Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Ranh giới giữa sáng kiến và “tối kiến”(*)

  (*) đã được đăng tại http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-04-06-ranh-gioi-giua-sang-kien-va-toi-kien- 
                                                                                                         
Cách đây mấy hôm cả nước ta đã đồng loạt tắt điện trong 1 giờ nhân “Ngày trái đất”. Đó là lần thứ 3 thực hiện sáng kiến tiết kiệm điện kể từ năm 2009  mà trong đó mỗi người chỉ cần làm một động tác đơn giản và hoàn toàn tự nguyện là tắt điện trong gia đình mình. Nhưng kết quả  đưa lại  thật là ấn tượng và đầy ý nghĩa : Không chỉ tiết liệm được 400,000 Mw tương đương 500 triệu Đồng mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng !. Một việc làm như thế không xâm hại lợi ích của bất cứ ai và không ảnh hưởng đến bất cứ một hoạt động kinh doanh sản xuất  nào,  lại còn tao ra một niềm vui nho nhỏ trong các gia đình có dịp được quây quần bên nhau trong ánh sáng của ngọn nến.

Xin miến bàn về nguồn gốc xuất xứ hay động cơ của sáng kiến “Ngày trái đất”, ta có thể dẽ dàng đi tới nhất trí rằng đây chính là một SÁNG KIẾN ĐÍCH THỰC theo đúng nghĩa của nó. Do đó nó không chỉ được nhiều người tự nguyện hưởng ứng mà còn được duy trì phát huy lâu dài . Một sáng kiến như vậy không đòi hỏi bất cứ một nguồn vốn tài trợ nào nên cũng không có chuyện các “ bên” xông vào nhằm chia chát , xè xẻn rồi biến  thành những “hậu quả” như đã từng thấy. Thế mới hay, một ý tưởng mới chỉ có thể xác định là sáng kiến bằng kết quả và giá trị thực của nó, chứ không nên nhìn vẻ bề ngoài hoặc nghe những lời giới thiệu hoa mỹ về nó.

Tuy nhiên,  thực tế lâu nay ở nước ta đã và đang có vô số những việc làm được cao rao là “sáng kiến” có khi ở tầm cỡ những dự án tiêu tốn rất nhiều nguồn lực nhưng kết quả chẳng bao nhiêu, thậm chí còn gây ra những hậu quả khôn lường. Đơn cử như câu chuyện mua tàu cũ của nước ngoài đem về sửa chữa cải tạo thành tàu du lịch Hoa Sen mà VINASHIN đã từng làm và để lại hậu quả như ta đã thấy . Hay gần đây nhất là trường hợp khai thác bauxite Tây nguyên đang diễn tiến theo chiều hướng hậu quả hơn là kết quả. Khắp nơi trên đất nước này nếu có dịp đến cơ quan xí nghiệp nào cũng thấy treo đầy những bằng khen tặng sáng kiến xuất sắc,...nhưng không mấy ai biết rõ những hậu quả đằng sau những tấm bằng khen đó. Có những sáng kiến đưa lại một vài cái lợi trước mắt nhưng gây ra những hậu quả lâu dài.  Câu chuyện đóng/ mở, mở/đóng đói với các ngã tư đường phố của Thủ đô Hà Nội có lẽ cũng thuộc loại sáng kiến như vậy; nó không chỉ  gây nên những lãng phí về vật liệu, xăng dầu..., mà còn làm mất mĩ quan  đồng thời làm tăng độ ô nhiễm môi trường đô thị, đặc biệt là sự phản tác dụng đối với công tác giáo dục công dân về ý thức chấp hành luật lệ giao thông (tham khảo tại đây: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-13-dem-ngu-van-mo-tay-nam-vo-lang-quay-chong-ca-mat- )

Có thể nói có tình trạng lạm dụng khái niệm sáng kiến ở nước ta trong nhiều năm nay. Đi kèm với nó là sự lãng phí nguồn lực một cách oan uổng. Có những sáng kiến tiêu tốn rất nhiều ở giai đoạn tiền khả thi để rồi bị "treo"  như “Thành phố ven sông Hồng”, “Trục Thăng Long-Ba Vì”, v.v... Vì thế, có người đưa ra một định nghĩa vui vui  rằng  sáng kiến là ý kiến đưa ra vào buổi sáng đến buổi tối đã  trở thành “tối kiến”!

Vẫn biết sáng kiến là một phạm trù đặc biệt, không thể thiếu nếu muốn thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng trong bối cảnh nước ta còn thiếu một cơ chế và năng lực để đánh giá, xét duyệt và quản lý quá trình thực hiện sáng kiến, thì trước hết phải hết sức thận trọng trong việc phê duyệt và áp dụng các sáng kiến đồng thời  phải biết kiên quyết chấm dứt kịp thời những sáng kiến nào đang biến thành “tối kiến”. /.
     
Trần Kinh Nghị

1 nhận xét:

  1. Tiết kiệm được điện, trong khi chưa tìm được nguồn thay thế, để đỡ phải xây điện nguyên tử, nguy hiểm

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này