Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Blog để làm gì?

Không quá ồn ào…, nhưng mới đây cộng đồng mạng đã rất xôn xao trước sự kiện đóng cửa blog “Người thích làm toán”. Kể cũng lạ, như tôi đây đã mấy lần đóng/mở blog mà chẳng thấy ai nói gì (?) Hóa ra, thế giới ảo nhậy cảm và phức tạp hơn nhiều lần so với  thế giới thực!.
                                                   Ảnh minh họa: Mùa hoa cải

Còn nhớ trước thời  bùng nổ “công nghệ thông tin” các bác nhà văn, nhà báo kỳ cạch cả ngày mới được đôi trang . Viết là một chuyện. Còn phải tìm nhà xuất bản . Rồi chờ có khi hàng tuần, hàng tháng, hàng năm sau  mới được thấy “đứa con tinh thần” của mình đến với bạn đọc. Thời đó tác giả nào viết gì thì thiên hạ đều biết. Họ thuộc loại quý hiếm. Có lẽ vì thế mà  cũng rất dễ nỗi tiếng, và  cũng dễ “chết”!
Nhưng, giờ đây mọi thứ đều đảo lộn với cái gọi là “blog”. Cánh nhà văn, nhà báo chẳng may chưa bắt kịp,  có thể đứng trước nguy cơ bi đẩy ra ngoài gìòng chảy của văn chương và thời cuộc. Ngược lại có những kẻ “vô học” thì bổng chốc trở nên “nổi tiếng” (ít ra là trên cộng đồng mạng ảo)... miễn là họ biết “chơi internet”! Thôi thì “trăm hoa đua nở, trăm người đua thể hiện”…Và blog “mọc” lên còn hơn cả nấm!
Bên cạnh những blog chuyên về chính trị, thời cuộc hay văn thơ, nghệ thuật, hội họa v.v…còn  có những blog chỉ để  để up ảnh nude các loại; lại có những blog chỉ để hàng ngày “buôn dưa lê” v.v… Bên cạnh những blog nghiêm túc với trữ lượng nội dung "đồ sộ", có không ít những blog chỉ để làm sàn trình diễn của những kẻ phàm tục, chí phèo hễ hở mồm là chửi thề, chửi tục...Có lẽ đó là nơi để chửi mà không sợ bị đấm vỡ mõm! . Cũng không ít những blog mở ra chỉ một lần rồi bỏ đấy để trở thành những ngôi nhà hoang vô chủ.  Đa số blog đề nick thật cho mọi người biết, nhưng có không ít blog mạo danh, nặc danh, thậm chí giả danh khiến nhiều người bị oan….
Có thể nói, ngoài những mục đích nghiêm túc về văn chương, hội hoa hay  thời sự, chính trị..., nhìn chung  ít nhiều blogger nào cũng  có mục đích "xả stress". Tuy nhiên trên thực tế hậu quả  "mua stress" cũng rất nặng nề đầy bi hài .
Tóm lại, mục đích nào cũng có phần đạt được nhưng luôn đi kèm với  những "tác dung phụ" (side effects).Vì sao vậy? Trước hết vì bản thân mỗi blogger thường không tự chế ngự mình trong quá trình giao tiếp trên mạng ảo, nhiều khi vượt ra ngoài mục đích ban đầu của chính mình. Thứ đến là do sự tác động của các nội dung thông tin rất đa dạng, đa chiều, đa mục đích....từ các blogger khác. Đó cũng là lẽ thường tình, vì có thể nói, cho đến nay blog là một loại hình văn hoá mới và có sức lan toả nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Nó cho phép phản ánh một cách nhanh nhậy nhất, sâu rộng nhất và có lẽ cũng chân thật nhất  muôn mặt của xã hội đời thường, trong đó "cái tôi" được thoả sức vẫy vùng với cả  mặt hay, mặt tích cực lẫn mặt không hay... 
Nhưng do blog có những đặc tính riêng, đặc biệt là người viết không nhất thiết biết mặt nhau và có thể không bao giờ gặp mặt nhau, khiến người ta có thể nói thẳng, nói thật hoặc nói đối, nói khoác,  thậm chí nói tục hoặc chửi cho đã mồm...Có những blogger hễ online (mở mồm) là chửi… chửi như hát hay vậy(!), có thể vì do không biết viết hoặc nếu có viết thì e không lột tả đầy đủ và chính xác bằng chửi (?)
Xét về mặt chính trị-xã hội, có thể nói công nghệ  blog đã mở ra một thời đại mới cho việc thực thi quyền dân chủ, chính xác là quyền tự do ngôn luận. Thông qua phương tiện blog, mọi người ai cũng có thể nói lên quan điểm cá nhân trước mọi vấn đề, mọi lúc mọi nơi  ; tuy không hoàn toàn nhưng người ta cảm nhận đầy đủ hơn cái quyền được nói ra những gì mình muốn nói; và ít nhiều thấy mình được bình đẳng hơn chăng(?). Đó là mặt tốt chủ yếu của blog.
Nhưng cái gì cũng có ít nhất là hai mặt của nó. Phải chăng, với blog người viết dẽ tự cho phép mình trở nên “vô trách nhiệm” hơn trước cộng đồng nói chung? Ngoài ra tính chất “ảo” của blog vừa là chất men say để sáng tạo nhưng cũng đồng thời là mầm mống của tính cách ngông cuồng hoặc lối sống vị kỷ, thậm chí là mảnh đất mầu mỡ cho chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism).
Có lẽ những ai đã từng “chơi blog” trong một thời gian đủ dài đều có thể chia sẻ ít nhiều với những suy nghĩ trên đây. Bản thân tôi đã đôi lần cảm thấy “lưỡng lự” không biết có nên tiếp tục duy trì blog  hay không. Nhưng rồi tôi  tự “điều tiết” bản thân rằng, tốt nhất là hãy sử dụng blog của mình như một kho lưu trữ dữ liệu (bài viết, hình ảnh, âm nhạc, sáng tác...của bản thân và của người khác) và coi nó như một "kênh" trao đổi thông tin chủ yếu với bạn bè, một phần nào đó với cộng đồng nói chung. Để giảm thiểu những "tác dụng phụ", tốt nhất  là không (hoặc hạn chế) ghé thăm những trang blog mà mình đã từng biết nhưng rốt cuộc vẫn cảm thấy khó đồng cảm. Đồng thời cũng không nên cố ý áp đặt tư tưởng, sở thích của cá nhân mình đối với người khác.
Nhân đây cũng xin lạm bàn một chút về truờng hợp đóng cửa blog “Người thích làm toán”-sự kiện đang làm xôn xao dư luận  kèm theo với những lời khen, chê rất kịch tính. Riêng tôi cho rằng nguyên nhân chính có lẽ do Gs Ngô Bảo Châu đã sử dụng bản năng lô-gíc toán học vốn rất nhậy bén của ông trong việc đi tới quyết định đóng blog nói trên. Đó là phép tính của những điều lợi và hại đối với cuộc sống và sự nghiệp lâu dài của ông trong một môi trường không gian và thời gian cụ thể vừa qua. Đó cũng là một cách bày tỏ thái độ dứt khoát trước tình trạng lạm dụng blog của một bộ phận cộng đồng mang.    

Chắc chắn còn quá sớm để tổng kết mọi vấn đề liên quan đến blog. Nhưng cũng đã hơi muộn nếu không bàn về lĩnh vực thông tin đặc biệt này. Do đó tôi chỉ muốn nêu lên một vài suy nghĩ tản mạn tức thời để chia sẻ cùng mọi người thôi./.


2 nhận xét:

  1. Bác điểm như vậy khá đủ sắc màu ruột với da blốc bleo, tham luận chơi cùng bác vài ý:
    1/ Bác ngâm kiú thêm "...“vô học”
    2/ Blog em ý, theo chủ nghĩa vô chính phủ, chỉ phép số 8 thôi.
    3/ Ngay cả các cụ, cũng cố gắng tiếp cận In tẹc và blog. Nếu không chỉ nghe lại thôi thì bị xỏ mũi lúc nào không hay. Đơn cử gần đây:
    Các lão tướng cải chính?!?

    Trả lờiXóa
  2. "Vô học" trong phạm trù Blog bao gồm tất cả những ai hay chửi bới thô thục...Nó không khác nào khi ta đi ngang qua cửa nhà ai đó mà bất ngờ bị tạt nước bẩn lên đầu.

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này