Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Thấy gì từ giái pháp "đóng ngã tư, mở chữ U" trên phố phường Hà Nội?

Mới đây do có việc tang gia tôi phải đi lại nhiều lần giữa phố Tô Hiệu, Quận Cầu Giấy đến khu Tập thể Nam Đồng. Đi bằng xe máy hoặc taxi tôi đều phải mất không dưới 1 tiếng đồng hồ giữa hai điểm nói trên, đoạn đường mà tôi còn nhớ “ngày xưa” đi xe máy chỉ mất trên đưới 20 phút.
Vẫn biết Hà Nội đang phát triển quá nhanh nên khó tránh khỏi tình trạng ách tắc giao thông, nhưng có một điều vô lý xung quanh cái gọi là “giải pháp” đóng/mở các ngã tư và thay vào bằng nhiều lỗi rẽ ngoặt (chữ U) giữa đường tại cái thành phố ngàn năm tuổi này.
Đúng ra, nếu các ngã tư vẫn được lưu thông, tôi đã có ít nhất 3 khả năng lựa chọn tùy theo phương tiện và thời gian: a) xuất phát từ phố Tô Hiệu qua đường Chùa Hà, bắt vào đường Cầu Giấy, đi đường La thành đến ngã 5 Ô Chợ Dừa rẽ phải đi tiếp đường Nguyễn Luơng Bằng tới Nam Đồng; b) từ Tô Hiệu ra đường Nguyễn Khánh Toàn, rẽ vào đường mới ven sông Tô Lịch đến ngã 5 Cầu Giấy rồi đi tiếp như tuyến một; c) vượt qua “nút cỗ chai” đê Cống Vị sang Đào Tấn, đến Khách sạn Deawoo qua ngã tư đi đường Nguyễn Chí Thanh rồi rẽ trái vào đường Huỳnh Thúc Kháng, đến Ngã tư Chùa Bộc –Tây Sơn rẽ trái, đi một đoạn thì đến Nam Đồng.
Nhưng bây giờ với nhiều điểm giao cắt bị đóng lại trên các tuyến phố đó, tôi buộc phải đi vòng qua đường Láng (tiếng là “đường vành đai” nhưng cũng đã bị chặn ở một số điểm giao cắt chính) để tìm một điểm “chữ U” quay lại tìm một lối khác đi Nam Đồng. Đi như vậy đúng thật sự là “mua đường”. Ngay cả với người không có việc gấp, chỉ dạo phố cũng mất hứng khi phải đi vòng vo như vậy! Nếu là người Hà Nội nhưng chưa quen đường cũng dễ gặp rắc rối và phải đi như “con kiến leo cành đa,...” rất mệt mỏi. Nếu là người người ngoại tỉnh hoặc nước ngoài thì đó là một "ma hồn trận"! Nói chung biện pháp "khóa" các ngã tư và thay vào bằng các điểm rẽ ngoặt “chữ U” cách đó vài trăm mét là một giải pháp "lợi bất cập hại". Người tham gia giao thông buộc phải chấp nhận cách đi vòng vo mất thời gian sức lực, vô hình trung làm tăng lượng xe cộ lưu thông trên đường, các loại xe di chuyển chậm chạp vừa tốn thêm nhiên liệu và xả nhiều hơn khí thải ra môi trường. Bản thân việc đóng mở đường như vậy còn vừa tốn kém vừa làm xấu cảnh quang đường phố. Cái lợi nếu có là cắt giảm rõ rệt số nhân viên giao cảnh(!)...nhưng chẳng lẽ để họ ngồi chơi ở trụ sở hoặc để tăng cường đón chặn bắt người vi phạm ở các vị trí không quan trọng khác (?). Tình hình chung là như vậy. Nhưng có điều lạ, mới đây Sở Giao thông Công chính vẫn khẳng định : "...qua khảo sát nhận thấy đa số ý kiến tán thành với giải pháp….”. Và đó là lý do để họ tiếp tục đóng- mở- đóng hàng loạt điểm giao cắt và điểm quay “chữ U” trên các tuyến phố của Thủ đô như ta thấy đến nay.


Người viết bài này đã thử tự mình làm một cuộc "khảo sát" bằng cách đi dọc một số tuyến đường, kết hợp trao đổi với người dân...Qua đó thấy: Chỉ một số ít người đồng ý với giải pháp với lý do "được tự do đi lại" không phải chờ đèn xanh-đỏ; một số khác thờ ơ, không tin tưởng vào giải pháp; đa số không tán thành, cho rằng cách làm lảng phí, kém hiệu quả và gây ô nhiễm …Một vài tài xế taxi nhận xét ” Đi kiểu này xăng tốn gấp hai ba lần …”. Có anh bức xúc:” Không hiểu sao các ông í (ý nói cơ quan chức năng) lại làm điều vô lý như vậy?. Một lái xe khác hóm hĩnh: “Nếu để kiếm thêm tiền của khách thì chúng cháu “thích thật”…, nhưng phải “quay vô lăng mỏi cả tay...đến nỗi đêm nằm ngủ vẫn mơ tay nắm vô lăng quay quay chóng hết cả mặt".

Bản thân người viết bài này không làm trong ngành giao thông, nhưng đã tham gia giao thông hơn 1/2 thế kỳ tại Hà Nội , đặc biệt đã có dịp “tháp tùng” một số đoàn cán bộ giao thông công chính Việt Nam trong các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, nên cũng hiểu chút ít vấn đề này và thấy cần đóng góp vài suy nghĩ như sau:

Một là, không phải “bỗng dưng” mà cả thế giới này đã chấp nhận các điểm giao cắt (ngã ba, tư, năm, sáu ,bảy…), coi dấu cắt (+) như một biểu tượng về đường đi của nhân loại. Đối với các thành phố hiện đại người ta chỉ cải tiến các điểm giao cắt bằng các giải pháp công nghệ như xây cầu vượt, đường ngầm, đường nhánh,… đồng thời bố trí hệ thống đèn báo và lực lượng giao cảnh hợp lý, v.v…, chứ không mấy khi xóa bỏ hoặc cấm lưu thông tại các điểm giao cắt. Phải chăng chỉ có Hà Nội mới có cách làm giải pháp "không giống ai" như vậy?

Hai là, Bằng việc chặn ngã tư, thay bằng các điểm "ngoặc chữ U” có thể tạo cảm giác "tự do" di chuyển mà không cần nhiều nhân viên điều hành...nhưng thực chất là thái độ “đầu hàng“ trước nếp sống tự do cá nhân, tùy tiện còn rơi rớt lại của nền sản xuất tiểu nông mà trong đó “bác nào muốn đi thì cứ đi”!. Ngoài vài “cái lợi” nếu có, mặt hại còn lớn hơn nhiều; đó là sự lãng phí dưới dạng thời gian, xăng dầu phát sinh, khí thải môi trường, và cả những hậu quả tâm sinh lý tiềm ẩn…

Ba là, nếu ngắm nhìn các phố phường Hà Nôi từ bất cứ góc độ nào đều thấy cảnh lộn xộn, nháo nhác của những dòng dòng xe cộ di chuyển chậm chạp, cái quay ngược, cái quay xuôi, rẽ ngang chen lấn giữa đường càng dễ gây ùn tắc, va chạm v. v…. . Tất cả diễn ra trong bầu không khí bụi bậm dầy đặc khí thải xăng dầu, tạo nên một quang cảnh nháo nhác, lam lũ, nghèo nàn, lạc hậu không nên có tại một thành phố Thủ đô”.

Bốn là, xét trên phương diện giáo dục công dân như vẫn thường được đề cao với các khẩu hiệu “con người văn minh, lịch sự” và “thành phố xanh, sạch, đẹp, hiện đại” thì giải pháp nêu trên e rằng đang “góp phần” theo hướng ngược lại…, vì nó khuyến khích mỗi cá nhân được quyền chen lấn mà không phải tuân theo hiệu lệnh của cơ quan công quyền; hể ai có sức khỏe, có khả năng chen lấn thì cứ việc vươn tới phía trước, chỗ nào trống là lao xe vào …. Tai nạn và các cuộc xung đột, đánh chửi nhau cũng rất dễ phát sinh từ đó.
Cuối cùng, từ những gì đang diễn ra xung quanh quá trình tìm giải pháp chống tắc đường của Hà Nội, ta thấy một tình trạng tương tự đối với các lĩnh vực kinh tế- xã hội khác trên khắp đất nước này. Nó cho thấy hể khi nào và ở đâu mà Cơ quan chủ quản chưa “đạt chuẩn” thì không thể có giải pháp tốt, thậm chí ngược lại. Mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương cụ thể có khác nhau, nhưng có một bài học chung là: Giải pháp nào cũng không nên làm trái với những kinh nghiệm đã được đúc kết của nhân loại. Cải tiến và sáng tạo là điều vô cùng cần thiết để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn. Nhưng đừng bao giờ nhân danh “cải tiến” và “sáng tạo” để biến một thành phố, một địa phương thành một phòng thí nghiệm cho những ý tưởng “không giống ai”./.

Trần Kinh Nghị
Ghi chú: Bài đã đăng tại http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-13-dem-ngu-van-mo-tay-nam-vo-lang-quay-chong-ca-mat-










1 nhận xét:

  1. Kiểu chắn ngã tư đúng là được những người không chịu chờ đèn đỏ ủng hộ. Và đây là lý do để nói vẫn có nhiều người đồng tình

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này