Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Lại bàn về nguồn cội dân tộc Việt Nam

Lang thang trên mạng gặp bài này đề cập một chủ đề mà tôi cũng đang quan tâm .., xin mạn phép tác giả dchph (tôi chưa biết rõ) được đưa lại nguyên văn trên blog này để nhiều người cùng đọc (Hơi tiếc là không up được mấy hình ảnh và lời tựa của bài gốc).

Một vài suy nghĩ về nguồn gốc dân Việt (On the Origin of the Vietnamese People)
dchph

Trong mỗi giai đoạn của quá trình phát triển của mỗi dân tộc, về mặt địa lý và lịch sử, có thể nhận thấy rằng thực thể dân tộc Việt Nam, phát triển song hành với sự thành hình của dân tộc Hán, càng xuống địa bàn phía Nam, tính hợp chủng với người dân bản xứ phía Nam càng đậm nét như khi đi sâu xuống tầng bản địa.

Nếu bạn sang viếng thăm các tỉnh thuộc miền nam của Trung Quốc ngày nay, nhất là Tỉnh Quảng Tây, bạn sẽ thấy người dân của tỉnh nầy, không khác biệt mấy với dân Việt Nam ta; thí dụ so về mặt thể chất, như là vóc người nhỏ nhắn so người Tàu phương Bắc cao lớn (do họ hoà chủng lần nữa với “rợ Hồ” thuộc gốc Tartar, người Altaic, người Kim, người Mãn châu, người Mông Cổ...) và tập quán ăn uống, thí dụ, cơm gạo và bún là món ăn chính của người phương Nam thay vì bánh bao làm bằng bột mì của “người Hán” phương Bắc. Cái điểm chung trong cái văn hoá ẩm thực của tất cả là ai cũng đều biết dùng “đũa” (một từ có cùng gốc với tiếng Hán), uống trà (“chè”), một đặc sản phát xuất từ phương Nam ở vùng Phúc Kiến, hay là nước Việt của Câu Tiễn ngày xưa. Cũng với cái nhìn tương tự, ở xứ ta, càng xuống sâu vào trong Nam của nước Việt thời hiện đại, yếu tố bản địa hoà chủng với dân bản xứ (người Lâm Ấp, người Chàm, người Môn, người Chân Lạp, v.v... thuộc các nền văn hoá khác nhau trong đó bao gồm nền các văn hoá Sa Huỳnh, Hồi giáo, Ấn Độ, Ốc Eo...) cũng dần dần hiện rõ nét hơn. Dường như nơi nào có địa danh bản địa nơi đó càng mang đậm nét bản xứ, thí dụ, Đà Nẵng, Quảng Đức, Buôn Mê Thuộc, Pleiku, Đắc Lắc, Phan Rí, Sóc Trăng, Hà Tiên...

Tưởng cũng nên nhắc lại là hầu hết những địa danh ở Việt Nam ngày nay, ngay cả tại những vùng mới được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam từ sau thế kỷ thứ 12 như từ Thuận Hoá trở vào miền Nam, từ Bắc chí Nam nơi nào cũng đầy rẫy những địa danh tiếng Hán Việt hoặc đối xứng hoặc đã có sẵn bên Trung Hoa từ ngàn xưa, thí dụ, Sơn tây, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Bắc, Hà Nam, Hà Đông (ta “chôm” luôn cả thành ngữ “sư tử Hà Đông”), Quảng Tín, Quảng Nam (đối xứng với Quảng Đông và Quảng Tây), Tây Ninh, v.v… quá nhiều kể không xuể; và điều gì đã buộc người ta không dùng địa danh bản địa đã có sẵn mà lại đặt những tên mới như vậy nếu chúng không mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó với cư dân ở đó? Thành phần dân số từ đó cũng phản ảnh một cách chừng mực, thí dụ, bản sắc người thuộc Tỉnh Hà Đông khác với người vùng Tỉnh Sóc Trăng, dân Thuận Hoá dĩ nhiên là có những nét cá biệt khác với dân Phan Rang.

Ngày xưa người Tàu phương Bắc gọi những người phương Nam là “Nam Man”, nói chung là “man” là “mọi”. Tổ tiên của những người Kinh sống ở vùng đồng bằng Sông Hồng ngay từ xưa lại cũng dùng từ “mọi” để chỉ người dân thiểu số người Thượng sống trên miền thượng du, mà họ có thể đã từng là chủ nhân ông của vùng đồng bằng ruộng lúa màu mỡ và chỉ vì họ bị đàn áp, tàn sát, truy đuổi, bất hợp tác với người Hán thống trị cho nên đã bỏ chạy lên miền núi rừng thiêng nước độc (so sánh những biến cố xung đột sắc tộc ở miền Tây nguyên đã đẩy hàng ngàn người thuộc dân tộc thiểu số gốc Mon-Khmer sang Cam bốt 10 năm trước đây.)

Nếu quả thật là họ cùng gốc với tổ tiên của người Kinh sinh sống ở vùng bình nguyên thì người Kinh đã không gọi những người Thượng bằng cái danh từ “mọi” một cách trịch thượng có tính cách miệt thị như vậy (ngược lại cũng thế, Việt kiều sống ở Cam bốt trong lịch sử đã bị cáp duồn bao lần?) trong khi đó lịch sử cho thấy người Việt bao giờ cũng tử tế với “Hoa kiều” sống chung với họ mặcdù mẫu quốc của họ đã liên tục hiếp đáp dân Việt trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước!

Trước những biến cố dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979, nhà nước CHXNCN Việt Nam lo ngại về một viễn tượng “đội quân Tàu thứ năm” ở trong nước nên đã có chính sách mở cửa biên giới và công khai khuyến khích, nhưng không ép buộc, Hoa Kiều rời bỏ Việt Nam. Bấy giờ chỉ có một số ít khoảng 100 ngàn kiều dân chấp nhận trở về cố quốc của cha ông mấy đời trước qua ngã Nam Quan và Móng cái, còn số hàng trăm ngàn người còn lại đều theo chân người Việt chọn quê hương thứ ba khác trên thế giới.

Tính cả thảy trong thập niên 1975-85, khi người ta nói hơn một triệu người dân Việt bỏ nước ra đi, có nghĩa là hơn nửa triệu người Hoa đã được bao gồm trong đó. Khi sang định cư ở nước ngoài, Hoa kiều Việt Nam tỵ nạn vẫn giữ sự giao du làm ăn với người Việt hơn là người Tàu đến từ các xứ khác.

Người Hoa sinh sống trong những nước Đông Nam Á rất nhiều, Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan, và đặc biệt là ở Mã Lai với dân số Hoa kiều chiếm trên 33 phần trăm (thống kê chính thức) so với người gốc Mã Lai bản xứ, mà sự hoà chủng ở những xứ đó có lẽ sẽ không lặp lại những gì đã xảy ra ở xứ ta—người Hán thống trị và xô đuổi dân bản địa lên miền rừng núi—vì lịch sử cho thấy khi kinh tế của những xứ đó mỗi khi có điều trục trặc gặp khó khăn là Hoa kiều ở đó bị “làm thịt” theo đúng nghĩa đen của từ này. Lịch sử ghi nhận trong quá khứ đã có hàng trăm ngàn Hoa kiều bị tàn sát ở Phi Luật Tân, Mã Lai, và Nam Dương. Chuyện này đã xảy ra ngay cả trong thời đại ngày nay tại Nam Dương thời thập niên 60 và chỉ mới 10 năm trước đây cho dù đa số người Hoa ở xứ đó đều mang tên họ người Nam Dương!
Trong khi đó, theo thống kê chính thức thì có bao nhiêu “Hoa kiều” ở Việt Nam? Chỉ mới hơn 1 phần trăm dân số! Nếu thế, ta có thể đặt câu hỏi là dân Tàu từ phương Bắc xuống Việt Nam từ xưa nay đã biến đi đâu hết rồi? Rõ ràng là số dân Tàu di cư đến Việt Nam trong suốt hơn hai ngàn năm nay đã biến thành một thành tố không phân biệt được trong cái tổng thể cấu thành dân tộc Việt Nam. Về mặt thể chất, bạn đã đến Mỹ và tự quan sát và đã thấy, trẻ con Việt Nam ngay cả của của thế hệ thứ nhất sanh ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ đều có vóc người cao lớn, trắng trẻo, và chúng thường bị nhìn lầm là người Tàu giữa đám đông dân Á châu như người Việt thuộc thế hệ cha chú mới đến, người Phi, hay người Campuchia nào đó. Do đó, những lý luận bàn cải về nguồn gốc dân Việt thuộc giống dân Nam Á (aka “Bách Việt”) có phải là từ lục địa xuống hay từ các hải đảo miền Nam lên 10 ngàn năm trước (?) thì không ăn nhập gì tới sự kiện quan trọng là sự hoà chủng là giữa “Hán tộc” từ phương Bắc xuống với “Việt tộc” cho ra dân tộc Việt Nam ngày nay về mặt dân tộc học.

Vì vậy cách luận giải “người Việt là sự hoà chủng của người bản xứ (tức là dân Lạc Việt thuộc Bách Việt) với ‘người Hán-tạp pín lù’” có liên hệ mật thiết với sự kiện người Việt mang họ Tàu; nếu không, làm sao lý giải được sự kiện mỗi người trong chúng ta đều mang họ Tàu? Có người cho rằng nhiều họ đã được vua thưởng cho vì có công. Nhưng triều đại Việt Nam chỉ có ngần ấy họ, nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn... Còn họ của mấy ông vua thì các ngài lấy đâu ra, xin của ai, ai thưởng cho? Họ của người Việt chỉ có năm ba chục họ đổ lại, còn họ Tàu bên Tàu thì nhiều không kể xiết, không phải trăm họ mà cả hàng ngàn họ. Ta nhận thấy rõ họ Việt là một “sub-set” của hàng ngàn họ Tàu kia.

Thực ra ta có thể làm nghiên cứu và truy nguyên ra những họ Việt tương đồng cùng gốc của những họ của những nhóm người Hoa gốc Quảng Đông và Triều Châu, của những nhóm khác có tổ tiên làm quan bên Tàu bị đày ải đi đến chốn của bọn “man di mọi rợ”, và của những người thuộc vào số người còn lại khác để giúp ta có thể quy ra là có nguồn gốc từ dân di cư đã đến từ miền Nam nước Tàu, cũng như từ những đám lính viễn chinh hỗn hợp đủ các sắc tộc bên Tàu có tổ tiên đã bị “Hán hoá” (mà tôi gọi là “người Hán-tạp pín lù”) trước khi thừa lệnh đến xâm chiếm vùng đất Giao Chỉ. Đa số những kẻ tha hương đó—phần lớn là những trai tráng xuất thân cùng đinh cực khổ -- đã định cư vĩnh viễn ở vùng đất mới nơi đây.

Nên nhớ là thời xưa giao thông rất khó khăn, có người cả đời có lẽ chưa bao giờ rời xa quá 50 cây số khỏi làng mạc của họ, khi họ đã đến đây rồi họ sẽ khó mà có phương tiện để trở về cố quốc. Sau khi định cư lập ng hiệp họ đã lấy vợ người bản xứ và hoà nhập vào dòng “Việt tộc”, sanh cháu sanh chít, tất cả do đó đều mang họ Tàu. Khái niệm “Hán hoá” là một từ lội ngược dòng thời gian bao gồm luôn cả đa số người trong đám 500 ngàn lính viễn chinh của Tần Thỉ-Hoàng xuống chinh phục miền Nam Việt và đa số những người đó đã bị “Tần hoá” (Tàu hoá?) trước khi bị nhà Hán “Hán hoá”.

Nói đi nói lại kết luận chủ yếu vẫn là phần lớn dân Việt Nam chúng ta ngày nay là hậu duệ của dân bản xứ đã hoà chủng với những người Tàu (“người Hán-tạp pín lù”) đến vùng đất nầy ròng rã từ hơn hai ngàn năm đổ lại đây, tính luôn thời điểm kể từ khi nước Việt giành được độc lập từ năm 936, và như vậy dân tộc Việt Nam đã thực sự thành hình như ta thấy ngày nay là cái tổng thể hoà hợp chủng tộc của “thổ dân” và người đến sau từ phương Bắc trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc và của những triều đại tiếp theo sau đó. Hãy so sánh cái “melting pot” của nước Mỹ, hay đúng hơn là của các nước Nam Mỹ, vì ta có thể nhận thấy mô hình chủng tộc của phần đông dân số các nước châu Mỹ La Tinh sau chỉ 300 năm bị người Tây Ban Nha (Spanish) thống trị và đồng hoá, thành phần “Hispanic” (dân bản xứ hợp chủng với người Tây Ban Nha da trắng) đa số mang họ Tây Ban Nha và nói tiếng Tây Ban Nha, còn dân bản địa vẫn là dân bản địa, có sự phân biệt rõ ràng, và ở xứ ta, dân bản địa chính là “dân Thượng”.

Nếu thế tại sao người Việt lại không “ưa” người Tàu? Bạn có “ưa” người Tàu ở Việt Nam không? Câu hỏi nầy thật khó trả lởi. Nói đúng ra là ta không ưa cái nước Tàu khổng lồ phương Bắc thường xuyên ăn hiếp nước ta chứ không phải cá nhân Hoa kiều nào cả. Bằng chứng là người dân xứ ta đã sống rất hoà đồng với nhiều cộng đồng người Hoa chung quanh, đa số là hậu duệ của những người mới di cư đến sau, cỡ từ 500 năm đổ lại đây, đó là người Quảng đông, người Hẹ, người Hải Nam, người Phúc Kiến, và người Minh hương bao gồm người Triều Châu, mà trên thống kê chính thức thiểu số người Hoa ở Việt Nam mới hơn khoảng 1 phần trăm dân số.

Bởi những lý do lịch sử, nước Việt dường như lúc nào cũng ở trong tư thế chuẩn bị để đối đầu với những đe doạ uy hiếp từ anh Tàu (để chỉ Trung Quốc) vì anh ta quá mạnh xưa nay, nhất là vào thời điểm của thế kỷ 21 ngày nay. Từ xưa đến nay nước Việt lúc nào cũng phải hoà hoãn tìm cách phòng vệ để khỏi bị Bắc thuộc một lần nữa. Ngày nay nhà nước CHXHCN Việt Nam chơi với anh Tàu, nhưng dân ta cũng như người Đài loan, người Tân Gia Ba, người Mã Lai—về mặt thời gian thì họ thuộc thời cận đại – không ai muốn trực thuộc Trung Quốc hết mặc dù thành tố người Tàu ở những xứ này rất là đông đảo. Mô hình chủng tộc của Việt Nam chính là hình ảnh của Đài Loan sau hai ngàn năm nữa, nếu xứ nầy còn tồn tại như một thực thể riêng biệt như ta thấy ngày hôm nay, dân của xứ này sẽ không nhận họ là “người Tàu” mà họ sẽ tự xem mình là dân Đài Loan (ngày nay đã thế) mặc dù thành phần dân bản xứ (“thổ dân”) Đài loan rất là ít (nếu bạn sang Đài loan và thấy rất nhiều người nhai trầu bỏm bẻm khắp nơi, đó là hậu duệ của dân Phúc Kiến, là hậu duệ của sắc tộc Âu Việt trong tộc Bách Việt đã hoà chủng với “người Hán-tạp pín lù” chứ không nhất thiết phài là “thổ dân” gốc Austronesian).

Có phải nói như vậy mọi người trong chúng ta mang họ Tàu đều có tổ tiên là người Tàu hết à? Trả lời thoả đáng câu hỏi nầy chưa có nghiên cứu đứng đắn nào trực diện với vấn đề một cách khách quan (không có đầ uóc thiên Tàu hoặc bài Tàu) và khoa học (như là lập bảng mô hình gene-DNA—không hiểu sao các ông khoa học gia nhà ta vẫn còn chưa thực hiện nổi dự án nầy—cũng như đồng thời tiến hành những nghiên cứu mới mẻ về lịch sử cổ đại của các dân tộc thuộc tộc Bách việt như đã được ghi chép rải rác và tản mạn trong cổ thư của Tàu nhưng chưa có nghiên cứu nào nhắc đến chúng, không cứ phải nhai đi nhai lại những điều đã có sẵn từ Hoàng Lê Thông nhất Chí, Đại Nam Sử Lược, Việt Nam Sử Lược, v.v...)

Tóm lại, dưới mắt nhìn của tôi, người Việt của nước Việt ngày nay chính là hậu duệ của một tổng thể thành tựu và kết tủa từ đám cháu chít của dân bản địa—tính luôn cả những nhóm đã bị hoà chủng hoàn toàn trước đó—họ là những người gốc Tàu đã hoàn toàn “An Nam hoá” từ nhiều đời liên tục trong suốt hơn hai ngàn năm trước và đã trở thành “người Kinh” hay “dân tộc Kinh”. Trong thời đại ngày nay cứ đơn giản nhìn quanh bạn những người quen biết là bạn thấy ngay tỷ lệ Tàu/Việt khá cao, đó là chưa kể những người gốc Tàu đã hoàn toàn Việt hoá. Thí dụ, bên ngoại của tôi, nguyên cũng là người gốc Hải Nam và ông ngoại tôi vẫn còn nói trọ trẹ tiếng Việt, nhưng nay tất cả gia đình phía cậu dì cùng anh em cậu mợ đều đã trở thành người Việt Nam 100 phần trăm, và dĩ nhiên là cái họ Diệp chưa hề bị thay đổi.

Còn “người Thượng”, họ là ai? Họ chính là những người dân bản địa bị đẩy lên vùng miền thượng du (tổ tiên của Mạc Đặng-Dung là người có thể thuộc dân tộc Tày—Dai, Tai, Thai—mà có sách gọi là dân tộc Đản thời cổ đại), trong số đó có cả “người Mường” (gần gũi với người Việt nhất, và Vua Lê Lợi có thể là người gốc Mường) là những người bất hợp tác với những người chủ mới trên đất đai của họ, là giai cấp thống trị của nhà Hán bắt đầu trước hơn thuở vùng đất Giao Chỉ được đổi tên thành Giao Châu vào khoảng năm 197.

Do đó từ câu chuyện nguồn gốc họ P. của tôi và họ Diệp bên ngoại tôi, nói thêm dăm ba câu nhàn đàm về họ Huỳnh của bạn, rồi nếu có tán thêm về họ Khổng, họ Đỗ, họ Võ, họ Cao, họ Đoàn, họ Trịnh, họ Lâm, họ Lê, họ Lưu, họ Phạm, v.v.. cuối cùng kết luận tất cả vẫn đều là những họ Tàu. Và nói chung, không có họ nào là họ Việt Nam thuần tuý cả, kể cả họ Nông. Người ta cũng cho rằng họ Nông là họ của người Nùng nhưng thực ra đó cũng là họTàu!
Nói về người Nùng, như đã kể trên, đây là nhóm dân tộc thiểu số có mặt khắp nơi từ trên miền thượng du Bắc bộ ở Việt Nam trải dài đến suốt cả vùng miền nam Trung Quốc. Dân tộc nầy ở Trung Quốc ngày nay người ta gọi là tộc Tráng, dù họ vẫn giữ bản sắc riêng thì đa số bây giờ cũng đã bị Hán hoá khá nhiều, tất cả hầu như ai cũng đều mang họ Tàu như ta. Cũng như sắc tộc Lạc Việt, tổ tiên của dân Nùng là một thành phần của các dân tộc Bách Việt của trên 4000 năm trước nằm trên địa bàn miền Nam Trung hoa vượt qua bên tả ngạn Sông Dương Tử lên tận đến vùng thuộc Tỉnh Sơn Đông miền Đông Bắc nước Tàu trước khi người Hán bành trướng đến chiếm lĩnh và đồng hoá. Trong thời đại ngày nay, dân tộc Tráng (Nùng) là một dân tộc có số dân thiểu số đông nhất thế giới, hơn 20 triệu người, sống trong một lãnh thổ mà họ không có quốc gia riêng (quốc gia riêng của họ ngày xưa đã bị thay thế bằng nước Sở cách đây trên 2500 năm). Địa bàn tập trung của dân tộc nầy ngày nay nằm trong khu vực tự trị của Tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ngày xưa, người Nùng là người bất hợp tác với người Hán, số người chấp nhận sự Hán hoá, ngày nay đã trở thành người Quảng Đông, người Phúc Kiến!

Tôi đã từng hoài nghi là người Việt cổ đại của tổ tiên dân tộc Việt Nam ngày nay có máu mủ quan hệ với dân Nùng nhưng luận cứ nầy chỉ căn cứ trên những sự kiện văn hoá như di vật trống đồng mà cho tới ngày nay họ vẫn còn sử dụng vào các dịp lễ lạc (họ còn có cả chuyện cổ tích về nguồn gốc trống đồng), sự tích nỏ thần, và về mặt ngôn ngữ, ngữ pháp của tiếng Nùng có cấu trúc danh từ đi trước hình dung từ đi sau, và vết tích nầy vẫn còn hằn dấu trong tiếng Quảng Đông, thí dụ, “gà cồ” họ gọi là “cáy công” (tiếng Phước Kiến, Triều châu, và Hải Nam cũng đều có cách nói tương tự.) Có điều là khi tôi nghiên cứu từ nguyên đã không tìm thấy sự tương đồng nào đáng kể với các cụm từ cơ bản giữa tiếng Nùng và tiếng Việt, có lẽ vì từ nguyên tiếng Việt đã bị Hán lấn át gần hết.

Sở dĩ tôi dài dòng như vậy vì vấn đề ngôn ngữ và dân tộc đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, ví dụ, sự tách rời người Kinh và người Mường từ người Việt cổ bản xứ giống y như sự tách rời của tiếng Việt ra khỏi ngữ chi Việt-Mường. Thực ra nhận thức này chỉ nảy sinh trong tôi sau những cố gắng truy tìm nguồn gốc tiếng Việt, cụ thể hơn, đó là từ nguyên tiếng Việt có gốc Hán. Tôi nhận thấy sự hình thành dân tộc Việt Nam và tiếng Việt có rất nhiều điểm chung, đó là cái nền Bách Việt, còn cụ thể thì tôi vẫn chưa biết cái nền nguyên sinh (aborginal stratrum) của Lạc Việt tiếp cận với thành phần sắc tộc thiểu số nào ngày xưa để bắt cây cầu nối bị đứt đoạn bắt đầu từ lúc dân Lạc Việt sau khi đã trải qua hết sự cai trị của 18 đời Hùng vương—kéo dài tối đa là 500 năm, tuổi thọ thời đó không cao—tình hình ở xứ Giao Chỉ thời bấy giờ đã ra sao trước khi hoà nhập vào nước Nam Việt của Triệu Đà? Đám dân bản xứ có ngón chân giao nhau đã biệt dạng chốn nào khi nhà Hán đến cai trị xứ nầy? “50 con lên núi?” Dân tộc đó có lẽ phải biết trồng lúa, ăn trầu, nhuộm răng, xâm mình, đánh cá, luyện đồng thau, đúc trống đồng, v.v... tuỳ theo thời điểm và không gian mà ta xác định là muốn bắt nguồn vùng Hồ Nam Động Đình Hồ hay chỉ tính từ vùng Châu thổ Sông Hồng, mà ở cả hai vùng đều có mặt những người thuộc sắc tộc Môn (thuộc Mon-Khmer) vì trong tiếng Việt đã giữ lại những dấu ấn đáng kể vì ngoài sự vay mượn từ vựng do sự giao tiếp ra còn phải có mối liên hệ cật ruột nào đó trước khi người Hán tới.

Bàn đến vấn đề ngôn ngữ, sự hình thành một dân tộc thường đi đôi với sự hình thành tiếng nói của dân tộc đó. Những yếu tố cấu thành tiếng Việt hiện đại, trong quá trình phát triển, yếu tố mạnh sẽ lấn át những yếu tố yếu. Do đó, nghiên cứu về nguồn gốc dân Việt cần phải có sự hỗ trợ của những thành quả nghiên cứu về tiếng Việt. Và ngược lại đối với tộc Hán cũng thế vì người ta cũng đã tìm thấy rất nhiều dấu vết từ “Bách Việt” trong tiếng Hán (như yếu tố Mon-Khmer trong tiếng Việt).

Bài viết nầy chẳng phải là bài nghiên cứu về Việt ngữ cho nên những kết luận vắn tắt nêu ra ở đây là hệ luận rút tỉa từ những nghiên cứu của vấn đề đó mà ra. Tuy những nhà ngữ học Tây phương ngày nay—theo thiển ý, có điều phiến diện và thiếu “ngữ cảm”, tuy là “Tây” nhưng không nhất thiết mấy ổng đúng vì đa số dựa vào thông tin do “informants” hay “thông dịch viên” cung cấp, sử dụng công cụ ngữ học Ấn Âu một cách máy móc và cứng nhắc cũng như không “master” ngôn ngữ liên hệ mà họ nghiên cứu—đều kết luận là tiếng Việt có nguồn gốc Nam Á (Austroasiatic, aka “Bách việt”) thuộc ngữ hệ Mon-Khmer, ngữ chi Việt-Mường phát triển từ tiếng Việt cổ đại, hay là “Vietic”.

Trong tiếng Việt hiện đại tất cả những thành tố tiếng Hán cổ đại và hiện đại đều hiện diện rõ nét và được sử dụng tích cực, nhất là về mặt từ vựng, bao gồm luôn những từ căn bản, trong khi đó tiếng Việt lại cách xa rất nhiều với những ngôn ngữ thuộc hệ Mon-Khmer. Dù là trong bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới ngày nay đều có những yếu tố vay mượn ngoại lai, nhưng những từ cơ bản dùng trong sinh hoạt hằng ngày cũng như những khái niệm để chỉ những sự vật và hiện tượng xung quanh ít khi có sự vay mượn. Do đó sự tương đồng của những từ cơ bản này trong tiếng Việt với nhiều phương ngữ tiếng Hán cho thấy mối quan hệ của chúng không chỉ đơn giản là sự vay mượn thuần tuý mà có thể có mối bàng hệ vì lý do cả hai dân tộc Hán và Việt, như đã kể trên, hình thành do sự hoà chủng lẫn nhau. Sự kiện nầy cho ra kết quả phản ánh rõ nét trong hầu hết các phương ngữ tiếng Hán và tiếng Việt. Giống như về mặt dòng máu sắc tộc, càng tiến về phương Nam, yếu tố “Hán-phương Bắc” loãng dần và yếu tố “bản địa-phương Nam” đậm lên.

Cách sử dụng từ vựng ở miền bắc Việt Nam cho đến ngày nay vẫn còn bị ảnh hưởng tiếng Hán, cả cổ đại và hiện đại, một cách mạnh mẽ trong khi tiếng miền Nam biến âm và kết nạp nhiều ngữ tố bản địa, thí dụ “lợn” (Hán Việt “độn”) đối lập với “heo” (HV “hợi”); ngan | ngỗng; giời | trời, giăng | trăng; bố | tía; mợ | mẹ; xơi | ăn; tiểu | đái; đéo | đụ ... cho dù trong tiếng Nam vẫn còn lưu giữ những âm vị cổ như Việt | “Jiệt”, vô | “dô”... Đồng ý là số đếm “một” đến “năm” trong tiếng Việt đồng nguyên với các thứ tiếng Mon-Khmer, nhưng không có ông Tây nào biết “bánh chưng”, “bánh dày”, “dưa hấu”, “đậu phụng”, “bắp”, “chả lụa”, “ruốc”... đều đồng nguyên với tiếng Hán. Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu trên 90 phần trăm từ vựng trong tiếng Việt có mối quan hệ trực tiếp với tiếng Hán, thành phần dân Việt có phải có cùng tỷ lệ?

Nhiều chủng tộc khác trên thế giới ngày nay như là người Ấn độ, người Châu Mỹ La tinh, như người Tàu và người Việt hiện đại (tôi cố ý lặp lại ở đây), đều có nguồn gốc hợp chủng! Tôi và bạn và những người Việt Nam ngày nay chỉ khác nhau ở chỗ là tổ tiên của mỗi người trong chúng ta di cư đến nơi nầy trước và sau mà thôi, giống như dân của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ vậy.

Người mà ta chính thức gọi là “Hoa kiều” hay “người Hoa” là những người có tổ tiên mới đến từ Tàu thời gian sau khi Triều Minh bên đó bị Nhà Mãn Thanh thôn tính. Một vài thế hệ nữa, những người Hoa này sẽ trở thành người Việt Nam hoàn toàn, hay nói đúng hơn, một người Tàu Việt Nam, hoặc là “người Việt gốc Hoa”, giống như bên Mỹ họ gọi “người Mỹ gốc Hoa”, “người Mỹ gốc Việt”, và thế hệ thứ hai thứ ba sinh đẻ ở Mỹ sẽ đơn giản gọi là người Mỹ.

Giống như lời bàn luận của anh NTK về sự hình thành của nước Mỹ và người Mỹ, thuở ban sơ bắt đầu từ dân Anh di cư nổi lên làmcách mạng dành độc lập. Thực tế là người Mỹ thuở ban đầu là người gốc Anh và sau khi họ giành được độc lập nước Anh và người Anh vẫn là người đồng minh tự nhiên của họ. Một trong những lý do là điều kiện địa lý xa xôi, Đế quốc Anh không vói tay tới Mỹ được để thuộc địa hoá lần nữa. Và nước nầy vẫn còn đang trong tiến trình trưởng thành để trở thành một nước hợp chủng đúng nghĩa. Nếu ta cứ giả dụ rằng những người Mỹ đến trước là người da vàng, thì thực thể chủng tộc sẽ không còn sự phân biệt nào nữa, y chang như sự cấu thành thành phần dân tộc Hán hay Việt Nam.

Tôi đưa sự kiện hình thành nước Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ, nhưng chưa tới 300 năm, để chúng ta dễ dàng nhận thấy dân Hán ở bên Trung Quốc ngày nay là một tổng thể hợp chủng “hiệp chủng Quốc” đã có và hình thành trong suốt hơn 5000 năm (Nhà Ân bị nhà Hạ tiêu diệt, nhà Thương lấy nhà Hạ, nhà Châu hạ nhà Thương, rồi nhà Châu bị suy yếu trong thời “Xuân thu chiếnquốc”, nhà Tần hùng mạnh lên diệt nhà Châu (“Đông chu liệt quốc”) tóm thu thiên hạ -- đa số là dân có nguồn gốc Bách Việt—rồi bị nhà Hán tiêu diệt, Hán hoá tất cả dân các nước xong họ tiếp tục bành trướng xuống phương Nam. Do đó ta thấy dân Hán tức là cái tổng thể hoà hợp đó, là cái “tạp pín lù” nát nhứ chín rục từ cái nồi súp với mọi thứ rau cỏ thịt thà trong đó. Phải nói đây là nồi súp de hoặc nối áp suất mới đúng, thứ gì bỏ vào đều bị tan rục: dân Rợ, dân Nam man, dân Kim, dân Mãn châu, dân Mông cổ, và suýt nữa là dân Nhật khi họ xâm lăng Trung Quốc trong thời Đệ nhị Thế chiến (cho dù họ có gọi là Đại Đông Á, Xứ Mặt trời mọc hay lặn hay là cái chi chi gì chăng nữa thì cái thành tố “Hán” vẫn còn đó bất kể dưới danh xưng nào.

Nước Việt may mắn là Vua Quang Trung không sống đủ lâu để thực hiện giấc mộng lấy lại hai vùng đất Lưỡng Quảng, nếu thành công và ngay cả cho dù có thâu tóm cả nước Tàu và gọi nước nầy là nước Đại Việt đi chăng nữa thì bản chất của nó vẫn là “Hán” như ta đã lặp đi lặp lại nhiều lần ở trên. Got the ideas, my buddy? Phải hiểu lịch sử hình thành nước Tàu từ xưa đến nay như thế nào mới không có những khái niệm lệch lạc về người Tàu.
Do đó ngày nay khi chúng ta bàn về ý đồ bành trướng với “chủ nghĩa đế quốc mới” của Trung Quốc, cũng đang nới rộng qua đến những nước Phi châu, ta biết rằng là trong tâm thức người Tàu (“người Hán hiện đại”) bao giờ cái ý tưởng bành trướng về phương Nam vẫn là con đường lý tưởng nhất và cần thiết để sinh tồn. Vì vậy, mối đe doạ “Bắc thuộc kiểu tân thời” là một hiện thực mà Việt Nam phải đối đầu thường trực, nếu không, 100 năm hay 200 năm nữa xứ ta không chừng sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc, không khác gì Quảng Đông ngày nay.

Như đã nói trên, dân Quảng Đông bản xứ 2200 năm trước có thể là cùng gốc với người Nùnggiống như Việt và Mường vậy sau bị “người Hán” thống trị và Hán hoá nay trở ành “Đường nhân” hay là “Thòng dành”. Sở dĩ họ thường tự xưng như vậy là vì di dân từ khắp nơi vào vùng nầy nhiều nhất xảy ra vào đời nhà Đường, tiếng Quảng Đông là tiếng biến dạng của tiếng nói từ đời nhà Đường xây dựng trên cái nền “tiếng Nùng cổ đại”. Trong đám bạn của chúng ta có LVD và HHQ là người có thể người Quảng gốc Nùng đó, bạn hiền ạ.

Tôi không nghĩ là có nhiều người Việt Nam hiểu rõ nước Tàu và người Tàu như tôi đã trình bày, ở mỗi thời đại người Hán mỗi khác, và đa số những cái nhìn hạn hẹp nông cạn của những tay kỳ thị chủng tộc này nọ chỉ lặp đi lặp lại những quan điểm và cái nhìn của những những tay kỳ thị chủng tộc khác. Và đây là bài viết để những người đó hiểu sâu hơn chút nữa nếu họ chịu suy gẫm về những luận định của tôi.

Nếu không biết địch là gì và cũng chẳng biết ta là ai luôn, lúc đụng trận bị thua là cái chắc.

(Nguồn: Blog Sự thật và tri thức )

23 nhận xét:

  1. Tuy bài viết trên đây chủ yếu là suy luận, nhưng là sự suy luận có lý, và có lẽ đã "chạm" đến một phần chân lý (?). Tôi thích nhất là câu kết: nếu không biết mình là ai thì lúc "đụng trận thua là cái chắc".

    Tuy nhiên, tôi cũng muốn làm rõ thêm đôi điều sau:
    Trước hết có lẽ nên bớt sử dụng từ “người Tàu” vì đó là từ lóng mà không phaỉ ai cũng hiểu đầy đủ, thậm chí có thể hiểu nhầm. Do đó nên thống nhất gọi là "người Hoa". Và người Hoa không phải là người Hán.

    Theo tôi hiểu người Hoa và người Kinh đều là người lai giữa người Hán với Bách Việt, chỉ khác nhau ở chỗ người Hoa là bộ phận ở lại trên lãnh thổ TQ tức là bị đồng hóa (tức là mất văn hóa bản gốc) còn người Kinh lui về phương Nam và trụ lại thành nước Việt Nam độc lập ngày nay (vẫn giữ được văn hóa bản gốc). Đây là cơ sở căn bản để nhìn nhận các vấn đề khác.
    Điều này cũng có nghĩa bất cứ một vùng đất thuộc Bách Việt trước đây nếu hội đủ điều kiện đọc lập về văn hóa thì cũng có thể có cở sở để giành được thực thể đôc lập dân tộc (như trường hợp Đài Loan đang phấn đấu….) Đây chính là mối lo ngại sâu xa của mọi chính thể TQ từ cỗ chí kim(không chỉ với trường hợp Đài Loan mà cả Quảng Đông, Quảng Tây, đảo Hải Nam …)

    Khi nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc Việt Nam phải dựa vào ngưồn gốc người Kinh là chính, một phần người Nùng, người Mường; và không thể đánh đồng người Kinh với người Giao Chỉ (vốn chỉ có ở vùng Giao Chỉ thuộc Bắc Bộ ngày nay) mà phải lần tìm từ dòng di chuyển của “con cháu Vua Hùng” từ Hồ Động Đình (thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay)cùng thời với các dân Bách Việt xưa (Đây là điểm mà người TQ thời nào cũng muốn che đậy và có một sự thật đáng buồn là, họ đã khá thành công khi mà ngày nay đa số người Việt nam đã bắt đầu tin rằng cội nguồn của mình chỉ bắt nguồn từ lưu vực sông Hồng...!)

    Cũng cần thấy: trong quá trình mở rộng bờ cõi hàng ngàn năm đã luôn diễn ra sự pha tạp giữa người Kinh với “người Hoa”, rồi với các các dân tộc bản địa phía Nam khác Giao Chỉ,Chàm, Khmer v.v… đồng thời chung sống với các dân tộc như Mường, Nùng, Tày...; tất cả tạo nên dân tộc Việt Nam hiện đại ngày nay.

    Không nên và cũng không cần thiết phải tránh trớ một sự thật lịch sử là người Việt nam sau nhiều lần bị xâm lược của các triều đại phong kiến Phương Bác đã bị đẩy lùi về phía Nam...., và đến lượt người Việt lại xâm lấn lãnh thổ của Chàm, Khmer… Đó là sự thật lịch sử hiễn nhiên mà không nhất thiết hễ nhắc lại thì có nghĩa là “đòi lại”; nhắc lại là để hiểu đúng cội nguồn, biết mình là ai. Đó là nguồn sức mạnh mà bất cứ dân tộc nào cũng phải có.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng ý với bạn Trần Kinh Nghị là chúng ta không nên gọi người Hoa là người Tàu, vì từ này không được lịch sự. Vì thế tôi không bao giờ dùng từ này, chỉ trường hợp bất đắc dĩ mới dùng mà thôi, chẳng hạn như nói "cơm Tàu" là tiếng quá thông dụng không thể thay đổi được. Cám ơn đã đưa ra ý kiến trên.

      Xóa
    2. Tuy người Việt đều mang các dòng họ của Trung Quốc, nhưng không nhất thiết đều có ngưồn gốc từ Trung Quốc, mà chỉ có phần nào thôi. Vì người Việt không có dòng họ nào nên đã phải mượn họ của Trung Quốc làm họ cũa mình. Một số thì được vua ban thưỡng...

      Một hậu duệ người Phúc Kiến

      Xóa
    3. Một số dòng họ của người Việt hiện mang nếu có nguồn gốc gia phả tổ tiên rõ ràng minh bạch và nhất là ông bà cha mẹ họ đã từng cư trú ở địa phương mà Thủy Tổ họ từ Trung Quốc đã đến định cư, thì có thể khẳng định họ là con cháu của Trung Quốc. Chẳng hạn như họ Mạc có thủy tổ là Mạc Cửu ở Hà Tiên, họ Vũ (Võ)có thủy tổ là Vũ Hồn ở tỉnh Hải Dương..., còn nếu cũng cùng dòng họ đó mà gia tộc họ lại ở chỗ khác trong nước thì cũng không có gì chắc chắn. Nếu không những yếu tố trên thì tìm về cội nguồn rất mơ hồ không có gì chắc chắn, vì trong quá trình lịch sử có nhiều dòng họ này đổi sang họ khác mà con cháu lâu đời cũng không biết, nhất là họ Nguyễn có nhiều dòng họ khác nhau đổi sang họ này, thành ra ngay nay mới có nhiều người mang họ Nguyễn như vậy.

      Xóa
    4. Tôi nghĩ phải có một nghiên cứu khoa học. Có một người bạn hỏi tôi về tộc Hán và tộc Việt. Bí quá tôi giải thích như sau : nước Trung hoa hiện đại bắt nguồn từ nước Tần, do Tần Thủy Hoàng xâm chiếm các nước khác (tôi không dùng từ thống nhất). Xét về chủng tộc, người Hán thuộc dân thảo nguyên, giống với người Mông Cổ : mặt tròn, bành bạnh, mắt một mí,lông mày xếch....cứ coi gương mặt ông Mao trạch Đông, o^ng Hồ cẩm Đào và ngay cả đồng chí Kim jun Un thì rõ và dĩ nhiên còn nhiều điều khác. Còn tộc Việt, kể cả người Hoa ở những vùng phía nam, trước kia thuộc Bách Việt thì gương mặt nhỏ hơn, thon hơn, lông mày mỏng nhưng dài...Khi đi sang Kampuchia, m ột người bạn nói với tôi, nhìn thì biết ai là Việt, ai là người Kampuchia, mà quả thực là như thế. Tôi nghĩ, những người ở phía Nam TRung quốc thuộc Bách Việt, cũng giống như những người Kampuchia ở Việt Nam. Họ đã bị Bắc phương xâm lăng và biến thành người Hoa, nhưng dù ta có gọi là người Hoa hay là người Hán thì trừ những ngườilai tạp do hôn nhân, thì chất gene Việt vẫn còn.
      Đây chỉ là một suy đoán, mong những nhà chuyên môn giúp làm sáng tỏ. Mong thay

      Xóa
  2. Chưa có nghiên cứu để tâm phục khẩu phục, nhưng nhóm anviettoancau.net đã làm phát lộ nhiều điều xưa nay mọi người nghĩ khác

    Trả lờiXóa
  3. Đến nay đã có một số bạn đọc comment entry này qua mail box cá nhân. Tôi mạn phép xin trích ra đây một comment để chia sẻ cùng mọi người.
    Trích:
    Tôi nhất trí với đánh giá của anh Nghị về bài viết này. Đó là những suy luận/giả thiết có lí, có lẽ và có cơ sở vì được minh họa bằng những dẫn chứng cụ thể. Tôi cũng cảm ơn anh Nghị về những điều cần làm rõ thêm. Cho đến nay, có thể nói người Việt ta hiểu mù mờ về nguồn gốc dân tộc và tiếng nói của mình. Những năm còn đi làm, mỗi khi có dịp trình bày về văn hóa VN cho người nước ngoài tôi đều gặp khó khăn trong xác định cho thuyết phục bản sắc văn hóa VN là gì ? Nguồn gốc dân tộc và ngôn ngữ ? Tìm sách tham khảo thì có thể thế này, có thể thế kia, không biết đằng nào mà lần, đa số đều trình bày dựa trên phương pháp luận lấy nước lớn làm trung tâm (Trung Quốc, Ấn Độ) không thật thuyết phục và còn có ý cực đoan cho rằng VN chả có bản sắc gì cả, chỉ giỏi thuổng về và chế biến (có ai đó còn gọi văn hóa Việt Nam là văn hóa "bricolage"?) Tất nhiên, nếu đúng thế thật (bằng cứ liệu lịch sử, luận chứng khoa học, thực tiễn không chỗi cãi được...) chúng ta cũng không vì thế mà buồn. Điều quan trong là ta biết rõ ngô ra ngô, khoai ra khoai để từ đó tự tin mà sống, mà ứng xử, mà vươn lên bên cạnh các dân tộc khác. Gần đây, đã có người lấy Đông Nam Á làm trung tâm trong nghiên cứu và có những ý kiến ngược 180° so với trước, chẳng hạn như nguồn gốc thuyết âm dương ngũ hành là từ phía Nam (Bách Việt), kĩ thuật trồng lúa cũng gốc gác từ phía Nam chứ chả phải từ phía Bắc (TQ); người cổ từ Phi châu đến Đông Nam Á, rồi mới từ Đông Nam Á tiến lên Bắc Á (trong đó có TQ)... Tất nhiên, mặc dù các nhà nghiên cứu đưa ra một vài luận cứ tương đối thuyết phục, đó vẫn chỉ là những giả thiết cho đến nay vẫn bỏ ngỏ. Giá mà các giáo sư, tiến sĩ, các nhà sử học nước ta bỏ công thúc đẩy nghiên cứu theo hướng này thì hay biết mấy nhỉ?
    VDT
    Hết trích.

    Trả lờiXóa
  4. Suy nghĩ trong bài trên gần với thực tế. Khi tôi có dịp tiếp với các dân tộc giáp ranh lãnh thổ Việt Nam. Thật ngạc nhiên, họ là bà con anh em với nhau, ngôn ngữ tương đồng cũng có lắm cái bất ngờ! Rõ ràng, đi tìm nguồn gốc Dân tộc, không hề đơn giản. Đồng tình, không thể từ lãnh thổ hiẹn tại và góc nhìn dân tộc mình mà suy đoán ra, mà phải trong tổng thể phát triển chung. Lẫn quẩn trong cái, nói theo kiểu bình dân: "Ta đẻ ra Tàu hay Tàu đẻ ra Ta?"
    Tôi nghĩ cái cản trở lớn nhất là từ quan điểm chính trị mà xem xét lịch sử dân tộc. Việc truy nguyên là việc các nhà chuyên môn. Giả thiết mãi cũng là giả thuyết, nên chăng cần túm lại, thống nhất cho con cháu, học sinh biết những vấn đề cơ bản nhất về đất nước, dân tộc mình.
    Xin đăng lại bài này.

    Trả lờiXóa
  5. Tui có niềm tin rằng có Việt Nho và bây giờ rất cần một người có tố chất như Hồ Chí Minh nhưng cách hành xử như Phan Chu Trinh

    Trả lờiXóa
  6. Nếu họ đang là người lãnh đạo mà hành xử như Phan Chu Trinh thì tuyệt !

    Trả lờiXóa
  7. Nói hoài mà có mấy người hiểu!trong một còm về một vấn đề gần giống như thế này mà tôi còn bị bác tranhung09 cho là xứng đáng bị ném đá nữa , huống hồ nếu có người kỳ thị chủng tộc đọc entry này thì thế nào nữa!có những cái không nói ra thì ai cũng biết nhưng cố tình không chấp nhận mà thôi!Kính bác Nghị ,bác là một trong những người mà tôi rất kính trọng qua những bài viết hay,thận trọng và điềm tĩnh!Dân tộc rất cần những người như bác cho con cháu đời sau hiểu TA LÀ AI

    Trả lờiXóa
  8. Tôi đã xem nhiều giả thuyết nói về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, nhưng tôi nhận thấy có giả thuyết Nguồn gốc Mã Lai cũa Dân tộc Việt Nam đáng tin cậy nhất. Mời các bạn tham khảo tài liệu này, nếu link dưới không đúng, thì xin bạn đánh mấy chữ vào Search: Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam
    http://www.binhnguyenloc.de/page/NghienCuu/NguonGocMaLai/NguonGocMalai_Chuong111.htm

    Trả lờiXóa
  9. Danh xưng người Việt gốc Hoa thường chỉ dùng nói đến người Hoa còn giữ nguồn gốc của mình như là ngôn ngữ và phong tục tập quán. Chứ không dùng cho người Hoa đã hoàn toàn đồng hóa thành người Việt,và không còn giữ gốc Hoa nữa, bất kể họ là ở Việt Nam lâu đời hay mới di dân cư sau này, nếu đã đồng hóa rồi thì không còn gọi là Việt gốc Hoa nữa. Thành phần sau thì phải gọi họ là người Việt mới đúng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có những gia đình người Việt gốc Hoa giữ nguồn gốc Hoa rất lâu đời, và cũng có những gia đình chỉ sau mấy đời thì bị đồng hóa thành người Việt rồi. Cũng có một số ít chỉ sau một đời đã bị đồng hóa rồi, chỉ có cha mẹ thì còn nói tiếng Hoa thôi, con cái đều nói tiếng Việt, quên hết tiếng Hoa và phong tục tập quán. Trong các chủng tộc, chỉ có dân Do Thái là giữ nguồn gốc bền vững nhất, trải qua hàng ngàn năm hòa hợp với các chủng tộc khắp nơi trên thế giới, con cháu họ vẫn tự hào nhận mình là người Do Thái và giữ phong tục Do Thái.

      Xóa
  10. Nói như tác giả bài này thì người Kinh có nguồn gốc từ người Hán à ? vớ vẫn. Lạc Việt là một dân tộc tồn tại từ thời cổ đại chẳng can hệ gì với người Họa Hạ. Người Lạc Việt thậm chí có nền văn hóa còn vượt trội hơn người Hoa Hạ, nhưng về kỹ năng chiến đấu thì kém hơn nên dần bị đồng hóa. Người Kinh hiện nay có nguồn gốc từ Lạc Việt là chủng người kháng cự thành công với dân tộc từ phương Bắc.
    Xem thêm luân cứ này ở đây http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/danh-muc/9-co-van-hoa-su/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bạn Nặc danh là người Kinh có nguồn gốc từ Lạc Việt trong nhóm Bách Việt, còn những gốc Việt khác đã bị Hán hóa. Tuy nhiên thì dân Lạc Việt cũng chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa người Hán qua một ngàn năm bị họ đô hộ, điển hình nhất là ngay nay người Kinh vẫn ăn Tết của người Hoa, giữ phong tục tập quán và tôn giáo của họ, và trong đó cũng có một số con cháu người Hoa đã đồng hóa thành người Kinh hiện nay.

      Xóa
  11. Bài viết có những chi tiết không chính xác. Những nghiên cứu ADN gần đây cho thấy, người Tàu phía Bắc và Tàu phía Nam (phía Nam sông Dương Tử- là lãnh thổ của họ Hồng Bàng xưa) mang đặc điểm gen khác xa nhau. Trong khi đó, người Tàu phía Nam có hệ gen rất gần với người Việt Nam, Thái Lan... (thuộc Bách Việt). Như vậy, ta phải xem xét lại, người Tàu phía Bắc hay người Tàu phía Nam mới gọi là "Hán". Ai cũng biết, người Hán là dân du mục quanh quẩn ở lưu vực sông Hoàng Hà (phía Bắc), còn phía Nam là dân Bách Việt. Việc hệ gen của người Hoa Bắc và Hoa Nam khác nhau cho thấy, người Hán không hề đồng hóa được người Bách Việt. Mà thậm chí, một số Tàu Hoa Bắc xuống phía Nam còn bị đồng hóa ngược về mặt hệ gen. Những người Tàu Hoa Nam này sau đó di cư xuống Việt Nam thì càng không đồng hóa được người Việt về mặt ADN (vì ADN giống nhau- cùng là người Bách Việt). Cho nên không thể nói người Việt hiện đại là sự hợp chủng giữa người Việt bản địa và người Tàu Hoa Nam. Nếu xét về cái gọi là người "người Hán", ta thấy Hán không phải là một chủng tộc, mà là một danh xưng chung chung. Phía Bắc Trung Quốc ngày trước là địa bàn của các dân tộc Khương, Mông Cổ, Hung Nô, Mãn Châu... Phía Nam là địa bàn của người Việt. Còn người Hán chỉ "ra đời" từ ngày có nhà Hán của Lưu Bang. Dân này có thể xem là sự hợp chủng giữa người Việt và Hung Nô, MÔng Cổ, Mãn Châu... chứ không phải người Việt là hợp chủng của Hán với Việt (vì Hán không phải là một chủng tộc, sao có thể hợp chủng được?). Các họ của người Việt mà thấy giống Tàu, thì chủ yếu là giống Tàu Hoa Nam vì người Việt với người Tàu Hoa Nam đêu là Bách Việt. Vậy những họ đó là của người Việt, không phải họ gốc Tàu. Những người Tàu Hoa Nam :Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu... nên xác định mình là hậu duệ của người Việt từ thưở 5000 ngàn năm trước chứ không phải người "Hán" gì đâu. Xin đừng nhận lầm tiên tổ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Loài người có chung một tổ tiên là ông trời, vì từ ông trời sanh ra hai người đầu tiên trên trái đất, rồi từ cha mẹ đầu tiên sinh ra nhiều chủng tộc, rồi di tản đi khắp nơi trên thế giới. Cho nên không lạ gì vì mọi chủng tộc đều có liên quan với nhau từ lúc ban đầu. Do đó, mọi người đều cùng chung một nguồn gốc, nên yêu thương nhau,không nên tranh cãi hơn thua làm gì,vì tứ hải giai huynh đệ.

      Xóa
    2. Cám ơn nhận định của bác Nhất Ninh. Rất hay và rõ ràng!!!

      Ngoài bộ gen ra còn có ngôn ngữ là cái khẳng định nguồn gốc dân tộc!

      Văn hóa là cái bên ngoài có thể thay đổi, học hỏi, thăng tiến... tên họ, tên gọi có thể thay đổi, bỏ đi hay nhận lấy!

      Xóa
    3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
  12. Toàn thể nhân loại đều có chung một Cha là Thượng Đế, Ngài dựng nên loài người đều có liên quan và có chung một nguồn gốc tổ tiên là Adam và Eve. Sau thời kỳ tháp Ba-bên thì loài người mới phân tán ra khắp mặt đất và có ngôn ngữ khác nhau.

    Trả lờiXóa
  13. Học cho tinh nghĩa nhập thần! Rồi mọi chuyện sẽ tự sáng tỏ!

    Trả lờiXóa
  14. Nghe TKN nói mà thấy mở mang tầm mắt. Đứng là những gì bạn nói đều đúng với suy nghĩ của nhiều người và nhất là không đụng chạm đến những luận đề khoa học v.v Bạn đã cho thấy được hai điều rằng (1) Bản thân "dân tộc" Trung Hoa và Việt Nam cũng là những melting pot của nhiều sắc tộc (ethnicity) khác nhau, mà trong đó có cả người Hán và Việt, và (2) Dù vậy, mỗi bên đang tự gắng tự định hình và khẳng định bản sắc (identity) độc lập của chính mình. Còn những ý kiến khác như của bạn Hoàng Thủy thì tôi cho là không có giá trị về học thuật cũng như tư tưởng lắm.

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này