Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Đầu năm nghĩ về sự "không giống ai" của nước Việt

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, cùng với những biến cố lịch sử chưa từng thấy trên đất nước ta cũng đã phát sinh những cách tư duy và hành động không bình thường được gọi là "không giống ai". Sự không giống ai này diễn ra trong mọi lĩnh vực và nó đã và đang kiềm hãm đà tiến hóa bình thường của đất nước. Dưới đây xin nêu vài điều như thế.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, cùng với những biến cố lịch sử chưa từng thấy trên đất nước ta cũng đã phát sinh những cách tư duy và hành động không bình thường được gọi là "không giống ai". Sự không giống ai này diễn ra trong mọi lĩnh vực và nó đã và đang kiềm hãm đà tiến hóa bình thường của đất nước. Dưới đây xin nêu vài điều như thế.
Đầy tớ giàu hơn ông chủ

Hồ Chủ Tịch lúc sinh thời đã nêu lên định đề bất hủ "Cán bộ là đầy tớ của nhân dân". Thực ra đó là một khẩu hiệu để phấn đấu, nhưng có thời đã làm nức lòng dân chúng vì nó phản ánh đúng nguyện vọng của họ sau khi thoát khỏi ách "một cổ hai tròng" (phong kiến và thực dân) đang rất háo hức muốn được làm chủ vận mệnh của mình.

Tuy nhiên, mọi việc hoàn toàn không đơn giản như vậy. Việc đầu tiên của chính quyền mới tiến hành là cuộc cải cách ruộng đất ở nông thôn, cụ thể là tịch thu đất đai và nông cụ của địa chủ giao cho bần cố nông; đồng thời tiến hành cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản thư doanh ở thành thị, qua đó tịch thu các cơ sở sản xuất, kinh doanh của giai cấp tư sản và tiểu chủ giao cho cán bộ hoặc bộ đội phục viên vốn chưa hề có kinh nghiệm kinh doanh điều hành quản lý. Đó là việc chưa từng xảy ra ở Việt Nam trước đây. Thực ra việc này trước tiên đã được tiến hành ở miền Bắc và đã cho thấy những hậu quả không mấy tốt lành, nhưng vì những lý do khác nhau vẫn được áp dụng với miền Nam sau ngày giải phóng 30/4/1975 bất chấp hậu quả sai lầm nhãn tiền của nó. Bằng cách đó, trên cả nước đã diễn ra một quá trình hoán đổi ngoạn mục thay thế lớp người biết làm biết ăn bằng những người không biết làm ăn hoặc do lười biếng mà bị bần cùng hóa. Cùng với đó, toàn bộ hệ thống công quyền kiểu truyền thống đã mau chóng được thay thế bằng chính quyền hoàn toàn kiểu mới được gọi là "của dân do dân vì dân" với một đội ngũ công chức mới được gọi là "cán bộ- đầy tớ trung thành của nhân dân". 

Phòng khách của một nguyên Tổng Bí thư như cung điện vua chúa 
Vào thời đó, trong sự hân hoan đón chào thời đại mới, ít ai nghĩ rằng đó chính là sự bắt đầu của cái vòng luẩn quẩn sau này khi người ta dường như đã nhận ra sai lầm và ra sức làm mọi việc để được trở lại như ngày xưa bằng cách giải thể các HTX nông nghiệp, trả lại ruộng đất cho các hộ gia đình, đồng thời thực hiện cổ phần hóa các công ty nhà nước và đề cao mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôn vinh các doanh nhân "biết làm giàu", v.v...Nhưng xem ra quá trình sửa sai này còn khó hơn nhiều lần so với quá trình làm sai trước đó. Hậu quả là đất nước đã phí hoài hơn 1/2 thế kỷ để đi một vòng tròn đầy máu, nước mắt và mồ hôi thật cay đắng! Có lẽ điều duy nhất đạt được là sự đổi ngôi giữa "đầy tớ" và ông chủ, và theo đó nguồn của cải cũng được chuyển giao một cách chóng vánh từ ông chủ sang đầy tớ. Và sự ra đời tầng lớp (nếu không phải là giai cấp) cán bộ - những người không mất quá nhiều thời gian để nhận ra rằng đằng sau khẩu hiệu "đầy tớ trung thành của nhân dân" luôn có ánh lấp lánh của quyền uy và sự giàu sang phú quý đầy sức cám dỗ. Do đó, khi đã yên vị họ nhận thấy rằng chỉ những kẻ ngốc mới không chịu làm đầy tớ!; nhiều người trong số họ nhận thấy làm đầy tớ là một nghề dễ sinh lợi nhanh có lẽ chỉ sau nghề buôn lậu. Và bằng mọi cách họ phải làm sao duy trì được càng lâu càng tốt địa vị của mình không chỉ để làm giàu mà còn để tiếp tục bảo vệ được thành quả một cách lâu dài. Vậy nên mới có hiện tượng những ông đầy tớ bám ghế dai như đỉa, và trước khi về hưu thì tranh thủ bổ nhiệm càng nhiều con cháu và người thân cận vào các cương vị quan trọng để tiếp tục bảo vệ lẫn nhau. Về điểm này không nên nhầm lẫn giữa các thế hệ cán bộ cách mạng tiền bối đã phụng sự cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mà không hề vụ lợi so với "một bộ phận không nhỏ" quan chức thoái hóa biến chất hiện nay.

Dối trá trở thành lối sống 

Vẫn biết tính dối trá luôn đồng hành trong mỗi con người và đối với mọi dân tộc trên thế giới này. Tuy nhiên, có thể nói ở Việt Nam lâu nay dối trả đã trở thành một căn bệnh trầm kha không phương cứu chữa thì phải (?). Trong các cơ quan nhà nước, cấp dưới nói dối cấp trên là hiện tượng phổ biến được đúc kết là "làm thì láo báo cáo thì hay", đồng thời có một nhận xét chí lý rằng nếu ai không biết nói dối, không biết làm ẩu, không biết ‘ăn theo nói leo’ thì không thể tồn tại trong hệ thống công quyền. Tất nhiên ngoài xã hội tình hình không thể khá hơn. Hiện tượng con cái nói dối bố mẹ, học trò nói dối thầy cô, và người ta lừa dối nhau mọi lúc mọi nơi mà không thấy cắn rứt lương tâm. 
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính có lẽ do quá trình kéo dài nhiều thập kỷ mà trong đó mọi công dân phải sống và làm việc với đồng lương không ra lương trong những điều kiện khó khăn thiếu thốn vật chất kéo dài. Các phong trào thi đua khiến người ta sinh ra thói chạy theo thành tích bằng mọi thủ đoạn dối trá. Trong sự thiếu vắng của một nền pháp chế đúng nghĩa của nó, thì những quy định hành chính tạm thời thường cứng nhắc và vô lý gây tâm lý bất bình, bất an, bất phục trong dân chúng, rốt cuộc khiến người dân phải đối phó bằng thái độ dối trá. Sự hụt hẫng lòng tin không chỉ về tôn giáo mà cả chủ thuyết chính trị khô cứng cũng khiến con người ta dễ thỏa hiệp với thói dối trá hơn mỗi khi phải đứng trước lựa chọn lợi ích vật chất, tinh thần hay đạo lý nào đó. 


Cột điện cũng không giống ai; ngành điện kêu lỗ, dân kêu khổ..., chính phủ không phân xử được 

Tình trạng dối trá kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của đất nước khi hầu hết những công trình nghiên cứu khoa học cũng như các dự án phát triển đều nhằm mục tiêu thành tích, bị lạm dụng và tham nhũng. Rốt cuộc lòng tin của dân chúng vào chế độ bị xói mòn nghiêm trọng.
Nhầm lẫn khái niệm 

Trong quá trình vận hành chế độ mới XHCN đã phát sinh nhiều khái niệm mới như "Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ", "quyền làm chủ tập thể", "lấy dân làm gốc", v.v...và v.v...thường là mơ hồ ngoài sức hiểu biết của người bình thường đương thời. Chúng khiến người dân trở nên thụ động trông chờ "tất cả đã có Đảng và Nhà nước lo!"... Hậu quả là cả xã hội bị thui chột tính năng động sáng tạo vốn có, không còn động cơ để phát triển một cách lành mạnh. 

Tình trạng nhầm lẫn cũng diễn ra trong nếp nghĩ và lối sống của mọi người, kể cả dân thường cũng như giới quan chức. Tình trạng nhầm lẫn này đã đến mức báo động. Nếu trước đây những lời giáo huấn của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước dù sao cũng còn được lắng nghe, thì giờ đây có thể trở thành trò cười cho thiên hạ khi hàng loạt những vụ tai tiếng do họ gây ra lần lượt bộc lộ với những tin tức dồn dập về các vụ lợi dụng chức quyền để tham nhũng làm giàu của giới quan chức từ thấp đến cao khiến công luận rất bất bình. Mới đây nhất có hai vụ mang tính điển hình thuộc về Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Việc tờ Tiền Phong -cơ quan ngôn luận của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (dù là cố tình hay vô ý) phát tán những hình ảnh nội thất xa hoa như vua chúa trong một ngôi biệt thự của Nguyên TBT Nông Đức Mạnh cho thấy mức độ xuống cấp nghiêm trọng trong quan niệm đạo lý và hoàn toàn trái ngược với những gì mà giới lãnh đạo từng kêu gọi dân chúng "học tập tấm gương Bác Hồ",. Những vụ việc cụ thể khó chối bỏ này góp phần cắt nghĩa tại sao tệ nạn tham nhũng ngày càng trở nên công khai ngang nhiên thách thức công luận đến thế. 

Thế lực "phản động thù địch" đông đảo thế này thì nguy quá! 


Sự nhầm lẫn khái niệm cũng lây lan sang khái niệm bạn-thù, cách mạng-phản cách mạng vốn là những khái niệm khá rành rọt trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây. Ngày nay thuật ngữ "thế lực thù địch" được nhắc đến với một nội hàm mơ hồ, khó xác định, do đó cũng dễ bị lợi dụng bởi các nhóm lợi ích bất chấp lợi ích chung của dân tộc. Thật nguy hiểm khi mà cùng một sự việc, một con người nhưng bị hiểu khác nhau tùy theo lợi ích và quan điểm của các thế lực đang nắm quyền và đại số nhân dân. Xin đơn cử một ví dụ gần đây, đó là khi Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang 981 vào vùng biển của Việt Nam hồi giữa năm 2014 làm dấy lên phong trào phản đối của quần chúng trong cả nước. Trong bối cảnh đó đương nhiên không thể tránh khỏi những cuộc tụ tập đông người và một nếu xảy ra một vài vụ bạo động cũng là dễ hiểu. Khách quan mà nói, đó là dấu hiệu lành mạnh của lòng yêu nước và là cơ hội tốt để vực dậy tinh thần đoàn kết toàn dân vốn đang phôi phai trong dân chúng. Tuy nhiên, điều không bình thường là, khi một vài vụ bạo động xảy ra tại khu công nghiệp Bình Dương và Vũng Áng lại bị quy kết là do "các thế lực phản động thù địch" gây ra. Đó là gì nếu không phải là sự quy kết tùy tiện theo cảm tính, và để làm gì? Không loại trừ khả năng có những thế lực muốn tạo cớ để dập tắt phong trào quần chúng phản đối Trung Quốc đang dâng cao không có lợi cho lợi ích của phe nhóm họ. Và sự quy kết đó đã lập tức bị phía Trung Quốc lợi dụng để lớn tiếng "tố ngược" đối với Việt Nam. Thật nực cười khi kẻ cướp lại đòi nạn nhân phải xin lỗi và bồi thường!

Thay cho lời kết 
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, mọi sai lầm đều có thể xảy ra, nhưng chúng là bình thường nếu được nhận biết và khắc phục kịp thời. Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai họa đối với một dân tộc, thì thái độ kiêu ngạo tự mãn, độc đoán, chuyên quyền của vua chúa là khôn lường. Phải chăng kinh nghiệm này đang ứng nghiệm với trường hợp của Việt Nam khi mà chính quyền có xu hướng ngày càng chủ quan xa rời dân chúng, thậm chí xếp tất cả mọi công dân có ý kiến trái chiều vào cùng một rọ "phản động thù địch"? Thử hỏi có đúng "quy luật biện chứng" không khi cho rằng tất cả những ai, kể cả vốn thuộc thành phần cách mạng, trí thức, cán bộ, đảng viên và mọi người Việt Nam yêu nước, có thể bỗng chốc diễn biến một cách đơn giản và dễ dàng thành kẻ phản động thù địch như vậy? Chắc là không, vì con người ta không thể thay đổi nhanh chóng và vô cớ như vậy. 
Vẫn biết cuộc tranh luận đúng/sai trong chuyện này khó mà đi đến hồi kết, nhưng có một điều có thể nhìn thấy trước, đó là với cái cách mà những người nhân danh công tác tư tưởng và bảo vệ chế độ đang tiến hành hiện nay, chính họ đã và đang tự tạo ra tình trạng chia rẽ nội bộ một cách không cần thiết. Thiết nghĩ, bên cạnh mối lo ngại về nguy cơ tụt hậu kinh tế và xâm lược, điều đáng lo ngại hơn chính là sự chia rẽ từ bên trong đất nước này mà có lẽ bắt đầu từ thái độ khư khư bảo thủ của giới lãnh đạo đối với công luận, từ đó vô hình trung dẫn đến trạng thái phản ứng ngược trong công chúng với thái độ bất phục, bất tín mang dáng dấp của hình thái "vô chính phủ" như có thể thấy trong điều hành trật tự giao thông, quản lý đất đai và trật tự an ninh xã hội. Trước bối cảnh này, phải chăng điều kiện cần cấp ngõ hầu có thể chặn đứng mọi nguy cơ phải bắt đầu từ giới lãnh đạo cao nhất của đất nước cùng với việc khẩn trương thiết lập một chế độ pháp trị và một một xã hội dân sự đúng nghĩa của nó./. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này