Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Quảng Bình, Quảng Trị giàu hay nghèo?

Đã từng qua lại vùng đất Quảng Bình-Quảng Trị có lẽ không dưới 50 lần, nhưng đây là lần đầu tiên mình ở lại đây trong một chuyến du lịch. Và chuyến đi đã làm thay đổi quan niệm của mình về vùng đất này: Xin lỗi những ai có liên quan, ý nghĩ đầu tiên đến với mình là nếu ai đó đến giờ vẫn bảo rằng đây là "hai tỉnh nghèo" thì người đó là kẻ bảo thủ hoặc quan liêu, nói theo kiểu dân gian là "có mắt mà như mù!", "ngồi trên mỏ vàng mà không biết".

Đúng là trong thời kỳ chiến tranh, vùng đất này thường được gắn thêm từ NHẤT vào các từ "nghèo", "gian khổ", "ác liệt"...Đúng là đã từng có một thời kỳ dài sau hòa bình, nếu đi qua đây bằng đường bộ chỉ thấy toàn cát trắng với lưa thưa những khóm cây phi lao xơ xác dưới cái nắng đổ lửa cùng những luồng gió cát bụi; khi nào may mắn có nước thì đồng thời cũng có mưa bão, lũ lụt hoặc sóng thần... Cái cảnh đó đã trở thành quá quen thuộc, và biệt danh "chó ăn đá gà ăn sỏi" có lẽ xuất phát từ đây.

Nhưng giờ đây cảnh đó đã không còn nữa. Nếu ai có dịp đi đường bộ bằng ô tô hoặc tàu hỏa sẽ nhìn thấy những đô thị mới xen giữa màu xanh của đồng ruộng, rừng cây và núi non rất đẹp mắt. Những con sông ở đây hình như cũng độc đáo hơn nơi khác với làn nước trong xanh và độ uốn lượn của chúng. Theo quy luật tự nhiên, chắc rằng những cánh rừng mới trồng đã, đang và sẽ làm thay đổi khí hậu và thổ nhưỡng của toàn bộ vùng đất này.

Không chỉ có vậy, đúng là "trời có mắt" đã ban cho vùng đất này những báu vật để bù lại những thiệt thòi của nó. Đó là chuỗi hang động tự nhiên tuyệt trần bậc nhất thế giới Phong Nha Kẽ Bàng, Động Thiên Đường và Hang Đòong và có thể còn những hang động chưa được khám phá. Vùng này cũng sở hữu những bãi biển cát trắng mịn màng nổi bật trên nền nước biển xanh biếc với địa hình quanh co uốn lượn tạo nên những cảnh quang tuyệt mĩ. 

Chưa hết, nếu chiến tranh là thảm họa và chết chóc một thời thì giờ đây cũng đem lại cho vùng đất này những lợi thế vô giá. Đó là những di tích như Sông bến Hải, Cầu Hiền Lương, Cửa Tùng, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc và hàng loạt những tên đất tên người đã đi vào huyền thoại khác. Khu lăng mộ của đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Áng là một địa danh mới nổi bật trong số đó. Tất cả tạo nên một chuỗi ngọc lấp lánh vô giá.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, nếu xét về vị trí địa lý, vùng đất này nằm án ngữ trên tuyến đường bộ Bắc -Nam có mặt tiền rộng dài hướng ra Biển Đông, phía Tây thông sang Lào và Thái Lan. Đây là một địa thế vô cùng lý tưởng để phát triển kinh tế, thương mại và du lịch trong môi trường toàn cầu hóa của thế giới thời hiện đại. Đúng vậy, có lẽ ở Việt Nam điều này chưa được thể hiện rõ, nhưng trên thế giới điều này đã quá rõ từ khi Thung lũng Silicon (Silicon Valley) hẻo lánh được kết nối với thế giới bên ngoài cách nay hơn 30 năm. 

Vẫn biết, những lợi thế tự chúng không thể thay chỗ và đẩy lùi những thất thế, bất lợi ...mà còn phụ thuộc vào yếu tố con người; và con người cũng chưa đủ mà cái chính là đường lối chính sách đúng. Nhưng dù sao, đến nay có thể nói hai tỉnh được gọi là vùng "cán xoong" nghèo khó nhất nước này đã hội đủ những điều kiện để thoát nghèo rồi đấy. Vấn đề còn lại là nếu chính quyền và người dân nơi đây chủ động tận dụng những lợi thế tiềm năng để thoát nghèo. 

Một số hình ảnh chụp được trong chuyến đi vừa qua 
            
Cầu Hiền Lương được phục chế như nguyên bản chỉ để phục vụ khách thăm, không để lưu thông
Biển Cửa Tùng 
Vịnh Mốc 

Một góc của Động Thiên Đường
     

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Cưỡng chế thế này sao không mất lòng tin?

Vào dịp này năm ngoái dư luận cả nước đổ dồn vào vụ cưỡng chế một công trình xây dựng trái phép tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Các nguồn tin chính thức lúc đó cho biết, đó là khu đất có ký hiệu  NO4-X với diện tích hơn 1.700m2 do Công ty CP Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng (INDECO) làm chủ đầu tư. Cùng thời gian này INDECO còn được UBND Thành phố Hà Nội cấp phép đối với hàng chục dự án xây nhà ở để bán tại một số khu đất kẹt khác thuộc Phường Dịch Vọng và việc này cũng đang bị nhân dân phản đối rất dữ dội. Các cơ quan chức năng cũng đã kết luận đây là trường hợp tham nhũng có tổ chức, được "bảo kê" từ dưới lên trên, và nhờ đó đã kéo dài trong nhiều năm bất chấp sự cảnh báo, phản đối và khiếu kiện từ công chúng. 

Khi đó dù biết rằng cuộc cưỡng chế là miễn cưỡng và chỉ nhằm xoa dịu sự bức xúc của người dân... nhưng dư luận công chúng vẫn hả hê khi thấy công trình được "xử lý".   

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Có gì mới trong chính sách ngoại giao Trung Quốc

Để biết có gì mới trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong thời gian tới, chí ít trong năm 2014, xin mời đọc tài liệu tham khảo đặc biệt của của TTXVN ngày 31/3/2014 dưới đây (bản gốc tại đây) (*). 

Thay cho lời bình luận dài, chủ blog Bách Việt xin tóm lược thành 5  ý (những dòng tô đỏ và gạch dưới là các điểm đáng lưu ý.

1) Bắc Kinh sử dụng chiêu bài "duy trì thành quả sau thế chiến II" để xác lập cho được tư thế bá quyền nước lớn trên quy mô toàn cầu bất chấp sự (chưa thích ứng) của cộng đồng quốc tế; 
2) Tiếp tục đề cao biện pháp dùng sức mạnh và không nhân nhượng trong trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, biển đảo với các nước láng giềng; 
3) Dùng chiến thuật tìm đối tượng "điểm phát lực" để tập trung giải quyết trước qua đó cảnh báo uy hiếp các đối tượng còn lại; 
4) Để ngỏ khả năng đối đầu quân sự với Nhật Bản đồng thời chuẩn bị cho thời kỳ hòa dịu  tiếp sau;     
5) Riêng về quan hệ Trung-Việt, ta thấy không hề có một chữ Việt nào được nhắc đến (trong khi Myanma được được nhắc lại nhiều lần). Điều này kết hợp với với 2 ý : "tuyệt đối không chấp nhận yêu cầu vô lý của các nước nhỏ" và  "hiệu ứng cảnh báo và uy hiếp . Từ đó có thể suy ra thái độ coi thường của Bắc Kinh đối với Việt Nam, thậm chí không coi Việt Nam như một đối tác cần tranh thủ (so với Myanma) mà chỉ là một trường hợp riêng tư muốn làm gì thì làm. Do đó Việt Nam không thể mơ hồ về bất cứ khả năng thỏa hiệp song phương (đi đêm) nào trong giải quyết tranh chấp biển đảo, trái lại rất dễ bị chọn để gây "hiệu ứng cảnh báo và uy hiếp" hoặc ngược lại./. 

Tìm kiếm Blog này