Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Lãnh đạo VN: Vì sao nhiều nhưng không manh, mới nhưng vẫn cũ?

Hai tân Phỏ Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái) và Phạm Bình Minh
Ngày 13/11, Quốc hội vừa "nhất trí cao" thông qua việc bổ nhiệm thêm 2 Phó Thủ tướng mới nâng tổng số Phó Thủ tướng của Việt Nam lên con số 5 tròn trĩnh và có lẽ là nhiều nhất thế giới! Cá nhân tôi vốn ngưỡng mộ hai nhân vật này và tin rằng họ sẽ còn tiến xa hơn thế. Điều tôi muốn nói ở đây là cái cách thức lựa chọn và bổ nhiệm lãnh đạo ở Việt Nam và những hệ lụy của nó.

Xung quanh sự kiện này có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ý kiến chung nhất cho rằng cách bổ nhiệm lãnh đạo như vậy "chỉ có ở Việt Nam" - đất nước mà  lúc nào cũng ở "thời kỳ quá độ" mãi mê tìm tòi khám phá những điều mà nhân loại đã đi qua rồi! Đó cũng là lý do tại sao Đảng, Chính phủ và Quốc hội liên tục kêu gọi "cải cách hành chính"và "tinh giản biên chế"..., nhưng đội ngũ công chức không ngừng tăng với tốc độ nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế; tại các lễ hội, phần giới thiệu danh sách đại biểu thường dài đến sốt ruột! 

 Sở dĩ việc bổ nhiệm cùng lúc 2 phó Thủ tướng mới được dư luận hoan nghênh trước hết là vì người Việt Nam đã quá thất vọng với giới lãnh đạo già nua bảo thủ và giờ đây rất sẵn lòng chào đón những gương mặt trẽ hơn. Tuy nhiên, đó là thứ tình cảm nhất thời khiến người ta quên đi những điều kiện khác mà Việt Nam đang rất cần, đó là tầm nhìn và bản lĩnh độc lập của người lãnh dạo. Thực tế thế giới cho thấy không phải độ tuổi trẻ hay già mà tầm nhìn và bản lĩnh độc lập mới là yếu tố cần thiết nhất của một nhà lãnh đạo. Ở nhiều nước, kể cả các nước phát triển, độ tuổi lãnh đạo có thể rất trẻ nhưng cũng có thể khá già dặn (như Lý Quang Diệu của Singapore, Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc v.v...) vì ở đó người ta căn cứ vào bản lĩnh và tầm nhìn để lựa chọn lãnh đạo. Tất nhiên tầm nhìn cần được thể hiện công khai, tốt hơn hết là bằng cương lĩnh và chương trình hành động cụ thể, đủ sức thuyết phục trước công chúng. Đó cũng là thước đo để đánh giá công tác trong suốt nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo. Người lãnh đạo ngoài việc tuân thủ nguyên tắc công tác và nghĩa vụ đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, điều quan trọng là phải tỏ rõ bản lĩnh và lập trường riêng của mình nhằm đảm bảo thục hiện cương lĩnh hành động đã cam kết. Trong trường hợp cảm thấy không đủ sức thực hiện hoặc bị người khác ép buộc từ bỏ chính kiến của mình thì bản thân họ sẽ tự nguyện từ chức mà không  cần đợi hết nhiệm kỳ. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức, Pháp v.v...việc từ chức hoặc bị cách chức là hoàn toàn bình thường nhằm đảm bảo hoạt động của guồng máy  và vì lợi ích của quốc gia. Đó là một đặc điểm của phong cách lãnh đạo trong thế giới hiện đại.  

Tiếc rằng điều này chưa có và có lẽ còn lâu mới có trong nền chính trường Việt Nam-nơi sản sinh ra khái niệm "lãnh đạo tập thể" gây nhiều tranh cãi. Tâm lý "kéo áo nhau" cùng lên, cùng xuống... cũng là một đặc thù của nền chính trị Việt Nam. Còn nhớ sự kiện giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ 8, hàng loạt lãnh đạo chủ chốt đã cùng nhau nghĩ hưu tạo ra một sự "hụt hẩng" không cần thiết, trong đó sự ra đi của ông Võ Văn Kiệt được cho là một sự thiệt thòi" cho đất nước. Như một biện pháp vớt vát người ta đã cho ra đời quy chế "cố vấn" khiến cho cơ chế lãnh đạo càng thêm rườm rà. Đó chỉ là một trong những biểu hiện của cung cách lãnh đạo lạc hậu tại đất nước này. Nghe nói trong quá trình họp Quốc hội vừa qua đã có ý kiến đề nghị 2 vị Phó Thủ tướng được đề cử trình bày chương trình hành động..., nhưng không hiểu vì lý do nào, đến nay vẫn chưa thấy gì ngoài những lời phát biểu chung chung.  Đây chính là một  lổ hổng trong quy trình lựa chọn và đề bạt cán bộ ở Việt Nam như nó vốn dĩ vẫn thế. Vẫn biết, nếu xét từng cá nhận lãnh đạo Việt Nam không thiếu người tài và bản lĩnh, nhưng tiếc thay họ không được tạo điều kiện để thể hiện một cách công khai trước công chúng, do đó sau khi nhận nhiệm mới vụ họ thường dễ trở nên tự mãn, tự phụ và xa dần với quần chúng nhân dân, thậm chí trở nên quan cách, độc đoán. Không có cương lĩnh hành động từ trước, họ thường lúng túng và dẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bị thao túng bởi giới lãnh đạo đàng anh. Là thiểu số mới lên họ dẽ bị rơi vào thế "thiểu số phải phục tùng đa số". Rốt cuộc họ chỉ còn cách lựa chọn, một là chịu "bị đồng hóa" bởi ê kíp cũ, hai là bị loại bỏ giữa chừng, ba là "bị liệt vị" không thể phát huy được gì trong một guồng máy tập thể đã an bài.  Nhiều người hẳn còn nhớ trường hợp cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã bị "loại bỏ" như thế nào trước sức ép của các thế lực "thù trong giặc ngoài" vào những 1980. Ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng về phong cách và bản lĩnh cũng đã từng là nạn nhân trong nhiều năm liền. Rất nhiều trường hợp người tài đức đã "biến mất" trong quá trình vận hành nền chính trị của đất nước này. Thực tế cho thấy không chỉ bản thân họ bị "ngã ngựa giữa dòng" và sự nghiệp của đất nước cũng bị ảnh hưởng. Sự thật phủ phàng và trớ trêu đến nỗi nhiều người đã rút ra bài học rằng muốn làm nên sự nghiệp lớn trước hết hãy biết bảo vệ mình...bằng cách dĩ hòa vi quý (!). Nhưng thực ra đó chỉ là cách ngụy biện thuận tiện nhất đối với những kẻ cơ hội chờ thời. Liệu đất nước này có thể cải cách và phát triển với một đội ngủ quan chức với quan niệm đầy thực dụng như vậy không?

Thiết nghĩ, điều Việt Nam đang thiếu hiện nay không chỉ là lãnh đạo trẻ mà là lãnh đạo có bản lĩnh và tầm nhìn với phong cách hiện đại. Họ phải là người dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Chí có những lãnh đạo như thế mới có thể công phá vào cái lô cốt được xây bằng thứ vật liệu của sự dối trá và mị dân cùng những khái niệm mơ hồ như "lãnh đạo tập thể", "nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên", "đấu tranh phê và tự phê" v.v... Khi nào còn thiếu vắng những lãnh đạo như thế thì chưa thể hy vọng đất nước ra khỏi tình trạng trì trệ và bảo thủ đã ăn sâu bám rể trong trong thời gian dài./.               

 

5 nhận xét:

  1. Rất đúng đắn , cách tiến cử quan chức của VN là rất lạc hậu, cực đoan theo kiểu Nhân trị chứ không là pháp trị. Với nguyên tắc " đảng lãnh đạo, nhà nước ( QH, Chính phủ, Tòa án..) , nhân dân làm chủ " đã biến thành luật bất thành văn " đảng cử , dân bầu" trong bầu cử HĐND , QH và đề bạt cán bộ nhà nước VN . Trăm năm nữa liệu có được nguyên tắc bầu cử của các nước pháp quyền dân chủ tiến bộ?

    Trả lờiXóa
  2. Với thể chế này mà bác TKNghị còn hy vọng và đặt niềm tin vào cách
    bổ nhiệm quan chức cán bộ,nhất là tin vào bản lĩnh cá nhân họ được,
    hả bác ? Chỉ có lãnh tụ thì may ra được quyền chỉ đạo và hành động
    độc lập nhưng phải là lãnh tụ có sức lấn át người khác,cỡ như HCM.
    hay nhóm chuyên quyền Lê Duẫn-LĐThọ thì mới được,chứ còn thứ
    làng nhàng thuộc "cá mè một lứa" như hiện nay thì chẳng có bản lĩnh
    hay khả năng nào thay đổi được đất nước !

    Trả lờiXóa
  3. Ơ Hơ ! Bác Nặc danh chỉ được cái nói đúng thôi ...

    Trả lờiXóa
  4. Cứ làm theo phương cách chính trị như bọn tư bản giãy chết ấy: vừa gọn nhẹ lại vừa có trách nhiệm cá nhân rõ ràng. Ở xứ ta mỗi lần tiếp đón các nguyên thủ thế giới thì nào là TBT, nào là CTN, nào là TTg, nào là CTQH ôi hằm bà lằn. Tinh giảm biên chế cái chỗ nào ?

    Trả lờiXóa
  5. Đỉnh cao - lãnh đạo chỉ gồm:
    1 bộ phận do cơ cấu nên "tự dưng" phải làm lãnh đạo- có ai xin đâu?
    1 bộ phận do dùng ngoại tệ mạnh để "mua" chức- nên.......

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này