Đang lúc buồn buồn …thì vớ được một entry trên nguyenuandien blogspot, trong đó trích đăng bài viết của tác giả Tống Văn Công. Thoạt thấy bài hơi dài nên định bụng đọc lướt cho nhanh…Nhưng càng đọc thấy càng phải đọc chậm lại vì bài viết như đang nói thay tâm trạng của mình. Đến cuối bài lại thấy lời bình của chủ blog nguyenuandien sao mà “trùng phùng” quá!
Có điều là, đọc xong vẫn thấy buồn...: Hình như đa phần những bài có tính chính luận hoặc phê phán (của ta) đều phải liên hệ, so sánh với người ngoài hay nước ngoài..., như thể nếu không thì sẽ không đủ sức thuyết phục (cả đối với bạn đọc lẫn những “người kiểm duyệt”). Vì sao vậy?
Xin phép hai tác giả được trích đăng lại entry nói trên để có thêm nhiều người cùng đọc.
VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN
Tống Văn Công
Đọc Góc ảnh chiếu từ nước Nhật của nhạc sĩ Tuấn Khanh, dù đau lòng tôi cũng đồng tình với ông: " Đôi khi giữa những hoang tàn đó của nước Nhật, người ta bừng sáng hy vọng – và đôi khi sống giữa những điều được gọi tên là bình yên của đất nước mình, một người Việt Nam vẫn có thể cảm nhận được những ảnh chiếu sắc cạnh của sự hoang tàn". Đã có nhiều bài viết cho rằng nếu tai họa như nước Nhật xảy ra ở nước ta thì có thể hình dung nhiều điều xấu xa sẽ xảy ra bởi sự băng hoại đạo đức của người Việt. Mới đây, có ý kiến chỉ đạo báo chí: "Khi đề cao tinh thần vượt khó của nhân dân Nhật Bản không nên cường điệu, vô hình chung (trung) hạ thấp tinh thần của người Việt Nam". Cường điệu là điều không nên, tuy nhiên có cần phải lo lắng "vô hình trung hạ thấp tinh thần của người Việt Nam" ? Lổ Tấn chọn đơn thuốc AQ đắng nghét đã có hiệu quả chữa trị tinh thần bạc nhược của người Tàu. Sau này, nhà văn hóa Bá Dương tiếp tục mổ xẻ "Người Trung Quốc xấu xí" cũng được đồng bào ông cho là cần thiết.
Nhân chuyện này, tôi muốn chúng ta cùng nhớ rằng dân tộc ta vốn không phải xấu xa như hôm nay mà đã từng có những thời kỳ rất tốt đẹp . Hằng ngàn năm trước, ông cha ta có tư tưởng nhân văn vượt thời đại: "Thương người như thể thương thân". So với "Điều gì mình không muốn thì đừng gây ra cho người" của Khổng Tử quả là cao hơn. Con cái biết sánh: "Công cha như núi Thái sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Cha mẹ mong muốn "Con hơn cha là nhà có phúc" chứ không đòi hỏi "Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu". "Thuận vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn" chứ không phải "phu xướng phụ tùy "… Đối với hàng xóm thì "Tối lửa tắt đèn có nhau". Đối với đồng bào thì "Người trong một nước phải thương nhau cùng" v.v.
Những ai đã từng trải qua thời kháng chiến chống thực dân Pháp đều biết: Ở các vùng giải phóng, đêm nhà nhà không cài cửa. Nhân dân giành nhau đón mời bộ đội về nhà mình để chăm sóc nuôi dưỡng. Đơn vị tôi có anh Nguyễn Hoàng Minh là người Bắc, được các bà các mẹ bảo: "Tao thương nó hơn tụi bay. Nó xa cha xa mẹ vô đây". Trong lần nói chuyện với cán bộ miền Bắc sắp đi B (vào Nam),Tổng bí thư Lê Duẩn kể, thời chống Pháp, ông ở nhà dân và họ đều biết ông là Bí thư Trung ương cục. Mỗi lần ông đi công tác về gặp bữa cơm, ông bà chủ nhà hỏi: "Thằng Ba, mầy ăn cơm ở đâu chưa? Chưa, thì vô bếp lấy chén đũa ra ăn luôn nghe!".
Khi tập kết ra Bắc, đơn vị tôi đóng quân ở nhiều vùng.Tôi nhận ra là đồng bào mình ở miền Bắc cũng sống đầy tình nghĩa như trong Nam, dù vật chất có thiếu thốn hơn. Thời Mỹ ném bom phá hoại, nhân dân các vùng khu IV dám đem ván phảng nhà mình lót hố bom cho xe bộ đội kịp chuyến vào Nam. Các vùng bị B52 dội bom ác liệt như Khâm Thiên, Gia Lâm…, hoàn toàn không có hiện tượng hôi của. Xăng dầu, quân dụng rải dọc theo ven đường không cần canh giữ, cũng không bị trộm cắp…
Câu thành ngữ "Ra ngõ gặp anh hùng" mô tả chính xác con người Việt Nam trong suốt 30 chiến tranh. Toàn dân tin những người lãnh đạo đang dồng cam cộng khồ với mình vì "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do". Do vậy mà được thế giới nhìn vào,ca ngợi "Việt Nam là lương tâm của nhân loại"!
Tại sao người Nhật thảm bại trong chiến tranh, đã có thể vươn dậy làm nên sự "thần kỳ Nhật Bản". Còn ta thì ngược lại từ "ra ngõ gặp anh hùng" đến tình trạng "Đến chỗ nào cũng thấy ăn cắp"! Có lẽ xem xét hiện tượng trái ngược này sẽ giúp chúng ta thu được nhiều điều bổ ích ?
Có người cho rằng, vì người Nhật tiếp tục những bài học từ thời Thiên Hoàng. Nói như vậy thì xa xôi quá! Tôi nghĩ, chỗ khác nhau giữa ta và họ là cách rút ra bài học sau chiến tranh, từ đó mà tìm đúng con đường đi tới.
Người Nhật bại trận đã nhanh chóng nhận ra nguyên nhân thất bại của mình là đi ngược lại xu thế thời đại: Chủ nghĩa Sôvanh (Ph. Nicolas Chauvin), chủ nghĩa thực dân với mọi hình thức đã bị lịch sử phủ định .Người Nhật cũng nhanh chóng nhận ra, Mỹ là một quốc gia dân chủ, đề cao nhân quyền, họ tham gia lực lượng Đồng minh chỉ nhằm chống phe trục, chứ không có mưu toan chiếm Nhật làm thuộc địa. Từ nhận thức đó, dù vừa bị Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử đầu tiên, người Nhật không coi họ là kẻ thù mà tự nguyện giao kết là đồng minh chiến lược trong công cuộc phục hưng đất nước. Nhờ quan hệ này, người Nhật suốt thời gian dài không phải bỏ nhiều chi phí cho quốc phòng, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, trở thành tấm gương tốt đẹp nhiều mặt:
1 – Từ bỏ độc tài quân phiệt, xóa hệ thống chính trị phát xít, tôn trọng dân chủ, nhân quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập. Nhật Bản là nước quân chủ lập hiến, trong đó Thủ tướng nắm quyền cao nhất về quản lý quốc gia và chịu sự giám sát của Quốc hội hai viện, cùng Tòa án Hiến pháp nhằm ngăn chặn những quyết định vi hiến của Chính phủ. Thế giới coi Nhật là một nước có nền dân chủ đầy đủ, ưu việt vào bậc nhất.
2 – Chuyển đổi nền kinh tế phục vụ chiến tranh thành nền kinh tế dân sinh, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Từ hoang tàn người Nhật xây dựng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Gần đây Trung Quốc tuyên bố đã chiếm vị tri nền kinh tế lớn thứ 2, nhưng mức thu nhập bình quân của người Trung Quốc còn thấp quá xa so với Nhật. Trong khi đó Nhật không có tình trạng cách biệt giàu nghèo khủng khiếp như Trung Quốc!
3 – Xây dựng nền văn hóa tiên tiến và bảo tồn bản sắc tốt đẹp của truyền thống Nhật Bản; một nền giáo dục hàng đầu thế giới về đào tạo những con người phát triển toàn diện. Nền văn hóa và giáo dục đó sản sinh 2 nhà văn đoạt giải Nobel văn học là Yasunari Kawabata, Kenzaburo Oe và nhiều văn tài khác như Kôbô Abê , Haruki Murakami. Trà đạo, hát ka-ra-o-kê, thơ Hai-ku, ẩm thực Nhật được thế giới hâm mộ.
Đặc biệt những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn cho nhân dân Việt Nam mà chúng ta chưa thực hiện được đã có thể nhìn thấy ở Nhật Bản như : "Chính quyền từ xã tới trung ương phải do nhân dân lập ra"; "Nếu Chính phủ làm hại dân thì nhân dân có quyền đuổi Chính phủ", "Cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo và là đày tớ của nhân dân"… Mấy năm qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vị Thủ tướng Nhật chỉ vì chưa thực hiện được một lời hứa náo đó đã phải từ chức, chứ chưa cần người dân đưa đơn kiện. Trong vụ động đất hiện nay, chúng ta thấy ông Thủ tướng Can vô cùng tất bật vẫn bị người dân Nhật phê phán đã chậm có mặt ở nơi bị tàn phá nặng nhất .
Tai họa vừa qua, phẩm chất con người Nhật Bản được nhân loại thán phục chính là kết quả của nền chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục ưu việt của họ.
Hàng chục năm qua, Việt Nam chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ hào hiệp của Nhật Bản.Hiện nay hàng vạn sinh viên và người xuất khẩu lao động Việt Nam đang học tập và lao động ở Nhật. Nhiều nhà lãnh đạo nước ta trân trọng đề cao mối quan hệ đối tác chiến lược Nhật – Việt. Chẳng lẽ chúng ta không biết trân trọng tìm học con đường đưa tới dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh theo kiểu Nhật? Tựu trung gồm 3 điểm vừa kể ở trên.
Chúng ta ra khỏi chiến tranh với tư thế người anh hùng chiến thắng siêu cường số 1 thế giới! Nguồn sức mạnh để chiến thắng, được chúng ta nhận định là từ "3 dòng thác cách mang" thế giới. " Chủ nghĩa Mác – Lênin bách chiến bách thắng muôn năm !" được chúng ta trương cao khắp đất nước như là một tuyên ngôn, là tổng kết chiến tranh và là ngọn cờ sẽ dẫn đường đi tới. Từ nhận định đó đưa tới đổi tên Đảng, đổi quốc hiệu, thực hiện chuyên chính vô sản, vạch ra đường lối tiến nhanh tiến mạnh ,tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, trên bình diện quốc tế, chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng, đã có nhiều dấu hiệu rạn vỡ. Rạn vỡ dễ thấy nhất là sự chống đối nhau điên cuồng, kể cả bằng vũ lực của hai nước lớn nhất là Liên Xô và Trung Quốc, cho thấy điều gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản không hề tồn tại! Mãi đến khi đã bị Trung Quốc phản bội tấn công, chúng ta vẫn kiên trì nhận định Mỹ là kẻ thù lâu dài, nguy hiểm, còn Trung Quốc chỉ là kẻ thù trực tiếp, bởi đang có một nhóm cầm quyền mang tư tưởng bá quyền bành trướng. Do nhận định như vậy, ngay sau khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, Tổng bí thư Nguyễn văn Linh vội vàng sang cầu hòa với Trung Quốc trong thế yếu, ca ngợi "16 chữ vàng", trong thực tế đau buồn là đang bị chiếm đất, chiếm đảo, đưa tới nghịch cảnh mãi tận hôm nay! Để Trung Quốc có cớ xâm lược là không khôn khéo, tuy nhiên thỏa hiệp vô nguyên tắc và không biết tìm cách để chọn nhiều đồng minh chiến lược, đối trọng với họ giữ vững an ninh cũng là không biết vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khác hẳn chúng ta, người Mỹ nhanh chóng nhận ra thất bại của họ trong cuộc chiến là đã không hiểu được sức mạnh từ chủ nghĩa yêu nước của người Việt (Hồi ký của nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Macnamara). Họ muốn sớm lập quan hệ với chúng ta, nhưng trớ trêu thay chúng ta không vượt qua nổi mối thù! Chúng ta không hiểu đúng sức mạnh quyết định chiến thắng của mình chính là được khơi dậy từ lời kêu gọi chính xác của Hồ Chí Minh:"Không có gì quý hơn Độc lập Tự do"! Hiện tượng hàng triệu quân chế độ Sài Gòn dễ dàng tan rã, chắc chắn không phải vì họ hèn kém bởi họ cũng là con Lạc, cháu Hồng, chắc rằng họ rã ngũ vì không thấy mình đối địch với cộng sản, mà đối địch với Độc lập Tự do! Ông Lê Duẩn cho rằng phải "giương cao 2 ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" , trong tình thế bấy giờ là đúng, bởi vì cần phải có vũ khí của Liên Xô,Trung quốc. Tuy nhiên, "ngọn cờ xã hội chủ nghĩa" mặt khác đã làm cho sự quyết đấu vì ý thức hệ giữa Tự do và Cộng sản của Pháp, Mỹ càng thêm quyết liệt. Nói như vậy, không hề có ý giảm nhẹ trách nhiệm của Pháp và Mỹ. Cho đến khi đã bị sa lầy trong cuộc tái chiếm thuộc địa, phải tìm giải pháp Bảo Đại, thế mà người Pháp vẫn làm cho "con ngựa cũ" của mình phải lồng lộn: "Hơn nữa, nếu chính phủ Pháp đoạn giao với "Bác Hồ" chính là bởi lý do sự đòi hỏi về độc lập và thống nhất của họ nhiều hơn lý do họ là cộng sản quốc tế" (Bảo Đại – Con Rồng Việt Nam, trang 334). Từ thời ấy, Mỹ đã gánh cho Pháp hơn 80% chiến phí. Chính thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã đẩy Cụ Hồ phải tìm chỗ dựa Trung quốc, Liên Xô .
Nếu tỉnh trí, nhìn đúng thế mạnh chiến thắng vừa qua của mình, chúng ta sẽ trở lại với Cụ Hồ khi trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp làm Tuyên ngôn độc lập Việt Nam, .mà vấn đề cốt lõi là Dân chủ và Nhân quyền. Nếu sớm nhận thức như vậy chúng ta ắt sẽ chủ đông thực hiện đường lối Đổi mới khi chưa bị tình thế thúc ép. Và như vậy sẽ là không có cải tạo xã hội chủ nghĩa công, nông, thương nghiệp; cũng không cần cải tạo cán binh Sài Gòn; sẽ không có nạn thuyền nhân. Toàn thế giới sẽ tiếp tục đứng bên Việt Nam như 30 năm qua. Trung Quốc không dễ lôi kéo Mỹ để gây cho chúng ta hai cuộc chiến thảm khốc. Với thế và lực mới ấy, chúng ta sẽ phát triển nhanh chóng, có thể chưa theo kịp Nhật Bản, nhưng chắc chắn không thể kém Hàn quốc, bởi họ còn bị trì kéó bởi một Bắc Triều Tiên. Tiếc thay!
Dù sao chúng ta cũng còn may mắn hơn Bắc Triều Tiên, Cu Ba, vì đã có những nhà lãnh đạo dám xé rào, Đổi mới, dù đã đến lúc bế tắc. Cuộc Đổi mới đã đem lại sức sống cho nền kinh tế Việt Nam mà thành tựu của nó đã được ca ngợi quá nhiều, thiết tưởng không cần phải nhắc lại. Riêng đối với Đảng Cộng sản thì cuộc Đổi mới đã đem lại thế mạnh nào và đào sâu thế yếu nào? Và nó đã tác động ra sao đối với phẩm chất con người Việt Nam? Đó là những vấn đề cực kỳ rộng lớn mà chúng tôi không có tham vọng giải đáp được, chỉ mong xới lên để các nhà lý luận của Đảng Cộng sản và các bậc thức giả trong ngoài nước cùng bàn.
Tôi nhớ, đầu những năm 90 ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời câu hỏi: Vì sao vốn là người kiên quyết chống Cộng, ông lại kêu gọi hòa hợp dân tộc, về nước hợp tác với chính quyền cộng sản phát triển đất nước? Ông Kỳ đáp: Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam không còn cộng sản. Bởi tôi hiểu công sản chủ trương chỉ còn một giai cấp và không chấp nhận kinh tế thị trường .Nay họ công nhận kinh tế nhiều thành phần giai cấp, phát triển thị trường tự do. Họ giống như những thày tu đã ngả mặn rồi mà vẫn cứ đòi gọi mình là thày tu. Ý kiến nôm na của ông Kỳ hoàn toàn phù hợp với lý luận kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin . Những nhà lý luận Mác xít của Việt Nam cứ khất lần khất lữa suốt 25 năm vẫn không thể tìm ra định nghĩa mới cho chủ nghĩa xã hội ngoài câu Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, 5 năm sau được bổ sung thêm từ Dân chủ đứng sau từ Công bằng, rồi phải mất 5 năm nữa từ Dân chủ mới được chuyển lên đứng trước Công bằng! Ôi, nguyện vọng dân chủ đã được Hồ Chí Minh khơi dậy, nhân dân ta đã tốn bao xương máu để giành lấy vậy mà sao thực hiện nó vất vả đến như vậy!
Những người mác xit đều biết lý thuyết về sự phù hợp giữa kiến trúc thượng tầng với cơ sở hạ tầng. Trong lời tưạ Tuyên ngôn đảng cộng sản in bằng tiếng Đức ngày 28-6-1883, Ăng-ghen viết: "Trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra – cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy ". Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rõ lời dạy đó, nên đã nhiều lần nhắc lại rằng phải Đổi mới toàn diện từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội. Văn kiện Đại hội 11 cũng nhắc "Đổi mới trong lĩnh vực chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế". Tuynhiên cho tới nay hệ thống chính trị hầu như không có thay đổi gì đáng kể so với 25 năm trước. Cuộc bầu cử Quốc hội đang xúc tiến từ cung cách đến nội dung chỉ đạo cũng na ná như xưa. Về tỉ lệ đảng viên trong Quốc hội, ông Võ văn Kiệt cho rằng chỉ nên hơn 50%, khóa 12 là 92%, khóa này được nêu ra là từ 85 đến 90% . Ông Võ văn Kiệt cũng đề nghị "Về cơ bản đã làm đại biểu Quốc hội thì thôi không làm quan chức hành chính nữa". Nhưng khóa này quan chức hành chính ứng cử vẫn đông!
Do cơ cấu xã hội không phù hợp sản xuất kinh tế như Ăng-ghen nêu ra mà đã xảy ra những điều tréo ngoe giữa thực tế cuộc sống với lý thuyết từ các nghị quyết. Có thể nêu ra hàng chục dẫn chứng, nhưng chỉ xin nêu hai điều đang trở thành hiểm họa cho Dân tộc và cho cả Đảng cộng sản :
1 – Trong khi chúng ta dành những lời thân thiết nhất cho các quốc gia Đảng cộng sản lãnh đạo, cho cánh tả, coi sức mạnh thời đại ta cần phải kết hợp là ở đó thì thực tế là chúng ta phải dựa vào sự giúp đỡ lớn nhất ở các nước tư bản tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc… những đồng minh chiến lược của Mỹ. Trớ trêu hơn là Trung Quốc, người đồng chí có chung16 chữ vàng, chung mục tiêu 4 tốt, chung quan điểm trong nhiều sự kiện lớn của thế giới (như Bắc Phi, Libi…) và chính sách đối nội (như dân chủ, nhân quyền; bên kia thì có Lưu Hiểu Ba, bên này là Cù Huy Hà Vũ). Dù chúng ta đã cố sức chiều theo họ rất nhiều vấn đề khó chiều như: Họ đóng cửa các công trình khai thác bôxít ở nước họ, để sang khai thác bôxit trên "mái nhà" của nước ta và cả Đông Dương. Mới hôm qua, họ xả nước bẩn làm ô nhiễm Sông Hồng, nhưng chính quyền Vân Nam thẳng thừng từ chối đề nghị khẩn thiết của Lào Cai cùng phối hợp nhau để kiểm tra!
Càng trớ trêu thay, hầu như tháng nào người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phải lắp đi lắp lại một lời tuyên bố giống nhau: "Trung Quốc cần chấm dứt ngay sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam"!
2 – Hệ thống chính tri của chúng ta luôn luôn được đề cao về sứ mệnh cao cả là đang lãnh đạo toàn dân tộc theo quy luật tiến hóa của lịch sử loài người, nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó suốt 20 năm nay, những người điều hành hệ thống chính trị này luôn luôn bị các cơ quan chuyên môn của quốc tế xếp vào "tốp 10" đại tham nhũng. Tham nhũng Việt Nam đứng trên hơn 150 quốc gia tư bản, bộ máy điều hành của họ chắc chắn không có đảng viên cộng sản nào! Năm 2006, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhận định "Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ"..Đầu năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng chống tham nhũng là "mong mỏi rất chính đáng và tha thiết của những người dân. Nhưng cho đến hôm nay tôi tự thấy nhiệm vụ đó tôi làm chưa xong " (Báo xuân Sài Gòn tiếp thị).
Ngày nay người dân nhìn đâu cũng thấy những người đảng viên cán bộ lúc nào cũng nói về giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng, về học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ, về quyết tâm đi lên chủ nghĩa xã hội, trong khi đó họ chẳng những có mức sống cao hơn hẳn người dân mà có quá nhiều người nhà cao cửa rộng, con cái làm chủ những công ty tư nhân có vốn nhiều triệu đô la. Hơn 3.000 cuộc đình công của công nhân không qua sự chỉ đạo của Công đoàn, hiện tương nông dân khiếu kiện vượt cấp vùng nào cũng có, đã nói lên tâm trạng xã hội không yên ổn!
Từ ngàn xưa, người dân vẫn nhìn vào người cầm quyền để noi theo gương trong cuộc sống. Cổ đại có gương Nghiêu, Thuấn thuần dưỡng cả nước trở thành lương dân. Quá nhiều người dân hư hỏng người lãnh đạo phải soi lại mình.
Chúng ta kêu gọi toàn Đảng thống nhất nói theo Nghị quyết, làm theo Nghị quyết và các cơ quan truyền thông phải tuyên truyền đúng định hướng, để tạo ra sự đồng thuận trong toàn dân. Hãy nhớ lại, Cụ Hồ đâu có nhiều lời, chỉ cần một câu thôi, đã khiến cả nước đứng dậy đi theo dù con đường vô cùng gian khổ.
Hai năm qua có quá nhiều điều dù Đảng có Nghị quyết, báo chí tuyên truyền theo định hướng, nhưng không dễ tạo ra được đồng thuận, Ví dụ:
Chủ trương hợp tác với Trung Quốc khai thác bôxít, đã có hàng ngàn chữ ký kiến nghị dừng lại, có những chữ ký của các vị đáng kính như Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; người anh hùng có nụ cười công phá chế độ Sài Gòn Võ thị Thắng; những nhà khoa học hàng đầu đất nước như Nguyễn văn Hiệu; Chu Hảo; Đặng Hùng Võ; Nguyễn Quang A…
Mới hôm qua đây là vụ án Cù Huy Hà Vũ. Dù anh ấy có văn phong không quen tai như lâu nay (như ông bà mình nói, trực [trung] ngôn nghịch nhĩ) , nhưng tất cả nội dung đều nằm trong quyền công dân mà ngày xưa, Bác Hồ từng khuyến khích và Hiến pháp hiện hành không cấm. Do vậy, mặc dù muốn làm cho vụ án trở thành bé nhỏ ,không quan trọng (các bản tin VTV tối 4 tháng 4 năm 2011 đều không xếp vào các tin quan trọng; phiên tòa gói gọn không hết một ngày). Nhưng tầm quan trọng của nó vẫn cứ lộ rõ, bởi: nhiều tướng lĩnh cách mạng, văn nghệ sĩ, bình luận viên báo chí trong và ngoài nước cho rằng Hà Vũ nói những điều nhiều người nghĩ như thế mà không nói; Giáo dân thắp nến cầu nguyện trước ngày tòa xử; và các ngả đường quanh tòa án có quá nhiều cảnh sát bảo vệ.
Nước Nhật không thể có những vụ án tương tự. Chúng ta có nên học tập Nhật Bản? Nên lắm chứ ! Tuy nhiên trước hết nên học tập Hồ Chí Minh, không chỉ học và làm theo đạo đức mà trước hết hãy học và thực hiện tư tưởng Tự do, Dân chủ của Người!
Ngày 5 tháng 4 năm 2011
Lời bình của Nguyễn Xuân Diện:
Bài viết này hay quá! Lời văn giản dị, cách nhìn điềm đạm, thấu đáo, chân thành. Một nhà cách mạng lão thành viết cho mọi người với lời lẽ ôn tồn, nhủ bảo, không lên gân mà ý và lời đi thẳng vào tim óc người đọc, đi vào từng mao mạch những ai mang dòng máu Lạc - Hồng. Tống tiên sinh tuổi đã cao mà không "lão giả an chi", lòng vẫn sắt son, chí vẫn trinh bền, tâm vẫn cầu thị, trí vẫn mẫn tiệp, lời vẫn thiết tha.
Phàm là người Việt Nam, bất kể trẻ già, sang hèn, trong ngoài, thân phận thế nào, cứ là người đọc được Tiếng Việt thì nên đọc bài này. Ai đã đọc bài này, nếu gặp những người không biết chữ thì nên gia tâm đọc cho họ nghe bài này, để cùng nhau chia sẻ với Tống tiên sinh.
Các nhà lãnh đạo càng nên đọc bài này, để trau giồi thêm cho mình, - nghe nói là người Cộng sản phải trau mình đến tận lúc tàn hơi (như Bác Hồ mong muốn) - để từ đó, trên cương vị công tác của mình gắng từ việc nhỏ đến việc to, gắng từ việc dễ đến việc khó, vượt qua bản thân mình, góp phần đưa nước mình tiến lên cõi "xuân đài thọ vực". Kính vậy thay! Mong vậy thay!
*Ghi chú: Chư vị coppy hình đôi chim ra màn hình máy tính. Đôi chim này sẽ bay lượn bên nhau và mớm mồi cho nhau, hình một trái tim hồng xuất hiện - biểu tượng của tình yêu nồng nàn, trao gửi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.