Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Có gì mới trong chính sách ngoại giao Trung Quốc

Để biết có gì mới trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong thời gian tới, chí ít trong năm 2014, xin mời đọc tài liệu tham khảo đặc biệt của của TTXVN ngày 31/3/2014 dưới đây (bản gốc tại đây) (*). 

Thay cho lời bình luận dài, chủ blog Bách Việt xin tóm lược thành 5  ý (những dòng tô đỏ và gạch dưới là các điểm đáng lưu ý.

1) Bắc Kinh sử dụng chiêu bài "duy trì thành quả sau thế chiến II" để xác lập cho được tư thế bá quyền nước lớn trên quy mô toàn cầu bất chấp sự (chưa thích ứng) của cộng đồng quốc tế; 
2) Tiếp tục đề cao biện pháp dùng sức mạnh và không nhân nhượng trong trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, biển đảo với các nước láng giềng; 
3) Dùng chiến thuật tìm đối tượng "điểm phát lực" để tập trung giải quyết trước qua đó cảnh báo uy hiếp các đối tượng còn lại; 
4) Để ngỏ khả năng đối đầu quân sự với Nhật Bản đồng thời chuẩn bị cho thời kỳ hòa dịu  tiếp sau;     
5) Riêng về quan hệ Trung-Việt, ta thấy không hề có một chữ Việt nào được nhắc đến (trong khi Myanma được được nhắc lại nhiều lần). Điều này kết hợp với với 2 ý : "tuyệt đối không chấp nhận yêu cầu vô lý của các nước nhỏ" và  "hiệu ứng cảnh báo và uy hiếp . Từ đó có thể suy ra thái độ coi thường của Bắc Kinh đối với Việt Nam, thậm chí không coi Việt Nam như một đối tác cần tranh thủ (so với Myanma) mà chỉ là một trường hợp riêng tư muốn làm gì thì làm. Do đó Việt Nam không thể mơ hồ về bất cứ khả năng thỏa hiệp song phương (đi đêm) nào trong giải quyết tranh chấp biển đảo, trái lại rất dễ bị chọn để gây "hiệu ứng cảnh báo và uy hiếp" hoặc ngược lại./. 



 (*) Bản sao tài liệu TK của VNTTX(nếu bạn độc không vào được đường link tới bài gốc)
TTXVN ngày 31/3/2014
Theo tờ “Thương báo” (Hong Kong), nội dung chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc luôn là tiêu điểm thu hút sự chú ý của dư luận dù là trong báo cáo công tác chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại kỳ họp Lưỡng hội hay trong buổi họp báo sau khi bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 12 hôm 13/3. Trong những sự kiện này, thái độ của Thủ tướng Lý Khắc Cường đối với chính sách ngoại giao láng giềng hết sức rõ ràng, đó là đặt ngoại giao láng giềng ở vị trí hàng đầu trong các phương hướng, lĩnh vực ngoại giao.

Động thái trên cho thấy mặc dù chiến lược đối ngoại của Trung Quốc ngày càng có xu hướng vươn ra thế giới, song trong bất kì hoàn cảnh và thời điểm nào, nước này vẫn phải ưu tiên giải quyết tốt vấn đề châu Á, việc đạt được sự hiểu biết, ủng hộ của các nước ở châu Á là quan trọng hơn hết. Trả lời phỏng vấn báo giới, Giáo sư Triệu Lỗi, Trưởng Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc trường Đảng trung ương cho biết phương hướng, nguyên tắc ngoại giao láng giềng của Trung Quốc trong năm 2014 không có biến đổi lớn. Về tổng thể, Trung Quốc vẫn duy trì phương thức truyền thống, song đối với những vấn đề nhỏ, nước này không ngừng tìm kiếm “điểm dốc sức mới”. Trong khi đó, ở nhiều vấn đề cốt lõi, Trung Quốc sẽ bao quát quan hệ lợi ích của các quốc gia có liên quan cũng như lợi ích cốt lõi của nước này.

Theo ông Hiểu Ngạn, bình luận viên thời sự quốc tế nổi tiếng, nội dung về quan hệ ngoại giao láng giềng hay quan hệ nước lớn kiểu mới trong báo cáo công tác chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường đều đặt việc bảo vệ chủ quyền quốc gia lên vị trí hàng đầu trong các nhiệm vụ ngoại giao tổng thể.

Đồng thời, nội dung “bảo vệ thiết thực quyền lợi hợp pháp của công dân và pháp nhân Trung Quốc ở nước ngoài” đã được nâng tầm, ngang hàng với công tác bảo vệ chủ quyên, an ninh và phát triển lợi ích quốc gia. Điều đó không chỉ phản ánh sự coi trọng của chính phủ khóa mới đối với lợi ích của nhân dân mà còn cho thấy ý thức giữ gìn và duy trì quyền lợi hợp pháp, ý thức về chỗ đứng cũng như ý thức về nguồn cội của ngoại giao Trung Quốc không ngừng nâng cao.

Trong khi đó, Giáo sư Lý Đại Quang thuộc Đại học Quốc phòng cho rằng việc đặt ngang hàng các nội dung chủ quyền, an ninh và phát triển đất nước là một lần nâng tầm quan điểm ngoại giao của Trung Quốc. Do đó, việc đưa nội dung bảo vệ công dân, pháp nhân ở nước ngoài vào báo cáo lần này cho thấy trong tiến trình trở thành nước lớn mang tính toàn cầu, quan điểm ngoại giao của Chính phủ Trung Quốc đã được nâng tầm.

“Tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, tuyệt đối không chấp nhận yêu cầu vô lý của các nước nhỏLiên quan đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, lập trường kiên định và rõ ràng của Trung Quốc là: Chúng tôi không chiếm những gì không thuộc về chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của chúng tôi”. Phát biểu này của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong thời gian diễn ra kỳ họp Lưỡng hội có lẽ là biểu hiện rõ nét nhất của việc nâng tầm ý thức duy trì quyền lợi hợp pháp trong chính sách ngoại giao của nước này.

Theo ông Triệu Lỗi, suốt một thời gian dài trước đây, Trung Quốc không chủ động bày tỏ thái độ về mặt ngoại giao hoặc chỉ bày tỏ thái độ phản đối đối với một số vấn đề không hài lòng. Song Trung Quốc hiện đã bắt đầu tích cực tham dự vào các công việc quốc tế, không chỉ thể hiện thái độ phản đối rõ ràng các công việc không hài lòng, mà còn bày tỏ ủng hộ đối với các công việc đem lại sự hài lòng cho nước này. Sự chuyển biến rõ nét trong phong cách ngoại giao này có thể sẽ khiến các quốc gia láng giềng của Trung Quốc tạm thời chưa thích ứng.

Phong cách này của Trung Quốc có thể được hình dung bằng cụm từ “trong nhu có cương”. Cùng một sự việc, song ở góc độ này có thể là cứng rắn, ở góc độ khác lại có thể là mềm mỏng. Nói một cách tổng thể, về toàn cục, Trung Quốc vẫn duy trì sách lược “giấu mình chờ thời” trước đây, song đối với các vần đề cụ thể thái độ của nước này đã rõ ràng hơn. Đây là những biểu hiện tiến bộ của ngoại giao Trung Quốc, cộng đồng quốc tế nên từng bước thích ứng.

Trước đây cộng đồng quốc tế cho rằng ngoại giao Trung Quốc không rõ ràng, đó là không tùy tiện bày tỏ thái độ, không dễ dàng thể hiện mục đích theo đuổi. Song hiện nay tất cả đều minh bạch, rõ ràng, mục đích theo đuổi là duy trì trật tự quốc tế được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đây chính là biểu hiện của hành động “gánh vác trách nhiệm”. Tuy nhiên, thành kiến của một số nước trong cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc rất sâu sắc khiến sự đánh giá đối với ngoại giao của Trung Quốc cũng luôn bị tiêu cực. Cho dù các nước đánh giá như thế nào, thì về vấn đề nguyên tắc, lập trường thái độ của Trung Quốc sẽ ngày càng rõ ràng và đây chính là xu thế lớn của ngoại giao Trung Quốc trong tương lai.

Ông Triệu Lỗi cho rằng: “Trong quan hệ ngoại giao láng giềng, Trung Quôc trước mặt cần tìm điểm phát lực (nghĩa là khi động vào một bộ phận nhỏ là ảnh hưởng đến toàn cục), tập trung tinh thần và sức lực giải quyết tốt một vấn đề, phát huy hiệu ứng kiểu mẫu của vấn đề này, tức là hiệu ứng cảnh báo và uy hiếp”.

Như vậy, đâu mới là điểm phát lực của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc? Theo ông Hiếu Ngạn, Triều Tiên, Nhật Bản và Myanmar đều có điều kiện trở thành những trọng điểm trong công tác ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên trong năm 2014 đang diễn biến theo xu hướng xấu, “vãn hồi” là yêu cầu chung của hai nước và cũng là con bài quan trọng của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng đối với Triều Tiên trong tình hình khó khăn hiện nay.

Trong khi tình trạng đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã duy trì hơn 1 năm nay. Ngoại giao Trung Quôc năm 2014 nên mượn đà này phát triển. Đồng thời với việc duy trì áp lực chính trị tâm cao, cần tìm cách gia tăng những tổn thất do đối đầu Nhật – Trung gây ra; tạo cục diện cơ bản trong thời kỳ đóng băng quan hệ Trung – Nhật, tăng cường tính chất cạnh tranh chiến lược trong ngoại giao với Nhật Bản, giành thế thắng trong đấu tranh quân sự, đồng thời chuẩn bị sẵn cục diện phá băng “thời kỳ hậu Abe”.

Theo ông Triệu Lỗi, năm nay là tròn 120 năm Chiến tranh Giáp Ngọ, việc Trung Quốc nhắc lại thời điểm lịch sử quan trọng này cho thấy thái độ quyết tâm của Trung Quốc trong việc duy trì thành quả sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và duy trì trật tự an ninh quốc tế, Myanmar cũng là phương hướng mà ngoại giao láng giềng Trung Quốc cân quan tâm sâu sắc trong năm 2014. Trung Quốc là láng giềng quan trọng nhất của Myanmar, việc nước này quá độ hòa bình, hòa giải thuận lợi, phát triển phồn vinh phù hợp với lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

Chỉ cần Trung Quốc hành xử thỏa đáng, đúng cách, cho dù nội bộ Myanmar xảy ra biến đổi gì, ngoại giao Myanmar trong tương lai sẽ vẫn giữ cục diện “có chỗ đứng ở ASEAN, phía Bắc dựa vào Trung Quốc, phía Tây trông mong vào Ấn Độ và giữ quan hệ tốt đẹp với phương Tây”.

Ổng Triệu Lỗi cho biết nguyên tắc ngoại giao của Trung Quốc trong thập niên 80 của thế kỉ trước là duy trì thái độ “từ bỏ” đối với các vấn đề không liên quan đến lợi ích cốt lõi của quốc gia. Năm nay là tròn 60 năm Trung Quốc đưa ra 5 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, nội hàm của nó rất sâu sắc. Điều này thể hiện thái độ của Trung Quốc trong việc tôn trọng, giữ gìn hòa bình cũng như kiên trì qụyết tâm của nguyên tắc này, đồng thời tuyên bố với thế giới rằng nguyên tắc quan trọng nhất trong quan hệ giữa các nước là tôn trọng lẫn nhau.

Hiện nay cho dù là ngoại giao láng giềng hay quan hệ nước lớn, Trung Quốc vừa phải chú ý thân phận là một nước đang phát triển, thân phận này đòi hỏi Trung Quốc phải duy trì thái độ từ bỏ đối với một số vấn đề quốc tế; mặt khác Trung Quốc cần chú ý đến trách nhiệm quốc tế của một nước lớn đang trỗi dậy, tích cực tham gia điều hành thế giới. Hai mối quan tâm này đã tạo nên thách thức mới, vận hội mới đối với ngoại giao Trung Quốc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này