Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Điều gì khó nhất?

Ngày Tết “nhàn cư vi bất thiện” thành ra suy ngẫm lung tung…dẫn đến cái chủ đề tưởng như đã quá quen nhưng không tự giải đáp được, đành đưa ra tranh thủ ý kiến mọi người: Theo bạn điều gì là khó nhất trong cuộc đời?
Tôi tin sẽ có ít nhất không dưới 1 tá câu trả lời với nội dung trái ngược nhau đối với cùng một câu hỏi này.  Dù sao xin mọi người hãy suy nghĩ thật kỹ rồi hãy trả lời nhé!
Tôi cũng  tin rằng ai rồi cũng sẽ rất đắc chí với câu trả lời của mình, đồng thời cũng sẽ có đủ lý lẽ để bác bỏ những câu trả lời khác. Phải chăng đó là vì tất cả chúng ta đều là con người với một thói xấu muôn thuở: luôn tự cho mình là đúng?
Về phần tôi, câu trả lời là: Điều khó nhất trong đời người là đảm bảo công bằng và hợp lý. Xin nhắc lại CÔNG BẰNG, HỢP LÝ (fair and reasonable).
Tôi tin chắc rằng sẽ có khá nhiều người không đồng ý với câu trả lời của tôi. Nhưng dẫu sao xin hãy cho tôi một cơ hội được giải thích như sau.
Ta hãy thử suy xét điều này với các dạng đối tượng sau đây theo thứ tự a,b,c… nhé: a) bạn và thế giới tự nhiên (tức là tất cả các vật thể không phải  con người); b) bạn và những người xa lạ; và c) bạn và bạn bè (như bạn học, đồng nghiệp, …);  d) bạn và người thân (vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, bà con họ tộc); và e) với bản thân mình (chỉ có bạn mà thôi).
Với loại a), thoạt nhìn tưởng sẽ không khó gì để mà công bằng, hợp lý với những đối tượng vô tri vô giác…Nhưng thưc ra, nó vô cùng khó vì nhiều lý do, và vì thiên nhiên không thể tự cãi lại con người!  Xin đơn cử một ví dụ: Ngày Tết mua được một cái cây cảnh về nhà bạn sẽ tha hồ mà cắt tỉa, uốn nắn…, rồi xoay xở đặt nó ở nơi này nơi kia,… Và khi bổng dưng không thích nó nữa, bạn liền vứt nó ra ngoài phố bất cần biết số phận của nó sẽ ra sao. Thử hỏi bạn làm như vậy có công bằng và hợp lý chưa?  Bạn không những không công bằng với cái cây mà còn không công bằng với môi trường sống và với cả cộng đồng… Rất nhiều hậu quả khác sẽ xảy ra liên quan đến cái cây vô tri giác như vậy mà tôi không tiện nói hết cả ra đây.
Với lọa b), khi ra đường gặp ai đó, bạn có xu hướng cho đó là “người lạ”, chẳng bà con chi, nên có biết gì về mình đâu, nói chung chẳng liên quan gì…. Có chăng, bạn sẽ căn cứ  vẻ bề ngoài hoặc cử chỉ, thái độ nào đó của đối phương, để mau chóng tính xem có cần đề phòng hoặc phớt lờ đi cho khỏe… hoặc ngược lại. Nếu tôi không nhầm thì cái gọi là “tình yêu sét đánh” đều bắt đầu từ “người xa lạ” như thế (?). Thôi thì dù là gì, đối tượng này chính là sự bắt đầu của những câu chuyện dài kỳ về cái sự vô tình vô lý của bạn. Hãy nghĩ đi, điều gì sẽ xảy ra với một trong những tình huống nói trên, và bạn sẽ thấy đó là một núi những bài toán khó về sự bất công, vô lý.
Với loại c)  Bạn bè ư? Đây là đối tượng mà bạn cho là không thể thiếu được. Thời thơ ấu mà không có bạn chắc bạn sẽ chết vì buồn; khi trưởng thành mà không có bạn bè, bạn sẽ chẵng làm nên trò trống gì; khi về già không có bạn, chắc điều ước duy nhất của bạn là có bạn. Thế mới biết bạn bè quan trọng nhường nào. Thế nhưng, cũng chính với loại đối tuợng này, bạn sẽ luôn rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong cách ứng xử hàng ngày để không mất họ, hoặc ngược lại, để biến họ thành kẻ thù. Nhiều người phải ân hận suốt đời chỉ vì một lần cư xử không công bằng, không hợp lý với bạn.
Với loại d (những người thân thích), Bạn nghĩ sao: dễ hay khó  để mà cư xử công bằng và hợp lý? Riêng tôi nghĩ đây là đối tượng khó nhất (mặc dù không thể chỉ ra cái lý do đích thực của nó). Phải chăng là do thói hay nhầm tưởng là “người của ta” thì muốn cư xử thế nào cũng xong? Nghĩ như vậy là thất bại ít nhất là 90% rồi!  
Dĩ nhiên  tôi có suy nghĩ của tôi, nhưng có lẽ riêng về dạng đối tượng này, tôi nên để dành lại cho mỗi người tự suy ngẫm thì mới đúng phương châm công bằng và hợp lý, đúng không ạ?
Cuối cùng loại d)- với bản thân mỗi người. Có thể có người quả quyết rằng không có vấn đề gì về chuyện công bằng hợp lý với bản thân. Nhưng chính đây mới là đối tượng khó đấy, thậm chí còn quá khó!. Thủ hỏi bạn có công bằng, hợp lý không, khi nếu bạn có bệnh tiểu đường mà vẫn tự cho phép mình ăn uống xả láng mỗi ngày? Bạn có hợp lý không khi cả ngày ngũ dài dài, ban đêm thì ngồi vi tính? v.v…và v.v… Càng nghĩ sẽ càng thấy cái sự thiếu công bằng hợp lý thường xảy ra một cách thầm lặng trong bản thân mỗi người chúng ta. Chính vì thế nó rất khó để loại trừ.
Bạn thấy đấy, chỉ đơn cử một số dạng đối tượng như trên mà ta đã thấy quả thật khó để đảm bảo thực hiện nguyên tắc công bằng hợp lý. Nếu ta  gọp lại nhiều dạng đối tượng với nhau sẽ còn phức tạp và khó hơn nhiều. Đó là khi bạn ở vào vị trí cha mẹ, ông bà đối với gia đình, hay bạn là thủ trưởng một cơ quan, tổng thống của một quốc gia thì sẽ khó biết nhường nào.    
Trên đây chỉ là vài câu trả lời ngắn gọn của cá nhân tôi. Có lẽ bây giờ tôi sẽ nên cố gắng  giữa một tâm trạng công bằng hợp lý để được lắng nghe ý kiến của mọi người. Xin chân thành cảm ơn/.
                                                                                                               Hà Nội, mùng 3 Tết Tân Mão (2011) 

 

1 nhận xét:

  1. Hay! lúc đầu định ko đọc bài viets, lý do thứ nhất là chữ quá nhỏ, lý do thứ hai cũng ngồi trước máy tính 5 giờ liền rồi (Từ 8h tối đến bây giờ là 1h sáng, hi hi... Nhưng đọc đến cái VD cuối cùng, thấy bài viết chí lý...

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này