Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Từ kinh nghiệm chống chuột nghĩ về chống tham nhũng

Căn nhà gia đình tôi ở gần 20 năm nay hầu như lúc nào cũng có chuột; có thời kỳ nhung nhúc cả đàn. Chúng luôn rình rập sẵn sàng tấn công vào bất cứ thứ gì “gậm nhấm” được, không chỉ thức ăn mà cả quần áo, sách vở, đồ đạc…. Đêm đến chúng tha đủ thứ vào trong chiếc đàn piano để “ăn chơi nhảy múa” cùng nhau. Để đạt mục tiêu gậm nhấm lũ chuột thường lục lọi và phá hoại tất cả những gì trên đường di chuyễn, đồng thời làm mất vệ sinh và gây ra bệnh tật... Chúng thật nguy hại và đáng ghét!
Vì thế nghe ai mách bảo phương cách gì là tôi đều cố gắng thực miễn sao diệt trừ được lũ chuột quái ác. Mèo do ông trời sinh ra để "trị " chuột..., nhưng không hiểu sao bây giờ mẽo cũng sợ chuột, có khi còn bị chuột đánh trả làm đổ tung đồ đạc trong nhà...! Vậy nên chỉ còn cách dùng bẫy. Nào là bẫy sập, bẫy cài, bẫy gỗ, bẫy sắt, đến thuốc chuộc các loại và keo dính. Qua đó tôi nhận thấy các loại bẩy dường như đã bị lũ chuột tinh ranh “rút kinh nghiệm”, keo dính tuy đơn giản nhưng có lẽ hiệu quả hơn. Nhưng nói chung là, không thể tiêu diệt hết lũ chuột bằng bất cứ cách nào, vì chúng là một loài vật có sức sinh tồn rất mạnh lại rất tinh ranh. Biểu hiện rõ nhất là, những con nào đã từng một lần bị “chết hụt” sẽ trở nên rất tinh quái và hầu như không bao giờ bị mắc bẫy lần thứ hai. Trong nhà tôi từng có một con bị bẩy què chân nhưng sau đó chính nó là con sống lâu và phá hoại nhiều nhất. Đã thế, lũ chuột thường di chuyễn theo bầy đàn nên sức phá hại của chúng càng lớn. Theo quy luật tự nhiên, hầu hết các loài vật đều có mặt lợi mặt hại, nhưng riêng chuột là loài chỉ ăn tàn phá hại mà chẳng có ích lợi gì; chúng lại rất khó (nếu không nói là không thể) bị tiêu diệt!
Tuy nhiên, cho đến một ngày gần đây khi tôi tình cờ xem một chương trình động vật hoang dã trên tuyền hình. Chương trình đó nói về những loài vật vốn chỉ quen sống trong rừng hoặc vùng đất hoang, nhưng gàn đây lại di cư hàng đàn về sống chung với các gia đình người dân bên nước Úc. Chúng đặc biệt thích sống dưới tầng hầm, tầng trệch hoặc đơn giản là ngoài vườn. Chúng có thể là các loài rắn, chiêm, sóc, cangaru,… đến chó sói, gấu, và cả hổ, báo, v.v... Lý do đơn giản là vì chúng phát hiện ra rằng không đâu lại có sẵn nguồn thức ăn dồi dào cho chúng bằng cách "ở chung" với nhà dân. Theo quy luật sinh tồn chúng đã tự điều chỉnh môi trường sống. Ban đầu người dân có vé thích thú trước sự xuất hiện của chúng, nhưng ít bao lâu sau đã phát hoảng trước sự lan tràn về số lượng và sự “tự nhiên như người”. Người dân bắt đầu chịu không nỗi và phải tìm mọi cách đánh đuổi chúng đi mà không được. Nghe nói tình trạng tương tự cũng đang lan tràn ở các nước phát triển, nơi mà người dân vốn rất yêu động vật và cũng có nhiều đồ ăn thức uống thừa mứa.
Thật không ngờ đoan phim nói trên đã cho tôi một "ý tưởng" để phòng chống lũ chuột trong nhà. Tôi nghĩ, nguồn thức ăn là nguyên nhân chính, chứ không phải bản thân lũ chuột! Và tôi bắt đầu thử nghiệm bằng cách cất dấu thật kín mọi loại thức ăn, kể cả những đồ thừa bỏ đi, đồng thời chú ý tránh để rơi vãi bất cứ thứ gì “gặm nhấm” được trên bàn, trên sàn nhà hay trong chậu rữa…
Điều gì đến đã đến! Những ngày sau đó, cứ mối sáng dậy tôi thấy các vật che chắn đều hằn dấu vếtcắn phá của chuột. Các bao bì và giây buộc bị cắn nát, những chiếc nắp đậy được chèn kỹ cũng bị bật tung ra… Sau mỗi ngày tôi rút kinh nghiệm và cất dấu kỹ hơn, khiến lũ chuột dù đã cố hết sức phá phách nhưng không thể tiếp cận được nguồn thức ăn nào nữa. Chúng vẫn đến rồi đi trong quảng 1 tuân hay 10 ngày tiếp theo. Sau đó không hề thấy bóng dáng con chuột nào trong nhà nữa. Thì ra chúng không có gì để ăn nên không đến “thăm” nhà tôi nữa (mặc dù vẫn thấy chạy lúc nhúc ngoài vườn và bờ tường nhà hàng xóm). Cả nhà thực sự ngạc nhiên trước cái chiến công “không đánh mà thắng” như vậy! Tôi nghĩ nếu các nhà xung quanh đều làm như vây chắc chắn lũ chuột sẽ di chuyển đi vùng khác.

Trên đây chỉ là một kinh nghiệm nhỏ nhưng cụ thể và thiết thực mà tôi muốn kể lại để mọi người cùng áp dụng trong cuộc chiến chống nạn chuột trong gia đình. Nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ rằng kinh nghiệm chống chuột trong nhà tuy nhỏ nhoi nhưng có thể áp dụng trong công cuộc chống tham nhũng ở một cơ quan, một địa phương và một đất nước, đơn giản là vì, những kẻ tham nhũng cũng không khác gì lũ chuột; họ sẽ không bao giờ bị diệt hết và thậm chí còn phát triển đông hơn ở nơi nào có sẵn “nguồn thức ăn”- tức là tài sản công dưới mọi hình thức. Trong khi họ thực hành cái “tham” tất nhiên họ cũng gây “nhũng nhiễu” như lũ chuột. Do đó, cách chống thiết thực và hửu hiệu nhất là hãy ngăn chặn không cho họ tiếp cận “nguồn thức ăn”; nếu để họ “ăn” rồi mới xử tội thì không bao giờ cho xuể!. Nói cách khác biện pháp phòng chống quan trọng và có tính quyết định, chứ không phải đợi xảy ra mới xử lý. Trước các biện pháp phòng ngừa hửu hiệu, lúc đầu chắc chắn các thế lực tham nhũng sẽ lồng lộn lên, có thể phá phách để chống lai… Nhưng nhất định chúng sẽ phải thua cuộc như lũ chuột vậy. Nếu làm được như thế trên quy mô cả nước thì chắc chắn điều kỳ diệu sẽ đến với nước ta!
Vậy biện pháp phòng chống là gì và cần được tiến hành như thế nào? Đây trước hết là vấn đề của các cơ quan Nhà nước, kế đến là sự ủng hộ của người dân. Những biện pháp ngăn chặn trước tiên có lẽ là tăng cường các thể chế bảo vệ đồng thời thực hiện minh bạch hoá môi trường công sở. Đây là một lĩnh vực đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao từ phía Chính quyền và sự đồng thuận của toàn dân. Các biện pháp cần thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, ví dụ, tại các nước phát triển người ta đang thí đỉểm mô hình công sở với các khối nhà kính trong suốt mà trong đó các phòng ban là những “quầy” có vách ngăn lững bằng kính…, trông rất ấn tượng!
Bài đã được đăng trên Dân trí  http://dantri.com.vn/c202/s202-328738/phong-chong-tham-nhung-tu-kinh-nghiem-chong-chuot.htm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này