Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Dưới đây là trích đoạn chuyện kể lại của một cựu chiến sĩ hải quân đã từng trực tiếp đối mặt với “giặc biển Trung Quốc” trong chiến dịch lẫn chiếm Trường Sa cách nay đúng 23 năm chẵn (đăng trên tuần vietnamanet nhân kỷ niệm lần thứ 23 ngày quân Trung Quốc lấn chiếm Trường Sa)
Trích dẫn:
Buổi sáng sớm ngày 14/3/1988, HQ 505 và HQ 604 đang neo giữ đảo Gạc Ma thì tàu Trung Quốc kéo đến. Anh Dương kể lại một cách lõm bõm: “Họ gọi loa bằng tiếng Việt: “K2 (mật danh của tàu HQ 604) rời đảo ngay. Đây là lãnh thổ của CHND Trung Hoa”. Tôi mới ngủ dậy, mặc độc cái quần đùi. Lúc đầu tôi còn trêu chọc họ cơ. Mình cầm bánh lương khô dứ dứ, họ cũng dứ lại, lương khô của họ còn to hơn! Thế rồi tàu Trung Quốc lùi lại cách đảo chừng hơn 1 hải lý (khoảng 1,8 km) rồi dùng tất cả hỏa lực bắn xối xả vào cả tàu và đảo. Anh Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng của HQ 505, bèn lệnh cho tàu lao vào Cô Lin. Đối phương bắn như vãi đạn, đúng khi tàu ta đang đổ bộ…”. Cùng lúc đó ở hướng đảo Len Đao, hải quân Trung Quốc bắn rát vào chiếc tàu thứ ba, HQ 605.
HQ 505 cháy một mảng lớn. HQ 604 chìm dần. (Còn HQ 605 chìm vào ngày hôm sau, 15/3). Anh Dương cùng đồng đội nhảy xuống biển, bơi về phía đảo Gạc Ma. 9 người bị phía Trung Quốc dùng câu liêm kéo lên, bắt được. Riêng anh bị trúng một nhát câu liêm vào đầu, máu chảy loang đỏ nước, choáng tới mức chìm xuống rất sâu nhưng rồi bị sặc, lại cố ngoi lên, bơi vào bờ. Tới nơi thì do kiệt sức, mất máu, anh ngất đi, được đồng đội sơ cứu rồi dùng xuồng nhôm rút khỏi đảo.
Nguyễn Duy Dương may mắn chỉ bị thương nhẹ. Khi tỉnh dậy, anh mới biết không còn đồng đội nào trên tàu HQ 604 ở bên mình nữa. Người tử thương vì đạn, người chìm theo tàu, người bị bắt.
…….
Nghĩ lại về ngày 14/3 cách đây 23 năm, anh Dương trầm ngâm: “Nói rằng chúng tôi hồi đó hơi chủ quan thì không biết có đúng không, nhưng chẳng ai nghĩ là bên kia sẽ nổ súng, nã pháo, tấn công trên biển cả, cứ tưởng chỉ gây hấn thế thôi. Mỗi người được trang bị một khẩu AK nhưng lúc đó không ai mang súng theo người, để hết ở khoang hàng. Cuối cùng khi chiến sự xảy ra, bên tàu mình tay không, không một tấc sắt. Mà kể cả có vũ khí thì nói chung cũng không tốt, sự phòng bị về căn bản không đáng kể. Trang thiết bị của ta lúc đó đã quá cũ rồi. Tàu ta là tàu 400 tấn, nhập của Trung Quốc từ thời chiến tranh. Tàu đối phương khi ấy lớn gấp cả chục lần ta”.
Anh Dương thổ lộ: “Anh em chúng tôi mong bằng cách nào đó, Việt Nam phát triển tiềm lực quân sự, hải quân, chứ chiều dài đất nước hơn 3.200 km bờ biển mà lực lượng mỏng, trang thiết bị cũ kỹ thì nếu chẳng may có sự cố gì, sẽ ứng phó rất chậm”.
Hết trích dẫn
Trên đây chỉ là môt trong hàng trăn nhân chứng sống nói về các trận chiến không cân sức  giữa ta và địch Trung Quốc, không chỉ trên biển mà cả trên bộ, kể từ  sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975. Qua đó toát lên một “thông điệp” chung nhất là sự yếu thế về quân số và hỏa lực là một chuyện, nhưng yếu do bị đánh bất ngờ mới là điều nguy hại hơn nhiều.
Hoàn toàn không thể trách cứ những người lính mà phải trách những người mang sứ mệnh chèo lái con thuyền đất nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, bằng thực tiễn mấy chục năm nay đã cho thấy có sai lầm về đường lối trong cách ứng phó với chủ nghĩa bành trướng Phương Bắc, kẻ ngoài miệng luôn nói lời vàng, viết chữ son": đồng chí tốt, láng giềng tốt ... , nhưng trong lòng  lúc nào cũng coi ta là vật cản trên con đường bành trướng của họ. Họ sử dụng ta để đánh kẻ thù ...rồi lại bán đứng ta, chiếm đất và biển đảo của ta lúc nào họ muốn. Chỉ tiếc sao  ta quá chậm nhận ra điều này? Hay nhận ra rồi mà vẫn ảo tưởng vào lòng “từ bi” của họ? Hay nhận ra tất cả rồi nhưng chỉ vì  lơị ích cá nhân thiển cận nên đành chủ trương “dĩ hòa vi quý” một cách ươn hèn bất chấp lợi ích lâu dài của dân tộc? Vì ươn hèn mà nghĩ ra đủ cách để tránh né đối đầu với địch, thậm chí còn "dạy khôn" nhân dân rằng “phải mềm mỏng, khôn khéo với... kẻ thù! ”. Rõ là khôn quá hóa dại! Một khi đường lối không rõ, thái độ không dứt khoát  thì làm sao chỉ đạo cấp dưới sẵn sàng và kiên quyết chiến đấu (?). Còn nhớ bao lần bị quân Trung Quốc đánh, quân ta đều trong trạng thái bất ngờ. Ngay trước cuộc chiến tranh biên giới đầu năm 1979 Đặng Tiểu Bình đi Mỹ đã cố ý công khai ý đồ "đánh Việt Nam..." để thăm dò dư luận. vậy mà ta chẳng tin (?) Đến khi quân địch tràn qua biên giới,  quân ta vẫn trong tư thế như ngày thường, dân không kịp sơ tán… Mấy lần địch tấn công lấn chiếm Trường Sa cũng vậy. Câu chuyện của người Lính trên đây cho thấy rõ điều đó: Đi làm nhiệm vụ mà không mang theo vũ khí;  địch sắp bắn vào ta mà lính ta vẫn đùa với chúng…  Thật đau đớn!!!
Liệu quân dân ta còn bị bất ngờ đến bao giờ? 
                                                                                                         Hà Nội, ngày 14/3/2011

*****

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác Trần Kinh Nghị, có phân tích thật rạch ròi. Tôi xin về đăng lại, thêm lời bình của mình.
    Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, người lính lấy máu mình hoà vào Biển Đông. Xem đi xem lại cả chục lần đoạn video, trong tôi lúc nào cũng dâng trào cảm xúc.
    Thương các anh công binh và các tàu vận tải của ta, thành những cái bia bắn tập của chúng. Đau lòng quá các anh ơi! Những anh hùng đã ngã xuống vì Tổ Quốc, một cách vô vọng. Những anh hùng đã hy sinh trong căm hờn oan ức.
    Tôi tự hỏi, mất đảo và quyền kiểm soát biển, xem lại hình ảnh trên, giới lãnh đạo và đầu não quân đội Việt Nam lúc ấy họ có tự vấn lương tâm mình không? trách nhiệm họ đến đâu?
    Ngay năm 1975, ta đã đưa quân ra chiếm đóng các đảo thay VNCH, tức là ta đã ý thức tầm quan trọng của quần đảo Trường Sa và đã thấy trước cục diện sẽ tranh chấp. Nhưng Bộ chính trị và bộ tham mưu QĐNDVN thiếu chủ động về chiến lược, còn mơ hồ sau cú đập choáng váng của "đồng chí mình" năm 1979. Hải quân Việt Nam yếu kém về phương tiện, tại sao không xin Liên Xô phương tiện để tạm đủ sức đánh nhau trên biển.
    Dưới góc độ người línhL:
    "Tao có tét gáo thì mày cũng vỡ đầu" chết cũng cam!
    1974, VNCH mất Hoàng Sa nhưng họ đã chơi ngang ngửa với TQ. Còn ta, 1988 như mọi người đã thấy.
    Tiếp theo là gì trên biển Đông? Có điều chắc chắn là TQ không bao giờ từ bỏ mộng bành trướng bá quyền và chúng không hề chùn bước, chúng đang chờ thời cơ đến.
    Lịch sử đã chứng minh, nòi giống Lạc Việt luôn kiêu hãnh và nhân dân không bao giờ hèn.

    Trả lờiXóa
  2. Khả năng an ninh và tình báo của ta đã được thử thách và chứng minh qua chiến tranh, nhưng ở đây lại là một dấu hỏi lớn, người ta biết rõ mật danh tàu mình (an ninh kém ), không biết ý đồ địch (tình báo dở )

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Tìm kiếm Blog này