Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Có không "ngôn ngữ Hán-Việt" (Sino-Vietnamese language)?

Chữ Việt cổ (cột giữa) bên cạnh các chữ cổ khác
Mới đây blog Trương Thái Du có đưa lên một bài viết với đầu đề “Trả lời một câu hỏi nhỏ… The term “Sino Vietnamese Language” 汉越)” (Xem tại đây: http://truongthaidu.wordpress.com/2012/03/16/tr%e1%ba%a3-l%e1%bb%9di-m%e1%bb%99t-cau-h%e1%bb%8fi-nh%e1%bb%8f/)

Bản thân tôi không chuyên sâu về lịch sử ngôn ngữ, nhưng dẫu sao cũng đã qua một khóa sau đại học về ngôn ngữ tại Anh quốc và có hơn 10 năm làm giáo viên Anh văn  nên cũng có chút ít “cảm nhận” điều gì đó không ổn nếu gọi là "ngôn ngữ Hán-Việt" hay "tiếng Hán-Việt". Lại thấy tác giả bài viết cũng tỏ ra thận trọng muốn tham khảo ý kiến nên tôi đã đóng góp ngay một comment ngắn gọn rằng "không có ngôn ngữ Hán-Việt” với dụng ý nhắc tác giả xem lại vấn đề. Nhưng sau đó vẫn thấy bài viết  lưu truyền rộng rãi trên mạng. nên tôi thấy cần nêu lại vấn đề này một cách “có đầu có đuôi” để mọi người cùng suy ngẫm. Đây không phải một "việc nhỏ" như tác giả nói; nó liên quan đến nguồn cội và tương lai của tiếng Việt.

Để viết bài này, tôi đã lục tìm lại các nguồn tài liệu khác nhau, kể cả Wikipedia-một cơ sở dữ liệu mở cho phép đăng tải mọi ý kiến không chính thức- nhưng chưa thấy một tài liệu nào đủ sức thuyết phục về cái gọi là “ngôn ngữ Hán –Việt”, trừ một vài trường hợp có lẽ do người viết hiểu sai khái niệm “từ, ngữ “thành “ngôn ngữ” hoặc gán ghép các từ đó với nhau một cách vô thức mà ra. Cũng có thể do tôi chưa tìm kiếm hết được mọi nguồn tài liệu. Song có thể nói có rất ít cơ sở để khẳng định tính chính danh của thuật ngữ  “ngôn ngữ Hán-Việt” hay “tiếng Hán-Việt”. Nói cách khác nếu có ai đó sử dụng thuật ngữ này thì đó chỉ  là những trường hợp cá biệt. Hơn nữa về mặt tâm lý chính trị-xã hội, thì việc sử dụng rộng rãi tên gọi “ngôn ngữ Hán-Việt” là không có lợi cho Việt Nam, nó gợi lên rằng người Việt không có ngôn ngữ riêng - điều này hoàn toàn không đúng nếu xét về lịch sử hơn 4000 năm, trong đó có 1000 năm bị Bắc thuộc xen vào giữa. Không có lý gì 2000 năm trước Bắc thuộc dân tộc Việt Nam không có tiếng nói và chữ viết riêng của mình?. Tôi tin đây là một “góc khuất” của lịch sử cần được tiếp tục tìm kiếm và giải mã.

Về mặt lý thuyết cũng không có cơ sở để đặt tên là “ngôn ngữ Hán –Việt” . Bởi lẽ, đã nói đến ngôn ngữ là phải nói đến chủ thể đích thực của nó. Chủ thể đó là một cộng đồng dân tộc cùng sử dụng chung ngôn ngữ đó, không lẫn lộn với ngôn ngữ khác; nó tồn tại và phát triển trong một quá trình lịch sử đủ dài để khẳng định mình. Trong trường hợp cụ thể của Việt Nam, ta thấy  không hề có khái niệm cộng đồng (hoặc dân tộc) Hán-Việt; chỉ có cộng đồng người Hoa sống bên cạnh cộng đồng người Việt; có khái niệm người Việt gốc Hoa, nhưng ai có ngôn ngữ riêng của người ấy. Chỉ có khái niệm  "từ ngữ Hán-Việt" mà thôi, tức là những từ ngữ có nguồn gốc từ sự kết hợp giữa tiếng Hán và tiếng Việt trong quá trình Bắc thuộc và giao lưu giữa hai dân tộc; dù mật độ pha tạp có đến bao nhiêu phần trăm đi nữa, nhưng nó chỉ sử dụng trong cộng đồng người Việt, người Trung Quốc bình thường không thể hiểu được, thì nó phải gọi là "tiếng Việt", không thể gọi là "tiếng Hán-Việt". Điều tương tự vẫn xảy ra đối với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Ví dụ, tiếng Nùng có rất nhiều từ ngữ Việt trong đó, nhưng không  gọi là “tiếng Việt-Nùng”; tiếng Đan Mạch giống tiếng Đức đến mức hai bên có thể hiểu nhau  nhưng không gọi là "tiếng Đức-Đan",v.v... Trường hợp tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung ... được nhiều nước khác nhau sử dụng như một ngôn ngữ quốc gia, khi cần phân biệt người ta goi tên ghép như tiếng Anh Mỹ, tiếng Anh Úc, tiếng Anh Ấn Độ v.v... là chuyện hoàn toàn khác.
Ngoài ra cũng cần thấy rằng lâu nay vẫn tồn tại dai dẳng hai quan điểm khác nhau về cách đánh giá nguồn gốc tiếng Việt và tiếng Trung. Tuy nhiên cả hai quan điểm đều thống nhất rằng tiếng Việt và tiếng Hán đã song tồn hàng ngàn năm trước thời kỳ Bắc thuộc. Trong khi một quan điểm mặc nhận rằng tiếng Việt vay mượn rất nhiều từ tiếng Hán, quan điểm kia lại cho rằng tiếng Trung  là kết quả của việc tiếng Hán vay mượn (đánh cắp) từ tiếng Việt cổ (của người Bách Việt) trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm trước và sau công nguyên khi người Hán chinh phục hoàn toàn người Bách Việt ở bờ Nam sông Dương Tử . Giả thuyết này chứng minh bằng cách chỉ ra nhiều từ ngữ tiếng Việt cổ trong tiếng Hán và hiện tượng danh từ đi trước tính từ cùng nhiều chứng cứ khác, xem ra cũng rất có sức thuyết phục.

Tóm lại, theo tôi, chỉ có khái niệm “từ ngữ Hán-Việt” chứ hòan toàn không có cơ sở nào để gọi “ngôn ngữ Hán- Việt” hoặc “tiếng Hán-Viêt”. Là người Việt Nam chúng ta cần nhận thức rõ điều này để cùng nhau bảo vệ giá trị ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc đồng thời chú ý giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt-điều mà Cụ  Hồ Chí Minh đã từng rất chú ý làm gương . Không hiểu sao bây giờ  không ai làm việc này, lại còn có xu hướng lạm dụng bừa bãi việc ghép từ ngữ Hán vào tiếng Việt (?)

Có thể các "bạn" Trung Quốc thích thuật ngữ "ngôn ngữ Hán-Viêt", "tiếng Hán-Việt" , nhưng người Việt Nam thì không, thậm chí phải bác bỏ nó mới phải. Không chỉ về ngôn ngữ , mà có nhiều vấn đề liên quan đến cội nguồn dân tộc Việt cũng rất được cần xem lại. Ví dụ, đáng lẽ phải truy tìm lại tiếng Việt cổ (bị mất sau 1000 năm bắc thuộc) thì giai cấp phong kiến Việt Nam đã ra sức truyền bá chữ Nho, giờ lại định truyền bá về "tiếng Hán-Việt" thì thật là đáng buồn!. Hình như người Việt Nam ngày nay quên mất rằng nguồn gốc các vua Hùng thực sự đã xuất phát từ Hồ Động Đình thuộc tĩnh Hồ Nam của lãnh thổ Trung Quốc bây giờ ; và Hai Bà Trưng khởi binh phục quốc cũng ngay bên trong lãnh thổ miền nam Trung  Quốc (?). Trong nhiều trường hợp người Việt ta cứ vô tư trích dịch sử sách của Trung Quốc để làm sử của Việt Nam, rốt cuộc mưa dầm thấm lâu rồi thấy “mình từ người Hán mà ra cả” thì thật là sai lầm!

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Tản mạn chuyện chiến tranh và hòa bình


Nhìn cảnh quân đội Mỹ ào ạt quay lại Châu Á thấy người Trung Hoa gian, thâm, nhưng vẫn dại!. Sau chiến tranh Việt Nam năm1975 đáng lẽ Mỹ đã dần rút quân khỏi khu vực này để nhường bước cho nền độc lập thật sự của các quốc gia trong khu vực. Thật ra chẳng nhân dân nước nước nào tại đây muốn để Mỹ đóng quân trên lãnh thổ của mình. Đó há chẳng phải cũng là mong đợi của nhân dân  Trung Quốc ? Nhưng rốt cuộc sự thô bạo bặm trợn  của  chủ nghĩa bành trướng đại Hán đã khiến thế giới lo sợ và các quốc gia nhỏ yếu hơn trong khu vực phải tiếp tục lựa chọn điều ít xấu hơn cho mình, đó là để người Mỹ tiếp tục ở lại, thậm chí tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự tại đây.
Hàn Quốc là một trong những trọng điểm đóng quân của Mỹ. Tại đây người Mỹ có thể đi-về như trên chính lãnh thổ của mình . Khu vực biên giới Bàn-môn-điếm là điểm nóng bậc nhất thế giới không phải chỉ vì cuộc xung đột hai miền Nam-Bắc Triều Tiên mà chính vì nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ cuộc tranh giành thế giới giữa hai siêu cường Mỹ-Trung. Philippines cũng là một điểm đóng quân lý tưởng của quân đội Mỹ chừng nào Trung Quốc còn lăm le độc chiếm biển Đông. 
TT Mỹ Obama  thăm quan Bàn-môm-điếm mới đây
Mọi động tĩnh chính trị, ngoại giao đều xoay quanh cuộc chơi quyền lực giữa các siêu cường. Còn nhớ một thời sau chiến tranh Việt Nam, người ta thi nhau tiên đoán về "thế giới đa cực"(multi-polar), "thế giới lưỡng cực" (bi-polar), "thế giới đơn cực" (single-polar) và cho rằng thế giới sẽ không còn chiến tranh hoặc nếu có chiến tranh sẽ là chiến tranh hủy diệt ,v.v...Có một số người quả quyết sẽ không có chiến tranh thế giới lần thứ ba (!?). Riêng một vị lãnh dạo Việt Nam còn tuyên bố rằng từ nay sẽ không kẻ thù nào dám xâm lược Việt Nam (!?). Nhưng thật trớ trêu, chỉ vài năm sau đó người Việt Nam lại đã phải ra trận và đổ máu với không ai khác là ông bạn lớn láng giềng!  Chiến tranh cũng đã và đang bùng phát khắp nơi  từ Trung Á, Tây Á đến Trung Đông và Bắc Phi và ở cả Châu Âu,  thậm chí ngay tại trung tâm nước Mỹ với một kiểu cách hoàn toàn khác, với tốc độ cực nhanh, nhưng sức công phá không kém gì một cuộc chiến tranh thông thường-đó là vụ 11/9/2001.
Trước sự thật phủ phàng này, giờ đây liệu còn ai có thể đoan chắc điều gì, ngoại trừ một thế lực siêu hình nào đó ngoài vũ trụ đang quan sát trái đất may ra có thể biết được nhân loại sẽ đi về đâu (?).
Thế mới biết, tranh giành quyền lực là một thuộc tính của loài người, thậm chí còn gay gắt hơn giữa loài vật. Người ta mãi mê không ngừng tranh giành quyền lực ở mọi cấp độ, từ đơn vị hành chính nhỏ nhất đến quốc gia, khu vực và quốc tế, thậm chí còn vươn ra ngoài vũ trụ! Thật có điên rồ không nhĩ? 
.            

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Lạm bàn về căn bệnh dối trá ở Việt Nam


Đọc Nghị quyết TW 4 khóa XI  thấy đồng chí Tổng Bí thư quả  là "danh bất hư truyền" về tài phân tích, tổng kết, báo cáo. Bản Nghị quyết không dài lắm nhưng nêu lên được rất nhiều khuyết điểm … Lời văn cũng rất hay ho...đến nỗi cánh hưu trí chăm chú lắng nghe, đọc suốt ngày đêm, có những lúc ngồi thần trước màn hình TV ngắm diễn giả không khác nào giới trẻ ngưỡng mộ các “sao Việt” thời @. Thật đấy, chả là dù sao và ít nhất nó cũng giúp xả bớt tâm tư của người dân đang hồi vô cùng bức xúc. (Có thể  xem toàn văn NQ tại đây):
http://www.xaydungdang.org.vn/Home/vankientulieu/2012/4636/Mot-so-van-de-cap-bach-ve-xay-dung-ang-hien-nay.aspx
Tuy nhiên, nghĩ đi ngẫm lại, rằng hay thì thật là hay, nhưng có lẽ để thực hiện rốt ráo cái Nghị quyết này chắc sẽ còn tốn rất nhiều giấy mực và thời gian, không khéo hàng trăm tỷ đồng để phục vụ các ban bệ chuyên trách(?). Dư luận đang theo dõi  sát sao quá trình triễn khai NQ với những tâm trạng khác nhau.

Theo như Nghị quyết đã vạch ra,  khuyết điểm có ở mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành lại còn kéo dài triền miên, nay đã đến hồi “đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Tất cả cho thấy một sự thật đau lòng: Đảng đã đánh mất lòng tin nơi quần chúng nhân dân - một bảo bối của sự nghiệp cách mạng đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng với những lời cảnh báo từ rất sớm như “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” và “Đẩy thuyền là dân thì lật thuyền cũng là dân”.

Đành rằng cái gì mất đều có thể lấy lại, nhưng cũng có những thứ không thể lấy lại, hoặc lấy lại cũng khó mà nguyên vẹn, nhất là trong trường hợp mất lòng tin do động cơ vụ lợi cá nhân của người trong cuộc. Đời vẫn thế mà! Nếu nhìn nhận một sự việc không có mình trong đó thì thường bao giờ cũng có vẽ sáng suốt, công bằng, bác ái…Nhưng hể có mình trong đó là méo mó, vẹo vọ liền. Khi kiểm điểm chung thì nói vanh vách như thể khuyết điểm là của ai khác, chứ quyết không phải của mình; chỉ có thành tích là "của tôi" !. Thế nên dân gian có câu “Có ai tự vác đá ghè vào chân mình?” là do xuất phát từ thực tế muôn thuở này.  Nghị quyết vạch ra rất nhiều khuyết điểm nghiêm trọng, nhưng liệu có bao nhiêu người tự nhận mình có khuyết điểm nghiêm trọng đến mức phải từ chức? Phần lớn nội dung nói về chống tham nhũng quan liêu, nhưng liệu có mấy ai tự nhận mình tham nhũng, quan liêu? Trình độ yếu kém ư, liệu có ai tự nhận mình yếu kém và xin từ chức? Nhiều kẻ vi phạm, cố ý làm sai trái phè phè ra đấy không những không mất chức còn được chuyển sang những vị trí mới để tiếp tục làm sai và tiếp tục đục khoét công của ...Vì sao vậy?  Suy cho cùng đó chính là chủ nghĩa DỐI TRÁ đã ăn sâu bám rễ trong mỗi người và trong toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước này. Nhưng dường như điều này chưa được gọi đích danh trong Nghị quyết lần này. Thiết nghĩ chính căn bệnh dối trá mới là đối tượng cần chỉnh đốn tận gốc rễ trước khi chỉnh đốn những vấn đề khác, vì đối trá cùng với tham nhũng đích thực là một "cặp song sinh" của chế độ.

Dối trá mới nghe tưởng không có gì nguy hại lắm, vì nó vốn dĩ là thói xấu của xã hội loài người chứ đâu của riêng ai! Nhưng ở Việt Nam bệnh dối trá có những đặc thù riêng. Nó bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc và việc lập nên chế độ hoàn toàn mới mẽ do giai cấp công nông lãnh đạo nhưng bắt buộc phải sử dụng các thành phần tư sản và trí thức với trình độ học vấn khác nhau và quan niệm sống cũng khác nhau trong guống máy chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước.Thật quả khó để mọi thành phần cùng tồn tại bên nhau nếu không dung túng thói giả dối, đạo đức giả hoặc trưởng giả. Đó là một bước"quá độ" không kém phần bi hài. Trãi qua nhiều biến cố lịch sử với những phong trào thi đua và những đợt đấu tố trong cải cách ruộng đất, nhân văn gai phẩm, cải tạo công thương, v.v...khiến xã hội bị xáo trộn, lòng người đảo điên. Những thời kỳ kinh tế khắc khổ kéo dài khiến con người ta trở nên bon chen và thủ đoạn. Tất cả tạo nên lối sống và tư duy phức tạp, thường  mang tính hai mặt, nói và làm không đi đôi với nhau. Trong thời kỳ bí mật những người cộng sản thường phải che dấu  tung tích của mình, kể cả phải thay tên đổi họ, tuổi tác, quê quán, thậm chí cả lai lịch bố mẹ, vợ con; trong nhiều trường hợp họ được “đặc cách” giữ kín những thông tin cá nhân, kể cả khi tham gia ứng cử, bầu cử hoặc khi đã nắm giữ một cương vị lãnh đạo quan trọng. Cách làm này là cần thiết trong thời kỳ bí mật, nhưng  là yếu điểm đối với một bộ máy công quyền trong thời bình. Đó là tình trạng không minh bạch về lý lịch cá nhân, kể cả tư cách đạo đức của người cán bộ từ cấp thấp lên cấp cao. Nó khuyến khích thói tự mãn và bao biện cùng với những thói hư tật xấu như tác phong gia trưởng, tệ sùng bái cá nhân, thói xu ninh, thủ đoạn câu kết, bao che lẫn nhau  để cầu lợi.  Thói “làm thì láo, báo cáo thì hay” và thói chạy theo thành tích vốn đã phát sinh từ thời kỳ XHCN ở miền Bắc cũng là những tác nhân gây ra căn bệnh dối trá. Cấp trên thích nghe lời hay ý đẹp, cấp dưới che dấu sự thật để được lòng cấp trên, do đó có những sự thật không bao giờ được nói tới. Và ngày nay dối trá đã  trở thành một lối sống ăn sâu bám rể trong toàn bộ xã hội mà ở đó ai không biết nói dối, không biết làm ẩu và không biết "ăn theo nói leo" thì không thể tồn tại. Người mắc bệnh dối trá mất cả cảm giác tự trọng để nhận ra lỗi lầm của mình hoặc nhận ra nhưng không chịu xin lỗi. Dối trá là môi trường dung dưỡng những kẻ bất tài, vô đạo đức nhưng thích làm quan. Dối trá là môi trường ẩn nấu tuyệt vời cho bọn tham nhũng. Dối trá là phương tiện trong tay những kẻ đương chức đương quyền để “sống mòn” với địa vị và quyền lực bất chấp lợi ích chính đáng lâu dài dân tộc.

Căn bệnh dối trá chính là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng không minh bạch (ngôn từ thời hội nhập) trong hệ thống công quyền Việt Nam ngày nay. Tình trạng thiếu minh bạnh thể hiện trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hôi, giáo dục, an ninh quốc phòng, v.v…Đâu đâu cũng thấy tình trang thông tin mập mờ, không đầy đủ hoặc bị bóp méo sai lệch bởi chính bộ máy hành chính công rất đông mà không mạnh. Mỗi khi cần giải quyết một việc gì người dân phải chạy vòng vo để tìm kiếm mà cũng không có gì để đảm bảo. Có thể nói hài hước rằng ở Việt Nam mọi thứ đều giả, chỉ có dối trá là có thật!  Tại đây mọi đứa trẻ sinh ra đã bắt đầu phải hứng chịu hậu quả của sự dối trá. Chúng lớn lên, đi học và đi làm đều ngụp lặn trong môi trường dối trá và thiếu minh bạch. Hầu hết mọi người Việt lớn bé đều tin rằng nói dối là khôn khéo cho được việc(!). Xã hội đầy rẫy những “ma hồn trận” do sự dối trá gây ra từ đồ ăn thức uống đến nhữg công trình xây dựng  .Có thể nói không ngoa rằng căn bênh dối trá đã và đang làm hỏng mấy thế hệ người Việt, và giờ đây đang tấn công vào lợi ích sống còn của dân tộc bằng cách phá hỏng mọi kế hoạch phát triển của đất nước. Bởi lẽ, một khi khái niệm đúng/sai đã bị đánh lộn sòng thì  mọi chủ trương chính sách, mọi kế hoạch, dự án của nhà nước dù đúng/sai cũng bị nghi ngờ, thậm chí bị phá sản. Có lẽ chưa bao giờ người dân tỏ ra không tin vào mọi quyết sách của nhà nước như bây giờ sau khi họ đã học được những bài học cay đắng do sự dối trá gây ra. Nói cách khác, người dân đã bị lừa dối quá nhiều bởi những thực tế phủ phàng, từ lý thuyết đến thực hành, bằng rất nhiều những công trình xây dựng kém chất lượng do bị các nhóm lợi ích đục khoét tham nhũng . Tuy mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm nhưng những vụ tham nhũng như PU 18, Lã Thị Kim Oanh, ODA Hành lang Đông-Tây, những vụ nhượng bán rừng và hầm mỏ cùng với những vụ thất thoát bạc nghìn tỷ của Vinashin, Vinalines, Dung Quất và của hàng loạt  “anh cả đỏ” đang trên bờ vực phá sản khiến dư luận xã hôi hết sức bất bình và bất tín. Sự kiện rò nước tại con đập Sông Tranh 2 hiện nay là một ví dụ điễn hình của loại "tội phạm kép"- tham nhũng và dối trá. Người dân không mất lòng tin sao được trước hàng loạt những vụ việc như nói trên. Dù không có hình thức bỏ phiếu thăm dò dư luận, nhưng bằng trực giác cũng có thể thấy uy tín của Đảng và của giới lãnh đạo đã giảm sút nghiêm trọng đến mức nào; giảm sút bi đát đến mức có hiện tượng phổ biến là mỗi khi thấy vị lãnh đạo  A,B,C…  xuất hiện trên TV người xem lập tức chuyển kênh hoặc tắt máy cho bỏ tức! Đã lâu rồi không còn nữa câu chuyện kính trọng và thần tượng lãnh tụ, thay vào đó là những thái độ miệt thị rất bi hài. Đó là sự thật. Và sự thật này đang tăng lên một cách đáng kinh ngạc trên quy mô cả nước. 

Thiết nghĩ, để thực sự chỉnh đốn Đảng và chỉnh đốn thành công, nên chăng trong nhiều việc cần làm thì việc đầu tiên là phải chữa trị căn bệnh dối trá đang lan tràn ở đất nước này. Ví dụ, người dân không thể chấp nhận những ứng cử viên vào các chức vụ lãnh đạo mà lý lịch không rõ ràng, thậm chí cha mẹ đích thực là ai cũng không biết. Bộ máy công quyền không thể cứ tiếp tục dung nạp mãi những tấm bằng dỡm có được bằng tiền hoặc các thủ đoạn dối trá. Không thể nói mãi "chính quyền của dân, do dân, vì dân" trong khi vẫn tiếp tục "hành dân" từ những công vụ đơn giản hàng ngày như khai sinh, khai tử, đăng ký hộ tịch...Thật phi lý khi chính quyền nắm trong tay mọi quyền lực, chức năng mà không thể bảo vệ được người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả và thực phẩm độc hại lan tràn. Một vấn đề cấp thiết nữa là, phải đảm bảo quyền của mọi công dân Việt Nam được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, minh bạch về chủ quyền toàn và vẹn lãnh thổ, biển đảo của tổ quốc mình. Nghịch lý thay, bên cạnh Điều lệ đảng còn có đến 19 điều cấm đối với đảng viên mà không sao ngăn chặn được tệ nạn dối trá, trong khi đó lại cấm đảng viên cùng nhân dân đấu tranh vì công lý và tiến bộ xã hội (?)./.    

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Người Việt có xấu xí ?

Lời giới thiệu : Lang thang trên mạng thấy bài này hay hay cóp về (và xin lỗi tác giả được cắt bớt một số đoạn cho ngắn gọn đồng thời thêm vài hình ảnh minh họa). Mọi người hãy chịu khó đọc nhé...sẽ thấy trong này có những idea độc đáo thú vị !
Tác giả bài này là ông Phan Thanh Tâm, nghe nói  là cháu năm đời của cụ Phan Thanh Giản. Trước 1975, ông làm ở Việt Tấn Xã, Sài Gòn. Sau 75, ông vượt biển trên một chiếc thuyền nhỏ 13 người từ năm 1976. Lưu lạc một tháng trời giáp một vòng bờ biển các nước Đông Nam Á, đâu đâu ông cũng bị người ta đẩy trở lui ra biển cả. Chặng cuối cùng là đảo Palawan, Philippines , thuyền được nhận trở lại vào bờ, nhờ sự can thiệp của một ông cố đạo người Ý đang coi một họ đạo tại đảo này. Ông là một trong nhũng «thuyền nhân» đầu tiên được đặt chân lên đảo nói trên. Bài này viết cách đây 6-7 năm rồi, với một phong thái thẳng thắn, nhưng ôn hoà, về một vấn đề tự-bản khá gay gắt. Tác giả sẵn lòng cho phép đăng lại để độc giả có dịp chia sẻ những suy nghĩ với ông. Dưới đây là nội dung bài viết.
 
Nhiều dân tộc đều nhận mình là xấu xí.   Bây giờ đến lượt người Trung Hoa. Cuốn Người Trung Hoa Xấu Xí xuất bản ban đầu ở Đài Loan; sau đó được tái bản ở lục địa. Họ đã biết nghĩ, tuy là môt nước lớn, văn hoá lâu đời, nhưng nếu cứ mãi ra rả về những cái vĩ đại thì theo nhà báo Bá Dương, tác giả cuốn sách, Trung Hoa sẽ đi đến chỗ diệt vong mà thôi». Chủ đích của tác giả Bá Dương là nếu muốn phục hưng dân tộc, phải bắt đầu bằng việc thừa nhận các khuyết điểm, sai trái của mình.
Đọc người rồi ngẫm đến ta. Tác giả Bá Dương, là nhà báo, nhà văn, nhà thơ và là sử gia, sinh năm 1920, chạy sang Đài Loan năm 1949, ở tù 10 năm vì các bài viết bị xem là phạm thượng. Ra tù ông đi diễn thuyết về hiện tượng Người Trung Hoa Xấu Xí. Cuốn sách gồm những bài nói chuyện của ông và của những người tranh luận với ông. Có người cho rằng nếu không đọc được sách của Bá Dương là một sự thiệt thòi lớn. Sách hấp dẫn hơn chuyện chưởng của Kim Dung vì nó khiến thiên hạ phải đọc người rồi ngẫm đến ta. Thấy sao nó giống dữ vậy. Giống dễ sợ. Theo ông, văn hoá Trung Hoa đã biến thành một đầm nước chết, càng lâu càng thối, thành một vại tương rồi. Đăc tính rõ nhất của người Trung Hoa là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Có nhiều nơi, nếu người Trung Hoa đến ở là những người khác dọn đi.
Bất kỳ ở chân trời góc biển nào hễ có người Trung Hoa là có cắn xé nhau. Mỗi người Trung Hoa đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư. Nhưng nếu ba người Trung Hoa họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi. Người Trung Hoa vĩnh viễn không đoàn kết được. Mỗi người lại còn có đầy đủ lý do để có thể viết một quyển sách nói tai sao họ lại không đoàn kết. Bất cứ xã hội người Hoa nào it nhất cũng phải có 365 phe phái tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Họ chưa biết tầm quan trọng của sự hợp tác; nhưng họ có thể viết ngay cho anh xem một quyển sách nói tại sao cần phải đoàn kết, hay ho đến Thượng Đế cũng có thể khóc được. Những thói xấu đó đã thâm căn cố đế. Cái loại triết học xâu xé nhau đó lại đẻ ra nơi chúng ta một hành vi đặc thù khác: chết cũng không chịu nhận lỗi. Họ thích nói khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói những lời độc địa. Hễ cứ có dính đến lập trường chính trị hay tranh quyền đoạt lợi là những lời nói độc địa sẽ được tuôn ra vô hạn định.
Người Trung Hoa sống tại Mỹ cũng vậy, nào cánh tả, cánh hưũ, trung lập, độc lập, thiên tả, trung, trung thiên hưũ, hưũ thiên trung vân vân và vân vân, chẳng biết đường nào mà mò. Người này đối với kẻ nọ đều mang mối cựu thù như nó giết bố mình. Thật không hiểu là thứ dân tộc gì? Đối xử với người Trung Hoa tệ hại nhất không phải là người nước ngoài, mà chính là ngươi Trung Hoa với nhau. Bán rẻ, hăm doạ người Trung Hoa lại không phải là người Mỹ mà là người Hoa. Người Tây Phương có thể đánh nhau vỡ đầu rồi vẫn lại bắt tay nhau, nhưng người Trung Hoa đã đánh nhau rồi thì cưù hận một đời, thậm chí có khi báo thù đến ba đơi cũng chưa hết. Sống trường kỳ trong cái hũ tương lâu ngày quá tự nhiên sinh ra thói cẩu thả. Một mặt tự đại khoe khoang, còn mặt khác tự ti, ích kỷ; không có can đảm dám khen người khác, chỉ có dũng khí dùng để đả kích kẻ khác; chửi bới sau lưng; yêu thì sợ chúng cười, ghét thì sợ chúng thù. Họ vĩnh viễn không thể nào so sánh được với người Do Thái, chỉ cần so sánh với người Nhật, ngươi Đại Hàn là cũng thấy bị thua tới cả trăm nghìn năm ánh sáng rồi.
Người Hoa sợ sệt đủ mọi thứ trên đờì. Cái não trạng hãi sợ này đã nuôi dưỡng bao nhiêu bạo chúa, làm tổ ấm cho bao nhiêu bạo quan. Vì vậy bạo chúa, bạo quan không bao giờ bị tiêu diệt, và đã biến dân tộc Trung Hoa thành một dân tộc hèn mọn. Sức tưởng tượng, óc suy xét, tư tưởng của giới trí thức bị bóp chết, xơ cứng. Trong 4000 năm, từ Khổng Tử trở đi, không còn có một nhà tư tưởng nào lớn nữa. Cái hũ tương văn hoá, cái hũ tương thối làm cho người Trung Hoa xấu xí, không thể dùng tư tưởng của mình giải quyết, phải bắt chước, phải dùng cái tư tưởng của kẻ khác; lớn lên trong tham ô, hỗn loạn , chiến tranh, giết chóc, bần cùng, cho nên chẳng bao giờ có cảm giác an toàn, lúc nào cũng hoảng hốt, lo âu. Trung Hoa diện tích rộng thế, lâu đời thế mà người Hoa lại có một tâm địa thật hẹp hòi, không muốn ai hơn mình. Phải chăng Thượng Đế đã phú cho chúng ta có một nội tâm xấu xa?
Trên đây là những đoạn trích các ý tưởng trong sách của nhà báo Bá Dương. Ai cũng biết, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Hơn một ngàn năm bị đô hộ, lại sống sát nách một kẻ như thế, chẳng lẽ ta gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn?
Họ (Tàu) sao ta (VN) vậy hay ta tệ hơn thì chẳng có gì lạ cả. Hơn nữa, mỗi dân tộc có mỗi bệnh trạng xã hội. Bệnh trạng của ta cọng thêm bệnh trạng của anh bạn láng giềng thì chắc phải hết thuốc chữa; hèn gì nước ta lúc nào cũng loay hoay như gà mắc đẻ, lệt bệt đi sau hửi đít thiên hạ. Nếu văn hoá Trung Hoa đã biến thành một cái hũ tương thối thì văn hoá ta là cái hũ gì? Hũ vàng hay là hũ mắm thối? Còn Người VN ra sao? Thử nhìn thoáng vào gương xem.

Mẫu người Việt Nam
Trong cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim có đoạn tả tính tình người VN trước năm 1930 như sau: Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người VN có cả các tính tốt và các tính xấu.
Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lấy sự nhân nghĩa, lễ, trí, tín làm năm đạo thường cho sự ăn ở.
Tuy vậy cũng có hay tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hoà bình, nhưng mà đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỹ luật. Tâm đia thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang, và ưa trang hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma, tin quỷ, sùng sự lễ bái nhưng mà vẫn không nhiệt tin tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn. Đàn bà thì hay làm lụng và hay đảm đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ moi việc mà lại biết lấy việc gia đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con,thường giữ được các đức tính rất quý là tiết, nghĩa, cần, kiệm.
Nơi nào có vỉa hè là có hàng ăn  nhếch nhác
Với mẫu người nói trên và nếu cho rằng, văn hoá là sinh hoạt, ta không hiểu văn hoá ta là văn hoá gì, lại có thể sinh ra một tay gian hùng nhưng rất thành công như Trần Thủ Độ. Việt Nam Sử Lược của học gỉả Trần Trọng Kim cho biết, vì cốt gây dựng cơ nghiệp cho nhà Trần, dù tàn bạo đến đâu Trần Thủ Độ cũng làm cho được. Ông đã chôn sống cả giòng họ Lý. Trước đó, Trần Thủ Độ nói với vua Lý Huệ Tông, tuy đã bỏ ngôi vua, xuất gia đi tu, môt câu để đời “nhổ cỏ thì phải nhổ cả rể cái”. Trong khi đó, Nguyễn Trãi, đại công thần của vua Lê Lợi, thảo ra Bình Ngô Đại Cáo, môt bản văn chương giá trị, và là tác gỉả câu đầy tình người 'Thương người như thể thương thân', trong tập Gia Huấn Ca, thì lại bị giết cả họ vì bị kết tội là dùng người thiếp đẹp và giỏi thơ, Nguyễn Thị Lộ, để mưu hại nhà vua. 
Trong cuốn Từ Thực Dân Đến Cộng Sản, tác giả Hoàng văn Chí cho biết, vào những năm 1954 và 1956, khi Cộng Sản Việt Nam đem chiến thuật «Cải Cách Ruộng Đất» của Mao Trạch Đông, áp dụng tại Bắc Việt, mới thấy người mình sao lại có đầu óc nô lệ dữ vậy. Đúng như cụ Trần Trọng Kim phê bình: «Từ tư tưởng cho chí công việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương. Hễ ai bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở». Mà theo Bá Dương, Trung Hoa hiện tại còn là một nước dã man nguyên thuỷ, thì việc Cộng Sản Việt Nam đưa ra phương châm: “thà sai hơn là bỏ sót” trong khi phát động chiến dịch long trời lở đất nói trên cũng là điều hiển nhiên thôi. Ở các nước văn minh thì khác. Nguyên tắc luật pháp của CSVN là: thà bắt lầm hơn tha lầm. 
Mạng nhện các loại giây điện thể hiện tính cách  người Việt 
Mặt khác, trên sân khấu chình trị nước ta có một “diễn viên kỳ tài”, chữ của nhà văn Vũ Thư Hiên khi nói về Hồ Chí Minh, một người làm cách mạng chuyên nghiệp, được huấn luyện tại Nga, tên thật là Nguyễn Sinh Cung. Ông tiến, ông thoái, khi hai bước, khi ba bước, khi khóc, khi cười, khi ôm hôn thắm thiết, biến ảo khôn lường. Cả thế giới đều nghe danh ông. Cho đến nay chưa ai biết rõ «con đường bác đi». Theo giáo sư Nga Anatoli Sokolov, chuyên viên Liên Sô về Việt Nam Học, tại Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Phương ở Mạc Tư Khoa, trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, ông có trên 150 bí danh. Để cho «chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới» ông sẵn sàng mua chiến thắng đó *«dẫu phải đốt sạch cả dãy Trường Sơn» hay phải «đánh Mỹ đến người VN cuối cùng». Không hiểu khí thiêng sông núi VN thế nào mà lại có thể sinh ra một con ngươi kỳ dị như vậy? Chính ông đã gây ra bao cuộc bể dâu, chết chóc.
Hồi thập niên 60, có bài Tâm Ca Số Năm của Phạm Duy mang tên Để Lại Cho Em nói lên thực tế của đất nước: «Bây giờ chỉ còn là một mảnh đất bị chia cắt, cày xới lên bởi bom đạn. Hận thù nhân danh chủ nghĩa, bạo lực vênh vang bề thế»; và «Đường về tương lai nghẽn lối». Thế hệ đàn anh chỉ đề lại «những giả dối, đê hèn, và vụng dại». Bài hát lưu hành ở miền Nam rồi rơi vào quê lãng, bị át bởi tiếng xe tăng, máy bay, hoả tiển, AK, M16. Vũ khí này được cung cấp bởi các nước đồng minh của hai miền Nam Bắc. Đó là hệ quả của việc tìm đường cứu nước của bậc tiền bối. Kẻ đi Tàu, đi Nga, ngưòi đi Tây, đi Nhật, đi Mỹ. Ai cũng cho là thuốc mình mang về là thuốc tiên; nhưng vì muốn độc quyền trị nước nên VN thành nơi thử lửa cuộc chiến tranh lạnh. Nước ta hết nạn hủ nho, thì đến nạn hủ Marx, hủ Mao. «Tôi không có tư tưởng ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác Lê Nin ». Hồ Chí Minh đã khẳng định như thế (1).
Trong ba mươi năm nội chiến từng ngày, nửa nước từ con sông Bến Hải trở ra Bắc theo Nga, theo Tàu; nửa nước phía Nam chống lại bằng dựa vào Tây, vào Mỹ. Cuối cùng miền Nam sụm vì đỡ hoài thì ắt có ngày bị đánh gục. Lại nữa, Hoa Kỳ rút lời cam kết, ngưng viện trợ. Chỉ nội hai tháng 03 và 04 năm 1975, cả một chế độ tan tành. Khôn sống, mống chết. Tướng tá cao chạy xa bay, tìm đường thoát thân. Trong lúc trời đất nổi cơn gió bụi mới thấy nhân tài, khôn lanh thì nhiều như lá mùa Thu, còn tuấn kiệt thì như sao mai buổi sớm. Có bao nhiêu người đứng lại chịu chết, chịu tù, chịu nhục, chịu chia sẻ với thuộc cấp? Anh hùng tất phải hiếm. Điều đó dễ hiểu. Nhưng đâu rồi câu hát “Dân ta hằng anh dũng, dân ta vẫn oai hùng, dân ta dù nguy biến không nao”?
Ảnh tư liệu chiến tranh Việt Nam: Giết người máu lạnh...
Ngày 30/04/1975 là ngày phơi bày rõ ràng bộ mặt của cấp lãnh đạo hai miền: Miền Nam hèn kém, miền Bắc xảo trá, đê tiện, đầu óc nô lệ. Sau khi chiếm Sài Gòn, nhà cầm quyền Cộng Sản tìm cách tiêu diệt các thành phần tinh nhuệ bằng học tập cải tạo và vơ vét, cướp bóc tài sản của miền Nam một cách có hệ thống bằng hai chữ quản lý. Họ lại đốt sách báo và cấm lưu trữ các sản phẩm văn hoá cũ như thời Tần Thuỷ Hoàng. Họ cố xoá bỏ căn cước của dân miền Nam. Dân miền này không thấy được giải phóng mà thấy mình là dân bị trị, bị người anh em làm nhục, trả thù vì thế mới có chuyện người Việt dù chết vẫn tìm cách lao đầu ra biển, làm mồi cho hải tặc, cho sóng dữ. Đến ngay «cả cái cột đèn nếu biết đi cũng còn muốn bỏ nước ra đi». Dân tộc VN, có quá khứ dài lâu; anh em như thể chân tay, sao lại không thể sống chung với nhau, mà lại đi ra xứ người sống với thiên hạ?

Con Rồng Cháu Tiên?
...và kẻ có quyền đạp mặt người dân
Sau thế chiến thứ hai, chỉ trong vòng 20 năm, hai nước chiến bại, Đức và Nhật đã phục hưng nhanh chóng, trở thành cường quốc kinh tế. Ông Bá Dương đã ví họ, “chẳng khác nào, một anh khổng lồ ba đầu sáu tay, đùng một cái bị đánh gục xuống đất, một lúc sau từ từ hồi tỉnh, đứng dậy phủi quần aó bước đi, vẫn đường đường là một hảo hán”.
Còn nước ta, Việt Nam là một nước nghèo. Đời sống nói chung so với các nước ở Đông Nam Á hãy còn thấp. Theo tin báo, nhà nước lại tăng cường tốc độ các bức tường lửa để kiểm soát các ngươì vào Internet. Người dân chưa được tự do sử dụng máy in, một phát minh từ thế kỷ 15 của ông Johann Gutenberg. Mọi ấn phẩm đều phải có giấy phép của nhà cầm quyền. Ở thời đại tin học mà còn phải làm báo chui, báo lậu như tờ Thao Thức của một số sinh viên thì phải kể là chuyện lạ bốn phương.
Tháng 05/1999, nhà văn Dương Thu Hương , từ trong nước đã gửi lén ra Hải Ngoại một đoản văn. Theo bà: “sau chiến tranh ngót một phần tư thế kỷ, trên dải đất này vẫn chỉ nghe rõ tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen trên các nghĩa địa nối dài từ bắc vào Nam, từ nam ra Bắc” và «Chiến tranh không làm cho các công dân chín chắn hơn, khôn ngoan hơn, sử dụng quyền công dân mạnh bạo hơn mà ngược lại nó khiến đám đông hèn nhát hơn, dễ thoả hiệp hơn vơi sự nhục nhã, dễ cúi đầu hơn trước tội ác». Tại sao vậy? Ông Nguyễn Gia Kiểng, thuộc nhóm Thông Luận trong bài Vết Thương 30/04/1999 cho rằng: "Đó là vì dân tộc ta đã rã hàng, mỗi người tự thấy mình cô đơn, có muốn cũng chẳng làm được gì. Đó cũng là vì đã quá chán đất nước, đã mệt mỏi, đã mất ý chí và lòng tự hào. Đảng Cọng Sản VN không phải chỉ đánh gục phe quốc gia hay miền Nam. Họ đã đánh gục được cả dân tộc VN. Chúng ta đã bị đả thương quá đau nên không thể đứng dậy».
Còn Hải Ngoại, được coi như là một VNCH nối dài thì thế nào? Tờ báo Hợp Lưu số 49 viết: «có nước nào trên thế giới chỉ bé tí bằng lỗ chân lông như Bolsa tiểu quốc, thế mà cái gì cũng thặng dư lạm phát. Báo chí thì rợp trời kín đất như lá mùa Thu. Văn bút thì chúng tôi có đến nhị vị chủ tịch (dù bây giờ chả còn ai trên thế giới công nhận, nhưng mặc xác thế giới, chúng tôi cứ là văn bút, cứ là chủ tịch, làm gì nhau?), cộng đồng cũng đương kim hai ngài Tổng Thống (dù thật thà mà nói, trông mặt các ngài, con nít sẽ khóc thét như gặp ma, người lớn sẽ nôn nao ruột gan muốn ói), và chính phủ lưu vong cùng đảng phái yêu nước, nói không phải khoe, trung bình mỗi tháng mọc thêm chừng mươi cái, nhanh, nhiều như nấm dại mùa Đông». Sang đây, mất tất cả, thiên hạ mơ có quyền lực, mong có cái danh. Ông nào cũng tự cho mình có sứ mệnh, như «ai bao năm từng lê gót nơi quê người» của thuở nào. Vàng thau lẫn lộn, không biết đâu là thật, đâu là giả.
Năm 1958 hai tác giả William J Lederer và Eugene Burdick cho phát hành cuốn The Ugly American (Người Mỹ Xấu Xí), nói về thói hư, vụng về, ngu dốt, tham nhũng, dốc tướng, của các chính khách Mỹ. Cuốn sách gây xôn xao trong chính trường Hoa Kỳ, bán rất chạy. Hơn sáu triệu ấn bản được bán ra. Tổng Thống Mỹ Eisenhower phải cho thành lập một uỷ ban gồm chín nhân vật có uy tín để duyệt xét lại các chương trình viện trợ quân sự. Thượng Viện Hoa Kỳ cùng lập một nhóm nghiên cưú cuốn sách và gửi cho mỗi Nghị sĩ mỗi người một cuốn. Ông Bá Dương viết, họ có năng lực sửa sai, tự điều chỉnh mình. Thay vì lấy tay che đít, họ nói toáng lên cho mọi người biết “'tôi có bệnh trĩ đây”. Họ có được cái trí tuệ và dũng cảm, tìm cách sửa đổi và giải quyết một cách thoả đáng những lỗi lầm.
Nước Việt Nam cứ lẩn quẩn trong vòng chậm tiến, cũng «hoang mang lúng túng chẳng kém các cụ nhà Nho cách đây một thế kỷ» là vì ta không biết mình biết ta. Ta cần có một cuốn Người Việt Xấu Xí để «nôn ra được tất cả những thứ dơ bẩn trong ruột», rồi tìm ăn những thứ có chất dinh dưỡng tốt, giúp ta có thể tự phản tỉnh. Bỏ chuyện tự kiêu hão, giấy rách giữ lấy lề hay đói cho sạch rách cho thơm, thẳng thắn nói lên những tệ hại của dân tộc mình, để cùng nhau cải tiến. Trong thế kỷ và thiên niên kỷ mới, nhân loại đang tiến nhanh tiến mạnh trong cuộc cách mạng truyền thông, chúng ta phải lẹ lẹ lên. Chậm thì chết. Chúng ta hãy hè nhau vạch áo cho mọi người cùng xem, nếu không, thay vì Con Rồng Cháu Tiên lại trở thành Con Khùng Cháu Điên mất. Phải không quý vị?

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Biển Đông: Trung Quốc nên học bài của người Mỹ

Trong dân gian có những câu ngụ ngôn về sức mạnh  như “Cá lớn nuốt cá bé”, “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần vườn”, v.v... rất đúng với thế giới động vật hoang dã, nhưng không hẳn lúc nào cũng đúng trong thế giới loài người, nhất là loài người văn minh của thế giới hiện đại . Đáng tiếc là, những thế lực “diều hâu” ở Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục nhầm lẫn về điều này. Họ không ngớt lời kêu gọi tăng cường sức manh quân sự để thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông. Họ không hiểu rằng ngoài sức mạnh và khoảng cách, còn  một  yếu tố quyết dinh hơn đó là đạo lý. Đó là sai lầm của họ, nhưng để trả giá cho sai lầm đó của họ, chắc chắn không chỉ có họ mà còn đối với hàng triệu người Trung Quốc và các dân tộc khác, nhất là khi một cuộc chiến nổ ra tại đây.  
Thoạt nhìn tưởng rằng sở dĩ nước Mỹ kiếm soát được Thái bình dương (TBD) chỉ là nhờ sức mạnh. Từ cách tư duy sai lầm đó, người Trung Quốc giờ đây cũng cho rằng khi đất nước họ đủ mạnh thì đương nhiên cũng phải được quyền kiểm soát, chí ít là phần phía Tây của TBD (!?). Cách tư duy này có lẽ không chỉ ám ảnh trong đầu óc giới diều hâu  mà còn lan sang phần lớn người dân nước này, nhất là khi nó được dung túng bởi giới lãnh đạo đất nước trong nhiều năm nay. Họ một mặc lên án sự thống trị của các thế lực thực dân nước ngoài khiến Trung Quốc bị suy yếu, thất thế và thua thiệt trong quá khứ, một mặt lại kích động tâm lý sức mạnh để thực hiện cái gọi là "đòi lại" những vùng lãnh thổ và biển đảo mà họ cho là "đã mất", trong đó có biển Đông. Về mặt nào đó thế giới có thể cảm thông với cái quá khứ đáng đau buồn của nhân dân Trung Quốc. Nhưng ý đồ độc chiếm biển Đông như một “lợi ích cốt lõi” thì thật là một sự tính toán sai lầm đầy nguy hiểm.
Sự nhầm lẫn chủ yếu nằm ở chỗ họ không thấy sự khác nhau giữa hai khái niệm CHIẾM GIỮ và KIỂM SOÁT. Cụ thể là, về vị trí địa lý, trường hợp nước Mỹ hoàn toàn khác với trường hợp Trung Quốc : Mỹ hầu như không bị quốc gia nào khác đứng ra tranh chấp chủ quyền tại bờ Đông của TBD (tức là bờ Tây của nước Mỹ), trong khi Trung Quốc nằm ở bờ Tây TBD với hàng chục quốc gia ven bờ và quốc gia quần đảo vây quanh - tất cả đều được hưởng quy chế quốc tế đầy đủ liên quan đến các quyền lợi về biển và đại dương . Nói cách khác, Trung Quốc chỉ là một trong số nhiều quốc gia cùng chia sẻ lợi ích tại đây, trong đó có biển Đông vốn đã thuộc quyền kiểm soát của các quốc gia ĐNẤ khác nhau. Hai là, từ trước đến nay chưa có một quốc gia nào kể cả Mỹ , Nhật Bản, đã thực sự chiếm giữ biển Đông; có chăng tùy thời kỳ họ chỉ thực thi sự kiểm soát trên thực tế đối với vùng biển này mà thôi. Nhật Bản đã chiếm đóng một số đảo nhỏ tại đây trong thời kỳ thế chiến II nhưng đều phải giao trả lại cho các bên trong vùng sau Hội nghị San Francisco năm 1945. Ngay cả Mỹ chỉ thực thi quyền kiểm soát đối với Thái bình dương, kể cả biển Đông chứ chưa bao giờ có quyền chiếm giữ tại đây.  Và sự kiểm soát đó không chỉ  nhờ sức mạnh mà chủ yếu nhờ biết tranh thủ được sự đồng tình của các quốc gia trong khu vực. Một số căn cứ của Mỹ đã được thiết lập tại đây đều dựa trên cơ sở thỏa thuận với các chính quyền sở tại và đều có thời hạn nhất định. Nói cách khác, nếu  không được sự ủng hộ của các quốc gia  Đông Á và ĐNA thì dù mạnh bao nhiêu Mỹ cũng khó mà làm được điều đó. Cụ thể là, Mỹ đã lợi dụng trạng thái đối đầu "hai phe" trong thời kỳ chiến tranh lạnh để tranh thủ quan hệ với các quốc gia đồng minh tại khu vực nhằm thực thi quyền kiểm soát đối với toàn bộ bờ Tây Thái bình dương. Trong quá trình đó Mỹ không có ý đồ chiếm giữ đối với biển Đông; và nếu có ý đồ đó, chắc chắn đã bị thất bại trước sự chống trả của chính bản thân các quốc gia trong khu vực. Biểu hiện rõ nhất của điều này là sự lung lay của vị thế kiểm soát của Mỹ tại Châu Á –TBD ngay sau chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975 và tiếp theo sự kết thúc của cuộc chiến tranh lạnh từ những năm 1990. Lúc đó Mỹ không còn có cớ để ve vãn các nước trong khu vực, và ngược lại các quốc gia ĐNA, kể cả Hàn Quốc và Nhật Bản, đều muốn nhân cơ hôi này để thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ. Người Mỹ đã bắt buộc phải ra đi trong bối cảnh đó.
Tuy nhiên về phần mình, người Trung Quốc, có thể vì quá tham vọng và ngạo mạn hoặc vì một lý do nào đó, không nhận thức được điều này nên đã phạm phải một sai lầm rất nghiêm trọng việc lựa chọn cách sử dụng sức mạnh để chiếm giữa biển Đông. Sai lầm cơ bản này khiến họ đánh mất cơ hội để tiến tới thay thế vai trò kiểm soát vùng biển phía Tây của TBD, trong đó có biển Đông. Nói cách khác người  Trung Quốc không nhận thấy tính “bất khả thi” của ý đồ độc chiếm đối với  biển Đông. Đây chính là nguyên nhân thất bại của họ như ta có thể thấy cho đến nay. Còn nhớ cảnh tượng các quốc gia Đông Nam Ấ, kể các các nước cựu thù trong thời kỳ Maoist, đã hân hoan chìa tay kết thân với Trung Quốc đại lục như thế nào…để rồi phải thụt tay lại như trường hợp Philippines, Indonesia, Malaysia, v.v...khi Trung Quốc thè cái “lưỡi bò” vào bên trong vùng biển của họ. Kết cục là Mỹ đã lại được hoan nghênh để quay lại đóng vai trò kiếm soát tại đây. Đó há chẳng quá đủ để người Trung Quốc tự rút ra một bài học rằng họ dù là nước lớn nhất nhì thế giới cũng có thể sẽ không bao giờ có thể kiểm soát được vùng biển xung quanh nếu vẫn tiếp tục với quan điểm chiếm giữ dù chỉ là một cm2 biển đảo vốn không thuộc chủ quyền hợp pháp của họ tai đây. Lý do đơn giản là vì, bất cứ một ý đồ chiếm giữ  nào như vậy đều sẽ không thể chấp nhận bởi các quốc gia trong vùng. Và lợi ích đó của họ hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.  Ngay cả trường hợp Trung Quốc một ngày kia có trở nên mạnh bằng hoặc hơn Mỹ cũng không thể thực hiện được ý đồ chiếm giữ như vậy. Nói cách khác, muốn tiến tới có một vai trò kiếm soát  tại biển Đông, Trung Quốc không có cách nào khác là phải học bài học của chính nước Mỹ, đó là chỉ có cách khôn khéo gây ảnh hưởng để thực thi quyền kiểm soát và tuyệt đối từ bỏ ý đồ chiếm giữ đối với biển Đông. Bài học tưởng đơn giản nhưng có lẽ không dẽ học đối với một nước như Trung Quốc. /.


Tìm kiếm Blog này