Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

5 sai lầm của thế giới đối với Trung Quốc

Lâu nay dư luận quốc tế nói nhiều về sai lầm của TQ trong âm mưu độc chiếm Biển Đông,  nhưng không nói về sai lầm của thế giới trước mưu đồ của TQ. Thật ra tình hình Biển Đông sẽ không như ta thấy ngày nay nếu thế giới đã không phạm quá nhiều sai lầm trong quan hệ với Trung Quốc. Dưới đây xin điểm qua một số sai lầm chính.


Sai lầm thứ nhất- Thế giới thường coi TQ như một nước đông dân nghèo nàn lạc hậu cần được giúp đỡ hơn là phải đề phòng. Lòng vị tha của  thế giới, nhất là của các nước Âu, Mỹ đã bị TQ lợi dụng trong suốt nửa thế kỷ qua kể từ khi nước CHNDTH ra đời năm 1949.
Đúng ra đã có một thời kỳ Mỹ và phương Tây đã chống TQ nhưng chỉ vì lý do lo sợ CNCS, mà không thấy nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc đại Hán mới là điều đáng sợ nhất. Sau khi TQ thực hiện "mở cửa" cả thế giới đã hồ hởi nhảy vào giúp một cách vô tư...như người giàu giúp kẻ nghèo. Chính nhờ sự đầu tư vốn và khoa học-công nghệ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh... và sự rộng lượng của các thể chế tài chính-thương mại thế giới, TQ đã nhanh chóng hội đủ điều kiện để hiện thực hóa mưu đồ bá chủ ấp ủ từ lâu. Một trong những việc đầu tiên mà giới lãnh đạo TQ đặc biệt chú trọng là xây dựng lực lượng hải quân hiện đại để bắt nạt các nước nhỏ quanh biển Đông nhằm ý đồ độc chiếm biển Đông tiến tới giành quyền bá chủ thế giới. 

Sai lầm thứ hai - Khi Bắc Kinh công bố đường chữ U, còn gọi là "đường 9 đoạn" hay "lưỡi bò" (vốn chỉ là một bản vẽ tay ngẫu hứng của một viên tướng thời Tưởng Giới Thạch) thì cả thế giới mặc dù thấy vô lý nhưng không nhận ra nguy cơ nguy hiểm nên không có ý thức phải xóa bỏ nó ngay từ trong trứng nước. Mãi đến gần đây khi nhận thấy các lực lượng hùng hậu của TQ đe dọa hòa bình ổn định tại biển Đông thì đã muộn. Cái đường lưỡi bò như trò đùa trẻ con đó nay đã hiện rõ trên bản đồ thế giới với cả những "đốt xương" chạy từ căn cứ Tam Á (đảo Hải Nam) xuống cái gọi là "Thành phố Tam Sa", sắp tới xuống tận bãi  Gạc Ma giữa biển Đông, chẳng mấy chốc sẽ xuống tận eo Malacca. 

Tuy vậy, đến giờ phút này thế giới vẫn chưa hề có một biện pháp tập thể nào để đối phó một cách có hiệu quả. Trong khi ASEAN là tập họp của 10 quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng tiếp tục bị chia rẽ thì LHQ dường như bị thôi miên.  
   
Sai lầm thứ ba-  Tính đến nay có lẽ chưa nước nào hình dung một ngày kia khi biển Đông trở thành "nội thủy" của TQ và  tàu bè của bất cứ nước nào qua đây đều phải xin phép và nộp lệ phí cho nhà cầm quyền Bắc Kinh. Tuyến đường hàng hải xung yếu này quan trọng là vậy, nhưng không hiểu sao thiên hạ coi đó là chuyện riêng của một vài nước có tranh chấp biển đảo với TQ, thậm chí không ít kẻ muốn lợi dụng để "đục nước béo cò" kiếm lợi trong quan hệ với TQ. 

Sai lầm thứ tư- Toàn bộ hệ thống luật lệ và các cơ chế hợp tác quốc tế của thế giới, kể cả hai tổ chức đồ sộ là LHQ và WTO đều bó tay trước những hành động vô lý trắng trợn của một nước thành viên, đó là TQ, bất chấp mọi hành vi vi phạm lớn nhỏ của nước này đối với Luật Biển. luật môi trường, sử dụng vũ khí, vũ lực, quyền mưu sinh của dân chài v.v... Thật trớ trêu khi Mỹ, EU, Nga thường huy động nguồn lực quốc tế để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác,  nhưng không hề có hành động tương tự trước TQ. Tất cả những gì mà họ, kể cả Mỹ, làm được cho đến nay chỉ là lời nói (lip service).  

Sai lầm thứ năm- Thế giới đang chấp nhận TQ như một siêu cường mặc dù nước này không hề có tố chất của siêu cường. TQ hành động như một quốc gia kẻ cướp chỉ cậy sức mạnh bất chấp luật lệ và  đạo lý. Cũng là chiến tranh chống VN, nhưng Mỹ dù sao cũng còn biết "phục thiện", nhưng TQ thì vừa dã man tàn bạo vừa thủ đoạn đê tiện đổi trắng thay đen rất "khó chơi". Lối hành xử của TQ khiến ta nghĩ tới một loại chủ nghĩa dân tộc cực đoan như phát xít Đức thời kỳ thế chiến II. 

Trên đây là tóm lược 5 sai lầm cơ bản của thế giới đối với TQ trong vấn đề biển Đông. Chừng nào chưa có sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể cộng đồng quốc tế và tiến hành những biện pháp cụ thể đối phó với âm mưu bành trướng bá quyền đại Hán thì hòa bình, an ninh của châu Á và thế giới sẽ còn tiếp tục bị đe dọa bởi Trung Quốc; Việt Nam và Philipin chỉ là hai nạn nhân đầu tiên./.  

TB: Bài này đã được đăng lại bằng tiếng Anh trên một vài tờ báo và tạp chí quốc tế, dưới đây là một đường link

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Nên phát đơn kiện trước khi Bắc Kinh rút giàn khoan


biển Đông, Việt Nam, UNCLOS, Trung Quốc, Phillipines
Dư luận trong và ngoài nước đang rộ lên về việc "kiện Trung Quốc". Tuy nhiên, cách hiểu thì  khác nhau khá nhiều, chủ yếu tập trung vào các khía cạnh như  kiện về cái gì, kiện ra tòa án nào, thời điểm nào, vận dụng lý lẽ ra sao, và khả năng thắng thua...

Thật ra về phần mình Việt Nam đã tính đến việc kiện TQ ra tòa án quốc tế từ nhiều năm rồi chứ không phải bây giờ mới tính. Tuy nhiên VN chưa thật sự coi trọng mặt trận pháp lý này, lý do chủ yếu vì sợ chọc giận TQ gây căng thẳng quan hệ lâu dài, và điều này đã được ám chỉ bởi một vài vị lãnh đạo cấp cao mới đây rằng "kiện khác nào bát nước đổ đi". Đồng thời cũng có sự lo ngại khả năng bị thua kiện chủ yếu vì những lý do kỹ thuật khó lường trước. 

Sự băn khoăn trên đây không phải là hoàn toàn vô lý trong bối cảnh mối quan hệ bị ràng buộc và bất bình đẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là khi TQ là nước lớn nhiều tiền và lắm mưu mô chước quỷ. Tuy nhiên đó chỉ là một mặt của toàn bộ vấn đề. Vấn đề còn phụ thuộc vào cách đánh giá về tương quan lực lượng, đâu là thế mạnh, thế yếu của mỗi bên . Với những gì nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thể hiện cho thấy họ đã quyết tâm hy sinh "quan hệ hữu nghị anh em..." để đạt mục đích lấn chiếm thêm biển đảo của VN nhằm thực hiện chiến lược bá chủ Biển Đông. Nếu vậy thì không có lý gì VN còn  luyến tiếc, mơ hồ với khả năng giành được sự nhân nhượng nào đó của họ trong đàm phán riêng tư (song phương). Hơn nữa, nếu đã xác định kiện là một biện pháp đấu tranh hòa bình thì không có lý  gì phải lo sợ bị TQ coi đó là cái cớ để tấn công quân sự. Về khả năng thắng thua khi đệ đơn kiện thì còn phụ thuộc khá nhiều vào việc lựa chọn nội dung, cách thức và thời điểm để đưa đơn kiện. Nhưng điều này VN đã có đủ điều kiện và thời gian để út kinh nghiệm từ các nước, nhất là của Philipin. 
Mọi cơ hội đều có tính thời gian. Nếu VN tiếp tục do dự sẽ trượt mất thời cơ không bao giờ có lại được; thế hệ này không được thì thế hệ sau càng khó.       
Vị trí giàn khoan Haiyang 981 cho thấy mối liên quan của nó với quần đảo Hoàng Sa
Dưới đây xin bàn cụ thể hơn về 2 vấn đề. 
Nội dung kiện: Nếu kiện để đòi  lại toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào lúc này là điều ít tính khả thi, vì đó là vấn đề rất phức tạp không thể giải quyết  một sớm một chiều. VN nên chọn vấn đề đang diễn ra, đó là tập trung kiện đòi TQ rút giàn khoan Haiyang 981 cùng toàn bộ tàu thuyền họ ra khỏi lãnh hải VN. Lợi thế của VN nằm ở sự sai lầm của TQ. Việc TQ ngang nhiên đơn phương cho hạ đặt giàn khoan lại còn sử dụng hàng trăm tàu thuyền, kể cả  của  Hải quân và không quân gây nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng đối với Việt Nam không chỉ vi phạm Công ước Luật Biển 1982 mà còn vi phạm hàng loạt các thỏa thuận và luật lệ quốc tế như môi trường, quyền mưu sinh của con người, tự do lưu thông hàng hải v.v... Hành động đó đang đe dọa an toàn hàng hải tại Biển Đông và đe dọa hòa bình khu vực và thế giới. Ngoài Philipine vốn đã bị TQ xâm hại nhiều lần, giờ đến lượt các nước khác cũng bắt đầu  lo ngại bị TQ áp đặt "đường lưỡi bò". 

Nếu phía TQ chấp nhận vụ kiện thì đây sẽ là dịp tốt để VN kết hợp đề cập vấn đề chủ quyền Hoàng Sa. Nhiều khả năng tòa án sẽ không phán quyết gì về chủ quyền đối với Hoàng Sa thông qua vụ kiện này, nhưng đó là một dịp để ghi nhận sự phản kháng của VN đối với sự chiếm đóng trái phép của TQ. Điều tòa án có thể phán xét (nếu có) sẽ là buộc TQ rút giàn khoan và lực lượng trả về nguyên  trạng trước ngày 1/5/2014. Bằng cách này VN mới có thể tránh được nguy cơ mất thêm (trên thực tế- de facto) vùng lãnh hải phía Nam quần đảo Hoàng Sa đồng thời ngăn chặn các bước lấn chiếm tiếp theo của TQ.

Nếu TQ không chấp nhận tham gia vụ kiện, thì VN cũng không thiệt hại gì. Đây sẽ là dịp để VN nêu rõ lập trường và tranh thủ dư luận quốc tế.  Nếu tòa án ra phán quyết không có sự tham gia của TQ hoặc TQ không chịu thi hành án, thì vẫn có lợi cho VN.  


Thời điểm kiện: Nếu để TQ rút giàn khoan này đi rồi thì coi như mất tang chứng vật chứng. Kịch bản này rất dễ diễn ra nhất là khi gần đây TQ đã triển khai thêm 3 giàn khoan khác gần đó nhưng không nằm trong hải phận VN. Đây có thể  là thủ đoạn xập xí xập ngầu giữa cái đúng cái sai nhằm đánh lạc hướng dư luận. Không loại trừ khả năng họ bất ngờ tuyên bố út giàn khoan nhưng vẫn để lực lượng chốt giữa các lỗ đã khoan và coi đó là "mốc chủ quyền" của TQ. Bằng cách đó TQ sẽ tháo hơi làm xẹp quả bóng dư luận đang căng phồng và vấn đề sẽ phức tạp khó khăn hơn nhiều đối với VN nếu muốn đưa ra kiện. 

Do đó, nếu xác định sẽ kiện, thì VN nên khởi kiện  càng sớm càng tốt khi giàn khoạn 981 của TQ còn ở hiện trường. Đừng nghĩ rằng TQ sẽ vẫn còn tiếp tục có hành động xâm phạm lấn chiếm đối với VN..thì kiện lúc nào chẳng được(!). Nhiều khả năng TQ sẽ xâm phạm ở những địa điểm khác ở phía Nam, nơi không có mối liên hệ gì với tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và vì thế VN sẽ không có cơ hội để kết hợp nêu vấn đề Hoàng Sa. Nên nhớ TQ đã chiếm đóng trên thực tế toàn bộ quần đảo Hoàng Sa được 40 năm rồi;  nếu VN không có biện pháp chiến tranh cũng không có biện pháp pháp lý để tỏ rõ ý chí muốn đòi lại chủ quyền  thì theo thông lệ quốc tế (Luật La Mã) sau 50 năm sẽ không còn mấy lý lẽ để đòi chủ quyền.   


Mục đích của việc kiện TQ vào lúc này không chỉ để buộc TQ rút giàn khoan 981 mà còn  rút toàn bộ tàu thuyền khỏi vùng đó, đồng thời có ít nhiều tác dụng đề phòng không cho TQ dễ dàng dấn sâu thêm vào âm mưu lấn chiếm biển đảo nói chung. 


Thật sự mà nói, nếu chỉ nhằm đích TQ rút giàn khoan 981 thì sớm muộn họ cũng phải rút thôi, chậm nhất là đến 15/8 hoặc cùng lắm là đến thời gian sóng to  gió chướng tại vùng biển  này. Nhưng việc rút đó có ý nghĩa hoàn toàn khác. Lúc đó TQ sẽ tự tuyên bố "hoàn thành nhiệm vụ" và không loại trừ  khả năng họ cắm chốt tại mấy lỗ vừa khoan bằng cách tiếp tục duy trì lực lượng tàu thuyền bảo vệ không cho VN tiếp cận. Kịch bản này sẽ còn khó hơn cho ta nhiều! Lúc đó có kiện thì cũng đã quá muộn.      

Tóm lại, trước mắt VN nên kiện đòi TQ rút giàn khoan cùng toàn bộ lực lượng ra khỏi  lãnh hải của VN trả lại nguyên trạng trước ngày 1/5/2014. Việc chọn đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế hay UNCLOS tùy thuộc vào mục đích kiện. Tất nhiên trong quá trình xét xử, vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa dù muốn hay không sẽ được đề cập, và bằng cách đó Việt Nam sẽ có cơ hội để trình bày lý lẽ của mình. Trong trường hợp TQ không đồng ý tham gia vụ kiện thì ít nhất việc khởi kiện của VN cũng góp phần làm sáng tỏ lập trường chính nghĩa của mình trước công luận quốc tế, dù sao  vẫn có lợi hơn là không kiện./.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Đôi lời nhân chuyện báo chí TQ gọi Việt Nam là "đứa con đi hoang"

Ghi chú của tác giả: Sau khi viết bài này, tôi tình cờ phát hiện cụm từ "đứa con đi hoang" có thể vì một lý do nào đó đã bị dịch sai lệch từ tiếng Trung sang tiếng Anh (cụ thể là "lãng tử quay đầu" thành "đứa con hoang đàng"). Tuy nhiên, sau khi truy tìm trên mạng tôi không hề thấy bản dịch tiếng Anh trên phiên bản tiếng  Anh của tờ Hoàn Cầu như vốn dĩ vẫn thế (trừ trường hợp nó được gỡ bỏ có chủ ý) cũng không thấy ai cải chính, và vẫn thấy cư dân mạng TQ phê phán giới ngoại giao và báo chí TQ đã đưa ra từ "đứa con hoang đàng". Như vậy rất có thể từ này là có thật như đã được phóng viên phương Tây trích đăng. Do đó tôi quyết định vẫn giữ nguyên bài viết đồng thời cũng mong bạn đọc lượng thứ nếu có gì bất tiện. Xin cảm ơn.   

Nhân chuyến đi Việt Nam của Dương Khiết Trì ngày 18/6, báo chí TQ đã lập tức xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn nhằm đổi trắng thay đen và bôi nhọ VN.  Đây không phải lần đầu mà là một món nghề gia truyền của TQ vì họ nghĩ mình là nước lớn đông dân thì cứ to mồm nói càn thì có thể biến không thành có, biến sai thành đúng...

Người Việt lâu nay đã biết quá rõ và thế giới cũng đang nhận ra tật xấu này của TQ. Nhưng riêng việc báo giới TQ kêu gọi "đứa con đi hoang (prodigal son) trở về nhà" (1) thì thật nực cười. Nó cho thấy tình trạng bệnh hoạn và thái độ láo xược ngông cuồng của chủ nghĩa bành trướng bá quyền đại Hán một lần nữa lại xúc phạm tình cảm của 90 triệu nhân dân VN và bản thân nhân dân TQ. Xin bảo thẳng vào mặt bọn họ một câu trước đã: Không có chuyện nước lớn nước nhỏ, lại càng không có chuyện nước cha mẹ, nước con cái và ai về với ai ở đây!
Các tên và vị trí  trong bản đồ này chỉ mang tính minh họa 
Nói vậy là vì, bất cứ ai nghiên cứu lịch sử cổ đại TQ đều biết trên đất Trung Quốc ngày nay đã có hàng trăm tộc người Việt (sử TQ chép là "Bách Việt") cư trú trên khắp miền đất phía Nam sông Dương Tử, chính xác là phía Bắc giáp sông Dương Tử, phía Nam đến miền Bắc VN ngày nay, phía Tây giáp Tây Tạng, phía Đông Giáp biển Thái Bình Dương.  Cách nay khoảng 5.000 năm trong quá trình hình thành và phát triển quốc gia, người Hán đã tràn xuống phía nam xâm lấn đất đai của người Bách Việt. Tuy không đầy đủ nhưng sử sách và truyền thuyết của cả TQ và VN đều cho thấy thực tế lịch sử này, trong đó nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn có thể được coi là một ví dụ. 

Trường hợp Việt Nam cho thấy sau nhiều thời kỳ bị xâm lấn, các vương quốc Bách Việt lần lượt bị chinh phục, rồi bị đồng hóa với các mức độ và tốc độ khác nhau bởi Hán tộc; đến giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên thì vương quốc Văn Lang (Lạc Việt) một phần bị thôn tính, một phần bị đẩy xuống phía nam và trụ lại với tên gọi Âu Việt của An Dương Vương, sau đó là Nam Việt của Triệu Đà  trước khi bị các triều đại Hán tộc chinh phục hoàn toàn và thống trị trong thời gian dài được sử sách gọi là "ngàn năm Bắc thuộc". 

Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do chính là ý đồ xuyên tạc và tráo đổi sự thật lịch sử của các triều đại TQ, phần tiền sử của dân tộc Việt Nam ngày nay chỉ còn biết đến qua truyền thuyết về các Vua Hùng và Âu Cơ Lạc Long Quân. Tuy nhiên, khác với các vương quốc Bách Việt khác, Việt Nam sau thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc đã không bị đồng hóa mà vẫn trụ vững với bản sắc Việt của mình. Và đây là quốc gia dân tộc độc lập còn lại duy nhất của Bách Việt. Đây cũng là thành quả chung của Bách Việt vì trong thời kỳ nào cũng có nhiều thế hệ người gốc Bách Việt (kể cả những quan lại do Vương triều cử đến VN) đã chọn cách hội tụ tại vùng đất này để lập quốc nhằm giữ gìn cốt cách và bản sắc văn hóa của người Việt. 
Vẫn biết hiện tượng xâm lấn, chiếm đoạt đất đai và đồng hóa dân tộc đưa đến sự thịnh hoặc suy của các quốc gia trên thế giới là lẽ đương nhiên, kể cả trường hợp giữa Hán tộc và Việt tộc. Nhưng nếu cố tình xuyên tạc, tráo đổi sự thật lịch sử là một tội ác trước nhân loại. Trên thực tế, giới cầm quyền TQ thời nào cũng vi phạm tội ác này. Họ không bao giờ chịu thừa nhận thực tế là các tộc người Bách Việt chiếm phân nửa dân số của TQ ngày nay và chính người Hán đã thừa hưởng kho tàng giá trị nhân văn vô giá của người Bách Việt để có nền văn minh TQ hiện đại. Họ cũng che dấu thực tế bên trong nước TQ ngày nay chưa hẳn đã hoàn toàn ổn định trước trào lưu đòi tự trị hoặc độc lập của các tộc người không phải Hán tộc như Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người Tạng ở Tây Tạng, và một số dân tộc thiểu số gốc gác Bách Việt ở miền nam; trường hợp Đài Loan là khá rõ ràng với đa số Mân Việt  và người bản địa Đài Loan. Những kẻ có đầu óc đại Hán nếu thích thì có thể coi các phong trào ly khai như những "đứa con hoang đàng", nhưng dứt khoát không thể sử dụng từ đó đối với VN một quốc gia độc lập ngang hàng với TQ về mọi mặt.    
Chỉ có những kẻ bất chấp sự thật mới dám gọi Việt Nam là "đứa con hoang đàng"(của TQ). Đó là cách gọi vô lối xấc xược mà chỉ những kẻ tư tưởng dân tộc bá quyền nước lớn mới sử dụng, nếu không được ngăn chặn sẽ trở thành chủ nghĩa phát xít chưa biết chừng. Nếu còn chút liêm sỉ họ nên biết trân trọng giữ gìn những mặt tốt đẹp của quá trình giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Việt- Hán, biết tôn trọng mối quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia có chủ quyền. Nếu làm ngược lại điều này họ sớm muộn sẽ đẩy quan hệ hai nước vào vòng xoáy của bạo lực, và TQ không thể tránh khỏi thất bại, thậm chí tan rã như đã từng thấy trong lịch sử.  

Ghi chú của tác giả: Sau khi viết bài này, tôi tình cờ phát hiện cụm từ "đứa con đi hoang" có thể vì một lý do nào đó đã bị dịch sai lệch từ tiếng Trung sang tiếng Anh (cụ thể là "lãng tử quay đầu" thành "đứa con hoang đàng"). Tuy nhiên, sau khi truy tìm trên mạng tôi không hề thấy bản dịch tiếng Anh trên phiên bản tiếng  Anh của tờ Hoàn Cầu như vốn dĩ vẫn thế (trừ trường hợp nó được gỡ bỏ có chủ ý) cũng không thấy ai cải chính, và vẫn thấy cư dân mạng TQ phê phán giới ngoại giao và báo chí TQ đã đưa ra từ "đứa con hoang đàng". Như vậy rất có thể từ này là có thật như đã được phóng viên phương Tây trích đăng. Do đó tôi quyết định vẫn giữ nguyên bài viết đồng thời cũng mong bạn đọc lượng thứ nếu có gì bất tiện.    

Dưới đây là trích đoạn nguyên văn tiếng Anh bài báo trên Tạp chí Diplomat:

" The tone of these articles painted Yang as something like a patient teacher sent to deal with a particularly recalcitrant student. This attitude was most evident in the nationalistic media outlet Huanqiu (the Chinese-language counterpart of Global Times). Huanqiu characterized Yang’s visit as a gift from China, offering Vietnam yet another chance to “rein itself in before it’s too late.” Yang’s function in Hanoi was to “clarify the bottom line and the pros and cons” of the situation. In talking with Vietnam, Huanqiu said, China was “urging the ‘prodigal son to return home.’” Based on this interpretation, it seems that Yang was not in Hanoi for a real dialogue, but simply to deliver a lecture."


Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Rõ cả rồi nhé!

Sau mấy chục lần Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh gặp cấp cao để thảo luận về cái vụ giàn khoan 981...nhưng không được đáp ứng, hôm qua Bắc Kinh cử một cấp tầm tầm bậc cao là Quốc vụ viện Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì sang Hà Nội (nhưng chỉ là kết hợp dịp họp Ủy ban Hỗn hợp thôi đấy nhé, chả cần danh chính ngôn thuận gì cả đâu!Trừ một số người hy vọng hão huyền về khả năng TQ "xuống thang", "xuống nước"...thì đa số người Việt nam và cả thế giới đều nghi ngờ. Và những điều nghi ngờ đã nhanh chóng thành sự thật. 
Trong quá trình đàm phán cấp Bộ trưởng NG và cả trong hai cuộc chào xã giao giữa khách với Lãnh đạo chủ nhà đều thấy cảnh mạnh bên nào bên nấy tuyên bố lập trường quan điểm của riêng mình. Các phương tiện truyền thông mỗi bên cũng thi nhau đưa lên những gì có lợi cho nước mình. Riêng phía TQ như thường lệ được dịp trổ tài cắt xén xuyên tạc rất chi là "nhà nghề", coi chuyến đi của Dương là một "thắng lợi ngoại giao và tinh thần", thậm chí láo xược nói là "đã kêu gọi đứa con hoang VN trở về nhà" (theo tập chí Diplomat). Đúng là thật láo toét!   
Không những thế, nhân cơ hội này Bắc Kinh lại đã cho triển khai thêm một giàn khoan khủng nữa ngay trước cửa Vịnh Bắc Bộ như thách thức: Việc anh anh cứ làm đấy, chú em làm gì được nào? Đợi đấy sắp tới anh sẽ cắm thêm một hàng rào toàn bằng giàn khoan trước cửa nhà chú cho nó kín luôn nhá, nhá! Đấy là anh ưu tiên chỉ cắm rào nhà chú trước, vì chú hèn hay sợ bóng sợ gió... Anh muốn dùng chú như một tấm gương để Philippin và mấy nước giáp biển Đông thấy mà biết điều hơn khi anh triển khai sau này. Việc này anh tính toán kỹ rồi. Lần này anh làm thật, chứ không "thăm dò" như chú tưởng đâu. Chú đừng kêu ca than vãn làm gì cho mất công...Giờ thì muộn rồi, chẳng còn ai nghe lời cầu cứu của chú đâu! Nhưng dù sao chú cũng nên nhớ lời anh dặn, đó là chớ có nghĩ đến kiện cáo...thì rách việc thêm ra đấy nhé! Cứ để yên cho anh làm việc, sau này anh sẽ xem xét "lại quả" cho chú đỡ kêu thiệt thòi.
Khách đi rồi mà cả nhà chủ còn đang ngơ ngác chưa biết thực hư ra làm sao... Dân chúng ai có nét đọc nét, ai không có nét thì đọc báo,  ai không có báo thì nghe đài, xem TV...rồi đoán non đoán già đủ kiểu. Dưới đây xin cung cấp vài hình ảnh mà tự chúng có thể nói lên đôi điều (để xả xì-chét thôi nhé!)
Ngoại trưởng chủ nhà bực mình không nhìn mặt khách đã phạm tội xâm lược còn trì hoãn họp Ủy ban Hỗn hợp  

Thủ tướng chủ nhà lại càng bức xúc...(sao nó cứ cố kéo tay mình về phía nó?) 

Nhưng người đứng đầu của Đảng thì vui ra mặt...có lẽ vì chờ mãi giờ mới được gặp khách quý!  Và khách cũng vui... như đang rỉ tai chủ: "Đồng chí làm TBT thì chúng tôi ở Bắc Kinh yên tâm... "
 Thế là rõ cả rồi nhé!    

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Gà ơi đừng lại chui vào hang cáo nhé!


Tính đến nay đã một tháng rưỡi kể từ khi TQ hạ đặt giàn khoan Haiyang 981 mà họ gọi là "biên giới di động" tại một tọa độ chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 dặm tức là xâm phạm sâu 80 dặm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bất chấp sự phản kháng của Việt Nam và quốc tế, TQ vẫn tiếp tục ngang nhiên sử dụng hàng trăm tàu thuyền, máy bay, kể cả của hải quân và không quân đàn áp các lực lượng chấp pháp và dân chài của Việt Nam. Tuy chưa gọi là chiến tranh nhưng chúng đã và đang gây ra những thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng không khác gì một cuộc chiến tranh. Thực chất đây là một đợt lấn chiếm biển đảo nữa kể từ sau sự kiện đầu năm 1988 khi quân TQ đã giết hại gần trăm sinh mạng người VN để chiếm một vài cứ điểm tại quần đảo Trường Sa, trong đó có bãi Gạc Ma nơi hiện nay chúng đang hối hả tạo dựng một căn cứ khổng lồ án ngữ giữa Biển Đông và không xa eo Malaca.  
  
Ai cũng biết VN đang phải chống trả TQ với một tương quan lực lượng không cân xứng. Tuy nhiên sự ủng hộ của quốc tế đang có đà tăng lên khá rõ rệt và đã có những bàn tay chìa ra từ hai cường quốc là Mỹ và Nhật. Ngoài những lời tuyên bố chính thức gọi đích danh và yêu cầu TQ rút giàn khoan, Mỹ còn ngỏ lời mời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Mỹ và Nhật tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tàu bè, phương tiện... Sự ủng hộ của ASEAN tuy chưa được như mong đợi nhưng đang chuyển biến một cách cơ bản. Đó là những dấu hiệu rất đáng khích lệ trong bối cảnh Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh gặp cấp cao để đàm phán nhưng đều bị khước từ.  

Tuy nhiên, nhìn vào cách thức ứng đối mà VN đang áp dụng cho thấy chưa có gì khác so với cách thức mấy chục năm qua, đó là vẫn coi trong quan hệ với TQ hơn các bên đối tác như Mỹ, Nhật. Có lẽ tư duy đối ngoại theo "ý thức hệ" vẫn còn đó như một rào cản thì phải(?). VN không bao giờ chủ trương sử dụng biện pháp chiến tranh đối với TQ , nhưng kể cả biện pháp đưa ra kiện TQ cũng bị coi là "bát nước đổ đi". Trên thực tế VN vẫn rất do dự trong việc kiện TQ kể cả khi không còn biện pháp nào khác khi gần đây tàu kiểm ngư và cảnh sát biển VN thậm chí bị đẩy ra ngày càng xa hơn nơi đặt giàn khoan một cách bất lực trong khi TQ còn "tố ngược" VN trước LHQ. Liệu điều gì sẽ xảy ra khi giàn khoan 981 hoàn tất kế hoạch cắm "mốc chủ quyền" và TQ tuyên bố rút giàn khoan để xì ngòi nổ nhưng vẫn duy trì lực lượng bảo vệ mốc chủ quyền? Lúc giàn khoan còn đứng đó như một tang chứng vật chứng thì VN không dám kiện, sau này kiện cái gì? 

Một dấu hiệu khác cũng đáng để suy ngẫm, đó là cách tư duy về chiến tranh và hòa bình của VN dường như đang có sự thay đổi ngược chiều khi gần đây nổi lên cách lập luận rằng đất nước này đã hy sinh đau khổ quá nhiều vì chiến tranh... do đó cần phải tránh chiến tranh bằng bất cứ giá nào. Quan niệm này thấp thoáng đâu đó không chỉ trong các "nhóm lợi ích mới" mà cả trong quân đội và lan sang một bộ phận dân chúng.  Có người thậm chí viện dẫn sự chênh lệch về so sánh lực lượng giữa VN và TQ để kết luận không nên chống lại TQ. Vậy xin hỏi tại sao trong quá khứ giới lãnh đạo đất nước đã từng kêu gọi toàn dân chấp nhận hy sinh để đánh bại kẻ thù xâm lược dù đó là Mỹ - siêu cường số một! sao bây giờ lại sợ  một kẻ xâm lược TQ chỉ là siêu cường số hai lại có rất nhiều yếu điểm?  Chẳng lẽ siêu cường đế quốc khác siêu cường XHCN? Suy cho cùng, đó chỉ là một thứ đạo đức giả nguy hiểm của những kẻ đang còn sống nhưng lợi dụng danh nghĩa của hàng triệu người đã hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc. Vẫn biết tránh chiến tranh là cần thiết, nhưng không thể bằng cái giá của độc lập tự do. Mềm dẻo, khôn khéo có nhiều cách thể hiện, không việc gì phải chọn cách phô bày sự bạc nhược, thiếu khí phách khi gọi kẻ thù là bạn, coi hành động kẻ cướp là xích mích giữa anh em hàng xóm

Có lẽ một thay đổi có thể nhận thấy đó là việc báo đài đã chuyển từ cách gọi "tàu lạ" "nước lạ" sang đích danh TQ. Nhưng đồng thời cũng cho thấy một sự lúng túng khi ngày nào cũng phát đi những bài tường thuật giống nhau: Tàu TQ to hơn, đông hơn, mở bạt che súng, phun vòi rồng, đuổi ép... khiến tàu VN tuy bé nhỏ ít ỏi..., nhưng được cái chạy luồn lách rất tài ...nhờ thế mà chỉ một số bị hư hại phải về cảng đại tu..Hu Hu! 
Mấy hôm rày người VN đang chờ một thượng cấp từ Bắc Kinh sang. Quan trọng đấy, dẫu không cấp cao nhất, nhì, ba...cũng là cấp cao mà! Nhưng hồi hộp nhất là không biết các cụ nhà ta sẽ ăn nói thế nào trong dịp này. Thôi thì chỉ còn cách mong  sao các cụ theo đúng câu ngạn ngữ "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng...DÂN" là được! Mong vậy là vì, thời gian qua hình như các cụ chưa chuẩn sẵn sàng thì phải (?) Cụ thì ngậm tăm, cụ thì nói nhiệu gọi kẻ thù là bạn, coi kẻ cướp là hàng xóm anh em láng giềng.... Được một vài cụ nói lời hợp lòng dân thì bị "phê bình nội bộ". Thật chẳng hiểu ra làm sao! Họ quả không bằng một góc của Cụ Hồ nếu nhớ lại hồi năm 1946 cụ đi Pháp ký thỏa ước để nhằm tống khứ quân tàu ô đề phòng hậu họa... thì bị dân thắc mắc, Cụ Hồ đã lên tiếng "Hồ Chí Minh không bán nước"...thế là dân yên lòng ngay. Giờ làm gì có chuyện này. Dân kêu oan khắp nơi nơi, giới trí thức tuy không khiến vẫn rần rần góp ý kiến rằng đây là cơ hội để thoát Trung giành lấy quyền độc lập tự chủ thật sự cho đất nước cùng rất nhiều hiến kế của nhân sĩ trong và ngoài nước. Nhưng có bao giờ được vị lãnh đạo nào đứng ra trả lời cho ra ngô ra khoai đâu!

Nếu còn có thể hy vọng thì xin hy vọng lần này con gà VN sẽ không lại một lần nữa chui vào hang con cáo TQ./.  

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Quyền, Tiền và Tổ quốc

Hôm qua đọc báo mạng tình cờ bắt gặp lời bình của một người TQ về việc VN sắp cho phép mở sòng bạc, đại ý thế này: VN giờ lại cho mở sòng bạc thì coi như chấm hết, vì theo anh ta, phát triển kinh tế bằng sòng bạc là lợi bất cập hại. Đọc lời bình đó khiến mình có cảm giác vui vui: Thì ra giữa lúc TQ xâm lấn biển đảo VN mà cũng có người TQ biết lo toan cho vận mệnh của VN hơn cả người VN! 
Một bè nuôi cá của người TQ tại cảng Cam Ranh 
Hôm nay tình cờ gặp chú em vừa từ miền Trung ra Hà Nội công tác, qua chuyện trò mình lại nghe một chuyện sốt dẻo đại ý thế này. Tại một cuộc họp các ban ngành của thành phố (xin miễn nói tên) bàn về việc cấp phép đầu tư nước ngoài đối với vùng ven biển thuộc thẩm quyền của tỉnh. Khi chú em nêu ý kiến không nên cấp phép cho nhà đầu tư Trung Quốc (lục địa)... thì một vài vị khác lắc đầu: "Đồng chí này thật là..., giữa lúc ta đang cần tiền, người ta đem tiền đến cho, sao lại từ chối?". Tất nhiên kết luận của cuộc họp là theo hướng của những người có quyền. 

Thật ra đã có rất nhiều hội thảo, họp hành cấp thấp, cấp cao tốn rất nhiều thời gian giấy mực xung quanh chủ đề sử dụng các nguồn lực và đầu tư như thế nào...  Ai cũng biết, chỉ còn 6 năm để VN phấn đấu trở thành nước công nghiệp. Vậy mà đến giờ phút này cái đinh vít vẫn phải nhập khẩu. Trong khi đó nguồn vốn khan hiếm của đất nước vẫn tiếp tục đổ vào các ngành dịch vụ như du lịch, sân golf, resorts, nhà hàng, khách sạn...và sắp tới đây là sòng bạc. Đồng thời cũng có nhiều tin tức thất thiệt về các vụ người TQ đầu tư vào các vùng xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp các vùng miền của đất nước ta từ biên giới đến Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam Bộ, đặc biệt dọc bờ biển chiến lược của miền Trung. Thật không thể hiểu nổi!

Nạn bùn đỏ đang hiện hữu từ Dự án Bauxit trên Tây Nguyên 
Trên đây chỉ là hai trường hợp thông tin nhỏ lẻ mà người viết bài này tình cờ bắt gặp, nhưng điều thú vị là nó cho thấy hai cách nhìn của hai người thuộc hai đất nước khác nhau, thậm chí đang xung đột với nhau, về một chủ đề rất hệ trọng của VN, đó là vai trò của chính quyền nhà nước đối với vận mệnh của đất nước. Phải chăng VN đang có xu hướng sai lầm trong đường lối chung cũng như trong chủ trương chính sách cụ thể liên quan chiến lược phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng? Vậy sai lầm đó bắt nguồn từ đâu, nếu không phải từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cương vị khác nhau từ trung ương xuống địa phương? Đừng nói đó chỉ là sai lầm do "nhận thức yếu kém" của "một bộ phận" cán bộ nhé, bởi vì hầu hết họ đều được học hành đến nơi đến chốn, thậm chí có học vị tiến sĩ phó tiến sĩ mà dư luận nói đùa là "như lợn con ấy"! Ắt hẳn phải có một lý do khác, đó là động cơ kiếm tiền. Có trời mới biết họ kiếm tiền cho đất nước hay cho bản thân, hoặc nhập nhằng cả hai khi mà đụng vào đâu cũng thấy tham nhũng, cũng bắt được "sâu" như cách nói hình tượng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. 

Vẫn biết quyền lực, tiền tài và tai vạ thường đi liền với nhau. Nhưng xin lưu ý những kẻ có quyền dù ham kiếm tiền bất chấp tại vạ cho bản thân, nhưng không được phép gây tai họa cho tổ quốc. Câu hỏi đặt ra là, liệu vận mệnh tổ quốc VN sẽ đi về đâu với ngày càng nhiều những sai lầm từ nhỏ đến lớn nhưng không mấy sai lầm được làm sáng tỏ? 

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Lại do dự?

Giàn khoan Haiyang 981- "lãnh thổ di động" của TQ
Những ai theo dõi diễn biến tình hình vụ giàn khoan Haiyang981 và không khí tranh luận suốt tháng nay đều không tránh khỏi cảm giác thất vọng khi nghe người đứng đầu QĐNDVN phát biểu tại Hội nghị Sangri-la mới đây. Từ sự im lặng khó hiểu của người đứng đầu Đảng đến bài phát biểu mạnh mẽ rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ và bây giờ là lời phát biểu "ôn hòa" đến mức nhạt nhòa của người đứng đầu Quân đội(*) là những cung bậc trầm bổng đầy xúc cảm đối với hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước,cảm nhận chung nhất là khó hiểu Việt Nam đang đi theo hướng nào. 

Tìm kiếm Blog này