Lời giới thiệu: Sau sự cố cấp cứu, chủ blog tôi phải tự kiềm chế bớt suy nghĩ và viết lách một thời gian.... Tuy nhiên, dù sao cũng phải duy trì blog..., có lẽ bằng cách post lại một số bài vỡ cũ, vừa để lưu trữ vừa để chia sẻ cùng bạn bè. Đây là một "tiểu phẩm"dự thi đạt giải nhất trong cuộc thi viết nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Học viện Ngoại giao (1959-1009) Hay dỡ...(?) xin được mọi người lượng thứ!
Khóa V: Nhớ lại và suy nghĩ
Ngày đầu nhập môn
Một ngày nắng nóng mùa hè năm 1964, theo giấy báo, tôi tìm đến địa chỉ Trường Cán bộ Ngoại giao-Ngoại thương để làm thủ tục nhập học. Đó là một khu khá rộng chỉ cách Chùa Láng quãng 200 mét, nằm lọt giữa vùng rau Húng Láng nổi tiếng. Khác hẳn với những gì tôi đã mường tượng , ở đó thấy toàn những dãy nhà cấp bốn đơn sơ cũ kĩ, trông giống một cơ sở sản xuất hơn là trường học. Nếu không có tấm biển hiệu nhỏ bên ngoài cổng trường (thời đó quay ra phía đường Pháo Đài Láng), chắc không mấy ai biết đây là trường đại học.
Đang ngỡ ngàng thì một người đàn ông trẻ tuổi cao lớn có khuôn mặt chữ điền với nụ cười cởi mở tiến đến bắt tay tôi và tự giới thiệu tên là Tâm. Anh mời tôi vào bên trong hành lang cho đỡ nắng, rồi lần lượt tiếp đón những người khác đang kéo đến. Khi thấy đã khá đông đủ, anh mời tất cả vào bên trong một căn phòng rộng hơn 30 mét, to hơn phòng bình thường nhưng chưa đến mức gọi là hội trường, để bắt đầu thủ tục nhập học. Căn phòng trang trí rất giản dị, nếu không nói là tuềnh toàng. Đúng ra đó chỉ là một cuộc họp để nghe đại diện nhà trường phổ biến các việc cần làm, chủ yếu là để hoàn tất các hồ sơ cá nhân và “chốt” danh sách cuối cùng của khoá học. Số là, do hoàn cảnh chiến tranh phá hoại đang leo thang, năm đó cả nước ta không tổ chức thi tuyển mà “chọn tuyển” và “cử tuyển” theo nhu cầu của các bộ/ngành; ngoại trừ những cán bộ được cơ quan cử đi học, các học sinh phổ thông hầu như chưa biết có ngành học ngoại giao. Bản thân tôi đã đăng ký ngành xây dựng và đang trong dánh sách “chờ” đi nước ngoài của Bộ Giáo dục, do đó hoàn toàn bất ngờ khi nhân được giấy gọi vào ngoại giao. Từ hôm nhận được giấy báo tôi thấy lo lo và có phần do dự. Thời đó, như đa số học sinh phổ thông, tôi thích chọn ngành kỹ thuật chứ không thích những ngành “ăn trắng mặt trơn”…; ngoài ra tôi còn có chút mặc cảm về chiều cao “khiêm tốn” của mình nên thực sự không thích làm ngoại giao. Tâm trạng thì vậy, nhưng vốn đã được giáo dục nhiều về “tinh thần, ý thức trách nhiệm” trong quá trình ở trường nội trú học sinh miền Nam nên tôi không dám từ chối. Và đó thực sự là một lựa chọn khó khăn đầu tiên trong đời tôi.
Hôm đó chúng tôi cũng được phổ biến rằng tuy không phải là trường nội trú nhưng nhà trường có thể bố trí chỗ ở tập thể cho các sinh viên ngoại tỉnh. Vậy là cũng may cho tôi vì lúc đó tôi không còn thuộc diện được ở trong trường nội trú học sinh miền Nam nhưng cũng không có gia đình ở Hà Nội. Và tôi đã quyết định xin được ở nội trú luôn hôm đó. Trong thâm tâm tôi cũng thích như vậy vì từ nhỏ toàn ở nội trú quen rồi.
Không khí buổi nhập học nói chung không có gì đặc biệt, nếu không nói là không được như mong đợi. Trường học tuềnh toàng, học sinh quá ít lại toàn nam giới khiến bọn trẻ chúng tôi mất cả hứng! Có lẽ chỉ có một chi tiết ít nhiều để lại một chút ấn tượng về “ngoại giao” theo quan niệm của tôi thời bấy giờ, đó là phong cách tiếp đón khách niềm nở của anh Tâm.
Sau này tôi mới biết thêm rằng cuộc nhập học diễn ra nhanh gọn và đơn giản như thế là vì nó được tổ chức riêng theo hai đơn vị Khoa Ngoại giao và Khoa Ngoại thương tại 2 địa điểm khác nhau; số học viên tuyển bên Khoa Ngoại thương đông hơn nhiều, chủ yếu là học sinh phổ thông và có khá nhiều nữ sinh. Điều này cũng có nghĩa là kế hoạch “tách trường” thực sự đã có từ lúc đó, nhưng gần 2 năm sau, khi Trường đang sơ tán ở Bắc Thái, mới thực hiện xong.
Khoá V còn được gọi là “Lớp Nghiệp vụ V”
Được biết, năm 1959 Bộ Ngoại giao có tổ chức một khoá đào tạo phiên dịch tiếng Anh chính quy đầu tiên tại một cơ sở nhỏ ở Bưởi nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu công tác đối ngoại đang tăng lên sau hoà bình lập lại. (Nghe nói cựu Bộ trưởng Nguyễn Di Niên cũng thuộc khoá đó). Những năm sau Bộ gửi học viên ngoại giao vào Khoa Ngoại giao-Ngoại thương trực thuộc Trường Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Đến năm 1963 mới tách ra thành Trường Cán bộ Ngoại giao-Ngoại thương đóng trụ sở tại Láng.
Vì thế theo thứ tự, khoá tôi là Khoá V (thời gian học 5 năm, nhập học hè 1964, ra trường năm 1969). Đây là khoá bắt đầu có tuyển học sinh mới tốt nghiệp phổ thông (chứ không phải chỉ có “cán bộ cử đi học” như trước đây); tổng số ban đầu quãng 50 người, sau “rơi rớt” dần còn hơn 40 người. Tôi còn nhớ thành phần học viên rất khác nhau về tuổi tác và xuất xứ nghề nghiệp. Khoảng một nửa là học sinh mới tốt nghiệp năm 1964. Thuộc diện này ngoài tôi ra có Nguyễn Quý Bính, Đỗ Công Minh, Nguyễn Văn Sơn, Cao Danh Quyền, Ngô Văn Hoa, Đinh Quang Tiến, Nguyễn Văn Cung, Triệu Kỷ Nguyên và một vài người nữa tôi không còn nhớ rõ. Một số tốt nghiệp 1-2 năm trước, trong đó có Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Văn Khoa, Đỗ Tất Chất, Thân Xuân Lê, Phạm Văn Nhữ, Phùng Mai, Nguyễn Hồng Phong… đặc biệt có hai người tên là Tung và Tăng - một sự trùng hợp thật thú vị! Diện cán bộ đi học gồm các anh Phạm Tấn Vọng, Hồ Liên (của Bộ Ngoại giao); các anh Sâm, Thực, Dong và Lân (Bộ Công an); có cả một số cán bộ chủ nhiệm HTX như anh Luân, anh Khổn, anh Hạt, anh Bảng; anh Tuyến và hai sĩ quan quân đội là Trần Hải (hải quân) và Ngô Ngọc Phiếu (pháo binh). “Phái yếu” chỉ có một người duy nhất là chị Tâm (cũng là cán bộ của Bộ Công An cử đi học). Khoá được biên chế thành 2 lớp theo ngôn ngữ Anh và Pháp trên cơ sở một phần theo nguyện vọng cá nhân một phần theo sự phân công của tổ chức; mỗi lớp trên dưới 20 người. Các môn chính trị, nghiệp vụ thì học chung như nhau.
Khoá V còn được gọi là “lớp nghiệp vụ V” từ khi có Khoá VI (niên khoá 1965-66). Khoá này gồm 2 loại lớp chuyên ngành là lớp Phiên dịch (chương trình học nặng về ngoại ngữ); và lớp Nghiệp vụ (năng về các môn nghiệp vụ).Vì thấy Khoá V cũng học nhiều nghiệp vụ hơn nên mọi người quen gọi là “Lớp nghiệp vụ V”, thế thôi.
Chưa ấm chỗ đã phải đi sơ tán
Đầu năm 1964, trước thất bại nặng nề tại chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ phát động chiến tranh phá hoại bằng không quân chống miền Bắc. Đầu tiên chúng tạo ra vụ “Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ dùng hải quân và không quân đánh phá ven biển Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng. Cuộc chiến tranh nhanh chóng “leo thang” ra toàn miền Bắc, đến cuối năm đó về cơ bản không còn giới hạn nữa; máy bay địch tuy chưa thật sự “chạm” vào Thủ đô nhưng ngày nào cũng nghe loa phóng thanh thông báo “máy bay địch cách thành phố…kilômét” với những cự ly ngày càng ngắn dần và nghe rõ tiếng bom và đạn rốc-két vang rền; trên bầu trời xuất hiện nhiều vệt khói của tên lửa phòng không hoặc máy bay chiến đấu của ta xuất phát từ các căn cứ quanh Hà Nội.
Trước diễn biến tình hình ngày càng nghiêm trọng, chúng tôi thực sự chỉ được ở lại Trường quãng hơn 1 tháng, chỉ đủ để chuẩn bị cho công cuộc sơ tán toàn trường “một cách triệt để và lâu dài” (theo cách nói của Lãnh đạo ta thời đó). Chúng tôi thực sự không thấy lo lắng gì về chuyện phải đi sơ tán, nên dù được ở lại trường trong thời gian ngắn vẫn hăm hở bắt đầu những buổi học đầu tiên, đặc biệt là môn ngoại ngữ. Ngoài giờ học tôi tranh thủ cùng vài người bạn đi tham quan một số địa điểm nổi tiếng như Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu, Quảng trường Ba Đình, Công viên Thống Nhất…, dạo qua cổng một số trường đại học lớn như Bách Khoa, Kinh tế Kế hoạch…, đi chơi Chợ Đồng xuân và khu phố cổ. Hồi đó tôi phân vân: Hà Nội đâu có gì đẹp và đáng yêu đến mức như được mô tả trong thơ ca và âm nhạc? Thế nhưng sau này khi rời Hà Nội đi sơ tán tôi mới hiểu điều đó; mỗi khi nghe một bài hát, bài thơ về Hà Nội tự dưng tôi cảm thấy xúc động vô cùng….Có lẽ Hà Nội luôn đáng yêu hơn nhiều khi ta xa nó - một thứ tình yêu mà khi đang sống ngay trong lòng nó ta có thể không nhận ra.
Chưa kịp “ấm chỗ” tại Láng thì khoảng cuối tháng 9 năm 1964 toàn trường (lúc đó vẫn gồm cả Khoa Ngoại thương) được lệnh sơ tán lên Bắc Thái. Chúng tôi di chuyển theo nhiều nhóm bằng các phương tiện khác nhau, chủ yếu là tàu hỏa và đi bộ (thời kỳ đó Mỹ còn đang “nắn gân” Trung Quốc nên chưa oanh tạc 2 tuyến đường sắt nối với Trung Quốc). Nhóm tôi đi tàu hỏa xuống ga Ba Hàng, Huyện Phổ Yên (cách Thị xã Thái Nguyên khoảng 30 km) đúng vào buổi chiều tối. Để giữ bí mật địa điểm sơ tán và đề phòng máy bay phát hiện, vừa xuống ga chúng tôi phải di chuyển ngay. Ngoài đồ đạc tư trang mỗi người phải mang vác thêm những dụng cụ bếp ăn tập thể như nồi niêu, xoong chảo, gạo, củi, … Tất cả tiến nhanh về phía bờ sông cách ga độ 2 km. Hôm đó trời sáng trăng và mùa nước sông cạn, nên chúng tôi cứ việc xắn quần lội qua một cách dễ dàng, có phần thích thú nữa. Qua sông chúng tôi lại cuốc bộ khoảng 7 km thì đến địa điểm tập kết tại làng Xuân Trù, xã Xuân Phong, sau đó đi về các hướng theo sự phân công từ trước. Chúng tôi đi xuyên qua một thôn tên là Cổ Pháp để tới một xóm nhỏ tên là Thái Cao là nơi đóng quân cuối cùng. Lúc đó đã quãng 11 giờ khuya, nhưng các gia đình vẫn thức chờ đón nhận sinh viên. Không khí vui vẻ, đầm ấm khiến chúng tôi quên cả mệt mỏi sau một ngày hành quân liên tục. Sau màn chào hỏi, anh Vọng, lớp trưởng phối hợp với mấy cán bộ địa phương công bố danh sách ai ở nhà nào…, rồi chúng tôi theo chân các bác chủ nhà về từng gia đình. Tôi cùng anh Hồ Liên và Ngô Văn Hoa được phân về ở với gia đình vợ chồng bác Tuấn. Đêm đó tuy đã khuya nhưng cả chủ và khách vẫn nán lại trò chuyện, có lẽ 2-3 giờ sáng mới đi ngủ.
Đến miền trung du xa tiếng bom đạn
Sáng hôm sau, không ai bảo ai, chúng tôi đều thức dậy thật sớm. Tôi rất nôn nóng muốn nhìn rõ cảnh quang ban ngày và biết thêm về gia đình mà mình sẽ ở trong thời gian tới. Quang cảnh không có gì đặc biệt lắm, nhưng khác biệt so với những làng quê đồng bằng Bắc Bộ mà tôi đã từng qua. Đó là một vùng trung du với đầy đủ những đặc điểm riêng của nó: những quả đồi nhấp nhô xen giữa các thung lũng trong đó có ruộng lúa, nương ngô và bãi cỏ. Đồng ruộng ở đây rất hẹp chứ không thẳng cánh cò bay như ở vùng đồng bằng. Xa xa là những rặng núi màu xanh thẫm báo hiệu ranh giới với vùng Tây Bắc. Những đồi thông khiến quang cảnh ở đây khác hẳn với miền xuôi. Hầu hết nhà dân đều ở trên đồi; vùng đất trũng để trồng lúa hoặc ngô; vùng đất ven đồi trồng khoai, sắn, đậu… Dạo đó là đầu mùa đông, trời đã khá lạnh, nhưng bầu trời thật quang đãng. Tôi cảm thấy thích nơi đây, thấy nó như một miền quê đẹp, thoáng đãng và thơ mộng .
Đang mải ngắm cảnh và nghĩ ngợi mung lung thì có tiếng mời gọi của cô con gái bác chủ nhà: “Mời các anh vào ăn con củ héo với nhà em”… Có lẽ đó là lời mời chào lạ lẫm nhất mà tôi từng nghe trong cả cuộc đời…Tôi thật sự tò mò muốn biết “con củ héo” là gì…Và phải mất cả một quá trình từ nhìn, nếm và nghe giải thích tôi mới thực sự hiểu đó là khoai lang được treo cho đến khi khô kiệt thì đem luộc chín, để nguội rồi mới ăn. Ăn như thế khoai sẽ ngọt như mật và rất thơm ngon.
Từ đó về sau (mặc dù không phải là nhà nhân chủng học) tôi cũng muốn tìm hiểu xem người vùng trung du Bắc Bộ và miền Nam có gì liên quan với nhau (?)…Và tôi đã mạo muội kết luận là có. Ví dụ, từ “con củ” ở đây gần giống với từ “củ lang” ở quê tôi, và có sự trùng hợp hoàn toàn ở các từ “bắp” (ngô), “củ mì” (sắn)…và một số tên các loài vật và dụng cụ khác. Đăc biệt, như ở quê tôi, dân vùng này cũng lấy tên người con cả để gọi cha mẹ; cũng kéo cày, bừa bằng 2 trâu hoặc bò (chứ không phải 1 con như ở đồng bằng Bắc bộ). Có lẽ chỉ các nhà chuyên môn nhân chủng học và khảo cổ học mới giải thích được những hiện tượng trùng hợp như vậy. Dù sao đối với tôi đó là một phát hiện mới khá lý thú.
Trong bữa ăn sáng với “con củ héo” đầu tiên đó, chúng tôi được hiểu thêm về gia chủ. Bác Tuấn có 4 người con: 2 trai, 2 gái. Con trai lớn tên là Tuấn đang chuẩn bị cưới vợ trước khi đi nghĩa vụ quân sự, cô con gái tên là Tuyên, mới 12 tuổi nhưng đã lộ vẻ e ấp của một cô thôn nữ, tiếp đến là một cô con gái nữa và cậu út tên Chinh mới 2 tuổi. Có thể thấy đó là một gia đình “khá giả” trong điều kiện của nông thôn miền Bắc thời kỳ trước chiến tranh phá hoại. Nhà có 3 gian, 2 chái và một căn nhà ngang dùng làm bếp, có sân gạch phía trước và vườn ba bên với luỹ tre bao quanh. Ở gần bếp có một giếng khơi, nước rất trong, mát và sạch. Nhà được xây bằng gạch và gỗ xoan, lợp ngói trông rất chắc chắn và “hợp thời”; tuy không quá rộng nhưng diện tích đủ chỗ tối đa cho 8-9 người ở. Gia chủ dành hẳn gian bên phải để kê 3 cái gường nhỏ chừa một lối đi hẹp ở giữa cho 3 khách sinh viên. Gian giữa kê ban thờ và bộ bàn ghế tiếp khách chung cho cả nhà. Gian trái kê một chiếc sập gỗ và môt chiếc chõng tre. Hai gian chái là nơi ở chính và cũng là kho đồ đạc, thóc gạo của gia đình. Bếp núc và ăn uống hầu hết đều ở nhà ngang, chỉ khi nào có cúng giỗ, tiệc tùng thì mới ăn ở nhà trên.
Cùng ăn cùng ở,… Dân đi làm, sinh viên đi học
Cả Khoá được chia ra thành các nhóm 2-3 người đến ở cùng các gia đình khác trong cái xóm nhỏ không quá 20 nóc nhà. Nhiều trường hợp giữa chừng có thay đổi chỗ ở, nhưng riêng tôi ở nhà bác Tuấn từ đầu đến cuối nên còn nhớ rõ địa chỉ bưu điện là “nhà Ông Tuấn - xóm Thái Cao, Thôn Cổ Pháp, Xã Xuân Phong, Huyện Phổ Yên, Tỉnh Bắc Thái”.
Có một điều tôi luôn thán phục là thái độ bao dung, rộng lượng của các gia đình có sinh viên ở mặc dù trong quá trình đó chắc chắn chúng tôi đã gây ra rất nhiều khó khăn, bất tiện cho họ. Chúng tôi từ đâu đâu bổng đến sống trong nhà của họ, làm đảo lộn tất cả nếp sống của họ, thậm chí ăn bớt khẩu phần thức ăn vốn đã khan hiếm của họ…, vậy mà lúc nào họ cũng vui vẻ chấp nhận chúng tôi. Không những thế, càng ở lâu mối quan hệ “chủ-khách” càng thân tình, sâu nặng như người trong một nhà. Bây giờ nhớ lại, không sao lý giải nổi tại sao thời đó người dân tốt đến thế? và tại sao mọi người đều dễ dãi và mọi thứ đều đơn giản như vậy?....Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới có thể hình dung được, nhưng chưa chắc ai cũng có thể trả lời một cách thoả đáng những câu hỏi trên.
Ngay từ hôm sau khi đến nơi sơ tán, chúng tôi bắt tay vào việc đào hầm trú ẩn và lên rừng kiếm vật liệu về làm lớp học đồng thời kết hợp kiếm củi đun. Chỉ vài tuần sau đã có một lớp học “dã chiến” rộng gần trăm mét vuông, nửa ngầm, nửa nổi trên mặt đất, trông cũng khá đẹp mắt. Bàn ghế chủ yếu làm bằng tre, bương, vầu, nứa…; cũng có bục giảng và bảng đen khá hoành tráng. Một nhà bếp tập thể cũng được nhanh chóng dựng lên với đầy đủ “trang thiết bị” như lò đun, giá để nồi niêu, xoong chảo và cả bàn ghế ăn…, tất thảy đều làm bằng tre, bương, lá và đất bùn trộn rơm rạ. Chính nơi đây đã để lại nhiều kỷ niệm nhất về quãng đời sơ tán của sinh viên chúng tôi. Tôi còn nhớ, người trực tiếp chăm sóc bếp núc cho Khoá V là bác Liễu, một cấp dưỡng không chỉ giỏi tay nghề mà còn chuẩn mực về phong cách nghề nghiệp. Bác lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc chải mượt, làm gì cũng gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp. Nghe nói, bác nguyên là một đầu bếp “lưu dung” từ thời Pháp, sau làm ở Nhà khách Chính phủ ta, toàn những chỗ có sẵn nguyên liệu, thực phẩm tươi ngon. Ấy vậy nhưng khi đi sơ tán bác Liễu rất giỏi trong việc cải tiến các món “mầm đá”. Trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ, bột mì thường mốc và hôi, chỉ có ít tóp mỡ hoặc bì lợn, nước mắm là thứ “xa xỉ”…, nhưng bác Liễu vẫn chế biến làm sao để bữa nào chúng tôi ăn cũng thấy ngon miệng. Thế mới hay chứ! Phụ bếp với Bác có chị Luân, chị Bảy, cũng là những người chúng tôi luôn biết ơn và quý mến .
Những ngày đầu chưa có lớp học, chúng tôi tranh thủ học ngay trong nhà dân với môn ngoại ngữ. Ít lâu sau có hội trường dã chiến cả Khoá bắt đầu tập trung học các môn nghiệp vụ. Trời mùa đông ở Bắc Thái rất lạnh, nhưng sáng nào thầy trò cũng đều có mặt đúng giờ và đông đủ; không khí dạy và học rất hào hứng, một phần vì thời đó không có thú vui gì để đánh lạc hướng chúng tôi. Trong mắt tôi, các thầy tiếng Anh ai cũng giỏi và có phong cách hấp dẫn. Ngoài các thầy cũ từ Hà Nội lên đây, lớp tôi còn được bổ sung thêm mấy thầy của khoa Ngoại thương. Tôi rất thích một vài thầy trẻ tuổi với phong cách và giọng phát âm “chuẩn” như thầy Nghĩa, thầy Thạch. Tôi cũng thích thầy Bích, thầy Mỹ Điền vì ngoài việc dạy tiếng Anh, các thầy còn nói nhiều chuyện lý thú về cây cảnh, vật nuôi…
Học các môn nghiệp vụ thường dễ buồn ngủ vì chỉ lắng nghe thụ động. Hôm nào gặp bài kém hấp dẫn thì càng dễ buồn ngủ hơn. Nghe giảng vào mùa hè gió mát thì lại càng dễ bị ngủ thiếp lúc nào không hay. Hồi đó ngủ gật trong lớp hay vắng mặt đều bị phê bình rất nặng. Có quá nhiều thầy thay nhau lên lớp các môn chính trị và nghiệp vụ nên khó có thể nhớ hết như với các thầy ngoại ngữ. Người chúng tôi nhớ lâu nhất có lẽ là thầy Bát dạy môn Sử quan hệ quốc tế vì mỗi khi vào lớp thầy đã thấp lùn lại hay cúi gập người chào như Hề Sạc-lô, tưởng chừng sắp lộn người xuống đất! Nhưng chúng tôi rất mến thầy vì thầy rất hiền và nhiệt tình. Môn luật của Thầy Vệ có lẽ là một trong những “môn buồn ngủ” nhất. Những lúc buồn ngủ quá mọi người chỉ mong có báo động máy bay. Nghe hài hước, nhưng đó là sự thật, vì được giải toả cơn buồn ngủ! Những tình huống như thế thường xảy ra vào các năm 1967-68, những năm cao điểm của cuộc chiến tranh phá hoại. Căm thù giặc là một chuyện, nhưng chúng tôi cũng rất thích “mục kích” cảnh máy bay gầm rú giữa làn đạn tên lửa phòng không hoặc những cuộc không chiến. Đã có một số máy bay rơi xuống vùng sơ tán và chúng tôi được dịp cùng dân quân vây bắt phi công Mỹ. Thời đó mỗi năm có một hai đợt tập quân sự kéo dài hàng tháng, nhưng chúng tôi vẫn không ngại, trái lại còn lấy làm thích thú. Những hoạt động quân sự như thế chúng tôi coi như được “thay đổi không khí” và cảm thấy rất hào hứng tham gia..
Có một khó khăn lớn đối với chúng tôi để học tốt môn ngoại ngữ. Đó là chúng tôi phải học trong điều kiện hầu như không có trang thiết bị nghe nhìn và tài liệu tham khảo. Để khắc phục, thầy trò luôn tìm nhiều cách khác nhau; một trong những cách tốt nhất là đọc to và học thuộc lòng. Học môn nào cũng thế, bọn chúng tôi thường cầm sách ra cánh đồng, ở đó tha hồ đọc to mà không ảnh hưởng đến người khác. Bếp cũng là nơi học lí tưởng, nhất là vào mùa Đông hay những ngày mưa. Chỉ khi cần viết thì mới ngồi trên giường. Buổi tối có thể nằm nhẩm bài, rất hiệu quả mà không tốn dầu đèn. Về cách học này, tôi phục nhất là Ngô Văn Hoa ở cùng nhà. Hắn có thể ngâm nga cả buổi mà không mỏi mồm, thuộc lòng đến nỗi khi trả bài có thể đọc lại nguyên xi không thiếu dấu chấm phẩy! Hắn còn có tài nói chuyện đến mức “kiến trong lỗ cũng chui ra”, khiến cô con gái tuổi trăng tròn của chủ nhà cứ nghếch mắt lên mà nghe! Cách học nói to như thế, nhất là với môn ngoại ngữ, lúc đầu làm dân làng buồn cười, nhưng rồi họ cũng thấy quen và trở thành bình thường. Thời đó chúng tôi học được rất nhiều về ban đêm, đơn giản vì không học thì cũng chẳng có thú vui gì khác để bận tâm. Âu đó cũng là một “lợi thế” của sinh viên thời sơ tán!
Trong thiếu thốn, khó khăn, vất vả nhưng “cuộc đời vẫn đẹp sao, …”
Trong thiếu thốn, khó khăn, vất vả nhưng “cuộc đời vẫn đẹp sao, …”
Trường cán bộ Ngoại giao-Ngoại thương sơ tán trên một địa bàn rất rộng; trên thực tế chỉ là danh nghĩa trong quãng 2 năm đầu với một số hoạt động chung như sinh hoạt Đảng-Đoàn, phân bổ giảng viên, trao đổi tài liệu, giáo trình, v. v.. Riêng Khoa Ngoại giao năm đầu sơ tán có 3 khoá (3, 4 và 5) nhưng tổng số học viên chỉ quãng 200 người. Ít lâu sau Khoá III, rồi Khoá IV lần lượt ra trường, thay vào bằng các khoá Trung cấp chuyên nghiệp văn thư kế toán ngoại giao. Niên khoá 1965-66 tuyển tiếp Khoá VI (đại học). Lực lượng học viên nhanh chóng được “trẻ hoá” và điều này ít nhiều cũng đã “thổi” một luồng gió mới vào không khí nơi sơ tán.
Khoá V chúng tôi đóng quân toàn bộ ở xóm Thái Cao, khá tách biệt với Trường và Khoa nên cũng hạn chế trong đi lại giao lưu; hàng tháng chỉ một vài dịp sang làng Cổ Pháp (nơi có hội trường rộng hơn) để họp, nghe phổ biến thời sự hoặc nghe giảng một số môn học chung. Đó cũng là nơi để tổ chức văn nghệ hoặc hội họp. Những cuộc họp qúa đông với nhân dân địa phương thì phải tổ chức ngoài trời tận bên thôn Xuân Trù. Chúng tôi không ngại đi họp xa như thế, vì đó là những dịp đông vui, được gặp lại bạn bè và trao đổi kinh nghiệm rất bổ ích và lý thú. Nhưng những dịp như thế thật là hiếm hoi.
Tôi còn nhớ, trong bối cảnh sơ tán với bao cách trở, khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn luôn tồn tại một lĩnh vực hoạt động có thể nói không hề bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Đó là văn nghệ. Hồi đó tuy chỉ có ánh đèn măng-xông với phông màn, đạo cụ và trang phục “tự chế” chúng tôi vẫn có những đêm văn nghệ không kém phần hấp dẫn so với bất cứ đêm văn nghệ của bất cứ thời nào. Tôi còn nhớ tuy ít người và chỉ có một nữ nhưng Khoá V có thể tham gia biểu diễn hầu hết các thể loại ca, múa, nhạc, kịch…, khi cần đóng giả luôn các vai nữ! Hát đồng ca thì hầu như ai cũng tham gia được; hát hay thì có Hoa, Viêm; chèo có Tuyến, Lương; nhạc cụ có Minh, Hải; thơ có Thân Xuân Lê… Một lần chúng tôi dàn dựng cả vở “Hòn đảo thần vệ nữ” trong đó tôi thủ vai cậu Gioóc với câu: “Hết ngày dài lại đêm thâu, chúng tôi đi trên đất Phi Châu…” (và không ngờ sau này tôi đã có 3 năm công tác ở đất Châu Phi buồn tẻ như thế!). Một lần khác tôi lên sân khấu với một tiết mục “xiếc” tự nghĩ ra, bắt đầu bằng việc biến một chiếc cốc rỗng thành cốc có nước…Tiết mục đó trông thật quá khiến một anh Khoá IV xung phong lên sân khấu để bị tôi dùng nhọ nồi (vì thời đó lấy đâu ra son phấn) bôi lên mặt biến thành một còn …mèo! Sau vụ đó tôi phải trốn mấy ngày trước sự lùng sục của anh ta. Kể ra tôi đã hơi quá đáng khi “lừa” một bậc đàn anh như thế.
Chúng tôi cũng đã ra những tờ báo tường với rất nhiều bài bình luận, chuyện ngắn, thơ ca. hò vè, tranh vẽ, v.v… thật phong phú! Bây giờ mỗi khi gặp lại nhau chung tôi vẫn còn nhắc lại những tác phẩm “bất hủ” đó. Quả thật giờ đây nghĩ lại khó ai có thể lý giải được tại sao chúng tôi vẫn rất lạc quan yêu đời trong suốt quá trình gian nan vất vả kéo dài như vậy.
Tôi cũng rất nhớ các buổi “ăn đêm” với những nồi cháo thịt chim, thịt cóc, thịt rắn…mà chúng tôi tự săn bắt được. Về chuyện này tôi phục nhất là Triệu Kỷ Nguyên về tài nghệ “hái lượm” và chế biến các món “sơn hào, hải vị đồng quê” như thế. Trong khung cảnh sơ tán, đối với chúng tôi, đó không chỉ là những bữa ăn cải thiện chất dinh dưỡng mà còn là những buổi liên hoan nho nhỏ rất vui và thân mật.
Trở về xây dựng lại mái trường xưa
Thấm thoát đã ngót 5 năm trôi qua với Khoá V tại nơi sơ tán. Ở đó tuy không quá xa Hà Nội nhưng chúng tôi không mấy dịp được trở về Hà Nội. Ở lâu quá hoá quen nên cũng không trông mong gì. Nhưng cái gì đến đã đến. Đó là khoảng giữa tháng 8 năm 1969 sau khi Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, Lãnh đạo Bộ đã cử Khoá V làm “tiền trạm” trong cuộc trở về Thủ đô. Thế là chúng tôi trở lại mái trường xưa ở Láng, cũng trong một cuộc hành quân khá vất vả, nhưng rất vui và hào hứng, đặc biệt là không phải “đề phòng máy bay địch” như lúc ra đi.
Khu trường trông hoang tàng so với lúc chúng tôi nhập học. Một xí nghiệp dệt đã “trưng dụng” nó trong những năm sơ tán vừa mới rút đi để lại những dãy nhà hoen ố với cơ man gach, đá, phế liệu và rác rưởi. Thế là chúng tôi đã là những người đầu tiên phải đứng ra khắc phục hậu quả, kể cả vụ “tranh chấp lãnh thổ” với người anh em Ngoại thương và một bộ phận công nhân còn ở lại . Vì lúc trở về đã chia tách thành hai trường nên khuôn viên trường cũ phải được chia đôi. Cơ sở vật chất vốn đã quá nghèo nên không có gì để tranh chấp, nhưng lãnh thổ thì bao giờ cũng khó thoả hiệp. Vì đông sinh viên hơn nên bên Ngoại thương đòi 2/3 diện tích; và bên Ngoai giao không thể bác bỏ điều này. Tuy nhiên khi vạch đường ranh giới cụ thể thì lại có vấn đề, vì đường này cắt qua 3 dãy nhà (trước đây là mặt sau, bây giờ là mặt tiền) nơi một bộ phận công nhân của xí nghiệp sơ tán chưa chuyển đi nên hàng rào phân chia phải dừng lại ở đó và cả hai bên đều chưa thể đưa người của mình vào. Tình trạng tranh chấp đã dẫn đến vài vụ xô sát giữa “ba bên” (sinh viên hai trường và công nhân). Cuối cùng, vì nhiều lý do khác nhau, phần diện tích tranh chấp đã thuộc về Trường Ngoại thương, mà dấu tích vẫn còn đến ngày nay với bức tường lệch sang phía Học Viên Ngoại giao hàng chục mét. Chúng tôi chỉ biết tự an ủi rằng, với chiếc cổng mới trổ ra phía Đường Láng, trường mình được “nở hậu”!
Tôi còn nhớ chỉ khoảng 2 tuần sau khi Khoá tôi trở về Hà Nội thì Bác Hồ mất và quốc tang diễn ra ngày 3/9/1969 (Nghe nói Bác đã thực sự ra đi vài ngày trước, nhưng Lãnh đạo ta chủ trương thông báo sau Quốc khách 2/9 để thuận bề làm quốc tang). Khoá V vì thế cũng chứng kiến sự kiện đau buồn vô hạn đó của đất nước. Chúng tôi không ai cầm được nước mắt khi nghe Tổng bí thư Lê Duẩn đọc bài điếu văn trong đó có trích đoạn Di chúc của Bác. Vậy là Bác Hồ đã vĩnh viễn ra đi mà không được chứng kiến ngày đất nước thống nhất.
Cuộc hội ngộ sau 40 năm
Sau nhiều lần dự định không thành, trước Tết Kỷ Sửu vừa rồi, Ban liên lạc cựu sinh viên Khoá V đã tổ chức thành công chuyến trở lại thăm nơi sơ tán 40 năm trước. Tuy chưa đủ tất cả, nhưng đó là lần hội ngộ đông đủ nhất của Khoá V với bà con Xóm Thái Cao kể từ ngày tạm thời chia tay năm 1969.
Chiếc xe thuê bao khởi hành từ Hà Nội lúc 7 giờ sáng đưa chúng tôi theo đường số 3 đến thị trấn Ba Hàng (Huyện Phổ Yên) rồi rẽ phải để vào xã Tiên Phong. Xe đi đến đâu mọi ngưòi bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm của thời sơ tán..., rồi thi nhau kể lại điều mình còn nhớ, cả những câu chuyện tiếu lâm và những bài thơ con cóc… Tất cả như một cuốn phim tái hiện lại đầy ắp những kỷ niệm xưa. Mải vui chuyện, xe chạy quá đoạn đáng ra phải rẽ lúc nào không hay. Nhưng thật ra, có để ý cũng không thể xác định kịp, vì quang cảnh đã hoàn toàn thay đổi với rất nhiều khu dân cư mới hình thành trong sự “biến mất” của những cánh rừng thông thơ mộng ngày xưa. Những quả đồi cũng dường như lún xuống trước sức nặng của nhà cửa và dân cư đông đúc. Phải sau 7- 8 lần dừng xe hỏi đường, cuối cùng chúng tôi mới đến đúng nơi cần đến, đó là ngã ba giữa xóm Thái Cao (xem ảnh)
Chiếc xe vừa mới đỗ lại, như có một giác quan đặc biệt, chúng tôi và những người dân nơi đây đã nhận ra nhau ngay. Thế là chuyện hàn huyên nổ như ngô rang kể từ giây phút đó…
Để tranh thủ thời gian, chúng tôi liền chia nhau thành hai nhóm lần lượt vào thăm và tặng quà từng gia đình nơi có sinh viên ở. Kế hoạch là không để sót một gia đình nào nhưng phải kịp rời khỏi xóm trước 12 giờ trưa. Vì biết rằng sau từng ấy năm hầu hết các ông bà chủ nhà có sinh viên trọ nay đã qua đời và con cháu họ lấy chồng hoặc làm ăn nơi khác…, chúng tôi xác định đây là chuyến đi “khảo sát” nhằm nối lại quan hệ và cần thực hiện “chớp nhoáng” để không gây phiền phức nào đối với gia chủ hoặc chính quyền địa phương. Nhưng rốt cuộc chuyến thăm đã kéo dài hơn dự định mà vẫn chưa đủ để mọi người chuyện trò hàn huyên. Chủ, khách mừng mừng tủi tủi , xúc động vỡ oà trong nước mắt… Cũng may là hầu hết các gia đình đều có ít nhất một người con hoặc cháu ở lại nơi nền nhà xưa để đón tiếp chúng tôi.
Hai vợ chồng chủ nhà của tôi nay đều đã qua đời. Cậu con trai cả đã hy sinh trong chiến trường miền Nam, 2 cô con gái đều lấy chồng địa phương khác. Cậu út Chinh ngày xưa nay đã có rất đông con cháu nên đã xây nhà ở chỗ khác nhường lại nền nhà cổ cho người con trai cả của mình. Được thông báo, vợ chồng ông Chinh tất bật kéo đến để gặp chúng tôi. (xem ảnh ông Chinh và vợ bế cháu nội)
Đúng ra chỉ có ông Chinh là người duy nhất của gia đình chủ nhà có thể nhận ra chúng tôi. Nhưng các thành viên khác trong gia đình đều tỏ ra biết khá rõ về chúng tôi như những người thân thiết của họ, vì họ vẫn thường nói chuyện với nhau về chúng tôi.
Chỉ tiếc thời gian quá ít; chủ khách chỉ kịp trao đổi thông tin về ai mất ai còn, đang làm gì ở đâu v.v… Chúng tôi chỉ kịp trao đổi số điện thoại và hen gặp lại vào dịp sau. Tôi đã kịp chụp một số ảnh bằng chiếc máy kỹ thuật số mang theo người, trong đó có ảnh cái giếng của bếp ăn tập thể thuộc “hệ thống công sự dã chiến” thời sơ tán. Nghe nói dân làng có ý giữ lại để làm kỷ niệm nên nó mới còn đến bây giờ (xem ảnh).
Chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng thật sự ý nghĩa, đã phần nào giúp chúng tôi cởi bỏ được mặc cảm “vô ơn bội nghĩa” đối với nơi đã cưu mang mình trong suốt ngót 5 năm sơ tán.
Thay cho lời kết
Giờ đây ngoảnh lại đã tròn 45 năm kể từ Khoá V chúng tôi nhập học. Những gì đọng lại sâu nhất trong ký ức chúng tôi chính là những năm tháng sống và học tập trong hoàn cảnh sơ tán đầy khó khăn, thiếu thốn, vất vả nhưng rất đáng tự hào. Có thể nói, trong quá trình 50 năm phát triển và trưởng thành của Học viện Ngoại giao ngày nay, Khoá V có thể được coi là một trong những cột mốc đặc biệt với 5 đặc điểm riêng mà không phải khoá nào cũng có: Một là, khoá đầu tiên theo Trường đi sơ tán, và đầu tiên trở về khôi phục Trường sau 5 năm vắng chủ; hai là, khoá chứng kiến quá trình chia tách Ngoại giao-Ngoại thương và thành lập Trường cán bộ Ngoại giao; ba là, khoá có số học viên rất ít nhưng thành phần rất “đa dạng”về tuổi tác và xuất xứ nghề nghiệp; bốn là, tất cả sinh viên tốt nghiệp của khoá đều được phân công về Bộ Ngoại giao và một vài bộ/ngành quan trọng khác; năm là, khoá đầu tiên có tuyển học sinh phổ thông “cùng thời” với 2 cựu Tổng thống Mỹ: Clinton và Bush (sinh năm 1946, vào đại học năm 1964) - một sự trùng hợp khá thú vị!./.
(Bài dự thi: Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Học viện Ngoại giao)
Hà Nội, tháng 3 năm 2009
Trần Kinh Nghị
Được xuất bản tại tập san Học viện Ngoại giao: http://www.dav.edu.vn/thanh-nien-sinh-vien/bai-viet-cua-sinh-vien/88-khoa-v-nho-lai-va-suy-nghi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.