Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Giàn khoan Haiyang HD-981:Thách thức và cơ hội


Giàn khoan HD 981, Trung Quốc, bành trướng, tranh chấp lãnh thổ, biển Đông, năng lượng, đồng minh, Putin, chủ quyền, toàn vẹn quốc gia

Từ 1/2 thế kỷ nay Trung Quốc ráo riết lấn chiếm lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam bằng vũ lực với những thủ đoạn tinh vi xảo quyệt. Về phần mình, do tương quan lực lượng chênh lệch Việt Nam chưa thể làm gì để đối phó một cách có hiệu quả. Xâm chiếm biển đảo là mục tiêu "cốt lõi" của nhà cầm quyền Bắc Kinh, theo đó họ đã lần lượt chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 (lúc đo do VNCH quản lý), chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988, và hiện nay đang định mở rộng vùng chiếm đóng phía nam Hoàng Sa sâu trong lãnh hải của Việt Nam. Nhìn toàn cục, đó là những tổn thất nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Tuy nhiên tục ngữ có câu "con giun xéo lắm cũng oằn" và "trong họa có may". Do đó việc Trung Quốc sử dụng giàn khoan khủng HD-981 như một "cột mốc đi động" để lấn chiếm lãnh hải của Việt Nam thực chất là hành động xâm lược, nhất là khi họ đồng thời dùng tàu có vũ trang tấn công gây thiệt hại và thương tích đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Hành động này xét một mặt là nguy cơ nhưng xét mặt khác là tạo ra cơ hội để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc. Đây là luận điểm mà Việt Nam cần tận dụng khai thác. Lý do có nhiều, nhưng có 3 lý do chính yếu sau đây.

Một là, ai cũng biết Việt Nam yếu hơn Trung Quốc về quân sự. Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam có thể đánh trả để tự vệ, nhưng khó có thể lấy lại những đảo đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Tuy nhiên, quân sự chỉ mà một vế của cuộc đấu tranh, thậm chí là vế phụ nếu xét vấn đề chiến tranh và hòa bình trong bối cảnh thế giới hiện đại ngày nay. Thế mạnh của Việt Nam là pháp lý và chính nghĩa.

Hai là, Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa trên thực tế (de facto occupation) được 40 năm liên tục, mà theo tinh thần luật pháp quốc tế, nếu Việt Nam để lâu hơn (tối thiểu là 50 năm) không thưa kiện cũng không có hành động chiến tranh để giành lại thì coi như thừa nhận sự chiếm đóng của Trung Quốc. 

Ba là, Trung Quốc đã có tính toán rất kỹ lưỡng và thâm hiểm khi lựa chọn địa điểm đặt giàn khoan bên cạnh chu vi quần đảo Hoàng Sa tranh chấp đồng thời lấn sâu vào lãnh hải của Việt Nam nhằm mở rộng diện tích chiếm đóng. Tuy nhiên, âm mưu này vô hình trung cũng tạo ra một lợi thế cho Việt Nam để đưa vấn đề ra kiện tại các cơ chế tòa án quốc tế không chỉ về vụ giàn khoan mà cả vụ tranh chấp Hoàng Sa. Vấn đề là Việt Nam lựa chọn cơ chế nào, tòa án nào cho thích hợp mà thôi. Nếu làm tốt vụ kiện lần này Việt Nam có thể đạt hai mục tiêu: Buộc Trung Quốc rút giàn khoan là điều chắc chắn đạt được; và chính thức nhắc lại đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp.

Theo dõi tình hình thì thấy, dư luận quốc tế đang chuyển biến rất nhanh theo hướng ngày càng thuận lợi đối với Việt Nam (có lẽ chưa từng thấy trước đây kể từ thời chiến tranh chống Mỹ). Trong số các nước ủng hộ Việt Nam đến nay có tất cả các quốc gia quan trong như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, EU...; riêng tổ chức ASEAN đã ra tuyên bố tại Hội nghị cấp cao tại Myanma, và đây là tuyên bố đầu tiên đạt được về một vụ việc tranh chấp tại Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ coi hành động của Trung Quốc là "gây hấn và không ích lợi gì cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực". Thượng Nghị sĩ John McCain đánh giá "Hành động gây hấn này của Trung Quốc làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc" và "...chỉ làm leo thang căng thẳng ở biển Đông". Theo ông, " Trung Quốc hiển nhiên phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho nỗ lực đơn phương này khi tìm cách thay đổi hiện trạng" và "Các hành động này của Trung Quốc dựa trên những tuyên bố chủ quyền không hề có cơ sở nào trong luật quốc tế. Thực tế, Trung Quốc tiến hành khoan ngay trong vùng Đặc quyền Kinh tế của VN vốn đã được định rõ trong luật quốc tế". 

Cách lập luận trên được đại đa số dư luận quốc tế cùng chia sẻ. Chắc rằng dư luận quốc tế sẽ tiếp tục diễn biến bất lợi cho Trung Quốc như kẻ tham vọng bành trướng bá quyền bất chấp lẽ phải ... Dù cuồng vọng, ngang ngược và ngạo mạng Trung Quốc cũng phải tính đến dư luận quốc tế. Xét trong bối cảnh hiện nay, hành động của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Việt Nam và đe dọa hòa bình khu vực và quốc tế, nhưng đồng thời cũng tạo ra một cơ hội mà Việt Nam cần chủ động nắm bắt để hóa giải thách thách thức. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này