Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Đến Phú Quốc nghĩ về biên cương phía Bắc

Mới đây tôi có dịp đến thăm Phú Quốc-hòn đảo địa đầu phía tây-nam của tổ quốc. Đó là chuyến thăm đầu tiên của tôi đến nơi đây với mục đích thuần túy là du lịch . Nhưng với những gì tai nghe mắt thấy trong chuyến đi tôi không thể không liên hệ đến vùng biên giới phía Bắc nơi tôi đã đến không ít hơn chục lần trước đây.
Đảo Phú Quốc có diện tích xấp xỉ Singapore nhưng  giàu đẹp hơn nhiều về cảnh quang và tài nguyên thiên nhiên....Có chung biên giới trên biển với cả Campuchgia và Thái Lan, và cũng rất gần Singapore và Malaysia,đảo Phú Quốc có vị trí chiến lược quan trọng như một tiền đồn phía tây-nam của tổ quốc.

Ấn tượng trước hết đối với tôi là sự thanh bình và sức sống đang lên của hòn đảo này. Tôi đã dành trọn thời gian  của chuyến đi để đến hầu hết mọi địa điểm cần đến của hòn đảo. Điều ngạc nhiên đầu tiên là không thấy bóng một người lính nào (trừ một vài cảnh sát đang giải quyết một vụ tai nạn giao thông  trên một đoạn đường  ven biển phía nam đảo). Khi đến bờ biển  tây-bắc của đảo (giáp với Campuchia) nơi có một đồn biên phòng nhưng tuyệt nhiên cũng không thấy người lính nào đi ngoài đường hay trên biển. Tuy vậy, cảm nhận chung là tình hình trật tự trị an trên đảo thuộc loại tốt nhất so với cả nước Việt Nam thì phải (?) Cảm nhận này có thể chưa hoàn toàn chính xác vì tôi  chỉ ở đây trong 4 ngày, nhưng có lẽ cũng đủ để so sánh với Hà Nội hoặc thành phố HCM nơi mà chỉ cần ở lại một ngày cũng có thể chứng kiến hoặc nghe kể về một vụ cướp giật nào đó!

Nhưng điều đáng nói hơn là sự yên bình về mặt chủ quyền lãnh thổ tại hòn đảo tiền tiêu bốn bề giáp biển này. Có rất nhiều du khách và doanh nhân đến đây từ các nước khác nhau, đông nhất có lẽ là người Campuchia, sau đến  người Úc, châu Âu, người Trung Quốc,v.v.... Song, qua phong cách ứng xử giữa  những người chủ nhà và khách toát lên sự khác biệt khá rõ rệt so với những gì ta thường nhận thấy tại các vùng biên giới phía bắc giáp với Trung Quốc. Đó là tâm thế ung dung tự tại của con người Phú Quốc trước mọi đối tượng khách, đúng là "chủ ra chủ khách ra khách"! Những người khách dù đến từ đâu đều tỏ ra thân thiện trước sự ứng xử đàng hoàng, đĩnh đạc của người dân và đối tác sở tại. Hầu như cũng không  thấy cảnh mời chào chèo kéo đối với du khách, dù họ là ai. Cũng không thấy hiện tượng coi thường hay miệt thị từ phía khách nước ngoài đối với người dân của đảo, dù chỉ là ánh mắt hay cử chỉ. Nghĩa là không thấy sự phân biệt giữa khách và chủ, đúng theo cung cách "việc ai người ấy làm". Tôi mừng thầm nhận ra, vẫn còn những vùng đất để người Việt thể hiện nhân cách  trong sự nhộn nhạo của cái gọi là kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, để qua đó khối kẻ  tự cho phép mình đánh mất cả nhân cách không chỉ của bản thân mà của cả dân tộc!

Cột mốc biên giới phía VN tại Hữu nghị quan
Dân cửu vạn Việt Nam tụ tập tại cửa khẩu Lào Cai
Những cảm nhận trên đã khiến tôi không thể không so sánh với những gì đã từng trãi qua khi tham quan du lịch tại vùng biên giới phía Bắc. Xin đơn cử trường hợp năm ngoái khi đi du lịch mấy tỉnh phía nam Trung Quốc. Đó là khi qua cửa khẩu Lạng Sơn, không chỉ bản thân tôi mà nhiều người cùng đi đều có cảm giác vừa buồn vừa giận... Buồn vì thấy bên phía ta dân cư thưa thớt, đường xá, nhà cửa tiêu điều; đến ngay cả trạm Hải quan đã bé nhỏ, cũ kĩ với một số ít trang thiết bị nghèo nàn mà cũng không được sử dụng hết công suất, để hư hỏng, bụi bậm ...Khi vừa bước chân sang phía "bạn" đã thấy trên đầu có mái che, dưới chân lát gạch đá phẳng phiêu suốt cả dãy hành lang dài nối với trụ sở Hải quan rất hoàng tráng của họ. Trạm Hải quan của ta nằm trên địa thế thấp hơn đã đành, quy mô xây dựng nhỏ bé lại được quy hoạch bất hợp lý khiến nó càng "lép vế" so với bên kia. Đã vậy,  toàn bộ diện tích hàng ngàn ha đất từ trạm Hải quan của ta đến cổng Hữu nghị quan nay đã được phía "bạn" bố trí thành một quảng trường rộng với vườn hoa cây cảnh làm tôn vẽ đẹp và sự uy nghi cho cả vùng cửa khẩu bên họ. Trước cảnh đó, nỗi buồn bổng nhanh chóng biến thành nỗi đau xót đối với bất cứ người Việt Nam nào khi qua đây. Chưa  hết, điều tệ hại hơn là thái độ và cách đối xử trong giao tiếp đầy vẽ trịch thượng và lạnh nhạt, thậm chí có thể nói là khinh miệt, của các nhân viên hải quan "nước bạn". Khách Việt Nam đi ra thường nhiều hơn khách Trung Quốc đi vào, đặc biệt lượng xe vận tải của Trung Quốc đi qua Việt Nam thì bao giờ cũng nhiều hơn. Chẳng hay đã có sự thỏa thuận nào đó giữa hai bên cửa khẩu (?) Nhưng qua quan sát, tôi thấy xe cộ và người  của phía bên kia qua lại khá dễ dàng, chóng vánh, trong khi chúng tôi có hộ chiếu đầy đủ và đi theo đoàn tour du lịch hẳn hoi, mặc dù đã được trạm Hải quan Việt Nam đóng dấu xuất cảnh, nhưng vẫn bị Hải quan Trung Quốc chặn lại hỏi mấy bận... và cuối cùng đã không hề đóng một con dấu hay chữ ký nào vào hộ khẩu trong suốt chuyến hành trình (?) Tình hình cũng không khác gì tại các cửa khẩu Lào Cai, Móng Cái...nơi mà ngày nào cũng diễn ra cảnh hàng đoàn người Việt chen chúc sang các chợ Trung Quốc mua hàng "giá rẻ", và rất nhiều tệ nạn xuyên biên giới diễn ra tại đây. Khác chẵn với Phú Quốc, nơi ngày càng có nhiều người đến sống và đầu tư, dân cư các tỉnh biên giới phía Bắc ngày càng thưa thớt  trước những thủ đoạn xâm canh xâm cư của ông "bạn láng giềng" bên kia biên giới.

Dĩ nhiên còn nhiều điều hay/dỡ khác cần nói về hòn đảo có cái tên đầy ý nghĩa Phú Quốc. Song bài viết này xin chỉ đề cập đến  sự khác nhau liên quan đến "thế trận biên cương" giữa Phú Quốc và  vùng biên giới phía Bắc của đất nước. Đó chính là  TÂM THẾ của hai nơi này. Đó là sự kết hợp sức mạnh tổng hợp của hai yếu tố tinh thần và vật chất, cụ thể là lòng yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ kết hợp với lòng tự tôn, tự cường dân tộc được thể hiện trong tiềm năng nội tại của từng vùng, miền và của toàn bộ quốc gia. Phải chăng, vì một số lý do chủ quan và khách quan, vùng biên giới phía bắc của nước ta chưa có được một tâm thế vững chãi như đảo Phú Quốc. Thiết nghĩ, trong số nhiều việc cần làm, việc đầu tiên cần nhận thấy là, không thể có được một tâm thế vững chãi để quan hệ đối đẳng với phía Trung Quốc khi mà  tình trạng kinh tế tại vùng biên của ta quá yếu kém với những cơ sở hạ tầng bất cập và điều kiện sống của nhân dân quá thiếu thốn so với bên kia biên giới. /.                    


10 nhận xét:

  1. sao bac khong dua nhieu anh phu quoc , bac oi /

    Trả lờiXóa
  2. Hay quá , bác! Tôi cũng đã đi qua 2 nơi như bác nói, và cũng có cảm giác tương tự.
    Khi đến Hữu Nghị quan, ở phía VN thấy xơ xác, tiêu điều vắng vẻ, còn bên TQ thấy hoành tráng uy nghi, ngay cả mấy người lính BP, n/viên hải quan 2 bên cũng khác nhau. Bên VN tự nhiện thấy tức vì cái vẻ lôi thôi lếch thếch, không chính quy, còn bên kia thì uy vũ, lạnh lùng, tự nhiên thấy buồn, tủi và có 1 cảm giác lép vế rõ ràng...Bộ mặt Quốc gia, sao để nhếch nhác vậy!
    Còn đến PQ, thậm chí tôi cũng 0 thấy anh CSGT , chú bộ đội nào cả, cứ như là Đảo tự quản vậy.Cảm giác thật an bình , thật đáng để sống, thật là Việt nam...

    Trả lờiXóa
  3. Bác viết rất thật, rất hay. Tôi chưa từng đến đảo Phú Quốc bao giờ, nhưng nhất định tôi sẽ tìm cơ hội đến đó thăm cho biết.

    Có lẽ Phú Quốc thanh bình vì vùng đảo ấy không nằm gần Trung Quốc. Đôi khi tôi tự an ủi rằng thủ đô VN (Hà Nội)đã nằm ngoài miền bắc chứ không phải ở tận trong miền nam. Vì như vậy, chính quyền VN phải ráng mà canh giữ giặc Trung quốc ít nhất là từ miền bắc.

    Chúc bác sức khỏe.

    Trả lờiXóa
  4. Chào anh,
    Mình đã đến Phú Quốc rất nhiều lần và cũng rất yêu thích hòn đảo thanh bình nào. Đúng như anh nói, Phú Quốc rất yên bình, hầu như không thấy bóng dáng công anh hay lính ở đâu cả, những đấy không phải là đặc điểm riêng của Phú Quốc anh ạ, mà là đặc điểm chung của các hòn đảo. Vì mình đã đi khá nhiều các hòn đảo khác: Côn Đảo, đảo Tiên Hải, quần đảo Nam Du, tất cả đều rất thanh bình, đêm ngủ không cần khóa cửa, xe máy thuê đi chơi, khi hư thì cứ vứt ven đường rồi gọi điện thoại cho chủ xe đến lấy, không sao cả. Hầu hết các đảo có sự thanh bình này, đơn giản là vì đặc điểm địa lý, quanh đảo là biển cả mênh mông, trộm cắp thì biết chạy đâu trốn bây giờ? Dân đảo đa số quen biết nhau hết, người ngoài vào là biết ngay, còn trộm cắp thì 5 phút sau có tin báo trộm, là bến cảng, sân bay sẽ bị phong tỏa, lúc ấy chắc chỉ có nước...nhảy xuống biển trốn thôi:-)
    Nếu anh có thời gian đi nhiều các hòn đảo khác, thì sẽ thấy các đảo nào của VN cũng thanh bình.

    Trả lờiXóa
  5. tôi cũng từng đi qua phú quốc ,tên đẹp người đẹp ít tuổi XHCN hơn miền bắc

    Trả lờiXóa
  6. Tâm thế dân buôn bán ở biên giới phía bắc là tâm thế nô lệ. Quen rồi và có huông từ quan trên. Như vậy lỗi này không phải ở người dân, mà ở Nhà nước.

    F 361

    Trả lờiXóa
  7. Tôi sẽ đến Phú Quốc thêm nữalúc 01:52 23 tháng 4, 2012

    Đúng vậy!
    Tôi ở HN có bay vào PQ chơi mấy hôm ở hòn đảo này.Một chi tiết rất nhỏ để so sánh: Xe máy tại PQ khi đỗ bên lề đường hoặc trên hè thì đầu xe gần như thẳng so với thân xe, chứ không như HN(và các địa phương khác) là đầu xe luôn nghoẹo về bên trái - bởi lẽ, nếu không khóa cổ thì mất nhanh hơn...có khóa vẫn mất!

    Trả lờiXóa
  8. Tôi cảm thông với nhận định của tác giả khi tác giả chỉ đi Phú Quốc theo dạng "cởi Ngựa xem hoa" nên không phản biện lại...cho đời đẹp hơn !

    Trả lờiXóa
  9. Tôi thì hơi lo. Phú Quốc hiện nay đẹp, yên bình và hoang sơ thật đấy, nhưng không biết được bao lâu nữa. Người dân nói tất cả những miếng đất đẹp nhất, đắc địa nhất ven biển PQ đã bị các đại gia và quan chức từ TƯ, Hà nội, TP HCM chiếm hết rồi. PQ sắp trở thành "đặc khu" của TƯ, sẽ được đầu tư và đương nhiên là kéo theo những hệ lụy của sự phát triển. TƯ làm ăn như thế nào thì các bác cũng biết rồi đấy! Thà cứ để dân PQ "tự quản" còn đỡ ô nhiễm hơn.

    Trả lờiXóa
  10. Tâm thế dân buôn bán ở biên giới phía bắc là tâm thế nô lệ. Quen rồi và có huông từ quan trên. Như vậy lỗi này không phải ở người dân, mà ở Nhà nước. quá đúng

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này