Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Trung Quốc nguy hiểm hơn cả Bin Laden ?*

Gần đây dân mạng khuyên nhau đọc bài "Trung Quốc nguy hiểm hơn cả Bin Laden" dưới dạng một bài  phỏng vấn của nhà khoa học chính trị người Mỹ tên là Steven Mosher trả lời  báo Wyborzka (của Ba Lan). Bài đã được dịch giả Lê Diễn Đức kịp thời chuyển sang tiếng Việt phục vụ bạn đọc Việt nam.

Nếu tôi không nhầm thì bài viết dường như đã bắt đúng nhịp đập của hàng triệu trái tim người Việt cũng như các dân tộc trên thế giới, nhất là những ở quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc. Tác giả đã rất thành công trong việc phác họa  hình ảnh nước Trung Hoa hiện đại như một mối hiểm họa không thể tránh khỏi của nhân loại.

Tuy nhiên, bản thân tôi mặc dù cảm thấy như vừa được giúp nói lên điều mình muốn nói ..., song vẫn không muốn tin đó sẽ là sự thật, hoặc chỉ mong đó là một sai lầm của giới cầm quyền Trung Quốc. Vì thế, tôi xin mạn phép tác giả được đăng lại nguyên văn bài viết nhưng có thêm dấu ? ở cuối tiêu đề. Ngoài ra vì lý do kỹ thuật tôi buộc phải thay thế tấm ảnh biểu tượng của dịch giả đã đưa lên bằng một tấm ảnh khác như thấy dưới đây. 
     

Steven Mosher: “Cuộc chiến chống khủng bố đau thương nhưng trong thực tế không thật hẳn quan trọng. Quân khủng bố không có khả năng làm đảo lộn trật tự thế giới. Tham vọng từ phía Trung Quốc nghiêm trọng và huỷ diệt trật tự thế giới. Chúng ta bắt tay với Trung Quốc khi và chỉ khi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và trở thành nhà nước dân chủ”.
Nhật báo Ba Lan: Hiện nay có sự so sánh phổ biến tình hình địa chính trị tại châu Á với thời kỳ ngự trị ở châu Âu trước năm 1914. Trung Quốc đang nắm vai trò của nước Đức, vừa xuất phát từ việc không hài lòng với trật tự thế giới, vừa muốn tìm cho mình một vị thế tốt hơn. Ông nghĩ sao?
Steven Mosher: Trung Quốc không phải là nước Đức tiếp nối. Nước Đức bấy giờ là tiềm lực của mức trung bình. Còn Trung Quốc là quốc gia khổng lồ, lớn tương tự Hoa Kỳ, với 1 tỷ 300 triệu dân. Không đơn giản là một tay chơi tiếp theo, mới xuất hiện trên sân khấu. Đây là một tiềm lực lớn nhất của lịch sử loài người. Sự so sánh kể trên chỉ đúng trong một mức độ nào đó. Đức quốc đã gây ra chiến tranh ở châu Âu và tham vọng của nó tập trung ở lục địa này. Trong khi đó của Trung Quốc mang tính toàn cầu. Cho nên vấn đề nghiêm trọng hơn điều mà châu Âu trải qua 100 trước đây.
Nhật báo Ba Lan: Nhà tân bảo thủ (neoconservative) Robert Kagan trong cuốn sách “Paradise and Power” viết rằng, đối với các nhà chính trị Hoa Kỳ thì trước ngày 11/09 vấn đề không phải là câu hỏi chúng ta có xung đột với Trung Quốc hay không, mà là bao giờ. Từ lúc bấy giờ đến nay có gì thay đổi không?
Steven Mosher: Cuộc chiến chống khủng bố đau thương nhưng trong thực tế không thật hẳn quan trọng. Quân khủng bố không có khả năng làm đảo lộn trật tự thế giới. Tham vọng từ phía Trung Quốc nghiêm trọng và huỷ diệt trật tự thế giới. Chúng ta bắt tay với Trung Quốc khi và chỉ khi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và trở thành nhà nước dân chủ. Chúng ta sẽ giữ trật tự hiện có trên thế giới, trật tự hoà bình của các quốc gia dân chủ.
Nếu như Trung Quốc là nhà nước độc đảng, độc tài thì không thể nào trở thành một phần của trật tự hiện nay mà lại không có những thay đổi nền tảng. Trung Quốc đang giành ưu thế trước các quốc gia không lớn trong khu vực, khuyến khích các chế độ độc tài. Các nền dân chủ nhỏ châu Á bị làm suy yếu bởi chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc không là bạn của dân chủ mà là kẻ thù của nó.
Nhật báo Ba Lan: Điểm chính yếu nào của sự đối kháng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc? Có lẽ không riêng vấn đề Đài Loan?
Steven Mosher: Không chỉ riêng như thế, sự can thiệp ngày nay của Trung Quốc tại Trung Đông rất rõ ràng. Nếu như chúng ta nhìn Iraq trước chiến tranh, hay Iran, Syria hôm nay, thì thấy ngay rằng, đồng minh gần gũi nhất bên kia đại dương của họ nằm ở Bắc Kinh. Trung Quốc hiện đang bán tên lửa cho Syria, công nghệ nguyên tử cho Iran. Nếu như Iran có bom nguyên tử, thì từ cùng một lý do mà Pakistan có – là nhờ Trung Quốc. Trung Quốc là một trong những nguyên nhân của sự hỗn loạn tại Trung Đông.
Tham vọng của Trung Quốc gây nên bất ổn định trật tự quốc tế. Thoạt nhìn bên ngoài thì có vẻ như Trung Quốc hợp tác, nhưng trong những khu vực khác nhau trên thế giới, Trung Quốc đưa đến hỗn loạn, đặc biệt là vùng Trung Đông.
Việc tiếp theo là vấn đề nhân quyền. Khi tôi nói đến Trung Quốc, người Trung Quốc, là ý tôi chỉ nói về nhà cầm quyền mà thôi. Tại Trung Quốc có rất nhiều người tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ, nhiều người bị tù đày tại những nơi mà họ bị tra tấn, thậm chí bị giết. Cách đây không lâu một chánh án Trung Quốc bị cảnh sát hành hạ. Khi gia đình nhìn thấy thì thân thể bị đánh đập kinh khủng. Được hỏi nạn nhân có bị tra tấn hay không, câu trả lời từ phía chính quyền là không và ông ta đột tử.
Các mối quan hệ thân mật – trước đây – với Saddam Hussein, Iran, Syria hay Bắc Hàn càng khuyến khích các chế độ này chống lại những giá trị dân chủ. Tôi không muốn chỉ nói về các giá trị của riêng Hoa Kỳ, mà là về những giá trị chung cho cả Hoa Kỳ và châu Âu: tôn trọng quyền tư hữu, tôn trọng luật pháp và bầu cử tự do. Những điều này Trung Quốc không hề có dưới mọi hình thức.
Nhật báo Ba Lan: Trung Quốc không phải là duy nhất ở châu Á. Những quốc gia khác trong khu vực như Ấn Độ hay Nhật Bản nhìn nhận thế nào về sự tăng tiềm lực của Trung Quốc? Hàn Quốc có chính sách như thế nào với Bắc Kinh? Việc thống nhất bán đảo Triều Tiên không phụ thuộc vào Bắc Kinh?
Steven Mosher: Nếu như không có Bắc Kinh thì Bắc Hàn đã sụp đổ từ lâu, còn bán đảo Triều Tiên đã được thống nhất và dân chủ. Chế độ Kim Jong Il tồn tại hoàn toàn từ giúp đỡ của Bắc Kinh. Nam Hàn giữ quan hệ với Trung Quốc cũng giống như các nước láng giềng khác, cố gắng không va chạm với Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong thâm tâm tất cả đều quan ngại tiềm lực tăng lên của Trung Quốc.
Điều này cũng với cả Nhật Bản. Nhật Bản hiện nay đang làm việc nỗ lực với Hoa Kỳ về chiến lược xây dựng hệ thống lá chắn chống tên lửa. Tại sao? Bởi vì người ta lo ngại số tên lửa tầm xa và trung bình của Trung Quốc tăng lên. Về mặt chính thức họ nói rằng đây là biện pháp ngăn ngừa Bắc Hàn. Nhưng Bắc Hàn thì hiện mới chỉ có vài cái. Thực tế là người Nhật muốn phòng vệ trước sự xâm lăng của Bắc Kinh. Nhật Bản hợp tác với Hoa Kỳ và cũng cam kết bảo vệ Đài Loan, bởi vì, sự thất thủ của Đài Loan đe doạ chính Nhật Bản.
Ấn Độ cũng không yên tâm chút nào trước sự gia tăng tiềm lực của Trung Quốc. Cần nhớ lại rằng, Ấn Độ đã có cuộc chiến tranh biên giới với Bắc Kinh 1960-1961, còn Trung Quốc đang chiếm đóng hàng chục ngàn cây số vuông lãnh thổ Ấn Độ. Người Ấn cảm thấy đang bị đặt mặt đối mặt trước những đồng minh của Trung Quốc: Pakistan và Myanmar (những nơi Trung Quốc có các cơ sở hải quân lớn).
Sẽ không một ai bất an trước tiềm lực kinh tế mạnh đang tăng lên của Trung Quốc, nếu như Trung Quốc là một quốc gia dân chủ. Vấn đề lại nằm ở chỗ Trung Quốc không phải dân chủ mà là độc tài, trong khi những chế độ độc tài luôn có khuynh hướng tiến hành chiến tranh.
Nhật báo Ba Lan: Nhà chính trị-xã hội cấp tiến Pháp Guy Sorman trong cuốn sách “Năm Con Gà” nói về Trung Quốc, đưa ra một luận đề rằng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là ảo. Theo Guy Sorman, những con số thống kê đưa ra bởi đảng cộng sản không đáng tin cậy.
Steven Mosher: Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không ảo. Thế nhưng rất mất cân đối. Cho nên đây không phải là sự tăng trưởng kinh tế bình thường, lành mạnh. Sự tăng tưởng tập trung chủ yếu ở hai khu vực. Thứ nhất, dựa trên xuất khẩu – tất cả chúng ta đều biết rằng, Trung Quốc là trung tâm sản xuất cho phần lớn các nước thế giới, kể cả Hoa Kỳ. Khu vực thứ nhì là mua hoặc ăn cắp các công nghệ để ứng dụng vào mục đích dân sự cũng như quân sự. Ở đây không nói đến vấn đề mua vũ khí của Nga mà là nói về sự phát triển sản xuất vũ khí tại ngay Trung Quốc. Lợi nhuận thu được từ xuất cảng chảy vào lĩnh vực quân sự và dùng để trợ cấp cho các công ty quốc doanh bị bội chi. Kinh tế khu vực quốc doanh đi xuống, trong khi xuất khẩu và khu vực quân sự phát triển.
Tại sao Trung Quốc không thực hiện phát triển nền kinh tế bền vững? Tại sao họ không tái cấu trúc các công ty quốc doanh đang trên đà phá sản? Tại sao Trung Quốc chi phí nhiều như thế cho quân sự và ngân sách quốc phòng tăng đều đặn? Nếu như Trung Quốc có thiên hướng nhắm tới hoà bình, thì lợi nhuận từ xuất khẩu sẽ được dành cho việc nâng cao mức sống của nhân dân. Nhưng điều này không xảy ra.
Nhật báo Ba Lan: Ông đánh giá sự hiểu biết về Trung Quốc tại phương Tây như thế nào?
Steven Mosher: Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, ví dụ như General Motors hay Boeing đã đầu tư nhiều tỷ đô la vào Trung Quốc vì cho rằng đây là thị trường của tương lai. Với cách này, các hãng trở thành con tin của chính quyền Trung Quốc và Trung Quốc tin rằng, các hãng này sẽ hỗ trợ Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Cho nên, một khi Pentagon chỉ trích Bắc Kinh hay CIA khuyến cáo sự xâm nhập gia tăng của các điệp viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ, các hãng lớn của Hoa Kỳ lại nói: Trung Quốc đang thay đổi, Trung Quốc đang phát triển kinh tế và không lâu sẽ trở thành quốc gia dân chủ. Chúng ta đừng lo ngại gì về Trung Quốc – sự biện minh của họ như vậy. Cũng như trên các giảng đường đại học: vô số các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc bị mua đứt. Họ là những nhà tham vấn về các vấn đề Trung Quốc, làm việc tại Trung Quốc theo lời mời của nhà nước Trung Quốc, do nhà nước tổ chức và được đãi ngộ những chuyến đi đặc biệt.
Ngoài ra, người Trung Quốc dễ mến. Những chuyên viên Hoa Kỳ về các vấn đề Liên Xô không thích chủ nghĩa cộng sản, còn rất nhiều chuyên gia Hoa Kỳ chỉ đơn giản là yêu thích đất nước này. Họ không tách biệt rõ ràng cảm tính của mình giữa văn hoá, lịch sử và sự đánh giá về chính sách của chính quyền Trung Quốc. Vô số các nhà quan sát Hoa Kỳ thực sự đang phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc chứ không phải của Hoa Kỳ.■
Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức
————————————
Chú thích: “Gazeta Wyborcza” là nhật báo tri thức có uy tín và lớn hàng đầu tại Ba Lan. Steven Mosher là nhà xã hội-chính trị học Hoa Kỳ, chuyên viên về lịch sử và chính sách Trung Quốc. Bài phỏng vấn được dịch tử nguyên bản tiếng Ba Lan do phóng viên Tomasz Pichór thực hiện với tựa đề “Chiny groźniejsze niż ben Laden” đăng trên“Gazeta Wyborcza” tại link: http://wyborcza.pl/1,86680,4327181.html. http://daohieu.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này