Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Chuyện bình thường của một xã hội không bình thường

Suốt tuần qua từng tóp công nhân xưng danh "công ty cấp nước" thay nhau đào bới vỉa hè cả tuyến phố Tô Hiêu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội  nói là "để chuyển đồng hồ nước từ trong nhà ra ngoài". Nghe đơn giản vậy, nhưng thực ra đó là cả một mưu đồ tính toán của một nhóm lợi ích. Sao lúc khác không làm, lại nhè lúc sắp Tết ? Dân đã quen với đồng hồ nước đặt bên trong nhà và đồng hồ mới lắp còn tốt sao phải thay thế?   Đã thế vừa thông báo xong là thực hiện liền khiến dân không kịp chuẩn ai cũng sợ bị cắt nước mất ăn Tết! Dân đùa: "Lại dự án đến hẹn giải ngân đây mà!" Năm nào họ đào bới vỉa hè vào dịp cuối năm khi thì lắp lại gạch, khi thì lắp đặt các loại cáp điện, ống nước ....  

Nhưng , điều tồi tệ hơn thế đã diễn ra khi mọi người nhận ra rằng cùng với việc mắc lại đồng hồ nước,  người ta đã cắt bỏ luôn toàn bộ hệ thống ống cấp nước cũ vốn có đủ áp lực mạnh chảy lên các tầng cao giúp tuyến phố này thoát cảnh "tự cung tự cấp" với những đường ống chằng chịt cùng bể ngầm, bể treo và máy bơm, thật là sướng! Những tưởng đó là niềm tự hào dù nhỏ nhoi của phố Tô Hiệu. Nhưng niềm tự hào đó đã không tồn tại được bao lâu! Giờ thì  xin mời quý ông, quý bà hãy dùng một đường nước bình thường chỉ đủ chảy vào tầng I thôi nhé! Các công đoạn còn lại xin mời quý vị "tùy nghi di tản"! 
Bằng động tác "độc quyền" bất ngờ này, phía công ty cấp nước đã "hô biến" mấy trăm hộ dân trở lại với thời kỳ  "tự cung tự cấp" của thế kỷ 20 khiến nhà nhà chỉ còn cách khẩn trương  mua sắm thiết bị , vật tư để xây lại bể chứa , lắp lại máy bơm.... Tất cả diễn ra như thể trên thế gian này không hề có chuyện Nhà cung cấp nước có nghĩa vụ phải cung cấp nước lên tầng cao cho phố phường!  

Có người thắc mắc : Lẽ nào công ty cấp nước không nhân ra sự lãng phí (của cả người dân và Nhà nước) qua việc cắt bỏ một hệ thống cấp nước đang yên lành như vậy ?  Lẽ nào họ không biết rằng hệ thống cấp nước hợp lý sẽ góp phần giảm thiểu thất thoát nước, tiết kiệm điện năng và các loại chi phí không cần thiết và cũng để đảm bảo mỹ quan đô thị ? Nếu biết thì tại sao họ hành động như những "con kiến leo cành đa" và hát mãi "bài ca xây-phá -xây" như thế? Sự thể đơn giản là , để đối lấy một món tiền nhỏ nhoi làm "quà Tết", họ sẵn sàng cho xóa sổ một hệ thống cấp nước đang vận hành tốt và coi đó như một "sáng kiến cải tiến". Nhưng thực ra đó là hành động phá hoại với đầy đủ những tội danh của nó. Trớ trêu thay, tại đất nước này, những hành động phá hoại như vậy lại được coi là thành tích góp phần nâng cao tỷ lệ tăng trưởng cao!
 
Biện pháp khác thường nói trên của cơ quan cấp nước tại Thủ đô chắc chắn không phải là một việc làm tự phát nhỏ lẻ (?) Nó cho thấy một tình trạng chung  đã ăn sâu bám rể trong toàn bộ hệ thống công quyền, đặc biệt các tổ chức kinh tế độc quyền nhà nước. Đối với họ, đó là một mánh lới kinh doanh được coi là bình thường nhằm đưa lại  những khoản "thu nhập thêm" để "động viên cán bộ công nhân viên hăng hái hoàn thành nhiệm vụ" .... Và tất cả đều được che đậy dưới những cái tên gọi là "dự án"....  Nhưng cái mất lớn hơn là ở sự xuống cấp về tư cách và đạo đức của toàn bộ đội ngũ công chức, đế một ngày kia họ không biết mình đang làm việc cho ai và vì ai. Đó là lúc sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước lâm nguy khi lòng tin của nhân dân không còn nữa./.
 

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

“Quyền Bính” – vấn đề muôn thuở trong lịch sử Việt Nam hiện đại

 

Thăng yên hạ mã bách thiên nan
Quốc thế như kim thực vị an
Nùng mạt, đạm trang, nhân tính cựu
Nguyên nhung bát thập bất tri nhàn
(Lên yên xuống ngựa khó muôn vàn
Thế nước hôm nay thực chửa an
Đậm, nhạt, mau, thưa người nếp cũ
Tám mươi lão tướng chẳng mong nhàn)
Tôi mở đầu vài cảm nghĩ về cuốn sách “Quyền Bính” (Tập 2 – Bên Thắng Cuộc, Huy Đức) bằng bài thơ của Tào Mạt: “Gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi bộ ứng khẩu làm ngay”. Năm 1991 ấy, tướng Giáp tròn 80 tuổi. Sau Đại hội VII ĐCSVN, ông Võ Nguyên Giáp – một đại công thần của chế độ, chính thức rời khỏi chính trường. Rồi những cuốn hồi ký nổi tiếng, rất có giá trị sử học của ông liên tiếp ra đời: Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng…Nhưng, trong những cuốn hồi ký ấy, ông chỉ nói rất ít về bản thân mình.
Thì đây, “Quyền Bính” có một chương riêng về tướng Giáp. Tác giả đã cho chúng ta biết một câu nói rợn người đầy kinh hãi của Lê Đức Thọ qua lời kể của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, con rể Lê Duẩn: “Có lần ông Thọ nói ông còn để cái đầu ông Giáp trên cổ là đã may lắm”. Than ôi! Một ông Đại tướng Tổng tư lệnh, người Anh Cả đầu tiên và duy nhất của quân đội, đã làm nên biết bao công tích, được thế giới ca ngợi, đã phạm “tội” gì mà Lê Đức Thọ dám đưa ra một lời kết án tai ác đến cỡ đó?
Trong Quân ủy Trung ương, ông Thọ chỉ là Phó Bí thư, cấp dưới của ông Giáp. Ông ta dĩ nhiên không phải là nhà quân sự chuyên nghiệp. Chiến lược, chiến thuật quân sự, điều quân đánh đông dẹp bắc là nhờ tài năng của các tướng lĩnh. Thế mà trong chiến dịch Quảng Trị (không chỉ chiến dịch Quảng Trị), “Lê Đức Thọ không hiểu bằng con đường nào, thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Kỳ quặc!”.
Lê Đức Thọ thường gọi ông Trần Bạch Đằng, một người cộng sản cấp tiến cực kỳ tài hoa, tiếng tăm lẫy lừng là “thằng trời đánh” – điều cay đắng là ông Đằng không bao giờ được vào Trung ương, dù có ông Lê Duẩn đỡ đầu. Chính Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng đã một phen hoảng hốt sau khi bố vợ mất, ông hỏi Đoàn Duy Thành, “Ba cháu mất rồi, liệu họ… có giết gia đình nhà cháu không?” (Làm người là khó – Đoàn Duy Thành). Quả thật, quyền bính – vấn đề muôn thuở trong lịch sử VN hiện đại.
Người làm chính trị, nắm quyền bính, điều quan trọng nhất là để lại tiếng thơm trong sử sách. Tôi xin lưu ý, một Giáo sư người Mỹ sau khi nghiên cứu về Mao Trạch Đông đã kết luận, cuộc đời ông ta làm được 31 việc nhưng có tới 20 việc liên quan đến việc hủy hoại tinh thần và đạo đức con người!
Quan sát sự vận hành quyền bính tại VN cho thấy, dường như không ít nhà lãnh đạo cao cấp ghen tỵ với tài năng và vinh quang của tướng Giáp, họ muốn hạ bệ uy tín cực lớn của ông trong đảng và dân chúng. Đến như ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, thay vì bác bỏ bản báo cáo sai sự thật của Nguyễn Đức Tâm về vụ Sáu Sứ, ông lại chỉ đạo điều tra hai ông Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Trà; thay vì minh oan cho ông Giáp và ông Trà sau khi biết kết quả điều tra, ông và Bộ Chính trị lại im lặng “đáng sợ”.
Có nhà nghiên cứu cho rằng, ông Võ Nguyên Giáp là điển hình của một tài năng không được phát huy hết trong một xã hội mà sự vận hành quyền lực tập trung vào tay một số người, lại thiếu công cụ để khống chế, kiểm soát quyền lực ấy. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tham nhũng tuyệt đối và quyền lực tuyệt đối cũng sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối.
Đúng như tác giả Huy Đức nhận xét, ông “mưu lược và quyết liệt không chỉ trong những cuộc chiến quy ước như Điện Biên Phủ, năm 1946, khi Hồ Chí Minh đi Pháp nhân Hội nghị Fontainebleau, ở Hà Nội, Tướng Giáp đã cùng với Trường Chinh thanh trừng đối lập gần như triệt để. Nhưng trước những đối thủ chính trị nhân danh Đảng, Tướng Giáp trở nên cam chịu và thụ động. Có lẽ lòng trung thành với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của ông”.
Thêm một điểm cần lưu ý, đó là ông Võ Nguyên Giáp đã xử lý mẫu thuẫn “địch – ta” khác hẳn việc xử lý mẫu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Xử lý mẫu thuẫn “địch – ta” là xử lý mâu thuẫn đối kháng, một mất một còn – chiến tranh là như thế. Song, xử lý mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thì phải khác. Ông Trần Bạch Đằng từng nói: “Đành rằng làm chính trị là phải thủ đoạn. Nhưng làm chính trị thì cũng phải có tình nghĩa, bạn bè chứ”. Chỉ có điều, đối thủ chính trị của các ông không nghĩ và làm như vậy.
Quyền bính (quyền hành) và quyền lực đều có điểm chung là quyền định đoạt mọi công việc và sức mạnh để đảm bảo thực hiện quyền ấy. Quyền lực đồng nghĩa với sức mạnh và như vậy, kẻ mạnh nắm quyền lực sẽ thống trị và chi phối kẻ yếu. “Quyền Bính” đã làm nổi bật tư duy và quyền lực của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp VN, của tập thể, của cả chế độ, trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, con người và tư tưởng; sự vận hành và chi phối của quyền lực, kết quả của việc thực thi quyền lực. Có thể nói, “Quyền Bính” đã cho chúng ta thấy sự vận hành quyền lực ảnh hưởng như thế nào đến tương lai đất nước và dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử VN hiện đại.
Anh Doan Tran, một người bạn thân của tôi ở Hoa Kỳ, rất am hiểu văn hóa và lịch sử VN – người đã gửi tặng tôi ấn bản điện tử “Quyền Bính” ngay sau khi phát hành, bằng một sự liên tưởng và tinh tế hiếm có, nhận xét: “Hãy lưu ý hình bìa cuốn sách với chiếc xe hơi Lada, dây điện, đèn tín hiệu giao thông rồi đọc chi tiết này trong cuốn sách để thấy sự thú vị:
“Khi nhậm chức, Nguyễn Văn Linh vẫn sử dụng một chiếc xe hơi hiệu Lada của Liên Xô đã cũ thay vì tiêu chuẩn của Tổng bí thư phải là “Volga đen” hoặc Toyota. Theo ông Bùi Văn Giao, trợ lý của Nguyễn Văn Linh: “Ông không biết rằng, để Lada có thể chở Tổng bí thư, Văn phòng phải gắn thêm máy lạnh. Vì tải thêm máy lạnh mà tuổi thọ của những chiếc Lada này bị giảm đi rất nhanh, cứ sau một hai năm là phá luôn giàn máy. Một lần ông Linh đi công tác về tỉnh, chiếc máy lạnh tự chế phát nổ. May mà khi đó, ông Linh đang ngồi trong phòng họp còn chiếc xe thì đậu ngoài sân”.
Phải chăng, đưa “cái lạnh” của tư bản vào “cái nóng” của xã hội chủ nghĩa, nó sẽ “trung hòa” và “bộ máy” sẽ vận hành tốt hơn? Không phải! Trên thực tế, làm như vậy “bộ máy” bị hỏng nhanh hơn và tệ hơn nữa – nó phát “nổ” rất nguy hiểm. Không thể “lắp ghép” một cách tùy tiện, bởi nó không thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, dù gắn cho nó cái “đầu” hay cái “đuôi” gì đi nữa (“đuôi” định hướng XHCN chăng – một gợi ý!). Tri thức nhân loại đã kết tinh hàng ngàn năm, sao người ta không tiến cùng văn minh thời đại, mà lại “sáng tạo” ra con đường đi mới chưa có tiền lệ trong lịch sử và than ôi, sự “sáng tạo” đó đã cho kết quả nhãn tiền rồi!
Cũng như “Giải Phóng”, “Quyền Bính” – dù khách quan đến đâu, chúng ta vẫn nhận thấy tác giả tiếp tục dành cho ông Võ Văn Kiệt nhiều thiện cảm. Anh Doan Tran cho rằng tác giả dường như “thần tượng hóa” ông Kiệt – tôi nghĩ nhận xét đó hơi quá. Dù sao, cách sử dụng quyền lực và việc nắm quyền bính của ông Kiệt được nhiều người ủng hộ, dù ông Tố Hữu bóng gió: “Sáu Dân muốn làm vua Saigon”.
Ông Võ Văn Kiệt có cách giải quyết mâu thuẫn về chính trị khá hay. Đã một lần ông nói với người lãnh đạo văn nghệ: “Ở Sài Gòn nếu đòi hỏi người xứng đáng theo tiêu chuẩn chính trị để đóng Hai Bà Trưng thì chỉ có Bà Định; đóng Lênin thì chỉ có Bác Tôn thôi. Các anh cứ mời các vị ấy đóng xem thử có ai đi coi không?”. Lại một lần khác, khi họp Bộ Chính trị để thông qua việc chọn BHP làm đối tác thăm dò dầu ở mỏ Đại Hùng, Nguyễn Hà Phan phản đối: “Đồng bào miền Nam chắc chắn không một ai đồng tình chọn Úc làm đối tác khai thác dầu khí vì bọn Úc đã từng đưa quân vào tàn sát đồng bào ta”. Ông Võ Văn Kiệt liền đứng dậy: “Nếu nói như Sáu Phan thì tôi đề nghị Bộ Chính trị nên chọn Lào đầu tư. Mỹ là kẻ thù mới đánh ta; Pháp đô hộ 80 năm; Nhật khiến cho 2 triệu người chết đói; Úc, Hàn theo Mỹ mang quân sang… Không có nước nào có công nghệ tốt lại không có dính líu vào một ‘tội ác’ nào đó”.
Đọc “Quyền Bính” và “Giải Phóng”, chúng ta nhận thấy có một điểm nổi bật nữa là tính tự trọng của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp thời ấy. Họ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Các ông Trường Chinh từ chức Tổng bí thư, Lê Văn Lương ra khỏi Bộ Chính trị, Hồ Viết Thắng bị kỷ luật do sai lầm của cải cách ruộng đất. Ông Linh cũng đã phải một lần ra khỏi Bộ Chính trị. Ông Kiệt xé rào, đổi mới. Ông Trần Phương quyết định từ chức sau vụ “giá – lương – tiền” cho dù ông không phải là người chịu trách nhiệm chính. Ông Lê Duẩn thấy rằng, sau vụ “giá – lương – tiền”, Tố Hữu không còn khả năng làm Tổng bí thư, dù đã được chọn vào hàng ngũ kế cận. Và thực tế, tại Đại hội VI, Tố Hữu thậm chí không được bầu vào Trung ương.
Phải thừa nhận, thời ấy đa số các nhà lãnh đạo cao cấp không được đào tạo bài bản, song họ rất có trình độ, chỉ bằng tự học. Còn gần đây và hiện nay thì sao? Không ít người gần như “mất trí” vì ham mê quyền bính: dấu bệnh để mong làm Chủ tịch nước, dấu bệnh để làm Thường trực Ban bí thư, sợ ra khỏi Bộ Chính trị thì chết không nhắm được mắt…Rồi một Tổng bí thư hai nhiệm kỳ mà Phó Ban Tổ chức Trung ương nhận xét trình độ chỉ tầm cỡ cán bộ cấp huyện, một Thủ tướng mà chỉ mới nghe tên thôi, người dân đã lắc đầu ngán ngẩm. Liệu đất nước có thể phát triển sánh vai với thế giới nếu vấn đề quyền bính được vận hành như thế?
Rốt cuộc, ai là người có quyền lực nhất? Nhà tương lai học người Mỹ, Alvin Toffler, trong tác phẩm Thăng trầm quyền lực, đã phân tích rất sâu sắc về quyền lực. Bạo lực, của cải và tri thức là ba đỉnh của một tam giác quyền lực. Bạo lực chủ yếu dùng để trừng phạt, làm người ta khiếp sợ nhưng là nguồn quyền lực ít linh hoạt nhất. Đọc Bên Thắng Cuộc (“Giải Phóng” và “Quyền Bính”), chúng ta đã rõ nhân vật nào, thời nào ưa sử dụng nguồn quyền lực bạo lực nhất.
Của cải được dùng vừa trừng phạt lại vừa ban thưởng và có thể được chuyển thành nhiều nguồn khác, là một công cụ quyền lực rất uyển chuyển. Đọc Bên Thắng Cuộc cũng như quan sát tình hình hiện nay, chúng ta đã rõ nhân vật nào, thời nào ưa sử dụng và sử dụng hết sức “thành công” nguồn quyền lực của cải nhất.
Tuy vậy, tri thức mới là nguồn quyền lực cơ bản và linh hoạt nhất, vì một người có tri thức có thể tránh được những thử thách đòi hỏi sử dụng bạo lực hay của cải và có thể thuyết phục được những người khác để hoàn tất những ý định mình mong ước. Tri thức tạo ra quyền lực có phẩm chất cao nhất. Đọc Bên Thắng Cuộc, chúng ta đã rõ nhân vật nào thường sử dụng nguồn quyền lực tri thức nhất. Nếu nhân vật ấy sử dụng nguồn quyền lực bạo lực, chắc chắn lịch sử VN hiện đại đã khác rồi.
Và một khi quyền lực được tạo ra từ quyền mưu hay từ những yếu tố khác thay vì tri thức thì quyền lực đó không thể bền vững, khiến cho những người nắm quyền lực kiểu đó trở nên đáng sợ – ngay cả với bạn bè, đồng chí, người thân của họ. Lịch sử hiện đại VN không thiếu thí dụ minh họa điều này.
“Quyền Bính” – vấn đề muôn thuở trong lịch sử VN hiện đại. Một xã hội chỉ có thể phát triển tốt khi “quyền bính” được cân bằng, không bị lũng đoạn hoặc tập trung vào trong tay một số người – cũng tức là phải tạo ra một tam giác đều quyền lực trong đó ba đỉnh của nó chính là bạo lực, của cải và tri thức.
Để kết thúc, tôi xin nhìn đôi nét tổng quát về Bên Thắng Cuộc. Điểm mạnh của “Quyền Bính” cũng như “Giải Phóng” là nhiều tư liệu, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, được thể hiện bởi một nhà báo lão luyện – công trình mang phong cách báo chí. Tuy nhiên, tác giả Bên Thắng Cuộc tái hiện một giai đoạn lịch sử VN hiện đại nhưng tư liệu gốc chiếm tỷ trọng không nhiều lắm, chỉ có một số bức điện, một số báo cáo, một số biên bản, một số nghị quyết, còn chủ yếu sử dụng các hồi ký và phỏng vấn nhân chứng. Đối với những người am hiểu, còn rất nhiều sự kiện lịch sử VN cực kỳ quan trọng, song có thể vì lẽ này, lẽ khác chưa được tác giả đề cập. Vì vậy, tính đầy đủ và chính xác của nó chắc rằng còn phải thảo luận nhiều. Các Phụ lục cuối mỗi tập sách không có gì đặc biệt, chưa tương xứng với nội dung phong phú và những vấn đề rất lớn mà bộ sách đặt ra. Và, tác giả chỉ nêu các sự kiện lịch sử nhưng không phân tích, không bình luận làm cho bộ sách thiếu hẳn tính “hàn lâm” – đó không hẳn là một phương pháp tốt nhất?
Dẫu sao, Bên Thắng Cuộc thực sự là một công trình rất đáng đọc, rất đáng tìm hiểu, rất đáng suy ngẫm, với tất cả ý nghĩa đầy đủ của nó. Đọc Bên Thắng Cuộc, chúng ta càng hiểu thêm nhận xét “có một lịch sử như nó diễn ra và một lịch sử như nhà sử học viết ra”. Thử hỏi, đến nay, đã có công trình nào phản ánh đầy đủ, trung thực và hấp dẫn lịch sử VN hiện đại do các nhà sử học VN “nổi tiếng” thể hiện? Cho nên, chúng ta không đòi hỏi tác giả Bên Thắng Cuộc, song chúng ta có quyền hy vọng…
Nguồn: BlogLe Mai
--------------

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Học gì từ văn hóa Nhật Bản


Người Việt gần đây, nhất là sau những vụ thiên tại và nhân tai liên tiếp giáng vào nước Nhật, càng nhận rõ hơn thế mạnh của văn hóa Nhật Bản. Càng đọc, càng tìm hiểu càng thấy sức mạnh của nước Nhật Bản thật sự bát nguồn từ văn hóa. Nhưng không ai có thể cuối đầu đúng kiểu hơn người Nhật, cũng không thể cứ mặc ki-mô-nô hoặc uống rượi sa-kê thì sẽ thành người Nhật..., đồng thời người Nhật cũng không bắt chước các nền van hóa khác, kể cả Mĩ hoặc Trung Hoa. Phải chăng điểm cốt lõi của nền văn hóa Nhật Bản chính là lòng chân thành, hay nói cách khác, không bao giờ có chỗ cho sự giả dối trong văn hóa? Và đó chính là bài học trước tiên mà người Việt, đặc biệt là doanh nhân nên học - Bách Việt

Cúi nhưng không thấp

Người Nhật có thói quen gập hơn nửa người cúi chào khách. Từ ông chủ tịch, tổng giám đốc của tập đoàn thực phẩm lớn như Acecook (Oaska) cho đến cô bé bán kem ở Lake Hill Farm (Jozankei) đều nhiệt thành ra tận xe, vẫy chào tạm biệt khách cho đến xe đi khuất hẳn.

Cái nghiêng mình quen thuộc khi người Nhật chào khách
 
Ở đất nước mặt trời mọc, hình ảnh nghiêng gập người cúi chào thể hiện cả một nền văn hóa Nhật Bản: Cúi nhưng không hạ mình . Sự nhún nhường chỉ làm tăng thêm sự nể trọng của người đối diện. 
Trên các chuyến bay của hãng hàng không Japan Airlines, nụ cười luôn nở trên môi các tiếp viên. . Họ sẵn sàng ngồi, chính xác là "quỳ xuống", giúp khách sửa tư thế của đôi chân tê mỏi.
Họ niềm nở, vui vẻ tiếp nhận yêu cầu của hành khách khó tính nhất. Không phải phẩm  chất  máy bay khiến hành khách hài lòng mà chính cách phục  vụ của tiếp viên khiến mọi người nghĩ tốt về người Nhật. Chỉ vài phút khởi hành trễ, toàn bộ nhân viên phục vụ mặt đất và tiếp viên, phi công dàn thành hàng ngang, cúi  rạp người xin lỗi khách.
Họ thật sự đã thành công khi để lại ấn tượng sâu sắc về một nước Nhật vô cùng hiếu khách và  nghệ thuật giao tiếp của họ tuyệt vời.

 
Trung thực
Ở Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao? Các tài xế sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ”.
Sự trung thực của người Nhật, in đậm nét ở những
 
"mini shop không người bán” tại Osaka. 
  Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Nhẹ nhàng và đơn giản.
Các con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka... cũng không nơi nào bạn phải gửi giỏ/túi xách.  Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào.  Người Nhật tự hào khẳng định động từ "ăn cắp vặt" gần như đã biến mất trong từ điển.
Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5 - 10% khi biết bạn là khách nước ngoài.
“No noise” - không ồn
Nguyên tắc không gây tiếng ồn được áp dụng triệt để tại Nhật. Tất cả hight ways đều phải xây dựng hàng rào cách âm, để nhà dân không bị ảnh hưởng bởi xe lưu thông trên đường. Osaka bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn 1 hòn đảo nhân tạo để làm phi trường  rộng hơn 500ha ngay trên biển. Lý do đơn giản chỉ vì “người dân không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay lên xuống”.
Phi trường  quốc tế Kansai được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo, cách xa khu dân cư
Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa quảng cáo, cũng không một cửa hàng nào được đặt máy phát ra tiếng. Tuyệt đối không được bật nhạc làm ồn sang cửa hàng bên cạnh. Muốn quảng cáo và thu hút thì cách duy nhất là thuê một nhân viên dùng loa tay, quảng cáo với từng khách.
Nhân bản
Vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên, không thu hoạch? Không ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn "để phần" 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.
 
Bình đẳng
Mọi đứa trẻ đều được dạy về sự bình đẳng.
Để không có tình trạng phân biệt giàu nghèo ngay từ nhỏ, mọi trẻ em đều được khuyến khích đi bộ đến trường. Nếu nhà xa thì xe đưa đón của trường là chọn lựa duy nhất. Các trường không chấp nhận cho phụ huynh đưa con đến lớp bằng  xe hơi.

Bình đẳng là điều đầu tiên các em học được ở trường
Việc mặc đồng phục vest đen từ người quét đường đến tất cả nhân viên, công chức cho thấy một nước Nhật không khoảng cách. Những ngày tuyết phủ trắng nước Nhật, từ trên cao nhìn xuống, những công dân Nhật như những chấm đen nhỏ di chuyển nhanh trên đường. Tất cả họ là một nước Nhật chung ý chí, chung tinh thần lao động.
Văn hóa xếp hàng thấm đẫm vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Không có bất cứ sự ưu tiên nào . Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày bạn thấy người xếp hàng ngay sau lưng mình chính là Thủ tướng.
Nội trợ là một nghề 
 Hàng tháng chính phủ tự trích lương của chồng đóng thuế cho vợ. Do đó, người phụ nữ ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn được hưởng các chế độ y như một người đi làm. Về già, vẫn hưởng đầy đủ lương hưu.
Độc đáo hơn nữa là nhiều công ty áp dụng chính sách, lương của chồng sẽ vào thẳng tài khoản của vợ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vì thế luôn được đề cao, tôn trọng.
***
Ở đất nước mặt trời mọc, mọi người  hiểu sâu sắc lý do khiến nước Nhật tan hoang sau chiến tranh thứ 2, bật dậy mạnh mẽ trở thành cường quốc khiến cả thế giới phải nghiêng mình.
Nguồn: Qua trao đổi e-mail với bạn bè 


Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Vì sao Nhật kết thân với Đông Nam Á?

 Không lâu sau khi nhậm chức, tân thủ tướng Nhật Bản Abe và ngoại trưởng của ông công du ngang dọc 6 nước Đông Nam Á trong các chuyến công du đầu tiên. Điều gì thúc đẩy Nhật Bản quan tâm đến khu vực này đến thế?

Có tới ba trong số bốn quốc gia mà ngoại trưởng mới của Nhật là Fumio Kishida chọn thăm đầu tiên thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á, gồm Philippines, Singapore và Brunei. Bản thân thủ tướng Shinzo Abe, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, dù không định trước và vì hoàn cảnh phải hoãn chuyến đi Mỹ, đã chọn Việt Nam, Thái Lan và Indonesia để dừng chân.
Mối quan tâm và vai trò của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á không phải là mới, và không chỉ vì mối bận tâm hiện nay về sự vươn lên của Trung Quốc. Trên thực tế, Nhật Bản từ lâu đã là một trong những đối tác đối thoại lâu đời nhất và quan trọng nhất của ASEAN. Mối quan hệ bắt đầu trở nên nồng ấm vào đầu năm 1977, khi Thủ tướng Takeo Fukuda ngay sau khi được bầu đã quyết định cải thiện hình ảnh của Tokyo trong khu vực, vốn bị sự chiếm đóng của Nhật Bản trong Thế chiến II làm phương hại. Kể từ đó, Nhật Bản đã đóng một vai trò nổi bật trong khu vực Đông Nam Á thông qua trợ giúp kinh tế, kinh doanh và văn hóa. Vai trò này vẫn được duy trì khi xuất hiện các nhân tố khác như Trung Quốc và các khó khăn kinh tế của Nhật.
Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe kể từ khi lên nhậm chức thủ tướng tháng trước.Ảnh: AFP
Thực tế là sự quy tụ của các sự kiện đang làm cho năm 2013 trở thành năm quan trọng cho nỗ lực củng cố quan hệ giữa Nhật Bản và các nước ở Đông Nam Á. Về hình thức, đây là năm kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Do đó, trong những tháng tới người ta có thể tiên liệu sẽ có nhiều trao đổi đoàn và các sự kiện hơn hàng năm giữa Tokyo và các nước Đông Nam Á, giống như những gì ASEAN và Ấn Độ đã làm năm 2012 để kỷ niệm 20 năm quan hệ giữa hai bên.
Điều quan trọng hơn là danh sách những mối quan tâm chung giữa Nhật Bản và Đông Nam Á giờ đây được cho là dài hơn trước rất nhiều. Về kinh tế, Nhật Bản đang tìm kiếm thị trường mới, trong lúc đang lún vào suy thoái kinh tế lần thứ 4 kể từ năm 2000 và quan hệ với Trung Quốc đang xấu đi. Trong khi đó ASEAN đang tìm kiếm đối tác để giúp xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN toàn diện vào năm 2015 thông qua việc cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng. Thí dụ, trong chuyến thăm của Abe đến Bangkok, Thủ tướng Yingluck Shinawatra của Thái Lan đã tái khẳng định mong muốn Nhật Bản can dự vào dự án xây dựng cảng Dawei mà Thái Lan đang cùng phát triển với Myanmar, một sáng kiến mà phía Nhật Bản cũng bày tỏ qua tâm.
Về lĩnh vực an ninh, cả Nhật Bản và nhiều nước ở Đông Nam Á hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, bên canh đó còn có một loạt các quan tâm sống còn về an ninh chung từ thảm họa thiên nhiên đến buôn bán ma túy và khủng bố. Việc Nhật Bản cung cấp 10 tầu tuần tra để tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines trước năm 2014 là một điểm trao đổi chính trong cuộc gặp giữa Kishida với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario. Quan hệ Nhật-Philippines là một quan hệ quan trọng vì Tokyo là một trong hai đối tác chiến lược duy nhất của Philippines và cả hai nước đều là đồng minh của Mỹ. Về mặt biểu tượng, Manila là nơi cựu thủ tướng Fukuda đưa ra tuyên bố nổi tiếng của ông vào tháng 8 năm 1977 về quan hệ ASEAN-Nhật Bản, và về sau đã được biết đến là Học thuyết Fukuda.
Một số lĩnh vực khác cũng có thể chứng kiến sự phát triển trong quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong năm 2013. An ninh năng lượng có thể sẽ được nhấn mạnh vì vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với việc thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN, và đồng thời là một ưu tiên cao đối với Brunei, nước sẽ giữ chức chủ tịch ASEAN năm nay. Tiến bộ có thể cũng sẽ đạt được trong lĩnh vực an ninh mạng vì cả hai bên đều dễ bị tổn thương trược các cuộc tấn công của tin tặc. Có thông tin hai bên đã bắt đầu các cuộc trao đổi về việc thiết lập một mạng lưới phòng thủ mạng chung.
Con đường cụ thể để tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á sẽ được hai bên thiết lập trong những tháng tới. Nhưng nhu cầu hợp tác, không chỉ vì Trung Quốc mà bao gồm một loạt các lĩnh vực, là rất rõ ràng. Mối quan hệ tăng tiến giữa ASEAN với Nhật Bản chắc chắn sẽ là một xu hướng rõ rệt của năm 2013.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) sau cuộc gặp người đồng cấp Philippines Albert del Rosario tại Manila hôm 10/1. Ảnh: AFP
Phạm Ngọc Uyển (theo The Diplomat

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Quyết liệt vì Hoàng Sa(*)

(*)Đây có lẽ là bài báo cho thấy một cử chỉ khác thường so với "bổn tính" của một tờ báo chính thống, tôi nghĩ vậy, không biết có đúng không (?). Nhưng tôi thật sự thích bài báo này của Thanh Niên, và do đó quyết đinh thay nó vào vị trí của một entry cùng chủ đề mà tôi đang định  đưa lên, vì tôi tin rằng bài bào của một tờ chính thống sẽ có tác dụng gấp nhiều lần bài của tôi với tư cách là một bloger. Tôi cũng muốn nhân đây bày tỏ lòng mong đợi sẽ thấy nhiều hơn những bài viết như thế từ các tờ báo chính thống của đất nước, và đó là nguồn lực mà đất nước đang thật sự cần từ Báo giới (Bách Việt) 

Ngày này cách đây đúng 39 năm, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Hành động phi pháp ấy đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của người Việt Nam và sự lên án mạnh mẽ của thế giới.

Ngày 25.11.2011, trong phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tới hai thời điểm Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: “Năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Chính quyền VNCH lúc đó đã phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này”. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ kiên trì đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.

Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ của một đất nước Việt Nam thống nhất đã nhắc chúng ta nhớ tới một ngày bi tráng của 39 năm về trước, khi đất nước còn chia đôi. Đó là ngày 19.1.1974, Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Các chiến hạm cùng quân nhân VNCH đã chiến đấu quyết liệt, nhưng cuối cùng với một lực lượng mạnh hơn, Trung Quốc đã chiếm được cụm phía tây của quần đảo Hoàng Sa, sau khi đã chiếm cụm phía đông hồi thập niên 1950, qua đó chiếm đóng phi pháp toàn bộ quần đảo này từ đó đến nay.

Xâm lăng

Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra trong khoảng 30 phút vào ngày 19.1.1974, nhưng trước đó nhiều ngày, Trung Quốc đã bắt đầu những chuyển động cho hành trình xâm lược của mình. Ngày 10.1, tàu Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trong khu vực cụm tây quần đảo Hoàng Sa. Sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao nước này phát đi từ Bắc Kinh tuyên bố rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc và VNCH đang chiếm đóng phi pháp. Ngay lập tức, Tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã bác bỏ luận điệu ngang ngược này và lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Quốc.

Lúc bấy giờ, về mặt quân sự, phía Việt Nam chỉ có một trung đội địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang trú đóng trên đảo Hoàng Sa. Để tăng cường sức mạnh bảo vệ biển đảo, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải vào ngày 15.1 đã ra lệnh cho tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), do trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng, trực chỉ Hoàng Sa. Tiếp theo, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) do trung tá Vũ Hữu San chỉ huy đang tuần tra vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi cũng được lệnh tức tốc tới bảo vệ Hoàng Sa. Sau đó, do diễn biến phức tạp, tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) cũng đã được điều động. HQ-5 là soái hạm, với hạm trưởng là trung tá Phạm Trọng Quỳnh; còn HQ-10 do thiếu tá - Hạm trưởng Ngụy Văn Thà chỉ huy. Ban Chỉ huy công tác trên biển của chiến dịch bảo vệ Hoàng Sa được đặt trên tàu HQ-5, với đại tá Hà Văn Ngạc thừa lệnh Tư lệnh HQ Vùng 1 Duyên hải làm chỉ huy trưởng.

Trong thời gian này, phía Trung Quốc đã cho tàu cá chở quân lính giả dạng ngư dân tiến chiếm một số đảo. Công điện 50.356 của Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải gửi HQ-4, HQ-5 và HQ-16 cho biết: “Trung Cộng đã bất thần tiến chiếm các đảo Robert (Cam Tuyền - NV), Duncan (Quang Hòa), Drummond (Duy Mộng) và Money (Vĩnh Lạc) thuộc quần đảo Hoàng Sa kể từ ngày 10.1.1974. Hiện có 2 tàu loại 100 tấn neo đậu tại đảo Robert... Trên đảo Duncan có 1 chòi quan sát... Tại đảo Money có 1 hầm còn mới...”. Công điện còn cho biết phi cơ của Sư đoàn 1 Không quân đang trực ở sân bay Đà Nẵng. Nhiệm vụ được giao cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa là trước hết sử dụng đường lối ôn hòa, yêu cầu kẻ địch rút khỏi lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp địch khai hỏa thì “tập trung khả năng để tiêu diệt địch”, lệnh từ văn phòng chỉ huy ở Đà Nẵng truyền ra cho HQ-5 nêu rõ.

Lúc bấy giờ, lực lượng chiến đấu của phía Trung Quốc có 11 tàu, trong đó có 2 tàu chống ngầm Krondstadt, 2 tàu quét lôi, vài tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một số tàu chở quân. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có một đội quân dự phòng ở Hải Nam, trong đó có nhiều tàu tên lửa Komar và Osa.

Bản đồ Hải chiến Hoàng Sa 1974. Các chiến hạm VNCH (ảnh nhỏ) - Đồ họa: Hồng Sơn

Nổ súng

Sáng sớm 19.1, một toán Biệt hải từ HQ-4 và một đội Hải kích từ HQ-5 chia làm hai mũi dùng bè cao su đổ bộ lên tái chiếm đảo Quang Hòa. Một cuộc đọ súng xảy ra giữa quân VNCH và quân Trung Quốc đã chiếm đảo này từ trước cùng với số mới đổ bộ từ các chiến hạm gần đấy. Cuộc giao tranh này khiến 2 quân nhân VNCH tử thương và sau đó, do quân số ít hơn rất nhiều, hai toán đổ bộ của VNCH đã phải rời đảo, trở lại tàu.

Lúc này, các tàu chiến trên biển đã di chuyển theo đội hình chiến thuật, bộ chỉ huy trên soái hạm HQ-5 chỉ định mục tiêu cho từng chiến hạm thành viên để tiêu diệt. Theo đó, HQ-5 đối đầu tàu Krondstadt 274; HQ-4 đối đầu Krondstadt 271; HQ-10 đối đầu trục lôi hạm 396; HQ-16 đối đầu trục lôi hạm 389. Lúc 10 giờ 22 sáng 19.1.1974, lệnh tác xạ đồng loạt vào các chiến hạm Trung Quốc được ban hành từ HQ-5. Thông tin công khai trước đây cho rằng tàu Trung Quốc đã nổ súng trước. Tuy nhiên, mới đây, nguyên Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San xác nhận rằng, lúc bấy giờ, tàu chiến của VNCH đã “chủ động khai hỏa”. Ngay trong những phút đầu, một chiếc Krondstadt đã bị trúng đạn bốc cháy. Sau đó, chiếc Krondstadt thứ hai cũng hư hại và phải ủi vào rạn san hô gần đó để khỏi chìm. Phía VNCH cũng chịu tổn thất khi HQ-4 và HQ-5 đều trúng đạn nhưng vẫn còn chiến đấu được; HQ-16 bị hư hại nặng hơn và phải dần rút khỏi vòng chiến. Riêng HQ-10, là tàu nhỏ nhất, bị bắn chìm và Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận.

Đến gần 11 giờ, có tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang tăng viện với các tàu tên lửa Komar xuất hiện từ phía xa. Nhận thấy tình thế bất lợi, chỉ huy trưởng Hà Văn Ngạc đã ra lệnh cho toàn bộ lực lượng rời vùng giao tranh. Trong cuộc chiến này, theo con số thống kê chưa đầy đủ, 53 quân nhân VNCH đã bỏ mình vì nước; một số quân nhân và nhân viên khí tượng bị bắt làm tù binh và đã được trao trả sau đó. Phía Trung Quốc có 4 tàu bị bắn hỏng và 18 binh sĩ chết.

Sau trận chiến ngắn ngủi nhưng ác liệt, Trung Quốc đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dù thế, trận hải chiến 1974 một lần nữa khẳng định ý chí bất khuất của người Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền. Trước một kẻ thù mạnh hơn và trong một tình hình chính trị chung có nhiều diễn biến bất lợi, các quân nhân đã kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lăng. Cuộc chiến đó cũng một lần nữa làm nổi rõ tính phi nghĩa của Trung Quốc tại Hoàng Sa và trên toàn biển Đông về sau, như tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH số 015/BNG sau trận hải chiến 1974 đã vạch rõ: “Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ VNCH”. Hành động dùng vũ lực để chiếm lãnh thổ của nước khác đi ngược lại với Hiến chương LHQ, và vì thế, dù cho đã chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa gần 40 năm qua, Trung Quốc mãi mãi vẫn không có được một tư cách hợp pháp đối với vùng lãnh thổ này. 

---

* Tư liệu cho bài viết này được lấy từ Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa (Vũ Hữu San, Trần Đỗ Cẩm), qua trao đổi với ông Vũ Hữu San và một số cựu quân nhân tham gia trận hải chiến cũng như tham khảo nhiều tài liệu khác.

Theo Đỗ Hùng (Thanh Niên)

Những cái "nhất thế giới" của Việt nam

Nhân dịp năm hết Tết đến, ổn cổ truy tân, xin đưa lại thông tin về những thành tích "nhất thế giới" của Việt Nam đã được phát hành rộng rãi trên các báo chính thức như Giáo Dục Việt Nam, Vietnam.net,v.v... hồi tháng 4 năm 2012 để mội người tiện đối chiến với tình hình hiện nay và năm  2013. Được biết nhiêu người Việt Nam bất ngờ trước những thông tin này, nhưng cuối cùng đều thấy là có thật.  
Đó là tỷ lệ nạo phá thai cao nhất, giá sữa, giá đất, giá thuốc cao nhất... và những thứ khác cụ thể dưới đây

Giá bất động sản Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Giá nhà đất tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hàng năm của người lao động. Đồng thời, giá nhà ở Việt Nam lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với nước chậm phát triển.
Giá cho thuê văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM vào hàng đắt đỏ nhất thế giới. TP.HCM đứng ở vị trí 27 (417 euro/m2/năm) và Hà Nội ở vị trí 32 (371 euro/m2/năm). Ở Đông Nam Á, Hà Nội và TP.HCM chỉ đắt đỏ sau Singapore (thứ 6).
Lãi suất Việt Nam “khủng” nhất thế giới. Kể từ năm 2011 và quý 1/2012, lãi suất cho vay thông thường tại Việt Nam lên tới hơn 20%/năm, cao hơn gấp từ 3 - 4 lần so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Việt Nam được xếp vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới. Tuy nhiên đây mới chỉ là bề nổi. Hiện Việt Nam vừa mới vượt qua mức thu nhập thấp để lên mức trung bình. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo sức mua bằng 3/4 của Philippines, hay Indonesia, khoảng 1/3 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia năm.
Tỷ lệ trẻ em chết đuối ở Việt Nam cao nhất khu vực Đông Nam Á. Cứ mỗi ngày lại có 10 trẻ em tử vong vì chết đuối, độ tuổi từ 7- 15.
Việt Nam là quốc gia có tổng số phương tiện trên đầu người cao nhất thế giới, đặc biệt là xe máy. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, tai nạn giao thông ở Việt Nam được coi là cao nhất thế giới. Mỗi ngày trung bình có 31 người chết vì tai nạn.
Việt Nam là 1 trong 2 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới nhưng gạo Việt Nam lại rẻ nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, theo thứ tự là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ và Pakistan.
Cũng với sự giúp đỡ của Google Trends có thể thấy người Việt đam mê công nghệ nhất thế giới. Thử với từ khóa "3G", Việt Nam lại đứng đầu danh sách những nước tìm kiếm từ khóa này. Thử với từ khóa "Iphon" (vì người Việt viết sai tiếng Anh) thì Việt Nam đứng số 1, còn với từ khóa đúng là iPhone thì Việt Nam đứng thứ 3.
Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về nạn gian lận click chuột trong quảng cáo (Click Fraud), lượng click gian lận chiếm tới 48.3% trong tổng lượng nhấp chuột, theo khảo sát năm 2009. Con số này bỏ xa Canada với 27.7%, Hoa Kỳ thứ ba với 25.6%. Các công ty dùng dịch vụ quảng cáo mạng phải trả tiền quảng cáo theo số lượng các cú click chuột, gian lận này khiến họ phải chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Giá xe hơi ở Việt Nam đang đắt nhất thế giới, gấp hơn 2 lần so với các nước phát triển và khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực. Để sở hữu chiếc Honda Civic 1.8, khách hàng Hà Nội phải bỏ ra trên 925 triệu đồng, đắt gấp 2 lần chi phí của người dân New York, Mỹ.
Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới: giá bán lẻ trung bình là 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc là 1,1 USD, Ấn Độ: 0,5 USD, các nước Âu - Mỹ từ 0,5-0,9 USD/lít. Hiện giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan.
Giá thuốc Tây tại Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới. Theo khảo sát năm 2010 của Tổ chức Y tế thế giới với 7 nhóm thuốc thông dụng (trong đó có kháng sinh) cho thấy, giá thuốc tại Việt Nam cao gấp từ 5 đến 40 lần so với thế giới.
Việt Nam là nơi có giá thuốc lá rẻ nhất thế giới cũng là nơi có thể mua thuốc lá dễ nhất thế giới. Hiện giá bán tối thiểu đối với mỗi bao thuốc lá điếu bao cứng là 4.050 đồng và bao mềm là 3.450 đồng. Tỷ lệ nam giới hút thuốc ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới với 47,8%. Việt Nam có hơn 40.000 người tử vong mỗi năm do thuốc lá.
Việt Nam đứng top 10 không khí bẩn nhất thế giới. Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng, chỉ xếp trên 9 nước khác. Về tổng thể môi trường, Việt Nam đứng vị trí 79. Yếu tố thứ ba, chất lượng nước ảnh hưởng đến sức khỏe, Việt Nam được xếp hạng 80. Lượng khói bụi và mức độ ô nhiễm tại Hà Nội gấp nhiều lần cho phép./.

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Trung Quốc: báo chí nói nhiều về chiến tranh


Một đội trực thăng của PLA -Ảnh Xinhua
Theo Báo Tuổi trẻ ngày 19/1/1013-Báo Bình Quả của Hong Kong ngày 17-1 ghi nhận tần suất xuất hiện khác thường của từ “chiến tranh” kèm theo những lời kêu gọi, khiến dư luận cảm thấy chiến tranh dường như đang đến rất gần!
Thật ra từ tháng 4-2012 đến nay, truyền thông Trung Quốc nhiều lần đăng tải những lời kêu gọi chiến tranh của giới chức cấp cao và những bài báo kêu gọi quân đội sẵn sàng cho chiến tranh như một cách công khai quan điểm “cứng rắn” và hiếu chiến của Bắc Kinh, nhất là từ khi tranh chấp trên biển Đông giữa Trung Quốc với Philippines và trên biển Hoa Đông với Nhật Bản leo thang.
Truyền thông lớn vào cuộc
Nếu như trước đây Thời Báo Hoàn Cầu là tờ báo thường đề cập hai từ “chiến tranh” khi tranh chấp với các nước trong khu vực ngày càng leo thang thì hiện nay nhiều cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc như Đài truyền hình CCTV, Tân Hoa xã và hàng loạt tờ báo lớn khác cũng tham gia.
Đầu tiên là báo Giải Phóng Quân ngày 14-1 đăng tải trên trang 1 “Chỉ thị huấn luyện 2013” yêu cầu toàn quân “tăng cường tư tưởng chiến tranh, tăng cường ý thức tai họa, ý thức nguy cơ, ý thức sứ mệnh, nâng cao năng lực chiến đấu và chuẩn bị các tình huống chiến tranh...”. Trong bài viết không hơn 1.000 từ này, từ “chiến tranh” được lặp lại hơn 10 lần.
Chỉ một ngày sau, Thời Báo Hoàn Cầu đăng xã luận “Sau gần 30 năm hòa bình, chúng ta cần nhìn nhận chiến tranh như thế nào?”, trong đó cho rằng dù chiến tranh đã lùi xa 30 năm, song cũng cần phải để xã hội hiện nay suy nghĩ lại việc nên nhìn nhận như thế nào về chiến tranh.
Sau đó ngày 18-1, Đài truyền hình trung ương CCTV đăng tải thông tin chi tiết về quy mô và hoạt động của tất cả bảy quân khu lớn thuộc quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), trong đó kèm bản đồ chi tiết vị trí cũng như quân số của từng quân khu. Thông tin này xuất hiện đúng vào thời điểm hàng loạt hoạt động quân sự khác đang diễn ra khắp nước. Những tiết lộ này như Nhật Báo Quang Minh mô tả là để “dân thấu hiểu, gần gũi và ủng hộ mạnh mẽ hơn các hoạt động quân sự của PLA”, trong đó có cả việc sẵn sàng cho những cuộc chiến tranh.
Bình luận về xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu, báo Bình Quả nhận xét ngôn từ bài viết không mang câu từ “đằng đằng sát khí” và không thể hiện thái độ mạnh mẽ hay “chói tai chướng mắt” so với bài viết trên báo Quân Giải Phóng, nhưng không nên đánh giá thấp bài xã luận không mang đậm mùi thuốc súng này. Bởi chủ đề bài xã luận đưa ra cho người đọc suy nghĩ chính là vấn đề chiến tranh, thực chất là chuẩn bị dư luận và tâm lý cho xã hội trước một cuộc chiến có thể xảy ra. Điều này rõ ràng đi ngược với giai điệu chủ đạo trong đối ngoại của Trung Quốc kể từ khi cải cách mở cửa đến nay là trỗi dậy hòa bình và Trung Quốc không đe dọa bất cứ quốc gia nào. Điều này cũng hoàn toàn khác và xoay chuyển 180 độ so với chiến lược “giấu mình” của Đặng Tiểu Bình.
Những lời lẽ “đao to búa lớn”
Báo Bình Quả đặt câu hỏi: Liệu đây là phản ứng của Trung Quốc khi đối mặt với thách thức bên ngoài hay những người lãnh đạo đưa ra sách lược mới nhằm giải quyết khó khăn hiện thời? Nhưng việc thông tin “chiến tranh” như vậy chắc chắn là một tín hiệu quan trọng, một thông tin không tốt lành. Báo này kết luận: vấn đề là Trung Quốc hô hào chiến tranh như vậy, nhưng liệu Trung Quốc có thật sự muốn chiến tranh hay không?
Reuters dẫn lời ông Andrei Chang, tổng biên tập Kanwa Defence Review, nhận định tuyên bố của PLA năm 2013 mạnh mẽ hơn trước đây. Song một số chuyên gia cho rằng đây chỉ là những lời lẽ “đao to búa lớn” của giới quân sự Trung Quốc nhằm mục đích tuyên truyền quan điểm lãnh đạo mới của nước này.
Phó giáo sư James Holmes, thuộc Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ, nhận định Bắc Kinh sẽ chỉ dám duy trì những cuộc tấn công nhỏ và thực hiện một cách mờ ám nhất có thể. Lực lượng quân sự hùng hổ mà Trung Quốc phô trương hiện nay chỉ “nhát ma” đối thủ.
PV. Mỹ Loan
--------------

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Chuyên gia Đài Loan: "TQ sẽ hiếu chiến hơn trong tranh chấp lãnh thổ"

 
Trong số nhiều tin tức đang nỗi lên về tinh hình tăng cường lực lượng hải giám, hải quân quân đồng thời với "chiến tranh bản đồ" của Trung Quốc tại Biển Đông, nhận định dưới  đây của một chuyên gia Đài Loan là rất đáng tham khảo (Bách Việt). 
GDVN.Thứ hai 14/01/2013 07:06 -
Tàu khu trục Nam Kinh của Hạm đội Nam Hải đã nghỉ hưu ngày 26/9/2012 và đã gia nhập đội tàu Hải giám Trung Quốc.
Ngày 3/1, tạp chí “Nhà ngoại giao” Nhật Bản đăng bài viết của Khấu Mật Tương, nhà nghiên cứu vấn đề Trung Quốc, phó trưởng ban trang tiếng Anh tờ “Thời báo Đài Bắc”.
Bài viết cho rằng, Trung Quốc đã và đang không ngừng tăng cường áp đặt chủ trương, lập trường của họ ở các khu vực tranh chấp trên biển. Hơn nữa, gần đây các nguồn tin cho biết, Cục Hải giám Trung Quốc đã tiếp nhận 11 tàu chiến nghỉ hưu từ Hải quân Trung Quốc.
Một số nhà quan sát chỉ ra, động thái tiếp nhận tàu chiến mới của những cơ quan dân sự (trực thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc) này đã gây lo ngại cho dư luận. Hơn nữa còn có dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh đang mất đi sự nhẫn nại, sẵn sàng nâng các cuộc tranh chấp lãnh thổ lên cấp độ mới, có thể là hiếu chiến hơn.
Bài viết cho rằng, những tàu chiến nghỉ hưu này đã được cải tạo, tân trang, sau đó bàn giao cho Cục hải giám Trung Quốc, gồm có 2 tàu khu trục tên lửa lớp Lữ Đại Type 051 (tàu Nam Ninh và tàu Nam Kinh), cùng với tàu chấp pháp, tàu kéo và tàu phá băng.
Tàu khu trục tên lửa Nam Kinh, Type 051, số hiệu 162, đã nghỉ hưu và đã biên chế cho Hải giám Trung Quốc
Bài viết cho biết, 2 tàu khu trục lớp 3.250 tấn có tốc độ cao nhất đạt 32 hải lý/giờ, sẽ “tuần tra” ở biển Hoa Đông và biển Đông. Trước khi nghỉ hưu, 2 chiếc tàu chiến đã phục vụ hơn 30 năm này đã được lắp đặt hạm pháo 130 mm có tầm phóng 29 km, cùng với tên lửa chống hạm.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng và Cục Hải giám Trung Quốc còn chưa có bình luận gì về việc bàn giao những tàu chiến nghỉ hưu vừa qua.
Tuy nhiên, Úc Chí Vinh, nhà nghiên cứu Trung tâm phát triển biển Trung Quốc trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, khả năng đảm đương các nhiệm vụ của Cục Hải giám Trung Quốc đã được cải thiện.
Bài viết tuyên truyền cho rằng, từ năm 2000 đến nay, tổng cộng có 13 tàu chiến đã gia nhập vào đội tàu của Cục Hải giám Trung Quốc. Việc biên chế những tàu chiến này chủ yếu là để “đáp trả” lại việc Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản trang bị những tàu chiến tương đối lớn.

Tàu Hải giám 75 Trung Quốc xuống tận vùng biển bãi đá ngầm Tăng Mẫu để tiến hành cái gọi là "tuần tra bảo vệ chủ quyền".

Trung Quốc thực sự có tham vọng hiện thực hóa "đường lưỡi bò" - cái ranh giới bất chấp thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển Đông, có nghĩa là bất chấp luật pháp quốc tế.
Trong “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12”, đến năm 2015, Hải giám Trung Quốc sẽ còn bổ sung thêm 36 tàu hải giám cỡ lớn và trung bình gồm các lớp 600 tấn, 1.000 tấn và 1.500 tấn.
Hơn nữa, những năm gần đây, Trung tâm chỉ huy ngư chính Trung Quốc cũng liên tục được bổ sung thêm các tàu chiến nghỉ hưu. Đội tàu của tổ chức này chủ yếu hoạt động (trái phép) ở vùng biển lân cận quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam) và quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát.
Cũng giống như Nhật Bản, hiện nay Trung Quốc cũng “không điều tàu chiến của lực lượng hải quân đến các khu vực tranh chấp” để tránh mang tiếng dùng sức mạnh hải quân để leo thang xung đột (nhưng lại đang khoác áo “dân sự” cho các tàu chiến, biên chế cho Hải giám, Ngư chính, Cảnh sát biển...).
Một số nhà quan sát chỉ ra, những tổ chức dân sự trực thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc tiếp nhận tàu chiến mới là một động thái đáng quan ngại chưa từng có, hơn nữa có dấu hiệu còn cho thấy, Bắc Kinh đang mất đi kiên nhẫn, sẵn sàng đưa các cuộc tranh chấp lãnh thổ lên cấp độ mới, có lẽ là hiếu chiến hơn.
Các lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc như Ngư chính, Hải giám, Cảnh sát biển gần đây liên tiếp được biên chế tàu cỡ lớn, nhất là tiếp nhận các tàu chiến cũ của Hải quân nước này. Trong hình là tàu Ngư chính 206 có lượng giãn nước tới 5.800 tấn, vốn là tàu chiến cũ.
Bài viết cho rằng, ngày 29/12/2012, khi trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc, Thiếu tướng La Viện, Phó Tổng thư ký Hội nghiên cứu khoa học quân sự, Viện khoa học quân sự Trung Quốc đã có những lời lẽ răn đe rằng, Trung Quốc “tự kiềm chế” có thể sẽ không tiếp tục kéo dài hơn.
Với lối nói “mẹ hát con khen hay”, La Viện tự cho rằng, trước năm 2012, trong tranh chấp trên biển, Trung Quốc áp dụng chính sách “tự kiềm chế, gác lại tranh chấp, xử lý tranh chấp bằng phương thức hòa bình”.
Tiếp theo, ông tướng La Viện lại “gắp lửa bỏ tay người”, chỉ trích rằng, các nước liên quan tranh chấp đã hoàn toàn không “gác lại tranh chấp”, ngược lại đã áp dụng các hành động “chống Trung Quốc” đơn phương và các hành vi “khiêu khích” để thúc đẩy tranh chấp.
La Viện dự đoán, bắt đầu từ năm 2012, tất cả các nước có liên quan đều đã bước vào một thời kỳ có rủi ro cao và cạnh tranh quyết liệt.
Theo bài viết, gần đây, Trung Quốc ngày càng mạnh bạo và liên tiếp xâm phạm vùng biển đảo Senkaku cả trên biển và trên không. Cuối tháng 12/2012, Trung Quốc còn tuyên bố, có kế hoạch chi 1,6 tỷ USD cho xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở ở một phần các hòn đảo trên biển Đông (bất hợp pháp), tạo một cơ sở cho cái gọi là “phát triển lâu dài" thành phố phi pháp Tam Sa.
Gần đây, Hải quân Trung Quốc liên tiếp biên chế mới tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục tên lửa, tàu vận tải đổ bộ... Trung Quốc đang ưu tiên cho những loại tàu chiến có khả năng tác chiến ở khu vực duyên hải, những vùng biển gần như biển Đông.
Có bài báo cho rằng, một phần nguồn vốn sẽ dùng để mua sắm tàu chấp pháp và tàu tiếp tế trên biển. Những thủ đoạn này đều có thể khiến cho tình hình căng thẳng của khu vực xấu đi.
Cuối cùng, theo bài viết, trừ phi các biện pháp “phô diễn cơ bắp” của Bắc Kinh có thể buộc các nước chủ trương chủ quyền ở khu vực tranh chấp “chùn bước”, nếu không, năm 2013, hành động quân sự hóa của Cục Hải giám Trung Quốc sẽ không dừng lại.
Do Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thề sẽ tăng chi tiêu quốc phòng và từ chối nhượng bộ trong xung đột ở đảo Senkaku, vì vậy khả năng leo thang xung đột ở biển Hoa Đông sẽ tăng cao.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc diễn tập trên biển.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/32.gd
--------------

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Hơn cả lời từ chối

Mấy ngày qua dư luận nóng lên xung quanh sự kiện nữ Đạo diễn kiêm Diễn viên điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi từ chối giải thưởng của Hội điện ảnh Việt Nam. Từ chối giải thưởng không phải là chuyện lạ, nhưng điều đáng nói ở đây là lý do từ chối vì "không muốn trong nhà có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân".... Nghe thật bi, hùng, hài đúng không, thưa quý vị? 

Số là nghệ sĩ nổi tiếng Nguyễn Thị Kim Chi mới đây đã được Hội Điện ảnh Việt Nam gợi ý làm hồ sơ để đề nghị Thủ tướng khen thưởng. Nhưng không ngờ, bà đã gửi ngay một bức thư tới Hội xin từ chối phần thưởng đó với lý do thật ngắn gọn và rõ ràng:
“Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm".
Trong bức thư, bà Kim Chi cũng có nói: 
“…Được các đồng nghiệp có tâm, có tài khen ngợi mới thật là điều vinh dự".

Phần còn lại của bức thư và qua nội dung trả lời phỏng vấn sau đó bà Kim Chi đã giải thích rất rõ ràng, minh bạch về quan điểm và lý tưởng sống, chiến đấu, học tập và công tác của mình. Qua đó có thể thấy không một chút vấn vương, ích kỷ, vụ lợi nào trong quyết định từ chối giải thưởng của người nữ nghệ sĩ tài sắc mà đầy dũng khí này. Động cơ duy nhất của bà có lẽ là nói lên điều tâm nguyện của bản thân và đồng đội.

Lời từ chối như vậy mạnh hơn cả một lời tuyên bố. Có người đã ví nó như một tiếng sấm làm chấn động dư luận trong và ngoài nước trong những ngày qua. Điều đáng nói là sự kiện này xảy ra một cách ngẫu nhiên giữa lúc Ban Tuyên huấn Trung ương vừa kết thúc Hội nghị đánh giá công tác tuyên huấn còn nhiều "yếu kém" đồng thời quyết định tăng cường với hàng loạt biện pháp, trong đó có việc thành lập đội "Cộng tác viên xã hội" gần 1000 thành viên tham gia phản bác "các thế lực phản động" trên mạng internet!

Nghệ sĩ Kim Chi (bên trái) vừa là chiến sĩ vừa là nghệ sĩ
Thật khó hiểu tại sao Cơ quan tuyên huấn của Đảng lại tỏ ra xơ cứng đến như vây? Sau nhiều phát ngôn nhịu ngộ, sai sự thật của một số cán bộ tuyên huấn và trước làn sóng phản ứng của công luận thì sự từ chối giải thưởng của nữ nghệ sĩ Kim Chi làmột lời cảnh báo về tình trạng yếu kém và sai lầm của quá trình công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh tình hình những năm gần đây. Lời cảnh báo đó phát ra bởi chính một trong những thành viên xuất sắc nhất của đội quân tuyên truyền của Đảng, chứ không phải kẻ địch hoặc ai xa lạ. Phải chăng đã đến lúc để các nhà lãnh đạo đất nước giật mình soi lại bản thân trong gương đồng thời rà soát lại toàn bộ khâu công tác tuyên huấn của Đảng? Lâu nay giới lãnh đạo và cán bộ tuyên huấn bao giờ cũng tự cho mình quyền phán xét đúng, sai và quyết đinh nhân dân cần nghe gì, nói gì. Lãnh đạo cũng ban phát những món quà tinh thần cho cấp dưới. Nhưng  giờ đây họ được nghe một lời nói thật từ cấp đưới. Và đó không phải một lời dẽ nghe như vẫn mong đợi. Đó là điểm mới của tình hình; nó cho thấy, đã đến lúc cần thay đổi một cách cơ bản về phương pháp công tác tuyên huấn, đó là phải lắng nghe quần chúng trước khi đưa ra lời huấn thị đối với họ. Người lãnh đạo cấp càng cao thì càng phải gương mẫu trong mọi hành động và lời nói. Một việc làm đúng đắn có giá trị gấp trăm lần những lời nói suông. Nói một đàng làm một nẻo sẽ làm mất lòng tin của dân chúng không bao giờ lấy lại được. Trong mấy năm gần đây công luận đã chứng kiến nhiều phát ngôn "bất hủ" của một số vị lãnh đạo và cán bộ tuyên giáo các cấp. Những tấm "bia miệng" vẫn còn trơ trơ đó cho thấy chất lượng công tác tuyên huấn bắt nguồn từ cấp cao và ở  đường lối chính sách. Một khi nôi dung đường lối chính sách chưa ổn thì càng tuyên truyền bao nhiêu sẽ càng bộc lộ yếu điểm và càng mất lòng tin từ phía người nghe bấy nhiêu. Hiện tượng nghệ sĩ Kim Chi từ chối phần thưởng là một giọt nước tràn ly của lòng kiên nhẫn mà nhân dân đang chịu đựng.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công tác tuyên huấn. Song tuyên truyền gì thì cũng phải tôn trọng sự thật, và phải theo phương châm "do dân vì dân", chứ không thể vì những thế lực vô hình để chống lại nhân dân, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Nhân đây xin nêu lên hiện tượng gần đây thấy xuất hiện khá nhiều nick mới trên Facebook và mạng internet nói chung với những hành tung và lời bình khiến ta nhớ lại thời "Hồng vệ binh" bên Trung Quốc. Phải chăng họ là những "Cộng tác viên xã hội" đang thực thi sứ mệnh đã được giao phó? Liệu họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ hay sẽ chỉ làm rối thêm tình hình và lại một lần nữa chuốc lấy hậu quả theo kiểu "lợi bất cập hại"?
     

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Sĩ và Sợ

Sĩ diện và sợ hãi là hai thuộc tính bản năng của con người. Ai sinh ra cũng đều biết sĩ diện và biết sợ hãi; khác nhau chăng chỉ là mức độ và khi con người ta càng lớn lên, chúng có thể diển biến  theo hai hướng trái ngược nhau và thường khi càng sĩ diện thì càng sợ hãi. Cả hai đều đóng vai trò điều tiết cách ứng xử của  con người tùy theo tình huống và trạng thái quan hệ xã hội của chủ nhân.

Ở Việt Nam hai thuộc tính sĩ và sợ có bề dầy lịch sử ngót 5.000 năm rồi đấy, chính xác là từ thời Kinh Dương Vương năm 2.879 trước CN. Nhưng không hiểu sao đã hơn nửa thế kỷ nay sách sử của ta có xu hướng giảm dần số niên đại xuống, gần đây chỉ còn "hơn 2.000 năm" thôi. Phải chăng đó cũng là một dấu hiệu của sự sợ hãi?

Lịch sử dân tộc Việt Nam có rất nhiều tấm gương phản ánh một cách sinh động về hai tính cách sĩ và sợ. Bên cạnh các anh hùng dân tộc từ huyền thoại như Thạch Sanh, Thánh Gióng đến các nhân vật có thật như Bà Triệu, Bà Trưng, Trần Quốc Tuấn, Tôn Thất Thiết, Lý Tự Trọng...bao giờ cũng có những kẻ như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống,....  Sĩ và sợ không chỉ thể hiện trong chuyện quốc gia đại sự mà trong đời thường. Đó là chuyện anh nông dân nghèo rớt mồng tơi quanh năm  phải ăn cháo, nhưng khi ra ngõ không quên ngậm que tăm như để nói với thiên hạ rằng ta đây ăm cơm thịt!  Lối ứng xử này hình như vẫn còn đến ngày nay khi nhiều người thích ngậm tăm hoặc búng tăm tanh tách khi bước ra cửa hàng ăn. Còn nhớ Hà Nội thời Pháp với những cô gái dù giàu, nghèo khi ra đường nhất định phải khoác bộ cánh áo dài, đầu đội nón lá. Con gái  thời nay ít ra cũng phải có chiếc xe tay ga! Trong giới quan trường đang rộ lên "mốt" chơi bằng cấp, chức danh không khác nào loài chim khoe lông vũ. Nói chung là, cái tính sĩ có sức lan tỏa ghê gớm lắm và trở thành sự hảo huyền, hư danh (hửu danh vô thực) với rất nhiều cung bậc trong mọi tầng lớp xã hội.

Tính sợ cũng không kém phần tinh vi, phức tạp. Con người ta ai cũng có lý do để lo sợ. Sợ vu vơ là sợ ma, sợ bóng tối; sợ cụ thể là sợ kẻ thù, người ngay sợ kẻ gian; kẻ yếu sợ kẻ mạnh, người có chức sợ mất chức; quan dưới sợ quan trên; v.v...Sợ thời đương chức đã dành ,về hưu rồi vẫn sợ. Thậm chí có tướng tá chưa về hưu đã sợ mất sổ hưu(!). Nghĩa là trăm nổi sợ. Và nỗi sợ lấn át cả tính sĩ diện. Trãi qua hàng ngàn năm Bắc thuộc rồi Tây thuộc,  tính sĩ và sợ của người Việt có những đặc thù riêng, thời nào cũng có những kẻ chọn cách sống dựa dẩm vào ngoại bang. Người dân bình thường sợ một kiểu; tầng lớp quan lại sợ một kiểu khác. Phàm kẻ nào có nhiều chức quyền và giàu có hơn thì càng lo sợ hơn.

Có lẽ chỉ những ai không có hai thứ đó mới có xu hướng đề cao tính sĩ diện. Và thuật ngữ "kẻ sĩ" ra đời từ đó. Tuy nhiên khái niệm kẻ sĩ vốn là một khái niệm  mơ hồ. Nó được sử dụng như một tiêu chí để phân loại về nhân cách và tính cách của con người Việt Nam trong bối cảnh một dân tộc bị ngoại bang đô hộ. Bằng khái niệm "kẻ sĩ" họ muốn tự vạch ra một ranh giới giữa cái thiện, sự liêm chính với cái ác độc và sự gian dối. Oái om thay, những kẻ sĩ thường là chẳng có chức tước, quyền hành gì; họ đơn giản chỉ là những người trí thức, đôi khi không xu dích túi. "Sĩ phu Bắc Hà" chính là một trong những loại kẻ sĩ như vậy. Trong bối cảnh xã hội phong kiến thuộcđịa, "kẻ sĩ" tồn tại như một khái niệm đạo đức lỏng lẻo không hề có tính ràng buộc nào. Nếu người Hán có khái niệm "Đại nhân", người Nhật có "Võ sĩ đạo", người Âu châu có "Hiệp sĩ" để chỉ tầng lớp quý tộc và quan lại thì ở Việt Nam không có một tiêu chí như vậy . Phải chăng đây chính là một nhược điểm trong phạm trù đạo lý của người Việt?. Và nó được cố ý duy trì bởi giới thống trị nhằm làm thuận tiện cho các tầng lớp quan lại và nhà giàu tránh trớ trách nhiệm trước bàn dân thiên hạ. Khi cần họ sẵn sàng làm những việc của kẻ hạ tiện mà không sợ bị chỉ trích hoặc cắn rứt lương tâm. Đây là lý do tại sao có rất ít trường hợp từ quan, từ chức trong xã hội Việt Nam xưa cũng như nay. Trong một xã hội mà quyền lực không chỉ là công cụ để "vinh thân phì gia" thì không ai lại chịu từ bỏ quyền lực. Xã hôi đó thật sự không có chỗ đứng cho những "kẻ sĩ" thực thụ, mà là mãnh đất dung dưỡng thói dối trá và đạo đức giả. Ở đó một ông quan có thể tha hồ thi thố mọi thủ đoạn đê tiện để làm giàu, nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả đối với xã hội và cũng không cảm thấy xấu hổ trước bàn dân thiên hạ.  
  
Lạm bàn qua đôi điều như trên chỉ để gợi mở một cách nhìn trước những diễn biến tình hình chính trị-xã hội  đất nước ngày nay. Hiện đang có nhiều ý kiến đổ tại trình độ dân trí còn thấp nên chưa thể có những cải cách lớn lao...Và theo họ, hãy chờ đợi, và trong khi chờ đợi hãy chấp nhận nổi sợ hãi mà quên đi sự sĩ diện cần thiết, bất chấp những ý kiến phản biện đầy tâm huyết của giới trí thức và học giả vốn là nguồn nguyên khí quý báu của quốc gia. Xem ra, dân trí là một chuyện; cách tư duy về đạo lý giữa sự sĩ diện và nổi sợ hãi của người Việt Nam ta như nói trên mới là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến trình cải cách kinh tế-chính trị-xã hội của đất nước./.


Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Việt - Trung: 'Những điều không thể không nói'

TVN - Tác giả: TS Vũ Cao Phan
Làm cho nhân dân hai nước hiểu được, hiểu đúng mối quan hệ lịch sử này là một việc làm cần thiết, thậm chí rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Có thể khẳng định, quan hệ hai nước Việt Nam và Trung Quốc là một mối quan hệ đặc biệt. Nó đặc biệt ở sự gần gụi, tương đồng. Không chỉ tương đồng về chế độ chính trị, về phương thức tổ chức xã hội và phát triển kinh tế trong thời kỳ hiện đại mà trước hết ở sự gần gụi láng giềng, ở sự gần gụi văn hóa, lịch sử. Ít  nhất mối quan hệ này đã tồn tại từ khi lịch sử thành văn được ghi lại, hơn hai ngàn năm trước.
Một ví dụ là ngay từ thời Tần Thủy Hoàng đã lưu truyền câu truyện về tướng Lý Ông Trọng, một người to lớn dị thường và có tài thao lược của đất Giao Chỉ, làm đến chức Tư lệ hiệu úy của nước Tần, giúp Hoàng đế dẹp loạn miền Tây Vực khiến quân Hung nô còn khiếp oai ngay cả khi ông đã nằm xuống.
Làm cho nhân dân hai nước hiểu được, hiểu đúng mối quan hệ lịch sử này là một việc làm cần thiết, thậm chí rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà những sự tranh chấp về lợi ích lãnh thổ có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát và phủ mây đen lên mối quan hệ ấy.
Trong tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh loạt bài viết dưới mái chung: "Những điều không thể không nói ra" mà Tạp chí "Tri thức thế giới" của Trung Quốc đăng tải vào dịp này năm ngoái. Đó là các bài: "Lịch sử và sự thật: Diễn biến quan hệ Trung - Việt trước năm 1949" (Tôn Hồng Niên, Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu lịch sử biên cương, Viện KHXH Trung Quốc) - "Quan hệ Trung - Việt từ 1949 đến nay" ( Vu Hướng Đông, Giám đốc Học viện Chủ nghĩa Mác, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Trịnh Châu) - "Những biến thiên trăm năm qua trong chiến lược ngoại giao với các nước lớn của Việt Nam" (Tôn Hồng Niên, Vương Thâm, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Trịnh Châu) - "Viện trợ Trung Quốc cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ" (Lục Đức An, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Trịnh Châu) và "Vấn đề biên giới trên đất liền và trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng Đông Nam Á" (Trương Minh Lượng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Tế Nam).
Tất cả được đăng trong số 14, ra tháng 7 năm 2011. Như cách đặt vấn đề và như chúng tôi có thể hiểu, các tác giả muốn vẽ lên một bức tranh chân thực về những gì diễn ra trước hết trong quan hệ Việt - Trung, và sau nữa là trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, qua đó góp phần điều chỉnh nhận thức của người này người khác, ở phía bên này hoặc bên kia.Ý định ấy là tốt và cần thiết. Lời lẽ trong các bài viết cũng tương đối vừa phải, trừ vài ngoại lệ.
Tuy nhiên, hoặc do quan điểm, nhận thức, hoặc do nguồn tư liệu dựa vào thiếu khách quan, nhiều nội dung trong loạt bài này đã không phản ánh sự thật, làm hỏng mục đích mà người viết có thể muốn đặt ra.
Vì một số lý do, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chưa có ý định trao đổi toàn bộ và triệt để các vấn đề mà "Những điều không thể không nói ra" đã đề cập. Chúng ta còn có nhiều dịp và nhiều cách để cùng nhau tìm đến sự thật.


*   *

1.  Lịch sử thành văn của nước Việt - nghĩa là những điều được ghi lại trên giấy trắng mực đen - xuất hiện khá muộn, hàng ngàn năm sau công nguyên. Hai lý do chủ yếu: chữ viết xuất hiện muộn và cả một thiên niên kỷ mất độc lập được gọi là "thời kỳ Bắc thuộc" - một ngàn năm Bắc thuộc. Lịch sử Việt Nam trong những năm tháng này còn là một phần lịch sử Trung Hoa, điều dù muốn hay không cũng phải thừa nhận. Và dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, với Việt Nam một ngàn năm ấy là một ngàn năm không bình yên, nói một cách khiêm tốn.
Liệu có cần thiết phải nhắc lại những chuyện " sát phu, hiếp phụ", "bỏ xác cho hổ đói lên rừng bắt chim chả, chặt ngà voi; chịu để giao long ăn thịt xuống biển mò ngọc trai, kiếm đồi mồi" cung phụng các quan cai trị? Rồi một ngàn năm độc lập, những cuộc xâm lược từ phương Bắc đã để lại những gì tưởng chỉ cần nhắc đến một câu của thi hào Nguyễn Trãi thế kỷ thứ XV, "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ dưới hầm tai họa", viết trong " Đại cáo bình Ngô".
Những cuộc xâm lược của Tống, Nguyên, Minh, Thanh trong kỷ nguyên độc lập của Việt Nam đều hết sức khốc liệt, đâu có phải quan hệ giữa hai nước trong thời kỳ này"trên tổng thể là hòa bình, hữu nghị". Tác giả của "Diễn biến quan hệ Việt - Trung trước năm 1949"chỉ thừa nhận một cuộc xâm lược đến từ phía Bắc, đó là cuộc xâm lược của nhà Nguyên trong thời kỳ này (và lịch sử chính thống của Trung Quốc cũng chỉ thừa nhận như vậy) còn thì "phần nhiều những cuộc xung đột và chiến tranh giữa hai nước là do giới phong kiến Việt Nam quấy nhiễu biên giới Trung Quốc gây ra".
Cần phải nói rõ những điều này. Một, chỉ một lần duy nhất nhà nước phong kiến Việt Nam có cuộc Bắc phạt và cũng chỉ với một mục đích duy nhất là phá cuộc chuẩn bị xâm lược Việt Nam của nhà Tống. Đó là vào ngay thời kỳ đầu sau Bắc thuộc, năm 1075, nhà Lý (Việt Nam) phát hiện nhà Tống (Trung Quốc) lập các tiền đồn tích trữ  binh lương ở Quảng Tây nhằm chuẩn bị tiến đánh "Giao Châu" (nước Việt) nên đã xuất quân, đánh xong lập tức rút ngay về phòng ngự mà vẫn không tránh khỏi cuộc tiến quân ồ ạt sau đó của nhà Tống.
"Hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới". Tác giả: Nhan Sáng/ Ảnh đoạt giải cuộc thi Khoảnh khắc vàng

Hai, có lẽ chỉ dựa vào chính sử do các triều đại phong kiến Trung Quốc để lại mà các tác giả của "Những điều không thể không nói ra" không thừa nhận có các cuộc xâm lược Việt Nam của Tống, Minh, Thanh. Bởi vì "chính sử" luôn tìm cách mô tả đấy là những cuộc hành binh khôi phục trật tự, lập lại ngôi vương chính danh được các triều đình phong kiến Trung Quốc thừa nhận (nhưng là những phế để, phế triều đã bị sóng triều lịch sử Việt Nam gom về bến rác).
Sự thực như thế nào? Lấy ví dụ cuộc tiến quân dưới danh nghĩa "phù Trần, diệt Hồ" của nhà Minh đầu thế kỷ XV. "Phù Trần diệt Hồ" ở chỗ nào khi diệt xong cha con Hồ Quý Ly rồi liền bắt các kỳ hào, bô lão ký vào một tờ biểu dâng lên rằng: "Nay họ Trần không còn ai nữa, vả đất An Nam vốn là Giao Châu ngày trước, xin được đặt lại quận huyện như cũ" (theo "Minh sử").
Nhưng có một thực tế là con cháu nhà Trần vẫn nổi lên ầm ầm chống lại quân Minh, lập nên một triều đại được lịch sử gọi là "kỷ Hậu Trần" thì người Minh lại gọi là "giặc" và phái binh đàn áp! Một thời kỳ "Bắc thuộc mới" kéo dài 20 năm với chính sách đồng hóa quyết liệt (tất cả sử sách nước Nam đều bị thu hết về Kim Lăng), với sưu cao thuế nặng, bắt phu khai mỏ vàng mỏ bạc rồi "chim chả, ngà voi" tận thu tận diệt khiến dân tình vô cùng khổ sở. Phải một cuộc kháng chiến gian khổ máu xương dằng dặc 10 năm của Lê Lợi - Nguyễn Trãi cuối cùng mới đưa được "cuộc phù Trần" về bên kia biên giới.
Làm sao có thể nói trong kỷ nguyên độc lập của Việt Nam ở thiên niên kỷ thứ hai, "giới thống trị Trung Quốc bấy giờ hoàn toàn không chủ động can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam" được? Và ngay trong thời kỳ được coi là giao kết hòa hiếu giữa hai nước trong quan hệ "tông phiên" thì các triều đình phong kiến Việt Nam vẫn luôn bị sách nhiễu, áp lực.
Chỉ riêng việc đòi hỏi cung phụng, cống nạp - nhất là những sản vật quý hiếm - cũng trở thành gánh nặng tài chính cho nước Việt, gánh nặng khổ ải cho thứ dân, không thể nói là "không đáng kể", "tổng giá trị (của các đồ cống nạp) luôn thấp hơn đồ "hồi tặng" (từ phía triều đình Trung Quốc)" được.
Năm 1950, khi đích thân tiếp và tiễn đoàn cố vấn quân sự của nước Trung Hoa nhân dân sang giúp Việt Nam kháng Pháp, Chủ tịch Mao Trạch Đông căn dặn: "Các đồng chí phải nói với nhân dân Việt Nam rằng tổ tiên chúng ta đã có lỗi với Việt Nam, chúng ta xin tạ tội và nguyện một lòng một dạ ra sức giúp Việt Nam đánh bại thực dân Pháp" (trích Hồi ký xuất bản bằng tiếng Hán của các Cố vấn Trương Quang Hoa, Vũ Hóa Thẩm, Đặng Kim Ba).
Thủ tướng Chu Ân Lai trong lần đầu tiên sang thăm Việt Nam năm 1955, việc đầu tiên mà ông làm là đến thắp hương Đền thờ Hai Bà Trưng, những nữ tướng Việt Nam kiệt xuất trong thế kỷ thứ nhất cầm quân nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán và đã anh dũng hy sinh. Thiết nghĩ không cần phải dẫn thêm những ý kiến phát biểu của các nhà lãnh đạo khác như Diệp Kiếm Anh, Vi Quốc Thanh... xung quanh vấn đề này.
Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định, mối quan hệ tổng thể giữa hai nước láng giềng Việt Nam và Trung Quốc suốt mấy ngàn năm lịch sử không phải là một bức tranh tối màu, nhất là quan hệ dân gian. Trong sự phát triển và trưởng thành của mình, người Việt, nước Việt đã tiếp thu và học tập được nhiều từ nền văn hóa - văn minh Trung Hoa. Đấy cũng là một trong nguyên nhân dẫn đến sự gần gụi, hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Đấy cũng là thực tế hiển nhiên không thể phủ định. Không thể có chuyện giới nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong trăn trở tìm về nguồn cội lại bỏ qua những giá trị xác định để thay bằng những lập luận"khoác lác", "hư cấu"? Càng không thể tưởng tượng ra rằng nó có mục đích "đưa vào nội dung giáo dục quốc dân" để làm băng hoại quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.
2.    Nửa sau của thế kỷ trước (thế kỷ XX), Việt Nam đã phải liên tục chiến đấu chống lại hai cuộc chiến tranh không cân sức: Kháng Pháp và kháng Mỹ. Cùng với nhân dân toàn thế giới, Trung Quốc đã có sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, có hiệu quả về cả vật chất lẫn tinh thần cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Vào thời kỳ cao điểm, khi Mỹ trực tiếp đổ quân vào tham chiến - có lúc lên đến hơn nửa triệu - nhiều chính phủ và tổ chức nhân dân trên thế giới đã tuyên bố sẵn sàng gửi quân chí nguyện đến giúp đỡ Việt Nam, nếu được phía Việt Nam chấp nhận.
Với tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính và cũng xét tới các hệ lụy, Chính phủ Việt Nam không chủ trương nhận quân tình nguyện chiến đấu, đặc biệt là bộ binh, và đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành của mình đến thiện chí năm châu. Những quân nhân nước ngoài có mặt ở phía Bắc Việt Nam lúc ấy bao gồm một số lượng hạn chế các cố vấn và chuyên gia quân sự Liên Xô trong các binh chủng kỹ thuật (tên lửa phòng không, không quân ...), một vài biên đội không quân của CHDCND Triều Tiên mà lãnh đạo nước này mong muốn được đưa sang để thực tập chiến đấu.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã nhiều lần bày tỏ thiện chí sẵn sàng gửi quân tình nguyện đến Việt Nam trong các tuyên bố công khai cũng như trong những lần gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo Việt Nam. Kết quả là đã dẫn tới các ký kết giữa hai nước về việc đưa bộ đội hậu cần (công binh) của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào giúp việc khắc phục giao thông bị phá hoại bởi cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở Miền Bắc.
Trung Quốc cũng đề nghị đưa vào cả bộ đội pháo cao xạ để bảo vệ lực lượng công binh tác nghiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến lực lượng này. Người yêu cầu các nhà lãnh đạo Quân đội Việt Nam không đưa bộ đội Trung Quốc đến những vùng quá khó khăn ác liệt vì bạn chưa quen.
Thời kỳ đó, không quân Mỹ chia chiến trường Bắc Việt Nam thành ba vùng tác chiến: Vùng đánh phá tự do suốt ngày đêm từ Thanh Hóa trở vào vĩ tuyến 17, là vùng ác liệt nhất. Vùng thứ hai, vùng đánh phá có trọng điểm bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các vị trí chiến lược phía nam đường số 5. Vùng thứ ba, đánh phá có chọn lọc, là các tuyến giao thông phía bắc đường số 5.
Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ đội Trung Quốc đã được bố trí tác nghiệp trong vùng từ phía bắc đường số 5 đến biên giới Việt - Trung. Các lực lượng chí nguyện Quân Giải phòng Trung Quốc đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu dũng cảm, quên mình vì nghĩa lớn, đồng cam cộng khổ với nhân dân Việt Nam, không chỉ góp phần khắc phục đường sá bị phá hoại, giúp Việt Nam làm mới nhiều con đường, nhiều công trình mà còn tham gia chiến đấu, trực tiếp bắn rơi hơn 100 máy bay Mỹ. Tổng cộng đã có hơn 310.000 lượt bộ đội Trung Quốc có mặt trên chiến trường miền Bắc Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968 (nói chung, 6 tháng thay quân một lần) trong đó hơn 1000 chiến sĩ hy sinh (hơn 4000, bao gồm cả các chiến sĩ bị thương).
Theo đề nghị của phía Trung Quốc, các liệt sĩ Trung Quốc đã được chôn cất tại trên 40 nghĩa trang ở Việt Nam và hiện nay vẫn được chính quyền và nhân dân các địa phương coi sóc, tu tạo.
3. Phía Trung Quốc từng xuất bản một cuốn sách công bố 7 lần xuất quân ra nước ngoài của Quân Giải phóng Nhân dân từ sau ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, trong đó quá nửa là xuất quân sang Việt Nam. Điều đau lòng là, hầu hết những lần xuất quân đến Việt Nam ấy đều được mô tả là để "đánh trả", "trừng phạt" cái quốc gia mà Trung Quốc từng coi là anh em (đến bây giờ có lẽ vẫn là "anh em" vì lãnh đạo hai bên nói chung vẫn ôm hôn nhau theo kiểu "các nước anh em" thường làm).
Chúng tôi sẽ không đề cập đến ở đây bản chất các cuộc "đánh trả""trừng phạt" ấy - xin trở lại một dịp khác, nếu cần thiết - mà chỉ xin trao đổi những gì liên quan được nêu ra từ các bài viết trong "Những điều không thể không nói ra".
Thứ nhất, phải khẳng định rằng, trừ cuộc "tiến quân" trong giai đoạn 1965 -1968 nhằm chi viện nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mà tôi vừa đề cập, tất cả các cuộc tiến quân khác (1974: đánh chiếm Hoàng Sa - Trung Quốc gọi là Tây Sa; 1979: Chiến tranh biên giới Việt - Trung; 1983 - 1984: đánh chiếm các điểm cao chiến lược ở tỉnh Hà Giang - Trung Quốc gọi là Lão Sơn (và xung quanh); 1988: đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa - Trung Quốc gọi là Nam Sa) đều do Trung Quốc âm thầm khởi binh rồi bất ngờ đánh úp, nhằm lúc đối phương chưa sẵn sàng chuẩn bị. Tất cả đều giống nhau, không ngoại lệ. Làm gì có cái gọi là "sự xâm lăng, khiêu khích từ phía Việt Nam"? Mưu kế chiến tranh từ thời Tôn Tử đã chẳng lạ gì phương sách mà sau này L.Hart và nhiều tác gia quân sự đông tây phải ngả mũ, "Nguyên cớ ư ? Ở ta!"
Thêm nữa, sau năm 1975, mặc dù giành được nguyện vọng ngàn đời là độc lập dân tộc, thống nhất non sông, Việt Nam hoàn toàn bị kiệt quệ bởi ba mươi năm chiến tranh (nền kinh tế Việt Nam bị tụt đến đáy trong thập niên 75 - 85 là một minh chứng). Lo ăn, lo mặc cho dân mình còn chưa xong lẽ nào Việt Nam còn muốn mang sức kiệt đi đánh nước người? Mà đó lại là quốc gia hùng mạnh Trung Quốc và còn hơn thế nữa, một đất nước đã có sự ủng hộ to lớn cho Việt Nam trong kháng chiến! Ơn vừa mới đó mà đã quên được ư? Trọng ơn là truyền thống của dân tộc này, không ai có thể bới ra được chứng cứ ngược lại!
Và do đó phải thừa nhận là Việt Nam đã bị bất ngờ khi cuộc chiến tranh tháng 2/1979 xảy ra. Có thể có xung đột cường độ thấp nhưng là cả một cuộc chiến tranh với sự tiến quân ồ ạt của hàng chục sư đoàn đối phương trên toàn tuyến biên giới là điều chưa được phía Việt Nam tiên liệu.
Thứ hai, cần phải nói rõ một điều: Việt Nam chưa bao giờ tuyên bố Trường Sa và Hoàng Sa (Nam Sa và Tây Sa) là của một quốc gia nào khác ngoài Việt Nam. Và càng không có việc Việt Nam đã "hoàn toàn thay đổi lập trường" về vấn đề này. Câu chuyện như sau: Năm 1958, sau khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về lãnh hải 12 hải lý, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai bày tỏ sự ủng hộ tuyên bố ấy, chỉ đơn giản như vậy. Sự ủng hộ đó là thiện chí nếu tính tới cuộc xung đột giữa nước Trung Hoa nhân dân với Đài Loan trong vùng Kim Môn, Mã Tổ lúc bấy giờ. Còn trong năm 1974, khi xảy ra sự việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa (Tây Sa), chính các bên đang quản lý thực tế vùng biển này là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối.
Thứ ba. Bắt đầu từ sự xâm lược của thực dân Pháp thế kỷ XIX lập nên xứ Đông Dương thuộc Pháp rồi tiếp đến là cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra giữa thế kỷ XX mà mà vận mệnh của ba nước Đông Dương gắn chặt với nhau: chung một kẻ thù, chung một mục đích giải phóng và độc lập dân tộc. Trong cuộc đấu tranh chung, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân dân Lào, nhân dân Campuchia anh em và Việt Nam cũng hết lòng vì đất nước và nhân dân bạn. Làm theo lời dạy đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giúp bạn là giúp mình", hàng chục vạn chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã không tiếc xương máu chiến đấu quên mình trên đất nước Lào và đất nước Campuchia, không nhằm một mục đích tiểu bá, đại bá hay Liên bang Đông Dương nào hết.
Một khi chiến tranh kết thúc, tình hình yên ổn trở lại và được nhân dân bạn cho phép, tất cả các lực lượng này đã rút hết về nước, bao gồm cả những liệt sĩ đã nằm xuống trên đất Lào, Campuchia cũng được quy tập về đất mẹ Việt Nam (con số được quy tập đến nay đã là gần 50.000 liệt sĩ). Việt Nam, Lào, Campuchia ngày nay lại cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển đất nước mình, với tư cách là những quốc gia độc lập, có chế độ chính trị riêng biệt, điều mà cả thế giới đều thấy rõ.
Đáng ngạc nhiên là trong bài "Vấn đề biên giới trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á", tác giả gợi lại vấn đề không có thực là "lãnh thổ K.K.K""một phần đất đai Campuchia bị mất vào tay Việt Nam". Với mục đích gì vậy? Tác giả có biết rằng trong tháng 8 năm 2012 vừa qua chính đại diện của nước CHND Trung Hoa tại Liên Hợp quốc đã bỏ phiếu bác bỏ yêu cầu được có tiếng nói tại tổ chức quốc tế này của cái gọi là "phong trào K.K.K"? Sự trung thực cộng sản - nếu có thể gọi như vậy - là ở chỗ nào?
Thứ tư. Có những sự thực ít người biết đến, nhưng chẳng lẽ những người chủ trì một tạp chí có tên tuổi trong ngành như "Thế giới tri thức" lại ở trong trường hợp như vậy? Tôi muốn đề cập câu chuyện về điểm cao khống chế 1509 mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn. Trong bài "Quan hệ Việt - Trung từ năm 1949 đến nay", tác giả đã mô tả những trận đánh đẫm máu, ác liệt để giành khu vực này vào năm 1984 như là cuộc chiến đấu vinh quang chống lại sự xâm lược của quân đội Việt Nam.
Hơn nữa, chúng tôi còn được biết, nơi đây nay đang trở thành một điểm du lịch của phía Trung Quốc với những trưng bày và thuyết minh bất chấp chân lý, bất chấp mọi sự nhẫn nhịn, trên thực tế phá hoại quan hệ Việt-Trung mà các bạn bày tỏ muốn vun đắp. Liệu có cần phải đánh thức "sự thật lịch sử"?
Cuối cùng, về câu chuyện hoang đường "Việt Nam bắt nạt Trung Quốc", "Việt Nam luôn áp dụng phương châm đối đầu trực diện với Trung Quốc, một bước không lùi", để thay lời kết luận, tôi xin kể hai chuyện nhỏ : Tháng 1/1979, khi quân đội Việt Nam mở chiến dịch phản công đánh trả cuộc xâm lấn toàn diện của chế độ Pôn Pốt với một tốc độ tiến quân mà các hãng thông tin trên thế giới mô tả là nhanh như điện sẹt, các mũi tiến công và vu hồi đã sẵn sàng khép chặt biên giới Campuchia - Thái Lan trong "tích tắc", thì lập tức nhận được lệnh buông lỏng, nhờ đó mà bộ sậu lãnh đạo Khơme đỏ chạy thoát. Nhưng mục đích đã đạt được: Không để một ai trong số hàng ngàn chuyên gia cố vấn quân sự và dân sự "người nước ngoài" bị kẹt lại hoặc bị bắt giữ.
Câu chuyện thứ hai là tháng 2 năm ấy (1979), bị bất ngờ bởi cuộc tấn công của Quân đội Trung Quốc, các lực lượng phòng ngự Việt Nam tạm thời bị đẩy lui khỏi tuyến biên giới. Nhưng ngay sau cuộc phòng ngự, bộ đội Việt Nam đã tổ chức phản công và một chiến dịch - chiến lược tiến công quy mô với lực lượng mạnh cả xung lực lẫn hỏa lực nhằm vào đối phương đang tập trung ở một thành phố biên giới đã được triển khai. Mọi sự đã sẵn sàng và đây chắc chắn là một đòn giáng trả mạnh mẽ, gây thương vong nặng nề. Chỉ ít giờ trước thời điểm nổ súng, chiến dịch được hủy bỏ khi phía Trung Quốc tuyên bố bắt đầu cuộc triệt thoái.
Thẳng thắn và mà nhìn nhận, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bản chất là một mối quan hệ tích cực và cần phải như vậy. Xin được đề cập đến vào một dịp khác. Bài viết này của tôi không có mục đích tranh luận, ngay cả về phương diện học thuật. Nó đơn giản chỉ là "những điều không thể không nói ra", không thể không làm rõ vậy thôi.

Chú thích: Những chữ để nghiêng trong bài này là trích từ "Những điều không thể không nói ra" hoặc từ các cuốn sách xuất bản ở Trung Quốc (TG).
*****

Bắc Kinh đã lập kế hoạch, chiến thuật bí mất, dự liệu tiến quân đánh úp thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Nguồn: Nhất Biến/ Huỳnh Tâm/tranhung09

--------------

Tìm kiếm Blog này