duyệt binh tại lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít lần thứ 70 tại Hồng Trường và sự kiện người đúng đầu đất nước VN mãi loay hoay với cơ cấu nhân sự trước Đại hội Đảng lần thứ XII. Thoạt nhìn đó chỉ là việc bình thường như thể "việc ai người nấy làm"... Nhưng nghĩ thêm chút sẽ thấy cái tâm thế và tầm nhìn hoàn toàn chênh lệch nhau giữa hai nhà lãnh đạo tối cao và cũng là giữa hai quốc gia mà họ lãnh đạo.

Sự kiện thứ nhất là việc ông Tập Cận Bình dự duyệt binh tại Hồng Trường. Nếu suốt nữa thế kỷ qua mối quan hệ Xô-Trung được coi là "đồng sàn dị mộng" (đồng sàn cộng sản, nhưng TQ thì mộng bành trướng lãnh thổ và phục thù cho nỗi hận để lại từ thừi Mãng Thanh, trong khi Nga thì mộng phục dựng lại Đế chế Sa hoàng và đề phòng Hán tộc tràn sang vùng Viễn Đông) thì giờ đây hai cường quốc này đường như đã quyết định gác mọi chuyện sang bên để cùng nhau đối phó với Mỹ và NATO. Có thể nói một thời kỳ quan hệ đồng minh Nga -Trung đã bắt đầu. 
Không biết Tổng thống Hoa Kỳ nhìn cái cảnh Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình vai kề vai bên nhau trên khán đài Hồng Trường chốc chốc nghiêng đầu vào nhau bàn luận...thì nghĩ gì (?). Nhưng người ngoài cuộc thì nghĩ ngay đến quy luật "Mã tầm mã ngưu tầm ngưu" trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Chính Hoa Kỳ cũng đã, đang và sẽ hành động như vậy mà thôi, chỉ có điều là với ai và vào lúc nào. Xét về nguyên lý cơ bản thì hiện tượng trên không có gì đáng để ngạc nhiên. Nhưng xét về thủ đoạn thì đó là một thứ trò chơi chính trị mà không một chính trị gia nào có thể lẫn tránh. Và đó cũng là cái cạm bẫy của tham vọng quyền lực. 
Nhưng điều quan trọng hơn là nhân loại bao giờ cũng bị cuốn vào những trò chơi quyền lực của các chính khách tầm quốc gia. Giờ đây với thế giới có thể được cho là đã phân thành 2 cực khá rõ ràng (chứ không như cách đây đôi ba năm trở về trước khi người ta còn đoán non đoán già chưa biết thế giới có mấy cực). Câu hỏi giờ đây là liệu thế giới hai cực này có thể giữ cân bằng hay sẽ lại đổ vỡ, và nếu đổ vỡ thì sẽ ra sao?. Để trả lời câu hỏi này, có lẽ ta nên liên hệ đến quá khứ hình thành "Khối Trục" trong thời kỳ trước Chiến tranh thế giới II. Nếu ngòi nổ của Thế chiến II là nước Đức với chủ nghĩa dân tộc Đức quốc xã thì giờ đây ngòi nổ có thể là Trung Quốc với chủ nghĩa dân tộc Đại Hán đầy tham vọng bành trướng lãnh thổ và ý chí phục thù khôn nguôi của họ. Vẫn biết phát động chiến tranh không đơn giản, nhưng thực tế cho thấy chiến tranh vẫn liên tục nổ ra, và hầu hết các cuộc chiến lớn nhỏ đều bắt đầu do sự tính toán nhầm lẫn của những kẻ tham vọng và trong tâm trạng bức bách, cay cú. Do đó từ nay thế giới có lẽ nên quan tâm nhiều hơn hơn đến nhân tố liên minh Xô-Trung trong các mối quan hệ quốc tế với một tinh thần đề cao cảnh giác cần thiết . 

Sự kiện thứ hai là ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như đang ra sức làm mọi việc để có được một Trung ương "trong sạch, vững mạnh" điều mà ông đã loay hoay suốt cả một nhiệm kỳ vẫn chưa đạt được. Một trong những nỗ lực đó là tại Hội nghị TW 11 vừa bế mạc, đích thân Tổng Bí thư đã công bố cái gọi là "những tiêu chuẩn để lựa chọn người vào Trung ương" (Ban CH TƯ Đảng) cho Đại Hội Đảng lần thứ XII dự định tổ chức vào tháng 1/2016. Ai đọc các tiêu chuẩn đó sẽ thấy chúng khá chi tiết đến mức chi ly từng milimet, mà nếu căn cứ vào đó để lựa chọn người vào Trung ương thì sẽ vô cùng rối rắm (Tham khảo hêm chi tiết tại đây) 

Theo các nguồn tin chính thức, việc làm này của Tổng Bí thư được đa số dư luận trong nước hoan nghênh, có ý kiến đánh giá là "lần đầu tiên công bố điều cấm kị".... Tuy nhiên khi đi vào thảo luận cụ thể, đa số ý kiến cử tri và nhân dân đều thấy rất khó thực hiện (không khả thi) vì các tiêu chí quá mơ hồ, thậm chí nhiều trường hợp tự mâu thuẫn hoặc phủ định lẫn nhau. Ví dụ, trước hết không thể xác định ai hoặc cơ quan nào đủ tư cách để đứng ra lựa chọn; và khi nói rằng "không để lọt lưới những phần tử cơ hội biến chất...vào TW" thì làm thế nào để xác định ai là phần tử cơ hội biến chất..., ai không. Tóm lại, đó là một việc làm vô cùng khó và phức tạp nếu không nói là hoàn toàn không khả thi, thậm chí nếu cố gắng làm, có khi gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng - điều mà nhất thiết phải tránh trong dịp Đại hội Đảng.

Tính khả thi là một chuyện. Nhưng điều đáng nói hơn là việc một nhà lãnh đạo tối cao của quốc gia đáng ra phải tập trung tinh lực vào việc nghiên cứu và đề xướng chủ thuyết nhằm chấn hưng đất nước thì đằng này lại tập trung vào một lĩnh vực mang tính chất nhân sự hậu cần thuần túy như vậy. Sở dĩ Singapore, Hàn Quốc và khá nhiều quốc gia khác có thể vươn lên từ địa vị nghèo nàn lạc hậu trở thành nước công nghiệp chỉ trong vòng trên dưới 30 năm là nhờ việc họ có những nhà lãnh đạo tối cao có thể đưa ra chủ thuyết phát triển phù hợp cho từng thời kỳ. Việt Nam thì sao? Liệu có vị lãnh đạo tối cao nào có đủ bản lĩnh và khả năng như vậy? Đất nước sẽ đi về đâu nếu các vị lãnh đạo tối cao mãi quẩn quanh với nhiệm vụ "xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh"?

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn thông tin chia sẻ của bạn. Bạn có quan tâm về dịch vụ phẫu thuật cắt bọng mắt dưới. nếu có thì có thể tham khảo nhé!

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này